MÔT THOÁNG NAM ĐỊNH.
Ở phần đầu, ta đã biết về lai lịch Ngã Ba Tuần Vường. Ở đây lần nữa, ta lại biết thêm một chút về Tuần Vường, tưởng cũng chẳng là thừa.
Kẻ viết những dòng này còn nhớ rất rõ là hồi đang bảy tuổi (lúc chưa bắt đầu đi học), thì ông già vừa 55 tuổi, là đúng tuổi về hưu. Ông hồi đó là giáo viên trường Tiểu học Jules Ferry của thành phố Namđịnh, cũng còn gọi là Trường Trong, tạo lập trên bề mặt của một thành quách cũ (còn Trường Ngoài là ở đâu thì chưa rõ), nên mới có câu thơ sau đây của LAN SƠN tả về ngôi trường cũ :
Ngàn cây xanh ngắt mảng tường thành
Ngày ông về hưu, tôi được biết trước ít lâu, và cũng đã được về quê trước đó ít hôm để mà chuẩn bị dự ngày lễ đón ông về làng. Hôm đó là ngày … tháng 12 năm 1936. Tôi cùng với một số người đợi đón ông ở bến đò Hữu Bị (bến đò trên sông Tuần Vường, đối diện với bến đò Hội Kê là quê tôi bên tả ngạn sông Hồng). Đứng trên bến đò Hữu Bị, nhìn sang bên kia sông, trên bến Hội Kê có cờ xí phất phơ, cùng đoàn người lố nhố đứng chờ đón người về. Tôi vô cùng xúc động, không biết cha tôi lúc đó cảm giác thế nào, chứ tôi thì thấy rằng có lẽ ngày đó là thời gian tôi cảm thấy sung sướng nhất đời. Sau khi về đến nhà, và các nghi thức đón rước đã gần xong, sang đến mục bình thơ và hát ả đào (ca trù). Tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng đã đủ trí khôn để biết phân biệt và thưởng thức những gì cần biết. Tôi được nghe một đào nương – do các cựu môn sinh của cha tôi mang theo từ thành phố Namđịnh về để đóng góp cho cuộc vui – hát câu thơ của cựu môn sinh Hà Mai Anh, một dịch giả tên tuổi thời đó, vì đã dịch thành công tác phẩm TÂM HỒN CAO THƯỢNG từ nguyên tác LES GRANDS COEURS của tác giả Ý Edmond De Amicis. Câu thơ đó là :
Bến VƯỜNG một dải xanh xanh
Sông bao nhiêu nước, ân tình bấy nhiêu Hai câu thơ này có được ghi vào trong Album lưu niệm mà ngày nay đã thất lạc, nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi. Tôi đã tự đặt ngay câu hỏi trong đầu lúc đó : “Tại sao bến Vường lại là một dải xanh xanh ? Bến Vường tức Bến Tuần Vường là một khúc sông của Hồng Hà tức Fleuve Rouge hay Red River cơ mà ! Hay có lẽ các vị tiền bối, cả người Pháp và người Việt đã nhìn sai. Nhưng suy nghĩ lại thì nó là như thế này: Ông Hà Mai Anh là nhà văn và cũng là nhà thơ, cộng với tình cảm của ông lúc đó là “yêu mến” thày và cái ân tình đối với thày nên đã thấy dòng sông Tuần Vường màu xanh chứ không có màu đỏ như những lúc khác. Vả lại lúc đó thì dòng sông Tuần Vường đã hiền hòa và không phải là mùa có nước đỏ hoặc có sóng dữ nữa. Không lẽ một nhà văn, nhà thơ tầm cỡ như ông Hà Mai Anh lại bí vận đến nỗi phải đổi dòng sông Tuần Vường từ màu đỏ sang màu xanh ?
Ngoài ra ông Hà Mai Anh còn có 2 câu đối nôm này nữa :
· Ba mươi năm trường,
bể học mênh mông thuyền thuận gió
· Năm lăm tuổi thọ,
chén Quỳnh ngất ngưỡng tiệc mừng xuân.
