Wednesday, 10 October 2012

Về từ nguyên của cặp từ «chết - giết» (An Chi / Huệ Thiên)

Về từ nguyên của cặp từ «chết - giết»

by An Chi on Saturday, July 7, 2012 at 1:55pm ·
Huệ Thiên

 Từ năm 1953, sau khi A. G. Haudricourt đưa ra cặp từ chết - giết để xem đây là chứng tích trong tiếng Việt hiện đại của một phương pháp tạo từ bằng phụ tố đặc trưng cho các ngôn ngữ Nam Á [1] thì nhiều nhà Việt ngữ học đã mặc nhiên xem vấn đề như không có gì còn phải bàn cãi [2]. Hình như không có ai để ý rằng ngay trong bài viết của mình thì chính Haudricourt cũng đã phải dè dặt mà nói như sau: «Dĩ nhiên, người ta có thể phản bác rằng hai từ Việt đó đều cùng được vay mượn, chẳng hạn ở tiếng Phong»[3]. Còn chúng tôi thì cho rằng đó là hai từ Việt gốc Hán: chết mượn ở một từ ghi bằng chữ 折 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là chiết còn giết thì mượn ở một từ ghi bằng chữ 殺 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là sát.
Chiết có nghĩa là chết yểu và về mặt ngữ nghĩa học thì sự «thu hẹp» nghĩa của chiết (so với chết) hoặc sự «mở rộng» nghĩa của chết (so với chiết) là một hiện tượng thông thường. Về ngữ âm thì mối tương ứng -êt -iêt cũng là hiện tượng thấy được qua hàng loạt thí dụ:
– bết (trong lết bết) ~ biết 蹩 (= thọt chân);
– hết hiết 歇 (cùng nghĩa), điệp thức (doublet) của kiệt (cũng cùng nghĩa);
– phết (= phẩy) ~ phiết 碣 (= nét phết, hoặc = phẩy, phủi);
– tết tiết 節;
– thết (đãi) ~ thiết 設 (đãi); v.v...
Vậy chết chiết là một mối quan hệ đã được chứng minh. Còn giết sát thì sao? Trước nhất, về mặt ngữ nghĩa thì  ta có thể hoàn toàn yên tâm vì sát có nghĩa là giết. Về ngữ âm thì sát là một chữ thuộc vận bộ hạt 黠 mà nhiều quyển từ điển Hán Việt quen thuộc vẫn phiên thành hiệt. Vậy mối tương ứng về vần giữa giết và sát hoàn toàn có thể giải thích được. Huống chi, về mối quan hệ -át -iêt, người ta còn có những chứng cứ khác như:
– cát 吉 cũng đọc là kiết;
– nát bàn = niết bàn...
Về phụ âm đầu, người ta cũng có hàng loạt thí dụ cho mối tương ứng gi- s-:
– giấm (chua) - sẩm (cùng nghĩa) mà sảm là một biến thể;
– giấu (giếm) - sưu 廋 (cùng nghĩa);
– giẻ - sế (= vải vụn);
– gièm (pha) - sàm 讒 (cùng nghĩa);
– (gà) giò - sồ 雛 (= chim non);
– giò (= nhánh non) - sồ (nhánh lúa);
– giường - sàng (cùng nghĩa)...
Vậy giết sát 殺 cũng là một mối quan hệ đã được chứng minh.
Tóm lại, chết giết là một cặp từ Việt gốc Hán và ý định dựa vào chúng để chứng minh cho sự tồn tại của một phương thức tạo từ bằng phụ tố trong tiếng Việt cổ là một điều không thực tế.[4] ●
                                                                                                 Tháng 8-1998.
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Thừa Thiên Huế, số 3(21). 1998.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 233-236.


[1] A.G. Haudricourt, La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques, BSLP, t.49, 1953, fasc.1. no 138, pp.122-128 - Hai từ được nêu, nếu đúng như Haudricourt gợi ý, chỉ là chứng tích của một phương thức tạo từ bằng phụ tố (affixation) chứ không phải là hai hình thức liên quan với nhau nhờ biến cách (déclinaison) của từ. Vì vậy nên danh từ "flexion" (biến tố) mà tác giả dùng ở đây (p.124) là hoàn toàn không thích hợp: đó thực chất chỉ là affixe (phụ tố). Phan Ngọc (Ngôn ngữ số 4, 1978, tr.81) dịch mấy tiếng relation causative của Haudricourt thành «quan hệ nhân quả» cũng là không rõ ràng. Cụm từ này của Phan Ngọc chỉ thích hợp để dịch relation causale (liên quan đếncausalité) còn causatif lại là tên của một cách (cas) trong cú pháp và đó là cách nguyên nhân.

[2] Gần đây nhất, Hoàng Thị Châu cũng đã nhắc đến hai từ này khi nói về «Kiểu tạo từ phái sinh bằng tiền tố theo kiểu Mon-Khmer». Bà viết: «Những cặp từ như: giết - chết, xếp - nếp, kẹp - nẹp, đệm - nệm... giờ đây chỉ hiện diện như là chứng tích của nguồn gốc ban đầu: cơ tằng Mon-Khmer» (Ngôn ngữ, số 3, 1998, tr.43). Nhưng, như đã chứng minh, chết và giết là những từ Việt gốc Hán. Kẹp cũng thế và bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 筴 mà âm Hán Việt hiện đại là giáp, còn phụ âm đầu xưa cũng là k- và vần xưa cũng là -ep, có nghĩa là kẹp, là đũa, ... Nẹp bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là niệp (Quảng vận: «nô hiệp thiết»), có nghĩa là cái kìm, cái kẹp, cái nẹp. Đệm bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 簟 mà âm Hán Việt hiện đại là điệm, có nghĩa là  chiếu bằng nan tre. Nệmbắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 衽 mà âm Hán Việt hiện đại là nhậm, có nghĩa là đệm, nệm.... Vậy đây không thể là những «chứng tích của cơ tằng Mon-Khmer» được. Huống chi trong lĩnh vực Hán Việt thì đ ~ n là một mối tương ứng thú vị và rất đáng chú ý, chẳng hạn: đa 多 ~ no, mà nghĩa gốc cũng là nhiều, là đầy đủ.... (Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes).

