Monday, 12 November 2012

Từ nguyên của "thiết tha", "thướt tha"? (Trần Trọng Dương)

Từ nguyên của "thiết tha", "thướt tha"?



‘THIẾT THA’ hay ‘THƯỚT THA’?

Trần Trọng Dương
đã đăng: “Thiết tha” hay “thướt tha”? Thông báo Hán Nôm học. 2007. Nxb KHXH. Hà Nội.


Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đang tiến hành đi tìm nguyên tác Truyện Kiều để “tiến tới những bản phiên âm thể hiện được nguyên dạng của tác phẩm về âm đọc, ngữ nghĩa và ý đồ sáng tác của tác giả, từ đó mà chú giải, khảo luận hướng dẫn người đọc hiểu đúng các bản phiên âm hiện hành.” [Nguyễn Tài Cẩn 2004:375]. Có hai xu hướng đi tìm nguyên tác Truyện Kiều chủ yếu sau: 1.Xu hướng khai thác/ phục nguyên từ ngữ cổ tiếng Việt; 2.Xu hướng so sánh các bản Kiều Nôm cổ, thống kê các chữ cùng xuất hiện trong nhiều văn bản Nôm cổ. Đại diện cho xu hướng thứ hai là cuốn Tư liệu Truyện Kiều-từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn do nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học ấn hành năm 2004. Theo xu hướng thứ nhất là một số bài viết của các học giả trong và ngoài nước như Nguyễn Tài Cẩn, An Chi, Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Tuấn Cường…

Gần đây, chúng tôi cũng đã công bố hai bài viết về vấn đề từ cổ trong Truyện Kiều qua trường hợp chữ THƠ RƠ. Hai bài viết trên đều dùng phương pháp tìm các khả năng biến âm của thanh phù để tìm ra âm đọc của chữ thông qua tra cứu từ vựng ở các bộ từ điển cổ. Phương pháp này có ưu thế ở chỗ: nó có thể giúp người đọc khảo sát hầu như toàn bộ các khả năng đọc có thể xảy ra (trên lý thuyết), và kiểm chứng các khả năng ấy thông qua sự ghi nhận của từ điển. Ví như trường hợp của chữ THƠ RƠ, từ trước đến nay từ này vẫn được phiên là Lơ thơ hay Tha la. Từ việc khảo sát các tự dạng Nôm, chúng tôi đưa ra 1456 khả năng đọc của mã chữ và kiểm tra các khả năng ấy qua tra cứu các từ điển cổ. Kết quả là chúng tôi chứng minh được rằng Tha la là cách phiên sai lầm theo mặt chữ bắt đầu từ từ điển Génibrel và Tha la không hề xuất hiện trong bất cứ một cuốn từ điển nào trước hay cùng thời với nó; Lơ thơ với nghĩa “rủ xuống” cũng không hề xuất hiện trong bất cứ một cuốn từ điển cổ nào, Lơ thơ là một từ mới xuất hiện vào quãng đầu thế kỷ XX (1931), và Thơ rơ hay Rơ thơ là cách đọc cổ của từ lơ thơ qua sự ghi nhận một cách có hệ thống của các từ điển từ A. de Rhodes, Taberd, Bỉ Nhu đến Huình Tịnh Của.

Trong bài viết này, chúng tôi cũng thử phục nguyên một từ cổ thông qua phương pháp trên. Đó là các trường hợp Thướt tha.

Thướt tha là từ xuất hiện hai lần trong Truyện Kiều ở các vị trí câu: Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, 170; Dưới đào dường có dáng người thướt tha, 290. Trước tiên, chúng tôi khảo sát tự dạng Nôm của chữ này qua một số bản Nôm cổ. Kết quả như sau:




Qua 12 bản Nôm và Quốc ngữ cổ ta thấy rằng: tại vị trí câu 170 có 4 dị bản, trong đó thướt tha切 他 xuất hiện 2 lần, La tha羅他 xuất hiện 2 lần, Đã ra xuất hiện 2 lần, còn lại Tha la 他 羅xuất hiện 6 lần tại vị trí câu 290 chỉ có độc bản Thướt tha 切 他. Như biện luận của chúng tôi ở hai bài viết trước thì đã ra 乑 歮 là cách viết sai của他 羅Thơ rơ. Thướt tha切 他 chỉ xuất hiện hai lần (so với 6 lần của Tha la 他 羅). Chúng tôi tạm đưa ra khả năng rằng: Thướt tha切 他 cũng là cách viết sai khác của 羅他rơ thơ. Và như vậy, tại vị trí câu 170 chỉ có thể đọc là: Bên cầu tơ liễu bóng chiều THƠ RƠ[1]/ RƠ THƠ [xem Trần Trọng Dương 2006a, 2006b].

