Sunday 15 September 2013

GIÁO SƯ ĐỎ”, BÍ THƯ XỨ ỦY TRẦN VĂN GIÀU (Anh Kiệt - Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh)

“GIÁO SƯ ĐỎ”, BÍ THƯ XỨ ỦY TRẦN VĂN GIÀU - KỲ 1
Thần đồng hai lần xuất ngoại
100 tuổi đời, tròn 80 năm tuổi Đảng, ông là “giáo sư đỏ” dạy lý luận Mácxít cho lớp cách mạng tiền bối như Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Dương Quang Đông...

Ông khai sinh trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là thầy của những nhà khoa học xã hội đầu đàn của Việt Nam.
Sinh ra trên đất Tầm Vu của Long An, quê hương của Nguyễn Thông, từ nhỏ Trần Văn Giàu học giỏi, nổi tiếng thần đồng. Thời đó, Tầm Vu chỉ có trường tổng Dương Xuân, dạy đến sơ học (tương đương lớp 3 ngày nay), hết sơ học ông Giàu học tiểu học ở Mỹ Tho.
Đặc cách học nhảy vào trường Tây
Theo những người cùng học kể lại, chưa học hết tiểu học nhưng do một bài luận văn xuất sắc, ông được đốc học Mỹ Tho xin cho đặc cách lên Sài Gòn học thẳng Trường Trung học Chasseloup Laubat (Trường Lê Quý Đôn ngày nay). Đây là trường dành riêng cho học sinh người Pháp, người Việt có quốc tịch Pháp. Chuyện một học sinh người Việt được đặc cách vào học ở đây là chưa có tiền lệ, chuyện chưa qua tiểu học, đặc cách học nhảy lớp vào trường này lại càng hiếm.
Vào năm 1926, học sinh cả nước bãi khóa, để tang chí sĩ Phan Chu Trinh như một làn sóng chính trị, những học sinh người Việt trường này cũng bãi khóa và viết lên bảng bốn chữ A.B.L.F, viết tắt câu “A bas les Français” (nghĩa là “Đả đảo thực dân Pháp”). Nhiều học sinh bị đuổi học, ông Giàu có tham gia nhưng thoát. Sau đó, tiếp xúc với Nguyễn An Ninh, tấm lòng yêu nước và con đường cách mạng của Nguyễn An Ninh đã tác động mạnh tới ông. Năm 1928, ông xin cha mẹ cho sang Pháp học với khát vọng lấy hai bằng tấn sĩ (tiến sĩ) về xứ làm thầy cãi, trạng sư. Gia đình ông Giàu theo nho học, yêu nước, sợ ông theo Tây học bị mất gốc nên cho phép ông du học với điều kiện phải hỏi vợ trước khi đi. Cô dâu là bà Đỗ Thị Đạo, cháu Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự (là hai thủ lĩnh địa phương hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân bị Pháp xử tử). Tương truyền, ông Phong có cái quạt bằng ngà voi, trước khi bị chém ông điềm tĩnh nói với đao phủ: “Mày ráng chém cho ngọt, tao thưởng cho mày cây quạt”. Ngôi nhà của Đỗ Tường Phong có 100 cây cột, kho lẫm lúa thóc chuẩn bị kháng chiến chất đầy, quân Pháp đốt cháy một tháng lửa mới tàn.
Cuộc lương duyên này khởi đầu cho quan hệ tình nghĩa thủy chung qua bao gian nan, thử thách mà ông Giàu ví như chuyện Vân Tiên - Nguyệt Nga thời đại. Tính từ lúc đính hôn (năm 1928) đến khi đoàn tụ sau hiệp định Genève (năm 1954) hơn 25 năm, số ngày họ sống chung nhau chưa đầy một tháng. Trong đó có những lúc cả hai cùng bị bắt, tù đày, tra khảo nhưng cả hai vẫn giữ lòng chung thủy, trung trinh tiết liệt.
GS Trần Văn Giàu ôn lại truyền thống hào hùng trong một dịp kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Thủ khoa Đại học Phương Đông
Ông đáp chuyến tàu Cap St. Jacques qua Marseille và theo học lớp đệ nhất (première) năm 1928-1929 ở Lycée Toulouse, miền Nam nước Pháp. Ông đậu tú tài phần I năm 1929 và học tú tài phần II, ban triết.
Toulouse, một thành phố có tiếng là có nhiều nhà chính trị tả khuynh, Trần Văn Giàu lãnh trách nhiệm dịch ra tiếng Việt các bài viết của Cộng sản Pháp để đăng trên tờ Cờ Đỏ, một tờ báo bí mật lưu hành trong giới binh sĩ Việt Nam bị đưa sang Pháp. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 5-1929. Năm 1930, tiếng vang của khởi nghĩa Yên Bái vọng tới nước Pháp. Ông gác lại ước mơ lấy hai bằng “tấn sĩ”, nhập cuộc đấu tranh. Ông thay mặt sinh viên Toulouse lên Paris tham gia cuộc biểu tình trước điện Élysée đòi giảm án tử hình cho 13 nghĩa sĩ Yên Bái. Cuộc biểu tình rất đông đã lôi cuốn cả nhiều người Pháp tham gia. Một số sinh viên bị bắt nhốt ở khám Santé, chính phủ Pháp không xét xử mà trục xuất họ trở về Việt Nam. Ngày 24-6-1930, ở bến Marseille, chiếc tàu Athos II đã đưa 19 sinh viên Việt Nam về nước, trong đó Trần Văn Giàu là người trẻ tuổi nhất.
Trở về Việt Nam, ông tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, làm giảng viên dạy chủ nghĩa Mác cho nhiều lớp thanh niên, ông cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam kỳ.
