Sunday 1 September 2013

GÓP THÊM VIỆC PHIÊN ÂM MẤY CHỮ HÁN - NÔM TỒN NGHI TRONG BẢN TRUYỆN KIỀU DO HOÀNG GIÁP NGUYỄN HỮU LẬP CHÉP NĂM 1870 - Nguyễn Khắc Bảo

7. Góp thêm việc phiên âm mấy chữ Hán - Nôm tồn nghi trong bản TRUYỆN KIỀU do Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập chép năm 1870 (TBHNH 2005)
Cập nhật lúc 16h08, ngày 07/09/2007
NGUYỄN KHẮC BẢO
Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, trong không khí hào hứng chuẩn bị kỷ niệm 240 năm, năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2005), công việc sưu tầm và nghiên cứu các văn bản Truyện Kiều chữ Nôm cổ đã thu được những kết quả rất đáng phấn khởi. Năm 2002, cuốn Truyện Kiều bản Nôm cổ nhất Liễu Văn đường 1871 (LVĐ 1871) được ông Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị. Cũng năm đó GS. Nguyễn Tài Cẩn công bố cuốn Tư liệu Truyện Kiều, bản Duy Minh Thị 1872 (DMT 1872). Sang 2003, ông Nguyễn Quảng Tuân lại trình làng cuốn Truyện Kiều bản Kinh đời Tự Đức. Tháng 5/2004 tại Nghệ An lại sưu tầm được bản Truyện Kiều Liễu Văn đường Tự Đức thập cửu niên (LVĐ 1866) và đã được nhóm Nguyễn Khắc Bảo - Nguyễn Trí Sơn phiên âm và khảo đính, Nxb. Nghệ An ấn hành 10/2004. Đồng thời cuốn LVĐ 1866 này cũng được ông Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị và chú giải với số đăng ký kế hoạch xuất bản 48/171 ngày 15/01/2004 - trước khi tìm thấy cuốn sách tới 4 tháng (?). Cuối năm 2004, Nguyễn Khắc Bảo lại công bố cuốn Truyện Kiều bản Nôm Thịnh Mỹ đường 1879 (TMĐ 1879) và vừa cho ra mắt cuốn Truyện Kiều - Bản Nôm Tụ Hiền đường Đồng Khánh nguyên niên (THĐ 1886).
Trong số các bản Truyện Kiều trên, cuốn Truyện Kiều, bản Kinh đời Tự Đức do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị đã được sự quan tâm bổ khuyết nhiều nhất của giới nghiên cứu vì những “bí ẩn” tồn tại quá nhiều trong đó. Trên thực tế, ông Nguyễn Bá Triệu mới là người đầu tiên phiên âm bản Truyện Kiều chép tay năm 1870 qua công trình Truyện Kiều - chữ Nôm và khảo dị in năm 1999 và tái bản năm 2000 ở Canada. Ông đã dựa vào sự giúp đỡ của “các bạn Ngô Hoa, Hoàng Chấn Triều, thầy Thích Quảng Chánh đã đọc, soạn và dịch dùm một số bản chữ Hán - Nôm” để kết luận “Người chép ký tên Lâm Nhu Phu, chép xong ngày 19 tháng 8 năm Tự Đức Canh Ngọ (1870) tại Tây Hiên Công Bộ, Lâm Nhu Phu có nghĩa là: Người họ Lâm mềm yếu, hẳn là biệt hiệu của một ông họ Lâm nào đó làm việc tại Bộ Công dưới thời Tự Đức. Họ Lâm xưng là Hoan Châu Tiểu Tô hẳn là người Nghệ An và tự ví mình như Tô Triệt, em Tô Đông Pha hẳn phải là người thơ hay và sức học cũng hơn người. Chữ viết của họ Lâm cứng cỏi và sắc sảo vô cùng”(1).
Còn ông Nguyễn Quảng Tuân trong cuốn Truyện Kiều, bản Kinh đời Tự Đức lại cho người chép là Hoan Châu Tiểu Tô Lâm Nọa Phu và giảng là “Ông họ Lâm, lấy hiệu là Nọa Phu là có ý khiêm nhường tuy cũng là người có khí tiết”(2).
