Friday, 9 November 2012
Thursday, 8 November 2012
TIỀN CỔ VIỆT NAM TRONG LỊCH ĐẠI CỔ TIỀN ĐỒ THUYẾT - Nguyễn Thị Thảo (Thông Báo Hán Nôm)
NGUYỄN THỊ THẢO
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Từ xưa đến nay đã có nhiều tác giả bàn về tiền cổ như Lê Quý Đôn ở mục Phẩm vật trong sách Vân đài loại ngữ, Phan Huy Chú trong Quốc dũng chí sách Lịch triền hiến chương loại chí; Đỗ Văn Ninh trong Tiền cổ Việt Nam; Nguyễn Anh Huy nghiên cứu tiền cổ các đời; Đinh Công Vĩ nghiên cứu tiền cổ Việt Nam qua các niên đại (năm con giáp v.v...). Gần đây chúng tôi lại sưu tầm được cuốn Lịch đại cổ tiền đồ thuyết do Đinh Phúc Bảo biên soạn và Đái Bảo Bình tham gia giám định, xuất bản năm 1940 tại thư điếm Thượng Hải - Trung Quốc.
Trong lời thuyết minh bản chụp in lại cuốn sách này ghi rằng: Bản Lịch đại cổ tiền đồ thuyết do Đinh Phúc Bảo biên soạn và Đái Bảo Bình tham gia giám định, xuất bản năm 1940, cách ngày nay đã hơn 40 năm. Ba, bốn mươi năm nay phần lớn tiền cổ khai quật lên, các tác giả nghiên cứu tiền cổ phát biểu rất nhiều, nhưng bản Đồ thuyết này vẫn là quyển sách công cụ có giá trị đối với những người sưu tầm cổ vật, những người nghiên cứu tiền tệ, những người thu thập cất giữ và yêu quý tiền cổ.
Quyển sách này tổng cộng thu thập được 3131 loại tiền cổ và liệt kê theo thứ tự lịch sử, tiền cổ phát hành qua các triều đại từ thời Tần đến nay đều được sưu tầm đầy đủ, có một số trường hợp còn liệt kê các tiêu bản khác nhau, so với bản Cổ tiền đồ phả được in ấn trước đây thì nhiều hơn hẳn. Do các nguyên nhân hạn chế của thời đại v.v.. nên trong đó cũng có lẫn một số sản phẩm giả, nhưng không ảnh hưởng gì đến giá trị quyển sách.
Những hình ảnh trong quyển sách này đều dùng các bản dập tiền cổ để in, có loại tiền gốc đã không tồn tại, nhưng từ thấy những hình dáng và thần thái của các đồng tiền qua các bản dập thì đã thể hiện được rõ về tiền cổ. Đối với việc đúc tiền, năm phát hành và chủng loại đều có phần tóm tắt thuyết minh có thể làm tài liệu tham khảo về lịch sử sơ lược của tiền tệ.
Các loại tiền cổ được ghi chú rõ giá trị thị trường đương thời, sau khi quyển sách được xuất bản thì đã có sự thay đổi rất nhiều, không thích hợp với hiện nay nữa. Nhưng nó phản ảnh tình hình chung các loại tiền cổ đương thời còn được lưu hành ít hay nhiều nên đối với các nhà nghiên cứu vẫn có giá trị nhất định.
Quyển sách này đương thời được in ấn không nhiều, hiện nay đã rất khó sưu tầm. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần bức thiết của độc giả chúng tôi xin chụp nguyên bản để phát hành.
Ấn hành vào tháng 12 năm 1985 tại nhà sách Thượng Hải. Quyển Lịch đại cổ tiền đồ thuyết đề cập đến tiền cổ của rất nhiều nước như Triều Tiên (Lưu Cầu), Nhật Bản, An Nam (Việt Nam), v.v. Ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu về phần tiền cổ Việt Nam. Cụ thể như sau:
Phần 20: An Nam (Việt Nam)
- Thái Bình Hưng Bảo, lưng có chữ Đinh. Đại Việt sử ký ghi Đinh Bộ Lĩnh nước An Nam (Việt Nam) dựng nước vào đầu năm Tống Khai Bảo đến năm thứ ba thì đổi niên hiệu là Thái Bình hiệu là Đinh Triều, trên mặt tiền là Thái Bình, sau lưng tiền là chữ Đinh, Quốc hiệu:
+ Thái Bình Hưng Quốc
+ Thiên Phúc Trấn Bảo
Lưng tiền đúc chữ Lê, Đại Việt sử ký ghi rằng năm Thiên Phúc thứ năm đời Lê Hoàn nước An Nam (tức năm đầu Tống Ung Hy) đúc tiền Thiên Phúc Trấn Bảo, lưng tiền là chữ Lê cũng là quốc hiệu.
- Thiên Phúc Trấn Bảo.
- Minh Đạo Nguyên Bảo: Đại Việt sử ký chép rằng: tháng 10 năm Càn Phù Hữu Đạo thứ tư đời Lý Thái Tông nước An Nam xuống chiếu đổi niên hiệu là Minh Đạo thứ nhất. Đúc tiền Minh Đạo, xét loại tiền này với tiền Minh Đạo Bắc Tống hoàn toàn không giống nhau.
- Thiên Cảm Nguyên Bảo: khoảng năm Thiên Cảm Thánh Vũ đời Lý Thái Tông vâng theo mệnh lệnh của Cần Vương Lý Nhật Trung đúc tiền, trên mặt tiền có chữ “tuyến độc”, mặt sau không có chữ và có hai chữ Cần Vương (theo Đông Á tiền chí).
- Thiên Cảm Nguyên Bảo. Năm Kiến Trung đời Trần Thái Tông đúc loại tiền loại nhỏ lưng tiền không có chữ, tiền này lưu truyền ở đời rất ít (theo Đông Á tiền chí).
