Tuesday, 4 June 2013

Vạn Ninh, đất và người (Nguyễn Man Nhiên)

Vạn Ninh, đất và người
Nguyễn Man Nhiên
Biển mênh mông xanh biếc, lúa bạt ngàn đồng xa… Đất trù phú và người hiền hòa đã làm nên một Quảng Phước xưa - Vạn Ninh nay, vùng đất giàu đẹp anh hùng, có bề dày lịch sử trên 350 năm.

       I. NHỮNG BIẾN ĐỔI TRÊN BẢN ĐỒ ĐỊA LÝ - HÀNH CHÍNH
       Huyện Vạn Ninh - vùng đất cực bắc của tỉnh Khánh Hòa - nguyên trước kia là huyện Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang, được thành lập năm 1653 dưới thời Thái Tông Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền). Đến năm 1690 huyện này thuộc phủ Bình Khang, năm 1803 thuộc phủ Bình Hòa. Từ năm 1831 đổi là phủ Ninh Hòa, gồm 6 tổng: Phước Tường Ngoại (18 làng), Phước Tường Nội (16 làng), Phước Thiện (10 làng), Phước Khiêm (12 làng), Phước Hà Nội (17 làng), Phước Hà Ngoại (10 làng).
      
Đến ngày 01-3-1931, phủ Ninh Hòa được cải thành huyện Vạn Ninh,gồm 3 tổng là Phước Tường Nội, Phước Tường Ngoại và Phước Thiện;cắt 3 tổng Phước Khiêm, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại nhập vào huyện Tân Định và đổi huyện này thành phủ Ninh Hòa mới. Như vậy huyện Vạn Ninh chính thức thành lập vào năm Bảo Đại thứ 6 (1931).
      
Đến năm 1954, chính quyền Sài Gòn bỏ danh xưng phủ, huyện, đổi thànhquận, huyện Vạn Ninh đổi thành quận Vạn Ninh. Năm 1956, cắt một phần đất của quận Vạn Ninh (gồm các xã thuộc tổng Phước Thiện cũ) nhập vào quận Ninh Hòa. Giai đoạn 1970-1975, quận Vạn Ninh có 9 xã là Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Vạn Lương, Vạn Hưng.
      
Về phía chính quyền cách mạng, đầu năm 1946 ta chủ trương thành lập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Vạn Ninh có 8 xã: Phước Đồng, Phước Trung, Phước Tây (thuộc tổng Phước Thiện), Đồng Xuân, Đồng Tiến, Đồng Hòa (thuộc tổng Phước Tường Nội), Liên Hưng và Liên Hiệp (thuộc tổng Phước Tường Ngoại). Trong 2 cuộc kháng chiến, Vạn Ninh nhập chung với Ninh Hòa, gọi là Liên huyện Bắc Khánh.
       Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, năm 1976 chính quyền cách mạng hợp nhất 2 huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa thành một huyện mới gọi là huyện Khánh Ninh. Cơ quan hành chính huyện đặt tại Ninh Hòa. Đến Quyết định số 85/QĐ-CP ngày 05-3-1979, huyện Khánh Ninh được tách ra thành 2 huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa như trước đây.
       Tháng 12 năm 1993, Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 9 điều chỉnh ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tách thôn Vũng Rô (thuộc xã Đại Lãnh) ra khỏi huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hoà) để sáp nhập vào xã Hoà Xuân, huyện Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
      
Địa giới hành chính huyện Vạn Ninh hiện nay: bắc giáp huyện Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), nam giáp huyện Ninh Hòa, tây giáp huyện Ninh Hòa và huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), đông giáp biển Đông.
      
Diện tích tự nhiên: 556,038 km2; dân số: 127.555 người (tính đến 31-12-2004). Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, trước đây có người Đê (tức dân tộc Ê-đê) ở theo triền núi Vạn Phú - Xuân Sơn, nên có địa danh là Soi Đê. Đặc biệt có nhóm người Hạ (gọi tắt từ danh xưng người Đàng Hạ) cư ngụ rải rác ở xóm Sơn Đừng ở Đầm Môn Hạ và Bãi Sau đảo Điệp Sơn (thuộc xã Vạn Thạnh), sống quần cư làm nghề đánh bắt và còn giữ phong tục xưa của dân tộc này.
      
Số lượng các đơn vị hành chính huyện Vạn Ninh hiện nay gồm: 1 thị trấn: Vạn Giã (thành lập theo QĐ số 268/QĐ-CP ngày 23-10-1978) và 12 xã: Đại Lãnh (thành lập theo QĐ số 230/QĐ-HĐBT ngày 13-9-1985), Vạn Thọ (thành lập theo QĐ số 100/QĐ-HĐBT ngày 30-9-1981), Vạn Phước (thành lập theo QĐ số 100/QĐ-HĐBT ngày 30-9-1981), Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Lương (thành lập theo QĐ số 32/2000/NĐ-CP ngày 11-8-2000), Vạn Hưng (thành lập theo QĐ số 43/QĐ-HĐBT ngày 15-4-1986), Xuân Sơn (thành lập theo QĐ số 43/QĐ-HĐBT ngày 15-4-1986) và Vạn Thạnh.
      
II. VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI
       1. NON NƯỚC VẠN NINH:      
       Dãy Tam Phong tục gọi núi Ba Non, nằm phía tây núi Đại Lãnh, chỗ giáp giới hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Sở dĩ gọi là Tam Phong vì có 3 ngọn núi cao chọc trời: ngọn cao nhất là Trấn Sơn (Hòn Giữ, 1.264 thước), thứ nhì là Hoành Sơn (Hòn Ngang, 1.128 thước) và ngọn thứ ba là Hộ Sơn (Hòn Giúp, 1.127 thước).
       - Hòn Tu Hoa cao 728 thước, tên cũ là Hoa Sơn, ở phía tây Tu Bông (Vạn Khánh), xưa nay nổi tiếng là nơi có nhiều gió: “Mưa Đồng Cọ gió Tu Hoa”.
       - Núi Mã Cảnh: phía đông sát biển, phía bắc liền Đèo Cả, hình giống cổ ngựa nên gọi tên thế. Xưa có đường trạm đi qua, nay gọi là đèo Cổ Mã, dài khoảng 2km, phía bắc đèo là xã Đại Lãnh, phía nam đèo là làng Tuần Lễ, Ninh Mã (xã Vạn Thọ).
       - Núi Bồ Đà cao 292 thước, cạnh đó về phía đông có núi Phiên Lêtục danh Dốc Thị là nơi trước đây Tổng trấn Trần Đường đóng quân chống Pháp. Quanh Bồ Đà - Dốc Thị còn nhiều núi cùng chung sơn mạch như phía bắc có Hòn Chùa, phía nam có núi Quán. Trên những ngọn núi này xưa kia có nhiều thiền sư đến lập chùa tu hành.
        - Núi Đá Đen cao 611 thước, gọi tên theo màu sắc của đá. Trên núi có dấu tích thành lũy của Chiêm Thành, tục gọi là Thành Hời, trải rộng từ núi Đá Đen đến giáp Quốc lộ 1A, cách thị trấn Vạn Giã về phía nam khoảng 11 cây số (dốc Đá Trắng). Dưới chân núi có Láng Chu, Láng Nhớt, Giếng Tiên, Chín Cụm và một cánh đồng rộng gọi là đồng Xuân Sơn.
       - Sông Tô Hà, nay thường gọi là sông Tu Bông, phát nguyên từ vùng núi Tu Hoa, Đồng Cọ chảy qua Tu Bông xuống vịnh Trâu Nằm đổ ra vịnh Vân Phong. Về phía thượng lưu có đập ngăn nước: Đập Sổ.
       - Sông Bình Sơn, thường gọi là suối Bình Trung, phát nguyên từ Hòn Giúp chảy qua Tứ Chánh, Trung Dõng, Bình Trung rồi đổ ra vịnh Vân Phong.
       - Sông Vạn Giã, tục danh là sông Hầu, có hai nguồn từ vùng núi Tam Phong, một nguồn từ Hòn Chảo chảy qua Hiền Lương hợp lưu đổ ra Cửa Giã chảy vào vịnh Vân Phong.
       - Vạn Ninh có vịnh Vân Phong rộng lớn, chạy từ đèo Cổ Mã theo hướng Đông Nam tạo thành cánh cửa che gió Bắc, dài trên 20 cây số. Trong vịnh có vũng Trâu Nằm ở Tu Bông. Hiện nay có khu du lịch Hòn Ông nổi tiếng. Nằm liền vịnh Vân Phong, trên bán đảo Hòn Gốm có một mũi đất nhô ra biển gọi là Mũi Đôi, cạnh đó cách bờ khoảng 600m có một đảo nhỏ rộng khoảng 20000m2 gọi là Hòn Đầu. Mũi Đôi-Hòn Đầu là một thắng cảnh vô cùng độc đáo trên vùng biển Khánh Hòa, năm 2005 đã được Bộ VH-TT xếp hạng DTDLTC cấp quốc gia. Bãi biển Đại Lãnh nằm về phía bắc thị trấn Vạn Giã 20km, nước trong xanh lấp lánh mây trời, thuyền bè dựa kề san sát. Đây là bãi biển du lịch nổi tiếng của tỉnh nói chung và Vạn Ninh nói riêng. Khu Rạn Trào Xuân Tự (xã Vạn Hưng) là nơi có nhiều bãi san hô như Rạn Trào, Rạn Tướng, Rạn Cụm Mèo… Đây là vùng biển có nhiều loại hải sản quý hiếm đã được chính quyền địa phương thành lập khu bảo tồn.
      
