Friday 27 September 2013

Những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND Việt Nam (Kỷ Vật Lịch Sử Công An Nhân Dân)


2:22 PM | 28/05/2013
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến đấu và trưởng thành, ghi dấu nhiều chiến công xuất sắc.
Tháng 6.1946, theo Hiệp ước Hoa – Pháp, quân Tưởng rút về nước, để quân Pháp vào miền Bắc thay thế. Bọn phản động tay sai của Tưởng một số thì chạy theo sang Trung Quốc, một số ở lại làm tay sai cho Pháp. Chúng tập hợp lực lượng lập ra Quốc dân đảng Việt Nam do Vũ Hồng Khanh làm đảng trưởng, Trương Tử Anh là thường vụ. Dựa vào Pháp, tổ chức phản động này ráo riết hoạt động nhằm chống phá chính quyền nhân dân còn non trẻ của ta.
Cuối tháng 6.1946, Nha Công an Trung ương đã phát hiện sự câu kết giữa Pháp và bọn phản động Quốc dân đảng Việt Nam. Nha Công an họp bàn kế hoạch quét tất cả trụ sở Quốc dân đảng Việt Nam để khám phá âm mưu của chúng, nhưng Trung ương chỉ đạo việc trấn áp phải có chứng cứ cụ thể để khỏi mắc mưu khiêu khích của địch. Nhận được nguồn tin bọn Quốc dân đảng Việt Nam đang khẩn trương in tài liệu, truyền đơn phản động trong trụ sở 132 Đuy- vi- nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân), đêm 12.7.1946, Nha Công an quyết định bí mật đột nhập vào trụ sở để lấy chứng cứ. Tại đây, lực lượng công an đã bắt toàn bộ bọn phản động, tịch thu các loại tài liệu như truyền đơn, khẩu hiệu, thông cáo chúng vừa in xong; đặc biệt là bản tài liệu do Trương Tử Anh viết về “Kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh”. Theo kế hoạch, đến ngày kỷ niệm Quốc khánh nước Pháp (14.7.1946), chúng đề nghị Chính phủ Việt Nam cho được diễu binh trên một số đường phố Hà Nội, bọn Quốc dân đảng Việt Nam sẽ ném lựu đạn vào quân lính da đen, gây đổ máu. Lấy cớ đó, Pháp đổ lỗi cho ta không giữ được an ninh, trật tự, chống lại quân đồng minh và quân Pháp sẽ ập ngay vào Bắc bộ phủ bắt giữ các thành viên chính phủ, tuyên bố đảo chính, lập ngay một chính phủ của Quốc dân đảng Việt Nam.
Trước những bằng chứng rõ ràng, lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác tiến công truy quét bọn phản cách mạng tại 40 trụ sở của chúng ở địa bàn Hà Nội. Tại trụ sở nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), lực lượng công an bắt Phan Kích Nam và đồng bọn, giải thoát cho những người bị chúng bắt chưa kịp thủ tiêu, thu nhiều tài liệu phản động, dụng cụ tra tấn, dụng cụ làm bạc giả, thuốc mê và đào được 6 xác người bị chúng giết chôn ngay trong vườn. Tại nhà số 80 phố Quán Thánh, trong khi lực lượng công an tiến hành khám xét, quân Pháp đưa xe tăng đến can thiệp, uy hiếp. Trước chứng cứ đầy đủ và sự đấu tranh của quần chúng nhân dân buộc Pháp phải rút lui. Lực lượng công an đã thu được nhiều tài liệu phản động và bắt 30 tên phản quốc. Trong cuộc truy quét bọn phản động cách mạng ở Hà Nội, lực lượng công an bắt gần 100 tên, trong đó có nhiều tên nguy hiểm như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ…
Cuộc tiến công thắng lợi trụ sở Quốc dân đảng Việt Nam ở phố Ôn Như Hầu đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động định lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Cuộc chiến đấu của các lực lượng công an đã góp phần giam chân địch trong thành phố. Đây là những chiến công đầu vẻ vang của CAND Việt Nam. Đánh giá việc khám phá vụ án trên, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh từng viết: “Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân. Các báo hoan nghênh Chính phủ và công chúng tán thưởng việc làm của Ty Công an, đã tỏ rằng đồng bào ta đã có ý thức về chính trị…”
Cuối năm 1947, sau khi bị thất bại trong cuộc hành quân lên Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài, sử dụng “con bài” Bảo Đại lập chính phủ bù nhìn theo “lý tưởng quốc gia”, trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam.