- Chính Bình Thông Bảo: ®úc năm Thiên Ứng Chính Bình đời Trần Thái Tông. Hình dạng của tiền đó với tiền Kiến Trung Thông Bảo trước đây gần gần giống nhau (theo Đông Á tiền chí).
- Nguyên Phong Thông Bảo: ®úc năm Nguyên Phong đời Trần Thái Tông.
- Thiệu Phong Thông Bảo: ®úc năm Thiệu Phong đời Trần Thái Tông, tiền đồng sắc đen nhạt, mỏng hiện tại còn rất ít.
- Khai thái Nguyên Bảo: ®úc năm Khai Thái đời Trần Nhân Tông, lưng tiền không có chữ cũng có chữ Trần ghi tên Quốc Hiệu.
- Thiệu Phong Nguyên Bảo: ®úc năm Thiệu Phong đời Trần Dụ Tông, mặt tiền có chữ Chân thư, Hành thư, tạp thư v.v. (theo Đông Á tiền chí).
- Đại Trị Thông Bảo: Đại Việt sử ký chép rằng tháng hai mùa xuân năm Đại Trị thứ 3 đời Trần Dụ Tông đúc tiền Đại Trị Thông Bảo có nhiều loại, các loại có chữ Chân thư, Hành thư, Lệ thư, Thảo thư v.v...
- Đại Trị Nguyên Bảo: ®úc năm Đại Trị đời Trần Dụ Tông, có chữ Chân thư, Hành thư, tạp thư v.v...
- Thi Nguyên Thông Bảo: ®úc năm Bổ hy nhà Nguyễn.
- Đại Định Thông Bảo: ®úc năm Đại Định đời phế đế Nhật Lệ, dạng tiền này cùng với tiền của Đại Định nhà Kim không giống nhau.
- Cảnh Nguyên Thông Bảo: tiền của Tống Nguyên Thông Bảo và tiền Cảnh Nguyên Thông Bảo giống tiền Thi Nguyên Thông Bảo và là tiền đúc cùng thời.
- Khánh Nguyên Thông Bảo: đúc năm Thánh Nguyên thứ nhất thời Đại Ngu Đế Quý Ly, màu sắc nhạt hình to và hiện lưu truyền ở đời rất ít.
- Thiên Khánh Thông Bảo: đúc năm Thiên Khánh thứ nhất đời vua Trần Cảo nước An Nam (theo sách Đông Á tiền chí)
- Thánh Nguyên Thông Bảo: đúc năm Thánh Nguyên thứ nhất đời Đại Ngu Đế Quý Ly, màu sắc nhạt hình thì lớn lưu truyền ở đời rất ít.
- Thuận Thiên Nguyên Bảo: Đại Việt sử ký chép đầu niên hiệu Thuận Thiên đời Lê Thái Tổ, đúc tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo
- Thuận Thiên Đại Bảo: Đại Việt sử ký chép năm đầu niên hiệu Thuận Thiên đời Lê Thái Tổ từ tháng tư đến tháng 12 nhuận đều đúc tiền Thuận Thiên Đại Bảo.
- Thiệu Bình Thông Bảo: Đại Việt sử ký chép Thiệu Bình năm đầu thời Lê Thái Tông ngày mồng 4 tháng 9 ban đúc tiền mới Thiệu Bình.
- Đại Bảo Thông Bảo: khoảng năm Đại Bảo đời Lê Thánh Tông đúc tiền Đại Bảo Thông Bảo (theo Đông Átiền chí).
- Đại Bảo Thông Bảo: khoảng năm Đại Hòa đời Lê Nhân Tông đúc tiền Đại Hòa Thông Bảo (theo Đông Á tiền chí).
- Diên Ninh Thông Bảo: Đại Việt sử ký chép rằng năm Diên Ninh thứ nhất đời Lê Nhân Tông vào mùa xuân tháng giêng đúc tiền Diên Ninh Thông Bảo.
- Thiên Hưng Thông Bảo: khoảng năm Thiên Hưng đời Lê Phế Đế Nghi Dân đúc tiền Thiên Hưng Thông Bảo (theo Đông Á tiền chí).
- Quang Thuận Thông Bảo: đúc khoảng năm Quang Thuận đời Lê Thánh Tông
- Hồng Đức Thông Bảo: khoảng năm Hồng Đức thứ nhất đời Lê Thánh Tông đúc tiền Hồng Đức Thông Bảo.
- Cảnh Thống Thông Bảo: đúc khoảng năm Cảnh Thống thứ nhất đời Lê Thánh Tông.
- Đoan Khánh Thông Bảo: đúc khoảng năm Đoan Khánh đời vua Lê Uy Mục
- Hồng Thuận Thông Bảo: đúc khoảng năm Hồng Thuận đời Lê, đúc tiền Hồng Thuận Thông Bảo.
- Quang Thiệu Thông Bảo: đúc khoảng năm Quang Thiệu đời vua Lê Chiêu Tông, đúc tiền Quang Thiệu Thông Bảo.
- Trần Công Tân Bảo: năm Hồng Thuận thứ ba đời Lê. Cũng khoảng năm Thiên Ứng Trần Cảo đúc tiền mặt tiền mặt tiền bằng chữ triện, sau lưng không có chữ.
- Tuyên Hòa Hữu Bảo: khoảng năm Tuyên Hòa đời Trần Cảo đúc tiền Tuyên Hóa Hữu Bảo.
- Minh Đức Thông Bảo: khoảng năm Minh Đức đời Mạc Thái Tổ đúc tiền Minh Đức Thông Bảo, bề mặt chữ đọc đối nhau lưng không có chữ.
- Đại Chính Thông Bảo: khoảng năm Đại Chính đời Mạc Thái Tông đúc tiền Đại Chính Thông Bảo.
