Saturday, 10 November 2012

Nguồn Gốc Chức Linh Mục Trong Tân Ước (Nguyễn Khắc Hy)



Từ Ngữ Và Vai Trò Lãnh Đạo
Trong bài trước, chúng ta đã bàn đến gốc của danh từ Linh Mục. Trong Thánh Kinh viết bằng tiếng Hi Lạp, họ dùng từ hiereus để chỉ Tư Tế của Do thái giáo và các dân ngoại.
Ngay trong Tân Ước, danh từ này cũng được dùng nhưng hạn chế trong thư gởi tín hữu Do Thái, thư 1 và 2 Phêrô và sách Khải Huyền. Tác giả của những thư trên dùng từ này để chỉ chức năng của một dân tộc hơn là cá nhân. Vì thế, nếu căn cứ vào danh từ chỉ chức năng cá nhân, chúng ta thấy vắng bóng hình ảnh Linh Mục (hiereus) trong Tân Ước. Mặc dù người đọc tìm thấy nhiều danh từ nói đến chức năng Tư Tế trong Do thái giáo cũng như ngoại giáo, nhưng không thấy nhắc đến Tư Tế/ Linh Mục là Kitô hữu hay trong Kitô giáo.
Khi không dùng danh từ hiereus, các tác giả Tân Ước dùng một từ khác để chỉ một chức năng tương tự trong cộng đồng Kitô hữu mới hình thành: presbyteros.[1] Chính từ này được dịch là Linh Mục ngày nay nên chúng ta cũng nên tìm hiểu nguốn gốc từ này trong lịch sử.
Như trong bài trước đã nói đến, từ “presbyteros” (nghĩa đen là “người lớn tuổi”) được dùng trong Kinh thánh chỉ những người đóng vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn Israel hơn là nhắm đển tuổi tác của họ.
Về mặt xã hội, thông thường những người lớn tuổi (Trưởng Lão – Bô Lão) thường là người đứng đầu một bộ tộc, hay chi họ, dù không nhất thiết là như thế. Họ cũng là những cố vấn của vua, của các quan quyền trong kế hoạch đất nước, nhất là khi có chiến tranh.
Thời Chúa Giêsu, từ “presbyteros” được dùng trong những cộng đoàn Do Thái lưu vong để chỉ những công dân được kính trọng, hay những nhà lãnh đạo cộng đoàn.
Trong Tân Ước, ta không đọc thấy danh từ này trong bốn phúc âm và trong các thư của thánh Phaolô,[2] nhưng ta thấy trong Công Vụ Tông Đồ, sách Khải Huyền, thư của Gioan, Timôthê, Titô và Giacôbê.
Thánh Luca dùng từ này nhiều lần trong Công Vụ Tông Đồ để nói đến vai trò lãnh đạo chính của cộng doàn, và thường là một vài người đồng lãnh đạo chứ không là một cá nhân.[3] Trong các thư của Timotê và Titô, danh từ presbyteros được dùng đồng nghĩa để chỉ một chức năng, một con người với từ episkopos.
Từ những bằng chứng trên, các nhà kinh thánh suy luận rằng, trong Tân Ước có nhiều danh từ khác nhau được dùng để chỉ vai trò lãnh đạo trong những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, tuy nhiên danh từ “Tông Đồ” và “Nhóm Mười Hai” là hai danh từ phổ biến và có ý nghiã quan trọng nhất. Ngoài Tin Mừng Gioan, cả ba thánh sử đều dùng 2 từ này.[4]
Thật ra, trong Tân Ước có nhiều danh từ nói lên vai trò lãnh đạo cộng đoàn như: thánh sử, thầy dạy, ngôn sứ và tôi tớ (hypèretès). Danh từ Mục Tử được dùng với ý là lãnh đạo mục vụ trong thư gởi Ephêsô, và “Thầy Giảng” (kèryx) cũng được dùng tương tự trong 1 và 2 Timôtê và Titô.
Qua nhiều danh từ dùng bởi nhiều tác giả hay cộng đoàn khác nhau, ta có thể kết luận rằng trong Tân Ước thời sơ khai, vai trò và chức năng giám mục và linh mục không rõ ràng với những phân biệt cụ thể như ta hiểu ngày nay. Những khác nhau về danh xưng trong nhiều cộng đoàn cũng nói lên quá trình tìm kiếm một danh xưng thích hợp và được chấp nhận bởi Giáo hội trong thời gian sơ khởi này.