Đầu năm 1931, ông được xứ ủy cử đi du học. Bí mật rời Sài Gòn, ông sang Pháp cũng lại đi trên chiếc tàu Cap St. Jacques; từ Pháp qua Liên Xô, theo học Trường Đại học Phương Đông. Theo lời truyền tụng của người cùng thời, luận án tốt nghiệp của ông về “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương” được chấm điểm đầu trong khóa học này, thứ nhì là Tito (sau là tổng bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư) và hạng ba là Thereze (sau là tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp). Phần thưởng vinh dự cho ba vị tam khoa này là bức ảnh chân dung có bút tích đề tặng của Stalin.
“Giáo sư đỏ” trong tù
Năm 1933, ông bí mật trở về Sài Gòn trên chuyến tàu Félix Roussel. Cơ sở đảng ở miền Nam sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hầu như bị tan vỡ hết. Ông ra công gầy dựng lại Đảng bộ Nam kỳ và phát hành tờ báo bí mậtCờ Đỏ và cơ sở Cộng sản Tùng thơ. Cuối năm 1933, ông bị bắt ở Bà Hom (Bình Trị Đông) nhưng không đủ yếu tố buộc tội nên chỉ bị kết án năm năm tù treo. Tháng 4-1935, ông đã là bí thư xứ ủy, vừa đi dự đại hội ở Macao trở về, lại bị bắt, bị kết án năm năm đày đi Côn Đảo. Vụ án này được gọi là vụ “Complot Giàu - Dực”. Dực (còn có tên là Long) là con đại hương cả ở Kỳ Son (Tân An) cũng đi học ở Nga về. Lúc đó xứ ủy được Đảng Cộng sản Pháp gửi báo, sách, tài liệu theo các chuyến tàu khách và tàu hàng. Dực bị bắt và khai, làm Tây bắt khá nhiều đồng chí, trong đó có thuyền trưởng Deschamps và ông Giàu. Trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của nhà tù, ông đã trở thành “giáo sư đỏ” huấn luyện chính trị cho nhiều lớp cán bộ cốt cán của Đảng.
Tháng 5-1940, mãn hạn tù Côn Đảo, ông trở về đất liền chỉ được chín ngày thì bị bắt trở lại và giam ở trại tập trung Tà Lài.


Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, ngay khi còn học tại Trường Đại học Phương Đông mang tên Lênin ở Moskva, ông đã tham gia soạn thảo và chấp bút cho một số văn kiện quan trọng của Quốc tế Cộng sản có liên quan đến việc chỉ đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1935 đến năm 1941, suốt gần bảy năm trong nhà tù đế quốc, lúc ở Khám Lớn (Sài Gòn), khi ở Côn Đảo và trong trại tập trung Tà Lài, Trần Văn Giàu thường xoay trần trên nền xi măng của xà lim cặm cụi, bí mật soạn ra hàng chục tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Vượt qua sự rình rập, đòn roi khủng bố của mật thám, vị “giáo sư đỏ” ngày ấy đã hăm hở tham gia giảng dạy cho các lớp huấn luyện của Đảng ở trong tù, góp phần trang bị cho nhiều lớp cán bộ, đảng viên những tri thức lý luận và kỹ năng tuyên truyền, tổ chức cốt yếu nhất. Nhiều “học viên” của “trường đại học cách mạng” ấy sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ)…
Giáo sư Sử học ĐINH XUÂN LÂM
Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù... Đôi chân ấy bước qua thế kỷ vẫn còn dư sức lực.
Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm “phiến loạn”, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo và phê bình quan điểm (!)… Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao.
Câu đối của Giáo sư Hoàng Như Mai mừng thọ 85 tuổi Giáo sư Trần Văn Giàu
30/08/2010 - 00:17
“GIÁO SƯ ĐỎ”, BÍ THƯ XỨ ỦY TRẦN VĂN GIÀU - BÀI 2
Cuộc chiến cân não ở Tà Lài
Trong tù, trí tuệ, mưu lược, dũng khí của ông Trần Văn Giàu và những đảng viên cộng sản đã làm cho tên chúa ngục và binh lính Pháp phải kính nể. Cũng bằng những tố chất đặc biệt đó, họ đã vượt ngục xây dựng lại tổ chức đảng để chuẩn bị thời cơ làm cách mạng.

Giữa năm 1940, do biến động từ Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm, phát xít Nhật lăm le đổ bộ vào Đông Dương, thực dân Pháp bắt tất cả những người hoạt động chính trị giam lỏng ở Tà Lài mà không cần xét xử. Ông Trần Văn Giàu vừa mãn hạn tù Côn Đảo được chín ngày thì bị bắt đưa đi căng (trại giam) Tà Lài. Ông được bầu làm bí thư đảng ủy căng Tà Lài và tiếp tục công việc “giáo sư đỏ”. Nhà tù của thực dân Pháp lại trở thành trường đại học chính trị của Đảng.
Tranh luận với chúa ngục Tà Lài
Chúa ngục Tà Lài tàn ác và kiêu ngạo, đối xử với tù nhân rất khắc nghiệt. Đảng ủy nhà tù tổ chức tuyệt thực đấu tranh chống lại chế độ đối xử hà khắc. Chúa ngục thách thức các tù nhân cử người tranh luận với y. Ông Giàu được anh em tù cử làm người đại diện. Không ai đoán được cuộc đấu lý giữa tên chúa ngục (lúc nào cũng lăm lăm súng đạn) với người đại diện tù sẽ đi tới đâu. Ông Giàu cũng vậy, ông sẵn sàng hy sinh nhưng phải chết trong tư thế của người chiến thắng. Ông đứng trên một tảng đá lớn làm bục diễn thuyết, chung quanh là đông đảo anh em tù chính trị (để nếu có bị bắn chết thì cũng ngã từ trên cao xuống). Tên chúa ngục kiêu ngạo hỏi tại sao ông được học văn minh Pháp, được người Pháp dạy dỗ trưởng thành mà chống lại nhà nước Pháp. Ông Giàu lấy thực tế cuộc chiến tranh thế giới, nước Pháp bị Đức chiếm đóng, hàng vạn người dân Pháp yêu nước đang sẵn sàng hy sinh mạng sống để kháng chiến giành độc lập. Người Việt Nam cũng vậy, họ yêu quý nền văn minh Pháp nhưng nhất định đấu tranh tới giọt máu cuối cùng chống lại ách cai trị thực dân. Bài diễn thuyết kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của anh em tù. Tên chúa ngục phải cúi đầu im lặng.
