Sunday 15 September 2013

PSG Phan Ngọc: Học nhi bất yếm (Khải Đăng - An Ninh Thế Giới)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới Cuối Tháng > Nhân vật
PSG Phan Ngọc: Học nhi bất yếm 
2:35 PM, 10/09/2013



Cuộc đời PGS Phan Ngọc luôn đúng với lời dạy của người xưa: “Học nhi bất yếm” (Học không biết chán). Đã bước sang tuổi 89, người được coi là nhà bách khoa cuối cùng của thế kỷ 20 vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi những cái mới.
1. Ở tuổi 87, ông hoàn thành tác phẩm mà ông tự nhận là cuối đời của mình: Hình thái học trong từ láy tiếng Việt, đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành cuối năm 2012. Nhưng mới đây, đến thăm ông, tôi lại vẫn thấy ông miệt mài với những tập vở đã được vợ ông - bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - mua sẵn. May mắn được gần ông, bao giờ tôi cũng thấy ông bận rộn với những suy nghĩ về công việc đang làm. Chỉ có mảnh bằng chính thức là tú tài thời Pháp thuộc nhưng với kiến thức uyên thâm nhờ tự học, ông khiến nhiều người phải kiêng nể.
Tôi còn nhớ, ngày 18/11/2008, tại Lễ kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Giáo sư - Nhà văn Trương Tửu (1913-1999), tôi ngồi cạnh ông. Tôi chú ý thấy ông cứ loay hoay với cây bút bi Thiên Long. Thì ra, ông đã quen dùng loại bút đầu bấm thẳng (TL023 ball point pen, 0.8mm), nay ông thấy bấm mãi không được. Tôi chỉ cho ông nút bấm cạnh ngang (loại TL027, 0.5mm).
Ông có vẻ thích thú. Và ông đã hí hoáy tháo tháo, lắp lắp với cây bút loại bấm cạnh ngang này đầy vẻ miệt mài. Đoạn ông quay sang, ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh thấy chưa, người làm khoa học cũng phải vậy, phải chịu khó tìm tòi, thử nghiệm”. Tính ông là vậy, không biết thì thôi, muốn biết cái gì cũng phải biết đến nơi đến chốn, học hành cũng phải đến nơi đến chốn.
Đã có lần ông kể cho tôi nghe về chuyến sang Pháp năm 1990 của mình. Lần đó, ông dành nhiều thời gian đi xem các cửa hàng của người Pháp và tới thăm các gia đình Việt kiều làm nghề buôn bán ở Paris. Mục đích của ông là muốn tìm hiểu xem phương pháp làm giàu của người Pháp và của Việt kiều. Bằng sự tìm tòi, tự mày mò của mình, ông đã rút ra những kết luận về tầng lớp thương nhân Việt Nam nói chung và thương nhân Việt kiều nói riêng.
Trong mọi công trình nghiên cứu của mình, không chỉ nêu ra những ưu điểm, ông còn thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm. PGS Phan Ngọc vẫn thường nói với tôi: “Việc gì cũng có hai mặt của nó, mặt ưu điểm và mặt khuyết điểm. Làm khoa học mà chỉ khen thì ai cũng làm được, đó là thứ khoa học kiếm ăn”. Ông không ngần ngại chỉ ra những khuyết điểm, cố tật của các sự việc, các vấn đề mà không ngại đụng chạm.

