Friday 27 September 2013

Chuyện của những người làm nổ tung chiến hạm Amyot D, Inville (Tô Lan Hương - An Ninh Thế Giới)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới Cuối Tháng > Cảnh sát toàn cầu tháng
Chuyện của những người làm nổ tung chiến hạm Amyot D, Inville
10:15, 01/09/2010


Đai tá Kim Sơn - thành viên tổ điệp báo A13 trong trận đánh chiến hạm Amyot D'Inville.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày tổ điệp báo A13 làm nổ tung chiến hạm Amyot D'Inville của thực dân Pháp, làm nên một trong những chiến công vang dội nhất của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Trong suốt thời gian đó, nhiều bài báo, nhiều tác phẩm văn học đã ra đời để tái hiện bản anh hùng ca về những người chiến sĩ CAND đã tham gia đánh chiến hạm Amyot D'Inville ngày ấy.
Nhưng việc xây dựng lại toàn bộ câu chuyện lịch sử đó một cách đầy đủ vẫn mãi là niềm trăn trở của các nhà văn, nhà báo, nhà làm phim thực sự có tâm huyết. Nên cuối cùng, vào đúng dịp 50 năm Amyot D'Inville nổ tung, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND đồng thời là Tổng Biên tập Báo CAND, cùng với đạo diễn Long Vân, đạo diễn của bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn" đã cùng xây dựng ý tưởng về việc đưa câu chuyện về chiến hạm Amyot D' Inville lên màn ảnh, như một lời tri ân với những người anh hùng của tổ điệp báo A13 năm đó.
Và trên đường theo đạo diễn Long Vân đi tìm lại những nhân chứng lịch sử của cuộc tấn công vào chiến hạm Amyot D'Inville, người viết bài này đã có cơ hội được gặp những con người có mối quan hệ mật thiết với câu chuyện về Amyot D'Inville. Họ có thể là người đã trực tiếp tham gia vào câu chuyện lịch sử đó, cũng có thể là người chỉ được nghe câu chuyện đó qua những lời kể, nhưng tất cả họ đều có quyền tự hào về chiến công đó. Và những người anh hùng của tổ điệp báo A13, dù còn sống hay đã chết, sẽ mãi được ghi danh trong những trang sử vàng của dân tộc.
Con gái người nữ anh hùng và những kí ức về mẹ
Có một câu chuyện đầy cảm động ở Công an tỉnh Thanh Hóa khiến bất cứ ai chứng kiến cũng cảm thấy nao lòng. Chuyện rằng tất cả những người chiến sĩ Công an Thanh Hóa đều có một niềm tin linh thiêng. Trước mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ, mỗi lần đi đánh án, không ai bảo ai, nhưng tất cả họ đều có chung một thói quen, đó là đến trước tượng đài của người nữ Anh hùng LLVTND - liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi để thắp một nén hương và nghiêng mình kính cẩn. Tất cả cán bộ của Công an Thanh Hóa đều tin rằng, linh hồn người nữ Anh hùng ấy sẽ theo họ trong mỗi chuyên án, bảo vệ họ và giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Niềm tin đó, từ nhiều năm qua, chưa bao giờ suy chuyển.
Nhắc đến chiến hạm Amyot D'Inville, người ta không thể không nhắc đến nữ Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lợi, người chiến sĩ Công an đã ôm bom cảm tử, làm nổ tung chiến hạm Amyot D'Inville, khiến cả nước Pháp và dư luận thế giới khi ấy bàng hoàng. Khi chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, bà mới 39 tuổi, nhưng đã hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện khi được hi sinh xương máu của mình cho Tổ quốc. Và cuộc đời bà, cuộc đời của một người nữ chiến sĩ Công an nhân dân anh hùng đã trở thành huyền thoại trong câu chuyện của những người còn sống.
Chiến hạm Amyot D'Inville.
Amyot D'Inville là chiến hạm Pháp đã từng tham gia cuộc Chiến tranh thế giới II, cũng là một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp hoạt động ở khu vực biển Thái Bình Dương thời kỳ đó. Đầu những năm 1950, chiến hạm Amyot D'Inville hoạt động ở vùng biển xứ Thanh Nghệ, phục vụ cho âm mưu đánh chiếm vùng đất này của thực dân Pháp. Nhưng thực dân Pháp đã không thể ngờ rằng, đây cũng chính là mồ chôn của Amyot D' Inville kiêu hãnh, một nỗi đau mà giới chính trị Pháp lúc đó thực sự muốn đào sâu chôn chặt.
Ngày đó, đồng chí Hoàng Đạo, tổ trưởng tổ điệp báo A13, với sự hỗ trợ của đồng chí Kim Sơn đã xâm nhập được vào bộ máy chính quyền địch và giữ tới chức vụ Quốc vụ khanh của Bảo Đại, được thực dân Pháp cũng như ông vua bù nhìn Bảo Đại đặc biệt tín nhiệm. Nhưng để chắc chắn "nắm thóp" được "Quốc vụ khanh" Hoàng Đạo, thực dân Pháp đã đề nghị  ngài "Quốc vụ khanh" đưa phu nhân của mình ra Hà Nội sống "dưới sự bảo vệ" của chúng. Đó cũng là thời điểm mà đồng chí Hoàng Đạo và Kim Sơn được lệnh chấm dứt nhiệm vụ trong hàng ngũ địch, để trở về nhận nhiệm vụ mới.