Tổng thống Pháp F. Mitterrand và Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh:www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn
Học dạy, học viết trong tù
Ai từng nghe Trần Văn Giàu nói chuyện đều phải thừa nhận ông có tài hùng biện. Hùng biện theo phong cách dân dã, rất Nam Bộ. Ông có cách nói rất dễ hiểu những vấn đề trừu tượng, triết học mà ngay cả những người học vấn thấp đều có thể hiểu được.
Trong lễ kỷ niệm cụ Đồ Chiểu tại chùa Tôn Thạnh, Cần Giuộc, Long An hơn 20 năm trước, hàng trăm lão nông đứng dưới trời mưa lất phất say sưa nghe ông diễn thuyết. Ông nói thật dung dị: “Hôm nay, một ông già Nam Bộ nói chuyện với những ông già Nam Bộ về một ông già mù. Mù mà giỏi, mù mà làm được tới ba chuyện người sáng mắt chưa chắc làm được. Mù mà làm thơ, dạy học, coi mạch bốc thuốc…”. Tại hội thảo khoa học về Võ Công Tồn, một điền chủ, tư sản yêu nước, hy sinh ở nhà tù Côn Đảo, nhiều tiến sĩ giáo sư hùng hồn tán tụng ông Tồn là cử nhân, tú tài Pháp, là người đảng viên không cộng sản… Khi được mời kết luận, ông Giàu nói: “Tôi nhớ không lầm là hội đồng Tồn đẹp trai lắm!”, làm mọi người chưng hửng, tưởng ông đãng trí. Nhưng ông tiếp tục bắt mạch đặt vấn đề: “Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi tại sao không ra làm quan, cưới vợ đẹp mà đi làm cách mạng để chịu tù đày, chết bỏ thây ngoài Côn Đảo?”. Từ đó, ông đưa ra hai con đường giác ngộ cách mạng là vì quyền lợi và giác ngộ vì nhận thức. Với người trí thức, hiểu được quy luật xã hội, họ giác ngộ và tham gia cách mạng dù phải đi ngược lại quyền lợi của họ. Nhận xét về các bản tham luận xào nấu trên nền tư liệu thiếu kiểm chứng, ông cười móm mém: “Nãy giờ tôi thấy mấy chú nói trật mà trật xa dữ à! Hồi đó Sài Gòn chỉ có Trường Chasseloup dạy tới tú tài. Hội đồng Tồn chỉ có diplôme thôi, mà đâu phải đợi tú tài, cử nhân mới là trí thức…”.
Trong trao đổi riêng tư, ông cho biết đã rèn luyện kỹ năng này trong những năm tháng tù đày. Bằng mảnh gạch đỏ, nằm xoay trần trên nền xi măng, ông đã biên soạn tài liệu lý luận để giảng dạy. Để tuyên truyền giác ngộ và huấn luyện cho những người tù (đa phần là học vấn thấp) phải có cách nói thật hấp dẫn, dễ hiểu.
Vượt ngục để gầy dựng phong trào
Qua thông tin từ sách báo, từ những tù nhân mới bị đưa vô căng Tà Lài, ông Giàu và đảng ủy nhà tù nhận định Hồng quân sẽ chiến thắng phát xít Đức, Nhật đổ quân vào Đông Dương hất chân Pháp, thời cơ cách mạng Việt Nam sắp xảy ra. Đảng ủy biết rằng sau khởi nghĩa Nam kỳ các tổ chức đảng ở Nam kỳ bị thiệt hại nặng, hầu hết cán bộ ưu tú của Đảng lúc ấy đều bị giam ở Tà Lài, Bà Rá hay Côn Đảo. Việc tổ chức vượt ngục để xây dựng lại đảng bộ hết sức cần thiết. Đảng ủy tổ chức một chuyến vượt ngục thí điểm nhưng thất bại, tất cả đều bị bắt. Cuối cùng đảng ủy chọn ra tám đồng chí với tiêu chuẩn đặc biệt, có khả năng gầy dựng lại các tổ chức đảng, xây dựng phong trào, chuẩn bị khởi nghĩa. Tám người này chia thành hai nhóm đi theo hai hướng mà Pháp bất ngờ nhất. Nhóm một gồm Tô Ký, Châu Văn Giác, Trần Văn Giàu đi về hướng bắc ngược lên Đà Lạt. Nhóm thứ hai đi theo sông La Ngà thẳng về Sài Gòn.
Tại nhà Giáo sư Trần Văn Giàu (tháng 4-2007). Ảnh: THANH TRANG
Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào Stiêng và nhờ mưu trí đánh lạc hướng bọn cai ngục, cuộc vượt ngục đã thành công. Nhóm ông Giàu đã lên đến Đà Lạt, chỉ có Tô Ký bị bắt sau khi đến Đà Lạt; nhóm về Sài Gòn cũng thoát được. Công việc đầu tiên của họ là bắt liên lạc với xứ ủy và các tỉnh ủy, đồng thời xây dựng cơ sở đảng.