2. Ngôi nhà của cụ Phó bảng Phan Võ - Thượng thư triều Nguyễn - ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhìn thẳng ra cồn Thiên. Người già trong làng kể lại, cồn Thiên trước năm 1925 cứ 5 giờ chiều là có tiếng học chữ Nho râm ran kéo dài đến đêm. Thực dân Pháp cứ tưởng những nghĩa binh yêu nước của phong trào Đông Du, Duy Tân trốn trong đó nên cho quân lính canh gác xung quanh, rồi chúng lùng sục khắp cồn ấy nhưng chẳng thấy có ai.
Càng về sáng, tiếng đọc sách lại càng to. Đến tháng 10 năm 1925,  cụ bà Phan Võ trở dạ sinh người con trai thứ ba, đặt tên là Phan Ngọc thì tiếng đọc sách từ trong cồn Thiên mất tiếng. Người làng truyền tụng ứng vào Phan Ngọc và từ đó gọi ông là thần đồng.
Lên 5 tuổi, Phan Ngọc được cha dạy chữ Hán. “Cha dạy con thì kỹ lưỡng lắm. Cho nên tôi học chu đáo. Bởi vì thấy con chăm học, không ham chơi, ông cụ lại càng ra sức dạy tôi”. Thông minh, ham học, chỉ sau vài năm Phan Ngọc đã học xong toàn bộ chương trình của một sĩ tử khiến cụ Phan Võ phải than rằng: “Giá mà còn thi cử Nho học, con đi thi, ít nhất cũng đỗ Tiến sĩ, rửa được cái nhục cho cha, chỉ được Phó bảng”.
Bên cạnh việc học chữ Hán với cha ở nhà, đến lớp học ở trường Thiên Hựu (Huế); Phan Ngọc học tiếng Pháp, tiếng Latinh với những ông thầy tài ba người Pháp; học Toán và tiếng Anh với thầy Tạ Quang Bửu - người được mệnh danh là giỏi tiếng Anh nhất Đông Dương; học Việt văn với thầy Đào Duy Anh. Chính thầy Đào về sau khi Phan Ngọc đi bộ đội, làm lính Sư đoàn 304, ông lên gặp Sư đoàn trưởng Hoàng Minh Thảo để xin Phan Ngọc về cơ quan làm việc. Đào Duy Anh nói với Phan Ngọc: “Tôi cần một môn đệ. Trong tất cả mọi người tôi chỉ thấy anh là kế nghiệp tôi được. Tôi cần anh”.
Nhờ phương pháp học đặc biệt là phân tích tiếng Pháp ở trường Thiên Hựu, trong khi những người khác học từng chữ, đã giúp Phan Ngọc có những thành công vượt trội về ngôn ngữ học sau này. “Tôi may mắn, nếu không học trường Thiên Hựu, tôi không trở thành nhà ngôn ngữ học”.
Nhưng để đạt được những thành tựu hơn người khác và được giới khoa học xã hội đánh giá là nhà bách khoa chủ yếu vẫn là tính tự học của Phan Ngọc. Ông được họa sĩ Tô Ngọc Vân dạy về hội họa, nhạc sĩ Văn Cao giảng cho nghe về cái hay của nhạc. Vị ngự sử văn đàn Phan Khôi có giảng một ít về điển cố.
Thấy Phan Ngọc là người thèm học, chịu khó học, lại học nghiêm chỉnh nên những bậc thầy trong các lĩnh vực đều nhiệt tình chỉ bảo. Còn bản thân Phan Ngọc tự nhận thấy mình không được đi học đại học, mà học bất đắc dĩ để lấy bằng thì không tiến nhanh nên ông càng ra sức mày mò, cần công tự học. Ông học tiếng Nga với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn, học tiếng Đức và triết học phương Tây với Thạc sĩ Trần Đức Thảo.
Đổi lại, nằm trên sạp nứa ở Việt Bắc, đêm đêm Phan Ngọc nói chuyện về triết học cổ đại phương Đông, mà chủ yếu là triết học Trung Hoa với những học thuyết của Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử... cho Trần Đức Thảo nghe. Thầy nào cũng dạy ông hết lòng. Họ nói thẳng với ông những điều họ không nói với ai. Và ông tâm niệm: “Có những người dạy tôi như thế, thì mình dốc hết cả năng lực quyết tâm vào học”.
3. Ba mươi tuổi, nhờ sự giới thiệu của Trần Đức Thảo, Phan Ngọc rời khỏi Ban Liên hiệp đình chiến về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Văn khoa mới thành lập sau ngày giải phóng (1954).
Trường Đại học ngày ấy với những nhà khoa học được coi như những “ông trùm văn hóa” sáng danh một thời: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Trần Đức Thảo,… Toàn bộ lớp giáo sư, giáo viên ngày ấy giờ đây đều đã rời xa thế giới. Chỉ còn lại duy nhất PGS Phan Ngọc cũng sắp đến tuổi 90.
