BÁNH ĐÚC BẢO AN.
Trong thời gian này, làng Hội Kê lập ra Hội Bảo An, để phụ giúp việc bảo đảm an ninh trong làng cho Ủy ban mới còn non trẻ của xã Quần Hiền. Theo quy chế, những thanh niên trong làng, từ 18 tuổi trở lên được vào hội với tinh thần thiện nguyện. Lúc đó (năm 1946), tôi chưa đủ tuổi để gia nhập, vì tôi sinh năm 1930, nhưng có lẽ vì vóc dáng tôi lúc đó đã có vẻ là một thanh niên rồi. Vả lại, hội trưởng Hội Bảo An lại là ông Nguyễn Hữu Hưởng (tức ông Chánh Hưởng, trưởng tộc họ NGUYỄN HỮU như đã nói ở phần trên) đã đặc biệt cho tôi được gia nhập hội. Nhiệm vụ của các hội viên Hội Bảo An là hằng đêm phải đi tuần hành ngoài cánh đồng để trông coi giữ gìn hoa màu và an ninh cho dân làng.) Tôi được phân công phụ trách cùng một tổ 3 người, với các ông Nguyễn Hữu Tạo và Nguyễn Hữu Quán. Hằng đêm phải đến trụ sở Hội để nhận chỉ thị đi trông coi vùng nào, từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau thì hết nhiệm vụ ngày hôm đó. Cứ mỗi lần xong nhiệm vụ thì lại trở về qua trụ sở Hội (mượn nhà riêng của ông Tạo) để được lãnh một miếng bánh đúc to bằng mức một người ăn vừa đủ. Đây chỉ là một thứ bánh đúc chay, nghĩa là chỉ có gạo và nước nấu chín như nấu cháo, đến độ sền sệt thì đổ ra mâm cắt thành miếng. Ngoài gạo và nước ra, chẳng có nhân nhị gì hết. Hồi đó, miếng bánh đúc này có một giá trị đang kể, vì nó có thể cứu sống được một người đói trong lúc đang cần ăn. Riêng tôi, cũng như một số anh em trong Hội, tuy đang là lúc « gạo châu củi quế » hạt gạo quý như vàng, nhưng gia đình cũng vẫn còn đủ sức cầm cự lâu dài, chưa đến nỗi phải rơi vào tình trạng thiếu đói trầm trọng. Thực ra, lúc đầu tôi cũng đã bị hấp dẫn bởi miếng bánh đúc này, mặc dầu nó chẳng phải là Bánh đúc TÔ CHÂU hay QUẢNG ĐÔNG gì cả , nhưng đó là quyền lợi sau mỗi đêm phục vụ của một hội viên, như là một thứ thù lao hay phần thưởng tinh thần !
Tại sao lại có vấn đề thưởng bánh đúc cho các hội viên của Hội Bảo An như thế ? Vấn đề là như sau : Hồi Việt Nam còn thuộc Pháp, người Pháp đã lập ra Viện Dân biểu Bắc Kỳ, để người Việt Nam làm dân biểu đại diện cho dân VN, cho có vẻ dân chủ. Ở huyện Duyên Hà, Thái Bình, tại làng NẤP gần huyện lỵ, có hai anh em ông Nghị Hoành và Phán Sánh là hai nhân vật TƯ SẢN LỚN trong vùng. Hai ông muốn ứng cử vào Viện Dân biểu Bắc kỳ, và các cử tri đi bầu thời đó phải có đủ điều kiện về văn hóa đủ trình độ từ văn bằng CƠ THỦY (tức là bằng Certificat của Pháp) trở lên mới được ghi danh làm cử tri. Ở Thái Bình, có tổng chẳng có một người nào đủ điều kiện, nhưng ở tổng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà, riêng tộc NGUYỄN HỮU làng Hội Kê đã có tới 10 người đạt tiêu chuẩn trên, đủ điều kiện để ghi danh làm cử tri[1]. Hai ông HOÀNH và SÁNH, sau khi đánh hơi biết được việc trên đã tự động tìm đến Hội Kê để gặp cha tôi lúc đó đang là Tiên Chỉ của làng, và cũng là Trưởng thượng của tộc họ NGUYỄN HỮU, điều đình để giúp các ông đắc cử vào Viện Dân biểu Bắc kỳ. Kết quả, các ông đã được toại nguyện. Thế là, đến khi có Hội Bảo An Hội Kê, Quần Hiền, hai ông này đã nghĩ đến việc đền ơn đáp nghĩa khi xưa, bằng cách gửi tặng Hội Bảo An Hội Kê 300kg gạo, tức là 3 tạ lương thực. Ba tạ gạo hồi đó, đang lúc lương thực khan hiếm, thiếu hụt là cả một vấn đề to tát. Ông Hội trưởng Hội Bảo An liền quyết định lấy số gạo đó nấu bánh đúc và phân phối theo cách trên để tất cả các hội viên đều được hưởng đồng đều một cách công bằng. Một lần ông Tạo, ông Quán và tôi xong nhiệm vụ về, được lãnh ba phần bánh đúc. Ông Tạo cũng nhận, nhưng sau đó tặng cho ông Quán và tôi phần của ông, vì nhà ông là nơi sản xuất ra bánh đúc này, hôm đó cũng đã có bánh đúc rồi. Tôi và ông Quán, về nhà ông Quán ăn xong hai phần của mình, còn lại phần của ông Tạo cho, ông Quán lại nhường cho tôi mang về nhà ngoài. Tôi đã mang về biếu lại mẹ tôi để dùng cho vui. Thoạt đầu, bà có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau khi hiểu được ý của tôi, bà cũng đã vui vẻ ăn ngay lúc đó.
No comments:
Post a Comment