Cũng trong cuốn Album lưu niệm này, còn rất nhiều bài thơ và lưu bút của tân khách, nhất là của các cựu môn sinh của cha tôi như ông Hà Mai Anh vừa nói ở trên. Còn hai câu nữa mà tôi còn nhớ là :
Non Côi, sông Vị còn đây
Còn Khoa Luân lý, ơn Thầy còn lâu.
Hai câu này là của ông Nguyễn văn Luận, một nhà giáo đồng thời là nhà báo tên tuổi của tờ Đông Pháp thòi đó. Ông này trẻ tuổi, đẹp trai, khỏe mạnh và lém lỉnh. Xin kể chuyện một chuyện vui để chứng minh : Hôm đó, giữa lúc mọi người, gồm tân khách, bè bạn và các môn sinh, đồng nghiệp đang thân mật ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, thì cái ông « nhà báo quậy » này tự nhiên ở đâu đến, xen vào ngồi giữa các cô đào nương (bốn năm cô gì đó) và ôm bế một cách tự nhiên một cô trẻ nhất lên ngồi lên lòng. Cô này ngỡ ngàng và tỏ vẻ sợ hãi thì ông ta vội lên tiếng : « Đừng sợ ! Anh là nhà báo Nguyễn văn Luận đây. Anh không phải là Ngô Quyền hay Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trên sông Bạch Đằng ngày xưa đâu ! Anh đây mà ! Các em yên trí ! ». Các đào nương hồi đó cũng có trình độ nên hiểu ngay thâm ý của ông nhà báo, nên chỉ lườm nguýt mấy cái rồi thôi. Cái hiểm hóc và ngoắt ngoéo của ông này là như thế.
Trở lại với hai câu thơ trên : Non Côi, thực ra là núi Gôi của huyện Ý Yên, gần nhà ga xe lửa CÁT ĐẰNG, nơi giáp giới của Namđịnh và Ninh Bình. Sông Vị tức sông Vị Hoàng xưa, nay không còn nữa, vì đã được lấp đi ngay chỗ hồ Raquette Namđịnh, gần nhà thờ Khoái Đồng bây giờ, kế ngay nhà trường St. Thomas của thị xã Namđịnh ngày trước. Có thể hồ Raquette là một khúc còn lại của con sông này ? Gọi là hồ Raquette vì hồ này hình dáng giống như một cây vợt (raquette) dùng để đánh quần vợt chăng ? Trên bờ hồ này hiện còn có nấm mồ của nhà thơ Tú Xương và tấm bia đề là nơi an nghỉ của nhà thơ đất Vị Xuyên. (Mộ này do Ủy ban Nhân dân thị xã Namđịnh mới cải táng ở nơi khác đưa về an táng ở đây cách đây ít năm để tôn vinh nhà thơ đất Vị Hoàng).
Theo như ý nghĩa của bài thơ của Cụ Tú Xương còn truyền lại cho chúng ta thì :
Sông xưa rày đã nên đồng
Nơi thì nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Chỗ này trước đây là sông Vị Hoàng, sau này vì nhu cầu mở rộng thành phố, người Pháp đã cho lấp sông này đi để bây giờ thành khu vực làng Phù Long (còn đọc là Phù Luông để khỏi phạm húy). Làng Phù Long này, ngày nay nếu chúng ta ngồi xe đi từ Hànội về Thái Bình qua thành phố Namđịnh, phải đi qua vùng này để đến cầu Tân Đệ. Cầu Tân Đệ, một cây cầu bắc qua sông Hồng (với quy mô lớn như cầu Mỹ Thuận qua sông Tiền Giang ở miền Nam) mới xây cất xong ít năm nay để thay thế cho bến phà Tân Đệ xưa, nơi đã xảy ra giai thoại tranh nhau sang sông trước đây của hai nhân vật tên tuổi thời đó là Vi văn Định, đương kim Tổng đốc Thái Bình và Nguyễn Thế Truyền, môt nhà cách mạng Việt Nam, lúc đó được coi như là Phò mã của Quốc vương Bỉ, được Toàn quyền Đông Dương Catroux rất kính nể. Chuyện này, dân Thái Bình và Namđịnh ai cũng biết.