[3] Bđd., tr.125 - khả năng về một sự vay mượn từ tiếng Phong mà Haudricourt nêu lên là rất mơ hồ. Một sự vay mượn những từ cơ bản ở một ngôn ngữ cùng gốc (như tiếng Phong), về mặt lý thuyết, là không cần thiết nếu không có lý do hoàn toàn đặc biệt. Huống chi, người ta tuyệt nhiên không biết được gì về mối quan hệ cụ thể giữa ngôn ngữ này với tiếng Việt. Còn cũng về mặt lý thuyết thì một sự vay mượn của tiếng Phong ở tiếng Việt là hợp lý hơn. Nhưng tạm gác mối quan hệ Phong-Việt lại để xét tiếp về lý thuyết thì việc thay thế hàng loạt từ cơ bản của tiếng Việt cổ bằng những từ tương ứng của một ngôn ngữ «mạnh» hơn (của những kẻ thống trị ngoại bang) là hoàn toàn có thể xảy ra và thực tế đã xảy ra với sự du nhập ồ ạt của tiếng Hán thời Bắc thuộc. Vì vậy mà việc tiếng Việt mượn của tiếng Hán hai từ chết và giết không phải là chuyện đáng lấy làm lạ.

[4] Người ta đã rất sai lầm mà mặc nhận rằng chỉ có các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Á mới có phương thức tạo từ bằng phụ tố còn tiếng Hán thì không. Thật ra ngữ âm học lịch sử đã phát hiện được nhiều chứng tích của phương pháp này trong Hán ngữ cổ đại.
Nguồn Facebook An Chi (Huệ Thiên)

Tuesday, 9 October 2012

"ĐỒNG THAU" hay ĐỒNG XANH? (Kiến Thức Ngày Nay 416, ngày 1-3-2002).

