Tuesday, 13 November 2012

CHỮ HÚY ĐỜI LÊ SƠ - Ngô Đức Thọ

Tiếp tục chuyên đề nghiên cứu chữ húy trên văn bản Hán Nôm Việt Nam(1), trong bài viết này chúng tôi trình bày kết quả khảo sát, nghiên cứu thể lệ kiêng húy chữ viết thời Lê sơ (1428-1527), tức là từ đời Lê Thái Tổ đến trước khi Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê). Phương pháp của chúng tôi vẫn là sưu tập, lý giải những điều lệnh kiêng húy của triều đình, phối kiểm với những cứ liệu văn bản hiện có trong từng thời gian tương ứng. Từ đó rút ra những nhận xét có thể dùng làm cơ sở cho việc giám định các văn bản thời Lê sơ.
I. Danh mục các chữ húy
1. Từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông: Đại Việt sử ký toàn thư(2) ghi khá đầy đủ các chữ húy đã được triều đình ban bố trong giai đoạn này: Lê Thái Tổ ban bố 7 chữ (Tháng 5-1428), Lê Thánh Tông bán bố 1 chữ (3-1435), Lê Nhân Tông ban bố 2 chữ (4-1443), Lê Thánh Tông ban bố 2 chữ (2-1461). Cộng 12 chữ.
Nhìn chung, điều lệnh tháng 5-1428 là quan trọng hơn cả, trong đó quy định miếu húy đến đời ông bà nội của Lê Thái Tổ. Các đời vua sau tiếp tục ban bố thêm tên húy của vua đương triều và tên húy của mẹ vua.
Ngoài việc ban bố tên húy vua đương triều, điều lệnh 4-1443 thời Nhân Tông nhắc lại miếu húy của các đời trước gồm 7 chữ (Toàn thư, BK11,59a), soát lại từ đầu, thấy thiếu 1 chữ. Điều lệnh tháng 2-1461 thời Lê Thánh Tông, cùng lúc với việc ban bố tên húy của vua và mẹ vua, cũng nhắc lại các chữ miếu húy, gồm 9 chữ. Xem lại các chữ húy và quan hệ các bậc tiên thế trong gia đình Lê Thái Tổ, chúng ta có thể nhặt ra chữ 學 (Học) đã thôi kiêng húy từ thời Lê Nhân Tông (Lê Học là anh cả của Lê Lợi, tức là cửa nhà bác, đến đời Nhân Tông không thờ ở Thái Miếu nữa).
2. Từ đời Lê Hiến Tông đến Lê Cung Hoàng: giai đoạn này có 6 đời vua, nhưng Toàn thư chỉ ghi 2 lần có lệnh kiêng húy. Chúng ta lưu ý điều lệnh về mùa xuân năm 1517: cùng với việc ban bố ngự danh, Lê Chiêu Tông sai Lễ bộ Thượng thư Đàm Thận Huy sửa định để ban bố miếu húy, gồm 20 chữ, nhưng Toàn thư không ghi rõ là những chữ nào. Vì vậy, để lên bảng chữ húy thuộc giai đoạn này, chúng ta cần biết rõ 20 chữ miếu húy do nhóm Đàm Thận Huy sửa định.
Trong khoảng hơn một chục năm (1505-1516) trước khi Chiêu Tông lên ngôi, triều đình nhà Lê đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng do việc tranh giành quyền bính trong hoàng tộc, nhất là dưới thời Lê Uy Mục. Chính Uy Mục đã giết chú ruột là Kiến vương Lê Tân và ba con của ông này, trong đó có Cẩm Giang vương Lê Sùng. Vì vậy, dễ hiểu rằng sau khi được lập làm vua, Chiêu Tông (con Lê Sùng) không chấp nhận tên húy của Uy Mục trong danh sách miếu húy(3).
Mặt khác, đối với Chiêu Tông, chúng ta có thể xác định được những chữ miếu túy quan trọng nhất: Tên cha, Lê Sùng; tên mẹ, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Loan; ông nội Chiêu Tông là Kiến vương Lê Tân (được phong là Kiến Hoàng đế); bà nội là Huy từ Hoàng thái hậu Trịnh Thị Tuyên, tên húy của Trường Lạc Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Huyên (mẹ Hiến Tông).
Cộng là 9 chữ, thêm 11 chữ miếu húy thuộc giai đoạn trước, vừa đúng 20 chữ miếu húy ban bố thời Chiêu Tông.