Nắm được ý đồ đó của địch, Ty điệp báo Nha Công an trung ương đã khéo léo lần lượt đưa các điệp viên Hoàng Đạo, Kim Sơn vào hoạt động trong lòng địch. Mặc dù địch có nhiều thủ đoạn kiểm tra thử thách, nhưng các cán bộ công an đã vượt qua và gây được tín nhiệm cao trong hàng ngũ chỉ huy của cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và bọn cầm đầu các đảng phái phản động. Với vai trò, uy tín tạo được, các cán bộ, chiến sĩ công an đã bố trí một “chiến khu” giả, mở đại hội “đảng Phục Việt” để mời một số tên cầm đầu “Đại Việt Quốc dân đảng” ra thăm. Pháp và Bảo Đại đặt nhiều hy vọng vào “đảng Phục Việt”. Bảo Đại phong cho Hoàng Đạo chức “Quốc vụ khanh” và Kim Sơn là đại úy “Võ phòng ngự lâm quân”.
Thực dân Pháp có mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh từ lâu, nay có “chiến khu quốc gia” của “đảng Phục Việt” liền chớp thời cơ để thực hiện mưu đồ đó. Trong cuộc “hội đàm”, Trung tướng A-lếch-xăng-đơ-ri và thủ lĩnh “đảng Phục Việt” là Hoàng Đạo bàn về “giải phóng khu IV”, Pháp đã thỏa thuận cung cấp vũ khí, tiền bạc cho “chiến khu quốc gia” để “đảng Phục Việt” đảm nhiệm cuộc “giải phóng” khu IV. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chỉ đạo : “Không nên gây cho Pháp một ảo tưởng ở vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến”. Thực hiện ý kiến của T.Ư Đảng, ngày 26.9.1950, Ty điệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo tổ điệp báo điều được 3 tên cầm đầu là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng và Nguyễn Quang Minh ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác và trừng trị, đồng thời tổ chức đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin của Pháp.
Lúc 3 giờ sáng ngày 27.9.1950, Tổ điệp báo gồm các đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi trong vai “vợ Quốc vụ khanh Hoàng Đạo” và đồng chí Hải mang vali có chứa 30 kg thuốc nổ lên Thông báo hạm để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong vali thuốc nổ, các đồng chí trong tổ chia tay đồng chí Lợi ở lại. 30 phút sau, Thông báo hạm Amiôđanhvin bị nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá. Chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hy sinh trong trận này.
Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin là một trong những chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND, đã góp phần đập tan âm mưu của Pháp và tay sai hòng xây dựng “chiến khu quốc gia” đánh chiếm vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, phá mưu đồ mua chuộc, lôi kéo những người “kháng chiến ly khai” Chính phủ Việt Minh trở về với chính phủ quốc gia bù nhìn.
Tháng 3.1955, Công an Hải Phòng nắm được nguồn tin một gián điệp tên Đức được Pháp đưa đi nước ngoài, nay thấy xuất hiện ở TP. Hải Phòng. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an biết tên Đức trú tại số nhà 47 phố Ga có quan hệ với tên Lẫm và tên Tiền cùng đi nước ngoài với tên Đức trở về. Chúng thường liên hệ với nhau ở địa chỉ 14 phố Ga, 27 Bờ Sông Lấp và 120G ngõ Đông An. Tại các địa điểm đó, lực lượng công an đều phát hiện có vũ khí, máy thông tin liên lạc cất giấu.
Cùng thời gian trên, tại Hà Nội, lực lượng công an phát hiện tên Cao Xuân Trung (em Cao Xuân Tuyên, gián điệp của Pháp) và các đối tượng Cập (Trần Minh Châu), Riu, Đích thường lén lút đến hiệu cắt tóc của tên Lan ở số 9 Hàng Mành. Chúng đã họp bàn nhiều lần về việc đón đồng bọn từ nước ngoài về, từ Hải Phòng lên; phân công tên Riu và tên Đích về TP. Nam Định họat động.
Thấy rõ hoạt động nguy hiểm của các đối tượng, Bộ Công an đã lập chuyên án đấu tranh với toán gián điệp cài lại nhằm phát hiện âm mưu, tổ chức và họat động của chúng. Khi mạng lưới địch có sự mở rộng, lực lượng công an đã bắt một số tên và bí mật thu một số vũ khí, điện đài của địch; đồng thời cử cán bộ vào tận miền Nam để nắm tình hình về âm mưu và sự chỉ đạo của chúng. Qua nhiều nguồn tin, lực lượng công an biết tình báo Mỹ đã bắt đầu chỉ đạo bọn gián điệp cài lại thực hiện kế hoạch phá hoại. Chúng đã cho mìn vào một viên than dùng cho tàu hỏa ở ga Hải Phòng để phá hoại sự vận chuyển của ta.
Ngày 11.11.1958, Bộ Công an quyết định phá án. Tại Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, lực lượng công an đã đồng loạt bắt các tên cầm đầu và bọn tay sai của tổ chức gián điệp, thu toàn bộ điện đài, vũ khí và phương tiện hoạt động của chúng. Khai thác những tên gián điệp bị bắt, chúng khai ra từ tháng 9.1954, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã tuyển chọn một số tên phản động trong “đảng Đại Việt” để đưa đi đào tạo tại đảo Guam rồi lợi dụng thời hạn tập kết 300 ngày đưa trở lại miền Bắc Việt Nam hoạt động. Nhiệm vụ của chúng là thu thập tin tức tình hình chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội báo về trung tâm của chúng ở miền Nam Việt Nam; sử dụng vũ khí được địch chôn giấu từ trước để phá hoại, ám sát cán bộ và nổi dậy lật đổ chính quyền khi có điều kiện. Chúng hoạt động thành 3 tổ ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Cầm đầu tổ chức gián điệp này là Trần Minh Châu (tức Cập). Ngày 4.4.1959, ta đã đưa bọn gián điệp bị bắt ra xét xử, trừng phạt thích đáng.
