CÔNG ƠN CỦA CỤ BÀ NGUYỄN HỮU ĐOÀI
Nói về sự phát triển của dòng họ NGUYỄN HỮU mà không đề cập đến công ơn của Cụ Bà Nguyễn Hữu Đoài thì quả thực là chưa đủ.
Cụ Bà Nguyễn Hữu Đoài nhũ danh là Nguyễn thị Đơn, trưởng nữ của một gia đình Công giáo thuần thành ở làng Gia Lạc. Cụ kết hôn với cụ Đoài vào lúc dân tộc Việt Nam đang gặp nhiều ngược đãi. Bị áp bức ở làng Hội Kê, vì là con của cụ Nguyễn Hữu Vinh – một người Tử Đạo – nên cụ Đoài phải bỏ làng sang ngụ cư tại làng Phú Cốc, một làng ở bên kia sông Hồng. Năm 1814, triều đình Huế ký hiệp ước với người Pháp, trong đó có điều khoản phải đổi lại chính sách đối với đạo Thiên Chúa. Triều đình lần lần hạ chiếu tha đạo. Cụ Đoài đưa gia đình, vợ con về Hội Kê. Hai cụ bắt tay ngay vào việc cày cấy. Ngày đó Hội Kê là đất tân bồi, còn nhiều lau sậy, đất rộng người thưa. Ai chịu khó lao động cũng dễ trở nên khá giả. Chẳng bao lâu, kinh tế gia đình cụ Đoài đã ổn định. Cụ bèn giao hết việc nhà cho cụ Bà, để cụ có rộng thì giờ lo cho việc trong xã. Cụ Bà làm việc suốt ngày, không biết mệt mỏi. Thấy hạt cơm rơi vãi trên mặt đất, Cụ bao giờ cũng trân trọng nhặt lên. Rất tiết kiệm đối với bản thân, nhưng khi bà con lối xóm, ai có việc gì nhờ đến Cụ là Cụ giúp đỡ tận tình, sẵn sàng chia cơm, xẻ áo.
Quanh nhà Cụ, có nhiều bờ ngòi, bờ ao rãnh nước bỏ không, một vài chỗ trồng khoai ngứa. Cụ Bà thấy đất tốt, nên trồng rất nhiều khoai. Năm đó, thời tiết thuận lợi, lúa khoai được mùa lớn. Khoai của Cụ chất đống đầy sân, nhà dùng không hết, bán chẳng ai mua. Cụ phải cho luộc chín, đánh thành đống, lấy bùn trát kín để giữ được lâu. Năm sau, trời làm mất mùa. Những đống khoai của Cụ bán được một món tiền lớn. Nhờ có vốn này, Cụ lập vườn “trầu không”, vườn trầu đầu tiên ở bãi Hội Kê. Vườn trầu giúp Cụ thêm giàu có. Ngoài ruộng lúa, vườn trầu, vườn rau, cây ăn quả, còn ruộng dâu, ruộng mía, nuôi tằm, ươm tơ, kéo mật, nuôi heo; sinh hoạt hàng ngày trong gia đình rất tấp nập. Phụ nữ thì người nào việc nấy, mấy người con trai thì chăm lo đèn sách, không một ai được ở không. Mọi việc trong nhà đều do một tay Cụ cắt đặt, quán xuyến.
Cụ Bá Ông, tính tình hào phóng, ưa kết giao, hiếu khách. Cụ thường nói với mọi người : “Tân khách bất lai môn hộ tục”, nghĩa là nhà mà không có khách lui tới thì chẳng hóa ra cái nhà quê mùa lắm sao ?”. Các khoản chi tiêu trong việc khách khứa trong nhà đều do một mình Cụ Bà lo liệu mà không bao giờ có một lời than vãn. Mỗi sáng Cụ thường chuẩn bị sẵn một rổ cả chục nắm cơm để cho những người đến xin. Sau khi Cụ Ông mất đi, mọi việc trong gia đình vẫn tiếp tục như thường lệ, y như lúc Cụ Ông còn sống. Gia phong đã thành quy củ, nền nếp vững bền. Cụ Bà giáo dục con cháu rất nghiêm theo phương châm của Cụ Ông để lại :
- Một là con cháu phải chăm chỉ làm ăn, sống tiết kiệm.
