Sunday, 4 November 2012

NGHỀ IN VÀ ĐỒ HOẠ SÁCH THỜI NGUYỄN - Lê Quốc Việt & Cung Khắc Lược

Cập nhật lúc 16h03, ngày 26/09/2007
LÊ QUỐC VIỆT – CUNG KHẮC LƯỢC
ĐH Mỹ thuật - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
1. Tìm hiểu nghề in và đồ họa sách ở Việt Nam thời xưa không thể không nhắc đến Lương Nhữ Hộc và nghề làm giấy của tiền nhân ta.
Phần Chư công nghệ tổ trong sách Liệt tiên truyện có chép: Hộc người Hồng Lục huyện Trường Tân lộ Hải Dương. Đỗ Thám khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Làm quan đến chức Đô ngự sử. Từng hai lần sang sứ Tầu và học được cách chế bản in. Sứ về, Hộc dạy cho dân Hồng lục và Liễu Tràng (gọi liền là Hồng - Liễu). Vì vậy dân Hồng - Liễu mới có nghề này. Sau Hộc mất, dân lập đền thờ, tôn làm Tổ Sư. Triều đình cũng ban Sắc chỉ phong làm Phúc thần.
Điều này cần được coi là một sự kiện quan trọng mang ý nghĩa căn bản với cơ sở pháp lý chính thống khẳng định rằng: có một vị Tổ nghề và làng nghề khắc in mộc bản trong lịch sử ở nước ta. Song vẫn có thể cân nhắc suy xét cho thật kỹ thì không có nghĩa là trước đó ở nước ta không có nghề khắc in mộc bản. Dầu sao trên thực tế mà nói, sự hoạch định thành Làng nghề hay Phường hội thì lại rất có thể phải từ sau khi Lương Nhữ Hộc đi sứ về nước và đem nghề khắc in mộc bản truyền dạy cho dân Hồng - Liễu. Hơn nữa cho đến nay chúng ta cũng chưa tìm thêm được tư liệu mang tính chất văn kiện lịch sử của Nhà nước phong kiến Việt Nam nào để có thể chứng minh sâu sắc hơn về vấn đề này.
2. Vậy còn vấn đế nghề làm giấy?
Mọi người đều biết rõ, giấy là một trong Văn phòng tứ bảo (bút, giấy, mực và nghiên). Giấy thực sự cần thiết không riêng gì đối với các quốc gia sử dụng Văn tự hình khối vuông.
Việt Nam là một nước có nền văn hiến lâu đời. Nhu cầu ghi chép, sáng tác và chế định các văn bản thành văn từ trung ương xuống các địa phương đến người có học, thậm chí đối với dân thường đã trở thành một tất yếu từ ngàn đời nay. Do đó nghề làm giấy ở nước ta ắt phải có truyền thống rất lâu đời, như một lẽ không có gì khó hiểu.
Có một tư liệu của người phương Bắc đã ghi nhận sự kiện quan trọng mà ta đặt thành vấn đề khảo cứu ở trên. Đó là cuốn sách Giao lưu văn hóa và quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước Trung - Việt (Bắc Kinh, 1957), tác giả Trần Tu Hòa có viết: “vào thế kỷ 3 sau Công Nguyên, người Việt đã dùng gỗ mật hương làm thứ giấy bản rất tốt gọi là giấy Mật Hương. Loại giấy này vào năm 284 đã được các thương nhân La Mã mua đến hàng vạn tờ”.
Ngoài ra qua các sách như Thập di ký của Vương Gia (thế kỷ IV), Vân đài loại ngữ (phần Âm Tự Loại), Phủ Biên Tạp Lục (phần Vật phẩm phong tục) của Lê Quý Đôn, cùng với một số chi tiết ghi trong các bộ sử lớn đều hé mở cho biết về những địa danh sản xuất của các loại giấy. Đó là các làng xung quanh khu vực Bưởi - Cầu Giấy như làng Yên (An) Thái, Tây Dương (tên nôm là Cầu Giấy) là hai làng chuyên làm Giấy Lệnh; làng Yên (An) Hoà, Yên (An) Quyết (tên nôm là làng Cót) là hai làng làm giấy thô; làng Hồ Khẩu (gọi nôm là Hồ) thường làm Giấy Moi; làng Động Xá thì làm Giấy Quỳ; làng Trung Nghĩa và Nghĩa Đô lại tập trung vào làm Giấy Sắc. Còn một số làng khác ở gần nhau thành Cụm Làng ở các xứ như Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh và cả Bắc Giang), Nghệ - Tĩnh (gồm Nghệ An và Hà Tĩnh), Thanh Hoa (nay gọi là Thanh Hóa)… cũng đều có làm các loại giấy.
Tìm hiểu về chủng loại giấy thời xưa, ta có thể thấy mấy loại như sau:
1. Giấy Bản, thường dùng để viết sách,
2. Giấy Lệnh, được dùng để viết lệnh chỉ,
3. Giấy Nghè, lại chuyên dùng viết sắc phong,
4. Giấy Quỳ, thường được dát vàng quỳ,
5. Giấy Moi, dân chúng thường dùng gói hàng,
6. Giấy Xuề, thường dai, bèn và dùng phất quạt giấy,
7. Giấy Thô, cũng dai và bền. Hai thứ giấy Xuề và Thô được dân các làng làm quạt như Kim Lũ (Lủ) Thanh Đàm (Thanh Trì nay), Lũ Xá (Lủa) Hà Đông,… mua về làm quạt giấy.
8. Giấy Nhũ Tương, dùng để viết đối liễn (câu đối), nền giấy thường có ngân nhũ điểm xuyết như hoa Mai trông rất đẹp;
9. Giấy Điệp, thường được các làng in khắc tranh dân gian như Hàng Trống (Trinh Kỳ, nay là Hà Nội), làng Đông Hồ (Hà Bắc), làng Kim Bảng và làng Hoàng Bảng (gọi liền là Kim – Hoàng, còn gọi theo nghề in tranh là làng Tranh Đỏ) rất ưa chuộng.
Đấy là chưa kể đến các loại giấy quý thuộc vào hàng thượng phẩm như:
1. Giấy Mật Hương,
2. Giấy Trắc Lý(1),
3. Giấy Hoa Tiên,
4. Giấy Ngự(2)…
Điểm qua các thuyết nói về vấn đề in khắc, có thể thấy như sau:
Theo Trí Văn trong Tìm hiều Kinh Pháp Hoa (đặc san Vu Lan 2, TC Hoằng Pháp, Hội Phật giáo Sài Gòn, 1973) thì: Suốt từ thế kỉ I đến TK III, đất Luy Lâu đã là một trung tâm Phật giáo và đã từng cho khắc in kinh Phật.
Còn theo Mâu Bác (tài liệu Lý hoặc luận), hay qua chùm thư tranh luận giữa Đạo Cao, Pháp Minh, Lý Miễu(3) thì sẽ có thể hiểu Phật giáo ở nước ta thời Bắc thuộc như thế nào.
Nếu án cứ vào ngôn từ trong lá thư của Đàm Thiên gửi Tùy Văn Đế nói về việc in khắc các bộ kinh ở Giao Châu cơ hồ ít chứng liệu để ta có một ý niệm tự hào về lịch sử ngành in nước nhà. Vì thế muốn đi đến một nhận định khoa học lại là điều phải hết sức dè dặt. Ta biết, Trung Quốc vào đầu thế kỷ II, Thái Luân mới cải tiến phương pháp làm giấy. Mãi tới trước sau thế kỷ VIII, họ mới phát minh ra công nghệ in ván khắc. Vì thế thuyết nói trên là không đích thực. Còn công nghệ khắc in sách ở ta thì qua các bộ sử lớn ít nhiều đều có đề cập đến, nhất là vào hai thời đại Lý - Trần. Khi mà Phật giáo đang được sùng thượng từ chốn triều trung râ đến ngoài thôn dã, thì triều đình đã biết lợi dụng cho san khắc nhiều lần bộ Đại Tạng kinh thỉnh được từ Trung Quốc về, rồi phổ biến cho các tự viện trong nước. Nhưng tất cả những gì chúng ta đã có được vào giai đoạn này đều đã bị Minh Thành Tổ ra sắc lệnh hủy diệt tất, nhất là khi Trương Phụ sang nước ta lần thứ hai. Suốt một thời kỳ từ lúc Nguyễn Trãi đọc Đaịi cáo Bình Ngô cho đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi vàng với không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm, vì nhiều lý do tác hại đã khiến cho sách vở của nước ta mất mát nhiều. Theo thống kê ban đầu thì 70% số sách còn lại thuộc di sản Hán Nôm lại là sách chép tay, còn các sách in mà có niên đại sớm nhất chỉ được tính vào thời Lê trung hưng trở lại đây, trong đó số sách in vào thời Nguyễn chiếm phần nhiều.
