Friday, 9 December 2011

Chích ven là chích vào đâu?

Ven là tĩnh mạch. Gốc của ven (có khi được ghi là vênh) là từ veine của tiếng Pháp.
Ngữ liệu:

* Năm năm sau vẫn còn cảm thấy đau khổ, mỗi lần người ta lách kim vào thái dương, vào trán, vào hai cổ chân tìm ven của con. (Lê Lựu, 2006:313)
* Cháu bé thế này ven mạch ở đâu mà cắm kim, lại còn chằng buộc thế nào để giữ yên tay nó mấy tiếng đồng hồ ? (Bùi Ngọc Tấn, 2008:356)

Tuesday, 6 December 2011

Cần sa là gì?

Cần sa vừa là tên cây (ruộng cần sa, trồng cần sa, ) vừa là tên gọi chất ma túy thu được từ cây đó (hút cần sa, mua bán cần sa...).
Cây cần sa còn có tên khác là cây gai dầu, cây lanh mèo, cây lanh mán, cây gai mèo, cây đại ma, cây hỏa ma, cây bồ đà. Tên khoa học (tiếng La Tinh) là Cannabis sativa L. Cần sa là kết quả ghép các âm tiết đầu của hai từ La Tinh. Cần sa theo chân quân Mỹ vào miền Nam trước năm 1975. Từ cần sa được ghi nhận trong từ điển Lê Văn Đức (1970b:186)
Cần sa còn được gọi là tài mà.. Đó chính là âm Quảng Đông của đại ma (大麻). Đại ma là từ ngữ sách vở, xuất hiện trong tiếng Việt đã lâu (Đào Duy Anh, 2005:21). Tài mà chỉ phổ biến ở phía Bắc. Nó là bằng chứng cho thấy một tuyến vận chuyển và một địa bàn tiêu thụ cần sa mới hình thành những năm gần đây.

Monday, 5 December 2011

Vì sao đàn ông (Việt Nam) ngày nay ngoại tình nhiều hơn xưa?


Câu trả lời là vì đàn ông nước ta ngày xưa không biết ngoại tình là gì.

Ngoại tình là từ Việt mượn Hán (外情). Génibrel (1898:527) dịch sang tiếng Pháp là adultère, tội ngoại tìnhcrime d’adultère và con ngoại tình là enfant adultérin. Không thể tìm được cách dịch chuẩn xác hơn, nhưng sự thật là adultère của Pháp và ngoại tình của Việt Nam có chỗ không giống nhau.

Trong tiếng Pháp thời bấy giờ không chung thủy với vợ hay chồng (violement de la foi conjugale) đều là adultère (Dictonnaire de l’Académie, 5e édition (1789) và 7e édition (1935)). Các từ điển tiếng Pháp hiện nay (Petit Robert 2007) tránh cách định nghĩa mang màu sắc tôn giáo (foi = đức tin / niềm tin), nói rõ là rapport sexuel volontaire d'une personne mariée avec une personne autre que son conjoint (quan hệ tình dục tự nguyện giữa một người đã kết hôn với người không phải là người phối ngẫu của mình).

Ngoại tình trong từ điển của Huình Tịnh Của (1868b:98) được cắt nghĩa là có tình ý riêng với trai, tội hòa gian. Cho đến đầu thế kỷ 20 người ngoại tình vẫn cứ là người đàn bà có chồng mà còn có tình riêng với người khác (Đào Duy Anh, 2005:538), người đàn bà có chồng mà dan díu vụng trộm với người ngoài (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:389). Với định nghĩa như vậy, không có chuyện đàn ông ngoại tình.

Định nghĩa ngoại tình từ giữa thế kỷ 20 có phần công bằng hơn cho phụ nữ. Lê Văn Đức (1970b:1024) coi ngoại tình là trai gái với người khác (khi đã có vợ hay có chồng). Như vậy từ giữa thế kỷ 20, tỷ lệ đàn ông ngoại tình đang ở số không tuyệt đối tăng vọt đột biến: ông nào đã có vợ mà nuôi bồ nhí cũng là ngoại tình rồi chứ không cần phải dính đến phụ nữ đã có chồng.

Các định nghĩa lỏng lẻo hiện nay lại càng bất lợi hơn cho đàn ông. Chỉ cần có quan hệ yêu đương bất chính khi đã có vợ hay có chồng (Nguyễn Như Ý, 1999:1202; Hoàng Phê, 2006:684) cũng có thể bị xem là ngoại tình. Khi đã có vợ mà còn lên mạng chát, hẹn hò với em, thư qua điện thoại lại... thì hãy coi chừng vì tất cả những trò ấy đều là quan hệ yêu đương bất chính. Đàn ông Việt Nam bây giờ lại khổ hơn đàn ông Pháp.