Nhà cách mạng lão thành, người thầy của nhiều thế hệ
“Tôi bị đày đi căng Tà Lài (bọn Tây gọi là Camp des travailleurs Talai), một trại giam nằm trong rừng, cách thị trấn Định Quán, Đồng Nai hơn 15 cây số. Chi bộ nhà tù tổ chức học văn hóa lẫn chính trị. Anh Trần Văn Vi dạy về cách mạng tư sản dân quyền. Anh Trần Văn Giàu dạy chủ nghĩa Mác-Lênin…
Một thời gian sau Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, chi bộ đảng nhà tù quyết định cho tám đồng chí vượt ngục, gồm các anh Trần Văn Giàu, Dương Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Châu Văn Giác, Trần Văn Kiết (Kiệt), Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Hoàng Sính (Đức) và tôi. Một nhóm năm người chạy về hướng Sài Gòn. Nhóm của tôi gồm anh Giàu, anh Giác và tôi băng rừng trốn lên Đà Lạt. Đến ngày thứ mười bảy thì tới nơi.”
(Thiếu tướng Tô Ký trả lời phỏng vấn nhà báo Phan Hoàng)
Gia nhập Đảng Cộng sản khi Đảng ta đang chuẩn bị ra đời, giữ chức vụ bí thư Xứ ủy Nam kỳ trước và trong Cách mạng Tháng Tám, chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ lúc cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu, nhờ sự đóng góp to lớn ấy, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được tặng thưởng các huân chương cao quý như huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Độc lập hạng Nhất và hôm nay được vinh dự nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng… Giáo sư Trần Văn Giàu là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam. Theo bác thì bác bước vào nghề giáo là một sự tình cờ do hoạt động bí mật lúc còn ở Sài Gòn, làm giảng viên tổ Thanh niên cộng sản do Xứ ủy Nam kỳ chỉ định, rồi làm thầy giáo của trí thức Sài Gòn những năm tiền Cách mạng Tháng Tám…
Giáo sư-Tiến sĩ PHAN XUÂN BIÊN



31/08/2010 - 00:07
“GIÁO SƯ ĐỎ”, BÍ THƯ XỨ ỦY TRẦN VĂN GIÀU - BÀI 3
Chạy đua nước rút, chớp thời cơ
Từ người tù vượt ngục, ông Giàu đã gầy dựng lại Xứ ủy có thực lực chính trị buộc Chánh Mật thám Nam kỳ phải xuống nước xin hợp tác.

Từ tay trắng, ông đã ráo riết huấn luyện và chớp thời cơ xây dựng lực lượng Thanh niên Tiền phong làm đội quân xung kích cho khởi nghĩa Tháng Tám.
Sau khi vượt ngục Tà Lài về Đà Lạt, ông Giàu được một người thân của Bảy Trân (cán bộ, đảng viên kỳ cựu ở Chợ Đệm, người chinh phục và quy tụ lực lượng Bình Xuyên tham gia cách mạng) là Chung Văn Năm bố trí cho về Sài Gòn bằng xe của công sứ Đà Lạt mà tài xế là bà con của Năm. Bảy Trân bố trí ghe, giả làm người đi làm mắm ở Rạch Giá để đưa ông Giàu xuống Xẻo Bần (Rạch Giá). Với tiền vợ cho, ông Giàu sắm mấy mẫu rẫy, sống như một điền chủ qua mặt thực dân Pháp để móc nối, tìm cơ sở… Do thiệt hại bị đàn áp, khủng bố sau khởi nghĩa Nam kỳ, tổ chức Đảng bị tan rã, hầu hết Xứ ủy, tỉnh ủy viên đều bị bắt. Liên lạc giữa Nam kỳ và trung ương bị gián đoạn.
Xây dựng lại cơ sở từ đầu
Ông Giàu tìm gặp người cùng vượt ngục là Châu Văn Giác bảo: “Tụi mình làm cách mạng, không phải đi tìm cuộc sống hưởng lạc. Tình hình thế giới và trong nước biến chuyển rất thuận lợi cho ta. Vậy tôi phân công cho anh phụ trách từ Cần Thơ đổ xuống, Cần Thơ đổ lên đã có Ung Văn Khiêm. Còn tôi thì về Sài Gòn phụ trách đầu não…”. Sau đó ông Giàu liên lạc với Dương Quang Đông, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn) và các đảng viên cố cựu từng bước gầy dựng lại các tỉnh ủy, liên tỉnh ủy ở Nam kỳ. Đặc biệt, tại Sài Gòn, ông chạy đua nước rút, tổ chức huấn luyện, tuyên truyền, vận động trí thức, công hội, tôn giáo, giao cho Bảy Trân nắm lực lượng Bình Xuyên. Trong lần giao cho Bảy Trân đem tài liệu cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông Giàu tiết lộ: “Giới bác sĩ, ta nắm Hồ Văn Nhựt, Đặng Văn Chung, Phạm Biểu Tâm… Giới luật sư ta tiếp xúc với Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ, Thái Văn Lung, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần… Giới bác vật có Lưu Văn Lang, Nguyễn Xuân Bái; giới giáo sư có Phạm Thiều, Đặng Minh Trứ, Nguyễn Văn Chì; giới nhà băng có Mi-sen (Michel) Văn Vỹ…”.
Giáo sư Trần Văn Giàu (trái) và nhà cách mạng lão thành Huỳnh Văn Tiểng. Ảnh: www.sggp.org.vn
“Cò” Bazin xin hợp tác
Sự tái sinh của Đảng Cộng sản ở Nam kỳ đã làm thực dân Pháp chú ý. Song tình hình chính trị lúc ấy làm thái độ chúng thay đổi. Trùm mật thám Bazin đích thân đưa Bảy Trân 50 đồng làm lộ phí đi tìm ông Giàu để bàn chuyện hợp tác chống phát xít Nhật. Lúc này ông Giàu đang ở nhà của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh ở đường Champagne (Lý Chính Thắng hiện nay). Ông Giàu bảo Bảy Trân triệu tập hội nghị Liên chi bộ Tân Phong Hạ, bàn cách đối phó Bazin.