- Quảng Hòa Thông Bảo: ®úc khoảng năm Khánh Hòa đời Mạc Phúc Hải.
- Vĩnh Định Thông Bảo: khoảng năm Vĩnh Định đời Mạc Phúc Nguyên đúc tiền Vĩnh Định Thông Bảo so với tiền đúc chân lạc thì màu sắc cũng tương tự, hình dáng thì mỏng, nhỏ.
- Quang Bảo Thông Bảo: ®úc khoảng năm Quang Bảo đời Mạc Phúc Nguyên.
- Sùng Minh Thông Bảo: ba loại tiền Nguyên Chính Thông Bảo, Khai Tiến Thông Bảo, Sùng Minh Thông Bảo đúc không khác mấy so với tiền Vĩnh Định Thông Bảo là đồng tiền thời Mạc Phúc Nguyên là không phải nghi ngờ gì nữa.
- Nguyên Hòa Thông Bảo: khoảng năm Nguyên Hòa đời Đại Việt Tráng Đế đúc tiền Nguyên Hòa Thông Bảo trên mặt là chữ Triện đọc đối nhau.
- Gia Thái Thông Bảo: khoảng năm Gia Thái Đại Việt Thế Tông đúc tiền Gia Thái Thông Bảo, chất tiền khác so với tiền Gia Thái Thông Bảo đời Nam Tống.
- Vĩnh Thọ Thông Bảo: khoảng năm Vĩnh Thọ đời Lê Thần Tông đúc tiền này. Chất đồng có hai loại xanh và đỏ chữ trên mặt tiền có hai thể, thể chân và thể hành.
- Vĩnh Thịnh Thông Bảo: đúc năm Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tông, lưng tiền có chữ Tỵ.
- Bảo Thái Thông Bảo: đúc năm Bảo Thái đời Lê Dụ Tông, chất màu đỏ, đúc thô sơ.
- Cảnh Hưng Thông Bảo: khoảng năm Cảnh Hưng đời Lê Hiến Tông đúc tiền này ở Bắc Kỳ. Có ba loại Chân thư, Lệ thư và Thiện thư. Loại Chân thư lưng có chữ Canh Thân, Tân Dậu, Nhâm Tuất, Sơn Tây, Sơn Nam, Kính Trung, Tây Thái Công v.v.
- Cảnh Hưng Thông Bảo.
- Cảnh Hưng Nội Bảo.
- Cảnh Hưng Cực Bảo: ®úc năm Cảnh Hưng thứ ba (theo Đông Á tiền chí)
- Cảnh Hưng Chí Bảo.
- Cảnh Hưng Trung Bảo
- Cảnh Hưng Chính Bảo
- Cảnh Hưng Vĩnh Bảo.
Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng: tháng Giêng mùa xuân năm Cảnh Hưng thứ hai ba đặt chức quan Giám đốc lò đúc tiền rồi mới đặt quan giám đốc. Các lò đúc tiền Nhật chiêu mặc cáo và các lò đúc tiền Sơn Tây, Thái Nguyên đều có ghi riêng biệt để phòng lạm phát.
- Cảnh Hưng Thuận Bảo: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, khoảng tháng Giêng năm Cảnh Hưng ba mươi bảy. Lò đúc tiền Thuận Hóa đã đem đồng để đúc tiền Cảnh Hưng Thuận Bảo gồm hơn bao vạn dân.
- Chiêu Thống Thông Bảo: trong Khâm Định duyệt sử thông giám cương mục ghi rằng: Vào tháng ba năm Chiêu Thống thứ nhất đời Lê Mẫn Đế. Nguyễn Hữu Chỉnh tâu xin vận chuyển tất các tượng đồng ở các chùa quan để đúc tiền Chiêu Thống Thông Bảo lưng có các chữ Trung, nhất, chính, sơn, thái, sơn nam v.v…
- Thái Bình Thông Bảo: tiền đúc đời Thuận Hóa Thái tổ Nguyễn Hoàng lưng có tinh văn và nhất nhất lại có bánh xe Thái Đô sắt đồng cũng mờ mờ đúc thô sơ (theo Đông Á tiền chí).
- Thiên Minh Thông Bảo: loại tiền kẽm (chì) đúc thời Thế Tông ở Thuận Hóa...
- An Pháp Nguyên Bảo: năm Bính Thìn thứ hai mươi mốt đời Túc Tông Phúc Phong ở Thuận Hóa, từ đó về sau Đô đốc Trấn Hà Tiên là Đăng Thiên Tứ đúc ở trấn Hà Tiên.
- Thái Đức Thông Bảo: năm Thái Đức triều Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đúc tiền này bằng đồng sắt màu đỏ, màu đen, màu vàng và màu trắng v.v.. lưng có chữ tinh nguyệt lại có hai chữ thảo thư vạn tuế là Thái Đức năm thứ mười bốn Nguyễn Văn Nhạc về thành Quy Nhơn tức là lên ngôi ở Trung ương Hoàng Đế đúc tiền Thái Đức Thông Bảo.
- Minh Đức Thông Bảo: đúc hình dạng và kích thước chữ cũng như Thái Đức Thông Bảo có hai chữ Vạn Tuế bằng chữ Thảo tương tự. Loại tiền cùng thời là không còn nghi ngờ gì nữa. Hai chữ Minh Đức là lời khen chứ không phải là niên hiệu. Sau lưng có hai chữ vạn tuế bằng chữ Thảo. Không giống tên Minh Đức của Mạc Đăng Dung.
- Quang Trung Thông Bảo: đúc năm Quang Trung Nguyễn Văn Huệ. Màu sắc đỏ, vàng tuyền, mỏng như giấy, lớn nhỏ không giống nhau, chữ ở trên tiền nhỏ sau lưng không có chữ lại có hai chữ An Nam. Ở sau lưng có chữ Trọng luân.
