Sunday, 21 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Vụ đói năm Ất Dậu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 15

 

VỤ ĐÓI NĂM ẤT DẬU.

          Cũng trong năm này, một việc nữa đã xảy ra, vô cùng kinh khủng. Một việc mà trong Sử Việt Nam cũng như trong sách sử thế giới chưa hề bao giờ có. Đó là vụ NGƯỜI CHẾT ĐÓI NĂM 1945. Trong cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, thế giới được chia thành 2 phe đối nghịch : Một bên là phe TRỤC gồm các nước Nhật - Đức  - Ý, cả ba đều là phát xít, và bên kia là phe ĐỒNG MINH gồm các nước Mỹ - Anh – Pháp – Nga – Hoa. Do nhu cầu tình thế, quân đội Nhật đã đổ bộ lên Đông Dương. Để dễ bề thao túng ở đây, phát xít Nhật đã hất cẳng thực dân Pháp. Chúng đã bắt dân VN phải phá bỏ hoa màu là lúa, ngô, khoai đang xanh tốt sắp được thu hoạch, thay vào đó là trồng đay để lấy đay tơ chế tạo thuốc súng, và làm bao tải để vận chuyển hàng hóa, khí giới mà chúng đang cần cho chiến tranh. Đây là nguyên nhân chính của vụ chết đói 2 triệu người năm 1945 ở đồng bằng Bắc bộ. Ngoài ra, phát xít Nhật và thực dân Pháp còn gây thêm tội ác như là không muốn ngăn chặn nạn đói này. Hồi đó máy bay Mỹ thường bay đi bắn phá những xe cộ, tàu thuyền di chuyển trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trong khi ở miền Bắc, dân chết đói hàng loạt vì không có lương thực, thì ở Sàigòn, thực dân Pháp đã lấy thóc trong kho thay cho than đốt, để chạy máy Nhà máy đèn Chợ Quán trong một thời gian dài mà không hề nghĩ đến việc gửi thóc gạo ra miền Bắc để cứu đói, dù chỉ là một phần nhỏ, với mục đích để dễ bề cai trị.. Kết quả có vẻ như là phát xít Nhật và thực dân Pháp đã về hùa với nhau để tạo ra vụ chết đói hàng loạt này !

          Namđịnh và Thái Bình là hai tỉnh miền Bắc có người chết đói nhiều nhất, khoảng 2 triệu người trong vòng chỉ hơn một tháng. Hồi đó, cứ sáng dậy mở cửa ra đường là đã thấy có một xác người chết  nằm còng queo ngay trước cửa nhà. Gọi là xác người, chứ thực ra chỉ còn là một bộ xương bọc da khô đét, xám xịt, nhìn kỹ một lúc lâu mới nhận ra được đó là người quen, thật là thương tâm !

          Việc tạo hậu quả 2 triệu người chết đói, vụ phá bỏ hoa màu để trồng đay của người Nhật còn làm cho môi trường của vùng nông thôn những tỉnh này bị ô  nhiễm nặng. Sự ngâm vỏ cây đay tươi trong nước ao hồ tù đọng, tiết ra chất nhựa cây làm cho cá tôm và cả những sinh vật trong đó chết hàng loạt. Nước ao hồ bị ô nhiễm bốc lên một mùi hôi khó tả trong khắp vùng. Những người đang đói, hít phải hơi độc hại này, chỉ trong một thời gian ngắn là thấy ngay hậu quả, đã đi đến cái chết mau lẹ hơn. Trong vụ đói năm Ất Dậu (1945) này, tôi đã được chứng kiến một ngưòi bố giành được củ khoai luộc, ngồi ăn một cách ngon lành, thản nhiên bên cạnh một đứa con đang thoi thóp sắp chết vì đói ! Có những nơi người ta đã phải mang đi chôn tập thể những người chết đói cùng một huyệt. Nấm mồ tập thể này hình như ngày nay vẫn còn, ở ngay trong khuôn viên gần Tòa án Nhân dân Hànội. Nấm mồ này tuy ở Hànội, nhưng những người nằm trong đây phần lớn lại là dân Namđịnh, Thái Bình, có lẽ cả dân Hưng Yên và Hải Dương nữa, di tản lên thành phố Hànội để kiếm sống. Chuyện vụ đói năm Ất Dậu đã quá quen thuộc với người dân miền Bắc, nhất là ở hai tỉnh Namđịnh và Thái Bình nên cũng chẳng cần phải nói nhiều. Nhưng có điều là, sau vụ đói này, dân ta còn bị thêm một nạn nữa : đó là nạn CHẾT NO. Số là sau khi bị nhịn đói một thời gian khá dài chừng 3-4 tháng, đến lúc lúa, ngô, khoai được trồng lại và cho hoa màu, những người đã từng nhịn đói bây giờ thấy cần phải ăn nhiều, để bù đắp lại những ngày tháng phải nhịn đói lúc trước, nên lại phát sinh ra bệnh ăn quá no, và rồi cuối cùng cũng đã đi đến cái chết, nhưng là CHẾT NO, chứ không phải CHẾT ĐÓI.

