Thơ Bác Hồ viết về phụ nữ |
(THO) - Nhà sử học người Mỹ Giôxơphin Stensen trong một tham luận đọc tại hội nghị quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3 -1990 có nhận xét: “Trong số các lãnh tụ |
Các đại biểu phụ nữ điển hình tiên tiến chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn tỉnh lần thứ II (3 - 2010) do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: CTV
(THO) - Nhà sử học người Mỹ Giôxơphin Stensen trong một tham luận đọc tại hội nghị quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3 -1990 có nhận xét: “Trong số các lãnh tụ là nam giới như Tômát Giecphécsơn, Mahátma Găngđi, Vlađimia Elích Lênin, Các Mác, Mao Trạch Đông, Máctin Lôthơ Kinh và Nenxơn Manđêla, chỉ có Hồ Chí Minh là luôn luôn nói về quyền bình đẳng của người phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như của nam giới.
Chỉ Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa. Tất cả những lãnh tụ nói trên đều quan tâm sâu sắc đến công lý xã hội cho toàn xã hội... Chỉ Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về chủ đề phụ nữ”(1)
Ngày nay, không phải chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, nhân loại đều nhất trí khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người quan tâm sâu sắc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và đấu tranh quyết liệt giải phóng phụ nữ. Chính Người đã gắn cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với con đường đi tới bình đẳng, tự do và phát triển của phụ nữ.
Bác Hồ của chúng ta đã tận dụng mọi cơ hội trên diễn đàn quốc tế và trong nước, trên các phương tiện thông tin, trong các tác phẩm chính trị, tác phẩm văn học để phát biểu về phụ nữ, bảo vệ và đấu tranh cho phụ nữ. Chủ đề phụ nữ đã trở thành một chủ đề lớn trong các bài phát biểu về cách mạng, các bài phát biểu trực tiếp về phụ nữ và với phụ nữ, trong các tác phẩm văn xuôi và trong thơ ca.
Thơ ca viết về phụ nữ mà Bác Hồ để lại, ngoài những vần thơ lẻ, nếu tính từ bài thơ Cô Vượng khuyên chồng viết ở Xiêm (Thái Lan) năm 1928 đến bài thơ Khen 11 cháu gái thành phố Huế trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968, thì số lượng thơ là đáng kể và tự nó đã nói lên một phần về sự quan tâm của Bác Hồ với chủ đề này.
Thơ ca viết về phụ nữ của Bác trước hết là biểu hiện tấm lòng của Bác, một tấm lòng rộng mở, yêu thương, thấu hiểu, đồng cảm và cảm thông. Ba bài thơ Cô Vượng khuyên chồng, Thư vợ gửi chồng, Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng viết trước cách mạng Tháng Tám cho thấy sức cảm thông, thấu hiểu đối với phụ nữ của Bác là rất lớn. Đọc những bài thơ này cứ tưởng như đọc những bài thơ của chính phụ nữ viết vậy. Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu khó, chịu khổ nhẫn nhịn, lặng lẽ hy sinh cho chồng con, cho gia đình yên ấm phát triển. Lời tâm sự của người vợ với chồng:
Đói no bữa cháo bữa rau
Tuy lao khổ em dám đâu phàn nàn
(Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng)
Và:
Thù nước, thù nhà chàng gắng trả,
Việc nhà, việc cửa, thiếp xin đương.
(Thư vợ gửi chồng)
Ý thức về bổn phận, về trách nhiệm và sự chịu đựng là phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các chị biết hy sinh, biết chịu đựng nhưng các chị cũng biết đón chờ hạnh phúc, niềm vui:
- Bao giờ đuổi sạch quân thù địch,
Ta sẽ sum vầy ở Cố hương.
(Thư vợ gửi chồng)
- Mai sau anh trở lại nhà,
Ánh trăng càng tỏ màu hoa càng nồng
(Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng)
Phải thực sự cảm thông, phải đồng cảm lắm mới có những câu thơ bật ra từ trái tim như thế. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị, hồi ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác cũng đã viết ba bài thơ (trong số 6 bài viết về phụ nữ của Nhật ký trong tù) về tình cảnh đáng thương trong hoạn nạn, tai ương của mấy cặp vợ chồng. Vợ người bạn tù đến thăm chồng, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Gia quyến người bị bắt, toàn những con người và sự việc mà Bác chứng kiến, bài thơ nào cũng da diết một tình thương yêu, một sự cảm thông chia sẻ. Những người phụ nữ này chẳng phải là con cháu, là anh em ruột thịt, là đồng bào cùng Tổ quốc với Bác, họ lại còn là người đồng hương với những người đang ngày đêm hành hạ, đọa đầy Bác, vậy mà Bác rất thương. Tình thương của Bác trùm lên khắp thế gian. Ai là người cực khổ, là người nhỏ bé trong xã hội Bác đều thương. Cảm thương với nỗi đau của người vợ mất chồng, bài thơ Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng đâu còn là lời của người làm thơ nữa mà là lời của người trong cuộc cơ sự vì sao vội lánh đời?. Để thiếp từ nay đâu thấy được thì rõ là đã nhập cái đau vào mình vậy. Một cảnh tượng thương tâm, đau xót khác, một người vợ vô tội bỗng nhiên phải ngồi tù thay vì chồng chị ta trốn đi lính làm bia đỡ đạn bảo vệ bọn cường quyền:
Biền biệt anh đi không trở lại,
Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu;
Quan trên xót nỗi em cô quạnh,
Nên lại mời em tạm ở tù.