Trở lại với vị trí 290, chúng tôi thấy việc xuất hiện các mã chữ Nôm và các bản phiên âm của câu này khá thống nhất. Với sự khảo sát của mình, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn liệt câu này vào loại nguyên bản do chính Nguyễn Du viết vì không hề có dị bản. Ở đây, ta không còn phải biện luận gì về tự dạng của chữ Nôm cả. Vấn đề là ở âm đọc. Chữ này vốn âm Hán Việt gồm có: 切đọc là thiết và 他đọc là tha. Khâu tiếp theo, chúng tôi thử kiểm tra các khả năng biến âm của hai âm này. Cụ thể như bảng dưới đây:

Bảng: các khả năng biến âm của THIẾT







Các khả năng đọc của Thiết = các khả năng biến âm của Th (10) x các khả năng biến âm của iết (11) = 110.

Các khả năng đọc của Tha = các khả năng biến âm của Th (10) x các khả năng biến âm của a (07) = 70.






Các khả năng đọc của Thiết tha = Các khả năng đọc của Thiết x Các khả năng đọc của Tha = 110 x 70 = 7700.

Để kiểm tra xem các khả năng đọc trên có xảy ra trên thực tế hay không, chúng tôi tiến hành tra cứu thông qua các bộ từ điển cổ. Kết quả là: âm Thướt tha và các âm khác không hề được ghi nhận trong bất cứ từ điển cổ nào. Từ này xuất hiện lần đầu trong Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức: “Thướt tha. Trỏ bộ dài lê thê.” [1931:588]. Tiếp đó là đến G. Hue: “Gracieux, svelte. Thướt tha. Tha thướt” [1044]. Đào Văn Tập: “Thướt tha. Chỉ dáng dài mà uyển chuyển” [612]. Từ điển của Viện Ngôn ngữ học: “Có dáng cao rủ dài xuống, chuyển động một cách mềm mại uyển chuyển.” [945]. Từ điển truyện Kiều: “THƯỚT THA (2): hình dung vật gì dài rủ xuống có vẻ kéo lê thê. Thượt là trong dài thượt. Về cấu tạo từ. xem Dần dà. Td. Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, 170; Dưới đào dường có dáng người thướt tha, 290” [471].

Trong khi đó, âm Thiết tha lại được ghi nhận khá đều đặn bắt đầu từ từ điển của Bỉ Nhu: “Thiết tha切 磋 .cn. ráo riết, lắm, nhiều lắm.” [466], đến Taberd: “Thiết tha切 磋 . Vehementer. Rất, kịch liệt.”[495] và cuối cùng là Huình Tịnh Paulus Của: “Thiết tha. lắm lắm, bức lắm, ngặt lắm, cần kíp lắm.”[1010]. Tự điển Chữ Nôm ghi: “khẩn khoản, da diết, Hết mức, ráo riết.” [2006:1091]. Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức ghi: “thiết tha để ý đến vì thương yêu (già rồi, tui không còn thiết tha chi nữa. “đi hay ở vẫn thiết tha với Huế, vẫn bao lần nghe Huế nhói trong tim”- thơ Tô Kiều Ngân). Nghĩa xưa là đau đớn xót xa hoặc mức độ cao (đau đớn thiết tha, giận thiết tha). Từ cổ.P.Của.” [2004:866] Từ điển này không thấy ghi nhận chữ “thướt tha”.

Như vậy, theo sự ghi nhận của các từ điển trên, từ thiết tha là trạng từ hoặc tính từ. Để khảo sát sự hoạt động của từ này như thế nào, chúng tôi tạm khảo sát một số văn cảnh trong các văn bản cổ.

1.Thiết tha là trạng từ chỉ mức độ trong các câu: “xú phụ: vợ xấu thiết tha” trong Chỉ nam ngọc âm (tr.7b), “nghe chàng năn nỉ thiết tha” trong Phan trần (tr.69a). 2.Thiết tha là tính từ trong các câu “cảnh buồn người thiết tha lòng” trong Chinh phụ ngâm (16a), “Thiết tha ban tối khoe khoang nửa ngày” trong Nhị độ mai (tr.17b), “tiếng quạ bay kêu giọng thiết tha” trong Vị thành giai cú tập biên (tr.18a). Nếu là một trạng từ, thiết tha thường đứng sau tính từ vị ngữ, hay động từ vị ngữ. Nếu là một tính từ, từ này thường làm vị ngữ hay làm định ngữ cho danh từ.