Tại cuộc họp, ông đọc bản nháp bức thư viết bằng tiếng Việt gửi “cò” Bazin. Đại ý bức thư như sau: “Trần Văn Giàu không thể gặp cò Ba-de được. Còn việc liên kết chống phát xít thì người Pháp ngừng bắt bớ cộng sản và trả tự do các chính trị phạm rồi sẽ thấy những người cộng sản chống phát xít như thế nào”. Hội nghị thông qua bức thư, nhất trí cử Bảy Trân mang thư. Sau khi nhận được thư của ông Giàu, “cò” Bazin tạm ngưng bắt bớ cộng sản, phóng thích một số chính trị phạm. Trước thắng lợi đó, văn phòng Xứ ủy từ Chợ Gạo chuyển về đặt tại nhà Bảy Trân, ở Tân Nhựt, Bình Chánh ngay sát nách Sài Gòn.
Lập Thanh niên Tiền phong
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ông Giàu đã ráo riết tổ chức huấn luyện chính trị, lôi kéo giới thanh niên trí thức. Lớp huấn luyện được đặt ở nhà và văn phòng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ở 78-80 đường Mayer (Võ Thị Sáu), cốt cán nhóm này có Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Trương Công Cán… Ông cũng huấn luyện cho Tạ Bá Tòng, một sinh viên gốc Triều Châu, ở Sóc Trăng. Lớp chính trị trên 50 đoàn viên Dân chủ có Tạ Bá Tòng, tại nhà riêng của dược sĩ Trần Kim Quang ở Thị Nghè. Tạ Bá Tòng sau đó đã rất đắc lực trong việc tổ chức Thanh niên Tiền phong miền Hậu Giang.
Giáo sư Trần Văn Giàu gặp phóng viên Pháp Luật TP.HCM tại nhà riêng (tháng 4-2007). Ảnh: THANH TRANG
Điều bức xúc nhất của ông Giàu lúc này là chiến tranh thế giới sắp kết thúc, thời cơ cách mạng đã tới, Xứ ủy lâm thời đã tái lập tổ chức đảng khắp Nam kỳ đã được củng cố nhưng còn thiếu tổ chức quần chúng rộng khắp để làm lực lượng xung kích khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay lúc đó, Thống đốc Nhật ở Nam kỳ là Minoda cũng cần một tổ chức quần chúng để tập hợp thanh niên. Y gợi ý giao nhiệm vụ này cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một trí thức tư sản có vợ là người Pháp mà không biết rằng bác sĩ Thạch đã là đảng viên Đảng Cộng sản. Nhận báo cáo của bác sĩ Thạch, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu đã nghĩ ra kế “gậy ông đập lưng ông”, chớp cơ hội này để tổ chức lực lượng quần chúng cách mạng. Theo chỉ đạo của Xứ ủy, lực lượng “Thanh niên Tiền phong” do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Kha Vạn Cân… những đảng viên cộng sản làm nòng cốt lãnh đạo đã ra đời ở Sài Gòn và nhanh chóng lan ra khắp Nam kỳ thu hút hàng vạn người.
Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập do Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Đêm 20-8-1945, Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai tại rạp Nguyễn Văn Hảo; cờ đỏ búa liềm treo công khai trước nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Ngày 22-8-1945, Phạm Ngọc Thạch tuyên bố: “Thanh niên Tiền phong gia nhập Mặt trận Việt Minh”. Và ba ngày sau đó, theo chỉ đạo của Xứ ủy, chính lực lượng này với tầm vông nhọn là đội quân xung kích khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn cõi Nam kỳ.
Thanh niên Tiền phong là mặt trận đoàn kết rộng rãi những người yêu nước
Vào những ngày tiền khởi nghĩa ở Nam Bộ, lực lượng so sánh, xét về mặt tổ chức nòng cốt là Đảng Cộng sản và các đoàn thể cứu quốc sau tổn thất trong khởi nghĩa Nam kỳ, tuy đang trên đà hồi phục nhưng chưa đủ sức cho một trận quyết chiến chiến lược với kẻ thù.
Thực lực của Đảng bộ Nam Bộ còn thiếu và yếu, phải có cách gì để trong thời gian ngắn tập hợp đông đảo quần chúng dưới ngọn cờ cách mạng, nếu chậm trễ thì sẽ bị lỡ thời cơ. Bài toán thật hóc hiểm, song truyền thống của dân tộc ta nói chung, của nhân dân Nam Bộ nói riêng đã cho phép Đảng bộ Nam Bộ có một bước đi sáng tạo. Nghĩa là dựa vào lực lượng nòng cốt, nhất là đường lối cách mạng dân tộc, hình thành một mặt trận liên kết mọi tầng lớp nhân dân, trước hết ở thành phố đầu não Sài Gòn và các tỉnh lỵ. Tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời theo yêu cầu và trong bối cảnh ấy. Nó là vỏ bọc thật dày của lực lượng cách mạng trung kiên và là một trung tâm tiến công địch, các lực lượng chống cách mạng.
Cần nói rõ một điều: Tuy tên là Thanh niên Tiền phong nhưng tham gia vào tổ chức không chỉ có thanh niên. Thực sự đó là một mặt trận đoàn kết rộng rãi những người yêu nước, gồm đủ lứa tuổi, đủ giới, không phân biệt vị trí xã hội hay tín ngưỡng. Thanh niên Tiền phong đã làm được một việc hết sức quan trọng là đoàn ngũ hóa nhân dân, tập luyện cho mọi người ý thức tập thể và thống nhất hành động.
(Trích “Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám ở Sài Gòn - Nhớ Thanh niên Tiền phong” của Trần Bạch Đằng)

01/09/2010 - 00:48
“GIÁO SƯ ĐỎ”, BÍ THƯ XỨ ỦY TRẦN VĂN GIÀU - BÀI 4
Khởi nghĩa với tầm vông vạt nhọn
Mới 34 tuổi, ông đã lãnh đạo Xứ ủy khởi nghĩa Tháng Tám thành công ngoạn mục tại Nam Kỳ.