Bốn mươi năm đầu của vua Gia Long và Minh Mạng là thời kỳ vàng son trong sự trì trệ chung của thế cuộc nhà Nguyễn cho dù cũng có những thành công ghi nhận về các mặt hành chính, kinh tế, văn hóa… Song do bản chất lạc hậu, nền tàng tư tưởng bảo thú, cổ hủ, nằm trong khuôn sáo Nho giáo, bấy giờ chỉ còn là những công thức ràng buộc chết cứng mà thôi. Còn về phương diện Phật giáo nhìn ở không gian các làng xã và hệ Tam giáo mà lâu nay người ta vẫn gọi là “Tam giáo đồng nguyên”, theo chúng tôi thì có lẽ nên bám chặt vào không gian mà nó thực hiện cũng như khả thi lại chỉ đóng khung trong những ngôi chùa hẻo lánh ở trong các làng xã cụ thể, thì thực chất chỉ là Tam giáo đồng đường, chính bản thân nó cũng đã nhạt nhẽo đi nhiều chứ không còn là chỗ dựa tinh thần thực sự của giới trí thức và dân lao động. Người ta có đến những nơi ấy hành hương thì cũng chỉ đến trước những bệ thờ ba hình tượng: Khổng Tử, Thích Ca và Lão Tử, chứ không được trao cho một chất bổ dưỡng nào được gọi là hệ thống tư tưởng…
Nếu như công nghệ xuất bản sách ở Trung Quốc hưng thịnh nhất vào các đời Tống – Minh, thì ở Việt Nam đỉnh cao đó lại được đúc kết ở triều đại cuối cùng và là vương triều phong kiến Nguyễn. Dẫu có coi đó lầ sự cố gắng đi nữa thì vẫn không khỏi tỏ rõ sự cực kỳ chậm trễ so với các nước trong khu vực chứ chưa kể đến các phương trời khác.
Về sách vở và cơ sở in thời Nguyễn, thì theo thống kê của Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi thì ở nước ta thời này có khoảng 318 “nhà in”(4), đại bộ phận đều mang niên đại Nguyễn. Có một số sách gắn với vài cơ sở in có tiếng và tuổi thọ khá lâu như Phường in Hồng - Liễu 211 tuổi (1683-1904), Đa Bảo Tự 216 tuổi (1665-1881), Vinh Khánh Tự 157 tuổi (1750-1907), Đoan Nghiêm Tự 216 tuổi (1763-1903), Quốc Tử Giám 89 tuổi (1820-1909), Liễu Văn Đường 91 tuổi (1834-1925)…
Việc in sách còn gắn đến một số nhân vật khởi xướng phục hưng công nghệ in khắc trong giai đoạn này như: Hòa Thượng Phúc Điền (chùa Liên Phái), Trần Công Hiến (Hải Học Đường), Kiếu Oánh Mậu (Áng Hiên Hiệu), Trương Đăng Quế, Cao Xuân Dục…
Chưa bao giờ nghề in phát triển nở rộ như ở giai đoạn này. Xét về tính chất học thuật cùng nội dung các sách được in thì thấy liên quan đến khá nhiều vấn đề, từ tôn giáo, pháp chế, chính trị, xã hội, giáo dục, y tế, văn học, sử học đến nghệ thuật. Sách in ra được chia theo: Tạng (Phật điển) hoặc theo các Bộ: Kinh, Sử, Tử, Tập, Cử nghệ… và đều có lưu trữ trong các thư viện lớn thời Nguyễn như; Thư viện Tụ Khuê (1802-1840), Thư viện Quốc Sử Quán (1814), Thư viện Nội Các, Thư viện Học viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole francaised’ Extrême – Orient), thậm chí cả thư viện gia đình như của nhà Lê Nguyên Trung (1846)(5). Ngoài ra phải kể đến các thư viện và những nơi tàng bản thuộc các tổ đình quan trọng như chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Bổ Đà (Bắc Ninh), Vĩnh Khánh (Hải Dương), Bích Động (Ninh Bình), Liên Phái, Bà Đá, Hoằng Ân và đền Ngọc Sơn (Hà Nội) (vì Ngọc Sơn trước khi chuyển thành Đền vốn là Chùa). Đấy là chưa nhắc nhở đến một số nơi khác cũng có khắc ván in và tự in sách vở, ví dụ: chùa Đông Bộ Đầu (Vạn Điểm – Hà Tây) chùa Kim Hoàng (Hoài Đức – Hà Tây), chùa Quang Minh (Đồng Lao – Hà Tây).
Phân hoạch các đầu sách được khắc in ta có thể xếp thành 3 khu vực: 1 – Do triều đình phong kiến tổ chức và quản lý. 2 - Do Chùa, Đình, Đền, Quán, Miếu tiến hành. 3 – Do các Phường Hội, tổ chức Tư nhân đảm nhiệm.
Sự ưu viện về tài chính đã giúp cho các cơ sở do Nhà nước phong kiến quản lý tiến hành in các bộ sách đồ sộ và có giá trị điển hình như các bộ: Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam liệt truyện, Đăng khoa lục v.v… đều do Quốc sử quán đứng ra in khắc. Còn các Kinh sách thuộc phạm vi nhà chùa, đình, đền, quán, miếu, in ấn thì tính chất căn bản thường đi liền với những vấn đề liên quan tới tôn giáo. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Đạo giáo, Phật giáo không hề khắc in các đầu sách liên đới đến những vấn đề khác. Hiện tượng điển hình là bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác được khắc in ngay tại Chùa Đồng Nhân (Bắc Ninh). Nhiều ván in các bộ kinh lớn hiện vẫn còn được tàng bản ở các Chùa như Vĩnh Khánh, Bổ Đà, Dư Hàng, Bà Đá, Liên Phái, Bích Động… Cũng có nơi chỉ in 1, 2 đầu sách. Nhưng cũng có nơi như Đền Ngọc Sơn in hàng loạt sách, cho nên mới có cả một quyển thư mục sách do bản Đền in ra. Đủ thấy rõ khối lượng sách Tôn giáo được in ra vào giai đoạn này nhiều thế nào!
Mảng sách thuộc khu vực tư nhân tổ chức, phải nhắc đến 2 Phường in Hồng - Liễu (Hải Dương), sự kỳ cựu về tay nghề của họ khiến cho họ đã lưu tên tuổi ở hầu hết các bộ sách thuộc mọi khu vực quản lý. Sự đóng góp không nhỏ bởi những Hội chủ Hưng công và những Hưng công Tín thí đều là những tư nhân trực tiếp bỏ tiền lo liệu công việc khắc và in. Không ít những bộ sách được thực hiện bởi những Hội chủ Hưng công có tước vị ở chốn triều trung. Sự lỏng lẻo về vương quyền cùng với sự biến chuyển dữ dội của xã hội Việt Nam và cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XX đã khiến cho nhu cầu về sách vở và các tri thức khoa học trở nên thiết yếu hơn bao giờ, thúc đẩy hàng loạt những Hiệu, Đường, Trai, Lâu ra đời, báo hiệu một thời kỳ mới của nghề in nước ta, đồng thời kéo theo sự lụi tàn “dối già” của nền Nho học nước nhà, song song với tình trạng “vứt bút lông đi…”! Dù thế nào đi nữa thì thời này ở ta cũng đã có nhiều “nhà in” tương đối có tiếng như: Quan Văn Đường, Liễu Văn Đường, Áng Hiên Hiệu (Hà Nội)…, Hải Học Đường, Hướng Thiện Đường (Hải Dương), Ninh Phúc Đường (Hà Nam Ninh), nhà in Đắc Lập (Huế) v.v… đã đáp ứng đầy đủ những đầu sách theo đơn đặt hàng. Bên cạnh những tác phẩm in ra có thể gọi là Thiện bản, Chân bản, không ít những tác phẩm cạnh tranh mà ở đó thiếu sự khảo đính dẫn đến tình trạng chữ tác đánh thành chữ tộ, chữ ngộ đánh thành chữ quá