ĐỘC GIẢ: Trên KTNN 410, ông đã trả lời cho câu hỏi của tôi về bài viết của tác giả Nguyễn Văn Chiển nhan đề “Không thể nói đồ đồng Đông Sơn là đồng thau”, đăng trên Tia sáng (bộ mới) số 12. Ông đã tán thành tác giả Nguyễn Văn Chiển và cho rằng lối nói “thời đại đồng thau”, “văn hóa đồng thau” có lẽ bắt nguồn từ công trình Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt-nam của hai tác giả Hà Văn Tấn – Trần Quốc Vượng.
Mới đây, tạp chí Khảo cổ học số 4-2001 cũng có đăng bài “Về khái niệm thời đại đồng thau” của tác giả Nguyễn Văn Chiển (mà phần chủ yếu cũng giống như bài ở Tia sáng) và đăng cả “Lời bình của GS. Khảo cổ học Trần Quốc Vượng”. Xin hỏi ông đã đọc “Lời bình” của GS Trần Quốc Vượng hay là chưa.
AN CHI trả lời: Lời bình dài 316 chữ của GS Trần Quốc Vượng trên Khảo cổ học số 4-2001 không có sức thuyết phục. Lời bình này có đoạn:
“Các nhà khảo cổ học và sử học Việt Nam bắt đầu từ GS Đào Duy Anh – nhà sử học lớn, đồng thời là nhà từ điển học lớn – đều nhất trí gọi cái thời đại sau thời đại đá là THỜI ĐẠI ĐỒNG THAU. Giáo sư sử học Văn Tân – đồng thời là một nhà từ điển gia – cũng dùng khái niệm ấy”.
Rất tiếc là Trần Quốc Vượng lại không dẫn chứng xem Đào Duy Anh đã dùng khái niệm “thời đại đồng thau” ở những chỗ nào. Còn sự thực thì trong hai công trình sử học quan trọng nhất của mình là Cổ sử Việt-nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955) và Lịch sử Việt-nam q.thượng (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958), sử gia lão thành Đào Duy Anh chỉ dùng “thời đại đồ đồng”, “văn hóa đồ đồng”, “kỹ thuật đồ đồng” và “nghệ thuật đồ đồng” mà thôi (X. Cổ sử Việt-nam, chương IV, tr.72-82 và Lịch sử Việt-nam q.thượng, chương V, tr.59-66). Ngay cả trong hồi ký cuối đời Nhớ nghĩ chiều hôm (Nxb Trẻ, 1989), Đào Duy Anh cũng chỉ dùng “văn hóa đồ đồng”, “kỹ thuật đồ đồng” (X.tr.107, 112, 113) chứ không thấy dùng “văn hóa đồng thau” hoặc “thời đại đồng thau”. Khi cần nói cho cụ thể hơn thì Đào Duy Anh viết “đồng xanh” hoặc “đồng đen” như chúng tôi đã dẫn chứng trên KTNN 410, chứ cũng không hề dùng hai tiếng “đồng thau” cho những trường hợp đang bàn.
Còn Văn Tân thì, với tư cách là người chủ biên Từ điển tiếng Việt (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967), đã chấp nhận hai cách gọi riêng biệt và rạch ròi sau đây:
Đồng đen. Hợp kim đồng và thiếc, thường dùng để đúc tượng, chuông...” và
Đồng thau. Hợp kim đồng và kẽm, màu vàng”.
Quyển từ điển này, in lần thứ hai, do Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung (1977, cũng Nxb KHXH, Hà Nội) vẫn giữ y nguyên hai mục từ trên đây. Rõ ràng là về mặt ngôn ngữ thì Văn Tân đã phân biệt dứt khoát và chính xác đồng đen với đồng thau.
Còn về cổ sử thì sao? Trong quyển Thời đại Hùng Vương do Văn Tân đứng tên chính (Nxb KHXH, Hà Nội, 1973), tại “Phần thứ hai”, “Phần thứ năm” và “Kết luận” do chính mình viết, Văn Tân đã hai lần dùng khái niệm “nền văn hóa đồ đồng” (tr.92 & 257) và khẳng định rành mạch rằng chất liệu đang xét là “hợp kim đồng–thiếc” và “hợp kim đồng–chì” (tr.92) chứ không có “hợp kim đồng–kẽm”.
Nhưng cũng có một lần ông viết “thời đại đồ đồng thau” (tr.96) và một lần ông viết “nền văn hóa đồng thau” (tr.293). Chúng tôi ngờ rằng chữ “thau” trong hai trường hợp này là do người biên tập thêm vào chứ không phải chữ của Văn Tân. Nếu là chữ của Văn Tân, thì cách dùng từ không nhất quán trên đây cũng cho phép suy luận rằng hình như chính Văn Tân cũng thấy “đồng thau” ở đây là một cách diễn đạt không ổn.
Vậy rõ ràng là lời khẳng định trên kia của Trần Quốc Vượng không đúng. Nhưng để củng cố thêm quan điểm của mình, ông còn viết tiếp như sau:
“Giới khảo cổ và nhân học văn hóa – xã hội chúng tôi đã đi điều tra điền dã nhiều làng nghề đúc đồng cổ truyền từ Bắc qua Trung tới miền Nam Việt Nam. Không ở đâu người Việt Nam dùng từ “đồng xanh” mà chỉ dùng từ đồng đỏ để chỉ đồng tương đối nguyên chất (Cu, Cuivre, Copper,...) và đồng thau để chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm với những tỷ lệ khác nhau, kiểu thành phần hợp kim của các hiện vật Đông Sơn”.
Sự thật có đúng như ông Trần Quốc Vượng đã viết hay không?
Thực ra, đồng xanh là một ngữ danh từ cố định rất xưa. Bằng chứng là nó đã có mặt trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, một thứ từ điển Hán–Việt ra đời trong khoảng thế kỷ XVI–XVII. Tại “Kim ngọc bộ đệ thập cửu”, ta đọc được hai câu sau đây:
Xích kim đồng đỏ lạ dường,
Thanh kim là thiếc thức càng xanh le”.
Rồi tại phần “Bổ di”, ta lại đọc được thêm:
Trang kim, vàng trắng;
Thanh kim, đồng xanh”.
(X. bản phiên âm và chú giải của
Trần Xuân Ngọc Lan, Nxb KHXH,
Hà Nội, 1985, tr.155 & 157).
Ráp nối câu “Thanh kim (=) đồng xanh” với câu “Thanh kim là thiếc thức càng xanh le”, ta thấy được rằng ông cha ta đã dùng hai tiếng Hán Việt thanh kim hoặc để chỉ thiếc, hoặc để chỉ đồng xanh, là một hợp kim giữa đồng và thiếc. Việc tác giả của CNNÂGN dùng hai tiếng đồng xanh để đối dịch hai tiếngthanh kim chứng tỏ rằng đó phải là hai tiếng thông dụng ít nhất cũng là tự thời bấy giờ.
Trần Quốc Vượng cũng thiếu chính xác khi ông viết rằng người Việt Nam dùng hai tiếng đồng thau “để chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm, v.v., với những tỷ lệ khác nhau, kiểu thành phần hợp kim của các hiện vật Đông Sơn”. Thực ra thì, trong hợp kim của giai đoạn tiền Đông Sơn,
“Hàm lượng của đồng đại bộ phận nằm giữa khoảng 80-90%. Hàm lượng của thiếc từ 10-20% (...) Hàm lượng của chì, sắt, bạc, kẽm (Chúng tôi nhấn mạnh – AC), a-xen và các kim loại khác rất bé (...) chúng chỉ là những tạp chất lẫn lộn vào (...) Đến giai đoạn Đông Sơn, trong thành phần hợp kim, tỷ lệ đồng và thiếc giảm xuống (...) tỷ lệ chì tăng cao (...) thường là trên 10%”.
(Hà Văn Tấn và Hoàng Văn Khoán,
“Luyện kim và chế tác kim loại thời
Hùng Vương”, Hùng Vương dựng nước,
t.IV, Hà Nội, 1974, tr.205-206).
Nghĩa là đến giai đoạn Đông Sơn, kẽm cũng chưa có vai trò gì trong hợp kim dùng để chế tác dụng cụ bằng đồng. Vì vậy nên hợp kim này dứt khoát không thể là “đồng thau”. Lý do rất đơn giản: Từ xưa, người Việt Nam chỉ dùng từ thau để chỉ hợp kim đồng–kẽm, như ai nấy đều biết (chẳng hạn trong mâm thauchậu thau, v.v.), nghĩa là để chỉ cái chất liệu mà tiếng Anh gọi là brass, tiếng Pháp gọi là laitonhoặc cuivre jaune (đồng vàng) còn tiếng Hán thì gọi là hoàng đồng (cũng = đồng vàng). Không ai dùng từ thau để chỉ hợp kim đồng–thiếc cả. Còn đồng thau là một danh ngữ đồng nghĩa với thau nên chẳng làm gì có chuyện người Việt Nam ở các “làng nghề đúc đồng cổ truyền” dùng hai tiếng đồng thau để “chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm với những tỷ lệ khác nhau” như Trần Quốc Vượng đã khẳng định.
Tóm lại, cái khái niệm mà giới khảo cổ học Việt Nam gọi là “thời đại (hoặc văn hóa) đồng thau “thực chất chính và chỉ là “thời đại (hoặc văn hóađồng đen (hoặc đồng xanh)” không hơn không kém.