Xin kể thêm một bài thơ nữa, cũng của cụ Tú Xương, để thấy rõ rằng nơi đây, trước kia là sông Vị Hoàng :
THƯƠNG VỢ Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên, hai nợ, âu đành phận
Năm nắng, mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.
Làng Vị Xuyên, quê hương của Trần Tế Xương (Trần Tế Xương, chứ không hề có nhà thơ Trần Kế Xương như đã ghi ở trên bảng tên đường, chỗ trường Đông Ba, đường Phan Đăng Lưu – Phú Nhuận), lại là địa điểm có đường giao thông lớn giữa Namđịnh và Thái Bình, tức là chỗ quốc lộ 10, nơi đã xảy ra câu chuyện vừa nói trên. Bên phía Namđịnh là làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc ; bên phía Thái Bình là làng Bách Tính, huyện Thư Trì. Hai bên đầu cầu Tân Đệ ngày nay hay hai bên bến phà Tân Đệ ngày xưa là hai huyện Mỹ Lộc của Namđịnh và Thư Trì của Thái Bình (tức quê tôi).
Làng Bách Tính bên Thái Bình có một nho sĩ là Trịnh Hữu Thăng, đã trúng tuyển Tiến sĩ đệ nhất danh trong kỳ thi cuối cùng của triều đình Việt Nam tổ chức ở Huế năm 1916 ( ?). Ông được vua KHẢI ĐỊNH ban thưởng cho làm lễ VINH QUY BÁI TỔ ở quê nhà.
Thật tình cờ, kẻ viết những dòng này lúc đó chỉ là một chú bé con ở cạnh « ông già » để « điếu đóm », nhất là khi có khách, nên đã may mắn nghe lóm được câu chuyện này, khi nhân vật Trịnh Hữu Thăng kể lại cho bạn bè nghe trong lúc trà dư tửu hậu. Tuy còn nhỏ nhưng tôi đã đủ sức hiểu được và còn nhớ như in cho đến ngày nay.
Từ Huế về Thái Bình, đương nhiên phải qua huyện Mỹ Lộc, Namđịnh. Và cũng thật là ngẫu nhiên, ông Nghè Thăng này lại là con rể ông Hàn Hòa, một tay cự phú của Namđịnh thời bấy giờ, mà sau này tôi đã có cái may mắn tình cờ là ăn ngủ trọ ở nhà từ đường của ông trong suốt một năm học cấp III thời kháng chiến chống Pháp, tỉnh Hà Nam, làng Bích Trì. (Chuyện này sẽ nói tiếp ở phần sau). Ông Hàn Hòa không chỉ là tay cự phú ở Namđịnh, mà còn là ân nhân của ông Tổng đốc Namđịnh nữa vể phương diện tiền bạc gì đó. Điều này không ai biết chắc, nhưng có điều chắc chắn là ông Tổng đốc Namđịnh này rất nể ông Hàn Hòa, nên mới có chuyện vui sau đây :
Ông Trần Tích Phiên, người làng Vị Xuyên (không rõ có bà con gì với nhà thơ Tú Xuơng không ?). Ông Phiên cũng là một cử nhân Hán học, nhưng không chịu ra làm quan mà chỉ ở nhà vui thú điền viên, trồng vườn làm ruộng như các nhà nông khác ở làng. Một hôm, ông vào yết kiến viên tri huyện Mỹ Lộc sở tại. Ông nói với viên tri huyện Mỹ Lộc rằng : « Chúng tôi là dân làng Vị Xuyên thuộc Namđịnh, mà sao quan lại bắt chúng tôi phải đi đón rước ông Nghè tân khoa là người bên Thái Bình ? Chúng tôi chẳng có liên quan gì với ông Nghè Thăng ở bên ấy cả. Thật là chuyện vô lý ! » ». Viên tri huyện Mỹ Lộc vốn biết « cha » này chẳng phải tay vừa nên đã ôn tồn trả lời :
- Tôi cũng thấy như ông anh, nhưng vì đây là thông sức của CỤ THƯỢNG, mà tôi là thuộc quan, không thể không thi hành, xin ông anh lờ đi như không biết để chúng tôi làm cho xong chuyện.