Diễn trình công việc để ra được một cuốn sách là cả một quá trình rất phức tạp và tốn kém. Công việc này chỉ được thực hiện bởi những người có uy tín thế lực, có tiền của và lòng nhiệt thành. Nhưng làm thế nào để có được một cuốn sách mà ở đó có đồ hình đẹpchữ nghĩa nghiêm cẩn lại do sự quyết định của họa công (thợ vẽ) và kinh sinh nhân (thợ viết chữ).
Đi sâu vào kiểu thức sách ở nước ta thời kỳ này thì thấy có hai loại: 1- Loại Kinh xếp và 2- Loại sách đóng gáy.
Sự triệt để trong cách trình bày một trang sách đã được người Trung Quốc chuẩn hóa từ lâu đời thành truyền thống, như: Biên lan (viền trang), Thư nhĩ (tai sách), Bản tâm (lòng sách), Ngư vĩ (đuôi cá)(6)… Ý thức bố cục các loại sách có đồ hình minh họa theo các dạng: Thượng đồ hạ văn, Nhất thư nhất họa, Trừu đồ(7) hay là dạng Thượng phong đồ mục lưỡng bàng liên cú (trên có đề tên tranh, hai bên câu đối) cũng được chuyển dịch áp dụng triệt để trong các loại sách Hán Nôm ở nước ta. Những Tổ chức, Thư tứ, Thị phường, Hội in khắc sách ở nước ta thì có cả nhưng để xây dựng thành một phong cách riêng cho từng dòng, từng trường phái in khắc thì lại rất mờ nhạt. Thông qua Tự dạng (dạng chữ), cách trình bày, Đồ hình minh họa và nội dung sách cũng nói nên được sách thuộc vào loại bản nào trong các loại sách sau đây: 1- Tân san, 2- Tân tục, 3- Hậu bổ và 4- Trùng thuyên. Những công đoạn khắc in sách được phân việc một cách cụ thể từ người viết chữ đến thợ khắc ván, đôi khi cần có cả thợ vẽ, cuối cùng mới đến người in đóng. Thợ khắc ván Hồng Liễu trước thời Nguyễn không ít người có khả năng kiêm tất cả các công việc từ viết, vẽ đến khắc in. Xét cho cùng thì dù là sách Nho học hay Tôn giáo, sách thuộc phạm vi quản lý nào đi chăng nữa thì cũng do đôi bàn tay vàng của người thợ khắc mà ra cả. Bởi lẽ họ chẳng thuộc quyền quản lý của ai cả! Ai trưng dụng! Ai thuê mướn? Ai trả tiền xứng đáng thì bấy giờ họ làm. Như vậy đấy!
Nếu như ở cuối thời Lê, triều đình ra sắc lệnh cấm dân chúng dùng gỗ làm ván khắc kinh kệ của Phật giáo, Lão giáo hoặc thơ văn trái với quan điểm chính thống của triều đình, thì sang đến đời Nguyễn, vào năm 1820, việc in ấn lại được tập trung ở kinh đô Huế, các ván in ở ngoài Bắc đều phải chuyển cả về Văn miếu Huế. Ai muốn in gì thì phải làm đơn từ, cùng giấy mực gửi lên cho Sử quán xem xét mới được. Như thế chứng tỏ ở đây ý thức tàng bản đồng nghĩa với việc giữ bản quyền và tập trung quản lý không cho phép khắc in tràn lan. Điều này trước đó đã khá lâu vốn chỉ xuất hiện trong các Tự viện và Đạo quán.
Như trên đã nói, đỉnh cao công nghệ khắc in sách ở Trung Hoa phát triển rực rỡ và thời Tống, thời Minh mà một trong những người cực lực cổ suý và đề xướng tính năng và tác dụng của ĐồTịch, tức là tranhsách hay hìnhchữ, là Trịnh Tiều(8). Cổ nhân sở dĩ nói Đồ là chỉ ngoài những bản còn gọi là bức vẽ bằng tay ra còn lại phiếm chỉ những tranh khắc mộc bản. Xét về cương vực thì Trung Hoa và Việt Nam phân minh Nam, Bắc đôi ngả, nhưng văn tự thì lại đã “một thời” những hàng nghìn năm chung nhất, dĩ nhiên với hệ thống chữ Nôm được sáng tạo, cũng vẫn không tách hẳn hình thể chữ khối vuông và các bộ Thủ của văn tự Hán, cho nên những ảnh hưởng vốn có từ trước trong quá trình tiếp xúc văn hóa, ngôn ngữ và văn tự vẫn kéo dài cho đến thời Nguyễn cũng là một điều không tránh khỏi.
Vấn đề cần phải được phân giải tiếp ở đây là mảng Tranh khắc mộc bản trong các sách chữ Hán.
Người xưa thường nói: “Khán đồ thực tự” (xem tranh biết được chữ). Qua đây đủ biết công năng giáo dục của Đồ hình minh họa sách lớn như thế nào đối với người mới thâm nhập sách vở, đi sâu vào tri thức. Lại nói như cách nói của Trịnh Chấn Đạc(9): “Một bức tranh minh họa đẹp, cũng giống như một áng văn trác tuyệt, khiến cho người xem như đang đứng ở trong cảnh”. Từ mối tương thông, tương hỗ giữa TranhChữ, những người thợ khắc ở Thư phường Kiến An – Phúc Kiến (Trung Quốc) đã độc sáng ra cách trình bày theo lối Thượng đồ hạ vănNhất thư nhất họa, đã có ảnh hưởng lớn đến bố cục một tay sách ở Việt Nam sau này. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII với việc Thái tể Tuyên Quận Công là Trịnh Quán đã cho khắc bộ sách Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, theo lối bố cục Thượng đồ hạ văn, có thể tạm coi đây là một trong những cuốn sách sơ khai thuộc lối bố cục này còn lưu giữ đên ngày nay (xin xem văn bản photocopy hiện có tại TV Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa – Hà Nội). Đến năm Minh Mạng II (1821), Tì Khưu Tính Tình ở chùa Thiên Hòa (Huế) đã cho khắc in 2 bộ sách: Diệm khẩu Du già tập yếu thí thực khoa nghiPhật thuyết cứu bạt Diệm Khẩu ngạ quỷ đà la ni kinh, đều những sách Phật giáo tiêu biểu đại diện cho lối trình bày trên ở thời nhà Nguyễn. Sang thời Minh Mạng 13 (1832), Sa di Phổ Hòa ở chùa Bảo Quang đã cho khắc in bộ Như Lai ứng hiện đồ theo lối Nhất thư nhất họa có tính liên hoàn hoành tráng thật tinh xảo về cách trình bày, minh họa, kỹ thuật khắc chữ. Cùng dạng với lối trình bày này cũng phải kể đến những bộ kinh có quy mô không kém như Quan âm xuất tướng đồ, Phổ Môn xuất tướng đồ. Còn Đạo gia thì có các sách cùng dạng như: Văn Đế toàn thư, Âm chất văn chú
Một dạng tranh minh họa khác tương đối phổ dụng thường thấy trong các sách chữ Hán đó là tranh Trừu đồ, còn gọi tranh Toàn đồ. Tranh được khắc kín trang giấy, phần nhiều khắc ở trang đầu (tờ mi) hoặc xem kẽ giữa sách. Tiêu biểu cho tranh ở loại sách này có các bộ: Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh khắc năm Thành Thái 4 tại chùa Bà Đá (Hà Nội), Vạn Phật danh kinh xuất tướng đồ do Tăng trụ trì Chùa Long Đọi Sơn (tên Nôm Chùa Đọi) là Đạo Tuân khắc năm Thiệu Trị 6 (1846). Nếu xét về nội dung biểu đạt, của phần lớn tranh trong sách Phật giáo thì có thể thấy sự phong phú hết cỡ về Thể loại, Cấu đồPhong cách. Đại khái có mấy loại tranh như sau:
A. Loại Đồ họa sách Phật giáo:
1. Tranh tượng Phật, Bồ tát, La hán v.v..
2. Tranh cao tăng.
3. Tranh truyện nhà Phật.
4. Tranh Kinh biến.
5. Tranh Cố sự.
6. Tranh Bản sinh.
7. Tranh phong cảnh chùa chiền.
8. Tranh Mạn đồ la.
9. Tranh Thuỷ lục.
10. Tranh Tạp loại.
B. Đồ họa sách Đạo giáo:
1. Tranh Tiểu truyện
2. Tranh Nhân vật
3. Tranh Tạp loại.
D. Các Đồ hình minh họa khác:
Thường phục vụ cho nội dung các sách truyện, thơ Nôm (văn học), sách Y học, Phong thuỷ (địa lý), Toán số… cũng không phải là hiếm.
Việc lợi dụng ký thuật ấn loát bằng ván khắc thịnh hành trong dân gian làm công cụ truyền giáo hoặc phổ cập kiến thức là việc không chỉ của riêng Chùa Viện và tín đồ Phật giáo, nhưng để đưa ra và định hình được một mảng tranh Đồ họa sách của cả một thời đại thì thế lực cơ bản vẫn thuộc về sức mạnh của dòng tranh Đồ họa trong sách Phật giáo.
Phần lớn sách được in khắc ở Việt Nam đều y án khắc lại theo sách của người Trung Hoa. Bởi lẽ, sách do người Việt làm ra đại bộ phận là sách chép tay, hình vẽ tay. Hơn nữa trên thực tế lịch sử nền thư tịch cho đến nay hiện thấy không có bao nhiêu sách được khắc ván kể cả văn tự lẫn đồ hình. Cho nên mảng đồ họa sách mà phần lớn chịu ảnh hưởng và dập khuôn theo hình mẫu của người Trung Quốc đã trở thành một điểm yếu không khắc phục được. Đồ họa thời Nguyễn, nói cách khác đồ họa của người Việt thời Nguyễn chỉ cho ta ý niệm tự hào khi mà ở đó có sự bổ sung sinh khí của các dòng tranh khắc dân gian miền xuôi (Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng), dòng tranh khắc Đạo giáo miền núi 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng – Hà – Tuyên – Thái, và miền núi các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh (trước CM Tháng 8/1945) và dòng tranh khắc Phật giáo nằm ngoài khuôn khổ của tranh sách. Ở bài này chúng tôi chưa có sự đối chứng, giám định nguồn tư liệu sách từ hai phía, giữa sách gốc của người Trung Hoa và sách do người Việt phục chế khắc lại (vì điều kiện tư liệu rất hạn chế), cho nên những nhận xét trên mới chỉ ở bước đầu mà cũng chỉ là những giả định khoa học trên cơ sở tư liệu có trong tay và hiểu biết do điều tra điền dã, chứ không dám phách lối đi vào phẩm bình nghệ thuật đối với mảng Đồ hình minh họa trong các sách in ở thời Nguyễn và trước Nguyễn. Việc phẩm bình nghệ thuật không thuộc chuyên môn hẹp của chúng tôi.
Khắc ván in là cả một nghề tinh xảo, vốn được gợi mở tương truyền từ ông tổ nghề là Luơng Nhữ Hộc. Kỹ nghệ khắc ván in của các phường hội Hồng - Liễu không thu kém so với những tay Tử nhân (thợ khắc ván) của Trung Quốc, nhưng thực chất của vấn đề không chỉ dừng ở chữ nghĩa, kiến thức học vấn mà còn ở trình độ thẩm mỹ và nhất là ở lý tưởng thẩm mỹ. Đại đa số thợ khắc ván in chỉ biết khắc ván, ít có khả năng kiêm nghiệm các công đoạn chế bản khác như viết chữ, vẽ tranh. Một mặt khác hình thái xã hội phong kiến Việt Nam không thể có những họa gia như Đường Dần(10) hoạt động cho các Thư Phường, và ở dòng tranh Niên Họa như Dương Liễu Thanh để rồi thổi vào đó một nguồn sinh lực mới, tạo nên bộ mặt mới cho tranh đồ họa. Ở ta, lẩn khuất và thấp thoáng đâu đó một vài người thợ khéo cho nên mức độ chỉ mới là Họa Công dân gian mà thôi. Đây cũng là một nhược điểm nặng nề nữa khiến cho đồ họa sách Việt Nam vừa bị áp chế lại càng dễ bị đồng hóa hoặc mô phỏng ngay cả trong lúc sáng tạo, suy nghĩ, xét trên bình diện văn hóa, dẫn đến sự cáo chung tất yếu của nền Nho học nước nhà vào khoa thi Hội năm Kỷ Mùi (1919), nhường bước cho một thời kỳ mới - Thời kỳ in hoạt tự chữ Quốc ngữ dựa vào kỹ thuật tân tiến của phương Tây.
Có thể nói, nghệ thuật ấn loát và khắc mộc bản là một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật đặc thù và rất sâu sắc không riêng gì của Việt Nam, nhưng Đồ Thư hay Đồ tịch có giá trị về văn vật còn được lưu giữ tương đối nhiều trong một số tự viện, đình quán ở nước ta. Đây là mảng di sản văn hiến do người Kinh (Việt) và do một số dân tộc ít người Việt Nam sáng tạo nên cần phải được bảo quản, gìn giữ và bảo vệ đồng hành với việc duy trì và phát triển nghề khắc bản in và nghề giấy cổ truyền, mặc dù hiện thời đã có công nghiệp in và chế giấy rất hiện đại với các phương tiện cực kỳ tinh xảo. Nhà nước ta nên quan tâm và có sự đầu tư cho công việc này.
Cuối cùng, người viết bài này cũng hiểu rất rõ vì nhiều lý lẽ khiến cho nghệ thuật ấn loát và khắc mộc bản hiện giờ ít được mọi người nghiên cứu và đề cập đến, chứ chưa nói gì đến công chuyện quan tâm và đầu tư sức người, sức của cho nó, song bằng vào những gì hiện còn cũng đủ để tự hào và có căn cứ để minh chứng rằng: bản thân đồ họa sách và cả đồ họa ngoài sách là một dòng tranh lớn – dòng tranh khắc gỗ đen trắng – không thua kém bất kỳ một dòng tranh nào có ở Việt Nam thời phong kiến.
Khởi thảo ngày lành tháng 10 năm 1998
Hoàn chỉnh xong vào ngày lành tháng Giêng năm 1999
Viết tại Hào Nam. Sửa tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Chú thích:
1. Hoàng Hồng Cẩm, bài Bước đầu tìm hiểu nghề giấy cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm số 19.
2. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu đồ họa Hoàng Hải, Uỷ ban Dân tộc Trung ương cung cấp cho.
3. Trần Nghĩa, bài Sáu bức thư… TC Hán Nôm số 2/1995.
4. Mai Hồng - Nguyễn Hữu Mùi, bài Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm, TC Hán Nôm số 1/1986.
5. Trần Nghĩa và Francois Gros chủ biên, sách Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, HN 1993.
6. Tiêu Chấn Đường và Đinh Du Đồng, sách Trung Quốc cổ tịch trang đính tu bổ kỹ thuật, thư mục Văn Hiến XB, Bắc Kinh 1980/
7. Tranh trên dưới chữ, một tranh một chữ, tranh kín trang.
8. Trịnh Tiều (1104-1162), sử học gia thời Nam Tống.
9. Trịn Chấn Đạc là một trong những người có công lớn cùng với đại văn hào Lỗ Tấn đã sưu tập và chỉnh lý lại toàn bộ các tác phẩm đồ họa cổ của Trung Hoa.
10. Đường Dần (1480-1523), họa gia nổi tiếng thời Minh.
Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.481-496)