Bài vè các lái sau đây của dân ghe bầu giao thương mua bán trên tuyến đường biển Bắc-Nam ngày xưa đã ghi lại khá nhiều địa danh trong hải phận vịnh Vân Phong:
… CÂY SUNG, BÃI CỎ đà qua
BẾN ĐÒ, CỒN CẠN, người ta tiếng đồn
Tiếng đồn HÒN LỚN, HÒN NHỎ, CHÍN KHÔN
CỨT CHIM, HÒN ĐỎ, đêm hôm ai nhầm
Xuôi lên một đổi xa tăm
Vừa ngang BẢY GIẾNG hỏi thăm TRÂU NẰM
TRÂU NẰM ngoài nước khá thương
Sóng xô mưa tạt dựa nương tư bề
       TRÀO ĐEN, TRÀO ĐỎ, CON NGHÊ
CỘT BUỒM đã thấy dựa kề HỒ NA
ĐỒI MỒI chớn chỡ day ra
Coi trong CÁT THẮM chạy qua HÒN GẦM
HÒN GẦM sóng bổ lao xao
Ngước mặt trông vào BÃI NHỎ, HÒN NGANG
Thương con nhớ vợ trăm đàng
Nước mắt hai hàng lụy nhỏ thâm biên
ĐÁ CHỒNG dừng dựng mọc liên 
Bạt sóng be thuyền đầu nối HÒN DƯƠNG…
      
2. ĐỊA DANH:
      
Vạn Ninh nằm trên trục Quốc lộ 1A Bắc Nam, phía Bắc tiếp giáp với huyện Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) nối qua đèo Cả (12 cây số), phía Nam chung vách với huyện láng giềng Ninh Hòa vốn là anh em sinh đôi. Trung tâm huyện là thị trấn Vạn Giã nằm giữa hai thành phố Tuy Hòa - Nha Trang, cách chẵn tròn mỗi bên 60 cây số, thật là một sự cân đối thú vị về “con đường thiên lý” giao thương.
      
