Đầu thế kỷ 20 người ta vẫn viết là thống kế:
Mãi đến gần đây thống-kế mới dựng thành một khoa-học. Nam Phong Tạp Chí số 13 (1918:20, Ph. Q)
Theo biểu thống-kế về nhân-khẩu ở Đức trong năm 1930, thì số sinh đẻ ở nước ấy sụt kém đi nhiều lắm, cứ tính theo suất-số một nghìn người thì lại kém cả nước Pháp nữa. Nam Phong Tạp Chí số 167 (1931:427)
Cũng theo sổ thống-kế của Hội Vạn-quốc, thì tiền-tệ các nước đều mất giá-trị (monnaie dépréciée) đi nữa. Nam Phong Tạp Chí số 183 (1933:399)
Hán Việt Từ Điển Giản Yếu cho biết là ngay từ thời Nam Phong Tạp Chí đã xảy ra tình trạng thống kế “thường đọc thống kê” (Đào Duy Anh, 2005:869). Nhưng thi thoảng người ta mới bắt gặp thống kê trên sách vở, có vẻ như là nhà in quên bỏ dấu:
Theo như sổ thống-kê (statistique) của Hội Vạn-quốc, thì ra mấy năm nay cuộc mua bán trao đổi ở giữa các nước trong hoàn cầu sút-kém nhiều lắm: năm 1929 tổng-cộng lại được 35 ngàn 6 triệu đô-la, thế mà đến năm 1931 sụt xuống còn có 20 ngàn 9 triệu mà thôi. Nam Phong Tạp Chí số 183 (1933:398)
Kế đổi thành kê là một ví dụ của hiện tượng Việt hóa từ Hán Việt. Từ kê này (tức kế Hán Việt đã Việt hóa) có nghĩa là kể ra, biên ra: kê đơn hàng, kê đơn thuốc. (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:262), không phải là xa lạ gì với lời ăn tiếng nói nhưng lại không dễ dàng được chấp nhận trong một tổ hợp có tính trang trọng, bác học. Các nhà soạn từ điển trong một thời gian dài chỉ công nhận một dạng là thống kế (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:575, Đào Duy Anh, 1950:1684). Đến Đào Văn Tập (1950:696) thì thống kê là mục từ chính với mở ngoặc bên cạnh là kế. Thanh Nghị (1958:1334) dứt khoát gạt thống kế ra ngoài từ điển. Lê Văn Đức (1970b:1591) lại chấp nhận cả thống kế và thống kê: thống kế vẫn là mục từ chính thức có định nghĩa, nhưng kèm ghi chú “thường gọi là thống kê”. Bây giờ thì chẳng ai viết hay nói thống kế nữa, chỉ dùng thống kê trong mọi trường hợp (Hoàng Phê, 2006: 953).