(Gia quyến người bị bắt lính)
Một chế độ xã hội vô lý, vô nhân, trớ trêu và oái oăm đến thế là cùng. Đọc bài thơ Gia quyến người bị bắt lính không thể không liên tưởng đến một cảnh tượng dã man mà Bác đã lên án gay gắt trong Bản án chế độ thực dân Pháp viết từ năm 1925. Trong Bản án này, Bác dành hẳn một chương riêng Những nỗi khổ nhục của người đàn bà bản xứ mô tả tỉ mỉ những thân phận, những bà, những chị, những cháu bé gái hàng ngày, hàng giờ bị các quan thực dân áp bức, đầy đọa. Một tên Tây đoan ở tỉnh Bà Rịa, tự cho phép mình đánh gần chết người đàn bà chuyên gánh muối thuê cho hắn vì chị ta vô ý làm ồn ngoài hiên khiến hắn mất giấc ngủ trưa. Một tên Tây đoan khác ngang nhiên co chân đạp vào giữa bụng một chị phụ nữ đang mang thai, làm chị bị trụy thai và mấy ngày sau thì chết chỉ vì khi chào đã không gọi hắn là quan lớn. Căm phẫn trước tội ác dã man của bọn thực dân, Bác lên án đanh thép: Người ta nói: Chế độ thực dân là chế độ ăn cướp. Chúng tôi nói thêm: chế độ hãm hiếp đàn bà và giết người (2).
Trong một tác phẩm khác, Lên án chủ nghĩa thực dân, Bác đã vạch trần những hành động bạo ngược của bọn xâm lược: Không một chỗ nào, người phụ nữ thoát khỏi những hành động của bọn xâm lược; ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở chốn thôn quê, ở đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của các quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga...(3)
Bất công, ngược đãi, ức hiếp phụ nữ, là bản chất của chế độ thực dân phong kiến ở bất cứ đâu, bất cứ nước nào. Bác đã lớn tiếng tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân tàn bạo đối với phụ nữ ở khắp các châu lục, Bác đã dành sự quan tâm và tình thương lớn cho phụ nữ. Tình cảm sâu sắc nhất của Bác luôn hướng về số phận đau thương của phụ nữ. Nhưng tình cảm đó không một chiều, không bao giờ làm cho phụ nữ bé nhỏ đi. Cùng với tình thương, Bác luôn tìm mọi cách thức tỉnh giác ngộ và khích lệ người phụ nữ tự chủ trong cuộc đời riêng đứng lên trong cuộc đời chung. Trong bài Ca phụ nữ, Bác biểu dương phụ nữ tham gia công tác cách mạng, Bác ca ngợi tinh thần cách mạng, ca ngợi tinh thần dũng cảm của chị em.
Một khi phụ nữ đã đứng lên thì mọi sức mạnh được phát huy. Lời người vợ trong bài Thư vợ gửi chồng đi làm cách mạng thật rắn rỏi trong một tình thế người chồng hoạt động cách mạng không may sa vào lưới giặc, bị bắt vào tù, người vợ nguyện tiếp bước con đường đi của chồng.
Vì anh tranh đấu mấy phen,
Vì anh mong giải phóng cháu Tiên, con Rồng.
Em xin anh chớ phiền lòng
Em tuy hèn yếu quyết thay chồng đấu tranh.
Ý thức về mình bao giờ cũng tự có trong bản thân người phụ nữ, chỉ có điều, nó bộc lộ và phát huy như thế nào, trong những hoàn cảnh nào, trường hợp nào.
Thời kỳ Mặt trận Việt Minh do yêu cầu khẩn thiết tập hợp lực lượng, Bác tha thiết kêu gọi phụ nữ:
Bây giờ cơ hội đã gần
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân cứu nhà.
Chị em cả trẻ lẫn già,
Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh.
Đua nhau vào Hội Việt Minh,
Trước giúp nước sau giúp mình mới nên.