Nói như thế chúng ta không từ chối lời dạy của Giáo hội trong Giáo lí Công Giáo là Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh, Truyền chức cho các Tông đồ/ Giám Mục, và các ngài tiếp tục truyền chức cho những người kế vị. Cái khác nhau là: một bên tìm hiểu về mặt lịch sử của chức Linh Mục, một bên nhắm đến thần học tính của chức Linh Mục.[5]
Dù thần học đi đối với lịch sử, vì lịch sử luôn là kết qủa của những tiến triển của thời gian và trong thời gian, nhưng thần học vượt thời gian, và được mặc khải trong thời gian, nhưng không nhất thiết phải luôn luôn là như vậy.
Chúa Giêsu Thượng Tế/ Linh Mục Thượng Phẩm
Giáo lí Công giáo dạy rằng chức Linh Mục của Chúa Kitô là điểm khởi đầu của những hiểu biết về chức năng Linh Mục. Về phương diện thần học, đây là điều không có gì tranh cải.
Nhưng về phương diện lịch sử, chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu Kitô không là một dấu hiệu tự nó đầy đủ để chứng minh những hiểu biết về chức năng Linh Mục ngày này. Nói cách khác, có nhiều diễn biến lịch sử về ý nghĩa chức năng Linh Mục được Giáo hội dạy mà ta không tìm thấy trong Kinh thánh hay trong vài thế kỉ đầu của Giáo hội.
Ví dụ, nhiều thần học gia Tin Lành lí luận rằng trong Kinh Thánh không nói đến chức Linh Mục như ta thấy ngày nay. Hay họ lí luận là Chúa Giêsu không thuộc dòng dõi Levi, và không là thầy Rabbi hay thành viên Pharisiêu, mà chỉ là một người dân bình thường trong xã hội Do thái, nên khi hiểu chức năng Linh Mục theo nghĩa bóng, họ cắt nghĩa rằng mọi người đều mang chức năng này, và không nhất thiết chỉ là những người được chọn để được tấn phong. Hơn nữa, hình thức tấn phong một linh mục (hay mục sư) chỉ là hình thức hành chính để quản trị hơn là về căn tính thần học của bản chất Linh Mục.[6]
Nhưng nhìn chung, những thần học gia Kitô giáo (Công giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành…) đều có một cái nhìn khá giống nhau về chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu.
Trước hết về mặt lịch sử, Chúa Giêsu được gọi là Linh Mục chỉ tìm thấy trong thư gởi tín hữu Do thái. Trong thư, tác giả so sánh hình ảnh Chúa Giêsu là Thượng Tế với Thượng Tế Do thái vào nơi Cực Thánh trong đền thờ mỗi năm một lần để hiến tế máu chiên làm lễ đền tội cho mình và cho dân (Heb 9:6-7).
Tuy nhiên, (nhất là với những ai hiểu chức năng Linh Mục ngày nay), ta không thấy tác giả liên kết Chúa Giêsu Thượng tế/ Linh Mục với Thánh Lễ hay Bữa Ăn Cuối Cùng, cũng như không nhắc đến rằng những Kitô hữu khác cũng là những Tư Tế/ Linh Mục (tư tưởng được anh em Tin Lành khai thác nói đến tính Linh Mục cộng đồng trong mọi Kitô hữu đã chịu phép thanh tẩy).
Hơn nữa, trong câu “chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Heb 10:10; và 7:27), cụm từ “Chỉ Một Lần Là Đủ” cắt nghĩa được tại sao không có hình bóng những Linh Mục khác trong Tân Ước: vì họ chỉ muốn nói đến một Giêsu Linh Mục/ Thượng Tế mà thôi, và không còn ai khác.