Đến Nguyễn Hữu Sơn trên tuần báo Văn nghệ số 33 (14-8-2004) đã tạm đưa ra kết luận về tên tuổi, hành trạng người có công sao chép Truyện Kiều vào năm 1870 là “Nguyễn Hữu Lập (1824-1874) tự Nọa Phu hiệu Thiếu Tô Lâm. Người làng Trung Cần, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, phủ Đức Phương, trấn Nghệ An, thi Đình trúng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhất danh”.
Nguyễn Tuấn Cường trên Tạp chí Hán Nôm số 3 - 2004 cũng tạm đi tới một số kết luận sau:
“Người ‘san cải’ nên bản Kiều 1870 là Nguyễn Hữu Lập (1824-1874) (?) tự Nọa Phu, hiệu là Tiểu Tô Lâm (nghĩa là Tô Lâm bé, do tên hiệu của cha là Tô Lâm)”.
Chúng tôi xin góp thêm về cách phiên âm tên tự và hiệu của Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập như sau:
1. Tên tự nên phiên là: Nhụ Phu
Chữ các tác giả trên đều chọn là Nhu hoặc Nọa. Ông Nguyễn Quảng Tuân có tìm được một ví dụ rất thú vị: “Nguyễn Du trong bài Kê thị trung từ có câu:
廣 陵 調 絕 餘 聲 響
Quảng Lăng điệu tuyệt dư thanh hưởng
正 氣 歌 成 立 懦 夫
Chính khí ca thành lập nọa phu
Nếu đọc chữ Nhu thì câu thơ bị thất luật, chữ thứ 6 của câu này phải đọc theo thanh trắc nên chữ phải đọc là Nọa.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cũng có từ Nọa Phu và từ ấy đã được giải nghĩa là “người đàn ông không có khí tiết”(3).
Ông Nguyễn Quảng Tuân đã vận dụng sai Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, vì ở trang 10, học giả học Đào viết là: 惰夫Nọa phu: Người đàn ông không có khí tiết”. Chữ Nọa này đâu có trùng với tên tự của Nguyễn Hữu Lập mà lại “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy.
Vả lại trong Minh đạo gia huấn có câu: “Giáo nhi bất nghiêm, Nãi sư chi nọa” thì chẳng mấy ai theo đạo Nho lại chọn tên tự lại có âm “Nọa phu” khi giao thiệp đọc tên tự rất dễ bị hiểu lầm là “Nãi sư chi nọa” (là bởi thầy lười).
Theo Việt Pháp tự điển của Génibrel soạn năm 1898 thì:
chữ: Nhu (= Nhụ), Nhát, Faible, craintif, adj.
: Nhụ (= Nhu), Faible, adj
Nghĩa là có thể đọc là Nhu hoặc Nhụ và đều có nghĩa là: “Nhát, kém, sợ hãi, thuộc loại tính từ”.
Vậy là tên tự của Nguyễn Hữu Lập nên đọc là: Nhụ phu vừa tránh được âm Nọa quá không hợp với nhà Nho và phiên âm câu thơ của Nguyễn Du trong bài Kê thị trung từ cũng rất đúng luật:
Quảng Lăng điệu tuyệt dư thanh hưởng
Chính khi ca thành Lập Nhụ phu.
Vì Nguyễn Hữu Lập là cháu ngoại Nguyễn Du (có mẹ kế là con gái út Nguyễn Du) do tên cha sinh mẹ đẻ đặt là Lập, nên nhân đọc bài Kê thị trung từ này mà chọn cho mình tên tự là Nhụ phu chăng ?