          Số người chết no, tuy không nhiều lắm, nhưng cũng vẫn là một con số đáng kể !

Saturday, 20 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Nhật đảo chính Pháp (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 14

 

NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP.

          T ối hôm đó là 9-3-1945, trong lúc bọn chúng tôi đang cùng nhau ngồi chơi bài tam cúc, thì một loạt súng lớn nổ ầm vang, kèm theo những tiếng nổ lẹt đẹt của súng nhỏ, từ bên kia sông Hồng, phía thành phố Namđịnh. Mọi người đều ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì. Mãi đến sáng ngày hôm sau, có người ở bên Namđịnh sang cho biết, đó là tiếng súng của quân đội Nhật đảo chính lính Pháp. Rồi trưa ngày hôm đó, người ta thấy một anh Tây cao lớn, mắt xanh mũi lõ, hớt hải chạy từ bờ sông vào làng Hội Kê, về phía nhà tôi, mặt mũi nhớn nhác, ra hiệu xin cho được tạm thời ẩn náu. Anh Tây này mặc quân phục, đeo lon đại úy. Chúng tôi ở đó không ai nói được tiếng Pháp, nên chẳng ai hiểu được anh ta muốn gì. Sau đó chúng tôi dẫn anh ta vào nhà trong – chỗ cha tôi ở - vì ông đang là Tiên Chỉ của làng và lại nói được tiếng Pháp. Anh ta ngỏ ý muốn được tạm thời ẩn tránh vì đang còn đánh nhau, chưa ngã ngũ hẳn. Rồi sau nếu cần, anh sẽ ra trình diện quân đội Nhật. Trong lúc ngồi nói chuyện với cha tôi, tôi thấy anh ta lấy ra từ trong túi áo một bọc thuốc lá Bát-tô (Bastos), loại để hút ống vố, vo tròn một búi tổ bố, lớn bằng trái táo ta, bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nuốt một cách ngon lành. Thì ra anh ta nghiện thuốc lá rất nặng, phải nhai nuốt thuốc để thay cho hút. Cha tôi cho tuần mời lý trưởng làng (ông Lý Tỉnh) tới và giao người Tây này cho lý trưởng xử lý. Ông Tỉnh lại cho người gọi trương tuần là Trương Chỉ tới để đưa người Pháp này đi giữ an ninh ở một chỗ nào đó. Sau mấy ngày, tôi thấy anh Tây này lại trở sang Namđịnh, có lẽ để trình diện quân đội Nhật, và sau đó hình như được đưa lên Hànội và được trở về Pháp an roàn. Từ đấy cũng chẳng còn ai lưu tâm đến vấn đề này nữa.

          Sau ngày quân đội phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương, xóa bỏ nền bảo hộ của Pháp ở đây và trao trả quyền tự trị cho ngưởi Việt Nam, vua Bảo Đại cho vời Cụ Trần Trọng Kim ra làm Thủ tướng, lập chình phủ mới của nước Việt Nam tự trị. Thế là chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Cụ Trần Trọng Kim vốn là một nhà giáo và là một học giả uyên bác, tác giả nhiều bộ sách rất giá trị như Việt Nam Sử Lược, Nho Giáo, Phật Học, Văn Phạm Việt Nam (chung với Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm), Truyện Kiều (chung với Bùi Kỷ), và nhiều sách khác nữa như bộ sách Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư dùng cho bậc Tiểu học thời Pháp thuộc trên toàn cõi Việt Nam. Những ai đã đi học hồi nhỏ thời Pháp hẳn chưa quên.

          Tôi không nhớ hết những thành viên trong chính phủ của Cụ, chỉ còn nhớ hai nhân vật nổi danh nhất là học giả Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Cụ Hoàng Xuân Hãn là người đã có công đóng góp lớn cho nền giáo dục Việt Nam, qua quyển Danh Từ Khoa Học, một công trình dịch thuật những thuật ngữ Khoa học và Kỹ thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt lần đầu tiên, để giảng dạy trong chương trình Việt được bắt đầu từ ngày ấy.

          Ngày nay, những từ Việt mà chúng ta đang sử dụng đây, chính là những từ mà chúng ta đang được thừa hưởng từ công trình của Cụ ngày đó.

          Luật sư Phan Anh cũng là người đã có công gây nên được một Phong trào Thanh niên yêu nước thời đó. Phải nói rằng Phong rào Thanh niên xã Quần Hiền chưa bao giờ sôi nổi như vậy.

Friday, 19 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Một thoáng quê hương xưa (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 13

 

MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN.