Tiếp đến, chúng ta bổ sung những chữ húy đời Lê sơ chưa nêu trong bản thẩm định miếu húy năm 1517: 2 chữ về đời Lê Uy Mục, 1 chữ về đời Lê Cung Hoàng.
3. Tập hợp cả hai giai đoạn, chúng ta có thể lên một bảng Danh mục chữ húy đời Lê sơ gồm 25 chữ như sau:

Số Chữ Quan hệ Xuất xứ
Lê Thái Tổ(5-1428) 1 ĐINH - Ông nội vua Toàn thư, BK10, 58
2 QUÁCH - Bà nội vua -Nt-
3 KHOÁNG - Cha vua -Nt-
4 THƯƠNG - Mẹ vua -Nt-
5 LỢI - Tên vua -Nt-
6 TRẦN - Phạm Hoàng hậu (Cung Từ) -Nt-
7 HỌC - Anh cả của vua -Nt-
Lê Thái Tông (3-1435) 8 LONG - Tên vua Toàn thư, BK11,1a
Lê Nhân Tông (4-1443) 9
10
基 英
ANH
- Tên vua
- Tên mẹ vua (Tuyên Tử)
Toàn thư, BK11,59a
-nt-
Lê Thánh Tông(2-1461) 11 THÀNH - Tên vua Toàn thư, BK12,7a
12 DAO - Mẹ vua (Quang Thục) -nt-
Lê Hiến Tông 13 TRANH - Tên vua Toàn thư, BK13,8a
(3-1497) 14 HUYÊN - Mẹ vua (Trường Lạc) -nt-
Lê Thúc Tông 15 THUẦN - Tên vua Toàn thư, BK14,35b
16 HOÀN - Mẹ vua (Trang Thuận) Toàn thư, BK14,36a
Lê Uy Mục 17 TUẤN - Tên vua Toàn thư, BK14,39a
18 CẨN - Mẹ vua (Chiêu Nhân) -nt-
Lê Tương Dực 19 OANH - Tên vua Toàn thư, BK15,1a
Lê Chiêu Tông 20 TÂN - Ông nội vua Toàn thư, BK15,34a
(Xuân, 1517) 21 TUYÊN - Bà nội (Huy Từ) vừa là mẹ Tương Dực) -nt-
22 SÙNG - Cha vua -nt-
23 LOAN - Mẹ vua (Đoan Từ)
24 - Tên vua -nt-
Lê Cung Hoàng 25 XUÂN - Tên vua Toàn thư, BK15,61a


Trong danh mục trên đây, các chữ huý được ghi âm Hán Việt theo cách đọc ngày nay. Đối chiếu với bản dịch những sử tịch, bi ký chúng ta vẫn quen dùng thấy có một số dị biệt về cách đọc:
- Chữ (số 1), bản dịch Toàn thư, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng phiên là ĐINH; nhưng bản dịch Cương mục, Đại việt thông sử phiên là THỊNH, Quảng vận chú âm tiếng Hán thời Đường Tống là “Tha đinh thiết”, hạ bình thanh, đọc là Thịnh. Có thể đến thế kỷ XV, chữ đó còn đọc với phụ âm TH. Nhưng từ giữa thế kỷ XV trở về sau phụ âm TH của tiếng Việt hữu thanh hóa thành D (Xem: Nguyễn Tài Cẩn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, tr.320). Nếu các chữ húy khác đều phiên âm theo cách đọc ngày nay, thì chữ 汀 phiên là Đinh có phần hợp lý hơn.
Chữ (số 13): bản dịch Toàn thư (1968, 1985) phiên là TRANH. Bản dịch Cương mục (tr.1183) phiên là Chanh. Có thể người dịch có chú ý trong khi dùng Ch để phân biệt? Lược truyện tác gia Việt Nam (T.I, tr, 267) và Niên biểu Việt Nam (Nxb. KHXH, 1970) lại phiên là Tăng, trong khi đó thì 2 chữ này thuộc vận bộ Canh, vận bộ cung cấp vần anh, in của âm Hán Việt, khác với vần ăng chủ yếu xuất phát từ vận bộ Chưng và Đăng thuộc nhiếp Tăng.
II. Những quy định kiêng huý và cứ liệu văn bản
1. Sau khi lên ngôi, tháng Tư năm Thuận Thiên 1 (5-1428) Lê Thái Tổ ban bố 7 chữ miếu húy, ngự danh, và quy định: “Phàm những chữ húy chính, khi viết đều không được dùng, nếu âm giống mà chữ khác thì không phải kiêng húy” (Toàn thư, BK10,58b).
