Wednesday, 4 January 2012

Xoay xở hay xoay sở?

Cách đây khoảng mười năm, một nhóm nghiên cứu ở Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của ông Bùi Khánh Thế đã lưu ý rằng “hiện tượng sai chính tả đã phổ biến, và đang trở thành một tranh chấp thực sự” (Đặng Thái Minh & Nguyễn Vân Phổ, 2001:99). Từ một kho ngữ liệu 14 triệu lượt từ, nhóm này tìm được 19 xoay xở và 10 xoay sở.
Sự phân bố về mặt thể loại càng thú vị hơn. Cả hai dạng đều không có mặt trong công văn, giấy tờ hành chính (dĩ nhiên). Trên hầu hết các thể loại, tỷ lệ sai chính tả xấp xỉ 50%. Trên các văn bản có tính cách cá nhân (thư tín, nhật ký), sai đúng ngang nhau. Trong khi đó người ta hầu như không viết sai trên các văn bản phổ biến khoa học (kiểu tạp chí Kiến Thức Ngày Nay...).
Số liệu thống kê (tần số) phần nào cho thấy chính tả phải được xem xét và cân nhắc từng trường hợp cụ thể chứ không thể là quy định nhất loạt cứng nhắc. (Đặng Thái Minh & Nguyễn Vân Phổ, 2001:99)
Hiện nay trên Google dạng sai chính tả đã phổ biến gấp mười lần dạng chuẩn.

Tuesday, 3 January 2012

Màu tăng gô là màu gì?


Màu tăng gô là màu da cam đậm. Tên này được dùng cho màu này từ đầu thế kỷ 20 cùng với phong trào nhảy tăng gô ở phương Tây.
Từ tăng gô vào tiếng Việt qua đường mượn âm tiếng Pháp; tiếng Pháp mượn của tiếng Tây Ban Nha vào năm 1912. Từ tango xuất hiện trong tiếng Tây Ban Nha năm 1864, chỉ một vũ điệu của người Nam Mỹ có gốc gác là nô lệ da đen từ châu Phi qua. Từ nguyên của tango hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng người ta đã tìm được một trong những nghĩa đầu tiên của nó là chỗ bọn buôn người tập kết nô lệ trước khi đưa lên tàu.
Điệu tăng gô làm mưa làm gió ở Paris và khắp châu Âu từ năm 1913 đến năm 1915. Thiên hạ không chỉ nhảy tăng gô mà gì cũng tăng gô được. Ăn nhậu, chơi bời có trà đình tăng gô (thé tango), tiệc rượu tăng gô (cocktail tango), cơm tối tăng gô (dîner tango), hội nghị tăng gô (connférence tango), chiêu đãi tăng gô (réception tango). Đi đứng có xe lửa tăng gô (train du tango). Thời trang có áo tăng gô (blouse tango), coóc xê tăng gô (corset tango), nước hoa tăng gô (parfum tango), quần chẽn tăng gô (culotte tango), giày tăng gô (chaussure tango), nón tăng gô (chapeau tango).... Thôi thì cái gì cũng tăng gô được. Tất cả chỉ để nhảy tăng gô cho đã.
Một nhà buôn vải lụa, đang phải ôm kho một đống xa tanh màu da cam đậm, thấy thiên hạ mê tăng gô quá liền tung đống vải cũ nát của mình ra thị trường với cái tên là Couleur Tango (màu tăng gô). Thế là giải phóng được kho trong tích tắc. Chẳng những thế các xưởng dệt khác và các nhà buôn khác còn tranh nhau dệt thêm, nhập thêm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo gương bên Tây, ở ta có lẽ cũng nên đặt tên vải, tên màu theo tên nghệ sĩ (Hoàng Thùy Linh, Lý Nhã Kỳ, Đàm Vĩnh Hưng...). Nhất định bán chạy.

Sunday, 1 January 2012

Băng ghế và nhà băng có gì liên quan với nhau?