- Quang Trung Đại Bảo: cũng đúc năm Quang Trung Nguyễn Văn Huệ đồng vàng mỏng, chữ Bảo (寶) là chữ Bảo.
- Cảnh Thịnh Thông Bảo: đúc năm Cảnh Thịnh đời Nguyễn Quang Toản đúc bằng đồng màu thuần vàng mỏng, lớn nhỏ không giống nhau. Lưng phần nhiều không có chữ, trước mặt và sau lưng đều.
- Cảnh Thịnh Đại Bảo: đúc năm Cảnh Thịnh đời Nguyễn Văn Toản, hình dạng cũng giống tiền Quang Trung Đại Bảo.
Bảo Hưng Thông Bảo: đúc năm Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, đúc thô sơ, mỏng sau lưng không có văn, tương truyền là rất ít, không tương truyền ở đời (theo Đông Á tiền chí).
- Gia Long Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng tháng sáu năm Gia Long thứ 2 đời thế tổ Gia Long đúc tiền Gia Long Thông Bảo. Có hai loại tiền đồng và tiền kẽm. Sau lưng có chữ triện sáu phân, chữ Khải bảy phân.
- Gia Long Thông Bảo.
- Minh Mệnh Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng, tháng hai năm Minh Mệnh thứ nhất đời Thánh Tổ đầu tiên đúc tiền Minh Mệnh Thông Bảo sáu phân tiền đồng và tiền kẽm (chì) lại đúc tiền đồng loại lớn. Đông Á tiền chí chép rằng: năm Minh Mệnh thứ 18 thì đúc tiền ở phủ Thuận Hóa một tương đương với một trăm, lưng đúc những lời trong kinh truyện Nam Mỹ hiệu có tám chữ, hai mươi ba loại, bốn chữ có mười bảy loại: Xuyên chí sơn tăng, lời dụ hậu sinh, như sơn như xuyên, như cương như phụ, kỳ ngọc kim chương, kỳ trác tạo tương, thánh mô dương dương, vương đạo thang thang v.v…
- Nguyên Trị Thông Bảo: Trị Nguyên Thông Bảo khoảng năm Trị Nguyên thứ nhất đời Lê Văn Ngỗi (theo Đông Á tiền chí).
- Nguyên Long Thông Bảo: đúc năm Nguyên Long đời Ngụy Văn Vân, đúc mỏng nhỏ sau lưng không có chữ cũng có đúc chữ xương và chữ trong (theo Đông Á tiền chí).
- Thiệu Trị Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng tháng ba năm Thiệu Trị thứ nhất đời Hiến Tổ đúc tiền Thiệu Trị Thông bảo nhỏ, nhẵn có hai loại tiền đồng và tiền kẽm, lưng có hai chữ Hà Nội lại có loại tiền đồng lớn hình dạng giống tiền lớn Minh Mệnh Thông Bảo, chữ ở lưng cũng có bốn mươi loại.
- Thọ Hiếu Niên
- Tự Đức Thông Bảo
- Sử Dân Phú Thọ
- Tự Đức Thông Bảo
Đại Nam thực lục chính biên chép rằng tháng hai năm Tự Đức thứ nhất đời Dực đế bắt đầu đúc tiền Tự Đức bằng đồng, lưng có sáu văn hai chữ, tiền kẽm lưng có chữ Sơn Tây, Hà Nội v.v… lại có loại tiền đồng lớn giống tiền đồng Minh Mệnh Thông Bảo lưng cũng có vân bốn mươi loại.
- Tự Đức Bảo Sao: đúc năm Tự Đức thứ 18 đời Dực Đế lưng ghi chữ trị từ 18 văn đến 60 văn. Phàm lục Phẩm theo thứ tự kém sáu văn (theo Đông Á tiền chí).
- Kiến Phúc Thông Bảo: Khoảng năm Kiến Phúc đời Giảm Tông trong cung Thuận Hóa Bảo đúc thử tiền ở phủ Hà Nộii có hai loại tiền đồng và tiền kẽm (theo Đông Á tiền chí).
- Hàm Nghi Thông Bảo: đúc năm Hàm Nghi đời vua Hàm Nghi lưng tiền không có chữ, cũng có hai chữ Lục Văn (theo Đông Á tiền chí)
- Đồng Khánh Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng vào tháng tư năm Đồng Khánh thứ nhất đời Cảnh Tông, đúc tiền Đồng Khánh Thông Bảo có hai loại.
- Thành Thái Thông Bảo: đúc năm Thành Thái đời vua Thành Thái năm đầu có hai loại lớn nhỏ lưng có chữ Lục Văn và Thập Văn (theo Đông Á tiền chí).
- Duy Tân Thông Bảo: đúc năm Duy Tân đời vua Duy Tân có hai loại lớn nhỏ. Loại lớn sau lưng có hai chữ Thập Văn (theo Đông Á tiền chí).
- Khải Định Thông Bảo: ®úc năm Khải Định đời vua Khải Định, lưng không có chữ./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.417-426)
Tuesday, 6 November 2012
Về những địa danh “thuần Việt” thời Hùng Vương (An Chi - Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ TT-Huế, 4-1996).
