Wednesday, 4 September 2013

Tiểu đội nữ du kích đánh bại…tiểu đoàn lính thủy (Trần Đình Thăng - Quân Đội Nhân Dân)



Một thời trận mạc
Tiểu đội nữ du kích đánh bại…tiểu đoàn lính thủy
QĐND - Thứ Bẩy, 02/04/2011, 13:12 (GMT+7)
QĐND Online - “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Đó là những câu thơ Hồ Chủ Tịch dành tặng Tiểu đội nữ du kích sông Hương sau chiến công huyền thoại-đánh bật một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của Mĩ ra khỏi thành phố Huế. Một ngày đầu năm 2011, chúng tôi đã có dịp gặp lại hai nữ du kích năm xưa-chị Hoàng Thị Nở và chị Nguyễn Thị Hao-để được nghe các chị kể về một tiểu đội đã đi vào huyền thoại…
Tiểu đội nữ du kích mang tên một dòng sông
Trong căn nhà cấp 4 thuộc ngõ 40, đường Duy Tân, thành phố Huế, chị Nguyễn Thị Hoa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi:
- 11 đứa gái chúng tôi lấy dòng sông Hương đặt tên cho tiểu đội vì tất cả đều sinh ra và lớn lên bên dòng sông thơ mộng ấy (các chị đều ở làng nón Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế - pv). Ngày đó, trước tổng công kích và nổi dậy khoảng hai tháng, tụi mình được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Huế giao nhiệm vụ nắm tình hình tại các địa điểm đóng quân của quân địch ở thành phố Huế, chuẩn bị dẫn đường và tải thương khi bộ đội ta từ vùng ven đồng loạt tấn công vào thành phố.
Tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng (chụp lại ảnh tư liệu)
Thực thi nhiệm vụ, các nữ du kích sông Hương “vào vai” con gái làng nón, đưa sản phẩm của làng nghề đi bán dạo khắp khu vực phía Nam thành phố Huế để nắm bắt tình hình, ghi nhớ đường đi lối về dẫn đến các mục tiêu.
Đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12-2-1968, sau 10 ngày đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ dẫn đường, tải thương, tiểu đội được đồng chí Hoàng Lanh, lúc đó là Bí thư thành ủy Huế, giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bại đợt phản công của địch từ thị trấn Phú Bài lên thành phố Huế, theo quốc lộ 1A. Trước một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ hùng mạnh, có xe tăng và máy bay yểm trợ, các nữ du kích nhận định: “Địch tuy có hỏa lực mạnh nhưng không thông thạo địa hình, nếu tiểu đội phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực và được nhân dân che chở, nhất định ta sẽ đánh thắng”. Từ nhận định đó, 11 cô gái sông Hương hạ quyết tâm tiêu diệt địch. Với số vũ khí được trang bị là AK và một số mìn, lựu đạn, tận dụng địa hình, tiểu đội dàn trận khắp các phường Phú Hội, Xuân Phú, khách sạn Hương Giang, Đại học Sư phạm Huế, chợ Cống… để tiêu diệt địch.
Trong trận quyết chiến đó, bốn cô gái sông Hương đã anh dũng hy sinh là các chị Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Sau, Hoàng Thị Hết và Nguyễn Thị Diên. Đồng đội ngã xuống, lòng căm thù như tiếp thêm ý chí cho những người còn lại thêm quyết tâm đánh địch. Trận đánh kết thúc, tiểu đoàn thủy quân lục chiến tinh nhuệ của Mĩ bị đẩy lùi, nhưng chúng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề với 70 tên bị tiêu diệt, 4 xe tăng bị phá hủy và một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh bị ta thu giữ. Trận đánh của Tiểu đội nữ du kích sông Hương đã tạo điều kiện cho quân ta làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm liên tục trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
“Ra thăm Lăng Bác và gặp Đại tướng” – đau đáu ước ao
Sau trận đánh quả cảm đó, Tiểu đội nữ du kích sông Hương đã vinh dự được Bác Hồ tặng bài thơ khen ngợi chiến công:
“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường.
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái.
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”.
Bia ghi dấu chiến công của Tiểu đội 11 nữ du kích sông Hương trên đường Bà Triệu, thành phố Huế. 
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã quyết định dựng bia ghi dấu chiến công và sự hy sinh anh dũng của 11 cô gái sông Hương tại phường Xuân Phú- nơi gắn với chiến công của họ 43 năm trước. Đặc biệt, ngày 2-9-2008, Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Sau ngày vinh dự được Bác Hồ tặng thơ khen ngợi, những cô gái của tiểu đội nữ du kích sông Hương còn lại tiếp tục cầm súng chiến đấu trên khắp chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Hai nữ du kích lại tiếp tục ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc là chị Đỗ Thị Cúc (hy sinh năm 1969) và chị Phạm Thị Liên (hy sinh năm 1972). Đất nước thống nhất, trong số năm du kích nữ còn lại, có người tiếp tục nhận nhiệm vụ mới được Đảng và Nhà nước giao phó, có người trở về cuộc sống đời thường, xây dựng quê hương. Dù ở cương vị nào, các chị vẫn vượt lên mọi khó khăn thường nhật, giữ mãi hình cao đẹp, bất khuất của tiểu đội nữ anh hùng mang tên một dòng sông huyền thoại.
Trước khi chia tay, chị Hoàng Thị Nở cầm tay chúng tôi ngẹn ngào:
- Ngoài mình và Hoa, còn có Chế Thị Mừng cũng sống tại thành phố Huế, Nguyễn Thị Hợi thì sống tại huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và Nguyễn Thị Xê sống tại Ninh Bình. Tất cả đều đã bước qua tuổi 60, mỗi đứa một hoàn cảnh… nhưng mong mỏi chung của cả mấy chị em là luôn được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho gặp lại nhau, rồi lại có dịp cùng ra Thủ đô Hà Nội thăm lăng Bác Hồ và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Bài và ảnh: Trần Đình Thăng

