Monday 26 November 2012

“Cái đầu mầy” là cái gì?(An Chi - Năng Lượng Mới số 175 ,23- 11 - 2012).


“Cái đầu mầy” là cái gì?(Năng Lượng Mới số 175 ,23- 11 - 2012).

by An Chi on Friday, November 23, 2012 at 4:21am ·
Bạn đọc : Ban đầu, trong phim Tàu Hongkong, tôi thường được nghe cụm từ “cái đầu mầy” qua lời thuyết minh hoặc lời thoại (đã dịch sang tiếng Việt) của nhân vật. Không ngờ bây giờ phim của người Việt Nam hẳn hoi cũng “cái đầu mầy”, “cái đầu mầy”, một cách chướng tai và ngô nghê. Tôi thực sự không hiểu “cái đầu mày” là cái gì và đây có phải là tiếng Việt hay không. Xin nhờ ông An Chi giải hộ và xin cám ơn ông.
 Nguyễn Hữu Tuệ, Ba Đình, Hà Nội.
An Chi : “Cái đầu mầy” là một lối nói ngô nghê, ngu ngơ mà những kẻ kinh doanh phim Tàu Kong Kong đã “nhập lậu” vào từ vựng của tiếng Việt. Đúng như bạn nói, những tưởng nó chỉ lưu hành trong lời thoại hoặc lời thuyết minh phim Tàu mà thôi, ai ngờ một số nhà biên kịch, người Việt Nam hẳn hoi, cũng xài nó một cách hoàn toàn vô ý thức mà nhét vào lời thoại cho nhân vật của mình; rồi góp phần vào cái tai nạn ngôn ngữ này, một số đạo diễn cũng đã giữ y nguyên mà bắt diễn viên của mình “nhả ngọc phun châu”. Điều đáng báo động là tần số của lối nói “cái đầu mầy” cực kỳ vô duyên này có vẻ như càng ngày càng tăng. Đây là một cách dịch “bí rị” từ ba tiếng “nẹy cô thầu”[ 你個頭] của tiếng Quảng Đông. Trong thứ tiếng này thì “nẹy”[] là mày, “cô”[] là cái và “thầu”[] là đầu. Khốn nỗi, đối với dân Quảng Đông thì “nẹy cô thầu” lại không trực chỉ cái đầu của bất cứ “thằng” đối thoại  nào cả. Còn nó chỉ cái gì, thì mạng CRIonline đã có giảng rõ tại mục [輕鬆學粵語之六.粵語中""字的用(Học tiếng Quảng Đông nhanh lẹ Bài 6 – Cách dùng chữ “đầu” trong tiếng Quảng Đông), đưa lên ngày  25-11-2009.
Theo bài này, và với thí dụ đầu tiên là “Hổu nẹy cô thầu” [好你個頭] – âm Hán Việt  là “Hảo nhĩ cá đầu”, dịch từng tiếng là “Tốt cái đầu mầy” –  mà nó đưa ra, ta được biết đại khái rằng đây là một lối nói mang tính đặc ngữ trong khẩu ngữ của tiếng Quảng Đông. Trong phương ngữ này của tiếng Tàu, “nẹy cô thầu”[你個頭] (“cái đầu mầy”) là một lối nói biểu thị thái độ phản đối, thường dùng để phủ định lời nói của người đối thoại. Thí dụ như nhận xét về giọng hát của một ca sĩ, Giáp nói: “Anh ta hát hay thật đấy!” nhưng Ất không tán thành lời khen của Giáp, liền nói: “ Hay “cái đầu mầy”! Sao mầy lại khoái nó tới vậy?” Qua đó, ta có thể hiểu rõ câu “Hay cái đầu mầy!” có hàm nghĩa được “thông dịch” sang tiếng phổ thông (Bắc Kinh) là “Hǎo shén.me hǎo”[好 什么好], tức là “Tốt (cái) gì mà tốt!” Rất rõ ràng là lối nói này dùng để phủ định lời nói của người đối thoại khi nó ngược với ý của đương sự.
