Sunday, 11 November 2012

TÌM HIỂU DANH HIỆU HOÀNG ĐẾ VÀ DANH VỊ HOÀNG ĐẾ Ở VIỆT NAM - Phạm Văn Thắm

Phạm Văn Thắm 73. Tìm hiểu danh hiệu Hoàng đế và danh vị Hoàng đế ở Việt Nam
Cập nhật lúc 10h52, ngày 11/08/2009
Viện Nghiên cứu Hán Nôm


Hoàng đế (皇帝) là một từ gốc Hán mang các nét nghĩa người thủ lĩnh trong chế độ quân chủ hoặc người cầm quyền cao nhất trong các triều đại của chế độ phong kiến(1). Ở Việt Nam, từ Hoàng đế được dùng để chỉ nhà vua của một triều đại. Từ này xuất hiện lần đầu tiên vào thời Đinh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: 殿 (Mậu Thìn nguyên niên đế tức vị kiến quốc hiệu Đại Cồ Việt tỷ kinh ấp vu Hoa Lư động triệu tân đô trúc thành tạc trì, khởi cung điện chế triều nghi quần thần thượng tôn hiu viết Đại Thắng Minh hoàng đế. - Năm Mậu Thìn thứ nhất, nhà vua lên ngôi, dựng quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế. Hai chữ Hoàng đế được bề tôi sử dụng để tôn vinh nhà vua khi còn sống như là một danh hiệu. Từ Hoàng đế còn xuất hiện trong các trường hợp sau:
- Khi nhà vua lên ngôi trị vì đất nước, được gọi ngay là Hoàng đế. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn chép về vua Lý Thái Tông như sau: 太宗... (Thái Tông hoàng đế húy Phật Mã, nhất danh Đức Chính, Thái tổ trưởng tử... Thái Tổ băng lại Phụng Hiểu chi trung dũng đồng tâm tế nạn, tức Hoàng đế vị. - Thái Tông hoàng đế húy là Phật Mã, lại có tên Đức Chính, là con trưởng của Thái tổ... Khi Thái Tổ băng hà nhờ sự đồng tâm trung dũng của Phụng Hiểu cứu nạn đã lên ngôi hoàng đế). Đoạn chép về Lý Nhân Tông: ... (Nhân Tông hoàng đế húy Càn Đức, Thánh Tông trưởng tử... Thánh Tông băng toại tức hoàng đế vị, tại vị ngũ thập lục niên thọ lục thập tam tuế. - Nhân Tông hoàng đế húy Càn Đức, con trưởng của Thánh Tông... Khi Thánh Tông băng hà, bèn lên ngôi hoàng đế, ở ngôi 56 năm thọ 63 tuổi).
- Khi nhà vua băng hà, quần thần dâng tôn hiệu là Hoàng đế. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi vua Lý Thánh Tông băng hà, bề tôi dâng tôn hiệu Ứng thiên Sùng nhân Chí đạo Uy khánh Long tường Minh văn Duệ vũ Hiếu đức Thánh thần Hoàng đế. Như vậy, từ Hoàng đế được bề tôi sử dụng để tôn vinh nhà vua khi sống và khi mất như là một danh hiệu, hoặc tôn vinh nhà vua khi lên ngôi như là một danh vị. Sự khác nhau giữa danh hiệu và danh vị hoàng đế ở Việt Nam như sau:
1- Về danh hiệu hoàng đế
Hai chữ Hoàng đế (皇帝) xuất hiện lần đầu vào năm 221 trước công nguyên. Sử sách chép rằng Tần vương Doanh Chính tiêu diệt 6 nước Ngụy, Hàn, Triệu, Sở, Yên và Điền Tề thống nhất đất nước. Vua Tần cho rằng danh hiệu Vương () không thích hợp với ông bèn lệnh cho quan Thừa tướng và Ngự sử bàn đổi danh hiệu để công lao thống nhất đất nước của nhà vua được lưu truyền hậu thế. Khi bàn đổi danh hiệu, các quan đại thần là Thừa tướng Vương Oản, Ngự sử đại phu Phùng Khiếp, Đình úy Lý Tư cùng các vị có học thức uyên bác đã trao đổi với nhau rồi dâng thư nói rằng công lao của nha vua rất to lớn, các bậc ngũ đế cũng không sánh được, đời xưa có tam hoàng là Thiên hoàng 天皇, Địa hoàng 地皇 và Thái hoàng 泰皇, trong đó Thái hoàng 泰皇 là cao quí nhất, nên xin đổi danh hiệu vương là Thái hoàng. Tần Doanh Chính sau khi xem xét đã hạ lệnh bỏ chữ Thái để lại chữ Hoàng , lấy chữ đế thời thượng cổ để ghép lại thành Hoàng đế 皇帝. Ý nguyện của Tần Doanh Chính lấy hiệu hoàng đế là để công lao sự nghiệp của ông được lưu lại cho con cháu muôn đời. Từ hoàng đế một khi xuất hiện được các triều đại quan niệm đó là danh hiệu cao quí nhất, cho nên các đời vua về sau đều dùng danh hiệu này. Như vậy, hoàng đế là một danh hiệu mang nét nghĩa tôn kính, không có nội dung cụ thể.