Nhà băng (ngân hàng) xuất hiện ở nước ta cùng với sự thiết lập chế độ thực dân Pháp.
Quan Thuộc địa Thượng thư Sarraut có viết giấy xin phép cho các phái viên Nam Bắc kỳ vào xem một nhà “băng” lớn ở Paris, là nhà Crédit Lyonnais. (Phạm Quỳnh, 2004:198)
Nhà băng của tiếng Việt vốn là maison de banque của tiếng Pháp. Maison được dịch ra là nhà. Người Việt nghe từ banque của tiếng Pháp, không giữ được phụ âm /k/ ở cuối âm tiết, phiên thành băng. Đây là một trong mươi từ mượn âm Pháp được vào từ điển tiếng Việt sớm nhất (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:35)
Băng của băng ghế cũng là một từ gốc Pháp (banc).
Phương, áo cổ vuông màu cánh dán, tóc buộc cao vống, người gầy, thấp bé, chiếm một chiếc ghế băng để sát chỗ Hồng, đọc “Tuyển tập kịch Sếch-xpia”. (Dương Thị Xuân Quý, 2007:238)
Trong tiếng Pháp bancbanque là hai từ đồng âm, vào tiếng Việt thành hai từ vừa đồng âm (phát âm giống nhau) vừa đồng tự (viết cũng giống nhau).

Friday, 30 December 2011

Màu đô là màu gì?


Màu đô là màu đỏ của rượu chát boóc-đô (Bordeaux), tức là màu đỏ tươi pha thêm chút xanh hoặc chút tím; mã RGB là (128, 0, 0). Màu đỏ boóc đô, màu đỏ đô, màu boóc đô, màu đô và màu rượu chát là một. Thông dụng nhất là màu đỏ đô.

Thursday, 29 December 2011

Bông tu là cái gì?

Trong ngành ô tô - xe máy, bông tu là cây kim của bộ chế hòa khí (bình xăng con). Khi đầu cao su của bông tu bị chai, bông tu đóng không kín thì xe bị chảy xăng. Bông tu này là từ gốc Pháp (pointeau de carburateur). Nó còn hai dạng khác trong tiếng Việt là poăng tupông tu

 Thanh thép nhọn dùng để lấy dấu trên chi tiết cơ khí cũng được một số thợ lớn tuổi gọi là bông tu / pông tu / poăng tu. 

Tuesday, 27 December 2011

Sa thải hay xa thải?

Sa thải là một từ Hán Việt (), vốn có nghĩa là đãi cát (sa nghĩa là cát), lấy nghĩa bóng là bỏ cái xấu, giữ cái tốt và do đó thích dụng cho các trường hợp đuổi việc (Đào Duy Anh, 2005:662). Như vậy viết xa thải là sai chính tả.
Khó có thể quy lỗi chính tả xa thải cho phát âm không phân biệt x/s. Trước hết, chữ viết không nhất thiết phải tương ứng 1-1 với âm thanh. Không ai có thể bắt người Bắc phải phát âm xa khác với sa cũng như không ai bắt được người Nam đọc thải khác với thãi. Sau nữa, trong Nam ngoài Bắc đều có người viết đúng, kẻ viết sai, chẳng miền nào hơn miền nào hay kém miền nào.
Nguyên nhân gây ra lỗi chính tả khi viết sa thải thành xa thải là mối quan hệ giữa nghĩa gốc và nghĩa hiện tại bị gián đoạn. Một số người đủ vốn liếng từ Hán Việt để hiểu sa là gì, thải là gì nhưng không nhìn thấy mối liên hệ giữa việc đãi cát với việc đuổi người, do đó không hiểu được tại sao sa của sa thải phải viết với s. Đó là chưa kể phần đông người Việt hiện nay không biết sacát.

Monday, 26 December 2011

Bẻ ghi là làm gì?


Ghi trong ngành đường sắt là một từ gốc Pháp (aiguille) chỉ thiết bị chuyển đoàn tàu từ đường ray này sang đường ray khác. Trước đây công việc này hoàn toàn dựa vào sức người bẻ ghi. Hiện nay việc chuyển đường tàu đã được tự động hóa. Nhưng người ta vẫn nói là bẻ ghi mặc dù không thấy ai ra sức bẻ cái gì cả.