Ban lãnh đạo khởi nghĩa đóng sát nách trung tâm Sài Gòn, Việt Minh công khai ra mắt người dân, ngay trong ngày độc lập máu đã đổ, cuộc chiến đấu mới đã chớm mầm.
Tháng 10-1943, chưa bắt được liên lạc với Trung ương nhưng để ứng phó kịp thời, chớp đúng thời cơ khởi nghĩa, các đồng chí phụ trách các liên tỉnh ủy ở Nam Bộ đã tổ chức hội nghị bầu Ban Cán sự Xứ ủy. Ông Giàu được bầu làm bí thư Ban Cán sự Xứ ủy. Xứ ủy khẩn trương tổ chức lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa mà trong đó xung kích là lực lượng Thanh niên Tiền phong, Xứ ủy cũng ra tờ báo tên Tiền Phong nên còn được gọi là Xứ ủy Tiền Phong.
Hội nghị Xứ ủy
Ngày 10-8-1945, quân Nhật đầu hàng Đồng minh. Tối 16-8, ông Giàu triệu tập hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng tại Chợ Đệm bàn về khởi nghĩa. Ông Giàu định ngày 17-8 sẽ khởi nghĩa nhưng gặp nhiều ý kiến tranh luận gay gắt. Hội nghị gút lại tiếp tục chuẩn bị chu đáo, chờ tin từ Hà Nội. Bởi vì kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 cho thấy nếu một mình tự làm sẽ bị đàn áp.
Lãnh đạo thành phố thăm Giáo sư Trần Văn Giàu nhân ngày 20-11-2009. Ảnh: T.XUÂN
Từ ngày 17 đến 20-8-1945, Sài Gòn chứng kiến hai sự kiện đặc biệt tiền khởi nghĩa: Lễ tuyên thệ của Thanh niên Tiền phong và Mặt trận Việt Minh ra công khai. Hôm ấy, hơn 50.000 thanh niên từ ngoại ô, các phố nội thành đổ vào trung tâm Sài Gòn. Tất cả đều đồng phục, hàng ngũ chỉnh tề, cùng hát vang bài Lên đàng. Đến giờ quy định, tất cả tập trung tại Công viên Tao Đàn. Huynh trưởng Phạm Ngọc Thạch đọc diễn văn nảy lửa, hô hào tuổi trẻ theo gương các anh hùng liệt sĩ. Tráng trưởng Huỳnh Văn Tiểng đọc ba lời thề. Tất cả đoàn viên quỳ một chân, đưa tay lên hô: “Xin thề!” vang dội. Sau đó đoàn người kéo ra tuần hành trên các phố lớn. Ngay hôm sau là lễ “Ra công khai” của Mặt trận Việt Minh. Ông Giàu và các thành viên Mặt trận Việt Minh xuất hiện công khai trước hàng vạn công chúng. Thanh niên Tiền phong và các tổ chức quần chúng xuống đường biểu tình chính trị ủng hộ Việt Minh. Thời cơ và lực lượng khởi nghĩa ở Sài Gòn và cả Nam Bộ đã chín muồi. Việc tổ chức Việt Minh ra mắt công khai và các đoàn thể chính trị tuyên thệ trung thành với Việt Minh ngay khi chưa giành chính quyền là nét độc đáo của Nam Bộ.
Đứng lên giành chính quyền
Ngày 20-8, nghe từ máy thu thanh tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, lập tức, ngày 21-8 tại Chợ Đệm, Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng họp lần thứ hai bàn việc khởi nghĩa. Mọi việc tưởng đã xuôi chiều, chẳng ngờ lại có người bàn lui: “Mặc dầu Thiên Hoàng đã tuyên bố đầu hàng nhưng quân đội Nhật ở Sài Gòn nói riêng, ở Nam Kỳ nói chung còn đông lắm và vẫn giữ vững đội ngũ. Nếu bản thân nó không chống lại cuộc khởi nghĩa của ta thì Anh, Pháp cũng ra lệnh cho nó đánh ta”.
Ông Giàu đề nghị giải pháp chọn Tân An quê ông làm điểm khởi nghĩa. Nếu khởi nghĩa ở Tân An thành công, Nhật không phản ứng sẽ cho Sài Gòn và Nam Bộ khởi nghĩa. Hội nghị đồng ý. Ông Ba Hoằng, đại biểu Tân An, cấp tốc đi xe đạp trở về tỉnh phát động khởi nghĩa. Nhưng bất ngờ ngay thời điểm này, tại Tân An có nhóm người có vũ trang toan cướp chính quyền nên Tỉnh ủy Tân An đã chủ động khởi nghĩa thành công và cử người lấy xe hơi của chủ tỉnh chạy lên Sài Gòn báo cáo cho Xứ ủy. Ông Ba Hoằng về tới cầu Bến Lức thì gặp xe này. Cả hai cùng quay lại chợ Đệm. Chuyện ông Hoằng đi bằng xe đạp về bằng xe hơi, có cắm cờ đỏ sao vàng xua tan mọi nghi ngại. Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba lập tức chỉ định lập Ủy ban Hành chánh lâm thời cho toàn Nam Bộ, bật đèn xanh khởi nghĩa. Chiều 24-8, Thanh niên Tiền phong vũ trang tầm vông vạt nhọn từ Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh và dồn về Sài Gòn. Ngày 25-8, tại Sài Gòn đã diễn ra cuộc biểu tình lịch sử 1 triệu người đứng lên giành chính quyền sau gần 100 năm bị trị.
Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ngày  25-8-1945. Ảnh tư liệu (T.XUÂN chụp lại)
Bài diễn văn ứng khẩu
Ngày 31-8-1945, Trung ương điện vào cho biết lúc 2 giờ chiều 2-9 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ tổ chức một cuộc mít-tinh và diễu hành thật lớn nhằm biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng.