Vùng đất có bề dày lịch sử trên 350 năm này từ xa xưa đã nổi tiếng với hình ảnh “cơm trước mặt cá sau lưng”. Phía Đông nằm dọc theo bờ biển tạo một đường cong ôm tròn vịnh Vân Phong. Phía Tây mở rộng về hướng núi Đá Đen - Hòn Chảo - Hòn Ngang qua những cánh đồng trù phú phì nhiêu. Tất cả tạo nên một vùng cảnh quan riêng biệt với những nhóm đất - cát - đất cát biển - đất mặn để có những dòng nước chè hai và mạch ngọt nguồn uống mát.
       Theo cách hiểu của một số nhà nghiên cứu (khởi đầu là Quách Tấn trong tác phẩm Xứ Trầm Hương), địa danh Vạn Giã nguyên do từ tên hai cửa biển của vịnh Vân Phong hợp lại mà thành.
       Cửa Vạn thuộc bán đảo Đầm Môn, nằm dưới chân bán đảo Bàn Sơn trông ra một hòn đảo lớn nên người xưa gọi là Hòn Lớn (Ngó ra Hòn Lớn ba lầnThấy anh ở trần trong dạ xót xaTrở về mua lụa đậu baMay áo cổ giữa gửi ra cho chàng). Hòn Lớn (tên chữ là Đại Dự) sừng sững che chắn giông bão, tàu thuyền ngư dân, vì thế nên phía sau là nơi rất kín gió. Đầm Môn ngày nay thuộc xã đảo Vạn Thạnh và đã nối với đất liền bằng con đường xẻ cát dài hơn 18 cây số từ Đầm Môn gối đầu với Quốc lộ 1A tại đèo Cổ Mã ở cây số 1372 + 740, đi qua các thôn Tuần Lễ, Xóm Mới, Vĩnh Yên. Đây là con đường “trong mơ trở thành hiện thực” của người dân nối đời ở Đầm Môn. Kinh phí trên 60 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng. Tàu bè ra vào Cửa bằng hai lạch ở giữa Hòn Lớn và hai nhánh núi của bán đảo Bàn Sơn. Lạch phía Đông là lạch Cửa Bé, lạch phía Tây là lạch Cửa Lớn(còn gọi là lạch Cổ Cò).
       Cửa Giã nằm trong đất liền thuộc Vạn Giã ngày nay (kéo dài từ bờ biển xã Vạn Lương đến giáp bờ xã Vạn Thắng), nước sông Hiền Lương chảy ra cửa này, là nơi tấp nập ghe thuyền buôn bán ra vào neo đậu. Cửa Giã ngày nay đã trở thành khu dân cư đông đúc, nhà cửa sầm uất.
       Một cách hiểu khác, theo chúng tôi, đơn giản hơn nhưng có lẽ gần với sự thật hơn: Vạn Giã nguyên thủy nghĩa là làng của những người làm nghề chài lưới (vạn: làng chài dọc theo vịnh biển, cửa sông; giã: nghĩa hẹp : lưới giã, nghề biển trước đây rất phổ biến ở địa phương; nghĩa rộng: chỉ nghề biển nói chung: biển giã). Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép: “Quán Vạn Giã: ở huyện Quảng Phước, dân cư trù mật, làm nghề đánh cá, từ khi binh lửa, dân bị điêu tàn”.
       Khi xưa, người dân địa phương cũng như đồng bào ngược xuôi Nam- Bắc vẫn thường gọi một tiếng Giã đơn giản mà vô cùng thân thiết như:đi Giã, về Giã, xuống Giã, ở Giã v.v… Những cái tên: ga Giã, chợ Giã, cửa Giã, trạm Giã… đến nay vẫn tồn tại nơi đầu môi cửa miệng của người dân xứ Vạn.
       Vạn Ninh còn có những địa danh gắn liền với tên đất, tên làng từ thuở xa xưa như: Tu Bông (Gió đâu bằng gió Tu BôngThương ai bằng thương cha thương mẹ thương chồng thương con)Tuần LễVĩnh Yên-Vĩnh Giật; những địa danh ghi dấu một thời Chăm-pa: Mả Tháp, cầu Thành Hời, ga Thành Hời; những cái tên dân gian ngộ nghĩnh: Lỗ Đĩ, Lỗ Lường (Thơ trào phúng của Định Phong: Phải chăng vì giống vì nòiTrời sanh Lỗ Đĩ, Lỗ Đoi, Lỗ Lường; Làm trai đầu cuống chưa tườngMuốn xem tận mắt tìm đường đến xem), Soi Đê, Đầm Môn, Bảy Giếng (sau này thường bị gọi sai là Bãi Giếng, đi vào ca dao với nghề đầm đăng: Có chồng Bảy Giếng được nhờNgày thời chắp bả tối đánh cờ hơn con;Không lo chi tiền hết gạo cònThuyền về tới bến xách con “rau” dàiCất tiếng kêu bớ gã lái haiLại đây em gởi con rau dài cho anh), Hòn Nhọn, Trại Thơm, Lỗ Bùn, Nước Nóng, Đồi Cát Xễ, Mũi Cổ Cò, Đầm Mây, Vũng Trâu Nằm, Hòn Gầm, Ngòi Ông Cộ, Ngã ba Cây Duối, Đèo Dốc Thị, Dốc Đá Trắng…; hoặc những địa danh gợi nhớ đến những năm tháng đau thương mà anh hùng dưới thời Pháp thuộc: Cầu Đúc, Mả Tây, Xe Cháy, Đồn Nhà Đá, Dốc Cây Cờ
       3. NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
       Thời phong kiến, sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn có ghi lại hành trạng, công tích một số nhân vật tiêu biểu của đất Quảng Phước xưa:
       Phạm Văn Chứ: Người huyện Quảng Phước, thời Nguyễn Ánh có công làm đến chức Cai Cơ. Năm Tân Dậu (1801) mất ở thành Quy Nhơn, được tặng chức Chưởng Cơ và được thờ ở đền Chiêu Trung.
       - Nguyễn văn Cống: Người huyện Quảng Phước, thời Nguyễn Ánh lập được nhiều chiến công, khi mất được tặng Chưởng Cơ, được thờ vào miếu Công Thần.
       - Liệt nữ Huỳnh Thị Nghĩa: Người huyện Quảng Phước. Nhà nghèo, một hôm cùng chồng vào núi đốn củi, người chồng bị cọp vồ, tha đi. Bà cầm rựa rượt theo. Cọp nhả chồng bà ra để kháng cự. Cuối cùng, cọp bỏ chạy. Lúc đó bà 47 tuổi, được người đời ca tụng là người có nghĩa. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), bà được vua khen và ban thưởng.
       Lịch sử đấu tranh cứu nước và giữ nước của nhân dân Vạn Ninh luôn gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của cả dân tộc. Trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có gương sáng Tổng trấn Trần Đường - người con đất Hiền Lương - đến nay còn lưu truyền qua ca dao:
       Ở Khánh Hòa thì có ba ông
       Ông Trần Đường giữ đèo Dốc Thị
       Ông Trịnh Phong trấn nơi biển Cù
       Ông Nguyễn Khanh lo việc quân nhu
       Ba ông một bụng nghìn thu danh truyền.
       Ông Trần Đường người làng Hiền Lương, xã Vạn Lương, sinh năm 1839, thạo Hán văn, giỏi võ nghệ, làm Phó Tổng triều Tự Đức (1848-1883). Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông được Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong cử giữ chức vụ Tổng Trấn, trấn quân khu Bắc của Tỉnh (vùng Vạn Ninh, Ninh Hòa), tổng hành dinh nghĩa quân được đặt tại núi Phổ Đà, nằm phía tây Dốc Thị (thuộc thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng). Trong trận đánh Pháp tại đèo Dốc Thị, bị thua trận, ông cho rút quân lên Đầm Thụ (thôn Xuân Sơn). Quân Pháp đến làng ông bắt bớ, tàn phá nhà cửa, bắt thân tộc ông làm con tin, đòi ông ra hàng. Ông thương xót tình máu mủ và tự xét quân mình chống không lại, nên ra nạp mình. Quân Pháp dụ dỗ ông quy hàng, làm việc cho Pháp, được phong quyền cao chức trọng, nhưng ông từ chối, thà chết còn hơn mang tiếng theo giặc làm tay sai giết hại dân mình. Cuối cùng quân Pháp đem ông ra xử bắn vào ngày 21-8-1885. Chúng bêu đầu ông ba ngày để uy hiếp dân chúng, rồi mới cho thân nhân nhận thi hài về chôn cất. Hiện mộ ông ở thôn Hiền Lương, quê hương của ông.
       Tu Bông xưa cũng là vùng dất hội tụ những anh hùng hào kiệt. Hai cha con Phạm Chánh, Phạm Long cùng Hiệp trấn Nguyễn Sum đã làm nên Quảng Phước tam hùng: “Gương phấn dũng làu làu Phạm Chánh;Cùng Phạm Long chung gánh non sôngCha con trung hiếu vẹn trònCùng Nguyễn Sum, nguyện mất còn có nhauBao phen cay đắng hận thù Tam hùng, tam kiệt nghìn thu trăng rằm”.
       Ông Phạm Chánh người làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, học giỏi nhưng không đi thi. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông được cử giữ chức Tham trấn trong đạo quân của ông Trần Đường ở quân khu Bắc.
       Ông Phạm Long tức Luông, là con trai trưởng của ông Phạm Chánh, tuổi trẻ nhưng chí khí hơn người, cùng cha tham gia nghĩa binh, giữ chức Nhiếp binh.
       Ông Nguyễn Sum người Hội Khánh, cùng quê với cha con ông Phạm Chánh, cùng tham gia phong trào Cần Vương, giữ chức Hiệp Trấn.
       Ba ông được giao đóng quân giữ lương thực tại Đồng Đồn (Tu Bông), bị giặc Pháp tấn công bất ngờ nơi đóng quân vào ban đêm, không kịp đề phòng, nghĩa quân thất bại, kho lương bị đốt sạch. Ba ông chạy lên núi, cho quy tập tàn quân, chờ dịp phản công. Hai lần tấn công quân Pháp ở Hiền Lương và tại núi Quán Chùa, trận nào cũng gây cho Pháp nhiều thiệt hại, nhưng nghĩa quân cũng tan tác nhiều, chỉ còn ba ông, trong khi ông Nguyễn Sum bị thương nặng. Ba ông rút về Tu Bông chờ thời cơ. Trong một lần về làng lấy lương thực, ông Phạm Chánh bị Việt gian bắt nộp cho Pháp. Con của ông là Phạm Long cùng ông Nguyễn Sum cũng đến nạp mình cho quân Pháp vì đã thề nguyền là đồng sinh đồng tử và cũng để thế mạng cứu dân khỏi quân Pháp tàn sát. Năm 1886, thất bại trong âm mưu mua chuộc, quân Pháp đưa ba ông ra xử bắn tại Gò Đồn thuộc thôn Hòa Khánh.
       Trong cao trào Cách mạng tháng 8, Vạn Ninh cũng là lá cờ đầu của tỉnh với khí thế hào hùng giành chính quyền trước nhất. Đêm 13 rạng ngày 14-8-1945 quân và dân các tổng Phước Thiện, Phước Tường Nội dưới sự chỉ huy của ông Hoàng Hữu Chấp, đại diện Ủy ban Việt Minh, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai và thành lập chính quyền cách mạng.
       Nối tiếp truyền thống cha ông, trong hai cuộc kháng chiến cứu nước quân dân Vạn Ninh đã lập nên nhiều chiến công hiển hách như: trận Vạn Giã (tháng 5-1946), trận Hiền Lương của Trung đoàn 79 thuộc Đại đoàn 27, các trận đánh ở đèo Cả - Đại Lãnh (1947), Ninh Mã (1949), các cuộc giao chiến ở Gò Hoàng, Gò Găng của biệt động đội C500 ở Vạn Lương đã làm nên.
       Với truyền thống yêu nước cao cả và những đóng góp to lớn trong hai cuộc khánh chiến, huyện Vạn Ninh đã vinh dự đón nhận danh hiệu tập thể và cá nhân sau đây:
       - Xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Vạn Lương.
       - 235 thương binh; 805 liệt sĩ; 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
       5. PHONG TỤC TẬP QUÁN:
       Cái tên Quảng Phước xưa đã nói lên tất cả tính cách và đặc trưng của vùng đất. Quảng có nghĩa là rộng rãi: đất rộng phì nhiêu, bao la trù phú;  lòng người bao dung, hào phóng, hiếu khách. Phước hay phúc là lộc trời ban phát ưu đãi. Thiên nhiên tặng thưởng một vùng có địa dư thuận tiện: trên rừng nào trầm hương kỳ nam nổi tiếng, ngoài biển tôm cá chạy đan dài. Người dân xứ Vạn xưa nay sống chủ yếu bằng nghề nông và nghề biển. Vạn Giã được ông cha ta gọi là xứ “cơm trước mặt cá sau lưng” vì  ruộng đất phì nhiêu, cá tôm đặc biển, cho nên con người ở đây rộng rãi, hiếu khách. Có thể trong một làng, một xóm, thậm chí láng giềng cùng dùng phương tiện tàu thuyền trong việc làm ăn lao động hàng ngày, nhưng có gia đình thì phát rẫy ngoài Hòn trồng dưa trỉa bắp, lại có nhà bơi thuyền đánh bắt hoặc có người bán buôn, các lái ghe bầu, đi điệu làm nhang… Ngoài các nghề truyền thống làm ruộng, lưới đăng, làm gốm, bánh tráng, trồng mía hoặc buôn bán kinh doanh, nay còn phát sinh nhiều nghề mới như nuôi tôm hùm lồng ngoài biển, nuôi tôm sú ngoài đìa, trồng rong biển, ngọc trai …
       Theo truyền thống ông bà để lại, vào ngày Tết có lệ cúng đình (3 năm hát bội một lần), cúng miễu (miễu bà Thiên Y), rước sắc, nêu công đức Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ đồng thời tổ chức các trò chơi dân gian hoặc cúng cầu ngư, rước nghinh Ông có hò Bá Trạo: “Nay bổn lạch cầu ngư đáo lệCác thuyền đều ngư nghệ đồng tâmMời Nam Hải lịnh ông chứng chiếuHộ làng lạch cầu ngư đáo lệ”.
       Người Vạn Ninh (nhất là vùng Tu Bông, Đại Lãnh) có cách phát âm gần giống với giọng Phú Yên. Như nguyên âm O phát âm lệch sang gần giống với A ( đọc gần như ), nguyên âm A đọc sang thành E (Ba, máthành Be, mé), âm Ê chuyển sang Ơ (đi về thành đi vờ). Nếu các nguyên âm E và Ê đứng trước phụ âm sẽ đọc thành như I (em, êm, đẹp phát âm thành im, đim hoặc điệp). Các vần Ôi phát âm thành Âu (bộ đội thànhbộ đậu), At, Ac phát âm thành Et, Ec (ca hát thành ce het) hoặc vần An, Ang thành En, Eng (Nha Trang thành Nhe Treng)…
     Về cách gọi người thân, một số ít người vẫn còn tập quán gọi “thứ” mà không kèm theo hệ bậc như ông, cậu, anh, chị v.v…. Họ chỉ gọi là Năm, Tư, Bảy, mặc dầu những người này đã lớn tuổi. Ở các vùng ven biển, lại không dùng thứ bậc mà gọi thẳng bằng tên, dù cho các vị ấy đã lớn tuổi. Chẳng hạn như khi người được hỏi ở gần nhà ai thì họ sẽ trả lời là nhà Diễn, nhà Hạnh…
       6. KIẾN TRÚC TÔN GIÁO:
       - ĐÌNH: Hầu hết đình làng ở Vạn Ninh đều được xây cất từ thời Tự Đức. Đình nào cũng thờ Thần Hoàng. Hàng năm dân làng luôn tổ chức cúng tế ghi ơn Tiền hiền khai cơ, Hậu hiền khai khẩn theo nghi thức cổ truyền. Những đình tiêu biểu như đình Phú Cang (xã Vạn Phú) là di tích cấp quốc gia, đình này xưa có lò rèn để đúc súng chống Pháp; đình Tân Mỹ (thị trấn Vạn Giã) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Nguyễn có chạm rồng phượng; đình Hiền Lương (xã Vạn Lương) - nơi hội họp của nghĩa quân Cần Vương, đã tìm thấy thanh kiếm nghĩa sĩ thời ấy và nhân dân lập mộ kiếm để thờ; đình Trung Dõng (xã Vạn Bình); đình Phú Hội, Quảng Hội (xã Vạn Thắng); đình Tân Phước (xã Vạn Phước)…
       - CHÙA: Làng nào cũng dựng lập. Chùa cổ nhất ở Vạn Ninh là Chùa Linh Sơn, thường gọi là chùa Tổ, lập năm 1761, do Hòa thượng Đại Bảo khai cơ, đến nay đã tròn 245 năm. Rồi đến Chùa Tàu, tức Trung Hoa hội quán, người Hoa gọi là Chiêu Ứng Từ, được phong từ đời Tự Đức thứ tư (1851) thờ 108 vị anh linh. Hàng năm vào ngày 16 tháng 6 âm lịch thường tổ chức lễ Song Kỳ cúng dê. Chùa gồm Tiền đường, Chánh điện, Cổ lầu, bên ngoài có công viên. Trước năm 1975, chùa Tàu mở trường dạy chữ Hán và tiếng Việt. Chùa Hội hoặc chùa Vạn Đức dựng ngay tại thị trấn Vạn Giã. Chùa Giác Hải xây trên đồi cao thôn Xuân Tự, khai cơ là Thượng tọa Thích Viên Giác, đệ tử Bích Không Đại Sư, cất năm Bính Thân (1956).
       - MIẾU: Cấu trúc bên trong có Nội điện để an phụng thần vị, nhưmiếu Thiên Y A Na gần cây sộp cổ thụ cạnh đình Tân Mỹ (thị trấn Vạn Gĩa).
       - LĂNG: Các làng ven biển đều lập Lăng thờ Ông Nam hải (cá voi), hàng năm có lệ cúng lăng hát bội, hò bá trạo, rước nghinh Ông: “Ngó ra ngoài biển lao xaoNghiêng mình mà rước Ông vào gành NghêThuở xưa Nam Hải sắc phongChánh ngư cự tộc bửu dòng Thủy long”.
       - NHÀ THỜ: Được xây cất từ đầu thế kỷ XX, sớm nhất là nhà thờ Vạn Giã (1902-1903), công trình kiến trúc theo lối Gôtic, đã có trăm năm tuổi. Rồi đến các nhà thờ khác như nhà thờ Diêm Điền (Vạn Khánh), nhà thờ Vạn Xuân thuộc thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng.
       7. KHO TÀNG VĂN NGHỆ DÂN GIAN:      
       Kho tàng văn nghệ dân gian huyện Vạn Ninh thấp thoáng những câu hò câu hát từ các miền Thanh-Nghệ, Thuận-Quảng, Bình Định, Phú Yên. Trong cuộc lưu dân, ông cha ta đã mang theo những “viên ngọc lấp lánh” này cùng với bước chân khai phá mở đất lập nghiệp. Nhưng nói vậy không có nghĩa vốn văn nghệ dân gian ở đây chỉ là tập hợp từ các miền, mà còn thấy những nét đặc trưng rất riêng của con người Vạn Ninh qua nhiều hình thức sáng tạo phong phú.
       - CA DAO: Điểm nổi bật nhất trong ca dao ở Vạn Ninh là tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tinh thần yêu nước kháng chiến chống thực dân đế quốc, hoặc ca ngợi tài nguyên, đặc sản biển rừng hay ngành nghề truyền thống:
       - Chiều chiều đổ lúa vô quay
       Xế xăng bóng mát cơn sầu này ai tuôn
       Thiếp xa chàng cũng có bụng buồn
       Bàng hoàng trong dạ, tỷ như tuồn nhớ ai.
       - Têm trầu mà dắt mái rui
       Cúi đầu lạy mẹ làm sui cho gần.
       - Nhớ vì nhớ gốc me bịn rịn
       Thương vì thương gốc sộp thề nguyền
       Thương vì nợ, nhớ vì duyên
       Lần đi phải nhớ chiếc phiên thuỷ đằng
       Ai về làm rể lưới đăng
       Ăn cơm bát bịt, tôm rằn kho tiêu…
       DÂN CA: thể hiện qua các điệu hò giã gạo, kéo lưới, đẩy thuyền, hò bá trạo hoặc hát ru, hát đố, hát đối đáp:
       Nữ:    Đôi ta nay đã rõ lòng
                 Chàng ơi phải tính cho xong sự nhà
                 Anh về thưa với mẹ cha
                 Cậy người bước tới trọn mà đạo con.
       NamEm đừng than thở nặng lời
                 Anh về thưa cha mẹ cậy người bước sang
                 Cậy trong ông chú bên nàng
                 Xem ngày thiên hỷ đi sang một lần.
       - TỤC NGỮ: mang đậm bản sắc địa phương: Mưa Đồng Cọ gió Tu Hoa; Trời chớp Mũi Nậy/ Thức dậy mà đi; Trời chớp Bà Gia/ Ở nhà mà ngủ; Tôm chạng vạng cá rạng đôngTháng Mười ngó ra tháng Ba ngó vào;Gặp rắn thì đi gặp quy thì về… Đó là những câu cửa miệng của người đi biển, đi núi, đi  điệu ở Vạn Ninh.
       CÂU ĐỐ: hoặc đố chữ, đố điển tích: “Lửa chi lửa ở giữa lừngĐó là đom đóm trong rừng bay ra”; “Phi nam, phi nữ, phi quân tử, phi tiểu nhân(con thằn lằn)…
       “Muốn ăn to lên Dốc Mõ / Muốn ăn nhỏ xuống Hòn Hèo / Muốn ăn heo ra Đèo Cả / Muốn ăn chả lên Nà Tre / Muốn ăn chè lên Tứ Chánh / Muốn ăn bánh lên Hóc Chim”… hoặc “Lữ Bố Điêu Thuyền / Mắt liếc Phụng Tiên / Tay nưng Đổng Trác / Đàn bà bạc ác/ Vì bởi lưỡi dài / Hễ thấy mặt trai / Như âm dương điện / Xuân tình xuất hiện / Vì cái “thiên nhiên” / Thứ nhất chơi tiên / Thứ nhì cũng đủ / Ách xì mê lú / Tứ sắc bài cào / Thua hết không nao / Bạch mao thần lộ …”
       - TRUYỆN CỔ: truyền thuyết cá Ông cứu nạn, chuyện về Lỗ Đĩ, Lỗ Lường, chuyện đánh cọp…
Nguyễn Man Nhiên

Monday, 3 June 2013

Một số liệu quí hiếm về Phạm Quỳnh: Về ngày “Ủy ban khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc” để rồi “đi không bao giờ trở lại” (Nguyễn Văn Khoan)

Blog PhamTon, tuần thứ 5 tháng 4 năm 2011.

MỘT SỐ TƯ LIỆU QUÍ HIẾM VỀ THƯỢNG CHI – PHẠM QUỲNH ĐÃ ĐĂNG TRÊN BLOG PHAMTON HAI NĂM QUA

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhân dịp Blog PhamTon chúng tôi tròn hai tuổi, theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc yêu kính Thượng Chi – Phạm Quỳnh chưa có dịp đọc blog từ những ngày đầu, chúng tôi xin đăng lại một số tư liệu quí hiếm, hầu như trước nay không ai được biết về Thượng Chi – Phạm Quỳnh mà hai năm qua chúng tôi đã lần lượt đưa lên mạng. Chúng tôi đăng theo đúng nguyên bản đã phát trước đây.

VỀ NGÀY “ỦY BAN KHỞI NGHĨA THUẬN HÓA MỜI PHẠM QUỲNH RA LÀM VIỆC”

ĐỂ RỒI “ĐI KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI”

Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan
Lời dẫn của Phạm Tôn: Chúng tôi đã đăng bài Góp phần tìm hiểu và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất Tất Nhiên” của Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, ký bút danh Sông Hương, và được đông đảo bạn đọc ở trong nước và cả ngoài nước nữa hoan nghênh, khen ngợi, truyền cho nhau đọc…
Kỳ này chúng tôi lại may mắn được Đại tá Tiến sĩ ưu ái gửi cho một bài mới, kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, đúng phong cách của nhà sử học chân chính, nhưng vẫn với bút pháp rất độc đáo của ông, lật đi lật lại vấn đề nhiều lần, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thể hiện sự tin tưởng vào lương tri và trình độ hiểu biết của bạn đọc.
Xin mời các bạn cùng thưởng thức để có thêm những suy nghĩ mới về một vấn đề xảy ra cách nay đã hơn 60 năm.
*
*      *
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, Phạm Quỳnh “ở nhà”, không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Mặc dù chính phủ của ông Kim gồm phần lớn các bộ trưởng là những người yêu nước, ghét Pháp, cũng không ưa Nhật.
(…)
Theo lời Phạm Quỳnh, ông muốn “nghỉ việc”, để chăm lo vào đường văn học. Tổng khởi nghĩa diễn ra ở Huế, ông vẫn bình tĩnh. Con cháu tham gia biểu tình, ông chẳng những không ngăn cản mà còn khuyến khích, bảo người nhà mua và may cở đỏ sao vàng cho con cháu đi biểu tình. Có lẽ ông cho mình là một người yêu Tổ Quốc – theo cách của ông – đòi Pháp trả lại quyền cho vua Việt Nam – đấu tranh cho một nền quân chủ lập hiến hiện đại, v.v… Và cũng biết mình chưa nắm được tình hình diễn biến của thế sự, tin (cả tin) vào suy nghĩ của mình, không lường được những gì sẽ xảy ra, chủ quan không chủ động tìm hiểu thông tin để tự bảo vệ.[1]
Ngày 23 tháng 8 năm 1945, hai sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến – Huế là Đặng Văn Việt và Cao Pha[2] hạ cờ quẻ ly ở Kỳ đài Huế, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Vào lúc 14 giờ, lá cờ rộng chừng 100 mét vuông ấy đã tung bay trên bờ sông Hương, trước núi Ngự Bình, trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu.
Ngày 23 ấy, nhân dân Thừa Thiên-Huế đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.-
Cũng trong ngày 23, “Tôi (Phan Hàm sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến Huế-NVK chú) nhận lệnh, nghiên cứu thì được biết thêm là trong nhà Phạm Quỳnh cũng như nhà Ngô Đình Khôi đều có rất nhiều súng ống. Vì vậy buổi sáng hôm ấy, anh Hồ[3] và tôi phải cải trang đi trinh sát địa hình trước. Kết quả chỉ biết đích xác nhà (biệt thự Hoa Đường), sân, còn trong nhà không rõ. Đến trưa ông Phan Tử Lăng[4] trực tiếp chỉ thị cho tôi: đến trại Bảo An binh, ông ta sẽ phối thuộc cho hai tiểu đội lính Bảo An (một tiểu đội do tôi chỉ huy, một tiểu đội cho anh Việt chỉ huy) để giúp vào việc đi bắt hai tên Việt Gian đầu sỏ này. Ông ta còn nói thêm: “Bắt được rồi đem về lao Thừa Phủ, rồi báo xuống sân vận động Huế người ta biết, mở màn cuộc mít tinh.”
“Mệnh lệnh rất ngắn mà chúng tôi mang theo chỉ thấy nói “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”. Tôi được trang bị một khẩu súng lục St.Etienne 6.35. Khi xe của tôi vòng vào sân, thấy Nguyễn Tiến Lãng trong nhà chạy ra. Lúc bấy giờ trên áo tôi đã có cái băng cờ đỏ sao vàng nên Lãng biết, toan chạy. Tôi đưa súng lên bắn thì kẹt đạn, nên bắt lên xe luôn. Anh Hồ lên lầu bước vào phòng Quỳnh đang chuẩn bị nghỉ trưa. Đưa giấy “mời” ra, ông ta thản nhiên đứng dậy mặc áo ra đi.
Phần cuối tập tư liệu 10 trang do chính tay Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993 và Tuyên huấn Tỉnh  ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993. Có chữ ký trên tên do Thiếu tướng viết.
“Tôi lục soát khắp nhà (Chúng tôi nhấn mạnh-N.V.K) chẳng thấy súng đạn đâu cả ngoài khẩu súng săn cỡ 12 ly của con trai ông ta và ít đạn săn. Con trai của ông ta là Phạm Khuê cũng đi dự mít tinh, ở nhà chỉ còn hai cô con gái là học sinh trường Khải Định trước đây” (…) “Đây là ý kiến tôi muốn đóng góp với những bản tổng kết quân sự, Đảng, chính quyền của tỉnh nhà”.[5]
“Chúng tôi đưa những người bị bắt về lao Thừa Phủ, sau đó giao cho anh Nguyễn Trung Lập[6] đưa họ đi khỏi thành phố Huế để tránh sự dòm ngó của người ngoài[7].
Ngày 28 tháng 8, Pháp cho sáu tên nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Mười ngày sau (6 hoặc 7 tháng 9) lại có một toán người Pháp khác đổ bộ vào Thuận An. Bọn nhảy dù xuống Hiền Sĩ, vừa xuống mặt đất đã hỏi thăm người địa phương “Phạm Quỳnh ở đâu? (nguyên văn tiếng Pháp: Où est Pham Quynh?)”
Trong khi đó, cũng ngày 23 “sáng, Hồ Chí Minh (rời Tân Trào từ ngày 22 để về Hà Nội) đi qua huyện Đa Phúc, Phú Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Chiều, người qua sông Hồng ở bến Phúc Xá. Tối người đến nghỉ trong nhà ông Công Ngọc Kha ở làng Gạ (Phú Gia, huyện Từ Liêm)[8]”. Ngày 24 người nghỉ tại đây. “Sáng ngày 25, tại làng Gạ, Người nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra báo cáo8. “Chiều, người đi ô tô vào Hà Nội, dừng ở số nhà 35 phố Hàng Cân, lên gác tầng hai nhà số 48 phố Hàng Ngang”8. Ngày 26, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 27, Người họp với Ủy ban Dân tộc Giải phóng, “đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đảng phái, những người có danh vọng”8
Ngày 28, Hồ Chí Minh đến làm việc tại nhà số 12 Ngô Quyền, dành thời gian soạn Tuyên ngôn độc lập. Được báo cáo là Trần Huy Liệu cùng phái đoàn đã vào Huế nhận ấn kiếm của Bảo Đại thoái vị, Bác nói với Hoàng Hữu Nam: “Chú tìm một người[9] thay chú vào Huế gặp Phạm Quỳnh đưa thư tôi mời cụ Phạm[10]
Trong đêm 23 tháng 8, chính phủ cách mạng lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị. Chiều 30 tháng 8, Bảo Đại nộp ấn, kiếm cho phái đoàn chính phủ ta[11]
Trở lại ngày 27 tháng 8, khi họp Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Hà Nội, chưa  rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh có “đả động” gì đến Phạm Quỳnh không? Và Người có kịp căn dặn Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Huy Cận vào Huế tìm hiểu hoặc đến thăm Phạm Quỳnh?
Ngày 28, Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Ngày 30, Trần Huy Liệu – nếu có tìm gặp Phạm Quỳnh cũng không được. Vì, có thể là những người lãnh đạo Ủy ban Khởi nghĩa cho biết là “có dấu hiệu Pháp liên lạc với Phạm Quỳnh” hoặc là Phạm Quỳnh bị bắt và đã giải đi xa rồi… Trần Huy Liệu chắc là có báo tin về Hà Nội, nên ngày 30 tháng 8 (ngày tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại), Hoàng Hữu Nam đã thưa với Bác: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt”[12] thì Bác đã nói ngay “Bất Tất Nhiên”.[13]
Ngày 31, Vũ Đình Huỳnh đưa các cô Phạm Thị Giá, Phạm Thị Thức đến gặp Hồ Chủ tịch, báo tin cha mình (Phạm Quỳnh) đã bị bắt.
Bảy ngày sau, tức mùng 6 hay 7 tháng 9 năm 1945[14], theo Phan Hàm, Võ Quang Hồ, sau khi Giải phóng quân Huế được thành lập vào ngày 1/9 thì có tin tàu Pháp xuất hiện ở cửa bể Thuận An[15]. Võ Quang Hồ cùng một số chiến sĩ có vũ khí đi thuyền áp mạn tàu Pháp, leo lên tàu Pháp đưa thư của ta cho chúng. “Xem xong thư, tên Pháp ôn tồn nói: Mời các ông lên bờ trước, tôi cho tàu nhổ neo sát vào bờ, rồi dùng ca nô lên bờ sau. Khi thuyền của Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên15 cặp bờ thì tàu Pháp nhổ neo, giương buồm, hướng biển khơi mà chạy.[16] Có thể là “sau đó” Phạm Quỳnh bị bắn, nhưng bị bắn vào ngày nào?
Báo Quyết Thắng, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung bộ, số 11 ra ngày 9/12/1945, cho biết: “Cả ba tên Việt Gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23/8 và đã bị Ủy ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”[17].
Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế bấy giờ là Tố Hữu. Vậy, ông Phan Tử Lăng nhận lệnh đi bắt Phạm Quỳnh hẳn không phải là do ông Tôn Quang Phiệt Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hay ông Hoàng Anh – phụ trách chính trị đại diện Đảng bố trí trong chính quyền – ra lệnh, mà phải là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa.
Theo tư liệu nước ngoài, sau khi tàu chiến Pháp vào cửa Thuận An ngày 6 tháng 9, có lẽ Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa cho rằng “Pháp có thể tiếp tục tìm bắt liên lạc với Phạm Quỳnh (dù chỉ có một câu nói của nhóm nhảy dù “Phạm Quỳnh ở đâu?”. Cũng không rõ bọn Pháp hỏi để nhờ Phạm Quỳnh làm “phiên dịch” hoặc “tôn” Phạm Quỳnh lên làm chức gì đó?) nên họ xử lý ngay.
Sau khi Phạm Quỳnh “lên xe đi” (và “không bao giờ trở về nữa”), ông vẫn tin “Cách mạng sẽ cho về”. Và lúc nhận viên đạn trước khi rời bỏ cuộc đời, sự nghiệp còn dở dang, ông vẫn tự cho mình là không có tội với Nước – có chăng là chưa thuận theo thời đại – ông vẫn không tin rằng “Cách mạng, những người Cộng sản Việt Minh” lại xử bắn mình. Vì thế ông mới hét lên “Quân sát nhân!” (Quân giết người).
Theo Vũ Đình Huỳnh, khi ông Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội gặp Bác và báo cáo “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử rồi” (nguyên văn). Bác nói: “Giết một học giả (chú ý: Bác không nói người mà nói học giả) như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì? Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với Cụ Phạm (chú ý: Bác dùng chữ Cụ) ở Pháp. Đó không phải là người xấu”[18]
Trở lại với thông báo của Việt Minh Trung Bộ, ta có thể đặt các câu hỏi sau đây:
a) Tại sao đã xử bắn “Kết án tử hình” từ ngày 6 (7) tháng 9 năm 1945, mà mãi đến ngày 9 tháng 12 mới ra “thông báo”?
b) Bản án đã “thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”. Vậy “thời kỳ thiết quân luật” bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào, trong phạm vi địa phương nào? Có được chính phủ cho phép?
c) Ủy ban Khởi nghĩa “kết án tử hình”. Vậy bản án ấy số bao nhiêu? Ai là quan tòa? (Hoặc do thời kỳ cách mạng, bão táp, v.v… và v.v…)
d) Thông báo viết: “Phạm Quỳnh còn dựa vào thế lực Pháp (…) bóc lột vơ vét tài sản quốc dân…”. Vậy, khi khám nhà Phạm Quỳnh đã thu được được bao nhiêu “tài sản”, vàng bạc, v.v…? Có mâu thuẫn gì không với ý kiến của thiếu tướng Phan Hàm: “Chẳng thấy dấu hiệu gì (chứng tỏ liên lạc với Pháp), cũng chẳng có tài sản gì…( ngoài khẩu súng săn)? Và nếu thu được “tài sản” liệu có thống kê không, danh mục ai thu, ai giữ, gửi ai, cơ quan nào bảo vệ?
đ) Tờ thông báo này là một công văn của “Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương, Thừa Thiên-Huế gửi Toà án Quân sự Thuận Hóa
Thông báo này có hai điểm cần xem xét:
1/ Cho đến ngày 9/12/1945, nghĩa là sau khi nước ta tuyên bố độc lập, có chính phủ rồi, hệ thống chính quyền ở các địa phương là Ủy ban Nhân dân kỳ, tỉnh, huyện…liệu có phải chỉ riêng ở Thừa Thiên-Huế vẫn tồn tại Ủy ban Khởi nghĩa?
2/ Tòa án quân sự Thuận Hóa – sự thật đã có hay chưa? Ai là chánh án?
Trong sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 1993, trang 17 có viết: “Ngày 13 tháng 9, sắc lệnh số 33C quy định lập Tòa án Quân sự ở Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình), ở Trung Bộ (Vinh, Huế, Quảng Ngãi…) Tòa án Quân sự sẽ xử tất cả những ai có hành động phương hại đến nền độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Những quyết nghị của Tòa án Quân sự sẽ đem thi hành ngay (không có quyền chống án –NVK chú) trừ trường hợp tử hình(Chúng tôi nhấn mạnh – NVK), cần có thời gian cho tội nhân xin ân giảm (chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền ân giảm – NVK chú) nếu họ muốn và phải được ghi vào bản án. Nếu không, bản án (tử hình – NVK chú) thành vô giá trị”.
Xử Phạm Quỳnh trước khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự, “cũng phải” thôi! Sau khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự ngày 13/9/1945 rồi, tại sao đến ngày 9 tháng 12 cùng năm, Ủy ban Khởi nghĩa mới báo cáo lên tòa án – một việc đã làm cách đó hơn ba tháng? Với mục đích gì? Nhằm giải quyết việc gì?
Phải chăng đây là một “tờ trình” cho hợp lệ, khi Ủy ban Khởi nghĩa có thể không còn, thời gian “thiết quân luật” đã qua, việc “kết án tử hình đã thi hành ngay rồi”. Cũng cần nói thêm là khó có thể tránh…Tuy nhiên, nước nhà đã độc lập, đã có chính phủ, chính quyền các cấp, người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải được hưởng quyền công dân (tự do báo chí, hội họp…không bị xâm phạm thư từ, tài sản, càng không được xâm phạm tính mệnh). Nhưng những người lãnh đạo ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, chịu trách nhiệm trước dân lại vô tình (hay hữu ý?) không biết (hay cậy quyền?) dựa vào uy tín của cách mạng, tự tiện quyết định mà không cần xin phép, không báo cáo…Họ chủ trương (có hay không?) làm một việc đã rồi. Khoan nói đến tầm nhìn hạn hẹp, ấu trĩ, mà cần xem xét sự việc này như là một “di căn” của “đấu tranh giai cấp” từ 1930 – 1931 còn sót lại, với “Trí-Phú-Địa-Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của những “nhà cách mạng yêu nước” tinh thần cao nhưng lại giáo điều, tả khuynh “hủ Mác”.[19]
Tạp chí Tri Tân số 205 ra ngày 7/9/1945 (suýt soát ngày 6 (7) Phạm Quỳnh bị thủ tiêu) đăng bàiCuộc hội đàm giữa Cụ Hồ Chủ tịch với ba đại biểu Liên đoàn Văn hóa (Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh- NVK chú).
Trong buổi gặp ấy, Cụ Hồ có nói: “Trong chính phủ lâm thời có cả vua, quan lại cũng có, địa chủ cũng có, nông dân cũng có, công nhân cũng có (chú ý: Bác không nói Việt Minh – Cộng sản – Dân chủ – Quốc Dân đảng – NVK chú)… Lúc này bất cứ người nào miễn là có tài và đừng phản cách mạng thì có thể phụng sự quốc gia, Tổ quốc”[20]
Chắc chắn là vẫn còn những nhân chứng, chi tiết, sự kiện mà lịch sử chưa tiếp cận được, chưa khai thác được, hoặc chưa tìm ra, chưa công bố được nhiều vụ việc – trong đó có “vụ Phạm Quỳnh.”
Chúng ta có thể tự an ủi rằng: Bác Hồ đã “gặp” Phạm Quỳnh rồi mà vẫn “lỡ”[21]. “Gặp” ở tinh thần yêu nước, muốn làm gì đó để nước thoát khỏi ách nô lệ, mỗi người theo cách riêng của mình, “gặp” ở tri thức, “gặp” ở sự cống hiến cho Tổ quốc. Còn “lỡ” là “lỡ” không kháng chiến, kiến quốc, “lỡ” để mất đi “một học giả”… khi chính Cụ Hồ, Tổ quốc đang rất cần những “học giả” như thế…
Không phải là “bới lông tìm vết”. Mà khoa học lịch sử là phải công bằng, rõ ràng công, tội: Công bao nhiêu, tội bao nhiêu?.
Không thể “mờ mờ nhân ảnh”, để thế hệ này và cả các thế hệ mai sau cũng “mờ mờ” theo[22]
N.V.K

[1] Xin nói rằng bộ phim Ngọn nến hoàng cung, dù là phim “tiểu thuyết lịch sử” (do đạo diễn tuyên bố) nhưng đã “sáng tác” ra  quá nhiều chi tiết-sự kiện phi lịch sử – sai lệnh về cách ứng xử, nhân cách của các nhân vật trong phim.
[2] Đặng Văn Việt, năm 2009 vẫn còn sống, ở tuổi 90, là “đệ tứ quốc lộ đại vương”, vua đường số 4 những năm 1949-1950; Cao Pha, thiếu tướng Cục Tình báo, đã mất.
[3] Võ Quang Hồ, thiếu tướng, 120/6 đường Lê Văn Thọ, Phường 11, Quận Gò Vấp, TpHCM. Điện thoại số: 3996 7419
[4] Phan Tử Lăng bỏ nghề dạy học để đi học Võ bị Tông, cùng khóa với Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng hòa sau này, được chính phủ Trần Trọng Kim giao “Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang của chính phủ”, trực tiếp chỉ huy lực lượng Bảo An binh Trung Bộ, đồng thời là Hiệu trưởng trường Thanh niên Tiền tuyến.
[5] Tư liệu viết tay 10 trang, Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993, Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993
[6] Trung đoàn phó 84 – Quân khu V, liệt sĩ 1950. Địa chỉ gia đình: nhà 50- đường 40 – phường Thảo Điền – Quận 2 – Tp.HCM. Điện thoại số:  3512 5778
[7] Theo bài thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 15/8/1995, ông đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: số 9 đường Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM. Điện thoại số: 3844 7396
[8] Hồ Chí MinhBiên niên tiểu sử tập II, 1930-1945, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, các trang 283, 284, 285….
[9] Theo hồi ký Trần Huy Liệu: “Nhớ là ngày 25/8/1945, phái đoàn chính phủ lâm thời từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô tô, có một tiểu đội Giải phóng quân đi theo bảo vệ. Trong khi ấy bọn Pháp đã bắt đầu nhảy dù xuống Huế, tên Pháp vừa nhảy xuống đã hỏi ngay Bảo Đại, Phạm Quỳnh. Ta đã xử lý thích đáng ngay nhiều tên tay sai của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh” Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9 năm 1960).
[10] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi Nhạc sĩ Phạm Tuyên, 12/2008. Trong lúc đó, Phạm Quỳnh đã bị bắt mà Chủ tịch nước vẫn chưa biết (không được báo cáo). Bác viết thư chứ không đánh điện, có thể là một cử chỉ coi trọng người hiền tài.
[11] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ biên Nguyễn Khánh Toàn, Lịch sử Việt Nam tập II, NXB Khoa học Xã hội, 1985, trang 340)
[12] Nhà văn Sơn Tùng thuật lại theo ý kiến của Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Bác hồi đó.
[13] Có nghĩa là “Không cần thế, có thể có cách khác”.
[14] Theo gia đình Phạm Quỳnh thì ông mất vào ngày 6/9/1945.
[15] Sách Trường Thanh niên Tiền tuyến- Huế, trang 242. Đoàn Huyên, thiếu tướng đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: 7 Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, TpHCM. Điện thoại số: 3844 6322
[16] Trong hồi ký này không thấy Pháp có hỏi han gì về Phạm Quỳnh
[17] Lưu tại thư viện Trung ương Hà Nội, ký hiệu T520, không rõ Ngô Đình Huân, con trai Ngô Đình Khôi, “Việt Gian đại bợm” thế nào? Thông tin về con người này còn quá ít
[18] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, ghi theo lời kể của ông Đào Nhật Vinh và Vũ Đình Huỳnh. Qua chữ khử mà Tôn Quang Phiệt dùng dễ nhận ra là ông Tôn Quang Phiệt cũng không đồng ý việc xử lý Phạm Quỳnh và cả cách (phương pháp) tiến hành vụ xử. Và dù ông Phiệt không đồng ý cũng chẳng làm được gì.
[19] Trong Cách Mạng Tháng Tám, ở Trung Bộ, Nam Bộ từng xảy ra một số vụ “xử bắn”, “bắt giam” người trái phép rất đáng tiếc. Còn ở Bắc Bộ, nhiều quan Tổng đốc, Án sát… do “đoàn thể” quán triệt đường lối của Đảng nên đã may mắn được an toàn.
[20] Cuối năm 1945, sau khi Đảng ta tuyên bố tự giải tán, trong một lần trả lời các nhà báo, Bác nói: “Sau này tôi sẽ thành lập một đảng mới. Đảng ấy có tên gọi là Đảng Việt Nam. Chỉ có hai hạng người không được vào Đảng: phản quốc và tham ô”.
[21] Bài Đã gặp rồi mà vẫn lỡ đăng trên Nhà báo Huế, Xuân 2009.
[22] Một vị Tổng đốc Hà Đông, giàu tiền lắm ruộng, xây lăng to, không ít “thành tích”, chỉ viết có một cuốn sử mỏng, vậy mà cũng đã được công chúng ngày nay hoan nghênh. Tại sao đánh giá, xác định vai trò của Phạm Quỳnh – người có công lớn với văn hóa nước nhà, lại phức tạp, khó khăn đến thế? Liệu lịch sử còn công bằng không? Có thể còn kéo dài chế độ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa hề có môn lịch sử?

Dấu ba chấm dùng để làm gì?



Tập 5 của bộ Văn kiện quốc hội toàn tập (1976 - 1981) dùng rất nhiều dấu ba chấm, đặc biệt là thời kỳ từ cuối năm 1978. Trang web của quốc hội cho thấy các ông to như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... và cả ủy ban thường vụ quốc hội đều can tội phạm húy (theo tiêu chuẩn đời nay). Cán bộ biên tập (tự ý) sử dụng dấu ba chấm để đục bỏ nham nhở văn bản. Không biết bản in trên giấy có trung thực, khách quan hơn không cho xứng với lời tự khen:
Việc xuất bản Văn kiện Quốc hội Toàn tập góp phần phản ánh một cách khách quan, trung thực quá trình tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội từ năm 1946 đến nay; phản ánh quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng; cung cấp những tư liệu lịch sử chính xác và có hệ thống cho công tác nghiên cứu lý luận, biên soạn lịch sử Quốc hội; đồng thời tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống của Quốc hội, của Nhà nước.