Sunday, 7 October 2012

TỪ ĐÂU NGƯỜI MÌNH KÊU NGƯỜI TÀU BẰNG "CHỆT" (Phan Khôi)


Người Việt Nam ta thường kêu người Trung Huê bằng người Tàu, người Khách, lại cũng kêu bằng Khách ngô, Khách trú, các chú;  những danh từ ấy đều có lai lịch, đều có thể cắt nghĩa cho thông được hết. Duy có tiếng "Chệt" hay "Chiệt"  ngoài Bắc nói Chiệc  người mình cũng có dùng mà kêu họ nữa, tiếng nầy thì chẳng biết từ đâu ra, có nghĩa chi.
Có người nói rằng chữ Chệt hay Chiệt đó có lẽ do chữ Chiết mà ra. Bên Tàu có tỉnh Chiết Giang, từ xưa người tỉnh ấy hay sang xứ ta, nên ta kêu người Chiết mà trại ra thành Chiệt hay Chệt.
Đó là nói ức chừng, chẳng có dựa vào bằng chứng đâu cả. Mà cứ theo sự thiệt lại không đúng. Vì tỉnh Chiết Giang ở gần Thượng Hải, về miền bắc Trung Huê, người tỉnh ấy ít có qua xứ ta lắm; người Tàu sang xứ ta nhiều nhứt là người hai tỉnh Quảng Đông và Phước Kiến, vậy nếu ta có lấy tên tỉnh mà kêu chung người Trung Quốc thì sao không lấy tên hai tỉnh nầy mà lại lấy tên Chiết Giang?
Ngoài cái thuyết ức chừng mà không có thể nghe được ấy, chưa thấy ai giải thêm một nghĩa nào khác.
Tôi đọc bộ sách Đông Dương sử, thấy có một chỗ nói về cái tên người Tây dùng mà kêu người Tàu đời xưa, thì tôi sực nhớ lại chữ "Chệt" hay chữ "Chiệt" ấy, dường như hai đằng có quan hệ với nhau thì phải. Tôi bèn viết ra đây cho nhà sử học dựa đó mà nghiên cứu, nếu lời tôi có ít nhiều giá trị.
Tôi phỏng định rằng tiếng "Chệt" hay "Chiệt" ấy là do tiếng Tây mà ra. Nói rằng "tiếng Tây" là chỉ về tiếng của một nước trong cõi Âu châu, không biết rõ nước nào, có lẽ là nước La Mã.
Sách Đông Dương sử nói rằng: Về thời đợi La Mã đế quốc thì những hàng tơ lụa Trung Huê, đã đem bán bên Âu châu. Người Tây kêu thứ hàng tơ lụa ấy bằng "Serge"; nhơn đó họ kêu đất Trung Huê là "Serica" và người Trung Huê là "Seres".
Trong chữ "Serge" đó, phần nửa trên (ser là do chữ "tăng nhi" ( 繒 兒 ) của Tàu mà ra; phần nửa dưới (ge) là cái ngữ vĩ (terminaison) của Tây thêm vào. Còn "Serica" nghĩa là xứ đất sanh sản ra thứ "ser" ấy.
(Tiếng Pháp bây giờ cũng có chữ "Serge" để kêu một thứ hàng dệt, song hàng nầy bằng lông không phải tơ).
Nếu vậy thì đời xưa vào khoảng trước và sau Giáng sanh, người phương Tây kêu người Trung Huê là "Seres" chớ không phải bằng "Chinois" như bây giờ. Chữ "Seres" ấy mà đọc mau thì gần như "xẹt" của tiếng ta, và "xẹt" thì có thể chuyển sang "Chệt" hay "Chiệt" dễ lắm.
Lại tại làm sao mà chữ "Seres" của Tây dùng mà kêu người Tàu đó lại truyền sang xứ ta được? Cũng theo Đông Dương sử, có chép những sự tích như vầy:
Năm 162 sau Giáng sanh, người La Mã chiếm được miếng đất của Vịnh Ba Tư, bèn do đó đi vòng Ấn Độ Dương thẳng đến Trung Quốc hải. Vị sứ thần của La Mã sai qua đó đi đã mấy năm mới đến Giao Chỉ. Theo như sách Hán thơ chép, thì năm thứ chín hiệu Diên Hy, đời vua Hán Hoàn đế, vua nước Đại Tần sai sứ đến Nhựt Nam dâng những ngà voi, u tây và đồi mồi. Âu châu với Á châu mà giao thông với nhau do đường biển, là bắt đầu từ đó (Đại Tần tức là La Mã).
Sau đó vào đời Tam Quốc, năm thứ 5 hiệu Hoàng Võ nhà Ngô (227), cũng có người lái buôn nước Đại Tần đến Giao Chỉ.
Coi đó thì đời xưa người Tây người Tàu giao thông với nhau là lấy nước ta làm đường đi băng. Bởi vì, cứ như sử chép đó, Giao Chỉ tức là đất thuộc về Bắc kỳ ta bây giờ, còn Nhựt Nam tức là đất thuộc về Trung kỳ ta bây giờ, vào đâu đỗi Quảng Nam và Huế; mà đời bấy giờ nước ta làm thuộc địa Tàu, cho nên Tàu với Tây cứ việc tự do lấy các phụ đầu(*) của ta làm chỗ giao thông, khỏi phải nạp món thuế kinh quá lôi thôi như bây giờ vậy.
Người Tây đời bấy giờ đã do đất ta mà giao thông với Tàu, và bấy giờ họ lại kêu người Tàu bằng "Seres", vậy thì trong khi họ lưu trú ở đây, ta cũng bắt chước tiếng của họ mà kêu người Tàu bằng "Xẹt", rồi lâu ngày trại bẹ, thành ra "Chệt", là sự có   thể lắm.
Nếu quả vậy thì tiếng "Chệt" của ta có lâu lắm, có gần hai ngàn năm nay; mà trong khi kêu "Chệt", cũng chẳng có ý gì khinh bỉ người Tàu đâu.(**)
PHAN KHÔI
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 182 (22. 12. 1932)