Trong bài “Nước Văn Lang và cương vực của nó qua tài liệu ngôn ngữ học” (1), Hoàng Thị Châu đã cho rằng yếu tố “Kẻ” và những địa danh đi liền sau nó như “Mẩy”, “Cót”, “Vòng”, v.v.. (thành “Kẻ Mẩy”, “Kẻ Cót”, “Kẻ Vòng”, v.v..) là những tên Nôm làm thành một “hệ thống tên xã thôn (...) hoàn toàn khớp với cương vực nước Văn Lang được ghi lại trong truyền thuyết dựng nước” (2). Sau đó, nhiều người đã xem đây gần như là điều hiển nhiên, không cần phải lật đi lật lại, rồi Nguyễn Linh, trong Thời đại Hùng Vương (3), đã lấy lại lập luận của Hoàng Thị Châu để phổ biến cho người đọc như là những tín điều chẳng có gì cần phải bàn cãi. Thực ra, lập luận của hai tác giả trên đây đã có những chỗ sơ hở rất quan trọng nên không thể chống đỡ được cho kết luận mà họ muốn mọi người đều xem là sự thật hiển nhiên. Chúng tôi đã có phản bác một phần của lập luận đó và chứng minh rằng “kẻ” là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 界 mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là giới, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là giái, còn âm chính thống thì lại là cái (“cổ bái thiết”) (4). Vì vậy, trong bài này chúng tôi sẽ không trở lại với từ “kẻ” mà chỉ chứng minh rằng những cái gọi là tên Nôm hoặc “thuần Việt” như Mẩy, Cót, Vòng, v.v.. chẳng qua chỉ là âm xưa của những chữ Hán nay đã được đọc theo âm Hán Việt hiện đại mà thôi.
Để bắt đầu, xin phân tích tên Mơ là một địa danh cổ xưa từ lâu đã trở thành quá quen thuộc với người Hà Nội. Địa danh này có liên quan đến tên Hán Việt hiện đại của các làng Hoàng Mai, Tương Mai và Mai Động. Theo Bùi Thiết thì:
“Hoàng Mai và Tương Mai có tên Nôm là Kẻ Mơ hay gọi là làng Mơ nhưng Hoàng Mai là Mơ Rượu vì làng này có nghề nấu rượu cổ truyền với rượu mơ nổi tiếng thời trước, còn Tương Mai là Mơ Cơm vì làng này chuyên bán hàng cơm. Làng Mai Động cũng gọi tên Nôm là Mơ nhưng gọi là Mơ Táo. Kẻ Mơ hay ba làng Mai nói chung nằm kề góc đông nam của kinh thành Thăng Long xưa, được khai phá từ rất sớm (...) Thời nhà Trần, khu vực này là thái ấp Cổ Mai (hay trang Cổ Mai) mà các vua nhà Trần phong cấp cho anh em Trần Khát Chân và Trần Hãn” (5).
Thực ra, chẳng phải chỉ có Hoàng Mai, Tương Mai và Mai Động mới có tên “Nôm” là Mơ; các làng cổ mà tên Hán Việt hiện nay có yếu tố Mai, ghi bằng chữ 梅, thì đều có tên “Nôm” là Mơ. Thôn Mai Châu, thuộc xã Đại Mạch, một trong 23 xã của huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, cũng có tên “Nôm” là làng Mơ (6). Thôn Mai Trai, thuộc xã Vạn Thắng, một trong 32 xã của huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, cũng có tên “Nôm” là làng Mơ (7).
Cái mà Bùi Thiết, và nhiều người khác nữa gọi là tên Nôm trên đây, chẳng qua chỉ là âm xưa của yếu tố Hán Việt hiện đại mà thôi: mơ là âm xưa của mai . Điều này đã được ngữ âm học lịch sử khẳng định và sau đây là lời của Nguyễn Tài Cẩn:
“Hiện ta có từ mơ là dạng cổ Hán Việt ứng với cách đọc Hán Việt mai. Mai là kết quả của cả một quá trình diễn biến *əj > oj > aj. Mơ là dạng vay mượn vào lúc âm cuối *-j chưa xuất hiện trong tiếng Hán: theo giới Hán ngữ học, mơ phải được vay trong khoảng từ 1500 năm trở về trước. Mà trong thời cổ đại đó thì – cũng theo sự phục nguyên của giới Hán ngữ học – từ mai đang có vần mở là *ə; vần *ənày không chỉ có mặt trong thời Đông Hán, Tây Hán mà còn lên đến tận thời Kinh Thi” (8).
Cứ như trên thì mơ là dạng cổ của mai nhưng trong tiếng Việt hiện đại thì giữa hai từ cùng gốc này đã có một sự phân công rành mạch về ngữ nghĩa: Mơ là một loại cây mà tên khoa học là Prunus armeniaca Lin, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae); còn mai thì lại là một loại cây mà tên khoa học là Prunus mume S. et Z., cũng thuộc họ hoa hồng như cây mơ (9). Một sự phân công như thế là điều hoàn toàn dễ hiểu và đây là một hiện tượng phổ biến trong các ngôn ngữ, chẳng hạn cùng một gốc Germanic mà tier của tiếng Đức có nghĩa là thú vật nói chung còn deer của tiếng Anh thì chỉ là hươu, nai.
Trở lên, sở dĩ chúng tôi phải dài dòng như thế là để chứng minh rằng, dù diễn biến ngữ âm và ngữ nghĩa của nó có quanh co đến đâu thì mơ vẫn là một yếu tố mà lai lịch có thể được xác minh một cách rõ ràng và đó rõ ràng là một từ Việt gốc Hán có liên quan đến chữ/từ 梅 mai . Đó dứt khoát không phải là một yếu tố Nôm, thuần Việt hoặc Việt cổ và đây tất nhiên không phải là trường hợp duy nhất vì ngoài nó ra thì còn rất nhiều, rất nhiều ca giống như nó mà sau đây chỉ là thêm một số thí dụ, cũng lấy từ sách đã dẫn của Bùi Thiết (số ghi trong ngoặc đơn sau mỗi thí dụ là số trang trong sách này):
Núc là âm xưa của Canh Nậu (32); Vài, của Ngọc Nhị (35); Gượm, của Cần Kiệm (37); Noi, của Cổ Nhuế(52); Vườn, của Cổ Nhuế Viên (52); Núc, của Dị Nậu (56); Vòng, của Dịch Vọng (57); Mẩy của Mễ Trì (57); Cói, của Cối Giang (85); Hóc của Minh Húc (93); Tạnh của Quán Tình (104); Then, của Kim Sơn(130); Keo, của Giao Tất (130); Bưởi của Bái Ân (155), Nghè, của Trung Nha (157); Bún, của Phấn Hạ (160); Vẹt, của Việt Yên (163); Mọc, của Nhân Mục (164); Nành, của Phù Ninh (167); Sủi của Thổ Lỗi(183): Gùn, của Siêu Quần (212), Ngâu, của Yên Ngưu (218); Ngà, của Miêu Nha (231); Đìa, của NgọcTrì (232); Gạch, của Ô Cách (244, 245); Cót, của Yên Quyết (268); Lềnh, của Linh Thượng (284);Ngò, của Ngô Khê (286); v.v..
