CÁCH MẠNG THÁNG TÁM.
Tình hình xã Quần Hiền đang được dần dần cải thiện, thì bỗng nhiên ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc Cách Mạng tháng Tám bùng nổ. Thế là xã Quần Hiền, vừa mới được thành lập sau ngày Nhật đảo chính Pháp được nửa năm, thì nay lại trải qua một cuộc đổi mới nữa. Nhà Nuớc Cách mạng đã sáp nhập làng Thượng Hộ cũ và xã Quần Hiền mới, thành một liên xã duy nhất gọi là TAM TỈNH. Tên gọi Tam Tỉnh này, cũng vẩn lại do Cụ Giáo Tứ Hội Kê đề nghị và được mọi người thông qua. Ông Nguyễn Hữu Trọng, con trưởng Cụ Giáo Tứ đã đưọc bầu làm Chủ tịch đầu tiên của xã Tam Tỉnh này. Vùng đất Thượng Hộ, Quần Hiền vốn thuộc huyện Duyên Hà, nhưng là đất ngoại đê (ngoài đê quan) và cách xa huyện lỵ, nên Nhà nước đưa sang nhập vào huyện bên cạnh là huyện Thư Trì để đi lại cho thuận tiện hơn. Như vậy Tam Tỉnh là một xã mới của huyện Thư Trì. Hai chữ Tam Tỉnh thường được hiểu như sau : Tam Tỉnh là một xã ở giữa ranh giới ba tỉnh Namđịnh, Hà Nam ở hữu ngạn, và Thái Bình ở đối diện bên tả ngạn sông Hồng. Đó chỉ là nghĩa thông thường, có tính cách đại chúng. Có người nói rằng ở đây, một con gà gáy, dân cả ba tỉnh đều nghe tiếng. Quả là đúng như vậy. Thực ra, Tam Tỉnh còn có một ý nghĩa nữa cao xa hơn, dựa trên hai chữ Tam Tỉnh trong câu nói của Tăng Tử[1] - một cao đệ của Khổng Tử - là : « Ngô nhật tam tỉnh ngô thân : - Vi nhân mưu nhi bất trung hồ - Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ - Truyền bất tập hồ », nghĩa là : « Ta, mỗi ngày xét lại bản thân[2] về ba điều sau đây :
1.- Mưu tính giúp cho một người, hay cùng làm một việc với người nào đó, đã thật hết lòng chưa ?
2. Cùng với bạn bè giao du có giữ được chữ TÍN chăng ? Bạn bè có tin tưởng mình không ? Mình có giả dối với bạn bè không ?
3. Những lời Thày truyền dạy có học tập, ôn luyện chăng ?
Xã Tam Tỉnh thành lập chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra. Việt Nam là một trong ba nước, cùng với Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Kampuchia) thuộc Đông Dương, cũng còn gọi là Đông Pháp, trước đây là thuộc địa của Pháp. Lúc này, thực dân Pháp lại điên rồ, tìm đủ cách để tái chiếm lại thuộc địa cũ của chúng. Toàn dân Việt Nam đã đứng lên kháng chiến, trẻ già, trai gái đều theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cách mạng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mọi người đều quyết tâm thà chết chứ không chịu để mất một tấc đất của tổ tiên và làm nô lệ cho thực dân Pháp một lần nữa. Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lăng đã dần dần lan rộng ra toàn quốc và kéo dài. Một số dân thành phố Namđịnh đã lục tục chạy sang Thái Bình, đến tản cư tại xã Tam Tỉnh.[1] Tăng Tử tức Tăng Sâm, con của Tăng Tích. Hai cha con đều là học trò giỏi của Khổng Tử. Tăng Sâm thờ cha mẹ rất có hiếu, lại là người không ham thích danh lợi, nhà rất nghèo, chỉ làm thuê để kiếm ăn, mà dốc lòng học đạo thánh hiền. Ông là người đã học được những điều tâm truyền của Khổng Tử, rồi truyền lại cho cháu nội của Ngài là Tử Tư, người đã đưa ra thuyết TRUNG DUNG mà chúng ta đang tìm hiểu ngày nay.
[2] Mỗi ngày xét lại bản thân là cách tu luyện đem lại kết quả rất tốt, tránh được lỗi lầm, mau chóng sửa đổi, hoàn thiện bản thân. Không những ông tự xét về cách đối xử với bạn bè, giao thiệp với mọi người, mà còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề học vấn.
No comments:
Post a Comment