Có hai cách để thực hiện quy định này:
Đổi hẳn, dùng chữ khác: Người soạn văn bản căn cứ vào những chữ húy đã ban bố để tự mình chọn cách thể hiện khác, hoặc chọn dùng chữ khác để không phạm húy. (Ở những trường hợp này văn bản vượt ra ngoài phạm vi khảo sát chữ húy). Phạm Đình Hổ cho biết: khi gặp tên húy của vua “thì đổi dùng chữ khác, như thời Lê sơ đổi Lợi thành Nghi, thời Hậu Lê đổi Ninh thành An là vậy”(4). Một ví dụ thay đổi địa danh vì kiêng húy thời Lê sơ: Đồng Lợi là tên huyện có từ thời thuộc Minh (châu Hạ Hồng, phủ Tân An), đến thời Lê sơ đổi làm huyện Đồng Lại (sau đổi là Vĩnh Lại, tức huyện Ninh Giang và phần phía nam huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng).
b) Dùng đúng chữ, nhưng viết biến dạng. Một giải pháp đặc sắc tiêu biểu cho cách viết chữ húy thời Lê sơ là tách đôi hai nửa chữ, rồi viết đảo vị trí bên phải sang bên trái (và ngược lại), bên trên thêm chữ nhỏ: “Tả tòng 左 从 , Hữu tòng 右 从 ” Đối với những chữ không cắt rời được trái phải thì tách rời phần trên và phần dưới, thêm chữ nhỏ “Thượng tòng 上 从 ”, “Hạ tòng 下 从”. Người đọc tự khôi phục đẻ nhận ra chữ đúng của văn bản.
Cách viết chữ húy theo kiểu này lần đầu tiên chúng ta thấy trong Văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn, Hàn lâm đãi chế Vũ Văn Phỉ viết chữ, dựng năm Thuận Thiên 6 (1433) ở Lam Sơn, trong đó có các mẫu chữ như:
LỢI ĐINH KHOÁNG THƯƠNG
右 左右 左右 左上 下
从 从从 从从 从从 从
刂 禾丁 氵廣 日君 艸
Cách viết, kiêng húy này được dùng trong những trường hợp trang trọng nhất, như để ghi tên húy của Lê Thái Tông trong Bia Hựu Lăng (No 13481), tên húy của Hiến Tông trong Bia Dụ Lăng (No 10556) v.v… Tuy vậy, nó có nhược điểm là không giữ được tính nguyên vẹn của một khuôn chữ, lại có thể dùng để tỏ cách kiêng húy đối với những nhân vật khác ngoài hoàng tộc, như chúng ta thường thấy nhiều trong các bia mộ chí hoặc gia phả do người đời sau biên soạn. Do đó, người đương thời đã tiến thêm một bước, tổ chức lại cách viết đó: bỏ qua hai chữ “tả”, “hữu” thu ngắn nhánh chân bên phải của chữ “tòng”, và ép hai nửa chữ khít lại với nhau thành một khuôn chữ thống nhất (Xem mẫu ở ảnh 2). Đây chính là kiểu chữ kiêng húy chủ yếu ở thời Lê sơ, trước đó dưới thời Trần - Hồ chưa thấy xuất hiện. Đối chiếu với những công trình nghiên cứu thể lệ kiêng húy của Trung Quốc, như cuốn Sử húy cử lệ của Trần Viên(5), thì thấy cách viết kiêng húy này riêng có ở Việt Nam, không có ở Trung Quốc.
2. Ngoài cách viết chữ húy chủ yếu nói trên, khoảng đầu đời Lê sơ chúng ta có gặp một ít trường hợp viết kiêng húy theo cách bớt nét (khuyết bút), hoặc bớt nét có đánh dấu bằng vòng tròn (theo cách viết chữ húy của đời Trần) như chữ Học viết bớt nét @ trong Văn bia Vĩnh Lăng, hoặc bớt nét thêm vòng tròn @ trong bia Hựu Lăng (Xem ảnh 1).