          Thời gian này, tuy là vào nhà trong ở với cha tôi, nhưng tương đối tôi vẫn được tự do : lúc ở nhà trong, khi ở nhà ngoài tùy thích. Có ngày tôi đã đi về như con thoi giữa hai nhà trong và nhà ngoài (nhà trong là nhà ở trong giữa làng, còn nhà ngoài là nhà phía bên ngoài, sát bờ sông). Những lúc mà tôi thích du hý, thì tôi ra nhà ngoài để chơi tam cúc với chị tôi (cô Ngọc) và mấy đứa nhỏ cùng xóm nữa. Có khi ngủ lại đêm ở nhà ngoài để còn ra ngồi ngắm tàu, thuyền chạy trên sông. Hồi đó, dầu hôi rất hiếm và rất đắt. Người ta phải nghĩ ra cách dùng những cây que bằng nhựa trám, trộn lẫn mạt cưa để làm thành cây hương (cây nhang) đốt thay đèn. Những que trám này cũng cháy thành lửa tạm đủ sáng, nhưng chóng tàn và tỏa ra rất nhiều khói đen, đến nỗi ngồi gần một lúc, thò ngón tay vào ngoáy mũi thì ngón tay đã đen xì.

          Nói đến tam cúc, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm khó quên giữa bà chị lớn của tôi (cô Báu) và thằng nhóc em là tôi hồi đó. Bà chị tôi đã dạy tôi cách chơi bài tam cúc và sắm riêng cho tôi một bộ bài. Khi tôi đã đủ bản lãnh để chơi bài, bà cho tôi cùng đánh tay đôi để luyện ngón nghề. Bộ bài Tam Cúc có 32 lá, giống hệt như 32 quân cờ tướng, gồm có TướngTượngXePháoTốt. Cả bộ bài có hai phần, phần màu đỏ và phần màu đen. Thứ tự cao thấp trong bài như sau : Tướng trên Sĩ, Sĩ trên Tượng, Tượng trên Xe … và cứ thế cho đến quân cuối có tên là Tốt. Nếu quân Tốt này lại có màu đen thì sẽ là quân bài TỐT ĐEN có giá trị thấp nhất. Vì vậy nên trong ngôn ngữ Việt Nam mới có từ TỐT ĐEN để nói một cách miệt thị là hạng người ít có giá trị hơn cả. Thí dụ như nói : « Hắn ta chỉ là tên TỐT ĐEN thôi » là vậy. Bài Tam Cúc, người ta còn gọi đùa là Bài Tam Tức vì lối chơi bài này dễ làm cho người ta nổi giận hay « tức mình » lắm. Còn cái kỷ niệm khó quên vừa nói ở trên là kỷ niệm thế nào ?

          Chuyện như sau đây : Hồi đó bà Báu và tôi chơi tam cúc tay đôi. Như ta đã biết, bộ bài tam cúc có 32 lá, nếu chơi tay đôi chia làm hai phần, mỗi phần 16 lá. Như vậy, giữa hai người chơi bài, người nào cũng biết bài của đối phương có những lá bài gì ? Bài của tôi ván đó rất đẹp, gồm toàn những lá bài có giá trị cao và hợp thành những bộ đôi, bộ ba rất đắc lực, hầu như tôi đã cầm chắc phần thắng trong tay. Bà Báu đã áp dụng cách chơi « phá trận » và lợi dụng thế chủ động (được làm nhà cái để đưa ra lệnh gọi xuất bài) làm cho bài của tôi bị xé nát, rơi vào thế tan rã, chì còn « chui và chui », kết cục là hoàn toàn thất bại nặng nề. Bà Báu ra vẻ vui thích làm tôi bị chọc tức đến cực điểm, và thế là tôi đã « Tạc zăng nổi giận », không còn kìm hãm được nữa, chồm lên cắn vào cổ bà một phát khá đau, rất may là chưa đến nỗi thành thương tích về sau. Sau khi đã nư, thỏa đuợc nỗi tấm tức, tôi lặng lẽ bỏ đi chỗ khác và bắt đầu cảm thấy ân hận là đã làm một việc cực kỳ lố bịch, rồi âm thầm rút lui ra nhà ngoài (cũng là nhà tôi, nhưng ở phía ngoài bến sông) để tị nạn.  Kế đó, cha tôi cho tìm gọi tôi đến để kể lại chuyện này ông nghe. Tôi đã tỏ ra thành khẩn, hối hận, và xin được tha thứ. Cha tôi đã chỉ quở mắng qua loa và bắt tôi phải xin lỗi chị tôi. Bà Báu cũng như tôi đều đã hoan hỉ làm việc này. Kết quả là, ngay hôm đó, mọi việc giữa chị tôi và tôi lại trở lại bình thường như trước. Nhưng có một điều còn lại, là sự ân hận của tôi vẫn chưa hết, thật là một kỷ niệm khó quên !