Ta cũng nên biết là thư gởi tín hữu Do Thái có thể được viết sau khi Jerusalem bị tàn phá (năm 70 AD). Vì không còn đền thờ nên Thượng Tế không còn vào đền thờ để dâng lễ hằng năm nữa. Do đó, chức năng dâng của lễ trong đền thờ để này tạm thời ngưng hoạt động. Ý nghĩa “Chỉ Một Lần Là Đủ” được hiểu rõ hơn trong hoàn cảnh lịch sử này, nghĩa là, lúc này các Thượng Tế không còn dâng lễ trong đền thờ, nhưng Đức Giêsu Kitô Thượng Tế đã làm thay “chỉ một lần là đủ” cho nhân loại.
Thứ hai, tư tưởng thần học đàng sau cách hiểu chức năng Tư Tế/ Linh Mục trong thư gởi Do thái là điều quan trọng và căn bản. Các thần học gia Kitô giáo đề cao chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu khi Ngài dâng lễ cầu nguyện và đền tội thay cho mọi người (Heb 10:12).
Theo quan niệm này (và là quan niệm mới, vì Tư Tế dâng của lễ chứ không dâng mình làm của lễ cho dân bao giờ) thì không đòi hỏi phải có những điều kiện như sinh ra trong dòng họ Levi, hay không cần dâng lễ vật ở nơi thánh thiêng như đền thờ, hay không theo một nghi thức nào. Đây là một bước ngoặt trong lối diễn giải sự liên kết chức năng Tư Tế/ Linh Mục của Cựu Ước với con người Đức Giêsu Kitô, và mở ra một chân trời mới cho cách hiểu về chức năng Tư Tế/ Linh Mục cho những người theo Ngài sau này. Nói cách khác, trong khi chức năng Tư Tế/ Linh Mục của Chúa Giêsu và các môn đệ là sự tiếp nối những gì được hứa và nói đến trong Cựu Ước, chức năng này không phải bị gò bó trong những luật lệ cũ giới hạn trong Do Thái giáo.
Thứ ba, nếu cách hiểu về chức năng Tư Tế/ Linh Mục trong thư gởi Do thái được xem là điểm khởi đầu về thần học Linh Mục, nghĩa là Chúa Giêsu Thượng Tế “vừa dâng lễ, vừa là của lễ”, thì rõ ràng thánh Phaolô đã có cùng một quan điểm thần học này cho dù Ngài không dùng danh từ này trong thư Ngài viết.[7]
Ngoài thánh Phaolô, trong Tân Ước nói chung, các thánh sử đều nhìn cuộc đời và cái chết Chúa Giêsu trên thánh giá như một hiến tế có tính cách tôn giáo (tư tưởng chết cho tội người khác, và chịu đau khổ vì người khác). Nhiều tác giả Tân Ước nói đến Chúa Giêsu là mục tử hay chủ chiên. Ví dụ, tác giả thư 1 Phêrô gọi Ngài là “Vị Mục Tử tối cao” (1 Pet 5:4), là Mục tử (1 Pet 2:25), là “Chiên vẹn tuyền, không tì ố” (1 Pet 1:19) dâng lên đền tội thế gian.
Những tư tưỏng này cùng được tìm thấy trong Tin Mừng Gioan nhiều lần khi Chúa Giêsu nói: ta là mục tử nhân lành, hi sinh mạng sống vì chiên (Jn 10:11-12), để gánh tội trần gian (Jn 1:29),
Thứ tư là trong khi thần học Tân Ước nhấn mạnh yếu tố chính của chức năng Tư Tế/ Linh Mục là cầu nguyện và dâng lễ vật, các thánh sử và các tác giả khác cũng không tách biệt mà còn gắn liền năng quyền Tư Tế với năng quyền Ngôn Sứ và Vương Đế như một phần bản năng của chức Linh Mục Chúa Giêsu.
Chẳng hạn thánh Gioan khi nói đến Thượng Tế là người dâng lễ đền tội cho dân, và là của lễ đền tội cho dân, thánh sử nói đến thịt và máu Con Người trở thành của ăn và của uống cho người khác (Jn 6:53-56). Thánh sử Gioan cũng nói đến vaì trò Ngôn Sứ như Thầy Dạy vì “chiên nghe và đi theo chủ” (Jn 10:27-28). Và tư tưởng vương quyền cũng được Gioan đề cao với cái chết của Chúa Giêsu khi bản án trên thánh giá có ghi: “vua dân Do thái” (Jn 19:19), và khi Chúa Giêsu nói với Philatô: “nước ta không thuộc về chốn này” (Jn 18:36).
