Monday, 15 April 2013

Chùa Bánh Xèo (Phương Kiều - Báo Cần Thơ)


Chùa Bánh Xèo


Thứ Hai, 01/04/2013 09:28

Chùa Bánh Xèo tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên - An Giang. Đây là ngôi chùa cổ, qua nhiều đời trụ trì, đã xuống cấp. Chính vì vậy mà thượng tọa trụ trì đương thời, Thích Thiện Chí đã tiến hành xây dựng, tôn tạo cho thêm phần uy nghi, tôn nghiêm bắt đầu từ vài năm nay.

Chùa Bánh Xèo còn có tên gọi dân gian khác là chùa Phật Nằm. Vì, bên phải trước chánh điện có tượng Phật nằm khá lớn. Tượng này, qua thời gian xuống cấp, cũng đang được tôn tạo cho thêm phần uy nghiêm, tôn kính. Hiện nay, đến chùa, đập vào mắt khách thập phương là Đài Quan Âm tọa lạc bên trái trước chánh điện.
Đài gồm tượng Phật Quan Âm và hòn non bộ phía sau lưng có dòng thác róc rách tuôn chảy suốt ngày đêm. Đài có diện tích 5,5mx7m, với số tiền xây dựng khoảng 200 triệu đồng.
Chánh điện chùa đang trong thời kỳ nâng cấp. Dù vậy, đứng trước hàng hiên chánh điện, khách phương xa vẫn thích thú với bề mặt u nhã của nó.
Tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: "Hoằng pháp vi gia vụ/Lợi sanh vi bổn hoài". Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: "Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai". Cặp đối này đáng chú ý vì mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: "Đông" và "Lai". Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai, là tên chữ chính thức của chùa: Đông Lai cổ tự. Nhưng vì chùa tổ chức phục vụ miễn phí bánh xèo cho bất cứ ai đến viếng, nên người ta gọi là chùa Bánh Xèo cho "thân mật" và dân dã như bản tính của thượng tọa trụ trì.
Dù sư trụ trì "xuề xòa" nhưng việc xây cất chùa không đơn giản. Kiến trúc chùa mang đậm phong cách Á Đông và phương Tây. Trong chánh điện, tượng Phật to lớn, chỉ vài ba vị, nổi bật nơi tôn nghiêm nhất.
Dài hai tường chùa là phù điêu Thập bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Trần chùa cao thoáng. Nóc chùa ba lớp nhỏ dần lên, lợp ngói đỏ, mái đao theo truyền thống chùa chiền Việt Nam... Thời gian này việc xây sửa chùa lúc nào cũng rộn rịp. Và, theo Thượng tọa Thích Thiện Chí, khi quyên góp được số tiền lớn nữa, sẽ tiến hành tạo thêm nét mỹ quan cho chùa...
Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phật tử chùa Đông Lai, người phụ trách bếp cho biết: Việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi Thượng tọa Thích Thiện Chí về đây trụ trì. Đó là trước ngày kỷ niệm sư ông cất chùa (cũ) viên tịch, thầy Thiện Chí nghĩ đến việc làm này. Và, ngoài số Phật tử đến dự lễ giỗ sư ông, còn có một số khách thập phương tình cờ đến viếng chùa, cùng được thưởng thức món bánh xèo và bánh tét. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, nên từ đó nhà chùa thường xuyên đổ bánh xèo phục vụ khách thập phương.
Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng "hiến cúng" một số rau cải, giá, đậu... Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử và một số người thiện ý lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem "cúng" chùa. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh.
Trước khi tái thiết chùa, bên cạnh chánh điện là nhà ăn, bếp, nhà vệ sinh khá gần kề nhau. Hiện nay nhà vệ sinh xây mới đẹp đẽ với gạch men láng bóng cùng nhiều lavabo... Nhà vệ sinh được "cắt" khỏi hông chùa, nhằm tạo không khí thanh sạch cho nơi tôn nghiêm. Phía sau chánh điện là nhà ăn, sau nữa là nhà bếp với hai nhóm: nhóm lặt rau, làm nhưn bánh xèo và nhóm nấu cơm.
Riêng đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có khoảng hai người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết như vậy. Một người đổ bánh với 10 chảo, một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Củi lửa lúc nào cũng hừng hực, nên khu vực đổ bánh xèo là dãy nhà bên phải và cách chánh điện một khoảng sân, nhằm tránh ảnh hưởng sức nóng đến chùa và các phần việc liên quan khác.
Cô Kim Thùy cho biết vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, chùa có tổ chức nấu bánh tét phục vụ khách thập phương, khoảng 800 – 900 đòn/ngày. Phần việc này do bà con lối xóm tự nguyện đến làm công quả.
Đáng quan tâm hơn, ngoài đổ bánh xèo, phục vụ bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Cơm chay với các món: chiên, xào, mặn, canh. Muốn thưởng thức cơm chay, khách phải đặt trước để nhà chùa chuẩn bị.
Từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng được ăn bánh xèo. Ăn đến no thì thôi. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đến đông thì khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết, nên mạnh ai nấy tới chùa lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng một (âm lịch) hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng "hết chỗ", khách phải đứng chờ.
Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá vẹn toàn. Bàn ăn và ghế bằng nhôm lúc nào cũng láng bóng. Chén đũa sạch sẽ, tinh tươm. Mỗi bàn ăn đặt sẵn lọ tăm xỉa răng, hộp khăn giấy, hộp đũa muỗng, hũ nước mắm chanh ớt, chén nhỏ đựng ớt trái...
Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá mát lịm cần cổ. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách. Chính vì vậy mà chùa Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương đến viếng, ngoài khách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đến.

Theo PHƯƠNG KIỀU (Cần Thơ Online)

Sunday, 14 April 2013

Thương nhớ cà ràng ! (Đăng Huỳnh - Báo Cần Thơ)

Thương nhớ cà ràng !
Thứ bảy, 02/03/2013 19 giờ 34 GMT+7
Trong lần về một miền quê, tôi gặp hình ảnh một bà cụ khom mình nhóm bếp cà ràng nấu bữa cơm chiều. Nhìn làn khói tỏa làm cay xè mắt, dậy nồng mùi khói bếp một thời gắn bó, một nỗi nhớ day dứt bỗng ùa về…
Hơn chục năm trước, ở những vàng quê của ĐBSCL, người dân nấu nướng chủ yếu bằng củi trên chiếc bếp cà ràng. Chiều chiều, đi dọc triền đê, bờ kinh, khói lam chiều nghi ngút trong từng nóc nhà, mái chái tạo cảm giác thật ấm cúng, an lành.
Có thể nói, chiếc cà ràng là một sáng tạo độc đáo của cư dân sống trên vùng đất này. Theo kết quả khảo cổ di chỉ Óc Eo ở một số địa phương như: Gò Tháp (Đồng Tháp), Ba Thê (An Giang)… người ta đã tìm được những mảnh vỡ của cà ràng. Điều này cho thấy cà ràng đã ra đời hàng ngàn năm trước. Về tên gọi "cà ràng", nhiều ý kiến vẫn cho rằng xuất phát từ tiếng Khmer là "kran" hay "karan", lâu dần đọc trại thành cà ràng. Học giả Vương Hồng Sển trong quyển "Tự vị tiếng Việt miền Nam" đã dẫn giải: "Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: "Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và "karan" chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm "karan" biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn".
Về hình dáng, học giả Vương Hồng Sển miêu tả: "Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi". Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, hình dáng chiếc cà ràng có khác nhau ở nhiều vùng. Vùng thượng nguồn, mùa nước nổi về nhiều như: An Giang, Đồng Tháp Mười… chiếc cà ràng thường có chiều dài và thấp để tránh gió. Còn ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu, chiếc cà ràng thường ngắn lại, cao ráo và đặc biệt là có "miệng" vừa để cho thông gió, củi dễ cháy, vừa có tác dụng hốt tro khi cà ràng đầy tro.
Hồi trước, cha tôi cũng là thợ nắn cà ràng bán cho bà con trong xóm. Tiếng đập lò "thình thịch, thình thịch…" đến bây giờ tôi vẫn chưa quên. Cha tôi thường chọn những thớ đất sét mềm, dẻo và mịn để nắn cà ràng. Sau đó, cha đem đất trộn với trấu để tạo độ kết dính. Việc nắn lò không hề có một công thức nào, chỉ nhờ vào độ khéo tay và "nhắm chừng" của người thợ. Ấy vậy mà chiếc lò làm ra vẫn đều tăm tắp. Cha còn nắn hoa văn, đường viền cho cà ràng thêm bắt mắt. Nắn xong, cha dùng miếng ván vỗ để chỉnh cà ràng cho thật đều đặn, bề mặt bóng nhẵn. Với trẻ nhỏ chúng tôi, thích nhất vẫn là công đoạn nung lò. Chúng tôi thi nhau ôm rơm về chất đầy sân nhà để cha om cà ràng. Sau hơn một buổi, những chiếc cà ràng đỏ lừ màu gốm đã ra mẻ, đi làm "thiên chức" là mang đến cho bao nhà những bữa cơm ngon, ngạt ngào mùi vị quê hương.

 Bếp cà ràng.
Bếp cà ràng là một vật dụng rất tiện lợi thời khẩn hoang của cư dân vùng sông nước. Trên bước đường chinh phục miền đất mới trên chiếc xuồng be mười, xuồng ba lá hay chiếc ghe tam bản, hình ảnh người chồng "chống mũi chịu sào" đầu mũi; sau lái, người vợ tỉ mẫn nhóm bếp cà ràng nấu bữa cơm chiều đã trở thành biểu tượng của ông cha ta một thuở:
"Con nước lớn cha chống xuồng
Con nước ròng mẹ nhóm bếp
cà ràng đợi gió
Con nước rong chảy tràn mùa
nước nổi
Vàng bông điên điển
Châu Giang"
Cà ràng rất linh hoạt trên xuồng ghe, có thể để bất kỳ trên sạp, lườn xuồng mà không sợ cháy xém, gọn nhẹ và dễ di dời. Cà ràng trở thành bạn đồng hành không thể thiếu, trở thành "vật bất ly thân" với những lưu dân sống đời sông nước, làm khách thương hồ. Sóng sô, gió táp, mưa sa… cà ràng vẫn cho người nồi cơm dẻo thơm, nóng hổi. Và khói bếp cà ràng bàng bạc trong buổi chiều tà ven cánh đồng trũng phèn, dọc bờ kinh uốn khúc, thành một miền ký ức khó phai. Trong dân gian, chiếc cà ràng còn là vật minh chứng cho một tình yêu như lời "nhắn" dí dỏm, chân tình mà cũng rất "gan trời":
"Bếp cà ràng cào than dúm lửa
Nhắn chị Hai mày hé cửa anh chun"
* * *
Nhớ chiếc cà ràng, tôi nhớ dáng người đầy đặn hiền hậu của ngoại với những bữa cơm "lò củi". Nhà ngoại không lớn nhưng cái chái bếp khá rộng và rất chỉn chu, ngăn nắp. Ngoại luôn dạy anh em tôi rằng: "Coi bếp chọn dâu". Thật vậy, cái bếp sạch sẽ, cà ràng, củi, lá dừa được sắp xếp thứ tự, gọn gàng thể hiện tính cách của người phụ nữ trong nhà. Trong giàn bếp của ngoại luôn có một cây chổi lá dừa nhỏ dùng để quét bếp và quét cà ràng cho sạch. Cách ngày, ngoại lại dùng mo cau hốt tro để cà ràng dễ cháy.
Nhà nghèo, ngoại tôi lại là người tiêu xài rất kỹ lưỡng, tiết kiệm nên chiếc cà ràng dù đã bể, nứt nhiều chỗ nhưng ngoại vẫn lấy dây chì kiềng lại. Ngoại nhắc chúng tôi: "Cái gì còn sửa được để xài thì sửa, không nên hoang phí!". Trên chiếc cà ràng vá chằng vá nhíu đó, ngoại đã nấu cho chúng tôi những bữa cơm ngon, mặn mòi hương vị quê nhà khi cha mẹ tôi đi làm xa. Ngoại có thói quen dậy sớm, từ lúc gà chưa kịp gáy, nhóm bếp cà ràng nấu nước châm trà cho ông ngoại rồi vo gạo nấu cơm. Nhớ hồi mợ Út mới về làm dâu, nghe ngoại lục đục thì sợ lắm, tất tả chạy ra phụ ngoại. Nhưng ngoại cười hiền, nói: "Con cứ ngủ đi. Tại má già ngủ không được với lại quen nấu cơm buổi sớm". Mới hay rằng, chẳng phải ngoại làm cho "cực thân" mà cần mẫn nhen bếp lửa yêu thương, nhóm sự quan tâm chia sẻ. Riêng tôi, trên bếp than rực hồng bằng củi trâm bầu, tôi thích nhất là xin ngoại cho "ké" lùi củ khoai lang mới mót được bên giồng đất nhà kế bên. Mùi khoai chín ngào ngạt hòa quyện trong mùi khói bếp cay cay sao đơn giản, bình dị mà ai trải qua khó lòng quên được.
Không biết có phải do cảm nhận, hoài cổ hay vì một tính chất vật lý nào đó mà hầu như ai cũng chắc nịch rằng: Nấu cơm bếp gas không ngon bằng lò than. Và dĩ nhiên, không thể sánh bằng nồi cơm củi. Cơm nấu bằng bếp củi không quá nở, không quá khô nhưng xốp, ăn cảm giác được vị ngọt ở đầu lưỡi như cảm nhận được sự ngọt ngào, tinh khiết của đồng ruộng quê nhà. Giờ, dù ngoại đã đi xa nhưng như vẫn còn đâu đó hình ảnh ngoại bên chiếc cà ràng lo cho đàn cháu no bụng hai buổi sớm chiều. Cứ tới ngày giỗ ngoại, mẹ lại đích thân vo nồi cơm rồi nhóm lò củi nấu cơm cúng ngoại. Mẹ nói: "Hồi còn sống, ngoại tụi con khoái ăn cơm lò củi trên chiếc cà ràng. Nấu vầy cho ngoại tụi con vui!".
Bây giờ, từ nông thôn đến thành thị, hình ảnh chiếc cà ràng hiếm hoi dần và ngọn khói lam chiều bốc lên trên chái bếp nhà nhà cũng lan vào ký ức bởi người dân đã dùng bếp gas, bếp điện… Dẫu biết rằng đó là quy luật tất yếu của sự phát triển nhưng sao vẫn thấy nhớ thương cà ràng, nhớ dáng hình của ngoại và nhớ một miền ký ức tuổi thơ bên chái bếp nghèo. Chiều nay, ngồi đọc bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt mà sao nghe thương nhớ quay về:
"Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?"
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Saturday, 13 April 2013

Đôi nét về vài địa danh cũ chợ Cần Thơ (Nguyễn Hà Phan - Báo Cần Thơ)

Đôi nét về vài địa danh cũ chợ Cần Thơ
Thứ bảy, 02/02/2013 21 giờ 23 GMT+7
* Nguyễn Hà Phan
Nói chợ Cần Thơ (chỗ nhà lồng cổ) thì người ta nhớ chợ Hàng Dương nơi đây có hàng dương cao cạnh sông rất đẹp, bà con nhóm chợ trên bờ hàng dương. Hàng Dương có bến tàu đi các tỉnh và trong tỉnh. Năm 1915, chính quyền Sài Gòn (người Pháp) xây chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành) và chợ Bình Tây thì đồng thời chính quyền Cần Thơ thời đó (người Pháp) cùng xây dựng nhà lồng chợ Cần Thơ (nay gọi là nhà lồng chợ cổ). Từ bến Hàng Dương giáp đầu đường Ngô Quyền có cột lồng đèn cao, ba ngọn đèn tỏa sáng khi có nhà máy đèn Cần Thơ.
Ngày 22-10-1956 thời tỉnh trưởng Đặng Văn Quang (từ tháng 1-1956 đến tháng 4-1957) tỉnh Cần Thơ đổi thành tỉnh Phong Dinh. Đến 1958 tỉnh trưởng Đổ Văn Chước (từ tháng 4-1957 đến tháng 12-1959) đổi tên bến Hàng Dương thành bến Ninh Kiều ngày 7-8-1958. (Ninh Kiều là sự tích Bình định Vương Lê Lợi đánh bại quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc) tại Ninh Kiều đất Bắc xưa nay thuộc Hà Tây, Hà Nội). Nhà lồng cổ Ninh Kiều nay, trước đây tỉnh trưởng người Pháp Tholance (từ tháng 3-1915 đến tháng 11-1915) khởi công xây, đến tỉnh trưởng Caillard (từ 11-1915 đến 4-1917) thì khánh thành mua bán từ đó. Từ chợ đi lên tới ngã ba sông Pháp xây dinh thự Pháp ở, lính đồn trú, ta gọi Bungalo, sau này là nhà hàng Ninh Kiều cả khách sạn Quân Khu.
Từ chợ đi xuống tới cầu Xéo, nói cầu Xéo chớ nay không còn cầu, lúc trước Nhà nước xây cầu (gỗ xi măng) xéo để cho ghe chài đưa hàng lên (nay là chợ Tân An). Nơi đây nhà máy cưa gỗ, gạo, than, củi, hàng tiêu dùng, cá mắm các nơi đến chợ Cần Thơ bán tấp nập.


Từ chợ đi ra phía phải có hàng dừa sau nhà việc Tân An (có lúc là cơ quan UBND TP Cần Thơ). Hàng dừa thuở ấy cao, rất đẹp sau này cũng có nhóm chợ ở đây rất đông đúc.
Tiếp tục xuôi về hướng đường Hòa Bình (trước là đường Hàng Xoài) con đường trung tâm của thành phố lâu nay, đụng bệnh viện, trước đây là nhà thương lớn Cần Thơ, có tên bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa. (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang xây dựng hiện nay). Bên phải đối diện bệnh viện có hàng bả đậu xum xuê rất nhiều dãy tiệm quán mà một thời là bến xe đậu ở đây; cũng ở đây có lúc thương phế binh chế độ cũ cắm dùi chiếm chỗ ở gây khó khăn cho nhà đương cuộc thời đó. Bên kia đối diện hàng bả đậu là đất thánh Tây (nay là công viên Lưu Hữu Phước) ở đây Pháp chôn viên chức, sĩ quan Pháp chết. Sau này thời chính quyền Ngô Đình Diệm diệt Ba Cụt (Lê Quang Vinh) ngày 13-7-1956 cũng chôn ở đây. Mộ Pháp đã lấy cốt về Pháp, mộ khác thân nhân lấy cốt về gia đình.
Dãy phố cặp đường Châu Văn Liêm (trước đó là Nguyễn An Ninh) là con rạch từ sông Cần Thơ chảy vào được nhà đương cục thời đó lấp để mở rộng thành phố.
Từ bệnh viện đi thẳng vào, qua cầu rạch Tham Tướng tới chợ Tham Tướng (nay là chợ Xuân Khánh) thẳng vào Ngã ba Hợp tác xã đến Đầu Sấu, về Cái Răng. Trước đây xe cộ các nơi về Sóc Trăng, Bạc Liêu theo đường này khi chưa có lộ 3 Tháng 2 như ngày nay. Khỏi chợ Tham Tướng vào Ngã ba Hợp tác xã, hai bên rất ít nhà, phía trái bà con làm rẫy bán ra chợ Cần Thơ, phía phải là vườn. Khi chiến tranh ác liệt chính quyền cũ cho lập nghĩa trang, xây nhà máy nước (20-9-1973) trước đó trên con đường này, phía trái chính quyền cũ lần lượt xây trại nhập ngũ số 4 (1965), xây đài phát thanh Cần Thơ ngày 20-12-1967, xây khu đại học Cần Thơ ngày 31-3-1966…
Từ dinh tỉnh trưởng cũ (nay là UBND TP Cần Thơ) đến đường Nguyễn Trãi đi thẳng lên Bình Thủy.
Nhắc lại một chút: ngày 25-6-1867, Pháp chiếm vùng Cần Thơ lúc đó gọi là huyện Phong Phú; ngày 1-1-1868 huyện Phong Phú (Cần Thơ) nhập vào hạt tham biện Sadéc do quan cai trị Pháp ở đây. Đến ngày 30-4-1872, huyện Phong Phú nhập Bắc Trang (Vĩnh Long) do tham biện Trà Ôn rồi từ Trà Ôn dời qua Cái Răng và tỉnh trưởng lúc đó là Deseravalle. Năm 1872 – 1874 ông ta làm tỉnh trưởng ở đây, đến ngày 23-6-1876 dưới thời tỉnh trưởng Schneider đổi tên hạt tham biện Trà Ôn thành tham biện Cần Thơ, tòa bố dời về Tân An (Cần Thơ) (chánh tham biện ngang tỉnh trưởng sau này). Đến ngày 30-9-1970, chính quyền Sài Gòn lập thị xã Cần Thơ (phần nội ô của tỉnh Phong Dinh) thành thị xã trực thuộc chính quyền Sài Gòn gồm quận nhất: phường An Lạc 7 khóm 33.018 dân; An Cư 16.596 dân; An Nghiệp 3 khóm 24.476 dân; An Hòa 5 khóm 35.763 dân; An Thới 3 khóm 16.596 dân; An Hội, Thới Bình ta lập thêm sau. Quận nhì gồm Hưng Lợi 3 khóm 18.051 dân; Hưng Phú 3 khóm 14.919 dân; Hưng Thạnh 2 khóm 3.590 dân; chung 8 phường 32 khóm 182.424 dân. Nói về thôn, làng, xã… của Cần Thơ thì 1867 huyện Phong Phú (Cần Thơ) có ghi để lại:
- Thôn Tân An (lập thời vua Gia Long)
- Thôn Thới Bình (lập thời vua Gia Long)
- Thôn Bình Thủy (lập thời vua Gia Long)
- Thôn Nhơn Ái (thời Minh Mạng)
- Thôn Nhơn Nghĩa (thời Minh Mạng)
- Thôn Thường Thạnh (thời Minh Mạng)
Khi Pháp xây dựng tòa bố và dinh tỉnh trưởng Pháp, trên đường Nguyễn Trãi Pháp xây dựng nhà máy đèn, nhà máy nước (còn đến nay: Công ty điện lực Cần Thơ, công ty cấp thoát nước Cần Thơ). Đường Nguyễn Trãi ngày 5-3-1964 xóm chợ Cầu Củi bị cháy dữ dội. Dân nghi ngờ trung tá Trần Bá Di (tỉnh trưởng từ 11-1-1963 đến 25-5-1965) đuổi xóm lao động Cầu Củi không được, chúng nghi dân lao động ở đây từ Cái Cui, Bùng Binh, Bến Bạ, Phong Điền (Cần Thơ), Mỹ Hòa (Vĩnh Long) được cách mạng đưa ra bằng ghe, bán củi, chài lưới, làm thuê… để hoạt động. Do đó chúng có ý đồ xây dựng khu tư dinh tư lịnh vùng bốn về đây (nay là Đoàn 30 QK9) cùng câu lạc bộ sĩ quan VNCH (nay là Quận ủy Ninh Kiều). Chúng đốt xóm nhà lá này cháy rụi khổ sở cho dân. Cuộc đấu tranh của dân rất gay go và sau chúng bồi thường và dân ở lại chỗ cũ.
Lên tới ngã tư bến xe mới ngày nay thì lúc trước chưa có bến xe, chưa mở lộ vào Đầu Sấu (Hùng Vương – Trần Hưng Đạo – 3 Tháng 2) nơi ấy có cây xăng và quẹo phải thì ra bến bắc (phà) theo đường Thủ Khoa Nghĩa, nay là đường Trần Phú. Lúc ấy, muốn lên bến bắc phải qua cầu Sáu Thanh (ngay chợ Cái Khế) con rạch này nối Khai Luông đến xóm Lò heo (nay là đường Trần Văn Khéo chạy ra sân banh Cần Thơ). Bến bắc Cần Thơ Pháp xây sau bắc Mỹ Thuận (1915). Bắc Cần Thơ 1918 mới khánh thành lúc đầu có 3 phà đi qua lại.
Đến 1965 khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, cố vấn Mỹ xuống Cần Thơ khá đông, lập các cơ quan Mỹ nằm ở miền Tây – chính quyền cũ mở rộng Cần Thơ làm thủ phủ miền Tây, hãng thầu xây dựng của Mỹ RMK – PRJ đến Cần Thơ mở đường, làm sân bay, kho đạn cho hậu cứ chúng. Con đường từ chỗ cây xăng chúng san ủi lập ra bến xe mới, mở rộng lộ lên Long Xuyên, xây khu quân sự từ An Thới lên Trà Nóc thì nhà hai bên đường mới mọc lên chớ trước còn rất vắng. Đến ngày 12-2-1968 Nguyễn Văn Lộc, Thủ tướng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lập khu kỹ nghệ Cần Thơ với tên phòng thương mại công kỹ nghệ tập hợp nhà buôn hoạt động ở Cần Thơ.
Từ bến xe mới chúng phóng lộ mở tới Đầu Sấu để xe từ bến bắc lên về các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu thì đi đường này. Lúc đầu đường tên Nguyễn Viết Thanh (Tư lịnh Vùng bốn trước đây, chết trận năm 1970), sau 30-4-1975 ta đổi thành đường 3 Tháng 2 đến nay.
Qua khỏi cầu Đầu Sấu là tới chợ Cái Răng có cầu Cái Răng trước đây khi lập tỉnh Cần Thơ, chính quyền xây cầu sắt 1913. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngày 7-4-1972 công binh Cần Thơ đánh sập cầu Cái Răng sau đó Mỹ xây lại cầu đúc, đến sau ngày 30-4-1975 xây lại cầu đúc, nay xây lại cầu mới. Chợ Cái Răng có sự kiện đáng nhớ khi Pháp tái chiếm Cần Thơ (26-10-1945), Pháp đóng quân ở nhà việc Cái Răng xưa kia là làng Thường Thạnh do đại úy Rouan chỉ huy. Ngày 12-11- 1945, các anh quốc gia tự vệ cuộc gồm anh: Lê Bình cùng Bùi Quang Trinh, Nhật Tảo, Trần Chiến, Cao Minh Lộc đánh chiếm Cái Răng, đại úy Rouan bị thương; các anh quốc gia tự vệ cuộc của ta hy sinh hết. (Rouan là sĩ quan Pháp bị thương, ông là đảng viên đảng Cộng sản Pháp, khi về hưu ở Pháp ông có hồi ký hết sức khâm phục các chiến sĩ quốc gia tự vệ cuộc nói trên).
10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, bộ mặt Cần Thơ xưa đã có những đổi thay lớn:
- Nhiều công trình kinh tế - xã hội tăng thêm, đời sống người dân được cải thiện.
- Các công trình lớn như cầu Cần Thơ, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, Đại học Y Dược (chưa kể đại học – cao đẳng dân lập).
- Hàng trăm hẻm lao động được nâng cấp.
- Đường Quang Trung – Cái Cui – Sóc Trăng; Cần Thơ – Vị Thanh, Cần Thơ – sân bay được làm mới hoặc mở rộng.
- Hệ thống trường học từ phổ thông trung học, cơ sở các quận đều khởi sắc.
- Hệ thống bệnh viện thành, quận được trang bị thêm.
- Hồ Xáng Thổi lâu nay ao tù, nước đọng nay là nơi thư giãn của nhân dân…
10 năm tuy ngắn nhưng làm được các việc trên thôi thúc các cấp, ngành, đoàn thể trong thành phố không ngừng nâng cao tinh thần phục vụ, đưa thành phố xứng tầm là trung tâm khu vực ĐBSCL.

Nghĩa hiện hành của “đểu cáng” chỉ là nghĩa sự cố (NLM số 212 ,12-4-2013). An Chi (Huệ Thiên)


         Bạn đọc : Xin ông cho biếtđâu là nghĩa gốc của hai chữ “đểu cáng” và căn cứ trên thực tế nào mà nó lại cónghĩa phái sinh như hiện nay, liên quan đến sự đểu giả. Xin cám ơn ông.
                                                              NguyễnBá Hào,Hà Nội.
        An Chi :Một người bạn có biệt hiệu là Nê Văn Nuyện đã gửi đến chúng tôi một bài viết (củamột người khác) trong đó có một đoạn thú vị về hai từ “đểu cáng”:
        “Ngàyxưa mỗi khi đi đâu, chưa có xe cộ sẵn như bây giờ, là phải thuê người cáng đi –nhất là người có tuổi, người ốm. Đồ đạc mang theo lại phải thuê người gánh. Ngườicáng thuê, người ta gọi là CÁNG. Người gánh thuê, người ta gọi là ĐỂU. Mỗi lầngọi người đưa đi như thế, thường ra đầu đường nơi tập trung những người làm nghềđó, gọi “Cho một ĐỂU, hai CÁNG nhé!” và thế là có ba người te tái chạy vào, haingười vác theo một cái cáng, một người mang theo đòn gánh quang gánh. Hầu nhưlà những người lao động chân tay, ít được học hành, nên cái sự ăn chia nó thườngkhông đều, hoặc không vừa ý với nhau, cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chiatiền xảy ra như cơm bữa. Và thế là có câu “Đối xử với nhau như cái bọn ĐỂUCÁNG!”. Đấy, nguồn gốc đấy.”
        Chúng tôi xin thưa ngay rằng, ở đây, tađang có hai từ “đểu” hoàn toàn độc lập với nhau và một từ tổ “đểu cáng” “trậtvuột” nên không làm gì có chuyện “nghĩa gốc” và “nghĩa phái sinh”. Tuy cái đượccho là nghĩa gốc đã được trình bày sinh động và xác đáng trong đoạn trên đây nhưngcái kết luận “Đấy, nguồn gốc đấy” thì sai. Cái sự ít học hành không phải lànguyên nhân của sự ăn chia không đồng đều. Mà sự ăn chia không đồng đều, nếu cóxảy ra, thì cũng chỉ là chuyện cá biệt chứ không thuộc về bản chất của nghề “đểucáng” vì bến bãi cũng có luật bất thành văn của bến bãi. Thời xưa cũng vậy màthời nay cũng thế. Ta không nên quên rằng có những kẻ học thức càng cao thìcàng tham cũng như có những nhà phú hộ càng giàu lại càng gian manh. Huống chi,những sự việc như ăn chia không đều, hoặc không vừa ý với nhau, cãi nhau, đánhnhau, chửi nhau khi chia tiền đâu có phải là những biểu hiện của sự đểu giả. Phảilà bịp bợm, gian manh, lừa đảo với khách hàng, như một số tài xế taxi ngày nay,chạy loanh quanh lòng vòng cho lộ trình dài thêm, hoặc chỉnh cho đồng hồ tínhtiền chạy nhanh hơn, v.v., thì mới là đểu chứ! Vậy ta không nên chỉ vì không nắmvững “lộ trình” của chữ nghĩa mà nghĩ oan cho nghề đểu cáng thời xưa.  
Sự thật là, ởđây, ta đang có hai từ “đểu” riêng biệt (chỉ đồng âm với nhau), mà chúng tôixin ghi là “đểu1” và “đểu2”. “Đểu1” có nghĩa là “người hoặc nghề gánh thuê”,nay đã trở thành một từ cổ, nghĩa là không còn được sử dụng trong lời ăn tiếngnói hằng ngày nữa. Từ “đểu1” này từng được dùng rộng rãi từ Bắc chí Nam nên tasẽ không ngạc nhiên khi biết J.-B.-P. Trương-Vĩnh-Ký đã đối dịch “portefaix”(phu khuân vác) là “đểu, thằng đểu” trong Petitdictionnaire français-annamite (Sài Gòn, 1887). “Đểu1” có một từ cùng trườngnghĩa là “cáng”, thời xưa dùng để chỉ loại võng có mui, mắc vào đòn do hai ngườikhiêng, ngày nay dùng để chỉ loại dụng cụ để khiêng người bệnh hoặc người bịthương, hai bên có hai cái đòn ló ra ở hai đầu cho dễ nắm. Vì cùng một trườngnghĩa nên xưa kia hai từ “đểu1” và “cáng” đã được người sử dụng ngôn ngữ kết hợpvới nhau thành từ tổ đẳng lập “đểu1 cáng” để chỉ chung nghề hoặc người làm côngviệc khiêng thuê gánh mướn. Đây vốn là một từ tổ mang tính trung hoà về mặt biểucảm (không đề cao, cũng không lên án) và tuyệt nhiên không hề có cái nghĩa liênquan đến thói đểu giả.
Còn “đểu2” là mộtvị từ tĩnh (tính từ) có nghĩa là “xỏ lá”, “bịp bợm”, “gian manh”, v.v.. Đây làmột từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [刁] mà âm Hán Việthiện đại là “điêu”, có nghĩa là “gian xảo”, “dối trá”. Về mối quan hệ ngữ âm lịchsử giữa vần “-iêu” với vần “-êu” (giữa “điêu” và “đểu”) thì ta có nhiều dẫn chứng:– chữ “tiêu”[標] (= nêu lên cho dễ thấy), có âm xưa là“têu” (trong “đầu têu”) và vốn phải đọc là “biêu”, nên còn có âm xưa là “bêu”(trong “bêu đầu”; “bêu riếu”); – chữ “khiếu”[叫] (= gọi), vốn đọc“kiếu”, có âm xưa là “kêu”; – chữ “liêu”[寮] (= nhà thấp nhỏ),có âm xưa là “lều” (trong “lều chõng”); – chữ “nghiêu”[堯] (= cao) có âmxưa là “nghêu” (trong “lêu nghêu”); chữ “thiểu”[愀] (= vẻ lo nghĩ,sầu não) có âm xưa là “thểu” (trong “thất thểu”); v.v.. Còn về thanh điệu thìcác thanh 1 (không dấu), 4 (dấu hỏi) và 5 (dấu sắc) chuyển đổi với nhau cũng làchuyện bình thường. Vậy “đểu2” là một từ độc lập với “đểu1” và cho dù từ nguyênmà chúng tôi nêu ra có sai thì “đểu2” cũng hoàn toàn không phải do “đểu1” pháisinh mà ra.
Vậy thì hai từ“đểu1” và “đểu2” không có dây mơ rễ má gì với nhau về mặt từ nguyên. Vì thế chonên, ở đây, ta không có một sự chuyển biến tự nhiên từ “nghĩa gốc” đã biết củahai tiếng “đểu cáng” đến “nghĩa hiện hành” của nó, như bài viết kia đã nêu vànhư nhiều người vẫn tưởng. Ở đây, ta chỉ có những hiện tượng mà thỉnh thoảng chúngtôi có nói đến khi trả lời cho bạn đọc. Đó là những sự cố ngôn ngữ (accidentslinguistiques), thể hiện ở sự đan xen hình thức (croisement de formes) và , kéotheo nó, là sự lây nghĩa (contamination de sens) do từ nguyên dân gian gây ra màthôi. Với từ nguyên dân gian, người sử dụng ngôn ngữ thường thay từ mà mình khônghiểu được bằng từ mà mình đã biết nghĩa để hiểu nghĩa của cả cụm từ hữu quan.Sau đây là một thí dụ: “lang bạt” là hình thức rút ngắn của “lang bạt kỳ hồ”[狼跋其胡] trong tiếngHán, có nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm da dưới cổ nó (nên lúng túng khôngbước đi được)”. Do đó, trong tiếng Hán, “lang bạt” là “lúng túng”, “khó xử lý”,v.v.. Nhưng sang đến tiếng Việt thì người ta đã đồng hoá tiếng trước với “lang”trong “lang thang”. “lang bang”, lang chạ, v.v. và tiếng sau với “bạt” trong“phiêu bạt”, “xiêu bạt”, “bạt gió”, v.v., nên “lang bạt” mới có cái nghĩa là “sốnglang thang, nay đây mai đó”.
Khốn nỗi từ điểngia có khi cũng “chơi” từ nguyên dân gian. Mà không phải từ nguyên dân gian “chínhtông” do dân gian tạo ra lâu ngày đã trở thành thông dụng nên phải chấp nhận màghi vào từ điển. Đây lại là từ nguyên dân gian mới toanh do chính từ điển gia “sángtạo” trong khi làm quyển từ điển của mình. Từđiển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San – Đinh Văn Thiện (Nxb Văn hoá Thôngtin, Hà Nội, 2001, tr.84), chẳng hạn, đã giảng “dàng” là “trời” và cho thí dụ lấytừ Thiên Nam ngữ lục:
Thángba mồng chín tiết lành
Hộinày sãi vãi tụng kinh cúng dàng.
        Cólẽ hai tác giả của quyển từ điển này là những  “fan” cuồng nhiệt của ông “Yang” Bahnar và TâyNguyên – mà cái tên thường được Kinh hoá, cả trong từ điển, thành “Giàng” – nênhai vị mới đem tên ông ta – mà các vị đã đổi “gi-”  thành “d-” – để trám vào chỗ của động từ“dàng” trong ngữ động từ “cúng dàng” chăng? Chứ chỉ cần lật Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đứcra ở chữ “cúng” thì ta có thể thấy “cúng dàng” được giảng là:
 “(Tiếng nhà chùa) tức là “cung-dưỡng”[供養] đọc trạnh. Đemlễ vật cúng vào nhà chùa. Đã thường làmphúc lại hay cúng-dàng (Phạm CôngCúc Hoa).”
Đấy, “dàng” ởđây chỉ là tha hình (allomorph) của “dưỡng” [養] chứ  từ thời tạo ngôn lập ngữ, tiếng Việt (Kinh)làm gì có từ “dàng” với nghĩa là “trời”!
Trở lại với hai tiếng “đểucáng”, ta thấy từ tổ này không còn được dùng để chỉ chung nghề hoặc người làmcông việc khiêng thuê gánh mướn nữa. Với nghĩa này, nó đã trở thành một đơn vịtừ vựng cổ xưa, thường gọi là từ cổ. Nhưng sở dĩ nó vẫn còn tồn tại trong tiếngViệt hiện đại với nghĩa “gian manh”, “xỏ lá” là do đã xảy ra một sự cố ngôn ngữnhư đã xảy ra với hai trường hợp “lang bạt” và “cúng dàng” ở trên. Trong từ tổ“đểu cáng”, vì không còn biết được cái nghĩa cổ xưa của nó, nên người sử dụngngôn ngữ đã đưa “đểu2” (gian manh, xỏ lá) vào thay cho “đểu1” (người hoặc nghề gánhthuê). Thế là thực chất ở đây ta đã có “đểu2 cáng”, chứ không còn là “đểu1cáng” như thời xưa nữa! Trong “đểu2 cáng” thì “đểu2” (gian manh, xỏ lá) và“cáng” (phu khiêng thuê) thuộc về hai trường nghĩa hoàn toàn khác nhau. Do đó màđây không thể là một từ tổ đẳng lập; nó chỉ là một từ tổ “trật vuột”, đứng chânthấp chân cao nên đi cà thọt mà thôi. “Đểu2” chiếm chỗ của “đểu1” là một sự cốngôn ngữ và với sự cố này thì đã xảy ra một sự đan xen hình thức trong đó “đểu2”đã chồng khít lên “đểu1”. Rồi vì “đểu1” đã trở thành một từ cổ nên người sử dụngngôn ngữ ngày nay không còn biết đến nghĩa của nó nữa (dĩ nhiên là trừ nhữngnhà nghiên cứu). Họ bèn đem cái nghĩa của “đểu2” mà gán cho cả từ tổ “đểu cáng”hiện hành. Đó là sự lây nghĩa và cái nghĩa bị lây này chẳng những không phảinghĩa gốc của “đểu1 cáng” mà càng không phải là nghĩa phái sinh từ nó. Để chonhất quán với danh từ “sự cố” (accident), chúng tôi gọi đây là “sensaccidentel”, tức là “nghĩa sự cố” (nghĩa do sự cố mà ra). Riêng về số phận củatừ “cáng” trong “đểu cáng” hiện nay, ta không thể dùng cái khái niệm “tiếng đệm”hoàn toàn lỗi thời để chỉ nó. Về nguồn gốc và bản chất, nó hiển nhiên là một từthực thụ. Chẳng qua là, ở đây, nó đang sống nhờ vào danh tử “đểu” –  mà thực chất đã là “đểu 2” – bị nó ăn bám đểtồn tại trong lời ăn tiếng nói mà thôi, Vì vậy nên chúng tôi gọi nó là từ kýsinh.
Tóm lại, trong từtổ “đểu cáng” hiện hành thì “cáng” là một từ ký sinh còn nghĩa của từ tổ này chỉlà một nghĩa sự cố, hoàn toàn không phải nghĩa gốc, càng không phải là nghĩaphái sinh.

Đểu cáng! (Người Lang Thang Cuối Cùng)


Thứ ba, ngày 02 tháng tư năm 2013


Đểu cáng!


Cáng người ngày xưa
Người ta hay chửi nhau: “Mày là thằng đểu cáng”, “Cái thằng đó đểu cáng lắm!”. Ấy thế mà “đểu cáng” nghĩa là gì, nguồn gốc của nó ra sao, thì không mấy ai để tâm.

Vừa cách đây khoảng chục ngày, ông nội bọn trẻ con nhà mình hỏi: “Anh có nhớ ngày xưa tôi giải thích cho anh từ “đểu cáng” nghĩa là gì và ở đâu ra không?” – “Dạ hồi con học trung học ông nói một lần rồi, con quên, không nhớ nữa”.

“Ngày xưa mỗi khi đi đâu, chưa có xe cộ sẵn như bây giờ, là phải thuê người cáng đi – nhất là người có tuổi, người ốm. Đồ đạc mang theo lại phải thuê người gánh. Người cáng thuê, người ta gọi là cáng. Người gánh thuê, người ta gọi là đểu. Mỗi lần gọi người đưa đi như thế, thường ra đầu đường nơi tập trung những người làm nghề đó, gọi “Cho một đểu  hai cáng nhé!” và thế là có ba người te tái chạy vào, hai người vác theo một cái cáng, một người mang theo đòn gánh quang gánh. Hầu như là những người lao động chân tay, ít được học hành, nên cái sự ăn chia nó thường không đều, hoặc hay không vừa ý với nhau, cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chia tiền xảy ra như cơm bữa. Và thế là có câu “Đối xử với nhau như cái bọn đểu cáng!”. Đấy, nguồn gốc đấy”.

Hà hà, hay thật đấy. Hôm qua nhân tiện giở từ điển, thì thấy từ đểu trong Từ điển tiếng Việt (NXB KHXH Hà Nội 1977) định nghĩa “đểu” là (1) Người đi gánh thuê (cũ) và (2) (tính từ) Hèn mạt, xỏ xiên, mất dạy (ví dụ “đồ đểu”, “nói đểu”). Ngoài ra cũng có từ “đểu cáng” nghĩa là “đểu nói chung” (thông tục) – ý là dùng cái nghĩa (2) trên đây. (Trang 285).

Đểu cáng” cuối cùng chỉ đơn giản thế thôi.

Cũng là một sự phát triển của ngôn ngữ. Có thể nói đây là sự hình thành từ rất thực tế và không kém phần tinh tế của dân tộc. Chẳng hạn từ “cửu vạn” dùng để chỉ người bốc vác, theo tôi nhớ thì bắt đầu được dùng nhiều trong khoảng những năm 1990, khi buôn bán thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc quay lại nhộn nhịp, kèm theo là các nghề bốc vác, vận chuyển… phát triển và các tệ nạn cờ bạc, hút xách cũng phát triển theo. Ai cầm cỗ bài tổ tôm rồi cũng rất thú vị với cái thằng người vác cái hòm trên quân bài “Cửu vạn” đó.

Cũng có sự hình thành từ do sự hiểu sai. “Nhà báo gạo cội” Trần Đ. của VTV là một ví dụ điển hình. Khi ông ta còn hay đọc nọ đọc kia, bằng chất giọng hấp dẫn và truyền cảm, khán giả là cứ mê đi với chương trình của ông ta. Chính ông ta là người dùng từ “dung dị” với nghĩa là “giản dị” và rất có công làm cho nó phổ biến. Những người học Hán thì thường không dùng như vậy, vì họ hiểu đó là sự hiểu sai. “Róngyì” (dung dị) trong tiếng Hán là sự dễ dãi, dễ dàng… không bao giờ có nghĩa là giản dị.

Biết nguồn gốc của “đểu cáng” rồi, hóa ra nó cũng… không “đểu” lắm. Không quá xấu. Trên thực tế nhiều khi chúng ta dùng từ “đểu” với nghĩa đùa vui. Một đứa bé trông hay, hóm hỉnh… cũng có thể được khen “Trông đểu nhỉ!”. Nhưng khen không thật người ta gọi là “khen đểu”. Còn thanh niên ngồi hàng nước đầu phố, nhai kẹo vừng hút thuốc lá, nước chè xúc miệng òng ọc nhổ toẹt, nhìn người đi qua phố mình bằng cái nhìn xấc xược… cứ thấy ai không vừa mắt, lại dám “nhìn đểu ông” là thể nào cũng có chuyện, đánh nhau án mạng như chơi.

Ngày bé, gần nhà có anh Nhắt thường gánh nước thuê. Hồi đó không có máy bơm, mà có thì cũng lấy đâu ra điện mà bơm. Gọi là anh vì anh người bé, trông rất trẻ, thực ra con anh ấy gần bằng tuổi mình. Anh Nhắt rất hiền, chẳng thấy to tiếng với ai bao giờ, và bao giờ cũng gánh “khuyến mại” thêm vài gánh nước ngoài số tiền đã nhận. Bà ngoại thường thuê anh gánh nước từ máy nước đầu phố về đổ vào cái bể to ở trong sân để làm nước ăn, còn nước rửa ráy thì múc ở giếng đào cạnh bể nước. Ấy thế mà nhà hàng xóm cứ đến đêm, là sang múc trộm để giặt giũ tắm táp, họ hay vục những cái xô chậu rất bẩn vào múc cho nhanh – mà toàn là cán bộ Nhà nước tập kết từ quê về Hà Nội cả. Đến khi về hưu, cái ông chủ gia đình chuyên múc nước trộm ấy, còn lên đến vụ trưởng, Đảng viên!

Chẳng biết ai là “đểu”, ai là người đàng hoàng nữa.

Friday, 12 April 2013

Sao phải đổi thành “Quán”? (Năng Lượng Mới số 210 ,5-4-2013). An Chi (Huệ Thiên)


Sao phải đổi thành “Quán”? (Năng Lượng Mới số 210 ,5-4-2013).

by An Chi (Notes) on Friday, April 5, 2013 at 2:34am
 Bạn đọc : Từ cha sanh mẹđẻ, tôi chỉ nghe bà con lối xóm, ông già bà cả, v.v., nói đến “Phật Bà QUAN (Thế)Âm”. Nhưng từ nhiều năm nay, tự nhiên thấy đổi thành “QUÁN (Thế) Âm”. Xin ôngAn Chi vui lòng cho biết chữ [觀] trong tôn hiệu của Phật Bà phảiđọc là “quan” hay “quán” mới đúng. Xin cám ơn ông.
                                                                           Huệ Minh, TPHCM.
An Chi : Sự thay đổi nàyđã diễn ra từ nhiều năm nay và bây giờ thì các phương tiện truyền thông hầu nhưchỉ nói hoặc viết “QUÁN Thế Âm”. Dưới đây là những dẫn chứng thuộc loại mới nhất:
–  “Lễ chính thức lễ hội Quán Thế Âm –  lễ vía Đức Phật Bà Quán Thế Âm Bồ tát sẽ diễnra vào đúng ngày thứ bảy (30-3)” (Giáo HộiPhật giáo Việt Nam, Cậpnhật lúc 09:27 ngày 29-03-2013).
–  “Tối nay (28-3), khai mạc lễ hội Quán Thế Âm –Ngũ Hành Sơn 2013.” (QuảngNam,Thứ Năm,28-03-2013).
– “Sáng 30-3(19-2 Âm lịch), Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm 2013, một trong 15 lễ hộilớn nhất nước đã khai mạc tại Chùa Quán Thế Âm, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn(Đà Nẵng).” ( Tuyên giáo,Thứ Bảy, 30-3-2013).
– “Lễ hội QuánThế Âm được tổ chức thường niên vào ngày 19-2 âm lịch tại khu Danh thắng NgũHành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30-3 (nhằm17, 18 và 19-2 năm Quý Tỵ) với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm khơi dậylòng từ bi, hỷ xả, hướng đến một lễ hội văn minh, mang tầm cỡ quốc gia.”(Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng).
 – “Sáng nay, 30-3-2013 (nhằm ngày19-2-Quý Tỵ), nhân kỷ niệm ngày Vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, từ tờ mờ sáng, đôngđảo Phật tử quy tụ trước Thánh tượng Đức Bồ-tát tại chùa Huê Nghiêm(Q.2,TP.HCM) để tụng kinh Phổ Môn.” (GiácNgộ Online 30-03-2013).
 V.v và v.v.. Năm nguồn mà chúng tôi dẫn ratrên đây đều là những tổ chức hoặc cơ quan có uy tín: Giáo Hội Phậtgiáo Việt Nam, báo QuảngNam, tạp chí Tuyêngiáo, Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, báo Giác Ngộ Online. Chúng tôikhông biết chủ kiến của các nguồn trên về vấn đề “Quan hay Quán” như thế nào.Cách đọc thành “Quán Thế Âm” thực ra đã có trong Phật-học từ-điển (1966-1968) của Đoàn Trung Còn, xuất bản ở Sài Gònnhưng từ đó cho đến mãi gần đây, người ta vẫn thích nói “Phật Bà Quan Âm”. Vậynếu hiện tượng trên đây là do ảnh hưởng của từ điển thì phải chăng đây là doquyển Từ điển Phật học Hán-Việt củaGiáo hội Phật giáo Việt Nam do Kim Cương Tử chủ biên (Nxb Khoa học xã hội,2002). Quyển từ điển này đã nhất quán viết “Quán Thế Âm” (chữ “Quán” có dấu sắc)tại những mục liên quan đến chữ Hán [觀] ở các trang1033 – 1040 (Chúng tôi dùng bản tái bản có sửa chữa và bổ sung). Nhìn vào danhsách (ở tr.5) những vị có trách nhiệm liên quan đến nội dung quyển từ điển, từchủ biên, hiệu duyệt, biên soạn, cộng tác cho đến thư ký công trình, ta có thểthấy, không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một quyển sách công cụ đầy uy tín khôngnhững cho tăng ni Phật tử mà còn cho tất cả những ai quan tâm đến giáo lý nhàPhật, trong đó dĩ nhiên có các nhà Phật học. Nhưng riêng về cách đọc chữ [觀] thì chúng tôithấy cần bàn thêm.
Trước nhất, xinthành thật nhận rẳng cá nhân chúng tôi cũng từng dùng âm “Quán” (dấu sắc) khinói đến Phật Bà trong bài viết của mình, chẳng hạn trên Kiến thức Ngày nay số 402 (10-10-2001) hoặc Năng Lượng mới số 103 (16-3-2012). Nhưng trong hai trường hợp trênđây, chúng tôi chỉ theo xu hướng chung chứ không đặt thành vấn đề thảo luận xemgiũa âm “quan” và âm “quán” thì âm nào mới đúng. Còn lần này, vì bạn đã hỏi nênchúng tôi xin phân tích như sau.
Bất cứ ai rànhchữ Hán cũng biết chữ [觀] có hai âm: “quan” (bình thanh) và “quán”(khứ thanh). Tại âm “quán”, Hán ngữ đạitự điển (Thành Đô, 1993) đã ghi chonó 5 nghĩa mà không có nghĩa nào liên quan đến cách gọi Phật Bà trong tiếngHán. Chỉ có nghĩa thứ 9 của âm “quan” thì mới là “Phật giáo dụng ngữ”. Vậy nếuchỉ căn cứ vào quyển này, quyển từ điển cấp quốc gia cỡ lớn mà việc biên soạnđã được Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình phê chuẩn, thì ta có thể mạnh dạn khẳng địnhrằng phải đọc thành “Quan (Thế) Âm” (chữ “Quan” không dấu) mới đúng. Chuyện nàythì đã rõ ràng nhưng sự thật lại không đơn giản như thế vì ngay với cái nghĩaliên quan đến Phật giáo thì cả Từ nguyênlẫn Từ hải đều ghi cho nó đến hai âm:“quan” và “quán” mà nghĩa thì như nhau. Từnguyên, chẳng hạn, đã ghi rõ như sau: [姑剜切音官寒韻又去聲義同] (cô oan thiết,âm quan, hàn vận, hựu khứ thanh, nghĩa đồng). Truyền thống đọc theo hai âm nàyđã có từ hơn 1000 năm nay, như có thể thấy trong Quảng vận là một quyển vận thư đã chính thức ra đời từ năm 1008.
Cứ như trên thì,về lý thuyết, những chữ như [奇觀](kỳ quan), [景觀](cảnh quan), [觀點](quan điểm), [觀念](quan niệm) vàcả [觀世音](QuanThế Âm) đều có thể lần lượt được đọc thành “kỳ quán”, “cảnh quán”, “quán điểm”,“quán niệm”, “Quán Thế Âm”. Vậy cách đọc của Từ điển Phật học Hán Việtcũng không sai. Nhưng có cần nhiễu sự mà thay đổi cách đọc như đã thấy haykhông vì từ xưa cho đến mãi gần đây dân ta vẫn quen gọi Phật Bà bằng mấy tiếng “QuanThế Âm”, với chữ “Quan” thuộc thanh “ngang”, không dấu?

English in China (Bùi Bảo Trúc)


Bùi Bảo Trúc – English in China


Hồi ở trung học, gần như tất cả chúng ta đều học Anh ngữ với bộ Anglais Vivant của Pierre Carpentier và Madeleine Carpentier-Fialip, bộ sách mà nhiều người cho là tại sao học sinh Việt Nam phải dùng bộ sách do một cặp giáo sư Pháp viết cho các học sinh Pháp.
Nhưng nghĩ lại thì bộ sách ấy đã giúp chúng ta rất nhiều khi học tiếng Anh và văn hóa của nước Anh. Ngoại trừ một số ngữ vựng hơi cũ, nhưng chúng ta không thấy bỡ ngỡ bao nhiêu khi tiếp xúc với người Anh và người Mỹ hồi những năm 60 khi đi học ở các nước sử dụng tiếng Anh. Sau đó, bộLife With The Taylors, Let’s Learn English, English For Today của những năm 60 thì mới hơn để học tiếng Mỹ cùng những bộ dậy Anh ngữ của nhà xuất bản Longman mà ở Việt Nam cũng được sử dụng rất nhiều để học.
Ngày nay, những bộ sách đó không còn được dùng ở Việt Nam nữa, mà người ta dùng những sách của Tầu dịch sang tiếng Việt để dậy tiếng Anh. Những bộ sách chúng ta dùng trước đây đều do các nhà giáo đầy kinh nghiệm dậy tiếng Anh viết nên tất cả đều là những tài liệu giá trị đã qua được những thử thách ở nhiều nước trên thế giới.
Nhưng những cuốn sách Tầu thì có thể tin được không? Sách thì do Tầu viết, giáo viên thì thuê Phi dậy cho rẻ thì lối giáo dục như thế ở Việt Nam sẽ dậy người học Anh ngữ ra làm sao?
Thì đây, học thứ sách vở, tài liệu giảng huấn như thế chỉ làm được có một việc là tập cho học sinh làm quen với cái bản đồ lưỡi bò và lá cờ ngũ tinh hồng kỳ của Tầu chứ dậy được cái gì.Học những thứ sách như thế thì sẽ nói và viết tiếng Anh như thế nào?
Bạn coi thử mấy thí dụ về cái thứ tiếng Anh dùng những thứ tài liệu học tiếng Anh mà người ta thấy ở Hoa lục nhé.
You consciously flush là cái gì?
Nhớ giật nước thì tại sao không viết DON’T FORGET TO FLUSH?
Don’t Play Dog In Park thì ai chẳng nghĩ là đừng đóng vai chó
(người Tầu chắc đóng vai này xuất sắc lắm) trong công viên.
Tại sao không viết là DO NOT LET YOUR DOGS RUN FREE IN THE PARK?
Muốn dặn người sử dụng nhà cầu là tiểu vào bồn
mà viết Urinating into the pool you are the best
thì mọi người sẽ tiểu vào bể bơi mới là con người tốt hay sao?
Tại sao không viết DO NOT URINATE OUTSIDE THE URINALS?
Tất cả các món trong thực đơn đều ghê rợn,
nhưng dễ sợ nhất là món Fries pulls out the rotten child.
Có thể đây là món khoai chiên.
Fries số nhiều tại sao động từ đi sau lại là pulls?
Nhưng món khoai chiên này lại móc ra từ một đứa bé ung thối
thì bố Mao Trạch Đông cũng không dám đụng đũa.
Programmers Urine Shrimp
là tôm nước đái thảo chương viên điện toán
ăn thế nào thì may ra Tập Cận Bình mới biết được.
Tấm bảng này dặn khách chú ý
dùng răng thì khỏe mạnh thay vì dùng cái gì đây?
Lời căn dặn là trượt chân một cách cẩn thận.
Thế không cẩn thận thì té vào cái mả mẹ thằng Ba Dũng hay sao?
Boiled Meat (Lamp) , món thịt đèn luộc
là món ăn dưới ánh đèn cho … sáng dạ chắc.
Thịt cừu non là LAMB, thịt cừu …lớn tuổi là MUTTON
chứ bộ đói lắm hay sao phải đớp cả cái đèn (LAMP)?
HINH SO 9
We can not speak English but We can feel you !!
là chúng tôi không nói tiếng Anh
nhưng chúng tôi có thể sờ nắn quí vị !!
HINH SO 10
dairy style Rain coat.
It can put on the day of rain the day of chilly.
May ra người đọc sẽ hiểu là áo mưa kiểu sữa (daily mới là thường ngày). It can put on … là cái áo tự nó mặc lấy trong ngày mưa lạnh hay sao?
Tại sao không viết CONVENIENT FOR RAINY, CHILLY DAYS?
HINH SO 11
Lời dặn dò rất chất phác:
xin chỉ đái vào đây, nếu không sẽ bị phạt.
Ối chao ôi là tiếng Anh!
Thuốc bóp chân mà sao lại phải chà xát
(rubbing the horny) cái của nợ ấy?
HINH SO 12
Biết chết liền!
HINH SO 14
Học tiếng Anh của sách Tầu
thì sẽ viết những câu đại loại thế này:
Loại mìn này được dùng để  4 tầu địch
(suck 4 enemy’s warships)
bởi nhóm 126 của hải quân Việt Nam.
Học Anh ngữ bằng sách Tầu
thì chỉ nói và viết tiếng Anh như … Tầu mà thôi.
Bùi Bảo Trúc