- Hai là phải hòa thuận, nhường nhịn lẫn nhau.
- Ba là phải trên hết giữ điều liêm sỉ và chính nghĩa.
Những con trai Cụ, dù đã trưởng thành và có danh phận ngoài xã hội, vẫn phải luôn luôn cung kính vâng lời Cụ như hồi còn nhỏ tuổi. Ông con trai thứ ba Nguyễn Hữu Phú, đang làm lý trưởng được ba năm, tuân theo lời Cụ, xin từ chức để về làm trùm họ đạo Hội Kê và để chức lý trưởng cho ông con trai thứ năm là ông em Nguyễn Hữu Ngũ. Ông con trai thứ tư Nguyễn Hữu Quý, có chức phận ở nơi tỉnh thành về thăm Cụ, nhưng vì Cụ giận nên phải che ô đứng ngoài mưa cả buổi, đợi hai ông anh xin với Cụ, nên mới được Cụ cho phép vào nhà.
Khi người Pháp đến đô hộ, đạo được tự do, nhưng những phong trào chống Pháp đều nghi kỵ giáo dân. Những giáo dân yêu nước, khi tham gia phong trào thường gặp nhiều khó khăn hơn người thường. Các con trai Cụ Bá đều có liên hệ với một số tổ chức cách mạng với sự đồng tình của Cụ Bà. Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Lục được Cụ rất mực thương yêu vì là con út, nhưng Cụ vẫn khuyến khích con trốn ra hải ngoại để mưu đồ hoạt động phục quốc. Các Cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần biết chuyện này, rất lấy làm ngợi khen và cho là một việc đáng tuyên dương.
Ở Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Lục đã được Cụ Nguyễn Hải Thần giới thiệu vào học trường Võ bị Hoàng Phố và ông cũng đã luyện tập được môn võ thuật Trung Hoa tới một trình độ khá cao cường, chẳng hạn như ông có thể vỗ tay rồi nhảy tót từ mặt đất lên nóc nhà một cách rất nhẹ nhàng.
Năm Cụ Bà được 80 tuổi, gia đình tổ chức Lễ Thượng Thọ rất long trọng, kéo dài đến hơn một tháng. Có những vị tân khách là thân hào, thân sĩ ở các tỉnh xa cũng lục tục đến dự. Dân chúng trong vùng cho là một thịnh sự chưa từng có, và ca tụng Cụ là một hiền mẫu, có đức độ, có tài trị gia và đáng phục hơn hết là biết đặt đại nghĩa dân tộc lên trên quyền lợi gia đình.
Tại sao cuộc lễ Thượng Thọ lại được tổ chức kéo dài đến như thế ? Thực ra, cuộc lễ Thượng Thọ này không chỉ có mục đích là để báo hiếu, làm vui lòng mẹ cha như ở các gia đình khác, mà còn là để có dịp giao lưu với các nhân sĩ khác trong vùng với mục đích như đã nói ở trên.
Cụ Cử Bình, một nhà nho, y, lý, số có tiếng ở Namđịnh, chuyên nghiên cứu Dịch lý, Địa lý phong thủy đã khen Cụ có phúc tướng, không những vượng phu ích tử, mà còn phúc trạch dồi dào, con cháu mấy đời sau vẫn còn được hưởng.
Ngày nay, chúng ta là con cháu Cụ, chúng ta phải tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời và nhân cách của Cụ. Chúng ta phải thừa nhận là đã gặp nhiều may mắn khi phải trải qua bao nhiêu biến chuyển đầy phong ba bão táp lịch sử của nửa thế kỷ gần đây. Phải chăng đó là nhờ phúc đức tại mẫu, tại tổ mẫu ?
Xin anh hồn Cụ phù hộ độ trì cho chúng con được luôn luôn bình an trong tay Chúa.
Và cũng xin Đấng Thượng đế Tối cao giúp chúng con giữ vững niềm tin như bây giờ và hằng có đời đời.
No comments:
Post a Comment