Saturday, 3 November 2012

Truyện Kiều: một trương? Ngải Trương? - Nguyễn Tuấn Cường

Truyện Kiều: một trương? Ngải Trương?

Truyện Kiều: Thêm một chứng cứ để đọc "hồ cầm một trương" 
chứ không phải "hồ cầm Ngải Trương"


1. Trong hai năm 1990-1991, trên văn đàn xuất hiện một cuộc tranh luận nho nhỏ về vấn đề đọc và hiểu chữ “MỘT TRƯƠNG” câu Kiều số 32 vốn vẫn đọc là “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”. Phan Khắc Khoan bằng ba bài báo đăng trên Văn nghệ (phụ san tháng 10/1990), Kiến thức ngày nay (1/12/1990),Văn nghệ (phụ san tháng 1/1991) đã biện luận cho cách đọc “Ngải Trương” và cách hiểu “Ngải Trương [艾張hoặc Ngải Như Trương 艾如張] là một nhạc công lỗi lạc, danh cầm vào bậc nhất Trung Quốc xưa, rất giỏi đàn Hồ”. 

Ý kiến trên bị phản bác gay gắt với các bài viết của Bà Hoàng Giang Mĩ Hạnh (Văn nghệ, 15/1/1991), Nguyễn Quảng Tuân (Kiến thức ngày nay, số 52 năm 1991), hai tác giả này lần lượt căn cứ vào việc chứng minh rằng “nhân vật Ngải Trương” không tồn tại trong thư tịch cũng như lịch sử Trung Hoa, và khảo sát tự dạng chữ Nôm [(Hán)  ngải ≠ một /// (Nôm)] để phủ nhận cách đọc và cách hiểu của Phan Khắc Khoan. Huệ Thiên (Kiến thức ngày nay, số 56 năm 1991) cũng căn cứ vào việc ghi chép trongHán thư và Nhạc phủ tập để chứng minh rằng “Ngải Như Trương” chỉ là một nhân vật được ngụy tạo ra. Như một ý kiến tổng thuật cuộc tranh luận kèm phân tích và phê phán, bài viết của Đào Thái Tôn (Văn nghệ, 4/5/1991) đã bác bỏ một cách thuyết phục và toàn diện quan điểm của Phan Khắc Khoan trong ba bài báo trên, đồng thời chỉ ra thêm nhiều lỗi nữa như: “dẫn liệu […] lơ mơ về xuất xứ”, hiểu nhầm tên nhạc phẩm thành tên người (Ngải như trương thật ra là tên một trong 18 khúc nao ca đời nhà Hán, chứ không phải tên người).
Sau những tranh luận bằng phản chứng rất xác đáng này, gần 20 năm qua đã không còn ai cổ xúy cho cách đọc “Ngải Trương” nữa. Tôi cũng vậy!
2. Gần đây, tôi lại tìm được thêm một bằng chứng ủng hộ cách đọc truyền thống “hồ cầm một trương”, trộm nghĩ cũng là một sự bổ sung cho các luận điểm vốn đã đủ sức thuyết phục trên. Căn cứ của tôi là phân tích cấu trúc ngữ pháp của cách nói “hồ cầm một trương”, và tìm sự tương đồng của cách nói này trong ngữ liệu tiếng Hán cổ đại và hiện đại, từ đó cho rằng: khi viết “hồ cầm một trương”, Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng của cách dùng cấu trúc lượng từ trong tiếng Hán.
3. “Hồ cầm một trương”, theo tôi hiểu, có thể hoán vị thành “một trương hồ cầm”. Đây chính là cấu trúc “số từ + lượng từ + danh từ” (một + trương + hồ cầm) mà cái danh từ trong đó là “hồ cầm” 胡琴, còn lượng từ là trương . Cấu trúc trong tiếng Hán cổ đại và hiện đại này có biến thể là “danh từ  số từ + lượng từ” (hồ cầm + một + trương). Có nhiều ví dụ về cấu trúc này trong tiếng Hán cổ đại, như: lưỡng cá hoàng li 兩個黃鸝 (hai con vàng anh) và nhất hàng bạch lộ 一行白鷺 (một hàng cò trắng) trong bài Tuyệt cú 絕句 của Đỗ Phủ 杜甫 đời Đường. Cấu trúc này cũng cực kì phổ biến trong tiếng Hán hiện đại (vì quá nhiều nên miễn nêu ví dụ). Dễ thấy rằng cấu trúc Hán văn ấy cũng có đầy rẫy ví dụ tương đồng trong tiếng Việt: một cơn mưa gió, một giọt mưa rào, một cành mẫu đơn, một thiên luật Đường, một bài cổ thi, hai ả tố nga, bốn năm người làng chơi… (ngữ liệu trong Truyện Kiều); một con gà, dăm quả trứng, ba cây đàn ghi ta… (tiếng Việt hiện đại).  
Phán đoán trên càng được củng cố khi ta biết rằng “trương”  là một lượng từ thông dụng trong tiếng Hán hiện đại dùng để trỏ những thứ có mặt phẳng, hoặc có thể trải ra, căng ra được: nhất trương sàng 一張床 (/yi zhang chuang/, một cái giường), tam trương chỉ 三張紙 (/san zhang zhi/, ba tờ giấy), lưỡng trang trác tử 兩張桌子 (/liang zhang zhuozi/, hai cái bàn), nhất trương cung 一張弓 (/yi zhang gong/, một cái cung)… Chức năng lượng từ của trương được khẳng định trong Hán ngữ đại từ điển 漢語大詞典 (bộ 13 quyển do La Trúc Phong 羅竹風 chủ biên, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1994, quyển 4, tr. 122, cột 1, xem ảnh bên), bộ từ điển này trình bày tất cả 16 nghĩa củatrương , trong đó nghĩa thứ 11 là nghĩa lượng từ. Trong phần giải nghĩa thứ 11 này cũng trích bài thơ Thất ngôn 七言 của Lã Nham 吕岩 đời Đường có câu: “Nhất hồ thôn tửu nhất trương cầm” 一壺村酒 (Một bầu rượu quê, một trương cầm). Trong tiếng Hán hiện đại, vì trương  /zhang/ là lượng từ thông dụng để trỏ các loại đàn (dây đàn có thể căng ra), nên rất phổ biến cách nói “一張琴” (nhất trương cầm /yi zhang qin/).
 Đã có nhất trương cầm, theo lẽ thường, nếu đặc chỉ hóa cái danh từ chung “cầm” ấy bằng cách nói rõ là “loại đàn nào” thì sẽ có “nhất trương hồ cầm” 胡琴. Theo hướng suy nghĩ đó, tôi đã tìm được ba ngữ liệu cổ sau:
a. Rà soát trong nguyên bản Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện貫華堂評論金雲翹傳 (bản cổ đời Thanh, hiện lưu tại Song Hồng Đường văn khố 雙紅堂文庫, Đại học Tokyo, Nhật Bản) của Thanh Tâm Tài Nhân 青心才人 thì thấy, tác giả cũng dùng “hồ cầm nhất trương” trong đoạn tả Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân: “hồ cầm một trương, oán khúc một bài” 胡琴一怨曲一套 (hồ cầm nhất trương, oán khúc nhất sáo) (hồi 4, quyển 1, tờ 23b, xem ảnh bên).
b. Bản Kim Vân Kiều truyện 金雲翹傳 do Lí Trí Trung 李致忠 hiệu điểm (Xuân Phong văn nghệ xuất bản xã, 1983) còn chép một ngữ liệu khác ở cuối hồi 14 (tr. 132): “Tiểu thư dặn gọi lấy hồ cầm một trươngđưa cho Thúy Kiều”小姐分咐叫取胡琴一付與翠翹 (Tiểu thư phân phụ khiếu thủ hồ cầm nhất trương, phó dữ Thúy Kiều). Bản hiệu điểm này dựa trên bản nền (để bản) là bản khắc đầu đời Thanh, hiện lưu tại “Đại Liên đồ thư quán”, có tham khảo bản lưu tại “Bắc Kinh đồ thư quán” và bản lưu tại “Thiển Thảo thư ốc” ở Nhật Bản (xem phần Hiệu điểm thuyết minh của Lí Trí Trung, sđd, tr. 231-236). Bản hiệu điểm này có nhiều khác biệt với bản lưu tại “Song Hồng Đường văn khố” (Đại học Tokyo) – văn bản mà Lí Trí Trung không nhắc đến trong khi hiệu điểm. Ngữ liệu ở cuối hồi 14 trong bản lưu tại “Song Hồng Đường văn khố” chép khác: “Tiểu thư gọi đem hồ cầm lại, đưa cho Thúy Kiều” 小姐叫取胡琴來付與翠翹 (Tiểu thư khiếu thủ hồ cầm lai, phó dữ Thúy Kiều) (sđd, quyển 3, tr. 14b), không có chữ “hồ cầm nhất trương”.
Ít nhất một trong hai ngữ liệu dẫn trên đã nằm ngay trong nguyên thư Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà Nguyễn Du đã đọc trước khi sáng tác Truyện Kiều. Khi đọc nguyên thư ấy, chắc hẳn Nguyễn Du cũng đã tiếp thu cách nói “hồ cầm nhất trương” để dịch thành “hồ cầm một trương” rồi đưa vàoTruyện Kiều.
c. Ngoài ngữ liệu trong chính nguyên thư Hán văn của Truyện Kiều, tôi cũng tìm được thêm một ngữ liệu cổ có dùng “nhất trương hồ cầm”, đó là tác phẩm Nhị khắc Tỉnh thế hằng ngôn二刻醒世恒言 do Tâm Viễn Chủ Nhân 心遠主人 đời Thanh soạn, gồm 24 hồi (xem bản do Trương Vinh Khởi 張榮起 hiệu đính, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1990). Trong hồi thứ 21 có đoạn:
“[Trần] Tử Ngang phẫn nộ rời nhà, đi đến chợ Trường An, có một người xách một trương hồ cầm, là di bảo thời Tần, giá đáng muôn vàng” 子昂憤怒離家來到長安市上有一人攜了一張胡琴乃秦時遺寶價值萬金 (Tử Ngang phẫn nộ li gia, lai đáo Trường An thị thượng, hữu nhất nhân huề liễu nhất trương hồ cầm, nãi Tần thì di bảo, giá trực vạn kim).
Tìm thêm trong văn chương Trung Quốc hiện đại thì thấy, tác gia nổi tiếng Thẩm Tùng Văn 沈從文(1902-1988) trong truyện ngắn Trượng phu 丈夫 của mình cũng dùng nguyên cách nói “nhất trương hồ cầm”:
“Lại nhìn đến một trương hồ cầm đó, biết rõ là mua để dành tặng riêng anh ta […]” 并且看到那一張胡琴明知道這是特别買來給他的 [] (xem: Thẩm Tùng Văn tiểu thuyết tuyển tập沈從文小說選集, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1957, tr. 90).
4. Chứng cứ bổ sung trên đây hoàn toàn ủng hộ cách đọc câu Kiều số 32 là “hồ cầm một trương” như trong truyền thống. Chứng cứ ấy cho thấy, Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng của cách dùng lượng từ “trương” trong Hán ngữ cổ đại để diễn đạt khái niệm tương đương trong tiếng Việt là “cây/chiếc” để trỏ đàn nói chung và đàn hồ (hồ cầm) nói riêng: trương cầm = “cây đàn, chiếc đàn”; nhất trương hồ cầm = “một cây đàn hồ, một chiếc đàn hồ”. Chính sự khác biệt về cách dùng lượng từ cho đàn giữa tiếng Việt với tiếng Hán như thế đã góp phần gây ra khúc mắc cho độc giả ngày nay khi đọc và hiểu câu Kiều số 32, để đến nỗi ông Phan Khắc Khoan phải cố gắng tìm cách chứng minh cho một cách đọc và cách hiểu khác.
Vậy, xin tái khẳng định cách đọc câu Kiều số 32: “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”, và có thể hiểu là: “Thúy Kiều có tài riêng, hơn hẳn người khác về [mộtcây đàn hồ”. Nếu đã khẳng định như vậy, thì mọi nỗ lực nhằm chứng minh cho cách đọc “Ngải Trương” đều chỉ là “Dã tràng xe cát bể Đông, Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.