Sunday, 4 December 2011

Ma lanh là con ma gì?


Ma lanh không phải là ma nhanh hay ma chậm gì hết. Ma lanh là một từ gốc Pháp (malin) vào tiếng Việt với nghĩa là láu lỉnh, láu cá.
Từ ngô nghê Quách Tĩnh đến hào sảng Tiêu Phong, từ lưỡng lự Dương Quá đến ma lanh Lệnh Hồ Xung, tất thẩy đều quay cuồng trong mớ lẫn lộn giá trị làm họ vô cùng hoang mang chẳng biết đâu là xuôi đâu là ngược. (Nguyễn Việt Hà, 2007:246-247)
Thanh Nghị (1967:869) có lẽ là quyển từ điển ghi nhận ma lanh sớm nhất.


Ma lanh còn một người anh em nữa là ma le.

Bà Từ Dụ sinh con gái, bà Trương Đăng Quế sinh con trai, nên ông Quế đã ma le đút tiền cho các cung nhân để tráo vào cho con mình sau này làm vua. (Lý Nhân Phan Thứ Lang, 2006:35)

Vì sao người đàn ông chăn dắt gái mại dâm không phải là ma cậu mà là ma cô?


Ma cô không phải là ma bà cũng chẳng phải ma ông. Ma cô là một từ gốc Pháp (maquereau) vào tiếng Việt với nghĩa là kẻ hành nghề dắt gái:
* Mấy phút sau, hai gã ma cô bảo kê cho mấy cô gái phóng xe đến đập cửa. (Tiêu Dao Bảo Cự , 2004:134)
Từ ma cô vào tiếng Việt từ những năm 30 của thế kỷ trước (Gustave Hue, 1937:540, Đào Duy Anh, 1950:1012) và ở yên trong từ điển từ ấy đến nay bất kể mọi đổi thay chế độ, thời cuộc. (Thanh Nghị, 1967:869;, Lê Văn Đức, 1970b:874; Nguyễn Như Ý, 1999:1079; Nguyễn Kim Thản, 2005:1007; Chu Bích Thu, 2006:150; Hoàng Phê, 2006 :603). Ma cô nhập tịch Việt lâu rồi, không mấy ai nhớ đến nguồn gốc của nó nữa, nghĩ đã là ma ắt phải xấu xa. Nhiều khi những kẻ trông hung ác, côn đồ cũng bị gọi là ma cô mặc dù không hành nghề chăn dắt gái.
* Trông tướng ông ấy ma cô lắm, dì cẩn thận đấy. (Huệ Ninh, 2008:22)

Từ maquereau còn được phiên âm thành mặt rô. (Chu Bích Thu, 2006:150) hoặc mặc rô. Cũng như người anh của nó là ma cô, từ mặt rô ngoài nghĩa kẻ chăn dắt gái mại dâm phát triển thêm một nghĩa không có liên quan gì đến nghề tú ông:
Các chiêm tinh gia không khoái chuyện tiên tri này và thay vì trả lời sự thách thức của Gosh đã cho gọi bọn “mặt rô” (bouncers) đến tống tiễn ông vào bệnh viện. (Dương Ngọc Dũng, 2008:61)

Nguyễn Như Ý (1999:1083) có ghi nhận một dạng khác phiên âm từ maquereaumạc cờ rô và giải nghĩa là như ma cô. Có vẻ như mạc cờ rô không được phổ biến bằng ma cômặt rô. Có thể mạc cờ rô (ma cô) vừa bị xung đột đồng âm với mạc cờ rô (macro) của dân chụp ảnh vừa xung đột đồng nghĩa với ma cô / mặt rô nên không bứt lên nổi trong cuộc cạnh tranh.

Friday, 2 December 2011

Ma mút có xấu không?

Nguyễn Kim Thản (2005:1008) chỉ có ma mút nghĩa là giống voi hóa thạch khổng lồ sống ở kỷ đệ tứ.
Hoàng Phê (2006) là tác giả duy nhất phân biệt ma-mút X. mammuth, với nghĩa là voi không lồ hóa thạch, kỉ đệ tứ (Hoàng Phê, 2006:607) với ma mút dùng trong khẩu ngữ, nghĩa là con ma mặt mũi rất khó coi, thường dùng để ví người mặt mũi xấu xí quá. Xấu như ma mút (Hoàng Phê  2006:602).


