(CATP) Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương đã lập nên những chiến công vang dội. Các chị được Bác Hồ khen ngợi, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, được nhân dân khắc ghi công ơn.
RA TRẬN LẬP CÔNG
Những ngày này, cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris và 45 năm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Huyền thoại về Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương những ngày này được “sống lại” liên quan đến hai sự kiện trên. Mười một cô du kích ở xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế là những cô gái 18 - 20 tuổi đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ. Để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, tháng 6-1967, Thành ủy Huế thành lập tiểu đội này với nhiệm vụ chủ yếu là bám sát địa bàn, dẫn đường và tải thương khi bộ đội từ các vùng ven tấn công vào TP.Huế.
Tiểu đội nữ du kích sông Hương
Bà Hoàng Thị Nở, một trong số 11 nữ du kích kể lại: “Sau một ngày đêm chiến đấu, sáng mùng 1 Tết, quân ta chiếm giữ được các điểm trọng yếu trên toàn TP.Huế. Mỹ huy động thêm lực lượng để chiếm lại. Ngày 12-2-1968, chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh chặn đợt phản công của địch từ sân bay Phú Bài đổ lên. Lính Mỹ to lớn, được trang bị vũ khí “tận răng” nhưng chị em không sợ vì chúng không nắm rõ địa hình, trong khi chúng tôi rất rành mọi ngóc ngách thành phố, được bộ đội chủ lực phối hợp và nhân dân che chở. Cứ thế, chị em nắm chặt súng, đem theo mìn, lựu đạn và quyết chiến đấu. Xe tăng địch đi đầu bị trúng mìn bốc cháy, lính Mỹ lúng túng thì chị em chớp thời cơ xả súng, ném lựu đạn vào”.
Các cô đã tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ, 4 xe tăng và đẩy lùi một tiểu đoàn tinh nhuệ, có máy bay, xe tăng yểm trợ của Mỹ, góp phần cho quân ta làm chủ TP.Huế 26 ngày đêm của đợt tập kích đầu tiên trong chiến dịch Mậu Thân. Trong trận chiến đấu quyết tử với quân thù, bốn cô gái đã anh dũng hy sinh gồm: Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sau, Hoàng Thị Hết và Nguyễn Thị Diên.
Bà Hoàng Thị Nở, một trong số 11 cô gái sông Hương
TRI ÂN CÁC NỮ ANH HÙNG
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, những cô gái còn lại tham gia Trung đội nữ vũ trang Võ Thị Sáu tiếp tục chiến đấu. Hai chiến sĩ đã hy sinh là Đỗ Thị Cúc (ngày 15-9-1969) và Phạm Thị Liên (ngày 24-4-1972). Sau ngày giải phóng, năm người còn lại tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ mới hoặc trở về với cuộc sống mưu sinh đời thường. Các chị ở xa nhau, công việc, hoàn cảnh gia đình khác nhau và đều mang thương tật do bom đạn, chất độc da cam... Các cô: Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Thị Nở, Chế Thị Mừng và Nguyễn Thị Xê (Nga) vẫn liên lạc, gặp nhau thăm chiến trường xưa, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống, giúp đỡ gia đình đồng đội đã hy sinh.
Bà Nguyễn Thị Bờ (89 tuổi, mẹ của anh hùng Phạm Thị Liên) rưng rưng nước mắt kể: “Khi có giặc đến thì ai cũng phải ra trận. Mới 14 tuổi, nó đã đi làm du kích xã. Cả nhà bị giặc bắt tra tấn vì con Liên đi làm cách mạng. Trong Tết Mậu Thân, nó cùng chị em chiến đấu và đã hy sinh, vẫn chưa ai kịp lấy chồng”.
Với chiến công hiển hách trong Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương được Bác Hồ tặng bài thơ: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Đầu năm 1969, các du kích trên đường ra Bắc thăm Bác, khi đến huyện Lệ Thủy, Quảng Bình thì nghe tin Bác mất, ai cũng khóc thương, tiếc nuối. Năm 1998, bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương được xây dựng cạnh sân vận động Tự Do, địa điểm gắn với chiến công của họ năm xưa. Tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên được đặt tên cho một tuyến đường ở phường Kim Long, TP.Huế, nơi chị chiến đấu và hy sinh. Ngày 2-9-2008, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Năm 2011, UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng tượng đài 11 cô gái sông Hương. Dự kiến công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 45 năm Tết Mậu Thân nhưng đến nay, công trình này vẫn còn trên giấy.
Dù tượng đài có được xây dựng hay không thì 11 cô gái sông Hương đã trở thành bức “tượng đài” vĩ đại trong nhân dân, là biểu tượng tinh thần kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Họ cũng như nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh xương máu để dân tộc ta được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay. Chúng ta luôn biết ơn và chung tay chăm lo cho công tác đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ.
No comments:
Post a Comment