Tương kế tựu kế, nên khi thực dân Pháp đưa chiến hạm Amyot D'Inville đến đón "phu nhân của Quốc vụ khanh" Hoàng Đạo ra Hà Nội, một kế hoạch táo bạo đánh bom Amyot D'Inville đã được vạch ra, với mục đích làm thiệt hại nặng nề lực lượng và uy tín của địch, phá sản âm mưu thôn tính của thực dân Pháp.
Đêm 26/9/1950, một đêm mưa gió bão bùng, đồng chí Nguyễn Thị Lợi (bí số A16), trong vai phu nhân của "Quốc vụ khanh" Hoàng Đạo đã lên tàu Amyot D'Inville với 30kg thuốc nổ được đựng trong một chiếc valy mà thực dân Pháp cứ ngỡ là thuốc phiện. 30 phút sau, chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, đem theo mạng sống của hơn 200 sĩ quan địch, cùng với hàng trăm tấn thuốc nổ mà thực dân Pháp dự định để chi viện cho quân đội Pháp ở Việt Nam, làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp, khiến uy tín của quân đội Pháp ở Việt Nam cũng như uy tín của giới cầm quyền ở Pháp bị sụt giảm nghiêm trọng.
Đó cũng là một trong những chiến công vang dội của lực lượng tình báo Công an nhân dân trong thời kì đầu non trẻ mới thành lập. Nhưng để làm nên chiến công đó, bà Nguyễn Thị Lợi, người chiến sĩ Công an Thanh Hóa đã hi sinh cảm tử, để lại một câu chuyện dài về cuộc đời đau khổ nhưng đầy tự hào của người nữ anh hùng này.
Tôi đã có may mắn gặp được bà Nguyễn Tường Vân, con gái nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi trong một ngôi nhà nhỏ và giản dị giữa lòng Sài Gòn sôi động và ồn ào. Bà chẳng kể được gì nhiều, bởi cứ mỗi lần nhắc đến người mẹ đã khuất, bà đều không kìm nén được nỗi xúc động trong lòng.
Khi Anh hùng Nguyễn Thị Lợi hi sinh, bà Tường Vân mới tròn 6 tuổi và không hề được gặp mặt mẹ trong nhiều năm liền. Mãi đến khi 15 tuổi, bà mới biết mình có một người mẹ anh hùng: "Lúc nhỏ tôi sống với ông bà nội ở Hưng Yên. Mẹ tôi là người gốc Nam Bộ, quê ở Châu Đốc, An Giang, nhưng lại lấy bố tôi người Bắc và theo bố tôi ra miền Bắc sinh sống. Ngày đó, vì cuộc sống có nhiều khó khăn, nên bố mẹ tôi đôi khi có những va chạm trong cuộc sống. Điều đó khiến mẹ tôi buồn bã và bà đã quyết định gửi tôi về cho ông bà nội rồi một mình đưa đứa em mới đẻ của tôi tìm về miền Nam. Nhưng trên đường đi thì em tôi chết, mẹ tôi ở lại Thanh Hóa và hoạt động cách mạng cho đến ngày hi sinh" - bà Tường Vân kể.
Ngày ấy bà lớn lên mà không hề biết mình có một người mẹ anh hùng. Mãi đến năm 10 tuổi, trong một lần nghe người chú nói chuyện về tấm gương hi sinh của mẹ, bà mới biết những câu chuyện thật về mẹ mình. Suốt mấy năm sau đó, bà luôn canh cánh trong lòng cái khao khát tìm lại được mẹ. 17 tuổi, bà từ Hưng Yên lên thành phố, làm công nhân cho một xí nghiệp ở Hà Nội. Số phận dường như đã có sự sắp đặt kì lạ khi cho bà cơ hội được làm nhân viên của một ông giám đốc cũng là người Nam Bộ, người mà khi nghe bà kể chuyện muốn tìm người mẹ của mình đã ngay lập tức đến tìm đồng chí Hoàng Đạo, tìm được người đã chứng kiến toàn bộ quãng đời của mẹ bà trong những năm tháng sau này. Cuộc gặp gỡ đó là một sự xếp đặt kì diệu của số phận.
Bà Tường Vân bồi hồi nhớ lại: "Tôi nhớ khi bác Hoàng Đạo đến gặp tôi, vừa nhìn thấy tôi, bác đã sững người lại và nói: Đôi mắt này. Cặp lông mày cong cong này. Đúng là con rồi. Bao nhiêu năm ta đi tìm con theo di nguyện của mẹ con mà không thấy. Còn bây giờ, tìm được con rồi, thì con sẽ là con gái ta. Ta sẽ thay mẹ con chăm sóc cho con được hạnh phúc. Kể từ đó, tôi có một người cha nuôi hết mực yêu thương mình, người đã chăm sóc tôi đúng như một người cha thực thụ".
Ngay sau khi gặp được Tường Vân, đồng chí Hoàng Đạo đã dẫn cô bé 17 tuổi lên gặp đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an khi đó). Tất cả đều mừng rỡ vì tìm lại được con gái của người liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, mọi thủ tục công nhận bà Tường Vân là con gái liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đã nhanh chóng hoàn thành. Bà được Bộ Công an nuôi dưỡng đến khi trưởng thành và được giúp đỡ theo học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
  Tô Lan Hương

No comments:

Post a Comment