Thư tịch, bi ký thời Lê sơ trong khoảng thời gian điều lệ 5-1428 có hiệu lực hiện còn lại quá ít. Ngoài mấy văn bia đã dẫn ở trên, chúng ta hầu như chỉ còn giữ được 20 tấm ván khắc của bộ sách Cao thượng Ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh âm thích do Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phát hiện được ở Linh Tiên quán và công bố năm 1979(6). Với những cứ liệu ngữ ngôn, văn tự (chủ yếu là chữ kiêng húy), Giáo sư đã xác định giới hạn niên đại của bộ ván khắc này trong khoảng 1434-1443, qua đó chúng ta có 4 mẫu chữ kiêng húy (Khoáng, Thương, Lợi, Long; xem ảnh 2) do người đương thời khắc viết.
Một tài liệu khác là cuốn sách in Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Trong nước hiện không có nguyên bản cuốn sách này, nhưng có một bản sao chụp do nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp đưa từ Paris về tặng Viện Nghiên cứu Hán Nôm năm 1980. Bản sách này khắc in khoảng đầu thế kỷ XVIII(7), nhưng đặc biệt là người ta đã làm bản khắc bằng cách in vào thời Lê sơ. Những chữ như Ninh (tờ 31a, 31b), Tân (tờ 36b), Đề (tờ 45b), Tùng (tờ 47a) v.v… là chữ húy đời Lê Trung hưng đều không kiêng húy. Trái lại, văn bản này bảo tồn mấy kiểu viết kiêng húy của thời Lê sơ như:
- Lợi 利 = Tờ 6a có chữ Lợi viết kiêng húy @ trong câu: “Tồn vong câu Lợi lạc”
(Dịch Nôm: Sống chết cùng lợi lạc), xem ảnh 3.1.
Tờ 41b lại có chữ Lợi viết kiêng húy theo một kiểu khác: @ (Hòa + Lực) trong câu “Mai đầu uế Lợi 穢 利 ” dịch Nôm = Vùi đầu trong Lợi nhơ), xem ảnh 3.2. Người viết cố ý viết thòi đầu chữ Đao cho thành chữ Lực để thể hiện biến dạng kiêng húy (chữ Lợi thường viết 利 , nhưng cũng có thể viết @).
- Trần 陳 : Văn bản có 4 chữ, viết kiêng húy theo hai kiểu.
a) Viết thiếu nét: @ (để hở nét sổ dọc của chữ động ở nửa bên phải), trong câu: “Mày hợp vâng trình 迈 合 邦 陳 ” tờ 32a, xem ảnh 3.3; @ (bỏ gạch ngang trong bụng chữ đông): 召 陳 @ 念
Chịu trình độc niệm, tờ 35a, xem ảnh 3.4.
b) Đổi kiểu viết khác: “Tốt trần nan tận” (dịch Nôm: cùng bày khôn hết), tờ 42b, xem ảnh 3.5; “phi trần thổ lộ: (Mở ra bày bảo), tờ 43a, xem ảnh 3.6; chữ Trần @ (= trình bày) trong những dẫn chứng trên được viết theo dạng @. Khang Hy tự điển cho biết chữ có dạng chữ cổ là @. Người viết lấy dạng chữ cổ này, nhưng bỏ bộ phụ ở bên trái, thành chữ @.
Tuy vậy, bản trùng san này kiêng húy không triệt để, cho thấy nguyên bản của nó được khắc in vào một thời điểm sau khi quy định kiêng húy 5-1428 hết hiệu lực (từ khoảng niên hiệu Hồng Đức trở về sau, xem tiếp ở đoạn dưới): Ta thấy trong văn bản có nhiều chữ Lợi, cả trong câu chữ Hán lẫn ở câu dịch Nôm, in nguyên dạng. Như: Vùi đầu trong lợi 利 nhơ” tờ 31b). Các tờ 25b, 44a, 45a v.v… đều có những chữ Lợi không viết kiêng húy. Chữ khoáng trong câu: “Hay sự mưu chửa rộng 曠 ” (dịch câu chữ Hán: “tri sự vị quảng” (tờ 7a). Chữ khoáng ở đây đọc theo âm Nôm là rộng, nhưng về chữ thì viết nguyên dạng chữ Hán, không thể hiện kiêng húy. Các chữ Long 龍 (15a, 30b); Thành 誠 (tờ 3a, 43b) đều không kiêng húy.