Phá chuyên án gián điệp biệt kích Mỹ
Nhằm gây rối an ninh trật tự ở miền Bắc Việt Nam, ngày 11.5.1961, Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh triển khai “Chiến dịch chiến tranh bí mật”, thực hiện cái gọi là “đánh vào nguồn gốc xâm lược” từ Bắc Việt Nam.
Đêm 27.5.1961, Mỹ tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên mang tên “Caster” nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỷ, xã Phiềng Ban, châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ (nay là tỉnh Sơn La). Lực lượng công an và dân quân địa phương đã phát hiện và truy bắt toàn bộ toán gián điệp gồm 4 tên do Hà Văn Chấp, dân tộc Thái chỉ huy.
Để tìm hiểu âm mưu, hoạt động gián điệp biệt kích của Mỹ- Ngụy, lực lượng công an đã quyết định thành lập chuyên án (mang bí số PY27) để khống chế, kiểm soát đường liên lạc của toán “Caster” với trung tâm chỉ huy miền Nam. Sử dụng chiến thuật “câu nhử”, lúc 12 giờ ngày 9.6.1961, lực lượng công an đã chỉ đạo toán gián điệp “Caster” liên lạc với trung tâm chỉ huy. Mấy ngày sau, địch đã cho 1 máy bay tiếp tế cho “Caster” nhưng gặp tai nạn rơi xuống nông trường Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ta bắt sống 8 tên, 2 giặc lái bị chết.
Ngày 16.5.1962, địch tung tiếp toán gián điệp biệt kích “Tonbillow” xuống bãi thả ở Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La. Lực lượng công an bắt 8 tên và quyết định lập tiếp chuyên án (mang bí số KS16) đấu tranh với toán gián điệp này. Để gây lòng tin với địch, giữ bí mật cho chuyên án KS16, lực lượng công an đã cung cấp cho địch nhiều tin tức giả và cho toán “Caster” tiến hành phá hoại một số mục tiêu ít quan trọng. Xét thấy chuyên án PY27 đã phát huy kết quả tốt và địch nghi ngờ, ngày 23.12.1966, lực lượng công an quyết định kết thúc chuyên án này nhằm bảo vệ cho chuyên án KS16 tồn tại và phát triển, bảo vệ được địa bàn vùng Tây Bắc. Từ năm 1961 đến 1970, lực lượng công an đã lập 21 chuyên án đấu tranh, bắt 78 toán gián điệp biệt kích gồm 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện và lương thực, thực phẩm, thuốc men của địch.
Kế hoạch CM12
Tháng 2.1976, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh- nguyên là sĩ quan ngụy, từng làm gián điệp cho Pháp và Mỹ đã di tản sang Pháp đứng ra lập tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Được sự nuôi dưỡng, yểm trợ của nhiều cơ quan tình báo gián điệp nước ngoài và bọn phản động quốc tế, chúng ráo riết tập hợp một số tên phản động người Việt lưu vong để phát triển lực lượng, tìm đường trở về Việt Nam âm mưu gây bạo loạn cục bộ, tiến hành nội chiến, kết hợp với các hoạt động gây sức ép với Việt Nam về chính trị và quân sự từ bên ngoài. Địa bàn hoạt động chính của chúng là các tỉnh Minh Hải, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé và vùng rừng Sác Nam bộ.
Phát hiện được âm mưu, ý đồ đó của chúng, Bộ Công an đã quyết định thành lập chuyên án đấu tranh mang tên “Kế họach CM12”, vừa để tìm hiểu âm mưu chiến lược của các thế lực thù địch, vừa đấu tranh đập tan các hoạt động của chúng, bóc gỡ những cơ sở phản động ở trong nước.
Gần 4 năm liên tục đấu tranh, lực lượng công an đã chủ động đón bắt 10 toán thâm nhập của địch gồm 146 tên, trong đó có 2 tên cầm đầu là Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, thu 143 tấn vũ khí các loại, 16 điện đài, 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả và 2 tàu thâm nhập. Ở nội địa, lực lượng công an đã điều tra, phát hiện, phá nhiều tổ chức phản động và bóc gỡ hầu hết các cơ sở của chúng.
Tháng 12.1984, Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa công khai xét xử bọn phản động nói trên tại TP. Hồ Chí Minh, đập tan âm mưu phá hoại và lật đổ của bọn phản cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước.
Như Lịch (ghi từ nguồn tài liệu của Lực lượng CAND

No comments:

Post a Comment