Trong những cặp tương ứng trên đây, tiếng đầu (Núc, Vài, Gượm, v.v..) là âm xưa, còn tiếng sau (Nậu, Nhị, Kiệm, v.v..) là âm nay của cùng một chữ Hán trong những địa danh hữu quan và sự tương ứng đó là hoàn toàn nhất quán trong các địa danh chỉ nhiều địa phương khác nhau, thậm chí cách nhau rất xa. Thí dụ: Núc không chỉ là âm xưa của Nậu trong Canh Nậu, Dị Nậu, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, mà còn là âm xưa của cả Nậu trong tên của xã Dị Nậu, ở gần Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Then không chỉ là âm xưa của Sơn trong Kim Sơn nay thuộc ngoại thành Hà Nội mà còn là âm xưa của cả Sơn trong địa danh Bình Sơn, nơi có tháp Bình Sơn nổi tiếng, tục gọi là tháp Then, thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay. Gạch không chỉ là âm xưa của Cách trong Ô Cách nay thuộc ngoại thành Hà Nội mà còn là âm xưa của cả Cách trong địa danh Bình Cách, thuộc huyện Đông Quan (cũ), tỉnh Thái Bình.
Vậy Núc, Then, Gạch, v.v.. và tất cả các tiếng đầu trong những cặp tương ứng trên đây không phải là những tên Nôm, thuần Việt, hoặc Việt cổ như Bùi Thiết và nhiều nhà nghiên cứu khác đã ngộ nhận. Nếu tiếng đầu trong những cặp trên đây là Nôm, là thuần Việt còn tiếng sau là hình thức phiên âm thì không làm sao có được sự tương ứng nhất quán đến cao độ như đã thấy từ địa phương này sang địa phương khác, có khi cách nhau rất xa:
– Gạch ở gần Hà Nội cũng được phiên bằng Cách như Gạch ở Thái Bình mà lại không phiên bằng Kịch, chẳng hạn;
– Then ở gần Hà Nội cũng được phiên bằng Sơn như Then ở tận Phú Thọ mà lại không phiên bằng Thiên, chẳng hạn;
– Đặc biệt, Núc ở gần Hà Nội cũng được phiên bằng Nậu y hệt như Núc ở tận Vĩnh Phúc mà lại không phiên âm bằng Nục, chẳng hạn. Trường hợp này đáng được nói kỹ hơn một chút: Sự tương ứng Nậu ~Núc chỉ có thể được chứng thực bằng chính lịch sử ngữ âm và lịch sử văn tự của tiếng Hán mà thôi. Và điều này, khi đã được đặt vào bối cảnh chung của tiếng Hán thì sẽ hoàn toàn chẳng có gì là khác thường cả, vì về mối tương ứng âu ~ uc thì người ta còn có, chẳng hạn: – chữ 繆 vừa đọc mậu vừa đọc mục; – chữ dục (không có trong font Hanosoft ) vừa hài đậu 竇 vừa hài thục 贖 ; – chữhữu 有(= có) hài thanh cho chữ úc 郁 còn bản thân nó lại có âm xưa là dẫu trong “dẫu sao”, “dẫu rằng”, xưa hơn nữa là dầu trong “mặc dầu” (dầu = có → có sao đi chăng nữa thì cũng → hư từ hóa = mặc dù, dù sao); – chữ cú 句 cũng đọc câu, xét ngược lên lối triện, chỉ là một biến thể của chữ cục 局 ; v.v.. Và cuối cùng, chính B. Karlgren đã phục nguyên cho chữ 耨 âm thượng cổ là *nug, đối lập với âm nay là nou (10).
Sự tương ứng nhất quán đến cao độ trên đây là một chỗ dựa chắc chắn để khẳng định rằng những cặp từ đang xét chỉ là âm xưa và âm nay của những chữ Hán hữu quan. Nếu là phiên âm thì, dù âm gốc có là một, từ địa phương này sang địa phương khác, kết quả phiên âm thế nào cũng có sai biệt, và có khi khác nhau rất xa. Cứ nhìn vào các hình thức phiên âm từ tiếng Sanskrit thì có thể thấy ngay vấn đề. Nhiều từ Sanskrit có đến hai hình thức phiên âm khác nhau bằng tiếng Hán, có khi ba, bốn,... Ngay một từ quen thuộc nhất và tôn nghiêm nhất của Phật giáo là Buddha thì cũng có ít nhất là ba: Phật Đà, Phật Đồ và Phù Đồ.