 

(*)  Phụ đầu埠 頭  nơi bến sông, bến biển, tàu thuyền buôn bán đến đậu đông (port de commerce) (Đào Duy Anh, sđd.)
(**)  ý của bài này, tác giả đã nêu ở một bài trong mục Độc thư tùy bút trên báo Phổ thông (Hà Nội, 5 và 6.10.1930)


 
© Copyright Lại Nguyên Ân

Về địa danh Sài Gòn [tiếp theo] An Chi / Huệ Thiên - Năng Lượng Mới số 156 ,21-9-2012).


Năm 1778 những người Tàu sống sót của BNL mới bỏ Nông Nại đại phố chạy xuống phía dưới để lập ra thành phố Thầy Ngòn còn địa danh Sài Gòn đã tồn tại từ năm 1674 thì lúc đó người Việt lấy đâu ra “Thầy Ngồl” mà Việt hoá nó thành Sài Gòn”?
3.Sài Gòn và Sài Gọng.– BNL viết:
“Trong một quyển sách nhỏ, nhan là “Cantonese Speaking Students” do California State Department of Education xuất bản, soạn giả cho biết rằng trong tỉnh Quảng Đông có đến sáu phương âm khác nhau. Mỗi phương âm ăn khớp vào với một vùng đất của tỉnh ấy, và có một vùng đất kia tên là Sài Gọng (có G cuối). Sách nói trên là sách tiếng Anh, nhưng có chua chữ Tàu. Sài Gọng được chua là Tây Giang (……..)
“Cái điều mà ta cần biết là đã được biết, đó là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn (không G cuối). Sài Gòn do Sài Gòng mà ra, và đó là tiếng Tàu, không bị Việt hóa theo cái lối chữ nho, mặc dầu văn tự đã bị đọc sai ra là Tây Giang (……)
“Thuyết của tôi là như thế nầy. Cái tên đầu tiên mà người Tàu đặt ra cho cái thành phố mà nay ta gọi Chợ Lớn, không phải là Đề Ngạn mà là Sài Gòng. Tại sao họ lại đặt như vậy? Là tại họ là người Quảng Đông gốc Sài Gòng (bên Tàu). Lối đặt tên đó giúp cho họ nhớ quê hương của họ.”    
Ở trên, chúng tôi có mạn phép nói rằng BNL không phải là một nhà ngữ học. Ấy là còn nói theo uyển ngữ chứ thực ra thì về mặt này ông rất tài tử. Chúng tôi hoàn toàn không tin ở những điều BNL đã nói trên đây. Ngay cái tên sách, ông cũng đã rút ngắn nó một cách tuỳ tiện. Cái quyển sách nhỏ do California State Department of Education xuất bản mà ông gọi là “Cantonese Speaking Students” thực ra là A Handbook for teaching Cantonese-speaking students (Sổ tay [dùng] cho việc giảng dạy sinh viên [là người] nói tiếng Quảng Đông). Đây là một quyển sách liên quan đến giáo dục và giáo học pháp. Chứ cái tên “Cantonese Speaking Students” mà ông đưa ra thì có nghĩa là “Sinh viên [là người] nói tiếng Quảng Đông”. Khác nhau một trời một vực. Còn trong quyển Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam (Bách Bộc xuất bản, không đề năm), khi nói về ngôn ngữ của các tộc người Thượng ở Trung Bộ Việt Nam, BNL viết: “Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic (sic) ở Saigon, cũng chỉ nhại lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển A Study of Middle Vietnamese Phonology tại Saigon.” Quyển này là của Kenneth Gregerson, trong đó tác giả đã khảo sát về âm vị của tiếng Việt thời trung đại (Middle Vietnamese). Nhưng BNL thì cứ ngỡ Middle ở đây dùng để chỉ Trung Bộ Việt Nam! Phải nói thẳng ra là kiến thức ngữ học của ông nhiều chỗ rất lơ mơ. Rồi như Tây Giang mà ông cho là tên của một vùng đất bên tỉnh Quảng Đông thì chúng tôi không tìm thấy. CònTrung Quốc địa danh từ nguyên của Giả Văn Dục 賈文毓 và Lý Dẫn 李引 (Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 2005) thì cho biết rằng đây là một thị trấn ở phía Bắc huyện Lôi Sơn, tỉnh Quý Châu trên bờ sông Tây Giang 西江, lấy tên của con sông này làm tên. Đây là nơi ở tập trung điển hình của người Miêu (Hmong) bên Tàu, được mệnh danh là Thiên hộ Miêu trại 千户苗寨 (Trấn [trại] nghìn nhà của người Miêu) cho nên có câu “Khán Lôi Sơn Tây Giang, Tri thiên hạ Miêu tộc” ( Xem thị trấn Tây Giang ở Lôi Sơn thì biết được về người Miêu trong thiên hạ). Cái âm “Sài Gọng”(?) mà BNL đưa ra và khẳng định là thuộc một phương âm của tiếng Quảng Đông, chúng tôi sợ rằng đó chính là tiếng … Miêu! Vả lại, ta cũng còn chưa có thể yên tâm về sự ghi nhận và sự tường thuật của BNL vì nhiều khi ông còn tuỳ tiện, tuỳ hứng nữa.