Điều lệnh kiêng húy 5-1428 tiếp tục cơ hiệu lực qua các triều Thái tông, Nhan Tông cho đén mấy năm đầu tiên niên hiệu Quang Thuận đời Lê Thánh Tông. Tháng 3-1435, triều Thái Tông nhân dịp ban bố tên húy vua đương triều đã nhắc lại và nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải kiêng húy chữ Trần: “… ai có tên hay họ trùng thì cho đổi chữ khác. Như tên húy của Cung Từ quốc thái mẫu là Trần cho đổi là Trình” (Toàn thư, BK11). Việc thúc giục đổi họ Trần thành họ Trình khiến ta nhớ lại sự kiện hồi đầu đời Trần triều đình cũng viện cớ kiêng húy để xuống lệnh đổi họ Lý làm họ Nguyễn mà lý do thực sự đã được soạn giả Toàn thư nói thẳng ra là “để tuyệt lòng mong nhớ của dân đối với nhà Lý” (BK5,71). Sau khi Lê Lợi lên ngôi, tuy hết chiến tranh, nhưng quan hệ với nhà Minh rất căng thẳng. Vua Minh nhiều lần sai sứ sang đòi tìm con cháu nhà Trần để phong làm vua (Xem Toàn thư, BK10,59a). Lê Lợi nhiều lần sai sứ sang cầu phong cũng chỉ được phong làm Quyền thự An Nam quốc sự (2-1431). Trong tình hình đó, triều đình nhà Lê không muốn ai nhắc nhở đến họ Trần để tránh mọi sự rắc rối. Do đó chúng ta dễ nhận ra chữ Trần là một tên huý giả đã được chính Lê Lợi gài đặt rất khéo trước hoặc trong khi viết Lam Sơn thực lục, sau đó được chuyển tiếp ghi nhận trong các sử sách của triều Lê sơ, chúng ta vì thế cũng phải đối xử với chữ đó như một chữ húy thực sự. Những người mang họ Trình, như Trình Thuấn Du, Trình Hiển (đều thi đỗ khoa Minh kinh năm 1429), Trình Thanh (đỗ khoa Hoành từ năm 1431) v.v… trước đều là họ Trần, đổi họ để đi thi theo quy định kiêng húy đời Lê sơ.
Mấy chục năm sau, Lê Thánh Tông lên ngôi chưa được bao lâu cũng phải xuống lệnh sai yết bảng cho người họ Trần đổi thành họ Trình, đủ biết các vua đầu đời Lê sơ quan tâm đến chữ húy này đến mức nào.
Cũng dưới thời Thánh Tông, sử ghi điều lệnh tháng 5-1462; “Chữ húy của quốc triều, nếu hai chữ liền nhau thì không được dùng, nếu rời ra chữ một thì cũng cho dùng, nhưng thay bằng chữ khác, khuyên ở bên ngoài” (Toàn thư BK12, 10b). Quy định này có thể hiểu như sau: Nếu người nào đó viết văn mà định dùng cả hai chữ như Nguyên Long, Bang Cơ thì không được phép. Nhưng nếu dùng rời chữ Long hoặc chữ Cơ thì được phép dùng, nhưng phải viết biến dạng cho thành chữ khác, khuyên tròn ở bên ngoài. Sở dĩ có quy định thêm như vậy vì thời Lê Thái Tổ tên húy của vua chỉ 1 chữ, còn từ Thái Tông đến Thánh Tông các vua đều có tên húy 2 chữ, nếu chỉ dùng 1 chữ rời mà biến dạng đi thì vẫn cho dùng. Về cách viết kiêng húy đại thể như mẫu chữ Học đã nêu trên, không có gì mới.
5. Thời Lê Thánh Tông, sử còn ghi một việc khác về quy định kiêng húy, nhưng không nêu nội dung cụ thể, chỉ ghi: “Định rõ lại lệ kiêng húy” (Tháng 7-1466, Toàn thư, BK12,25a).
Để hiểu lệ kiêng húy đã được “định rõ lại” như thế nào, chúng tôi đã khảo sát những văn bia có niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức thời Lê Thánh Tông. Kết quả chúng tôi đã thu lượm được một lượng thông tin nhiều hơn điều ghi quá tóm tắt trong Toàn thư:
- Thác bản văn bia Đề Long Quang động tịnh tự khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông làm khi đi bái yết sơn lãng ở Lam Sơn trở về ghé thăm động Long Quang năm Hồng Đức 9 (1478), chữ Long 龍 trong tên bia khắc to nguyên dạng, không kiêng húy (No17345).
- Một bài thơ khác cũng của Lê Thánh Tông: Đề Hồ Công động, sáng tác và khắc bia cùng năm nói trên, trong đó có câu: Hoa Dương long hoá huyền châu trụy” (Hoa Dương rồng hoaa luồn ngọc rụng), chữ long 龍 cũng không kiêng húy No 20964, xem ảnh 4).
