THÀNH LẬP XÃ QUẦN HIỀN.
D o tình thế đòi hỏi, năm làng cũ của tổng Thượng Hộ trước đó là Gia Lạc, Hội Kê, Phú Hậu, Duyên Mỹ, Phú Hữu được sáp nhập với nhau thành một đại xã mới là xã Quần Hiền. Riêng làng Thượng Hộ vì là làng lớn nhất trong tổng Thượng Hộ cũ, vẫn là một làng đứng riêng, không dính dáng gì đến xã mới Quần Hiền. Làng Mỹ Cơ vì quá nhỏ và giáp ranh với làng Hội Kê, nên đã được coi như một xóm của làng Hội Kê thuộc xã Quần Hiền. QUẦN HIỀN là tên gọi của một xã mới do Cụ Giáo Tứ Hội Kê đề nghị, với ý nghĩa là nơi tập hợp những người hiền tài (Union des Sages). Xã mới Quần Hiền này do ông Nguyễn Hữu Lộ, con Cụ Bát Hội Kê làm Chủ tịch.
Thời chính phủ Trần Trọng Kim, Quần Hiền là một xã mới nên trong xã có nhiều sự việc mới. Phong trào Thanh niên phát triển đến cao độ, hoạt động rất sôi nổi, khí thế bừng bừng. Lúc này, nước sông Hồng lên cao, ruộng vườn xã Quần Hiền bị nhận chìm trong làn nước lũ. Từ nhà nọ sang nhà kia phải đi bằng thuyền, đò. Chỉ có ruộng vườn bị ngập nước thôi, còn nhà ở thì vẫn sử dụng được. Do dó phong trào thanh niên của xã chưa bị ảnh hưởng nhiều, còn hoạt động bình thường được. Trong làng, một vài nơi hãy còn thói quen rượu chè, cờ bạc, là những thứ mà Đoàn Thanh Niên đang cố công bài trừ, tận diệt. Một hôm, được tin tại nhà ông Đích (hay Phó Đích) đang có bàn sóc đĩa. Ông Đích là một công nhân trong làng, có tay nghề thợ mộc, thường đi làm vắng nhà, nhưng thỉnh thoảng rảnh việc ở nhà, ông lại cho người ta mượn nhà để tổ chức sóc đĩa. Việc cho mượn nhà của ông cũng giúp ông thu được ít nhiều lợi nhuận. Được tin này, đoàn Thanh niên chúng tôi bèn quyết định ra đi để lập thành tích. Hôm đó, ông Quyến (Hội Kê), đoàn trưởng Thanh niên, cùng với ông Hòe (Gia Lạc) và một số thanh niên nữa, trong đó có tôi, đã cùng nhau tập hợp được một số đò nan nhỏ, thẳng tiến chèo đến bao vây nhà ông Đích. Trong nhà ông, những dân « kỳ bẻo » đang say sưa sát phạt lẫn nhau. Bỗng nhiên có tiếng gọi to trong loa (bằng sắt tây) vang lên : « Những con bạc phải ngồi nguyên tại chỗ, để đoàn thanh niên vào làm việc ». Trong số các con bạc này, có một vài tay cũng thuộc hàng vai vế ở mấy làng bên (Duyên Mỹ, Phú Hữu), xưa nay cũng bướng bỉnh và ít khi chịu nhường ai bao giờ. Thế mà lần này, khi nghe tiếng loa gọi của thanh niên, cũng đã phải hoảng sợ, chạy ra đò rút êm. Bọn thanh niên chúng tôi hăng say chèo đò đuổi theo, rút cục mấy tay này phải nhảy xuống nước rồi tìm cách chuồn thẳng. Chúng tôi coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, rồi giải tán ai về nhà nấy.
Một việc nữa mà nhóm Thanh niên Quần Hiền đã làm trong thời đó là thành lập được Hội Khuyến Nhạc Quần Hiền. Thoạt đầu, Hội Khuyến Nhạc chỉ là mấy anh em trong nhóm thanh niên chúng tôi ở làng thích âm nhạc, và thường đến chơi nhà nhau để hòa nhạc với tính cách gia đình. Sau, nhân vì muốn phát huy và truyền bá âm nhạc ra ngoài quần chúng, và nhân có anh Liễn là một trong số anh em thường đi lại với nhau, lúc trước có ở Hànội, quen biết nhiều với nhạc sĩ Nguyễn văn Giệp, Hội truởng Hội Khuyến Nhạc Hànội. Anh Liễn lúc này cũng về làng, ở nhà và tương đối rảnh rỗi. Chúng tôi rủ anh đứng ra thành lập Hội và bầu anh là Hội trưởng. Anh Liễn là người có khả năng về lý thuyết âm nhạc tương đối vững vàng, diễn giảng lưu loát, mạch lạc, nhưng lại không sử dụng được một loại nhạc khí nào. Chuyện về Hội Khuyến Nhạc trong ban nhạc Quần Hiền sẽ còn được nói tiếp ở phần sau.
No comments:
Post a Comment