Nhưng cứ cho rằng BNL đã tuyệt đối chính xác trong sự ghi nhận và sự tường thuật thì Sài Gọng chỉ có thể cho ra Sài Gọng chứ không phải Sài Gòn. Chuyện này hoàn toàn dễ thấy vì đây là trường hợp mà âm Quảng Đông tuyệt đối ăn khớp với âm của tiếng Việt ở Nam Bộ. Sài Gọng mà cho ra Sài Gòn mới là chuyện thực sự nghịch lý. Tại sao ư? Thưa rằng tiếng Việt ở Nam Bộ không có vần -ON [ɔn]; vần này luôn luôn bị người Nam Bộ phát âm thành -OONG [ɔ:ŋ]. Vì vậy cho nên nói rằng GỌNG (hoặc GÒNG?) của Tàu Quảng Đông trở thành GÒN [ɣɔ:n2] trong tiếng Việt ở Nam Bộ là một điều thậm vô lý. Dân Nam Bộ chánh cống chỉ có thể phát âm chữ này thành GOÒNG [ɣɔ:ŋ2]  mà thôi. Nếu BNL thực sự đúng thì ngay từ đầu, Hòn Ngọc Viễn Đông đã là SÀI GOÒNG [sa:j2 ɣɔ:ŋ2] chứ không phải SÀI GÒN [sa:j2ɣɔ:n2]. Đây là một điều dứt khoát.
4. “Chợ Sài Gòn” trên bản đồ Trần Văn Học 1815.– Bản đồ “Gia Định tỉnh” do Trần Văn Học vẽ năm 1815, mà bạn đã khoanh tròn địa điểm “Chợ Sài Gòn” bằng màu đỏ để gửi đến , thực ra đã được in trong Địa chí văn hoá Thành phố Hố Chí Minh, t.1 (Nxb TPHCM, 1987, tr. 229). Ở đây, chúng tôi chỉ in lại phần thể hiện “Chợ Sài Gòn”, mà trung tâm, theo đoán định của chúng tôi, nằm trong chu vi hiện nay của bốn con đường: Nguyễn Tri Phương (thời Pháp là Lacaze [dân chúng phát âm thành La-cai]) – Trần Hưng Đạo B (bấy giờ còn là một con kênh nhỏ) – Châu Văn Liêm (thời Pháp là đại lộ Tổng đốc Phương) – Nguyễn Trãi (thời Pháp là đường Cây Mai). Người thêm chữ quốc ngữ đã ghi chú địa điểm cần đánh dấu bằng danh ngữ “Chợ Sài Gòn” là đã thu hẹp phạm vi (diện tích), chứ nguyên văn trong bản đồ 1815 là danh ngữ tiếng Hán 柴棍處 “Sài Gòn xứ”, trong đó “xứ” là danh từ trung tâm (bị định ngữ) còn định ngữ là địa danh “Sài Gòn”, viết bằng hai chữ Nôm 柴棍, mà nhiều người, trong đó, tiếc thay, có cả học giả danh tiếng, từ lâu đời, cứ ngộ nhận là chữ Hán, nên đã đọc thành … “Sài Côn”! Thì cũng giống như “ville de Bien Hoa”, “province de Gia Dinh”, v.v., là những cấu trúc tiếng Pháp hẳn hoi nhưng trong đó Bien Hoa, Gia Dinh là những địa danh Việt Nam (Biên Hoà, Gia Định).
Trong bài đã nói trên Kiến thức Ngày nay số 36, vì chịu ảnh hưởng của một vị học giả về sự tồn tại song song của mỹ danh (hoặc tên chữ) và tục danh (hoặc tên Nôm), nên chúng tôi cũng đã chủ trương một cách ngu dốt rằng Sài Côn là tên chữ còn Sài Gòn là tên Nôm của Prei Nokor. Không, chẳng làm gì có “tên chữ” trong trường hợp này. “Sài Gòn xứ” là cách đọc duy nhất đúng cho ba chữ 柴棍處 trên bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học. Và Sài Côn xứ là “vùng Sài Gòn”, trong đó có chợ Sài Gòn. Đây là một khái niệm và một địa bàn rộng lớn hơn cái địa điểm ghi bằng chữ quốc ngữ “Chợ Sài Gòn”. Trong tỉnh Gia Định hồi thập kỷ 1810 thì ngôi chợ nằm ở vùng Sài Gòn – nên được gọi là “chợ Sài Gòn” – là một chợ lớn, nếu không phải là lớn nhất. Cho nên ta sẽ không lấy làm lạ nếu thấy Trịnh Hoài Đức gọi nó bằng hai chữ “đại nhai” 大街, mà âm Quảng Đông là “tài cái”. Họ Trịnh ít nhiều có chịu ảnh hưởng của tiếng Quảng Đông về mặt từ ngữ. Trong tiếng Quảng Đông thì chợ là “cái xị” 街市(nhai thị). “Tài cái xị” 大街市(đại nhai thị) là chợ lớn. Hai tiếng “đại nhai” tuy có nghĩa gốc là đường lớn nhưng trongGia Định thành thông chí thì Trịnh Hoài Đức đã dùng nó thay cho danh ngữ “đại nhai thị”. Vì vậy nên “đại nhai” ở đây có nghĩa là “chợ lớn”. Và vì Sài Gòn là một chợ lớn (so với hầu hết những cái chợ khác) nên dân chúng thường quen miệng chỉ Sài Gòn bằng hai tiếng “chợ lớn”, rồi dần dần “chết tên”. Chợ Lớn trở thành một địa danh.
Chúng tôi nghĩ rằng bài này chưa giải quyết hết mọi vấn đề mà bạn muốn chúng tôi làm sáng tỏ nhưng do khuôn khổ có hạn nên xin chờ một dịp khác để có thể nói thêm.
Nguồn: Facebook An Chi)

Saturday, 6 October 2012

Nghĩa gốc của đa trong cây đa là nhiều (Năng Lượng Mới số 18 , 12-5-2001)