Thơ tặng 11 cô gái sông Hương (2-1968) (Hồ Chí Minh - Đảng Cộng Sản Việt Nam)


Ngày 2/3/2003. Cập nhật lúc 16h 43'
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường,
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.
Bác khen các cháu dân quân gái,
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.
  -----------------------
Sách Quân khu IV: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975),
 Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr240.


1) Tháng 2-1968, được tin 11 nữ dân quân tự vệ Thành phố Huế đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu giải phóng Thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng bốn câu thơ trên.

Tuesday, 3 September 2013

Việt Nam - Hồ Chí Minh với những lời ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào (Trương Sĩ Hùng)


Thứ Hai ,8, Tháng Mười 2012
Bình sinh, Hồ Chủ Tịch có câu thơ chung đúc:
Việt-Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Với vai trò lịch sử của Người trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương. Người khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên ở Đông Nam Á, cũng là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương—tiền thân của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam—Lào—Campuchia ngày nay. Chính vì thế, tình hữu nghị Việt-Lào vốn là tự nhiên, khăng khít, khi có chính Đảng Mác—Lênin lãnh đạo ngày càng được củng cố vững chắc, phát triển. Nhiều tác phẩm văn học Lào viết về Việt Nam—Hồ Chí Minh với mọi thủ pháp nghệ thuật truyền thống.
Trong một tác phẩm chính luận, đồng chí Xuvanuvông viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân Lào, chăm lo vun đắp mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước, góp phần làm cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân lào dành được thắng lợi to lớn và vẻ vang như ngày nay. Cách nói, cách nghĩ chân tình, chí lý đó cũng là nguồn cảm hứng thường trực đối với đội ngũ sáng tác văn học Lào đương đại.
Việt Nam—Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh—Việt Nam, nếu chỉ nói một danh từ e không đủ sắc thái trữ tình cho những vần thơ Konlăm—vừa là chất liệu dân ca vừa là hình thức phổ biến đi suốt chiều dài lịch sử chống Pháp và chống Mỹ với các văn nghệ sĩ Lào. Vi-lay-kẹo-ma-ni sử dụng cái tôi trữ tình để gửi gắm tâm tình, suy tưởng có dung lượng lớn:
Việt Nam mến yêu ơi
Nhắc tên anh lòng tôi ngàn vạn nhớ
Thuở ban đầu chung sức đánh giặc Tây
Anh ở bên kia, tôi ở bên này
Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ
Anh và tôi dựa lưng đánh Mỹ
Và:
Anh đi trước, gương sáng dân Lào soi
Đẹp tuyệt vời người đồng chí của tôi.
(Hai anh em sinh đôi—Văn nghệ 8/10/1966).