2. Tên hiệu niên phiên là: Thiếu Tô Lâm
Nguyễn Hữu Sơn trên Văn nghệ đã dựa vào thơ văn của Phạm Hy Lượng đỗ Phó bảng cùng khoa với Nguyễn Hữu Lập có bài thơ: Tây hồ khúc yến thứ Thiếu Tô niên huynh nguyên vận (Dân ca yến ẩm ở Tây Hồ, họa theo nguyên vần của niên huynh Thiếu Tô) và một bài nữa làm trong kỳ hai người cùng đi sứ nhà Thanh vào năm 1870-1872 là Chu trung nguyên đán thứ Thiếu Tô vận (Tết nguyên đán trong thuyền, họa theo vần của Thiếu Tô).
Để kết luận tên hiệu của Nguyễn Hữu Lập là: Thiếu Tô Lâm. Điều này là đáng tin cậy hơn chữ Tiểu Tô Lâm trong bản Kiều chép tay năm 1870. Vì chúng tôi ngờ rằng các ông Nguyễn Bá Triệu, Nguyễn Quảng Tuân trong quá trình sao chụp văn bản đã dùng kỹ thuật vi tính xóa các chỗ tưởng là lem bẩn, nên văn bản này “đã bị sửa nát trước khi công bố”(3). Nên có thể đã xảy ra tình trạng xóa mất cả nét phẩy của chữ(Thiếu) nên thành chữ (Tiểu) chăng ? Vậy có thể tin tưởng tên hiệu của Nguyễn Hữu Lập là: Thiếu Tô Lâm, nghĩa là Tô Lâm Trẻ vì ông chính là con của Tô Lâm Nguyễn Trọng Dực (1799-1858) tự Nhữ Hiên, hiệu Tô Lâm. Theo Tiên Điền Nguyễn gia thế phả thì “Thị Đạm (con gái út Nguyễn Du) lấy chồng là Nguyễn Hữu Dực, người xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, Nghệ An, đậu Cử nhân làm Tri huyện”(4) (tr.44). Vậy thận phụ Nguyễn Hữu Lập là Nguyễn Hữu Dực (còn gọi là Nguyễn Trọng Dực, Nguyễn Nhữ Hiên)(5).
3. Về cách phiên âm một số chữ Nôm trong bản Kiều Nguyễn Hữu Lập 1870
Trong bài Những nghi vấn xung quanh một bản Kiều(6). PGS.TS. Đào Thái Tôn sau khi “trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, một chuyên gia nghiên cứu về chữ Nôm và các đồng nghiệp” đã nêu ra 4 chữ trong các câu: 166, 1667, 2119 và bài tựa thuộc loại “không hiểu người chép truyện Kiều năm 1870 định “bắt” chúng ta phải đọc là gì đây ?”.
Chúng tôi cũng xin trình bày một vài cố gắng của mình trong việc đọc 4 chữ đó như sau: (Đánh số câu theo bản NHL 1870).
a. Câu 166: Rốn ngồi chẳng tiện, về chỉn khôn.
Chữ thứ 5 của câu này, ông Nguyễn Bá Triệu phiên là “dứt” (?).
Ông Nguyễn Quảng Tuân cũng theo thế mà phiên là “dứt” (?).
PGS. Đào Thái Tôn thì thẳng thắn ghi là “chưa biết!”.
Theo chúng tôi chữ (Thủ + Nhiếp) có thể đọc là: Nép với nghĩa là “Thu nhỏ mình lại và áp sát vào vật khác để tránh hoặc để được che chở” (Hoàng Phê: Từ điển tiếng Việt, 2004, tr.664). Liên hệ câu 2650: “Treo bầu quảy níp rộng đường vân du”. Chữ 木聶(Mộc + Nhiếp) đã được đọc là Níp: “Cái tráp, cái hộp đựng sách vở hay quần áo” (Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều, 1974, tr.266).
Trong Giúp đọc Nôm và Hán Việt, tại trang 647, Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm cũng đã thu thập được chữ: (Thủ + Nhiếp): Nép = Thu mình cho nhỏ.
Vậy câu 166 trong bản Nguyễn Hữu Lập 1870 có thể đọc là:
Rốn ngồi chẳng tiện, nép về chỉn khôn.
b. Câu 1667: Di hài nhặt (+) về nhà.
Hai ông Nguyễn Bá Triệu và Nguyễn Quảng Tuân đều đọc chữ (+) là: Nhạnh (?). GS. Đào Thái Tôn cũng bảo là “chưa biết!”.