Bạn đọc : Có người nói đa trong cây đacây đề là một từ gốc Hán nhưng có người lại nghi đó là một từ gốc Sanskrit (vì liên quan đến đạo Phật). Xin ông vui lòng cho biết thực hư ra sao. (Nguyễn Trung Sơn).
An Chi : Trước nhất, xin nói rằng cây đa còn có một cái tên xưa hơn nữa là dong, một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 榕, mà âm Hán Việt hiện đại là dung. Chữ này đã được Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng (Sài Gòn, 1975) giảng là: “Tên một loài cây cực lớn, tàn cây rất rộng, bóng cây che được cả ngàn người.” Cứ như lời giảng này mà lại đặt vào nội dung của các Phật thoại, không khéo có người sẽ ngỡ rằng dung (> dong) là một giống cây huyền thoại, trong khi nó là một giống cây có thực: Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đã đối dịch chữ dung 榕 một cách chính xác và cực gọn là “cây đa”. Đa là một giống cây có thể phát triển đến mức siêu khổng lồ mà toàn bộ cành, nhánh, rễ có thể chiếm đến mấy héc-ta. Cây đa lớn nhất còn sống tại Pune (Ấn Độ) có đường kính tán tới 800 m xung quanh thân chính của nó.
 Về nghĩa đã như thế còn về âm thì ta có hàng loạt trường hợp tương tự cho nên bất tất phải hoài nghi : bao dung – bao dong ; dung mạo – dong mạo ; hình dung – hình dong ; thung dung – thong dong ; v.v..
Nói dong xưa hơn đa là hoàn toàn có lý do. Ta cứ giở Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa ra thì sẽ thấy. Đây là một loại từ vựng giảng Hán bằng Nôm theo một trong hai nguyên tắc : hoặc đối dịch (bằng Nôm) kèm theo miêu tả ngắn gọn, hoặc giữ nguyên chữ cần dịch kèm theo miêu tả, nếu đây là một chữ có thể dùng như Nôm. Đoạn hữu quan dưới đây trích từ thiên “Mộc loại, Đệ tam thập ngũ” :
 Ngô đồng tạc rối cây vông,
Lá thu lác đác bay không đã vàng.
Cổ dung cây cả giữa đường,
Vô hoa hữu quả rễ cùng chồi ngay.”
Hai liên lục bát này mỗi liên là một mục từ : mục trước là “ngô đồng” được đối dịch là “(cây) vông”; mục sau là “cổ dung”, không có đối dịch vì thời đó, dung đang là một từ thông dụng và không có từ Nôm đồng nghĩa. Nếu lúc bấy giờ danh từ đa xuất hiện rồi thì nó đã được dùng để dịch dung theo nguyên tắc thứ nhất. “Ngọc âm giải nghĩa” mà lại!
Vậy thì chữ đa này bắt nguồn từ đâu? Có người đã có sáng kiến cưỡng duyên nó với chữ đa trong đa la, thậm chí bối đa la nữa! Ép dầu, ép mỡ; ai nỡ ép … âm! Đó là còn chưa nói đến chuyện rắc rối là cảđa la và bối đa la thực chất là hai từ khác nhau nhưng từ trước lại đồng âm với hai âm tiết sau của từ sau. Nếu truy nguyên cho thật chặt chẽ và chính xác thì đa la 多羅 vốn là hai chữ Hán dùng để phiên âm danh từ tāla của tiếng Sanskrit; còn bối đa la 貝多羅 thì để phiên âm (cũng của thứ tiếng này) danh từ pattraDictionnaire sanskrit-français của N. Stchoupak, L. Nitti. L. Renou dịch tāla là palmier à vin, borasse éventail. A Sanskrit English Dictionary của M. Monier-Williams (Delhi, 1999) cho một lời dịch tương tự với quyển từ điển trên: the palmyra tree or fan-palm (Borassus Flabelliformis, producing a sort of spirituous liquor […]). Ta có thể nghĩ rằng đây là cây thốt nốt. Quả nhiên, Sổ tay tra cứu danh pháp khoa học của KS Nguyễn Đại Hương – KS Lê Thị Thuỳ Trang (Nxb Trẻ, 2002) đã dịch cho taBorassus Flabelliformis là “thốt nốt”.
Còn pattra thì sao? Thì chỉ đơn giản có nghĩa là lá (cây), cánh (hoa, chim); ở đây là lá làm nền để viết chữ lên đó. Thứ lá hữu quan ở đây chính là lá thốt nốt, trên đó người ta chép kinh Phật. Vì vậy nên mới có danh từ ghép tāla-pattra, nghĩa là lá thốt nốt, mà nếu phiên âm sang tiếng Hán, thì sẽ là đa la bối đa la 多羅貝多羅. Rắc rối là ở chỗ hai tiếng đa la trước chẳng có liên quan gì về nghĩa với hai tiếng đa la của từ sau nhưng lại đồng âm trong nhiều ngữ cảnh của kinh Phật nên dễ sinh ra nhầm lẫn.
                Cứ như trên thì đa trong cây đa chẳng có liên quan gì đến đa trước hoặc đa sau trong cụmđa la bối đa la. Nhưng nó có trực tiếp liên quan gì đến tiếng Sanskrit hay không? Ta thử xét xem. Thứ tiếng này có hai từ để chỉ cây đa là nyag-rodha và vaa. Từ ghép nyag-rodha có nghĩa gốc là “cây mọc (rodha) ngược (nyag)”. Từ này được phiên sang tiếng Hán thành ni-câu-đà 尼拘陀 hoặc nhiều cách khác (ni-câu-luật-đàni-cồ-đàni-câu-lô-đàni-câu-loại-đàni-câu-lâu-đà) nhưng âm tiết cuối đều là “đà” (nên khác đa). Còn vaa thì, theo nguyên tắc và truyền thống phiên âm từ Sanskrit sang Hán, phải là bà đa 婆多, nhưng không thấy dùng trong văn chương Phật giáo, để chỉ cây đa.
Vậy, rốt cục thì ta có thể tìm từ nguyên của danh từ (cây) đa ở đâu? Thưa đó là với danh ngữ đa căn thụ 多根樹, cây nhiều rễ, một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây đa một cách súc tích nhất có thể có. Chính là với danh ngữ dân dã này mà người ta đã dịch tên ngôi vườn Nyagrodharama gần thành Ca-tì-la là Đa căn thụ viên/多根樹園 (Vườn Đa), trong khi hình thức bác học là Ni-câu-đà viên 尼拘陀園.Vậy đa căn thụ hiển nhiên là cây đa. Nhưng vào đến tiếng Việt thì danh ngữ này dần dần được rút ngắn để chỉ còn giữ lại có âm đa, là âm tiết, cũng là hình vị, cũng là từ, diễn đạt sinh động nhất đặc trưng của cây đa.