Đã rõ những yếu tố đang xét không phải là những tên Nôm. Hoàng Thị Châu còn biện luận rằng “sự tồn tại lâu đời của tên Nôm còn thể hiện ra ở chỗ nó là những từ khó hiểu, nhiều từ không tìm thấy trong từ vựng tiếng Việt hiện đại” (11). Ý kiến này hoàn toàn không thể đứng vững được vì tính khó hiểu đâu có phải là chỗ dựa để xác định “ngữ tịch”! Ngày nay những người không thông thạo tiếng Hán khó mà biết được vưu trong vưu vật, chẳng hạn, có nghĩa là gì. Nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo vẫn gọi nhược điểm là “yếu điểm” vì không biết rằng yếu có nghĩa là quan trọng. Vậy chẳng lẽ đó không là những từ khó hiểu? Nhưng chẳng lẽ vì chúng khó hiểu mà khẳng định rằng chúng là Nôm? Mà lại còn là Nôm lâu đời! Sự vắng mặt của một từ trong từ vựng của tiếng Việt hiện đại cũng không thể là bằng chứng cho “ngữ tịch” Nôm của nó được. Xin đơn cử một thí dụ. Nhà nghiên cứu Hán Nôm nào cũng biết rằng cóc là một từ Việt gốc Hán có nghĩa là biết. Đây là một từ cổ không còn tìm thấy trong từ vựng của tiếng Việt hiện đại nữa. Vậy có lẽ nào nó ắt phải là Nôm?
Thực ra, sở dĩ những địa danh như Noi, Cót, Vòng, v.v.., khó hiểu thì chỉ vì chúng là dạng tắt của những địa danh hai tiếng, nghĩa là chúng đã bị tách khỏi cái cấu trúc song tiết hoàn chỉnh trong đó ý nghĩa của địa danh mới được bộc lộ đầy đủ. Đã thế, chúng lại còn là âm xưa của những chữ Hán mà âm nay đã khác đi ít hoặc nhiều (Noi ~ Nhuế; Cót ~ Quyết; Vòng ~ Vọng; v.v..) nên khó nhận diện đến nỗi nhà nghiên cứu cũng còn phải nhầm chúng là... Nôm!
Một cái tên như Gùn quả là khó hiểu nếu nó hoàn toàn đứng riêng ra một mình. Nhưng khi địa lý lịch sử cho phép gắn nó với tên đầy đủ và hiện đại là Siêu Quần, rồi những thao tác từ nguyên học lại cho phép khẳng định mối tương ứng gùn ~ quần thì mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Thật vậy, bản thân chữquần là một trong 36 tự mẫu của Thiết vận mà giá trị ngữ âm cổ xưa đã được khẳng định là [g] dễ chuyển hóa với [γ] của gùn trong tiếng Việt ngày nay, vậy bước đầu chúng ta đã có:
[γ] ~ [k] (1)
biết rằng q- ở trong quần chính là [k]. Ngoài ra, chúng ta lại còn biết thêm được rằng âm xưa của vận -uân là -un với các thí dụ: hun (khói) ~ huân 熏 (= xông khói); (đống) un ~ uân 熅 (= khói đặc bốc lên); (dây) thun ~ thuân 逡 (= rụt lại, lùi lại) v.v.. Vậy chúng ta còn có:
un ~ uân (2).
Phối hợp (1) với (2) thì sẽ thấy rằng gùn ~ quần là hoàn toàn đúng quy luật. Quần là đám đông, bầy, đàn, bọn. Siêu , mà âm xưa là xéo (trong “giày xéo”) có nghĩa là nhảy qua, vượt qua. Vậy Siêu Quầncó nghĩa là vượt lên trên đám đông, là xuất chúng. Đây vốn là tên của một xã thuộc tổng Đại Định, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Địa danh này cũng đồng nghĩa với địa danhSiêu Loại, vốn là tên của một huyện thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Siêu Quần xưa hẳn phải được phát âm thành *Xéo Gùn và thường được gọi tắt thành Gùn. Vậy Gùn là một địa danh Việt gốc Hán chánh cống chứ không phải là thuần Việt, là Nôm.
Các địa danh đơn tiết khác cũng có thể được truy nguyên và tầm nghĩa một cách chính xác như từ Gùntrên đây. Đìa là âm xưa của Trì trong Ngọc Trì có nghĩa là ao ngọc; vậy Đìa có nghĩa là ao. Núc là âm xưa của Nậu trong Canh Nậu có nghĩa là cày bừa; vậy Núc có nghĩa là bừa. Vài là âm xưa của Nhịtrong Ngọc Nhị có nghĩa là hoa tai ngọc; vậy vài là hoa tai. Noi là âm xưa của Nhuế trong Cổ Nhuế có nghĩa là khúc sông xưa (nay đã được bồi); vậy noi là khúc sông uốn quanh. Vườn là âm xưa của Viêntrong Cổ Nhuế Viên có nghĩa là vườn ở khúc sông xưa (hoặc vườn Cổ Nhuế); vậy vườn có nghĩa là... vườn. Vòng là âm xưa của Vọng trong Dịch Vọng có nghĩa là (nơi) mong chờ tin trạm; vậy vòng có nghĩa là mong, ngóng (và đây cũng là một điệp thức của “mong” trong “chờ mong” và của “mòng” trong “chốc mòng”). Mẩy là âm xưa của Mễ trong Mễ Trì có nghĩa là ao gạo; vậy mẩy có nghĩa là gạo. Hóc là âm xưa của Húc trong Minh Húc có nghĩa là sáng sủa, rực rỡ, vậy hóc có nghĩa là rực sáng v.v.. NếuGùn, Đìa, Núc, Vài, Noi, v.v.. không từng là những từ độc lập thì ít nhất chúng cũng là những hình vị gốc Hán có nghĩa minh xác và cụ thể. Đây là một điều chắc chắn. Vậy thật là vô căn cứ nếu không truy nguyên và tầm nghĩa cho khách quan và chính xác mà cứ theo định kiến để khẳng định rằng những địa danh thuộc loại trên đây là thuần Việt hoặc Việt cổ.
Đến đây, tưởng cũng nên nhân tiện xác định lại cho rõ ràng và rành mạch nội dung của hai khái niệm “tên Nôm” và “tên chữ”. Hoàng Thị Châu đã viết: “Tên Nôm hiện nay đang bị quên dần vì ít được dùng nhưng nó đã tồn tại rất lâu. Trước đây trong một thời gian dài nó tồn tại song song với tên Hán-Việt, với sự phân công khá rõ ràng: tên Nôm dùng để gọi, tên Hán-Việt dùng để viết. Do đó mà tên Hán-Việt còn được gọi là tên chữ” (12). Nhưng, như đã phân tích ở trên, cái gọi là tên Nôm cũng phải được ghi, được viết: Gùn viết là 群 , Đìa: 池 , Núc:耨 , Vài:珥 , Noi: 汭 , Vườn: 園 , Vòng: 望 , Mẩy:米 , Hóc:旭 , v.v.. Còn cái gọi là tên chữ thì cũng dùng để... gọi. Vậy cả hai loại đều là những tên chữ. Chẳng qua, như đã phân tích, “tên Nôm” là âm xưa còn “tên chữ” là âm nay của cùng một chữ Hán mà thôi. Vậy sự phân biệt thành “tên Nôm” và “tên chữ” như Hoàng Thị Châu và nhiều người khác đã chủ trương chỉ là một sự phân biệt giả tạo.
Cứ như đã phân tích thì ý tưởng dựa vào những địa danh “Nôm” như trên, mà lại có cả yếu tố Kẻ đứng trước, để vẽ lại cương vực của nước Văn Lang thời các vua Hùng là một ảo tưởng: những cái tên đóchỉ là những địa danh của bọn cai trị Tàu đặt ra để phân cấp và quản lý đất nước của chúng ta về mặt hành chính, hoặc là những địa danh mà chính chính quyền phong kiến tự chủ của ta đặt ra bằng những yếu tố mà ta đã mượn của Tàu. Sự thể khó lòng mà khác hơn thế được.
Vậy có lẽ nào trong toàn bộ hệ địa danh Việt Nam lại không có những trường hợp dùng tiếng Hán để phiên âm tiếng bản địa? Chúng tôi tuyệt nhiên không cho là không có. Chỉ xin nhấn mạnh rằng đó là những trường hợp cần được phân tích một cách thực sự cẩn trọng vì thực ra yếu tố được phiên âm chưa hẳn đã là yếu tố Việt đích thực, vì đã nói đến địa danh phiên âm thì con đường diễn tiến lắm khi lại rất quanh co. Chẳng hạn, ai lại không biết rằng Móng Cái là một địa danh Việt Nam. Nhưng địa danh này không phải là tiếng Việt “gốc” vì nó chỉ là một hình thức phiên âm từ tiếng của người Quảng Đông là Moòng Cái mà họ ghi bằng hai chữ 芒街 , đọc theo âm Hán Việt hiện đại là Mang Nhai. Vậy hai chữMang Nhai chẳng có liên quan gì đến Móng Cái vì nó chỉ dùng để ghi âm hai tiếng Moòng Cái của phương ngữ Quảng Đông mà thôi. Cho nên nếu nói rằng hai chữ Hán trên đây dùng để phiên âm “tiếng Việt” Móng Cái là đã đem râu ông nọ cắm cằm bà kia tới hai lần! Đến như hai tiếng Cổ Loa mà lại là dùng để phiên âm tiếng Việt cổ Klủ như có người đã từng truyền giảng thì chúng tôi hoàn toàn không tin (13).
Tóm lại trong toàn bộ các địa danh Việt Nam liên quan đến địa bàn cư trú của người Việt thời xưa, chắc chắn có những trường hợp là những chữ Hán dùng để phiên âm tiếng bản địa nhưng cũng chắc chắn những trường hợp đó là thực sự ít ỏi. Tuyệt đại đa số thì lại là những địa danh song tiết đặt bằng chữ Hán. Trong số đó, có nhiều địa danh thực sự cổ xưa, thường được gọi tắt bằng một trong hai âm tiết hữu quan, âm tiết này lại được đọc theo âm Hán-Việt xưa, khó nhận diện, nên nhiều người, đặc biệt là các học giả và các nhà nghiên cứu, cứ ngỡ rằng chúng là thuần Việt, là Nôm!
(1) Hùng Vương dựng nước, t.1, Hà Nội, KHXH, 1970, tr.136-143.
(2) Bđd, tr.141.
(3) Hà Nội, KHXH, 1973, tr. 40-85.
(4) Xin xem: An Chi, Chuyện Đông chuyện Tây, Kiến thức ngày nay, số 229, tr.51-53.
(5) Làng xã ngoại thành Hà Nội, Hà Nội, 1985, tr.116, 74-75 và 276.
(6), (7) Làng xã ngoại thành Hà Nội, Hà Nội, 1985, tr.116, 74-75 và 276.
(8) Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Giáo dục, 1995, tr.176-177.
(9) Theo Đỗ Tất Lợi, “Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học”, Nhân dân, số 10468, 22-3-1983.
(10) Grammata Serica Recensa, Stockholm, 1964, p.314, 1223e.
(11) Bđd, tr.140
(12) Bđd, tr.140
(13) Xin xem: Trần Quốc Vượng, “Từ việc nghiên cứu một số tên riêng trong các truyền thuyết nói về thời kỳ dựng nước”, Tạp chí Văn học, 2-1969, tr.72. Chỉ riêng một việc là ở vào thời xa xôi đó mà cái từ “Klủ” lại có thanh điệu 4 (?) cũng đủ để làm cho nhà ngữ âm học lịch sử chín chắn phải kinh ngạc!
Monday, 5 November 2012
Hoạt họa sao không nhúc nhích?
Tranh vui là tranh hoạt kê, là hí họa, không phải là hoạt họa.
Subscribe to:
Posts (Atom)