Hà Nội, ngày 10/11/2009
Nguyễn Tuấn Cường

(bài đã đăng trên: 
Tạp chí Hán Nôm, số 2/2010, tr. 63-66, 
bản đăng ở đây có bổ sung thông tin về bài viết của tác giả Huệ Thiên)


TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1.       Bà Hoàng Giang Mĩ Hạnh, Nhân vật Ngải Trương không có trong thư tịch Trung Hoa, in trong: Văn nghệ, ngày 5/1/1991.
2.       Đào Thái Tôn, Qua ba bài báo về hai chữ “Ngải Trương”, in trong: Văn nghệ, ngày 4/5/1991, in lại trong: Đào Thái Tôn, Văn bản Truyện Kiều: Nghiên cứu và thảo luận, Nxb Hội nhà văn, 2001.
3.       Huệ Thiên (1991), Về nhân vật “Ngải Trương” của ông Phan Khắc Khoan, in trong: Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb Trẻ, 2004, tr. 325-330 (in lại có sửa chữa bài trong Kiến thức ngày nay, số 56, 15/3/1991).
4.       Nguyễn Du, Truyện Kiều (khảo – chú - bình), Trần Nho Thìn (chủ biên) và Nguyễn Tuấn Cường khảo dị, chú thích, bình luận, Nxb Giáo dục, 2007.
5.       Nguyễn Quảng Tuân, Một trương chứ không phải Ngải Trương, in trong: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 52, ngày 15/1/1991.
6.       Phan Khắc Khoan, Một trương hay Ngải Trương?, in trong: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 49, ngày 1/12/1990.
7.       Phan Khắc Khoan, Một từ trong Truyện Kiều cần hiệu đính, in trong: Phụ san tuần báo Văn nghệ tháng 10/1990.
8.       Phan Khắc Khoan, Trở lại nhân vật Ngải Trương, in trong: Phụ san tuần báo Văn nghệ tháng 1/1991.
9.       羅竹風 主编,《漢語大詞典》(全13卷), 漢語大詞典出版社, 1986-1994.
10.    沈從文, 《沈從文小說選集》, 人民文學出版社, 1957.
11.    (清) 青心才人 編次,《貫華堂評論金雲翹傳》(清刊四卷本).東京大學東洋文化研究所雙紅堂文庫 (小說類, No. 69).
12.    (清) 青心才人 編次, 李致忠 校點,《金雲翹傳》, 春風文藝出版社, 1983.
13.    (清) 心遠主人 編次, 張榮起 校订,《二刻醒世恒言北京大學出版社, 1990.

Thursday, 1 November 2012

Từ ống bơ đến bơ bò (Vũ Thế Long - Thể Thao Văn Hóa)

Từ ống bơ đến bơ bò

    (Khám phá - TT&VH) - Thuở nhỏ, bố mẹ tôi đi làm cả ngày, việc cơm nước trong nhà mẹ lo toan nhưng bà luôn cắt đặt cho mấy chị em tôi mỗi người một việc. Tôi được giao việc vo gạo , chẻ củi…các em thì nhặt rau, rửa bát…
    Tùy theo bữa ăn trong ngày mà mẹ tôi dặn sáng sáng trước khi đi trực chiến giao thông ngoài cầu phao Sông Hồng. Mẹ dặn: “Hôm nay con đong cho mẹ hai bơ gạo nhé, lấy thêm mấy nắm mỳ đẻ sẵn để độn…”, “ Hôm nay có Bác Dung lớn về ăn cơm trưa, con đong hai bơ một gạt nhé”, "Con chịu khó đong cho mẹ ba bơ gạo rồi  đi xếp hàng đổi bún. Chiều đi làm về mẹ xếp hàng mua mấy lạng thịt nướng chả, nhà ta làm bữa cải thiện lâu rồi chẳng có tí mỡ nào”… Tôi cứ  theo lệnh mẹ mà làm. Mở cái thùng gạo vơi, lấy cái ống bơ cũ kỹ đong đã mòn sáng bóng làm theo lời mẹ dặn.
    Cái ông bơ ấy nó nằm trong thùng gạo nhà tôi từ ngày nảo ngày nào tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết là từ khi lớn lên đã thấy nó nằm ở đấy rồi.

    Ảnh không rõ tác giả
    Một hôm, tôi tò mò bỏi bố: “Bố ơi, tại sao lại gọi cái lon sắt tây ấy là ống bơ?”. Bố tôi là người rất quan tâm uốn nắn lời ăn tiếng nói cho mấy chị em tôi. Nói gì sai là ông sửa. Chúng tôi đi học về đôi khi nói sai chữ L thành chữ N hay tr thành ch là ông bắt sửa cho bằng được. Thấy hỏi vậy,  ông lục trong thùng đồ nghề thợ nguội cũ của ông ra một cái hộp sắt tây đựng ốc vít. Cái hộp giống hệt như cái bơ đong gạo trong thùng gạo. Ông giải thích: “Đây là cái vỏ đồ hộp đựng bơ của lính Tây ngày xưa”. Cái vỏ ấy sơn màu cứt ngựa của lính dưới đáy còn in hằn những con số. Ông bảo đây chính là một trong hai cái hộp đựng bơ của lính Tây. Ăn xong người ta vứt đi. Bố lượm về sử dụng. Một cái để đong gạo, cái còn lại bố đựng ốc vít. Sở dĩ dùng cái lon này để đong gạo vì các bà ngoài chợ quen dùng nó để đong như một tiêu chuẩn đo lường.
    Ông còn kể cho chúng tôi sự tích cái đồ hộp như sau: "Từ năm 1809, một nhà phát minh người Anh tên là Nicholas Appert đã nghĩ ra cách dùng sắt cán mỏng mạ thiếc tạo ra cái đồ hộp để đựng và bảo quản thực phẩm lâu dài. Phát minh này đã được nhượng quyền sản xuất cho hai nhà sản xuất người Anh khác là John Hall và Bryan Donkin. Họ là những người đầu tiên lập ra xưởng sản xuất đồ hộp vào năm 1813 tại Anh. Những hợp đồng làm đồ hộp đầu tiên được sản xuất nhằm cung cấp cho quân đội Hoàng Gia Anh thời ấy.
    Thời ban đầu, các nắp hộp dược hàn với thân hộp bằng chì nóng chảy, bởi thế, có một vụ án ngộ độc thực phẩm đã gây chấn động một thời bởi vào năm 1845. Thủy thủ đoàn thám hiểm Bắc cực do ngài John Franklin lãnh đạo đã có nhiều người bị ngộ độc do ba năm liền ăn phải thực phẩm có chì của nắp hộp tan vào…
    Cái hộp mà bố tôi dùng làm vật đong gạo là cái hộp đựng Bơ (tiếng pháp viết là Beurre, đọc gần như từ bơ của tiếng Việt)  do binh lính Pháp đem vào Hà Nội. Ông bảo nghe nói thứ bơ này được sản xuất từ vùng Bretagne, một vùng sản xuất bơ nổi tiếng ở Tây Bắc nước Pháp. Loại bơ này có pha muối và hương liệu đặc biệt nên rất được ưa chuộng tại Pháp. Chúng tôi nghe bố kể thì biết thế. Hồi ấy dân mình có mấy ai được ăn bơ đâu mà biết cái mùi vị bơ ra sao.
    Tôi hỏi bố: "Tại sao người ta lại gọi cái hộp ấy là cái ống bơ?” tôi tra từ điển thì thấy “Ống là vật hình trụ, rỗng và dài”. Cái hộp ấy đâu phải cái ống? Ông suy nghĩ một lúc và bảo tôi lấy từ điển ra tra. Thì ra trong đồ đựng dồ đong của người Việt mình có mấy từ:
    Cái cóng: Thứ đồ dựng bằng sành hình trụ, miệng rộng có nắp đậy, thân hơi phình, đáy lồi
    Lon: thứ đồ đựng bằng kim loại hình trụ hay thứ vại nhỏ , chậu nhỏ bằng sành…
    Bố con tôi ngờ rằng chữ ống bơ, là do người ta đọc chệch từ chữ cóng mà ra bởi có nơi người ta gọi cái vỏ hộp sữa bò là cái cóng bơ. Chẳng biết có đúng không. Còn người ta gọi cái lon sữa bò là có lí của nó. Thôi để các nhà ngôn ngữ học giải quyết.

    Lon sữa bò được cắt ra làm ống để bút. (Ảnh không rõ tác giả)
    Các bà bán hàng ngoài chợ khi đong gạo hay ngô, đỗ thuở xưa thường dùng các loại đấu, ca sắt… nay có thêm cái cóng bơ, cái ống bơ… cũng thuận tiện vì gần như nhà nào cũng dùng để đong gạo.
    Người ta có hai lối đong. Lối đong có ngọn gọi là bơ đầy, đong ngang ống đong thì gọi là bơ gạt. Lắm anh đi chợ có máu tham khi đong cứ đòi tự đong lấy cho mình, hai tay be miệng cái ống bơ cho dôi ra. Thế là lại mè nheo mặc cả vui đáo để. 
    Sau này, loại vỏ đồ hộp đựng bơ hình như hiếm dần và một loại vỏ đồ hộp khác phổ biến hơn là hộp đựng sữa bò đặc có đường xuất hiện. Thế là cái hộp đựng sữa bò dần dần trở nên thông dụng trong việc đong hàng ngoài chợ. Ra chợ mua chè khô trên chợ mạn ngược, người ta mặc cả mấy nghìn một bơ bò đậu, bơ bò chè… Thế là cái vỏ hộp dựng sữa bò, chẳng liên quan gì đến cái ông đựng bơ tự nhiên có một cái tên mới là “bơ bò”. Dễ đọc và đơn giản mà chẳng ai cần biết nó có nguồn gốc ra sao.
    Thuở nhỏ, lũ trẻ con chúng tôi thích học đòi người lớn. Thấy mẹ nấu cơm, nấu cháo cũng muốn bắt chước nấu xem mình có làm dược không. Thế là mấy đứa rủ nhau kiếm cái ống bơ, nhặt mấy cành cây khô, mỗi đứa lẻn về nhà nhóm mấy nhúm gạo rồi ra đầu ngõ đặt ba cục gạch góp gạo thổi cơm chung… Cơm chẳng ra cơm, cháo chẳng ra cháo nhưng vui đáo để. Còn thú vị hơn là chơi mấy cái nồi cái bát làm bằng gỗ tiện mà chẳng nấu nướng gì được.
    Tưởng cái trò chơi ấy chỉ dành cho con trẻ thế mà người lớn cũng có lúc phải dùng đến đấy. Tôi còn nhớ có lần được hầu rượu cụ Văn Cao khi cố nhạc sỹ đến thăm ông nhạc tôi. Hai cụ ngồi ôn với nhau chuyện thời kháng chiến chống Pháp trên Phú Thọ. 
    Thời ấy cán bộ kháng chiến ai cũng đói rét. Cụ bà Văn Cao thì kể ngày ấy bà cụ mẹ vợ tôi và bà Văn Cao đêm đến đóng cửa nằm trong nhà sàn với lũ trẻ vì nghe nói có hổ về. Cụ Văn Cao và ông Nhạc tôi kiếm đâu được chút đậu xanh và cục đường đỏ bèn cho vào cái ống bơ nhóm lửa bằng vách nứa rút từ lán trại trong rừng làm “nồi lục tào xá” nóng hổi trong đêm đông rừng Việt Bắc rồi đàm đạo văn chương thế sự.
    Chuyện các cụ kể tưởng  như mới hôm qua mà hai cụ ra di cũng đã hơn chục năm rồi.
    Vũ Thế Long