Tại mục [廣東話的你個頭] ([Mấy tiếng] “nẹy cô thầu” trong tiếng Quảng Đông), tranghk.knowledge.yahoo.com cho biết trong thứ tiếng này, bất cứ vị từ nào cũng có thể đứng vào vị trí của X trong cấu trúc “X nẹy cô thầu”[X你個頭] (X “cái đầu mày”), như : “xịk nẹy cô thầu”[食你個頭] (ăn “cái đầu mầy”), “oản nẹy cô thầu”[玩你個頭] (chơi “cái đầu mầy”), “hoei nẹy cô thầu”[去你個頭] (đi “cái đầu mầy”), v.v.. Và những câu trên đây có nghĩa là: Ăn cái gì mà ăn! –  Chơi cái gì mà chơi! – Đi cái gì mà đi! Và, cứ như trên, thì ba tiếng “cái đầu mầy!” nhất thiết phải đi liền sau một vị từ chứ không thể nào đứng “độc lập” thành một lời trách hay một tiếng chửi nhẹ như một số nhà biên kịch Việt Nam đã xài một cách rởm đời.
Còn tại mục “Help understanding the phrase 海你個頭拉”(Giúp hiểu được ngữ đoạn “hỏi nẹy cô thầu lá”) của Chinese-forums.com, forumer Anonymoose đã hiểu rất đúng rằng “nẹy cô thầu”[你個頭] là “Something like «my ass!»” (Cái gì đó giống như “my ass!”). Tuy nhiên đây chỉ là một sự “diễn dịch ngữ nghĩa” chứ không phải một sự tương ứng hoàn hảo giữa hai thứ tiếng. “My ass!” (mà nghĩa gốc “đen thui” là “cái mông của tao!”) là một ngữ tán thán thông tục dùng để diễn đạt sự phủ nhận hoặc ngờ vực trước một lời nói cụ thể của người đối thoại với thái độ xem thường hay chê bai. Nhưng trong câu tiếng Anh thì nó là một thành phần độc lập; còn trong tiếng Quảng Đông thì cấu trúc [你個頭] “nẹy cô thầu” (“cái đầu mầy”) là một thành phần phụ thuộc, luôn luôn “dính” vào một vị từ đứng trước nó, đồng thời vị từ này phải là từ diễn đạt khái niệm mà người sử dụng cấu trúc này phản đối, đã được dùng trước đó trong lời của người đối thoại kia.
Vậy thì tiếng Việt cũng có cách để diễn đạt hàm nghĩa của cấu trúc “nẹy cô thầu”[你個頭] của tiếng Quảng Đông. Với cái thí dụ “Hổu nẹy cô thầu”[好你個頭], ta có thể dịch thành “Tốt cái gì!” hoặc “Tốt (cái) gì mà tốt!”, y chang như tiếng phổ thông “Hǎo shén.me hǎo”[好 什么好].
        Trở lên, chúng tôi đã phải dẫn CRIonlinehk.knowledge.yahoo.com và Chinese-forums.com để bạn đọc có thể thẩm tra lại trên “giấy trắng mực đen” chứ thực ra, riêng cá nhân người viết câu trả lời này thì đã có thể sử dụng thành thạo cái cấu trúc trên đây của tiếng Quảng Đông từ những năm đầu của “tuổi teen”, khi chơi với các bạn thiếu niên người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Một đứa trẻ mười hai, mười ba tuổi mà còn làm được như vậy thì nếu thực sự có trách nhiệm và đừng làm kiểu “mì ăn liền”, người lớn kinh doanh phim Tàu Hongkong  đâu có dịch sai, dịch ẩu mà làm hại đến “sức khoẻ” của tiếng Việt như thế. Thâm chí không phải là dịch, mà là dùng nó như một quán ngữ thực thụ sẵn có của tiếng Việt một cách ngu xuẩn.
        “Sức khoẻ” (santé) là hai tiếng mà chúng tôi mượn của bà Jacqueline de Romilly, nữ viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, chủ mục “Santé de la langue” (Sức khoẻ của ngôn ngữ) trong tạp chí Santé Magazine(Tạp chí Sức khoẻ). J. de Romilly khẳng định : “Nói chung, thói thông thái rởm là tấm bình phong của sự dốt nát hoặc của sự mù mờ trong tư duy.” (Dans le jardin des mots [Trong vườn từ ngữ], Editions de Fallois, 2007, p.14). Vậy xin các nhà làm phim liên quan chớ có tiếp tục “cái đầu mầy”, “cái đầu mầy” một cách lố bịch.
Nguồn: Facebook An Chi (Huệ Thiên)

No comments:

Post a Comment