Đối với Lê Thánh Tông, tưởng không còn chữ nào quan trọng đáng kiêng húy hơn chữ long là tên húy của vua cha. Khắc những tấm bia Ngự đề như vậy bao giờ cũng là một sự việc quan trọng, thường phải do văn quan ở Viện Hàn lâm viết chữ, quan Trung thư giám trông coi việc khắc dựng bia. Nếu dự liệu mẫu chữ phải dâng lên vua ngự lãm, phê chuẩn rồi mới được thi công thì cũng không xa sự thật. Ấy vậy mà 2 tấm bia Ngự đề của Lê Thánh Tông dựng ở hai nơi danh thắng nói trên lại không kiêng húy chữ long. Điều đó không thể coi là “sơ suất” của thợ khắc, mà cho thấy rằng chính nhà vua cho phép khắc chữ như vậy, nói cách khác chính là do lệ kiêng húy đã được thay đổi khác trước.
- Cứ liệu khảo sát Bia tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám (Hà Nội) cùng phù hợp với nhận xét đó.
Xin nhắc lại rằng: việc dựng Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu để biểu dương nhân tài của đất nước là sáng kiến do Lê Thánh Tông đề xướng, giao cho các từ thần nổi tiếng ở Hàn lâm viện như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ v.v… soạn bài ký, các quan ở bộ Công lo việc khắc dựng bia. Ngày 15 tháng 8 năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) dựng loạt đầu tiên gồm 9 tấm bia, ghi tên các Tiến sĩ kể từ khoa Nhâm Tuất Đại Bảo 3 (1442) đời lê Thái Tông đến khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) đời Lê Thánh Tông (Xem: Toàn thư, BK13,41a; cũng xem: Cương mục, Cbieen23,41). Ở một nơi mẫu mực, tôn nghiêm như Văn Miếu, khó có thể tưởng tượng rằng một quan Hàn lâm viện hoặc một nhóm thợ khắc đá nào cả gan dám khắc viết những chữ sau đây:
- Bia khoa Nhâm Tuất Đại Bảo 3 (1442), dòng 24; “dĩ long hổ chi hiệu (lấy hiệu long hổ), chữ Long không kiêng húy (ảnh 3,5); dòng 3 phải sang có tên của Tiến sĩ Khúc Hữu Thành 曲 有 誠 : tên húy của chính vua đương triều, không kiêng húy (No 1358, xem ảnh 6).
- Bia khoa Mậu Thìn Thái Hòa 6 (1448) có tên Tiến sĩ Trần Duy Hinh 陳 惟 馨 : chữ Trần không kiêng húy, người mang họ tên này cũng không đổi họ Trần làm họ Trình (No1323).
Bia các khoa: Ất Mùi Hồng Đức 6 (1475) có tên Đô ngự sử Trần Phong 陳 封 , Hoàng Giáp Trần Thâm 陳 深 (No1353); Khoa Mậu Tuất Hồng Đức 9 (1478) có tên của bảng nhãn Trần Bích Hoành (ảnh 7); Trần Quý Nghị (No1313), Những chữ Trần đã dẫn trên đều không kiêng húy.
Những cứ liệu trên đây thu được trong số 9 bia dựng đợt đầu tiên (1484). Nó sẽ không có được nếu như vào năm ấy triều đình chưa thay đổi lệ kiêng húy. Và như chúng ta đã thấy, sự thay đổi đó là hoàn toàn không đòi hỏi kiêng kỵ đối với tất cả các chữ húy đã quy định từ trước.
Để biết rõ vua Lê Thánh Tông đã rút bỏ lệnh kiêng húy chữ viết từ bao giờ, chúng tôi đã tìm ngược lên những văn bia có niên hiệu trước 1484, và cũng đã tìm thấy một mốc thời gian khá có ý nghĩa: Tấm bia ở chùa Phúc Thắng (nay thuộc xã Đức Thắng huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây), khắc dựng năm Hồng Đức thứ 1 (1470), đề Phúc Thắng tự bi (thác bản No18185), dòng 24 có câu: Diệc hiếu thiện chi đốc, lạc thiện chi thành (cũng dốc lòng hiếu thiện, thành tâm vui làm điều thiện), chữ Thành 誠 viết nguyên dạng không kiêng húy (ảnh 8). Dòng 14 có câu: Hậu lai ấp chi nhân lợi kỳ lợi, lạc kỳ lạc 後 来 邑 之 人 利 其 利 ,樂 其 樂 Hai chữ Lợi khắc rõ ràng không kiêng tên húy vua sáng nghiệp nhà Lê.