(Ca phụ nữ)
Phụ nữ đã làm theo lời Bác, tự nguyện tự giác tham gia Mặt trận Việt Minh, cùng toàn dân nhất tề đứng lên cứu nước, cứu nhà giành độc lập tự do. Để phát huy sức mạnh và tài năng phụ nữ, trong thơ ca Bác đã làm sống dậy những trang sử hào hùng của phụ nữ trong lịch sử dân tộc. Đó là Hai Bà Trưng phất cao cờ khởi nghĩa rửa sạch mối hận thù chồng nợ nước. Đó là Bà Triệu anh hùng, tài năng dũng cảm, cưỡi voi xung trận đuổi quân xâm lược. Đó là nữ danh tướng Bùi Thị Xuân dũng mãnh trăm trận trăm thắng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, vai trò và sức mạnh của phụ nữ càng được phát huy, phụ nữ được giải phóng, phụ nữ có mặt ở mọi nơi, trên khắp các mặt trận. Bác rất tự hào về những tấm gương phụ nữ anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khi chị em phụ nữ lập chiến công hoặc đạt thành tích xuất sắc, Bác động viên, biểu dương và khen ngợi kịp thời. Chị Nguyễn Thị Bưởi (tức Anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi) hy sinh anh dũng, Bác viết bài thơ Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Bưởi tỏ lòng khâm phục và ca ngợi tinh thần hăng hái xung phong đi đầu trong mọi công việc, mưu trí, dũng cảm và kiên cường bất khuất trước quân thù. Bài thơ như một chuyện kể rất mực giản dị:
Việc gì chị cũng xung phong
Khi đánh giặc, khi giao thông;
Tuyên truyền tổ chức, chị không ngại nề.
Một hôm trên đường đi khai hội trở về chị bị địch phục kích bắt, chúng tra tấn dã man và dùng những thủ đoạn đê hèn làm nhục chị, nhưng chị không một lời khai, lại còn dùng mưu trí đánh lừa địch, kịp thời báo tin cho đồng đội cất giấu tài liệu bí mật của Đảng. Do không lung lạc, không khuất phục được, chúng đã đem chị ra hành hình một cách man rợ:
Đứa dao khoét vú đứa chân dẫm đầu,
Đứa thì tay đỡ chậu thau,
Đứa thì mổ bụng từ đầu đến chân.
Chị vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, tiến công địch cho đến giây phút cuối cùng của đời mình Hô to khẩu hiệu chửi quân bạo tàn. Chị Bưởi đã trở thành người phụ nữ kiên cường, bất khuất. Bài thơ kết thúc, Bác nêu cao tấm gương Anh hùng Mạc Thị Bưởi:
Nêu gương oanh liệt muôn đời ngàn sau
Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968, được tin các cháu dân quân gái thành phố Huế lập chiến công, Bác xúc động có thơ khen:
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái,
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.
(Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế)
Bác thực sự coi phụ nữ là lực lượng cách mạng trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Một khi phụ nữ được giác ngộ, được giải phóng họ sẽ phát huy tất cả tài năng và sức mạnh to lớn của mình. Từ thực tiễn, Bác khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà tốt đẹp, rực rỡ”(4)
Bác tôn trọng phụ nữ, đề cao vai trò phụ nữ và chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ. Bác coi việc giải phóng phụ nữ là mục tiêu của cách mạng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ bao giờ cũng gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, gắn liền với độc lập, tự do của Tổ quốc. Tương lai phát triển của phụ nữ đi cùng với bước tiến của đất nước.
Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến, khẩu hiệu vừa chiến đấu vừa sản xuất mà Bác và Đảng đề ra được quán triệt và trở thành hành động cụ thể, là việc làm hàng ngày. Bác nêu điển hình trong Thư Bác Hồ gửi Mẹ Nguyễn Thị Đào, một bà mẹ vì nước, vì dân đã hiến dâng tất cả 6 người con cho Tổ quốc. Lời thơ trong thư là lời người mẹ mà cũng là lời non nước, tình nhà nghĩa nước quyện chặt, tiền tuyến hậu phương là một, hiện tại và tương lai kết nối, phơi phới tin yêu:
Con đi đi, đi đi con
Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng
Bao giờ kháng chiến thành công
Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai.
Biết bao tấm gương những mẹ, những chị, những em, những cháu gái đã góp phần làm nên truyền thống anh hùng, làm nên chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, làm nên những kỳ tích trong xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Bác rất tâm đắc và luôn nhắc nhở mọi người câu nói của Mác: Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào. Bác đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Hơn ai hết, Bác Hồ là người thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, thương yêu và tin tưởng phụ nữ; đề cao và phát huy vai trò, tài năng và sức mạnh của phụ nữ. Bác khẳng định, giải phóng phụ nữ đó là một cuộc cách mạng to và khó. Dù to và khó nhưng nhất định thành công(5).
Bác tin tưởng ở cách mạng, Bác tin ở phụ nữ, đã viết câu thơ về phụ nữ:
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai.
(1) Vai trò của Hồ Chí Minh trong lịch sử tiến bộ của phụ nữ - Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh - NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1990, tr.142
(2) Bản án chế độ thực dân Pháp - Nxb Sự thật - Hà Nội 1960, tr.110
(3) Lên án chế độ thực dân - Nxb Sự thật - Hà Nội 1959, tr.29
(4) Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ - Nxb Phụ nữ - Hà Nội 1970, tr31
(5) Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ - Nxb Phụ nữ - Hà Nội 1970, tr.17.
|
Thursday 5 September 2013
Thơ Bác Hồ viết về phụ nữ (Lê Xuân Đức)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment