Wednesday 11 September 2013

Câu chuyện dịch "Mỹ học" của Hegel (Phan Ngọc - Talawas)


19.8.2002
Trả lời chị Phạm Thị Ho� i
Một anh bạn cho tôi xem bài phê bình của chị Phạm Thị Hoài về bản dịch quyển "Mỹ học" của Hegel của tôi. Tôi nấn ná không trả lời ngay, một là vì bận nhiều, hai là vì bạn bè còn bảo tôi không nên trả lời. Cái khó ở đây không phải là nội dung của câu chuyện mà ở thái độ: nói thế nào để không mang tiếng là người "hộ đoản" - thuật ngữ Trung Quốc chỉ người khăng khăng bảo vệ sai lầm của mình.

Một thí dụ. Trong bản dịch "Mỹ học" của Hegel, tôi dịch thuật ngữ Entfremdung (tiếng Pháp làalíénation) thành "tha hoá". Cách dịch này không phải của tôi. Nếu chị Hoài tham khảo kỹ hơn, chị sẽ thấy các anh Trương Tửu, Trần Ðức Thảo nói chung đều dùng thuật ngữ này. Chị Hoài nhận xét cách dịch trên của tôi như sau:

"Sự tha hoá tiếng Việt của Entfremdung cũng vậy. Thuở ban đầu, khi đi kèm với "biến chất", nó vẫn quanh quẩn ở đâu đó trong phạm vi có thể truy nguyên về nghĩa gốc, những trong tư duy của nửa thế kỷ qua thì "biến chất" tất yếu là chuyển từ chất vô sản, tiến bộ, tốt đẹp sang chất tư sản, xấu xa. Biến chất là tha hoá. Vậy ngoại tình là tha hóa, viết văn ủy lụy cũng là tha hóa, lười lao động cũng là tha hóa, một lúc nào đó muôn vàn sự đổ đốn - của con người đều được gọi chung là sự tha hóa (4), chỉ có cái Entfremdung của Hegel ngơ ngác đâm đầu vào đấy là nhầm cửa mà thôi".

Cách nói của chị Hoài quả là gay gắt, thực tình tôi không hiểu tại sao từ chỗ phê bình cách dịch một thuật ngữ chị lại đi đến chỗ bàn về một nội dung nằm ngoài mục đích phê bình với những lời lẽ chắc như đinh đóng cột đến vậy được nhỉ. May mà ở chú thích (4), chị giải thích cách chị hiểu chữ tha trong tha hóa như sau :"Nhiều người cho rằng "tha" trong "tha hoá" cùng một nghĩa như trong "thối tha".

Xin trả lời chị là không người Việt nào lại hiểu chữ "tha" trong "tha hoá" có cùng một nghĩa như chữ "tha" trong "thối tha". Chữ "tha" ở đây có nghĩa là "khác" như trong tha hương (nơi không phải quê hương mình), tha phương cầu thực (kiếm ăn ở nơi xa lạ), lòng vị tha (lòng nghĩ đến người khác)... Muốn tạo ra một từ kép mới, trước hết người Việt bao giờ cũng dùng âm tiết đầu thuần Việt, hay Hán Việt có nghĩa khi đứng một mình. Chị hãy nghĩ xem, có người nào lại lấy một yếu tố láy âm không có nghĩa như tha trong thối tha để tạo thành từ kép không? Tha ở đây là láy âm của thối. Cấu tạo láy âm như thế này rất nhiều trong tiếng Việt, như: xót xa, lê la, ngâm nga..., rồi tùy theo cái dấu ở âm tiết đầu mà âm tiết thứ hai đổi dấu theo luật bằng trắc như ta thấy trong: vội vã, dần dà, hối hả... Cho nên trong tiếng Việt không bao giờ có thể có chữ "tha hoá" theo nghĩa "làm cho thối tha" được. Tôi biết chị muốn dạy ngôn ngữ học tiếng Việt cho tôi. Nhưng làm sao có thể "tha hoá" tiếng Việt theo kiểu của chị được?

Cũng vì vậy, tôi nghĩ mình không nên và không thể nào tranh luận với chị về cách dịch các thuật ngữ. Phần lớn các thuật ngữ này tôi lấy của Chu Quang Tiềm - một người nổi tiếng ở Trung Hoa về tiếng Ðức và rất thông thạo Hegel. Việc hiểu Hegel cho đúng quả là rất vất vả và phải có chân truyền, nếu không chỉ cãi lộn nhau mãi mà thôi. Tôi đã học Hegel với anh Trần Ðức Thảo. Chị có quyền bác bỏ cách dịch của tôi, nhưng vì chị chưa nêu cụ thể cách hiểu của chị về từng khái niệm như chị đã phân tích hai chữ "tha hoá", cho nên nếu tôi tranh luận chẳng hoá ra vẽ rắn thêm chân, cố tình xuyên tạc chị sao?

Tác phẩm "Mỹ học" không phải do chính Hegel viết ra, nó chỉ là tập bài giảng bằng miệng của ông. Sau đó, một số sinh viên ghi lại, rồi người ta sắp xếp lại và cố gắng xoá bớt những chỗ mâu thuẫn, trùng lặp - những điều khó tránh khỏi khi trình bày miệng, còn tác giả thì khi đó đã qua đời. Các bản ghi lại bài giảng có những chỗ trùng lặp và không nhất quán, tuy trong bản tiếng Ðức mà chị Hoài sử dụng đã cố gắng gạt bỏ những chỗ ấy, nhưng những chỗ ấy vẫn còn. Cho nên các bản dịch của Jankélévich, Popov và Stolpner, Chu Quang Tiềm đều có những điểm không theo bản tiếng Ðức. Phần lớn những lời chị chê trách tôi nhìn chung đều có trong các bản dịch kể trên, trong đó có thể có điều tôi sai bởi người nào cũng phải có những lúc dịch một thuật ngữ Ðức thành nhiều thuật ngữ khác nhau cho phù hợp với tinh thần Hegel theo như họ quan niệm. Tôi không tranh luận với chị được còn vì hiểu biết Hán học của chị không giống ai và chị là người đầu tiên (theo tôi biết?) đã cho rằng chỉ cần biết tiếng Ðức thông thường là hiểu được Hegel. Trong cách nói của chị có cái vẻ tự tín làm người đọc như tôi đâm sợ.

Tôi không hề giận chị Hoài về cách nói. Ðời tôi đã phải chấp nhận những lời phê bình như thế suốt hơn 20 năm, cho nên tôi đã quen. Tôi sống nhỏ bé, không nói năng ồn ào, cố gắng làm một vài việc nhỏ dù vất vả, bản dịch "Mỹ học" của Hegel chính là một trong vài việc nhỏ đó. Trong đời mình, ít nhất từ năm 1960, tôi không cầu xin một ân huệ nào, cũng không nói xấu ai để mưu lợi cho mình, chỉ hy vọng cuộc đời sẽ làm chứng cho tôi về cố gắng nhỏ bé ấy. Còn ngoài ra, rồi tất cả sẽ trở về với cõi hư vô, vậy hãy cố gắng sống và làm việc đúng như những gì mình có, thế là tốt rồi, chị Hoài ạ! 

No comments:

Post a Comment