- Quan Bác đã nói thế thì chúng tôi cũng xin thông cảm, nhưng chỉ xin Quan Bác giúp cho một việc sau : Nhờ Quan Bác chuyển giùm bài thơ này cho quan Nghè tân khoa khi qua đây, thế thôi ! (Bài thơ này chẳng biết có đến tay quan Nghè tân khoa hay không, nhưng đó lại là chuyện khác). Bài thơ rất giản dị, chỉ có 4 câu tứ tuyệt như sau :
1. Rước sách năm nay vớ được Nghè
Tuy còn nhỏ, nhưng vừa nghe xong, tôi đã nhận được ra ngay cái ý xỏ xiên của người viết. Rước đã vậy, chứ sao lại còn sách (đồng âm với xách). Còn vớ được Nghè, thì ông Nghè là cái thứ gì trên đường đi mà lại vớ đuợc ?
Và rồi câu tiếp theo :
Dù ai có chửi mặc thằng nghe.
Câu này mới thực là tài tình, không kém gì những câu hay nhất của nữ sĩ HỒ XUÂN HƯƠNG ngày xưa.. Ta cứ thong thả đọc lại mấy chữ cuối mặc thằng nghe theo lối nói lái của họ Hồ thì thấy ngay thằng nghe là « nghè thăng » chứ còn ai nữa ! Có người còn cho rằng mặc thằng nghe là mẹ Nghè Thăng. Có lẽ không đến nỗi vậy. Xin tùy ý các vị độc giả.
Câu thứ ba là :
2. Khoe mẽ cậy nhờ lưng bố vợ
Riêng câu này, nếu ai chưa có dịp biết đến chữ LƯNG ngày xưa được dùng trong những trường hợp để chỉ về vốn liếng làm ăn như « Lưng vốn phải dài thì mới dễ buôn bán làm ăn được », hay như trong việc chơi bài TỔ TÔM hay TÀI BÀN của các cụ ngày xưa, cũng đôi khi có những câu như « Bài chờ rồi, nhưng thiếu lưng » hoặc « Bài đẹp quá, nhưng không lưng, nên không « ù » được ». Tóm lại lưng bố vợ ở đây không có nghĩa là « phần sau ngực » của ông bố vợ mà chính là vốn liếng tiền bạc để làm ăn của ông bố vợ.
Rồi đến câu thứ tư là câu cuối cùng, mới thật là tuyệt tác :
3. Chúng ông khác tổng sợ gì đe[1]
Có lẽ đây là câu kết luận của một bài thơ mà chúng ta có thể cho là hay nhất.
Nếu đem so sánh với những câu cùng loại của bà Hồ Xuân Hương thì cũng đại khái như vậy thôi. Ta thử đọc lại bài « Vịnh người ái nam ái nữ » bà đã viết :
Mười hai bà mụ ghét chi nhau
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu
Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
Đố ai biết được vông hay tróc[2]
Còn kẻ nào hay cuống với đầu[3]
Thôi thế thì thôi đành thế vậy
Ngàn năm càng khỏi tiếng nương dâu.
---ooo0ooo---
[1] Tục ngữ Việt Nam có câu « Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng », để nói về những người ngu dại, huyênh hoang và ăn nói hàm hồ.
[2] Để tả về đàn bà ở hai vị thế khác nhau thì “Ngồi xổm lá vông, chổng mông lá tróc”. Lá tróc là lá trúc đọc chệch đi. Lá trúc cũng như lá tre, chiều ngang thì ngắn, chiều dọc thì dài. Còn lá vông thì ngang dọc gần bằng nhau.
[3] Cuống với đầu là do câu tục ngữ “Cái đầu đi xuống, cái cuống đi lên”, tức là bộ phận sinh dục của đàn ông