Friday 13 September 2013

Âm gốc của khoái trá là quái chá (An Chi Huệ Thiên - Năng Lượng Mới số 238 ,12-7-2013).


Âm gốc của khoái trá là quái chá (Năng Lượng Mới số 238 ,12-7-2013).

Bạn đọc : Tại mục “Quán mắc cỡ” , Tuổi trẻ cười số 479 (1-7-2013) do Cô Tú phụ trách, độc giả Dương Văn Long (Thái Nguyên) có đặt câu hỏi:
Trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt của GS Nguyễn Lân (Nxb Văn học, 2007), có đoạn viết: “Khoái chá nghĩa là thích thú lắm (nghĩa đen là “thức ăn làm cho thích thú”). Vì “khoái” nghĩa là vui thích, vui sướng, còn “chá” nghĩa là “chả”… Tác giả còn trích dẫn thơ của Tố Hữu như sau: “Hắn khoái chá cười điên sằng sặc…”. Cô Tú nghĩ sao?”
Cô Tú đã trả lời:
“ Từ đúng ở đây tất nhiên là khoái trá, còn khoái chá là kiểu nói ngọng thường thấy ở một số người. Ngoài đời, nói ngọng một chút thì chả ai thèm để ý bắt bẻ, nhưng làm từ điển mà “viết ngọng”, “trích ngọng”, lại còn suy diễn kiểu “khoái chá nghĩa là khoái ăn chả”, thì Tú tôi xin bó tay… chấm cơm!”
Tôi có tra nhiều từ điển cũng thấy có sự bất nhất. Vậy xin ông An Chi cho ý kiến nhận xét về câu trả lời của cô Tú, cũng như cho biết từ nào đúng và tại sao lại có sự bất nhất giữa các từ điển ? Xin cảm ơn ông.
                                                                                               Nguyễn Cương Trung, Sa Đéc.
An Chi : Hai tiếng của ông Nguyễn Lân (khoái chá) và Cô Tú (khoái trá) thì chữ Hán là [膾炙] và cách đọc của cả hai chữ này đều có chuyện cần nói.
Về chữ trước, chữ [膾], thì âm Hán Việt thông dụng hiện nay của nó là “khoái”, như cũng có thể thấy ghi nhận trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp,Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh, Từ điển Hán-Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên, v.v.. Nhưng âm chính xác của nó lại là “quái”, như cũng đã được ghi nhận trongHán-Việt tự điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng. Thiết âm của nó trong Từ hải (bản cũ) và Từ nguyên (bản cũ) đều là “cố ngoại thiết”[固外切], trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) là “cổ ngoại thiết” [古外切]. Cả “cố”[固] lẫn “cổ”[古] đều thuộc thanh mẫu “kiến”[見], nghĩa là đều có phụ âm đầu K-, nên âm chính thống của chữ đang xét đương nhiên phải là “quái”. Chữ “quái” này có một điệp thức “bình dân” là “gỏi” trong “gỏi gà”, “gỏi cá”, “trộn gỏi”, v.v.., theo mối tương ứng ngữ âm quen thuộc “K- ~ G-”, mà ta có không ít dẫn chứng: – can ~ gan; – các (trong “đài các”) ~ gác; – cương (cang) ~ gang; – cẩm (trong “cẩm tú”) ~ gấm; – cân ~ gân; – cận ~ gần; – cấp ~ gấp; – cô[箍= buộc bằng lạt] ~ (trói) gô; v.v..
Nhưng tại sao lại xảy ra hiện tượng “quái” thành “khoái” một cách quái lạ như thế? Theo chúng tôi, đó là do những sự cố ngôn ngữ gọi là sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa mà chúng tôi đã có nói đến tại chuyên mục này. Ở đây chữ “quái” [膾] đã mang âm của chữ “khoái”[快], có nghĩa là vui vẻ, thích thú, như trong “khoái chí”[快志], “khoái khẩu”[快口], v.v.., rồi bị nó truất nghĩa để trám nghĩa của nó vào, như sẽ nói thêm ở một phần dưới.