    Wednesday, 31 October 2012

    Thuốc đắng đả tật hay thuốc đắng dã tật? An Chi (Huệ Thiên)


    Độc giả: Người thì nói “Thuốc đắng đả tật” và lý giải rằng “đả” ở đây có nghĩa là đánh, là trị. Người khác đáp lại rằng câu này là “Thuốc đắng dã tật” rồi cũng giải thích rằng “dã” là làm cho tan, cho mất, cho tiêu hao. Vậy ai đúng, ai sai?
    An Chi: Hình thức được số đông chấp nhận có lẽ là “Thuốc đắng dã tật (...)”. Nhưng Từ điển thành ngữ, tục ngữ ca dao Việt Nam của Việt Chương, q.hạ (Nxb Đồng Nai, 1995) thì ghi nhận: “Thuốc đắng đả tật (...)”. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (Nxb Văn hóa, 1989 lại ghi “Thuốc đắng rã tật (…)”. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì ghi “Thuốc đắng đã tật (…)”. Chúng tôi cho rằng trong câu tục ngữ đang xét, chữ thứ ba không phải là “đả” hoặc “rã”, đó chỉ có thể là “dã” hoặc “đã” mà thôi. Đây là hai từ có nghĩa phù hợp với văn cảnh đang xét và đã được ghi nhận từ lâu đời, đặc biệt là từ “đã”.
    Dictionarium anamitico - latinum của Pigneaux de Béhaine (1772-1773) ghi: “Dã. Vim rei alicujus frangere (Làm dịu đi tác dụng của một vật gì đó - AC) – Dã thuốc. Medicamento vim veneni comprimere (Giảm thiểu tác dụng độc hại cho thuốc - AC) - Thuốc dã. Ejusmodi medicamentum (Thứ thuốc như thế, nghĩa là dùng để giảm thiểu tác dụng độc hại của một thứ thuốc khác hoặc của một chất gì đó - AC)”. Nghĩa này đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt 1992 như sau: “Làm giảm, làm mất tác dụng của chất, thường là có hại, đã hấp thu vào trong cơ thể. Ăn đậu xanh cho dã rượu. Dã độc”.
    Còn “đã” thì được quyển từ điển của Pigneaux de Béhaine giảng như sau: “Sanari”, nghĩa là “Khỏi bệnh”. Quyển từ điển này còn ghi thêm: “Đã bệnh. Convalescere (Phục hồi sức khỏe - AC)”. Và: “Đã tật. E morbo evadere” (Qua cơn bệnh - AC). Nghĩa này cũng được Từ điển tiếng Việt 1992 ghi nhận như sau: “Khỏi hẳn bệnh. Đau chóng đã chầy”.
    Cứ như trên thì mặc dù phần đông muốn chấp nhận chữ “dã” nhưng có lẽ “đã” mới là chữ thích hợp hơn hết chăng? Còn “đả” và “rã” thì xem ra chỉ là hai chữ... lạc lõng mà thôi, ít nhất cũng là theo thiển ý.

    Tuesday, 30 October 2012

    Mải mê hay mãi mê?


    Nhiều người thật sự lúng túng, không biết phải viết mải mê hay mãi mê. Nhưng ít ai chịu mở từ điển xem.
    Mải: dồn tâm trí vào một việc đến mức quên tất cả những việc khác (Nguyễn Kim Thản, 2005:1013)
    Mãi: kéo dài một cách liên tục như thể không ngừng, không muốn dứt (Nguyễn Kim Thản, 2005:1013).
    Mải chơimê chơi. Chơi mãichơi không nghỉ. Nghĩa cũng khá gần cho nên dễ nhầm. Nhưng mê mảimê quá, mê lắm, không phải là mê mãi, mê hoài không thôi.

    Sunday, 28 October 2012

    Từ nguyên của chữ XE và các điệp thức của nó (Trần Trọng Dương)


    Từ nguyên của chữ XE và các điệp thức của nó

    Trần Trọng Dương







    Trong tiếng Việt hiện nay có các từ thể hiện số nhiều, hay mức độ nhiều như lắm, nhiều. Trong tiếng Việt lịch sử từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX, chúng tôi còn thấy từ khác là xe. Bài viết này sẽ tiến hành khảo sát các ngữ cảnh của từ XE qua các văn liệu và sự ghi nhận từ điển. Mục đích là tìm hiểu sự xuất hiện biến mất của từ cổ xe, cũng như từ nguyên và những điệp (thức từ gốc Hán đồng nguyên khác) của nó.


    1. Khảo về chữ XE


    XE là chỉ thấy ghi nhận trong từ điển của Génibrel: “6. Có xe, innombrable, adj”[1] [tr.961]. Các từ điển cổ khác đều không thấy ghi nhận. Ngay cả Gustave Hue vốn tiếp thu khá nhiều mục từ từ điển này cũng không thấy có. Trong văn liệu, từ XE xuất hiện một số lần trong văn cảnh, cụ thể như sau: “Vốn xưa làm Nôm xe chữ kép[2] (CNNA tr75). Mãnh lôi tiếng dậy rầm rầm xe thay [3](CNNA), Long nhãn có hiệu nhãn lồng ngọt xe[4](CNNA), Sãi muốn nói một chuyện xa xa cho Vãi biết, trong kinh chép đã nên xe (Sãi Vãi c.194)” [5]


    Về nghĩa, tạm thời có thể phân suất được hai nghĩa như dưới đây: 1.Xe là tính từ chỉ số lượng (xe chữ kép, có xe), bằng với từ nhiều hiện nay. 2.Xe là trạng từ mức độ trong các ngữ cảnh rầm rầm xe thay, ngọt xe, bằng với từ lắm hiện nay. Thú vị là từ điển A. de Rhodes chỉ thấy ghi nhận các từ nhièu, nhèu, dèu, bao deu, bao nheu. Gén cũng ghi nhận từ “nhiều”[6] có nhiều ví dụ dẫn dụng đi kèm.


    Tạm đi đến nhận định là: vào thế kỷ XVII-XIX, “xe” hầu như lùi vào “hậu trường” để trở thành một từ cổ. Trong khi đó, “nhiều” là một từ phổ dụng và đã và đang thay thế XE. Nói “hầu như” là vì các tác phẩm từ thế kỷ XVI-XIX không hề thấy XE xuất hiện nữa, nhưng nó bắt đầu “chết” từ lúc nào thì có lẽ nên dè dặt vì không có mặt trong từ điển không nhất thiết có nghĩa là không có mặt trong từ vựng. Như Truyện Kiều 22 lần xuất hiện nhiều[7]. Cư trần lạc đạo đời Trần thấy nhiều xuất hiện 1 lần[8]. Quốc âm thi tập có 15 lần dùng từ nhiêu, và 54 lần từ nhiều[9]. Khóa hư lục giải nghĩa thì nhiêu 14 lần, nhiều 12 lần[10] . Nhưng 2 văn bản được đỉnh bản vào thế kỷ XIX, chắc bị sửa ít nhiều. Phật thuyết một bản dịch có thể được tiến hành vào quãng thế kỷ XII trở về trước, ngôn ngữ khá bảo lưu thì nhiều xuất hiện 11 lần[11] và cũng không thấy xuất hiện XE.


