ĐẾN CHỢ GIAI – THƯ TRÌ.
Chợ Giai trước đó chỉ là một phố Chợ Nhỏ của làng Thanh Trai với hơn chục cửa hàng thực phẩm, hiệu tạp hóa, tiệm cà phê … Với vị trí ở sâu trong huyện, nên từ ngày kháng chiến, huyện lỵ của Thư Trì ở bến phà Tân Đệ cũ, đã di chuyển về đây cho an toàn hơn. Chợ Giai tự nhiên trở thành khu vực đầu não của huyện Thư Trì.
Hồi này, ông Nguyễn Hữu Quyến, Hội phó Hội Văn hóa Thư Trì (Hội trưởng là ông Ấm Thái, con trưởng Cụ Nghè Thăng Bách Tính mà ta đã biết trong chuyện Ông Nghè vinh quy bái tổ của sách này), được huyện cử làm Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa huyện. Ông Quyến đến Chợ Giai làm nhiệm vụ, gặp và quen biết với ông Kiểm Lư, quê làng Thanh Trai. Ông Lư là một tư sản mới, mới trở thành giàu có ít lâu. Ông là một tay lái buôn trâu bò cự phách. Hằng ngày, mỗi buổi sáng, ông chỉ việc cưỡi ngựa đến chợ Trâu Bò là CHỢ THÔNG, cũng thuộc Thư Trì, nhưng cách Chợ Giai đến hơn 10 km, để mua bán trâu bò một lúc rồi xế chiều lại cưỡi ngựa trở về nhà với gia đình. Ông đã cao hứng mời ông Quyến làm gia sư cho gia đình ông. Ông Quyến đã nhận lời, nhưng dĩ nhiên là không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Ông Quyến đã giới thiệu tôi tới để thay ông làm gia sư cho các con ông Lư ở đây, với ý định để tôi cũng có việc làm và nhất là có thể gần ông, có hoàn cảnh để tôi tiếp tục việc học bị dở dang vì thời cuộc.
Đám trẻ, con cháu ông Lư có sáu bảy tên đang học những năm cuối của tiểu học, mình tôi không đủ sức đảm nhiệm. Tôi bèn nghĩ đến Quất, Tiên, Toại là những bạn trong ban nhạc Quần Hiền lúc trước, và cả Giá em tôi nữa. Chúng tôi đề nghị với ông Lư là cần có thêm bạn để phụ tá mới có thể đảm nhiệm được việc này. Chúng tôi cũng nói rõ với ông Lư là chúng tôi có thể thu xếp để tự túc được, ông không cần phải lo thêm. Ông Lư đồng ý, và đang lúc phát tài, lại vốn sẵn tiền bạc, ông còn làm thêm một căn nhà gỗ nhỏ ba gian để chúng tôi ở và hành nghề gia sư. Thế là chúng tôi ở tập thể với nhau một thời gian dài ở Chợ Giai gần hai năm. Lúc đầu, chỉ có tôi và Quất đến trước. Tôi và Quát phân công làm gia sư cho bọn trẻ. Tôi phụ trách những môn học thuộc về VĂN, SỬ và ĐỊA LÝ … còn Quất phụ trách những môn TOÁN và KHOA HỌC THƯỜNG THỨC … Tiên đến sau, được miễn. Toại và Giá, nhỏ tuổi hơn, không phải làm gia sư, được phân công đi chợ và nấu ăn cho xôm trò, chứ hằng ngày, bữa ăn của chúng tôi chỉ gồm có Cơm, Muối vừng, Rau muống luộc chấm tương và NƯỚC LUỘC RAU thay cho canh. Lâu lâu chúng tôi lại đảo về nhà để lấy tiếp tế, có khi được thêm chút tiền còm để bồi dưỡng. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng ra tiệm cà phê ngoài chợ, kiếm vài điếu thuốc lá COTAB, anh em hút chung với nhau kiểu xoay vòng. Chủ nhà thấy chúng tôi sống quá đạm bạc, một đôi khi cũng có tiếp tế thức ăn cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không hoan nghênh việc này, rồi sau dần cũng thôi luôn.
No comments:
Post a Comment