Những tư tưởng này cũng được nhấn mạnh trong các thư của thánh Phaolô, trong thư 1 Phêrô, thư của Gioan và nhất là trong thư gởi Do Thái.
Trong thư gởi Do thái, chức năng Tư tế của Chúa Giêsu Kitô bao gồm vìệc Ngài được Chúa Cha chọn và tôn vinh (5:4-6), việc Ngài vâng phục (5:7-8), và chết để đem lại ơn cứu chuộc (9:15), và việc Ngài bầu cử cho chúng ta trên thiên đàng (7:25). Chức năng Ngôn Sứ của Chúa Giêsu Kitô được nói đến vì Ngài là con mà Thiên Chúa chọn để nói qua Ngài (1:1-2). Chức năng Vương Quyền được hiểu không chỉ thuộc dòng dõi Aaron hay Lêvi (để ứng nghiệm kinh thánh) nhưng là của dòng Menkisêdê, “vua của công chính” (7:2). Đồng thời Ngài cũng là vị Mục Tử cao cả đổ máu ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu cho chiên Ngài (13:20).
Tóm lại, theo thư gởi Do thái và tư tưởng thần học của những tác giả Tân Ước, vai trò Linh Mục của Chúa Giêsu được hiểu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vì tội làm con người xa Thiên Chúa, và con người không tự mình có khả năng làm hoà với Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã là Đấng mở đầu bằng việc cho Con Chúa xuống thế: “Thiên Chúa trong Đức Kitô, hoà hợp thế gian với Ngài” (2 Cor 5:19). Và vì sứ mạng của Ngài là chữa lành căn tính băng hoại của chúng ta qua việc mặc lấy chính nó, Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác yếu hèn, chịu đói khát, cực khổ, cám dỗ, hành hạ (Mt 8:17; Is 53:4), để không có gì mà Ngài không biết (Heb 4:15).
Danh Từ Linh Mục/ Tư Tế Được Hiểu Trong Tân Ước
Đa số những nhà Kinh Thánh ngày nay cho rằng trong Tân Ước, danh từ Tư Tế/ Linh Mục (hiereus) được dùng với 3 cách hiểu khác nhau.
Trước hết, đây là một từ chuyên môn dùng cho Tư Tế Do thái, và được nói đến vài lần trong Tân Ước.[8]
Thứ hai, chỉ trong thư gởi tín hữu Do Thái gọi Chúa Giêsu là Tư Tế (hiereus) với một vài điểm đáng chú ý. Một là Chúa Giêsu “trở nên” Linh Mục khi ngài vào nơi Cực Thánh, tức trong thư gởi Do Thái nói đến “sau khi sống lại từ cõi chết” và đến ngồi bên phải Chúa Cha. Theo cách hiểu này, Chúa Giêsu là Linh Mục trên trời chứ không là Linh Mục khi còn dưới thế. Hai là Chúa Giêsu “trở nên” Linh Mục chứ không “sinh ra là” Linh Mục như trong dòng dõi Lêvi, mà Ngài theo dòng Menkisêđê. Như thế Chúa Giêsu thay thế chỗ cho Tư Tế Do Thái dâng lễ trong đền thờ, và những ai theo Ngài cũng không cần Tư Tế nữa, vì chính Ngài ngự bên Chúa Cha để cầu nguyện cho họ luôn. Ba là tính duy nhất của Chúa Giêsu Linh Mục. Nghĩa là, chỉ có Chúa Giêsu là Linh Mục duy nhất trung gian giữa Thiên Chúa và con người (Heb 7:26; 9:28; 10;10).
Thứ ba, có 3 lần danh từ Tư Tế/ Linh Mục (hiereus) được áp dụng cho những ai theo Chúa Giêsu. Trong 1 Peter 2:5 mời gọi mọi người “trở nên tư tế thánh thiện”. Trong 1 Peter 2:9 nhắc nhở: “anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa…” Trong sách Khải Huyền nói: “Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này” (5:10)
Chính 3 đoạn văn trên áp dụng Tư Tế/ Linh Mục cho mọi người đã đem lại nhiều tranh cải giữa các nhà thần học.