    Như vậy, chỉ thấy xe xuất hiện trong 2 tác phẩm, CNNA và Sãi Vãi. CNNA là văn bản tk XVII, và chắc đây là bản trùng san từ một bản cổ hơn. Theo như chứng minh của Ngô Đức Thọ về chữ Húy triều Hồ[12], đây là văn bản khắc in vào đầu tk XV, và bản tk XVII là bản in lại mà không sửa chữa gì nhiều so với bản trước. Sãi vãi là tác phẩm của Nguyên Cư Trinh (1716-1767) Đàng Trong. Vậy tại sao từ xe lại xuất hiện trong tác phẩm này? Như ta biết, Đàng Trong (nhất là vùng Bình Trị Thiên) là vùng phương ngữ cổ của tiếng Việt. Và vùng phương ngữ này vào thế kỷ có thể XVIII vẫn còn lưu giữ từ xe mà ở Đàng Ngoài (Bắc) đã biến mất. Sau đó, từ cuối tk XVIII, từ XE cũng đã biến mất khỏi vùng phương ngữ này.




    Còn một vấn đề nữa, tại sao Gén lại ghi nhận được từ XE? Ta biết rằng các nhà truyền giáo có phong cách tiếp thu từ điển của những người đi trước, như A de Rhodes tiếp thu hai cuốn Annamiticium Lussitanum*[13] của Gaspar de Amaral (1592-1646) và Lussitanum Annamiticium* của Antonio Barbosa. Cuốn từ điển Dictionarium Annamitico-Latinum (1838) của Taberd tiếp thu từ Dictionarium Anamitico Latinum (1772) của Bỉ Nhu và A. de Rhodes, Dictionaire Annamite- Chinois- Français (1937) của G.Hue tiếp thu từ Dictionaire Annamite - Français (1898) của Génibrel, và Génibrel lại tiếp thu từ Dictionaire Annamite - Français (Imprimerie de la Mission de Saigon 1877*) của Mgr Caspar. Sự bổ sung các mục từ có thể là được tiếp thu từ những bảng từ chép tay của từng giáo sĩ, đồng thời có cứ liệu thực địa bổ sung và sự tiếp thu mục từ XE của Génibrel có thể là từ một bản thảo chép tay vô danh nào đó từ các thế kỷ trước để lại.


    Tạm thời có thể đi đến một số nhận định như sau:

    1.XE là một từ đang biến mất/ hoặc đang bị thay thế dần dần bởi từ nhiều vào giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ XIII-XVI), và có lẽ biến mất ở Bắc bộ vào giai đoạn tiếng Việt Trung đại XVII-XVIII.

    2.Đầu thế kỷ XVIII, XE vẫn còn tồn tại ở vùng phương ngữ Đàng Trong, và sau đó cũng nhanh chóng biến mất.

    3.(Giả thuyết) XE là một từ phổ dụng của tiếng Việt tiền cổ vào giai đoạn tk X-XIII.

    4.Mục từ XE trong Génibrel có lẽ đã được tiếp thu từ một bảng từ của các giáo sĩ vô danh được khảo sát từ các thế kỷ XVII-XVIII tại vùng phương ngữ Đàng Trong. Trong tình hình tư liệu hiện có chúng ta chỉ tạm có thể đưa ra giả thuyết như trên.




    2. Từ nguyên của chữ XE

    Với âm XE, chúng ta từng biết đến âm XE trong các từ cái xe, xe cộ, xe pháo mã tốt, tàu xe. XE là âm đọc Tiền Hán Việt trước đời Đường của chữ XA 車. Từ tiền lệ như vậy, chúng tôi thử đặt giả thuyết tương tự cho âm XA đang xét đến ở đây. Kết quả là chúng tôi tìm được chữ XA賒.


    XA 賒 có nghĩa là nhiều, nghĩa thứ 5 trong Hán ngữ đại tự điển [14] [đa, phồn đa], ví dụ: Lãng Sĩ Nguyên朗士元trong bài Văn xuy dương diệp giả 聞吹羊葉者 có câu胡馬迎風起恨賒Hồ mã nghinh phong khởi hận xa (ngựa Hồ nghênh gió, hận dấy đầy). Và như thế, có thể tạm đi đến nhận định rằng, XE (nhiều) trong tiếng Việt cổ là một từ gốc Hán đọc theo âm Tiền Hán Việt. Về mặt ngữ âm, chúng ta thấy sự phân biệt / e / < > / a / giữa các âm Tiền Hán Việt với âm Hán Việt, có thể nêu ra một số ví dụ như: chén – trản 盞 ; chèo – trạo 棹 ; hen (ho hen, hen suyễn) – han 鼾, hét – hát 喝[15].


    Chữ賒với âm XA đồng thời cũng là một hình vị Hán Việt được du nhập khá sâu vào tiếng Việt, với nghĩa là xa (trái với gần). Đây là nghĩa thứ 3 trong Hán ngữ đại tự điển (dao viễn 遙 遠). Như thế XA賒là một từ Hán Việt đơn tiết trong tiếng Việt hiện nay, chứ không phải là một từ thuần Việt như trước nay chúng ta vẫn hiểu. Đồng thời, XA là một từ đơn tiết trong tiếng Hán cổ đại. Thơ cổ có ví dụ sau: Vương Bột王勃trong bài Đằng Vương các tự滕王閣序có câu: 北海虽賒, 扶摇可接 Bắc hải tuy xa, phù dao khả tiếp (bể Bắc tuy xa, lần theo cũng tới) . Thơ cổ cũng có câu萬里休言道路賒vạn lý hưu ngôn đạo lộ xa (muôn dặm chớ nói rằng đường đi xa). Thêm nữa, XA với nghĩa này còn là một từ tố để tạo nên một số từ song tiết khác cận/ gần nghĩa như xa xôi, xa vời, xa xăm, xa cách, xa lánh, xa tít, xa mù, xa ngái, xa khơi, xa lắc, xa xa, xa hoắc, xa lìa, xa lơ xa lắc, xa mú, xa mú tí tè, xa tắp, xa tít tắp, xa thẳm, xa vắng, xa xưa.


    Chữ 賒 còn thông với chữ XA奢 trong “xa xỉ” và có một điệp thức (doublet) cổ là “xe” trong “xe xua” và “xo xe” trong tiếng Nam Bộ, mà vì siêu chỉnh (hypercorrection) nên đã biến thành “se sua” và “so se”. Ngoài ra, XA cũng là một hình vị Hán Việt trong các từ Hán Việt như: “xa hoa”, “xa xỉ” và “kiêu sa” (trại âm từ kiều xa 嬌賒- một từ Hán Việt Việt tạo?, nghĩa là “đẹp sang trọng”).


    Chữ賒còn trỏ hành động dùng tiền để mua bán, trao đổi. Trong tiếng Hán có từ sha xiao賒銷 (đọc theo âm Hán Việt là xa tiêu). Vào tiếng Việt, đọc theo âm Quảng Đông thành tiêu xài. Xài cũng vừa là một từ gốc Hán đơn tiết vừa là một từ tố Hán Việt.


    Có điều đáng chú ý là, trong các văn bản Nôm, âm XA đôi khi không được dùng bằng tự dạng gốc là 賒, mà được ghi bằng chữ đồng âm khác là 車(xe cộ). Đây là một đặc điểm thường thấy đối với những chữ Nôm ghi âm từ gốc Hán trong các văn bản Nôm thuộc thế kỷ XV-XIX. Điều này thể hiện qua hệ thống chữ Nôm dùng để ghi các từ cổ đọc theo âm Phi Hán Việt, tuy số lượng của chúng không nhiều, nhưng lại là những trường hợp khá thú vị đối với những người quan tâm đến các văn bản Nôm và từ nguyên học.





    Từ Liêm 2010



    Tác giả: Trần Trọng Dương

    Địa chỉ: Viện NC Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội.

    Email: trantrongduonghn@gmail.com

    [1] J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định.

    [2] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Tr.75.

    [3] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), sdd. tr78

    [4] Trần Xuân Ngọc Lan, (1985), sdd. tr218

    [5] Vương Lộc, (1999), Từ điển từ cổ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng. H.

    [6] J.F.M. Génibrel, (1898), Dictionnaire Annamite- Français (大越國音漢字法 釋集成 ), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định. tr560

    [7] Đào Duy Anh. Từ điển truyện Kiều.

    [8] Hoàng Xuân Hãn.(1978). Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần-Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. KHXH (Paris) 5-7 91978-1980). tb 1998. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần- Lê, trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Nxb Giáo dục. T3: 1091-1095.

    [9] Phùng Minh Hiếu. Bảng tra từ vựng trong Quốc âm thi tập (bản thảo), nhân đây xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ tư liệu.

    [10] Trần Thái Tông. (2009). Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb Văn học & TT Nghiên cứu Quốc Học.

    [11] Hoàng Thị Ngọ, (1999), Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

    [12] Ngô Đức Thọ, (2005), Thông tin mới nhất về Chỉ nam ngọc âm, T/c Hán Nôm, số 3.2005.

    [13] Ký hiệu * biểu thị văn bản đã thất truyền.

    [14] Hán ngữ đại tự điển 漢語大字典. Thành Đô xuất bản xã, 1993.

    [15] Nhân đây xin gửi lời tri ân đến học giả An Chi, người đã trực tiếp gợi ý, hướng dẫn tôi đi đến nghiên cứu này. Và một số kết quả trong bài viết thực chất là cùng thuộc về ông.