Từ năm Hồng Đức 1 (1470) đi ngược lên Quang Thuận 7 (1466) là năm sử ghi triều Lê Thánh Tông “định rõ lại” lệ kiêng húy” còn hơn 3 năm nữa. Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện chỉ có 1 thác bản văn bia thuộc khoảng thời gian này, nhưng không có chữ liên quan đến lệ kiêng húy. Tuy vậy, với những cứ liệu đã dẫn trên, tạm đủ để thấy được rằng: Nội dung của việc “định rõ lại lệ kiêng húy” tháng 7-1466 không gì khác hơn là quy định giải toả việc viết kiêng húy đã nêu trong các điều lệnh kiêng húy trước đó. Đây là một quyết định thay đổi có ý nghĩa tích cực, vì nó xoá bỏ mọi sự gò bó cho người cầm bút, in sách, khắc bia do việc kiêng húy chữ viết gây ra. Lê Thánh Tông có tiếng là ông vua văn học, uyên bác cổ kim, không vì lề thói cũ mà bắt ép thần dân của mình phải bày tỏ sự kính trọng đối với hoàng tộc bằng cách thay sửa nét chữ vốn có từ ngàn xưa. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa, xứng đáng với danh tiếng của ông, chỉ vì sử ghi không rõ ràng cho nên từ trước đến nay ít người biết đến.
Kết luận trên đây hoàn toàn phù hợp với cứ liệu văn bia suốt cả niên hiệu Hồng Đức chứ không chỉ dừng ở năm 1484. Các chữ Trần (họ Trần) trong Bia Tiến sĩ các khoa Hồng Đức 18 (Trần Sùng Dĩnh, No1361), Hồng Đức 27 (Trần Củng Uyên, Trần Tước, Trần Khải Đễ, No1310) v.v…
Việc giải toả lệ kiêng húy chữ viết không chỉ dừng lại dưới thời Lê Thánh Tông, mà còn tiếp tục có hiệu lực trong các năm sau. 26 thác bản văn bia có niên hiệu Cảnh Thống (1498-1504), Hồng Thuận (1509-1516) hiện có ở Viện Hán Nôm mà chúng tôi đã khảo sát, có thể nêu lên những bia có chữ không kiêng húy như: Hiển Thụy am bi dựng năm Cảnh Thống 3 (1500) có các chữ Long, Anh, Thành không kiêng húy (No1223); Ngự đề Long Quang động khắc 2 bài thơ của Lê Hiến Tông sáng tác khi đi thăm động Long Quang, do Trung thư giám Ngô Ninh viết chữ, dựng năm Cảnh Thống 4 (1501) không kiêng chữ Long là tên húy của Lê Nhân Tông, ông nội vua đương triều No17346, xem ảnh 9); Bia Dụ lăng (lăng Lê Hiến Tông) có chữ Long nguyên dạng (No10556, xem ảnh 10) Cổ tích linh từ bi ký do Thư cục cục phó Bùi Nhữ Dịch khắc năm Hồng Thuận 2 (1510) có 3 chữ Thương không kiêng húy (No1954); Bá Khê hầu mộ chí dựng năm Hồng Thuận 3 (1511) có chữ Anh không kiêng húy (No13546); Vô Vi tự bi dựng năm Hồng Thuận 7 (1515) có các chữ Long Thương khắc nguyên dạng (No1942).
Như vậy các triều vua từ Lê Hiến Tông đến Lê Tương Dực vẫn tiếp tục giải toả lệ viết kiêng húy. Tiếp đến khi Lê Chiêu Tông lên ngôi, thấy phả hệ hoàng tộc đã có phần phồn phức do việc ngôi báu đã chuyển sang dòng thứ, vua bèn sai Thượng thư bộ Lễ Đàm Thận Huy xét định và ban bố 20 chữ miếu huý vào năm 1517 như chúng ta đã biết, đồng thời triều đình cũng xuống lệnh nêu rõ: Phàm khi làm văn, viết và in sách vở đều không cấm, nhưng tiếng đọc thì đều phải tránh, hai chữ liền nhau như loại “Trung Tại”(8)) đều không được viết liền nhau (Toàn thư, BK15,34a).
Căn cứ những kết quả khảo sát ở trên, chúng ta thấy triều đình Chiêu Tông chỉ làm công việc nhắc lại quy định đã có từ năm 1466 đời Lê Thánh Tông. Nhưng vì lần trước sử ghi không rõ nên người đọc có thể hiểu lầm từ thời Chiêu Tông mới có quy định xoá bỏ lệ viết kiêng húy.
