MỘNG ĐẸP KHÔNG THÀNH.
Nhà ông Trần Hạnh Lâm ở Hội Kê, sát liền cạnh nhà tôi, là nơi đón tiếp một gia đình bà con ở thành phố Namđịnh đến tản cư ở đó. Ông Lâm là một cựu công chức của sở Hỏa xa Hànội, về nghỉ dưỡng bệnh ờ quê nhà. Ông hơn tôi đến 10 tuổi, tính tình rất phóng khoáng, nên đã coi tôi là bạn vong niên và giao du rất thân mật. Ông đã giới thiệu tôi với con gái người bà con tản cư của ông (bà Hanh) tên là cô Liên Thành. Cô này cùng trạc tuổi với tôi, một thiếu nữ dễ thương và là dân thành phố. Chúng tôi quen nhau dễ dàng, và chỉ ít ngày sau đã có quan hệ tình cảm với nhau khá sâu đậm. Nhân thế ông Lâm gợi ý là tôi nên tính đến việc xây dựng tổ ấm với cô Thành. Tôi vui vẻ đón nhận ý kiến của ông Lâm và đã phác họa ra, mơ tưởng đến cái cảnh nên thơ và lãng mạn của tuổi trẻ ngày xưa « Một túp lều tranh, hai trái tim vàng ». Sau đó, tôi đã hý hửng trình bày việc này với cha tôi, hy vọng là cha tôi sẽ đồng ý và giúp đỡ. Không ngờ cha tôi đã nghiêm nghị trả lời : « Mày vừa mới lớn, chưa kịp học hành và chưa có nghề ngỗng gì mà đã nghĩ đến chuyện vợ con là thế nào ? Rồi làm gì mà sống đây ? Sẽ sống bằng cái gì ? Không lẽ « ăn đất » mà sống à ? » Tôi mắc cỡ với cha tôi, bị khớp và hoàn toàn cụt hứng. Từ đó, tôi không còn dám nghĩ và nhắc đến việc này nữa. Tôi cũng đã buồn bã mất mấy ngày, quên ăn mất ngủ, nhưng rồi việc ấy cũng nguôi ngoai dần.
Bỗng nhiên, một buổi sáng sớm có tiếng la ơi ới : « Anh em ơi ! Tây lên ! Tây lên ! Tây đã đổ bộ lên làng mình để càn quét rồi đấy ! Chạy đi ! Chạy mau đi ! » Tôi cùng nhiều người khác, chẳng còn biết làm gì ngoài việc chạy trốn cho lẹ ! Tôi chạy sang làng bên (Gia Lạc), được một lát thấy mệt quá, bèn nghĩ cách lội xuống ao một nhà gần đó bên đường, giấu mình núp trong một bụi cây sát bờ, ngụy trang sau một đám bèo Nhật Bản thật kín đáo, rồi chờ cho bọn Tây đi qua. Lúc bọn Tây đi qua, tôi được thấy rõ đủ cả, nào lính Lê dương (bọn lính chuyên đi đánh thuê ở Âu châu), nào lính thuộc địa Phi châu (tụi Maroc và Sénégal đen xì, rạch mặt) đi trên đường. Đang đi, tự nhiên chúng dừng lại. Tôi hết hồn, phen này chắc là chết rồi. Thì ra có một con bê mà chủ nó chưa kịp đắt đi chạy loạn, còn nằm đó. Chúng sắp sửa dắt con bê này đi để mang về làm chiến lợi phẩm. Nhưng rồi chúng thấy rằng đây là một con bê cái, có thể thay cho một phụ nữ nào đó mà chúng chưa tìm bắt được chăng ? Thế là mấy thằng trong bọn, thi nhau lần lượt hiếp con bê này một cách rất tự nhiên, man rợ, còn cười nói ồn ào nữa ! Tôi đã không ngờ, được chứng kiến cảnh tượng hãi hùng này, một hình ảnh quái dị và tồi tệ nhất của thời chiến, hết chỗ nói. Sau đó, chúng lại đi tiếp, không quên dắt con bê đi theo ! Tôi thoát nạn rồi trở về nhà an toàn. Thật là hú vía !
Thời gian này, thực dân Pháp lại mở rộng mặt trận bên Namđịnh thêm ra vài cây số, đồng thời lập thêm một đồn bốt mới trên sát bờ sông, chỗ bến đò Hữu Bị, tức bốt Hữu Bị ngay Ngã Ba Tuần Vường ngày xưa, đối diện với nhà ngoài, chỗ tôi ở bên này sông. Ngồi đọc sách ở nhà, qua cửa sổ, tôi thấy rõ ràng từng tên lính đi lại trong sân đồn. Đồn binh này khá lớn, có lẽ đến hơn một trăm lính (phỏng đoán vậy mà thôi). Suốt ngày bọn chúng thỉnh thoảng lại bắn thị uy vu vơ sang bên này sông. Tiếng đạn nghe « tắc bọp » dễ sợ, vì đạn nổ hai lần, một lần nổ khi đạn ra khỏi nòng súng và một lần nổ nữa khi đã hết đà hoặc khi tới đích. Người ta gọi loại đạn này là đạn « đum đum ». Một lần giữa ban ngày, chúng lại cao hứng nã một trái « moóc chê » sang qua sông, rơi trúng ngay vào nơi một người đang cày ruộng là ông Phó Thôn ở Phú Hậu. Cả người và bò đều chết ngay tại chỗ, giữa cánh đồng. Sau vụ này, dân Tam Tỉnh hoảng sợ, thấy cần phải đi tản cư tị nạn ở nơi khác.
No comments:
Post a Comment