Wednesday, 3 October 2012

Pháp có phim cấp 3 không?


Từ năm 1988 luật pháp Hồng Kông bắt buộc tất cả phim ảnh đều phải được cơ quan quản lý ngành truyền hình và giải trí kiểm tra phân loại và vé vào rạp phải in rõ loại phim để tránh việc khán giả nhỏ tuổi xem phải loại phim không phù hợp. Hệ thống phân loại của Hồng Kông có ba cấp; về sau có điều chỉnh chút đỉnh trong nội bộ của cấp thứ hai, nhưng về căn bản vẫn là ba cấp với cấp cao nhất (vẫn gọi là category III - cấp 3) là những bộ phim cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Ở Việt Nam người trên 18 tuổi cũng không được xem các phim cấm trẻ em Hồng Kông dưới 18 tuổi. Khái niệm phim cấp 3 dần dần được mở rộng để chỉ tất cả các loại phim cấm bất kể nguồn gốc. Do đó mà có chuyện rủ nhau tải những bộ phim cấp 3 của Pháp, Mỹ, Nga... mặc dù các nước đó áp dụng những hệ thống phân loại và ký hiệu khác. Ở Pháp chẳng hạn, theo điều III sắc lệnh số 90-174 ngày 23/2/1990 có 5 loại phim:
- tous publics: ai xem cũng được, khỏi cần ai coi chừng;
- avertissement: ai xem cũng được nhưng người lớn dòm chừng một chút vẫn tốt hơn;
- interdit aux moins de 12 ans: cấm khán giả dưới 12 tuổi;
- interdit aux moins de 16 ans: cấm khán giả dưới 16 tuổi (gồm phần lớn các phim khiêu dâm nhẹ, tiếng Pháp là film érotique hay porno soft, với đội ngũ diễn viên trong trang phục của Adam và Eva, chỉ được phép gợi tả chứ không được đặc tả cơ quan sinh dục và cảnh giao hợp)
- interdit aux moins de 18 ans non classé X: không phải phim X nhưng vẫn cấm khán giả dưới 18 tuổi;
- interdit aux moins de 18 ans et classé X: phim X, cấm khán giả dưới 18 tuổi;
Như vậy đối với người Việt, phim cấm trẻ em Pháp dưới 16 tuổi đã là phim cấp 3 rồi.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng bộ phim L’amant sản xuất năm 1992 dựa theo tác phẩm cùng tên của Marguerite Duras, ở Pháp được xếp loại cấm trẻ em dưới 12 tuổi, nhưng khi được trình chiếu ở Việt Nam cho một số đối tượng rất hạn chế cũng bị cắt gần như toàn bộ các cảnh nóng. Trước đó báo chí Việt Nam dịch lại báo chí ngoại quốc, không ngớt lời bàn, nào là “khán giả đến nghẹt thở những cảnh quay táo bạo của cô đào Jane March và Lương Gia Huy”, nào là “cảnh quay công phu và nhiều hiệu ứng kỹ thuật” .... Rốt cục ai nấy đều bị tẽn, từ người xem đến anh nhà báo. Năm 1996 tôi sang Pháp, thấy ti vi chiếu L’amant, không muốn coi lại vì nghĩ phim không hay bằng tiểu thuyết. Đến chừng coi xong mới hiểu là chẳng những mình bị mấy ông kiểm duyệt bên nhà lừa bịp đã đành mà còn tội nghiệp cho lao động nghệ thuật bị các ông ấy coi là độc hại, cắt xén lam nham khiến cho tác phẩm trở nên tẻ nhạt, vô vị. Nhưng đâu còn cách nào khác, nếu không muốn thảy bộ phim đó vào sọt phim cấp 3? Trên thực tế, người ở Việt Nam hiện nay muốn coi nguyên bản phim L’amant chỉ có một cách là ghé vào các trang web dành cho phim cấp 3.

Monday, 1 October 2012

Do đâu có tên cây xa mu?


Cây xa mu (tên khoa học của cây là Cunninghamia lanceolata) còn được gọi  là sa mu, sa mộc, sà mu, sa múc, thông mụ, co may (Dao), long len, thông Tàu. Tên tiếng Pháp là sapin de Chine (dịch nghĩa là lãnh sam Trung Hoa) và samou hoặc cha-mou (rõ ràng là phiên âm của杉木, sam mộc). Có lẽ cũng như trường hợp từ pơ mu, người Việt mượn từ xa mu qua tiếng Pháp hay qua tiếp xúc với tiếng Hán ở miền Nam Trung Hoa. Chưa rõ thứ tự xuất hiện các tên gọi khác nhau của cây nên chưa thể xác định chắc chắn lai lịch của từng tên một.