Ban đầu, Phan Ngọc được cử làm trợ giảng cho Hiệu trưởng Đặng Thai Mai. Những gia đình nhà Nho xứ Nghệ như gia đình Phan Ngọc đều biết tiếng họ Đặng làng Lương Điền, huyện Thanh Chương của vị Hiệu trưởng. Đó là dòng họ được người Pháp liệt vào hàng “cừu gia tử đệ”, con nối gót cha, cháu tiếp bước ông đứng lên chống thực dân dẫu phải chịu tù đày cũng không run sợ.
Không chỉ có vậy, Đặng Thai Mai còn được học trò kính trọng và sợ sệt vì thầy Mai “đen” có một bộ óc cường ký, đọc thiên kinh vạn quyển. Cho nên chuyện Phan Ngọc làm trợ giảng cho Đặng Thai Mai cũng là một việc ly kỳ nhuốm vẻ kiêu ngạo. Một hôm, GS Đặng Thai Mai cho gọi Phan Ngọc lại và hỏi: “Anh dạy được môn nào?”.
Không ngần ngại, người trợ giảng trả lời: “Thưa bác, bác giao môn gì con xin dạy môn ấy”. Đặng Thai Mai cười hỏi: “Thế anh có dạy được văn học Trung Quốc không?”. Phan Ngọc thưa: “Nếu bác cho dạy thì con dạy”. Đặng Thai Mai nhìn Phan Ngọc vẻ ngờ vực: “Anh đọc Kinh thi chưa?”. “Con không những đọc mà còn thuộc”. “Anh thuộc bài nào?”. Biết thầy Mai rất thuộc sách nên Phan Ngọc coi đây là để dịp chứng minh: “Con thuộc gần như toàn bộ Quốc phong. Còn Nhã và Tụng con không thích nên không thuộc mấy”.
Đặng Thai Mai hỏi bốn bài trong Quốc phong. Phan Ngọc đọc vanh vách. Thầy lại hỏi về Sở từ, Ly Tao, Hán phú… từng bài trong từng đoạn cụ thể, Phan Ngọc đều đọc thuộc lòng. Đặng Thai Mai thích chí thốt lên: “Anh đúng không hổ là con cụ Phan Võ”.
Và giờ lên lớp đầu tiên với bài giảng Hồng môn yến (Bữa tiệc hồng môn) trong Sử ký của Tư Mã Thiên, Phan Ngọc đã chinh phục được không chỉ riêng những sinh viên Trường Đại học Sư phạm Văn khoa mà ngay cả vị Hiệu trưởng khó tính là Đặng Thai Mai.
Năm 1956, Bộ giáo dục ra Nghị định số 324/NĐ quy định các kì thi lên lớp và thi tốt nghiệp ở Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (niên khóa 1955-1956) sẽ mở bắt đầu từ ngày thứ sáu, 22 tháng 6 năm 1956. Thành phần Hội đồng giám khảo gồm 18 thành viên, với những tên tuổi lẫy lừng như nhà cách mạng Hà Huy Giáp, GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu, GS Cao Xuân Huy, GS Trương Tửu, GS Phạm Huy Thông, TS Đào Bá Cương,... do GS Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, GS Trần Đức Thảo làm Phó chủ tịch, người cao tuổi nhất là nhà địa lý học Lê Xuân Phương, người trẻ tuổi nhất là Phan Ngọc.
Trong kỳ thi kiểm tra văn hóa vào Trường Đại học Sư phạm ngày 15 tháng 8 năm 1957, Phan Ngọc tiếp tục được cử tham gia vào Hội đồng giám khảo thuộc Ban Văn học do GS Đặng Thai Mai làm Trưởng ban, cùng với các GS Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Khánh và Hoàng Ngọc Hiến.
Từ người trợ giảng của Hiệu trưởng Đặng Thai Mai, Phan Ngọc đã đứng lớp giảng 6 bộ môn thay các vị giáo sư bậc thầy, trong đó có môn Văn học Trung Quốc, Văn học phương Tây, Ngôn ngữ học, Lý luận văn học... Học trò của ông hiện nay, đã trở thành những nhà khoa học tên tuổi: PGS.NGND Dương Viết Á, GS.NGND Nguyễn Đình Chú, GS.NGND Nguyễn Kim Đính, GS Phong Lê, GS.NGƯT Nguyễn Khắc Phi, GS.NGƯT Phùng Văn Tửu, GS.VS Hồ Sĩ Vịnh...
Hà Nội, 14/7/2013
PGS Phan Ngọc tung hoành đủ cả các ngành văn học, ngôn ngữ, dịch thuật, văn hóa học… Sau những công trình nghiên cứu đã được Giải thưởng Nhà nước (năm 2001): Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều và Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới, còn phải kể đến nhiều công trình xuất sắc khác của ông: Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với Pháp, Thức nhận về Văn hóa Việt Nam, Giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ,…
  Khải Đăng

No comments:

Post a Comment