Theo chúng tôi, chữ (+Thủ + ½ Thao) có thể đọc là; Tháu. Vì (Lão) đọc Nôm là Táu; ( Bảo) đọc Nôm là Báu; (Hảo) đọc Nôm là Háu. Liên hệ câu 2170: Côn quyền hơn sức lược (thao) gồm tài, cũng có phần bên phải giống chữ trên. Vậy câu 1667 là: Di hài nhặt tháu về nhà.
Với nghĩa: Nhặt tháu: nhặt “nhanh, không đầy đủ” (Hoàng Phê: Từ điển Tiếng Việt, 2004, tr.918) cũng khá phù hợp với cảnh đêm khuya bọn đày tớ phải nhặt di hài trong đống than tro.
c. Chữ của bài Tựa: Đây chính là một cách viết khác của chữ Thao: = (liên hệ = = Thao).
Vậy câu văn trong bài tựa có thể phiên âm: “Tổng chi, vị tình (thao) thao bất (tuyệt)”, tạm dịch: “Chung quy cũng chỉ vì một chữ tình kéo dài mãi không thôi”.
d. Câu 2119: Nghĩ mình túng đất 足代chân
Xét các chữ Nôm: (:Đột) ® chợt; (: khuyển + đồn) ® chồn.
(: Đôi) ® chui; (土屯: thổ + đồn) ® chốn
(口對: Khẩu + đối) ® chối; (氵篤: thủy + đốc) ® chốn
(Theo Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần Văn Kiệm)
Ta phát hiện ra quy luật: Phụ âm Đ của Hán thường được dùng để ghi phụ âm CH của từ Nôm.
Do vậy chữ (足代: Túc + Đại) có thể đọc là choại.
Với nghĩa: choại = Trượt chân (Hoàng Phê: Từ điển tiếng Việt 2004, tr.166).
Vậy câu 219 có thể đọc là: Nghĩ mình túng đất choại chân.
So sánh 3 câu vừa phiên âm được của bản Nguyễn Hữu Lập 1870.
1. Câu 166: Rốn ngồi chẳn tiện, nép về chỉn khôn.
2. 1667 Di hài nhặt tháu về nhà
3. 2119 Nghĩ mình túng đất choại chân.
Với các câu của nhóm bản Phường:
1. Câu 166: Rốn ngồi chẳng tiện (��dứt) về chỉn khôn.
Có các bản sau: LVĐ 1866: mất, LVĐ 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, TVK 1875, QVĐ 1879, THĐ 1886, ATH 1896 (KOM 1902 ��).
2. Câu 1667: Di hài nhặt (sắp) về nhà.
Có các bản sau: LVĐ 1866 mất, LVĐ 1871, TMĐ 1879, QVĐ 1879, THĐ 1886, ATH 1896, KOM 1902.
Riêng DMT 1872 và TVK 1875 là; Di hài nhặt (gói +) về nhà.
3. Câu 2119: Nghĩ mình túng đất (sẩy) chân.
Có các bản sau; LVĐ 1866, LVĐ 1871, DMT 1872, TVK 1875, QVĐ 1879, THĐ 1886, ATH 1896 (KOM 1902, sẩy).
Sự sai khác của bản Nguyễn Hữu Lập 1870 với toàn bộ các bản Kiều cổ nhất kể trên, chứng tỏ Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập dù là cháu ngoại Đại thi hào Nguyễn Du cũng không còn lưu giữ được bản nguyên tác Truyện Kiều. (Vì nếu tin đây là Nguyên tác thì trong văn bản Nguyễn Hữu Lập đã không còn thỉnh thoảng phải ghi khảo dị: Nhất tác). Chúng tôi tán thành nhận định của PGS. Đào Thái Tôn:
“Nếu như bản 1872 là bản in đầu tiên thể hiện sự sửa chữa truyện Kiều trong đời Tự Đức, thì bản Nguyễn Hữu Lập năm 1870 là bản sửa chữa Truyện Kiều chép tay sớm nhất mà đến nay chúng ta được viết”(6).