Lễ đài lễ Độc lập 2-9-1945 đặt trên đường Lê Duẩn (hiện nay), phía sau nhà thờ Đức Bà. Cờ rợp trời: cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, cờ các nước đồng minh, cờ của các đoàn thể. Khẩu hiệu giăng đầy các con đường lớn. Đặc biệt khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” là sản phẩm của ông Giàu được viết bằng năm thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga đã xuất hiện trong ngày này.
Ban tổ chức buổi lễ dự định sẽ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và phát thanh lời Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập để đồng bào Sài Gòn nghe qua hệ thống loa phóng thanh nhưng do kỹ thuật, việc tiếp sóng không thành.
Ban tổ chức buổi lễ đề nghị ông Giàu (Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ) đứng lên phát biểu. Ông Giàu suy nghĩ, ghi lên giấy mấy ý chính, rồi bước lên lễ đài, ứng khẩu bài diễn văn mở đầu rất hùng hồn về ý nghĩa trọng đại: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống...”.
Ông vạch ra bối cảnh phức tạp của Nam Bộ thời ấy: “Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Chúng tôi đã nắm được bằng cớ chắc chắn là họ toan dùng võ lực thình lình lật đổ chính phủ Dân chủ Cộng hòa để đặt lại một quan toàn quyền như thuở trước. Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”.
Ông Trần Văn Giàu hỏi những người dự lễ: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân - ra mặt hay giấu mặt - trở lại không?”. Sau mỗi câu hỏi của ông, cả triệu người đồng thanh đáp lại: “Không! Không! Không!” vang dội một góc trời.
Dự đoán trước âm mưu kẻ thù rắp tâm tái chiếm đất nước, ông kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.
Hai xứ ủy ở Nam Kỳ
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940, hệ thống Đảng ở Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn cũng như toàn Nam Kỳ bị khủng bố, phá tan hoang. Hầu hết các đảng viên cốt cán có trọng trách lãnh đạo đều bị bắt, bị giết, bị đày đi Côn Đảo. Từ đó đến cuối 1943, Đảng bộ Nam Kỳ không có Xứ ủy và hoàn toàn mất liên lạc với Trung ương.
Tháng 3-1941, chi bộ nhà tù Tà Lài cử tám đảng viên vượt ngục để gầy dựng lại cơ sở. Sáu người trong số này lần lượt bị bắt lại, chỉ có hai người thoát là Dương Quang Đông và Trần Văn Giàu. Hai người đã nắm tình hình, bắt lại liên lạc, lần lượt lập ra các tỉnh ủy mới ở 21 tỉnh, thành Nam Bộ. Tháng 10-1943, 11 trong số các tỉnh ủy mới đã cử đại biểu dự hội nghị tại Chợ Gạo (Mỹ Tho) để thành lập Xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị bầu ông Trần Văn Giàu làm bí thư Xứ ủy và ra tờ báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận. Xứ ủy này được gọi là Xứ ủy Tiền Phong.
Song song, một nhóm đảng viên khác hoạt động ở vùng ven Sài Gòn, thuộc tỉnh Gia Định cũng nỗ lực khôi phục tổ chức Đảng, ra báo Giải Phóng làm cơ quan ngôn luận. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 20-3-1945, nhóm Giải Phóng họp tại Xoài Hột (Mỹ Tho), lập Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời và bầu ông Dân Tôn Tử làm bí thư. Xứ ủy này được gọi là Xứ ủy Giải Phóng.
(Theo Lịch sử Đảng bộ TP.HCM)


"GIÁO SƯ ĐỎ", BÍ THƯ XỨ ỦY TRẦN VĂN GIÀU - BÀI 5
Tuyên chiến không chờ lệnh

Trong Cách mạng Tháng Tám, chưa liên lạc được với trung ương, ông Giàu tự phân tích tình thế và phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Một tháng sau, ông Giàu đứng trước tình thế tướng giữ thành bị đánh úp, phải quyết định kháng chiến trước khi có lệnh của trung ương.
Theo nghị quyết hội nghị Postdam (Đức) của các nước Đồng minh thắng trận, đầu tháng 9-1945, quân Anh đổ vào Nam Bộ để giải giới quân Nhật. Nhằm giúp quân Pháp tái đô hộ Việt Nam, trưởng phái bộ Anh đã ngầm lấy vũ khí của quân Nhật giao cho quân Pháp.
Mầm mống chiến tranh ngay sau ngày độc lập
Phái bộ Anh buộc ta phải thả những tên Pháp gây rối bị ta bắt trong ngày mít-tinh mừng Quốc khánh 2-9 và yêu cầu UBND Nam Bộ giao lại trụ sở (dinh Thống đốc Nam Kỳ cũ, nay là Bảo tàng cách mạng) cho họ. Anh cho quân Pháp thay thế quân Nhật canh gác một số nơi trọng yếu trong thành phố. Ngày 20-9-1945, phái bộ Anh tuyên bố giữ quyền kiểm soát thành phố, thả hết lính Pháp ra và buộc lực lượng vũ trang của ta phải ra khỏi thành phố. Trước tình thế ấy, Xứ ủy, UBND Nam Bộ hết sức kiềm chế nhưng cũng tích cực, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến.
Giữa đêm 22 rạng 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở UBND Nam Bộ (nay là trụ sở UBND TP.HCM), Sở Cảnh sát, trại Cộng hòa vệ binh, ngân hàng, khám lớn v.v… Các đơn vị tự vệ đã nổ súng chống trả quyết liệt suốt đêm. Tại cột cờ Thủ Ngữ, quân Anh bắt buộc các chiến sĩ tự vệ phải hạ cờ đỏ sao vàng, lực lượng tự vệ bất tuân và đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, người chiến sĩ cuối cùng. Khâm phục tinh thần này, đơn vị quân Anh đã lập dàn chào các liệt sĩ của ta trước khi chiếm giữ cột cờ.