Cứ liệu cuối cùng là tấm bia ở Bến đò Cù Sơn xã Phượng Cách phủ Quốc Oai nay thuộc huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây khắc dựng năm Thống Nguyên 4 (1525) đời lê Cung Hoàng, chữ Đinh 汀 trong bia không kiêng húy (Cù Sơn độ ký No20118).
Như vậy, chúng ta có đủ cứ liệu để kết luận: Việc giải tỏa lệ viết kiêng húy bắt đầu từ năm Quang Thuận 7 (1466) tiếp tục có hiệu lực cho đến hết thời Lê sơ.
III. Kết luận
Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu lệ kiêng húy chữ viết thời Lê sơ đã trình bày, chúng tôi rút ra những nhận xét và kết luận tóm tắt dưới đây, có thể dùng làm cơ sở để vận dụng vào công tác nghiên cứu văn bản học:
1/a- Từ đời Lê Thái Tổ đến đầu đời Lê Thánh Tông, triều đình ban bố 12 chữ húy (từ số 1 đến 12 trong Danh mục). Khi viết, nếu gặp những chữ này thì phải thay dùng chữ khác. Nếu muốn dùng đúng chữ húy thì phải viết biến dạng để tỏ ý kiêng húy.
b- Cách viết biến dạng có thể viết bớt nét thêm vòng tròn nhỏ (theo cách viết kiêng húy của đời Trần), nhưng chủ yếu là theo cách viết “Tả tòng, hữu tòng”: hoặc tách hai dòng hẹp, hoặc dùng bộ ký hiệu 从从 đặt tên khuôn chữ viết đảo vị trí.
2. Trong năm Quang Thuận 7 (1466) đời lê Thánh Tông, lệ viết kiêng húy đã được xóa bỏ. Quy định đó có hiệu lực cho đến hết thời Lê sơ (1527).
3. Vì lý do nói trên, các văn bản thời Lê sơ từ sau năm 1466 đều không đòi hỏi phải viết kiêng húy (đối với tất cả 25 chữ húy đã nêu trong Danh mục), chỉ trừ 3 trường hợp tên của vua gồm 2 chữ là Nguyên Long, Bang Cơ, Tư Thành thì không được dùng liền cả hai chữ. Những trường hợp văn bản thời Lê sơ vì lý do nào đó mà vẫn có chữ viết kiêng húy thì chỉ xem như ngoại lệ.

CHÚ THÍCH
(1) Xem: Ngô Đức Thọ - Bước đầu nghiên cứu chữ húy đời Trần. Nghiên cứu Hán Nôm số1-1996, tr.17-33. Cũng xem cùng một tác giả: An essay on taboo words in the Trần dynasty; Viet Nam social sciences No1+2 1986, pp.102-120.
(2) Viết tắt Toàn thư, dần theo số tờ của bản Chính Hòa thứ 18 (1697), BK là số quyển của phần Bản ký.
(3) Sau khi dẹp nhà Mạc, trở về kinh đô, vua Lê Thế Tông dựng lại Thái Miếu ở Thăng Long, cũng bỏ không thờ Uy Mục ở Thái Miếu (mới được dựng lại ở Thăng Long), xem: Lịch triều hiến chương loại chí, Lễ nghi chí (A.1551/4, Q.21, tờ 13-14).
(4) Phạm Đình Hổ: Tham khảo tạp ký (A.939), tờ 49a.
(5) Xem Trần Viên: Sử húy cứ lệ, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1962.
(6) Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb. KHXH, H.1979.
(7) Năm khắc in chính xác của bản trùng san này hiện chưa biết rõ, ở tờ 37a có dòng chữ đề: “Hậu Hòa quân doanh Trung quân Đô đốc phủ đô đốc Phó đô tướng Chưởng phủ sự (-) (-) Thái tể Tuyên quận công Trịnh Quán Theo Trịnh gia thế phả (A.1821) Trịnh Quán là con thứ 10 của Trinh Tạc. Theo Đại Việt sử ký tục biên (Bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1982, tr.172), Trịnh Quán được ban tước Tuyên Trung công năm 1730.
(8) Trưng Tại: tên của bà Nhan Trưng Tại, mẹ Khổng tử, soạn giả Toàn thư nên làm ví dụ.

No comments:

Post a Comment