Monday 2 September 2013

Nhạc sĩ Trần Hoàn với “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Hoàng Thu Phố - Đại Đoàn Kết)

Nhạc sĩ Trần Hoàn với “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (29/08/2012)
Mỗi lần đi ngang quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trong tôi lại xốn xang bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sĩ Trần Hoàn: "Chuyện kể rằng, trước lúc Người đi xa/ Bác muốn nghe một câu hò Huế, nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ…”
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn
 
Những câu hát ấy đã biết bao lần nghe, biết bao lần tự mình cất lên tiếng hát nhớ về Người. Và lần nào cũng vậy, nhịp rung của trái tim như khác đi, với biết bao bồi hồi xúc động. Hình ảnh những giây phút cuối cùng của Bác như thật gần đâu đó.
 
Sinh thời nhạc sĩ Trần Hoàn không có nhiều dịp được gần Bác Hồ nhưng hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc luôn in đậm trong trái tim ông. Tình cảm ấy luôn thôi thúc người nhạc sĩ rút ruột gan mình giống như con tằm nhả tơ làm kén. Năm 1989, một lần nằm trong bệnh viện Việt – Xô chữa bệnh cùng với đồng chí Vũ Kỳ - thư kí riêng của Bác, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ kể lại cho nghe một câu chuyện xúc động.
 
Nội dung câu chuyện được nhạc sĩ chuyển tải nguyên vẹn trong ca từ của bài hát "Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, không hư cấu hay thêm bớt một chi tiết nào cả. Bài hát giống như một lời dặn của người Cha già trước lúc đi xa, mong cho con cháu mãi yêu quý và giữ gìn bản sắc dân tộc.
 
Về bài hát này, lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn cho biết, ông muốn khai thác chất liệu dân ca để bài hát có thêm sức sống, đồng thời vận dụng thể loại balát để truyền tụng lại một câu chuyện đã xảy ra một cách chân thực. Lời bài hát chỉ nhẹ nhàng, mộc mạc, giai điệu giống như lời thủ thỉ tâm tình nhưng lại gây được hiệu quả rất lớn. Và nhạc sĩ đã rất thành công với phong cách này.
 
 
Người nghe ấn tượng sâu sắc với "Lời Bác dặn trước lúc đi xa” qua giọng ca trứ danh của các nghệ sĩ nhân dân như Thu Hiền, Thanh Hoa… Có người còn cho rằng chính nhạc sĩ Trần Hoàn đã hát cùng nghệ sĩ Thanh Hoa, rất thành công, trong lần ra mắt đầu tiên của bài hát tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Khi đó, nhạc sĩ vừa đàn vừa hát trước anh em cựu học sinh Quốc học Huế. Cũng chính tại đây nhạc sĩ còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu rất khen ngợi.
 
Về nguyên mẫu "em gái nhỏ” trong câu hát: "Lần thứ ba Bác vẫy gọi xung quanh/ Bác muốn nghe một đôi làn quan họ/ Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ bước vào gần Bác/ Rồi căn phòng xao động trong nước mắt/ Những lời ca nức nở tái tê/ Rằng Người ơi Người ở đừng về…” cũng khiến rất nhiều người tò mò, không biết đó là ai? Theo nhạc sĩ Trần Hoàn tiết lộ, thì đó chính là nữ y tá Ngô Thị Oanh khi đó đang làm việc tại Khoa Phẫu thuật, Viện Quân y 108 – người đã cùng với các đồng nghiệp của mình túc trực 24/24h bên cạnh Bác trong những ngày cuối của cuộc đời Người…
 
Bài hát ra đời đã lập tức làm rung động trái tim của những con dân nước Việt. Tuy nhiên, tới tận lúc qua đời, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn chưa một lần gặp người nữ y tá đã đi vào sáng tác để đời của ông.
 
Nhắc đến nhạc sĩ Trần Hoàn, người ta không chỉ biết đến một người nhạc sĩ tài hoa với rất nhiều những sáng tác nổi tiếng mà còn biết đến ông với tư cách một nhà lãnh đạo văn nghệ có nhiều đóng góp cho nhân dân và cách mạng Việt Nam.
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn hát bên cạnh mộ bà Hoàng Thị Loan (1988)
 
Hơn nửa thế kỉ tham gia công tác cách mạng và sáng tác ca khúc, ông dùng bút danh Trần Hoàn có lẽ để luôn nhắc nhở mình không được viển vông, luôn luôn gắn bó với đời dù đang ở cương vị nào đi nữa. Với Trần Hoàn, âm nhạc luôn là một thứ vũ khí sắc bén, nên khi viết, bài ca trở thành phương tiện tuyên truyền của những người chiến sĩ văn hóa, góp tiếng nói của mình vào cuộc đấu tranh chung trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
 
Trong cuộc đời của mình, nhạc sĩ Trần Hoàn đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương,… Thậm chí, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Hoàn vẫn đảm trách cương vị Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn cho việc chuẩn bị SEA Game 22. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều Huân, Huy chương, giải thưởng cao quý.
 
Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật Nguyễn Tăng Hích, còn có bút danh Hồ Thuận An, quê ở Hải Lãng, Quảng Trị.
 
Ra đi ở tuổi 76 vì bệnh tim mạch (27-12-1928/23-11-2003), nhạc sĩ Trần Hoàn đã để lại cho đời một khối lượng các tác phẩm âm nhạc ấn tượng, với gần 1.000 bài. Thật khó có thể kể hết những tác phẩm nổi tiếng của ông. Tuy vậy, khi nhớ đến Trần Hoàn, người ta nhớ ngay đến những "Sơn nữ ca”, "Mưa rơi”, "Mùa xuân nho nhỏ” (phỏng thơ Thanh Hải), "Lời ru trên nương” (phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm), "Khúc hát người Hà Nội”, "Kể chuyện người cộng sản”… Đặc biệt là chùm ca khúc về Bác Hồ gây xúc động lòng người như "Cảm xúc từ Làng Sen”, "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu ví dặm” (lời thơ Đỗ Quý Doãn), "Thăm bến Nhà Rồng”, "Lời Bác dặn trước lúc đi xa”…
 
Bài hát cuối cùng của ông có tựa đề "Thành phố của tôi” sáng tác ngày 1-11-2003.
 
Hoàng Thu Phố

No comments:

Post a Comment