Martin Luther và John Calvin (cha đẻ của các giáo phái Cải Cách Tin Lành) cho là mọi người đều là Tư Tế/ Linh Mục, và không có sự chọn lựa hay phân biệt. Công đồng Trentô (1545-1563) của Giáo hội Công Giáo phủ quyết lời dạy này, và cho là chức này chỉ dành riêng cho một số được chọn lựa mà thôi, nghĩa là, chỉ những ai chịu chức mới thật sự được hiểu đúng nghĩa Tư Tế/ Linh Mục.[9]
Tại Sao Ta Không Tìm Thấy Từ “Linh Mục” Trong Tân Ước Và Trong Những Cộng Đoàn Tiên Khởi
Đọc Kinh thánh và lịch sử Giáo Hội, ta không thấy từ “Linh Mục” được dùng để chỉ những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội. Câu hỏi là tại sao?
Dù không có giải thích nào tự xưng là có thể cắt nghĩa đầy đủ về lí do sự vắng bóng của danh từ Tư Tế/ Linh Mục được dùng trong Tân Ước và trong thời kì đầu Giáo hội, nhiều nhà Kinh Thánh cũng cố gắng chú thích tư tưởng này dựa theo những dữ kiện chứa đựng trong Tân Ước, với những phương pháp phê bình luận thiết thực để làm sáng tỏ vấn đề.
Cách giải thích được nhiều người chấp nhận là trong thời kì đầu, hình ảnh con người và chức năng Tư Tế của Do Thái giáo lúc đó có nhiều hoen ố nên không được nhiều người kính nể. Chẳng hạn như Tư Tế bấy giờ thi hành quyền lực hơn là phục vụ, hay Tư Tế không chuyên tâm vào việc thờ phượng.
Với tư tưởng này, vì các Kitô hữu tiên khởi không chấp nhận vai trò Tư Tế trong Do Thái giáo nên họ cũng không muốn những nhà lãnh đạo của họ phản ánh hình ảnh tiêu cực đó. Kết qủa là họ không muốn gọi người lãnh đạo cộng đoàn mình bằng danh từ Tư Tế/ Linh Mục.
Và đây là có thể là lí do đưa đến việc các sách trong Tân Ước không dùng từ này để chỉ những người lãnh đạo cộng đoàn.
Đến cuối thế kỉ thứ hai, danh từ Tư Tế/ Linh Mục bắt đầu được phục hồi để chỉ những người lãnh đạo cộng đoàn. Đây là một thay đối quan trọng trong những phát triển của phẩm trật Giáo hội.[10]
Kết Luận:
Khi nói về vai trò lãnh đạo trong Giáo hội sơ khởi, dù ta không tìm ra danh từ “Tư Tế” hay “Linh Mục” trong Tân Ước để chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tông đồ hay các Kitô hữu, nhưng tư tưởng thần học căn bản được nói đến trong Tân Ước, rằng Chúa Giêsu Kitô là (1) Tư Tế/ Linh Mục dâng của lễ đền tội; (2) là chính của lễ đền tội (hay của ăn nuôi sống người khác); (3) là trung gian giữa Thiên Chúa với con người; (4) là Đấng cầu bầu cho con người trên Thiên Đàng.
Chỉ trong và qua Đức Giêsu Kitô Linh Mục, căn tính và chức năng Linh Mục mới thật sự được hiểu và có ý nghĩa.


[1] Nên nhớ là từ presbyteros (Hilạp) dịch ra Latin là presbyter (và sang tiếng Anh “priest”, tiếng Pháp “prêtre”, tiếng Đức “priester”. Trong khi đó, từ nguyên gốc chuyên môn hiereus của Hilạp được dịch qua Latin sacerdos có mang tính hiến tế. Từ Presbyteros không có nghĩa hiến tế cho bằng nói đến những người lãnh đạo cộng đoàn (mà trong Tân Ước ngày nay dịch là Kỳ Mục – từ dịch tương đương nghĩa củaepiskopos).
[2] Thật ra trong Mt, Mk, Lk có dùng từ presbyteros, nhưng họ hoàn toàn không dùng để chỉ lãnh đạo cộng doàn Kitô hữu, hay nói đến CGS, mà nói đến Tu Tế Do thái mà thôi. Riêng với Phaolo, kể các tác giả thư Colôsê và Ephêsô mà ngày nay ta tin là viết thay cho Phaolô, cũng không dùng.