Chữ thiết tha trong câu 290 “dưới đào dường có bóng người thiết tha” nên chăng là một tính từ. Tính từ vị ngữ này làm khu biệt và xác định tính chất, đặc điểm của danh từ “bóng người” đứng trước nó. Vậy nét nghĩa của chữ thiết tha ở đây là gì? Theo chúng tôi, đây có lẽ là một tính từ chỉ sự di chuyển nhanh, gấp, thấp thoáng, ẩn hiện. Với nét nghĩa như thế nó sẽ hô ứng với chữ “dường thấy” hết sức mong manh ở trên. Vì đây là đoạn tả tâm trạng chàng Kim Trọng lúc lân la chuyển đến làm hàng xóm với Vương gia, để “tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông”, nhưng “tấc gang động tỏa nguyên phong, tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”. Thế rồi, một buổi thấy dáng kiều thấp thoáng, “buông cầm xốc áo vội ra, hương còn thơm nức người đà vắng tanh”, chỉ có một chiếc kim thoa vướng trên cành đào. Người đẹp đi dạo thưởng hoa nhanh vậy! Nhưng cái thấp thoáng dáng kiều ấy, cái mùi hương khuê nữ ấy đã nhuốm màu tâm trạng của con người si tình kia rồi.





Sự tồn tại và diễn biến của THƯỚT THA, THIẾT THA

trong một số từ điển.







TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alexandro De Rhodes.1651. Dictionarivm Annamiticivm- Lusitanvm- Latinvm Sacre Congragationis de Propagada fide Cardinales. ROME. (Từ điển Việt- Bồ- La). Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch. Nxb. Khoa học Xã hội. 1994.

Đào Duy Anh.1987. Từ điển Truyện Kiều, Phan Ngọc bổ sung sửa chữa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Gustave Hue.1937. Dictionaire Vietnamien Chinois Français ( Tự điển Việt- Hoa- Pháp), Nhà sách Khai trí, 62,Lê Lai-Saigon, 1971 (chụp theo ấn bản Imprimerie Trung Hòa, 1937)

Hội Khai trí Tiến đức.1931. Việt Nam tự điển, HANOI Imprimerie Trung-Bac Tan-Van. Mặc Lâm xuất bản.

Huình Tịnh Paulus Của.1895-1896. “大 南 國 音字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4. 1895-1896; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896).

J.F.M. Génibrel.1898. Dictionaire Annamite- Francais, Imprimerie de la Mission à Tân Định.

L.J. Taberd.1838. Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore.

Nguyễn Ngọc San & Đinh Văn Thiện. 2003. Từ điển từ Việt cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa. Hà Nội. (lần 01 Nxb. VHTT. H.2001)

Nguyễn Quang Hồng (chủ biên).2006. Tự điển chữ Nôm. Nxb.Giáo dục.1546

Nguyễn Quảng Tuân. 2004. Chữ nghĩa Truyện Kiều. Nxb.Văn Học.Hà Nội.272.

Nguyễn Tài Cẩn. 2004.Tư liệu Truyện Kiều-từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Hà Nội.637.

Paul Schneider.1993. Dictionnaire historique des ideogrammes Vietnamiens, Domaine Carlone- 98, boulevard Edouard Heriot- BP 209- 06204 NICE Cedex 3 (France), Nice.

Pierre Pegneaux de Béhaine.1772-1773. Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị An nam La tinh), bản chép tay.

Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu). 1772-1773. Tự vị An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico Latinum 1772- 1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nxb.Trẻ. 1999.

Thanh Nghị.1951.Việt Nam tân từ điển. Nhà in Thời Thế 185/54 đường Colonel Grimaud- Saigon.

Trần Trọng Dương.2006a, Đi tìm âm đọc cổ cho hai chữ LƠ THƠ, t.c Hán Nôm số 03. Tr 44-53.

Trần Trọng Dương.2006b, Thử tầm nguyên hai chữ THA LA, The international conference on Nom Script, www.nomfoundation.org .





--------------------------------------------------------------------------------

[1] A. de. Rhodes ghi: “Cây thơ rơ: cây không có lá, trụi lá.” [1651: 223]. Từ điển của Bá Đa Lộc Bỉ Nhu cũng ghi: “撪冟3 Thơ rơ. Cây trụi lá.” [1773: 470]. Từ điển Taberd cũng ghi: “撪囉 thơ rơ, arbor foliis expoliata.” [1838: 499]. Tra trong từ điển của Huình Tịnh Paulus Của thì thấy: “盧 lơ thơ: xơ rơ, thưa thớt” [1895 - 1896:573], “撪xơ .n. Rã rời, tan tác, còn cái xác không, cái bã không, cái vỏ không. Xơ xơ: rách rã, tơi bời, tan tác. Xơ rơ (xác rác): thưa thớt còi cụt, trơ trọi, còn nhánh không, (cây cối). Bão bùng cành ngọn xơ rơ.” [1895 – 1896: 1198]; “撪 rơ,… xơ rơ: thưa thớt, xờ xạc. (cây cỏ)” [1895 – 1896:874]; “Thơ rơ: xơ rơ thưa thớt, như cây mùa đông, nhánh lá xơ rơ. Thơ thơ. id.” [1895 – 1896: 1018]. Từ điển Tiếng Huế: “Thơ rơ (xơ rơ) cây trụi lá, nghĩa bóng vẻ thiểu não (Cây thầu dầu thơ rơ, dáng điệu anh cũng xơ rơ in nhau)[2004:874].

No comments:

Post a Comment