2- Sự khác nhau giữa danh hiệu và danh vị hoàng đế
Tần Doanh Chính sau khi lấy hiệu Hoàng đế, sai bề tôi suy nghĩ đề xuất các nội dung bảo đảm quyền uy hành xử cho Hoàng đế. Trước hết, về cách xưng hô, Hoàng đế tự xưng là Trẫm , mệnh ban ra gọi là chế , lệnh ban xuống gọi là chiếu . Đến đời Hán, những qui định cho danh hiệu Hoàng đế được cụ thể hơn. Thiên tử nhà Hán chính hiệu là Hoàng đế tự xưng là Trẫm. Thần dân gọi Hoàng đế là bệ hạ 陛下. Lời của Hoàng đế gọi là chế chiếu 制詔, sử quan ghi chép sự việc dâng lên vua gọi là thướng . Vật dụng hoàng đế dùng như xa giá, y phục, khí giới gọi là thừa dư 乘與. Nơi hoàng đế ở gọi là cấm trung 禁中, ấn hoàng đế dùng gọi là tỷ . Mệnh lệnh của Hoàng đế ban ra gọi một là sách thư 策書, hai là chế thư 制書, ba là chiếu thư 詔書, bốn là giới thư 戒書. Như vậy, danh vị hoàng đế mang một nội dung cụ thể gồm: từ ngữ xưng hô giữa hoàng đế với dân chúng có khác nhau biểu thị địa vị tôn kính; các cách thức gọi các vật dụng mà hoàng đế sử dụng biểu thị sự linh thiêng thánh thần của hoàng đế; các qui chế thi hành chính lệnh dựa trên các bằng cứ ấn triện, chiếu thư... bảo đảm sự quyền uy trong việc hành xử của Hoàng đế. Những qui định cho danh vị hoàng đế ngày càng phát triển. Từ ngữ xưng hô không chỉ dành cho Hoàng đế mà còn dành cho cả người thân thuộc cùng huyết thống với hoàng đế như phụ thân của hoàng đế gọi là Thái thượng hoàng 太上皇, mẹ đẻ là Hoàng thái hậu 皇太後; vợ gọi là Hoàng hậu 皇后, con trai là Hoàng tử 皇子, con gái là công chúa 公主, cháu là Hoàng tôn ... sự xuất hiện và thay đổi các mĩ tự ghi niên hiệu của hoàng đế, các miếu hiệu, thụy hiệu, lăng hiệu đi theo hoàng đế đến khi mất đã biểu thị sự chính thống của thế hệ và tính liên tục của hoàng đế.. danh vị hoàng đế có nội dung bao hàm từ khi được tôn vinh, đến quá trình phát triển và kéo dài tận khi mất.
Ở Việt Nam, danh hiệu Hoàng đế được dùng để tôn vinh nhà vua khi sống và khi mất. Còn danh vị Hoàng đế mang một nội hàm cụ thể. Trước hết về từ ngữ xưng hô. Điều thống nhất giữa các Hoàng đế ở Việt Nam khi nắm quyền thì đều xưng là Trẫm, thần dân xưng hô với Hoàng đế là bệ hạ. Nhưng cũng có vị vua như Lý Thái Tông khi nắm quyền thì chiếu lệnh cho các quan tâu việc trước mặt vua thì gọi vua bằng Triều đình(2), Lý Cao Tông bảo người gọi vua bằng Phật. Hoặc như nhà Trần gọi vua bằng Quan gia... Về từ ngữ chỉ các vật dụng vua dùng thì đều có chữ Ngự như bài thơ vua viết ra gọi là Ngự đề, xe vua đi gọi là Ngự giá. Điều quan trọng hơn là xem xét các phương tiện giành cho vua thực thi quyền lực như ấn triện, chiếu chế, dụ chỉ...
Chú thích:
(1) 四角 號馬 新 辭典 。 商務印書館 。 1996。 北京 。
(2) Đại Việt sử ký toàn thư. T.I, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.256.
Tài liệu tham khảo
1- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1998.
2- 中國官制史。中國出版集團。東方出版中心2001.
3-中國官制大辭典黑龍江出版社./.

No comments:

Post a Comment