[3] Trong Công Vụ Tông Đồ, Luca có nói đến từ episkopos, nhưng dung từ presbyteros thường xuyên hơn.
[4] Đây là hai danh từ nói đến vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn. Với vai trò nhân chứng hay là những người theo Đức Giêsu Kitô, từ “Môn Đệ” được thánh Gioan dùng với một ý nghĩa đặc biệt. Và thánh Phaolô cũng dung nhiều từ khác nhau để mô tả vai trò lãnh đạo: ngôn sứ, thấy dạy, phó tế, tôi tớ, cha, giám thị (proistamenos) và phụng vụ (leitourgos). Đặc biệt là sau khi Chúa Giêsu Sống Lại, Nhóm Mười Hai đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng họ dần dần rút lui, và sau chương 12 cúa Công Vụ Tông Đồ, họ biến mất và nhường chỗ cho Paul và những tông đồ khác.
[5] Nhiều nhà Kinh thánh Tin Lành lên tiếng rằng trong Tân Ước, ta không đọc thấy chỗ nào nói đến Nhóm Mười Hai được gọi là giám mục hay linh mục, hay chi tiết hơn là không có việc họ được phong chức làm giám mục hay linh mục. Họ cũng lí luận rằng nếu ta tìm thấy có những liên quan đến chức năng này là vì ta đọc Tân Ước với cái nhìn ngược lại trong lịch sử. Nghĩa là, ta đọc Kinh thánh với phương thức eisegesis(đọc theo nội dung Tân Ước) chứ không exegesis (là chú thích nội dung, hay để cho bản văn nói chuyện với mình). Giáo hội Công giáo lien kết mật thiết Bữa Ăn Cuối Cùng và việc thiết lập chức vụ Linh mục.
[6] Chúng ta sẽ bàn về chức năng linh mục cộng đồng của mọi Kitô hữu và chức năng linh mục của những người được tuyển chọn để phục vụ công việc tông đồ của Giáo hội (tức các linh mục ngày nay) trong một bài khác.
[7] Tư tướng Chúa Giêsu Linh Mục được nhắc đến nhiều lần và nhiều cách trong các thư thánh Phaolô, khi Ngài nói đến sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu chuộc cho con người. Thánh Phaolô không ngừng nhắc nhở rằng sau khi sống lại, Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha vinh quang và đặt bên phải để Ngài thi hành chức năng Tư Tế/ Linh Mục là tiếp tục công việc tự hiến mình và chuyển cầu cho chúng ta (Rom 8:34). Thánh Phaolô cũng nói đến Chúa Giêsu “đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa.” (2 Cor 13:4).
[8] Tiếng Do Thái gọi Tư Tế là kôhèn (và tiếng địa phương Chúa Giêsu nói Aramaic cũng dùng từ này). Trong thời kì Chúa Giêsu, văn chương Do thái (và rõ nhất là các sách Tân Ước) được viết bằng tiếng Hi lạp. Các tác giả Tân Ước dùng từ hiereus (Hi Lạp) để dịch chữ kôhèn.
[9] Chúng ta sẽ bàn đến lời dạy của công đồng Vatican II rằng “mọi thành viên chịu phép rửa đều có chức năng tư tế cộng đồng” (Lumen Gentium 10-13) trong một bài khác.
[10] Chúng ta có những tài liệu chính xác về sự tái phục hồi danh từ Tư Tế/ Linh Mục này qua 2 nguồn liệu ta có ngày này. Tài liệu thứ nhất là những bài viết được gọi là “Những Giáo Huấn các Tông Đồ – Didascalia Apostolorum”, được viết khoảng đầu thế kỉ thứ 3 nhằm giáo dục các tín hữu ở phía Bắc Syria. Bảng nguyên gốc (Hilạp) đã mất mát nhiều, nhưng bản dịch của tài liêu này ra tiếng Syriac vẫn còn gần như nguyên vẹn. Thứ hai là những bài viết của Origen nói đến Tư Tế trong Cựu Ước là báo trước cho Tân Ước, và Aaron là hình ảnh báo trước Chúa Giêsu Thượng Tế/ Linh Mục.

Lm Nguyễn Khắc Hy

No comments:

Post a Comment