Nhân đây cũng xin góp ý với ông Nguyễn Quảng Tuân một điều. Khi đọc các văn bản cổ của những bậc đại khoa như Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập nếu thấy có chữ nào chưa đọc được thì cứ chân thành mà nói rằng “chưa đọc được”. Đừng vội vàng cho rằng các cụ viết sai, rồi lập bảng tổng kết “CHỮ NÔM VIẾT SAI TRONG BẢN GỐC” để “ĐỀ NGHỊ SỬA LÀ”, thể hiện sự chưa nghiêm cẩn của nhà nghiên cứu. Lại bộc lộ cho thấy bản Nôm ông dùng là “đã bị sửa nát”, chứ bản Nôm của Nguyễn Bá Triệu những chữ ông “đề nghị sửa” ấy vẫn được chép đúng (ở các câu 1026, 2305, 2319).
(Xem trang cuối cùng trong Truyện Kiều bản kinh đời Tự Đức của Nguyễn Quảng Tuân).
Chữ Nôm là thứ chữ độc đáo do người Việt sáng tạo ra, song do chưa được điển chế nên cách viết, cách đọc còn khá tùy tiện. Bản Truyện Kiều do Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (cháu ngoại Đại thi hào Nguyễn Du) chép tay năm 1870, chữ viết được khen “nét chữ rất cứng cỏi, viết rất chân phương rõ ràng”, được ông Nguyễn Bá Triệu và nhiều học giả ở Châu Mỹ giúp đọc, ông Nguyễn Quảng Tuân được Trung tâm nghiên cứu Quốc học đọc duyệt và giới thiệu, nhiều chuyên gia nghiên cứu về chữ Nôm cũng góp sức tìm hiểu. Việc chúng tôi trình bày cách đọc của mình như đã trình bày trong bài thực là “đánh trống qua cửa sấm”. Mong nhận được sự phủ chính của các bậc thức giả xa gần.
Các chữ viết tắt trong bài: Liễu Văn đường 1866 = LVĐ 1866:
Liễu Văn đường 1871 = LVĐ 1871
Duy Minh Thị 1872 = DMT 1872
Trương Vĩnh Ký 1875 = TVK 1875
Quan Văn đường 1879 = QVĐ 1879
Thịnh Mỹ đường 1879 = TMĐ 1879
Tụ Hiền đường 1886 = THĐ 1886
Ấn Thư Hội 1896 = ATH 1896
Kiều Oánh Mậu 1902 = KOM 1902
Chú thích:
1. Nguyễn Bá Triệu: Truyện Kiều chữ Nôm và khảo dị, Canada - lời tựa bản in lần thứ 2 năm 2000.
2. Nguyễn Quảng Tuân: Truyện Kiều bản kinh đời Tự Đức, Nxb. Văn học, 2003, tr.34.
3. Lê Thành Lân: Bản Nôm truyện Kiều do Nguyễn Hữu Lập chép có lẽ là bị sửa nát trước khi công bố. Tạp chí Văn hóa Nghệ An - Tháng 8, 2005.
4. Tiên Điền Nguyễn gia thế phả - Bản lưu tại Thư viện Nghệ An - Nguyện Mai tục biên, Lê Thước dịch.
5. Nguyễn Tuấn Cường: Đi tìm Lâm Nọa phu (Người san cải nên bản Kiều Nôm 1870) Tạp chí Hán Nôm số 3 - 2004, tr.8.
6. Đào Thái Tôn: Những nghi vấn xung quanh một bản Kiều, tạp chí Nghiên cứu văn học số 3 - 2005.
Tài liệu tham khảo
1. Génibrel: Việt Pháp tự điển, 1898.
2. Trần Văn Kiện: Giúp đọc Nôm và Hán Việt. Nxb. Thuận Hóa 1999.
3. Từ điển Tiếng Việt. Hoàng Phê chủ biên. Nxb. Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học 2004.
4. Huỳnh Tịnh Của: Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn 1885-1886./.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.67-75)

1 comment: