Saturday 14 September 2013

Tín ngưỡng thờ "Ông Tà" của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (Trần Ngu Lạc - Báo Cần Thơ)

Tín ngưỡng thờ "Ông Tà"
của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ bảy, 11/06/2011 20 giờ 34 GMT+7


Một điểm thờ “Ông Tà”.
Đối với đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, NeakTa (Ông Tà) là vị thần có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Đây là vị thần gần gũi, dân dã gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Dân gian tin là NeakTa có quyền uy tối thượng khiến cho những kẻ làm ác phải kiêng dè.
Về nguồn gốc của vị thần này cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. “(...) Moura (1883) cho rằng NeakTa là những vị thần các cánh đồng hay khu vực mà người ta cầu xin khi có công việc và NeakTa có nguồn gốc Bà La Môn giáo. Ông đặt các vị thần này trong vũ trụ quan của tôn giáo đó: Những NeakTa có từ khi các xứ sở được thành lập và chính Preak In (Indra) đã giao cho họ công việc trông coi các xứ sở này. Adhémar Lecclère (cuối thế kỷ XIX) cho NeakTa là hồn của những người đã chết từ lâu. Monod (1931) lại cho NeakTa là các vị thần đồng áng hay thần ở trong rừng mà người ta phải cầu xin khi có công việc liên quan đến khu vực này. Quan niệm cho rằng NeakTa có nguồn gốc Bà La Môn giáo cũng được L.Malleret (1946) tán thành. Ông lấy vị thần Neang Khmau (Bà Đen) trong tín ngưỡng của người Khmer làm minh chứng. Éveline Porée Maspéro khác những ý kiến trên và dẫn chứng có trường hợp NeakTa là con vật. Theo Phan An thì có thể tục thờ NeakTa ở người Khmer là tàn dư của tín ngưỡng thờ đá có ở Nam Á”1.
Tuy có những quan niệm về NeakTa khác nhau nhưng tất cả các ý kiến trên đều có chung một nhận định: NeakTa là vị thần bảo hộ nhân dân. Đồng bào Khmer cho rằng: “NeakTa là một vị nam thần đứng tuổi, có trách nhiệm bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực (tương tự như loại tín ngưỡng Thành Hoàng của người Kinh). Đối với người Khmer, NeakTa có nhiều xuất xứ khác nhau, có thể là linh hồn của một người đã chết từ lâu, một vị thần ở trong rừng thẳm, hoặc một vị thần ở nơi đồng ruộng được chỉ định để coi sóc một địa phương hoặc một khu vực nào đó” 2.
NeakTa còn có nhiệm vụ trông coi sức khỏe và sự thịnh vượng ở những nơi mà ông giữ gìn. Ông chịu trách nhiệm về những chuyện xảy ra ở đó, nên mỗi khi có bệnh dịch, địa phương bị loạn lạc, nhất là khi hạn hán, người ta đều làm lễ cầu khẩn “Ông Tà”.
Người ta căn cứ vào những đặc điểm, chức năng, truyền thuyết... để phân chia NeakTa ra thành nhiều loại, vì vậy tên gọi NeakTa trong đời sống của người Khmer rất đa dạng. “Loại dùng tên của một vật trong thiên nhiên, hoặc dùng địa danh để đặt tên, loại mang tên nhân vật trong truyền thuyết, loại căn cứ vào màu sắc để gọi tên, cũng có loại tên có nguồn gốc từ đạo Bà La Môn như NeakTa Day Khmau, NeakTa Kocohom, NeakTa Buôn Muk, NeakTa Pottobol, NeakTa Neang Khmau, NeakTa Neang Khiu. Riêng các NeakTa Day Khmau, Kocohom được thờ cúng rất nhiều ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long được người ta xem như những hóa thân của các thần Vishnou và Siva trong các truyền thuyết xa xưa. Các NeakTa này thường được thờ cúng ở chùa” 3.
Nơi thờ cúng NeakTa thường là những ngôi miếu nhỏ, đơn sơ được làm bằng cây lá dựng ở khúc quanh con đường, ở ngã ba sông hay dưới gốc cây to trong mỗi ấp, cũng có khi miếu thờ được xây to hơn bằng gạch được đặt trong khuôn viên chùa, hay ở một vị trung tâm nào đó trong phum sóc. Trên bệ thờ mỗi miếu thường là những viên đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của NeakTa mà người Kinh thường gọi là “Ông Tà” và gọi các miếu đó là “miếu Ông Tà”.
“Lễ cúng ông Tà hằng năm được tổ chức vào tháng 4, tháng 5 dương lịch, tức là trong vòng một tháng đầu mùa hạ trước khi làm đồng áng. Vào những ngày này, người Khmer họp nhau làm lễ theo từng sóc để cúng ông Tà, và cũng để xin nước mưa làm ruộng rẫy trong năm. Họ kính trọng Ông Tà, coi như vị thần trực tiếp bảo hộ và giúp họ thu hoạch tốt trong công việc đồng áng và trong đời sống hàng ngày. Vị thần này đã cho nước mưa và đuổi các sâu rầy không cho phá lúa, màu”4.
Người ta đến miễu Ông Tà còn để làm lễ xin nước mưa. Các lễ vật cúng Ông Tà thường là đầu heo, gà, vịt luộc, rượu... Tuy nhiên, các lễ vật này không chỉ dùng để cúng Ông Tà, mà nhân tiện người ta cũng cúng luôn các vị Thổ thần và cả ma quỷ ngoài đồng mà người ta quan niệm rằng đều là con cháu của Ông Tà. Các ma quỷ được ăn uống sẽ dẫn nhau đi bảo vệ ruộng rẫy cho họ.
Ở một số nơi, người ta còn cúng cho mỗi loại Ông Tà bằng mỗi loại thức cúng khác nhau. “Cúng NeakTa phum sóc bằng thịt heo, cúng NeakTa rạch, bưng, giồng bằng thịt gà, vịt. Hoặc không cứ thời gian, gia đình nào gặp chuyện chẳng lành, sửa lễ đến miếu cúng NeakTa. Các sư sãi trong chùa bị ốm đau, cũng cúng lễ tại miếu thờ NeakTa trong khuôn viên chùa. Đồng thời NeakTa còn là quan tòa xử kiện việc người, trong phum sóc cần thề thốt điều gì. Hai bên đưa nhau đến miếu cúng NeakTa, với cách đem con gà đang sống đến miếu cắt cổ cho chảy máu rồi thả gà ra. Nếu gà sống hoặc chết là thể hiện lời thề của hai bên đúng sai”5.
Trên đường đến miễu Ông Tà làm lễ, người ta đi vòng quanh nhà ông ba vòng theo chiều kim đồng hồ tượng trưng cho sự xin nước mưa. Đi đầu là người chủ lễ, tiếp sau là những người cùng trong phum sóc. Đến miễu Ông Tà, họ vào đốt nhang, cầu khẩn Ông Tà bảo vệ cho xóm làng được bình yên, cơm no áo ấm, nhà nhà đầy tiếng cười, và cầu cho được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong lúc làm lễ, nhạc cụ dân tộc hòa vào lời ca tiếng hát được cất lên như là sự thỉnh mời các vị thần đến thưởng thức.
Nếu đã thực hiện đầy đủ các nghi thức trên mà vào mùa hạ năm ấy, trời vẫn không mưa thì người ta tiếp tục làm thêm một lễ nữa gọi là Lễ xin nước mưa. “Họ đưa mười nhà sư ra đứng phơi nắng tụng kinh để động lòng trời; bên cạnh, họ để một con cá lóc vào cái thau khô, hoặc vào một hố đất khô để ông Trời thấy con cá cũng như nông dân đều cần nước mưa để sống và làm ruộng nên sẽ ban nước mưa cho họ. Sự tích này có nguồn gốc từ Phật giáo. Kinh Sôphôntôn có nói con cá lóc là tiền thân của đức Phật Thích Ca, trong các kiếp luân hồi, sống trong một hồ thật lớn tên là Anôtlah. Từ khi ngài sinh ra không bao giờ sát sanh, chỉ biết ăn rong rêu và cây cỏ mục để sống. Qua thời gian hạn hán 12 năm, mọi nơi đều khô cạn kể cả hồ Anôtlah. Mọi người và mọi sinh vật như tôm tép, cá lớn cá bé đều chết, muôn vàn tai họa đưa đến rất khủng khiếp. Cá lóc bèn suy gẫm: Ta đây, từ sinh ra đến giờ không làm hại ai, chỉ biết trầm tư mặc niệm làm lành lánh dữ, tại sao trời nỡ sát hại muôn loài và sát hại cả bản thân ta. Nghĩ vậy, cá bèn chui đầu lên khỏi bùn và kêu trời: Thưa Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng có thấy thế gian đau khổ chẳng? Ta đây 12 năm tu tâm tham thiền hầu kiếp sau đắc đạo cứu chúng sanh. Vậy giờ đây, ta kêu gọi ngài hãy cứu lấy muôn loài dưới thế gian này bằng cách ban cho những giọt mưa lành. Tiếng kêu ấy động đến trời. Ngọc Hoàng nhìn xuống thấy cá lóc đúng là hiện thân của Phật Thích Ca Mâu Ni tương lai, nên ban mưa xuống cứu rỗi cho thế gian và muôn loài”6.