Saturday, 20 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Nhật đảo chính Pháp (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 14

 

NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP.

          T ối hôm đó là 9-3-1945, trong lúc bọn chúng tôi đang cùng nhau ngồi chơi bài tam cúc, thì một loạt súng lớn nổ ầm vang, kèm theo những tiếng nổ lẹt đẹt của súng nhỏ, từ bên kia sông Hồng, phía thành phố Namđịnh. Mọi người đều ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì. Mãi đến sáng ngày hôm sau, có người ở bên Namđịnh sang cho biết, đó là tiếng súng của quân đội Nhật đảo chính lính Pháp. Rồi trưa ngày hôm đó, người ta thấy một anh Tây cao lớn, mắt xanh mũi lõ, hớt hải chạy từ bờ sông vào làng Hội Kê, về phía nhà tôi, mặt mũi nhớn nhác, ra hiệu xin cho được tạm thời ẩn náu. Anh Tây này mặc quân phục, đeo lon đại úy. Chúng tôi ở đó không ai nói được tiếng Pháp, nên chẳng ai hiểu được anh ta muốn gì. Sau đó chúng tôi dẫn anh ta vào nhà trong – chỗ cha tôi ở - vì ông đang là Tiên Chỉ của làng và lại nói được tiếng Pháp. Anh ta ngỏ ý muốn được tạm thời ẩn tránh vì đang còn đánh nhau, chưa ngã ngũ hẳn. Rồi sau nếu cần, anh sẽ ra trình diện quân đội Nhật. Trong lúc ngồi nói chuyện với cha tôi, tôi thấy anh ta lấy ra từ trong túi áo một bọc thuốc lá Bát-tô (Bastos), loại để hút ống vố, vo tròn một búi tổ bố, lớn bằng trái táo ta, bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nuốt một cách ngon lành. Thì ra anh ta nghiện thuốc lá rất nặng, phải nhai nuốt thuốc để thay cho hút. Cha tôi cho tuần mời lý trưởng làng (ông Lý Tỉnh) tới và giao người Tây này cho lý trưởng xử lý. Ông Tỉnh lại cho người gọi trương tuần là Trương Chỉ tới để đưa người Pháp này đi giữ an ninh ở một chỗ nào đó. Sau mấy ngày, tôi thấy anh Tây này lại trở sang Namđịnh, có lẽ để trình diện quân đội Nhật, và sau đó hình như được đưa lên Hànội và được trở về Pháp an roàn. Từ đấy cũng chẳng còn ai lưu tâm đến vấn đề này nữa.

          Sau ngày quân đội phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương, xóa bỏ nền bảo hộ của Pháp ở đây và trao trả quyền tự trị cho ngưởi Việt Nam, vua Bảo Đại cho vời Cụ Trần Trọng Kim ra làm Thủ tướng, lập chình phủ mới của nước Việt Nam tự trị. Thế là chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Cụ Trần Trọng Kim vốn là một nhà giáo và là một học giả uyên bác, tác giả nhiều bộ sách rất giá trị như Việt Nam Sử Lược, Nho Giáo, Phật Học, Văn Phạm Việt Nam (chung với Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm), Truyện Kiều (chung với Bùi Kỷ), và nhiều sách khác nữa như bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư dùng cho bậc Tiểu học thời Pháp thuộc trên toàn cõi Việt Nam. Những ai đã đi học hồi nhỏ thời Pháp hẳn chưa quên.

          Tôi không nhớ hết những thành viên trong chính phủ của Cụ, chỉ còn nhớ hai nhân vật nổi danh nhất là học giả Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Cụ Hoàng Xuân Hãn là người đã có công đóng góp lớn cho nền giáo dục Việt Nam, qua quyển Danh Từ Khoa Học, một công trình dịch thuật những thuật ngữ Khoa học và Kỹ thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt lần đầu tiên, để giảng dạy trong chương trình Việt được bắt đầu từ ngày ấy.

          Ngày nay, những từ Việt mà chúng ta đang sử dụng đây, chính là những từ mà chúng ta đang được thừa hưởng từ công trình của Cụ ngày đó.

          Luật sư Phan Anh cũng là người đã có công gây nên được một Phong trào Thanh niên yêu nước thời đó. Phải nói rằng Phong rào Thanh niên xã Quần Hiền chưa bao giờ sôi nổi như vậy.

No comments:

Post a Comment