Từ ma mút vào tiếng Việt đã lâu, cách đây ít nhất là 90 năm:

Như các nhà bác-học đã phát-minh được một giống voi cổ gọi là “ma-mút” (mammouth), giống này may tìm được nguyên cả xác lấp trong bãi nước-đá đất Sibérie, không thối-nát gì cả, xét ra thời đã khác đời trước và gần giống con voi ta bây giờ . (Nam Phong Tạp Chí số 51, 1921:462, Hồng Nhân)


Danh từ khoa học của Đào Văn Tiến (1945:58) có lẽ là quyển từ điển đầu tiên ghi nhận từ ma-mút. Con vật to lớn dềnh dàng này còn được gọi là cổ tượng (Nam Phong Tạp Chí số 119, 1927:27,  Thượng-Chi) hay khổng tượng (Thanh Nghị, 1967 :776). Các từ điển tiếng Việt phổ thông từ Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) đến Thanh Nghị (1967b), Lê Văn Đức (1970), Ban Tu Thư Khai Trí (1971) đều không có mục từ nào về/nhắc đến ma mút.

Ngay từ lúc mới nhập tịch Việt Nam, ma mút đã được dùng để chỉ những người có ngoại hình xấu xí:
* Bởi vì cái nguyên-nhân chủ-quan thì cứ xét về phần trọng-yếu riêng, nên những sự-vật đẹp và những hình-thức đẹp của giống người dã-man cho làm đẹp, tự người văn-minh xem ra thì xấu như ma-mút. (Nam Phong Tạp Chí số 117, 1927:462,  Đông-Châu)
* Thế chả nhẽ anh lấy một người như ma mút thì mới vừa lòng em ư? (Lê Lựu, 2006:244)
Không phải người Việt nào cũng biết ma trong ma mút thuần túy chỉ là âm tiết đầu của từ mammouth tiếng Pháp. Vì vậy người ta có khuynh hướng quy nó về ma của ma quỷ, ma da, ma xó... và của các thành ngữ xấu như ma, xấu ma chê quỷ hờn... Nhưng nếu ma mút là ma thì nó mút cái gì?

Thursday, 1 December 2011

Ngoại tịch quân đoàn là gì?



Ngoại tịch quân đoàn là một trong nghìn vạn từ ngữ mới xuất hiện gần đây trong tiếng Việt qua kênh dịch thuật Trung-Việt. Một số dịch giả lười tra từ điển, chọn cách chuyển âm Hán Việt cho nhanh, chẳng hạn外籍軍團 được phiên thành ngoại tịch quân đoàn còn ngoại tịch quân đoàn là gì thì người dịch để cho người đọc tùy nghi.

Thật ra外籍軍團chính là một lực lượng nằm trong tổ chức của quân đội Pháp mà người Việt đã quen gọi là quân lê dương. Tên tiếng Pháp của nó là légion étrangère, dịch sát nghĩa là binh đoàn ngoại tịch. Lực lượng này được thành lập năm 1831, tuyển mộ mọi phần tử bất hảo, không phân biệt quốc tịch, đưa sang An-giê-ri làm nhiệm vụ bảo vệ hệ thống thuộc địa của Pháp tại đây. Người đăng lính muốn khai tên gì cũng được (công dân Pháp hiện nay vẫn có thể tòng quân bằng tên giả và quốc tịch ma). Một tên tội phạm đã gia nhập quân lê dương thì không còn cảnh sát xứ nào có thể mò ra hay với tới hắn ta được nữa.  Sau một năm phục vụ, người lính có thể lấy lại tên thật. Sau ba năm, người lính có thể xin vào quốc tịch Pháp với điều kiện là phải dùng tên thật, không còn vấn đề gì với pháp luật và đã phục vụ trong binh chủng với đầy đủ danh dự và lòng trung thành. Nếu không đủ niên hạn nhưng đã bị thương cũng có thể xin vào quốc tịch theo một điều luật quy định bất cứ ai đã đổ máu vì nước Pháp đều là người Pháp  (Français par le sang versé). Do những quyền lợi đặc biệt đó, lực lượng lê dương là một địa chỉ khá hấp dẫn cho những ai muốn làm lại cuộc đời. Cũng do những đặc điểm đó, lính lê dương nổi tiếng là dữ dằn, thiện chiến. Nghe đến lính lê dương là thấy ớn rồi chứ ngoại tịch quân đoàn là gì... khó cảm nhận quá.