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ NeakTa của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long là một tín ngưỡng mang lễ nghi nông nghiệp tồn tại trong nhiều thế kỷ qua. Tín ngưỡng này đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào Khmer, đã trở thành chỗ dựa tinh thần không chỉ đối với người lao động nghèo mà gần như tất cả các giai tầng trong xã hội. Đó là ước mơ về một cuộc sống bình an, có được nước mưa để sinh hoạt và làm ruộng, có được một vụ mùa bội thu để còn có cái ăn cái mặc, và đôi khi đó chỉ là một ước mơ về công lý được thực thi... Tín ngưỡng thờ NeakTa còn thể hiện niềm tin của đồng bào Khmer vào tổ tiên dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp mỗi khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, tai nạn...
Trong quá trình cộng cư với các dân tộc Việt, Hoa, tín ngưỡng thờ NeakTa đã có sự giao lưu trong văn hóa của các dân tộc anh em. Giờ đây, Ông Tà không chỉ được đồng bào Khmer tin tưởng, xem là chỗ dựa tinh thần mà các dân tộc Việt, Hoa cũng tin vào sức mạnh siêu nhiên của Ông Tà. Tuy nhiên, dù Ông Tà có quyền năng tuyệt đối nhưng ông lại khá gần gũi với dân gian nên cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đã có một giai thoại thú vị về sự tranh chấp của Ông Tà và Ông Địa như sau:
“Xưa kia, Ông Tà được nhiều người mến mộ, cúng bái nhưng từ khi Ông Địa vào nhà, bao nhiêu đồ cúng đều về tay Ông Địa, Ông Tà dần dần bị thất sủng, lại còn bị thỉnh ra ngồi dưới gốc cây hoặc bìa ruộng, bìa vườn. Vì vậy ông đã nhờ một vị thần phân xử.
Sau khi xem xét, vị thần ấy phán rằng: Địa suốt ngày cần mẫn chăm lo họa phúc cho dân tình nên được mọi người kính nể, còn như Tà thích rong chơi, hay ngao du sơn thủy, ít gần gũi xóm giềng nên người đời xao lãng, đó cũng là lẽ thường tình. Kể từ bây giờ, các ngươi hãy siết chặt tay nhau, người nào việc nấy để cùng chăm lo cho dân lành theo sự phân công của ta, ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng. Thế là Ông Tà mãn nguyện, sẵn sàng ngụ ở bất cứ nơi nào, dù ngoài đồng, bờ ruộng, gốc cây hay hang đá vẫn cứ vui lòng”7.
TRẦN NGU LẠC

(1) Lâm Quang Vinh, Tín ngưỡng thờ NeakTa trong cộng đồng người Khmer tỉnh Trà Vinh. In trong Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4 năm 2010. Tr.59.
(2) Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ - thực trạng và những vấn đề đặt ra. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2004. Tr.179-180.
(3) Trần Văn Bính (chủ biên). Sđd .Tr.180.
(4) Viện Văn hóa, Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ. NXB Tổng hợp Hậu Giang - 1988. Tr.126.
(5) Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh Nam Bộ. NXB Hà Nội - 1997. Tr.246.
(6) Viện Văn hóa. Sđd. Tr.127-128.
(7) Theo Hoài Phương, Ông Tà trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần số Xuân 2009.

No comments:

Post a Comment