Giáo sư Trần Văn Giàu trong một lần ôn lại truyền thống đấu tranh Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại UBND TP.HCM. Ảnh: HTD
Giặc tấn công: Đánh hay chờ?
Ngay trong đêm ấy, ông Giàu viết lời kêu gọi kháng chiến và triệu tập gấp cuộc hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Xứ ủy, UBND và Ủy ban Kháng chiến tại số 629 đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi). Cuộc họp bắt đầu trước hừng sáng ngày 23. Dự hội nghị có: Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh (đại diện Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn (của Xứ ủy), Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn (của UBND), Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Giàu (của Ủy ban Kháng chiến)... Ông Giàu báo cáo tình hình: ... xin hội nghị quyết định kháng chiến. Yêu cầu hội nghị thông qua lời kêu gọi kháng chiến.
Giặc đã tấn công, cứ tưởng chuyện kháng chiến là đương nhiên nhưng bắt ngờ có ý kiến phản bác cho rằng chiến hay hòa là chuyện quốc gia. Phải báo cáo để trung ương quyết định, Xứ ủy không thể tự quyền.
Huỳnh Văn Tiểng cho rằng: Ta chưa chính thức kêu gọi kháng chiến mà tự vệ, dân quân, thanh niên, công đoàn đã bắt đầu đánh trả quân địch rồi. Nếu ta không kêu gọi kháng chiến thì ta sẽ không lãnh đạo được phong trào kháng chiến của quần chúng nữa, ta sẽ mất hết uy tín, quần chúng sẽ chán chê sự do dự của ta, ta còn lãnh đạo được ai nữa. Ông Giàu tiếp lời: Tất nhiên là ta phải báo cáo thỉnh thị. Nhưng ta không chờ có chỉ thị kháng chiến mới bắt đầu kháng chiến. Trong tình hình hiện giờ chắc chắn trăm phần trăm là Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành kháng chiến. Không thể khác. Nếu ta chờ lệnh đánh mới đánh thì địch sẽ có lợi thế nhiều quá, ta sẽ thất thế nhiều quá. Không nên chờ. Phải đánh trả ngay...
Trách nhiệm lịch sử của “tướng giữ biên cương”
Vẫn có ý kiến phản bác, cuộc họp vô cùng căng thẳng. Cuối cùng ông Giàu nói, tay nắm chặt dằn xuống bàn như sắp làm một việc gì có tính chất quyết định số phận của chính mình: “Tướng ở biên cương cũng như tướng ở nội địa và ở kinh thành đều phải theo lệnh vua, nguyên tắc là như vậy. Song, tướng ở biên cương có khi không chờ lệnh vua trong trường hợp nếu chờ lệnh vua thì địch lấy mất biên ải, tràn vào nội địa, cướp của, bắt người, chiếm đất. Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình. Tướng biên cương cũng có thể làm khác, thậm chí làm khác lệnh vua trong trường hợp lệnh vua tới nơi thì tình hình đã khác hẳn, nếu theo lệnh cũ thì hại cho dân, cho nước, cho vua. Tướng biên cương phải biết quyền biến, hoặc tử thủ để làm chậm bước tiến của địch, hoặc rút lui để bảo toàn chủ lực, hoặc phản công để tiêu diệt địch, làm những việc mà trong lệnh vua không có… Vua sẽ xem xét sau, đúng thì khen, sai thì trị tội, thì chém đầu. Tôi bây giờ là tướng biên cương. Tôi thấy có trách nhiệm phải quyết định, phải quyền biến”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đồng lòng đứng lên kháng chiến.
Ông Giàu đưa bản “kêu gọi” cho Huỳnh Văn Tiểng đem đi in ngay ở tất cả nhà in Chợ Lớn với số lượng lớn cho kịp phát và dán ngay buổi sáng. In như thế nào cái để dán trên tường, cái để chuyền tay, gửi các ôtô đi lục tỉnh. Thế nhưng cũng ngay trong ngày hôm ấy có một lời kêu gọi khác yêu cầu nhân dân Nam Bộ bình tĩnh, kiềm chế, chờ lệnh của trên. Bốn ngày sau, nhân dân Nam Bộ nhận được huấn lệnh của Chính phủ.
“Hỡi đồng bào Nam Bộ!
Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, đồng bào Nam Bộ đang đi qua những bước khó khăn gay go. Điều đó là một sự dĩ nhiên trên con đường tranh đấu cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày độc lập…”.
Bản huấn lệnh cho thấy Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã nhất trí với quyết tâm của người tướng giữ biên cương.
Ngay sau hội nghị, ông Giàu chuyển trụ sở kháng chiến về Chợ Đệm và tổ chức hội nghị quân sự thống nhất các lực lượng vũ trang kháng chiến, vạch chiến lược phòng tuyến vòng ngoài, mở ra bốn mặt trận đánh địch ở bốn hướng. Quân đội Pháp những tưởng nhanh chóng chiếm được Nam Bộ đã bị bao vây trong chảo lửa Sài Gòn. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông Giàu và Phạm Ngọc Thạch được triệu tập ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Từ Chợ Đệm nhìn về Phú Lâm, Tham Lương còn đang đỏ lửa, người tướng giữ biên cương bùi ngùi từ giã Sài Gòn. Mãi đến 32 năm sau, năm 1977, ông mới quay trở lại.
Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ
Đồng bào Nam Bộ!
Nhân dân thành phố Sài Gòn! Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ! Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết!”.
Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi:
Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó thì hãy lập tức rời khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:
- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.
- Không đưa đường, không báo tin cho Pháp.
- Không bán lương thực cho Pháp.
- Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt.
- Hãy đốt sạch tất cả các sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.
Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.
Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng. Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt võ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!
Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu
ANH KIỆT


No comments:

Post a Comment