Về chữ sau mà bạn hỏi (chữ “chá/trá”[炙]), xét theo thói quen hiện hành thì Cô Tú có lý nhưng xét theo từ nguyên thì cách viết của tác giả Nguyễn Lân cũng hoàn toàn không sai. Mặc dù tác giả Nguyễn Lân đã phạm nhiều cái sai về kiến thức trong khi làm từ điển – mà chúng tôi cũng từng vạch ra – nhưng trong trường hợp này thì ông đã viết đúng (tuy không biết có phải là do có ý thức rõ rệt hay không). Đây là chuyện đáng chú ý vì ông Nguyễn Lân làm Từ điển từ và ngữ Hán Việt, mà âm Hán Việt chính thống của chữ [炙] lại là “chá”. Thiết âm của nó trong Từ hải (bản cũ) là “chí dạ thiết”[至夜切]; trong Từ nguyên (bản cũ) cũng y như thế; trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) là “chi dạ thiết”[之夜切]. Đây chính là âm đã được cho từ hơn 1000 năm trước trong Quảng vận (1008); tại đây, nó vẫn chỉ được đọc là “chá”[柘]. Tất cả các chữ “chí”[至], “chi”[之] và “chá”[柘] đều thuộc thanh mẫu “chiếu”[照], nghĩa là có phụ âm đầu CH-. Điều này chứng tỏ rằng âm Hán Việt chính thống của chữ [炙] hiển nhiên là “chá” chứ không phải “trá”. Và với âm này từ thư tịch, “chá” đã có một điệp thức rất quen thuộc trong tiếng Việt phổ thông là “chả”, trong “chả cá”, “chả giò”, “bún chả”, v.v..
Nguyễn Lân cũng không hoàn toàn sai khi viết “thức ăn làm cho thích thú” trong lời giảng. Có điều là ông đã quá dễ dãi trong cách diễn đạt của mình. Tiếng Hán có thành ngữ “quái chá nhân khẩu”[膾炙人口], mà nghĩa xét theo từng thành tố là “làm cho người ta cảm thấy thích thú như được xơi quái, xơi chá là hai món ăn làm cho ngon miệng. Còn nghĩa bóng – và nó thường được dùng theo nghĩa bóng – là “văn thơ hay, làm cho khi đọc thì người ta cảm thấy thích thú như đang xực khoái, xực chá vậy”. Nghĩa bóng này đã được Hán Đại thành ngữ đại từ điển giảng là: “Tỉ dụ hảo đích thi văn hoặc sự vật vi chúng sở xưng”[比喻好的詩文或事物为众所称] (Ám chỉ thơ văn hay hoặc đồ vật tốt khiến người ta khen). Cô Tú đòi “bó tay chấm cơm!” vì ông Nguyễn Lân suy diễn kiểu “khoái chá nghĩa là khoái ăn chả” chứ thực ra chỉ cần “gú gồ chấm com” bốn chữ Hán [膾炙人口] (quái chá nhân khẩu) là cô có thể … nhúc nhích tay ngay.
Đặc biệt là chữ đầu (“quái”[膾]) và chữ cuối (“khẩu”[口]) của thành ngữ “quái chá nhân khẩu” đã đan xen với từ tổ “khoái khẩu”[快口],  nên mới sanh ra cái chuyện “quái”[膾] biến thành “khoái”[快], như đã nói ở trên. Chứ riêng chữ “quái” [膾] (đã bị đọc thành “khoái”), thì không bao giờ có nghĩa là vui thích. Vì vậy nên, trong từ tổ “khoái trá” hiện hành thì “khoái” là một chữ tiếm vị (của “quái”[膾])  còn “trá” trở thành một từ ký sinh vì nó chẳng có vai trò gì về mặt tạo từ và ngữ nghĩa.
Cuối cùng, xin nói một tí về chữ “chá” [炙] trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh. Chữ này còn có một âm nữa là “chích” nhưng vì không trực tiếp liên quan đến vấn đề đang bàn nên chúng tôi không nhắc đến ở trên. Tại mục “chích 炙”, Đào Duy Anh đã viết: “Nướng trên lửa – Cũng đọc là chá, như chá-khoái, hoặc đọc là cứu, như châm-cứu.” Đào Duy Anh đã sai khi viết rằng chữ này cũng “đọc là cứu, như châm-cứu”. Thực ra, chữ “cứu” viết khác; tự dạng của chữ này là [灸], ở trên là chữ “cửu”[久], ở dưới là chữ “hoả”[火]. Còn chữ “chá/chích”[炙] thì bên dưới là chữ “hoả”[火] nhưng bên trên là chữ “nhục”, viết giống như chữ “tịch”[夕] nhưng có thêm một nét ngang nhỏ nữa ở giữa. Chính Đào Duy Anh cũng đã viết đúng chữ “cứu” tại mục “cứu 灸” và giảng là “đốt lá ngải để chữa bệnh”. Nhưng lạ một điều là tại mục này, ông vẫn còn xem hai chữ là một nên mới chuyển chú “Xem chữ Chích và Chá”.
Trở lại vấn đề chính, theo quan điểm của chúng tôi thì trong tiếng Việt phổ thông, ta vẫn dùng “khoái trá” nhưng hễ nói đến âm Hán Việt của hai chữ hữu quan thì đó nhất định phải là QUÁI CHÁ.

No comments:

Post a Comment