Hình ảnh giang sơn đất Việt, đất Lào có chung biên giới bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ—nhà thơ ví như Hai anh em sinh đôi, gợi cho người đọc thấm thía hơn sức mạnh của trái tim, sức mạnh của khối óc con người. Tiểu kết của khổ bốn của bài thơ, nhạc điệu từ ngữ như bừng sáng, lan xa, lan xa rồi đọng lại… đẹp tuyệt vời—với người đồng chí, từ tuyệt vời chưa trở thành khẩu ngữ, văn phong. Người Lào quen gọi dãy Trường Sơn (theo tiếng Việt) và cũng quen gọi dãy Phu Luông hùng vĩ trùng điệp (thơ Thoong-in). Dưới con mắt Bun-chăn, thi sĩ dùng thủ pháp nhân cách hóa, để hát vang lên miền mến thương tha thiết, niềm mến yêu, gắn bó một mối tình:
Trường Sơn vĩ đại anh ơi
Anh đứng đó tôi tưởng Việt Nam đứng đó
Cho tôi làm đóa Chămpa đang nở
Dâng tặng anh bằng cả trái tim tôi.
(Chung một chiến hào—Văn nghệ 10/1968).
Đấy là cái chung, cái ban đầu anh viết. Đề từ cho bài thơ này, anh trân trọng: Kính tặng nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiều sâu cảm xúc còn khiến anh có được nhiều tứ thơ hay, đậm đà hương sắc của cuộc sống ngoài đời:
Chiếc áo rách vai chúng mình chung mặc
Hạt muối cắn chung, trái ướt bẻ đôi
Nỗi buồn vui vì chung quý giọt mồ hôi
Ở trong tôi không biết tự thuở nào
Thấm máu anh những ngày đi đánh giặc.
Phải trải biết bao gian khổ trên chặng đường hành quân kháng chiến, phải nắm bắt hiện thực đến tinh, đến nhạy mới có được những câu thơ như thế. Đúng là ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, qua sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm,… Đọc bài thơ dễ dàng chợt nhớ bài thơ kháng chiến chống Pháp của Chính Hữu—bài Đồng chí, nhưng chủ đề thể nghiệm của bài thơ là đương nhiên khác nhau. Ngày đầu kháng chiến (1940-1954), tiếng súng gây tội ác của thực dân Pháp lại diễn ra liên tiếp ở cả hai nước Việt-Lào. Các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã lên đường sang với bạn, sống với dân bản, đi xây dựng cơ sở du kích quân, lấy lòng dân, ý Đảng mà gột dậy phong trào chiến tranh yêu nước, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả mà cùng quân Lào đánh đuổi lũ ngoại xâm, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, chân lý Cách mạng của chúng ta càng sáng suốt hơn, thủy chung hơn.
Nhà thơ có thể viết về hôm qua-hôm nay-ngày mai, song, mấu chốt thành công vẫn ở tài năng sử dựng ngôn từ và nội dung cụ thể được phản ánh. Hai yêu cầu đó dường như ẩn hiện với cảm hứng sáng tạo, nhưng nó có vai trò quyết định sự chấp nhận của bạn đọc, khẳng định uy tín của tác giả. Giở lại tập Vài hình ảnh Pa-thét Lào chiến đấu in ở Việt Nam năm 1955, Xôm-xi-đê-xa có bài Ngày căm thù 21/3 với những câu thơ nóng hổi:
Chúng tiến vào thị xã
Cho tàu bay bắn phá
Thuyền đồng bào tản cư
Bị bắn chìm mất cả
Thanh niên chúng dẫn tới bờ sông
Bắn chết thả xác trôi theo dòng
Máu Lào-Việt quyện lấy nhau
Đỏ ngầu làn nước…
Đó là ngày 21/3/1946, dưới sự che chở của quân đội Anh, bè lũ Quốc dân Đảng, thực dân Pháp đánh chiếm Thà-khẹc. Hàng ngàn sư sãi, trẻ, già,… đổ máu trước lưỡi lê, họng súng. Ngày đầu trở lại xâm lược nước Lào do thực dân Pháp gây ra trở thành ngày căm thù của nhân dân Lào. Ngày căm thù của nhân dân Lào ghi nhận sự hi sinh vô bờ của chiến sĩ tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng quân dân Lào đánh giặc cứu nước. Hai mươi năm sau, khi tuổi đời già dặn, khi ngòi bút còn sung sức, anh viết về Thắng lợi bản Đông, chúc mừng năm mới:
Lào-Việt chiến đấu hợp đồng đặc biệt
Và ở chiến trường Khe-sanh
Chúng tập trung làm nơi bàn đạp
Lùa quân tiến vào Bản Đông
Trực tiếp đến theo đường số 9
Bị Việt Nam chặn gốc, Lào đánh ngọn
Xác địch ngổn ngang đổ xuống ầm ầm.
Thơ Lào rất hay, nhưng trong tay nhà thơ dân tộc Lào rất điêu luyện tiếng dân tộc, nên bản dịch sang Tiếng Việt chưa được hay lắm. Thơ ca chịu sự rung động, đi sâu vào tâm hồn tác giả và độc giả mạnh mẽ nhất còn ở chính môi trường ngôn ngữ xã hội của nó.
Thơ của các bạn Lào viết về Bác cũng vô cùng phong phú. Xôm-xi-đê-xa viết về Việt Nam cứ như nghĩ viết về Bác. Phải chăng, đây đó trong mỗi bước trưởng thành nghệ thuật sáng tác của anh, Việt Nam-Hồ Chí Minh tuy hai mà là một. Đọc thơ anh, ta cứ nghĩ nhà thơ đang suy nghĩ lung lắm, suy nghĩ về Bác biết viết câu thơ như thế nào cho hết ý, hết lời. Hình ảnh cao đẹp của Bác trong nhịp điệu trái tim, trong máu thịt, tâm linh của anh hay chính nhân dân Lào, trọn vẹn là người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, mẫu mực.
Đạo đức của Người là tấm gương trong
Cần, kiệm, liêm, chính, sắt son một lòng
Trọn cuộc đời 79 năm-hy sinh tận tụy
Chẳng chút vì mình, chỉ vì Việt Nam, vì năm châu
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Công sức của Người hơn cả lúc bình sinh.
Thật sự có tâm lý chung trong nhân dân Lào-Việt, hằng mong muốn được Bác đến thăm, muốn được Bác ân cần chỉ bảo, ôm hôn. Bác đến trong lương tri mọi người ấm áp, hiền từ, độ lượng, thương yêu như người cha, người ông muôn vàn kính mến từ ngàn xưa tụ lại. Nhưng rồi, sự thật phũ phàng đưa Bác đi gặp cụ Các Mác—Lênin, trái đất nghiêng mình trước anh linh Bác. Nhà văn Xu-văn-thon bày tỏ lòn tôn kính với Bác rằng:
Mọi tầng lớp nhân dân Lào
Yêu mến Bác như người nhà, chẳng khác
Dù chỉ một lần, cầu mong Bác sang chơi
Mà giờ đây cả nước Lào nhớ Bác-Bác đi xa.
Cảm xúc thơ xuất phát từ tình người. Bác trở thành nguyên mẫu cho các loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, bằng sự quan sát thực tiễn lịch sử, Xu-văn-thon muốn thủ bút thi ca với hình ảnh sinh động của Bác trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Lào-Việt. Ngay từ cuối thế kỷ XIX—đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam có Phan Đình Phùng, Đốc Ngữ, Đề Thám,… thì ở Lào cũng dấy lên cao trào chống Pháp trong lòng dân, vua Hàm nghi được nhân dân Lào chở che, để giúp ông nuôi chí phục thù. Các thủ lĩnh Kôm-ma-đam Phô-xa-đuột, Chậu-pha-pa-chay,… tập hợp nhân dân Lào đứng lên chống Pháp. Rốt cục, khi chưa có chính Đảng lãnh đạo, các cuộc khởi nghĩa đó chỉ nhóm lên ngọn lửa truyền thống yêu nước của dân tộc một thời rồi dịu tắt. Chỉ có Bác Hồ—người Việt Nam yêu nước đầu tiên đã mang lại chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin cho nhân dân hai nước Lào-Việt, cho niềm tin tất thắng của Cách mạng vô sản ở mỗi nước. Xu-văn-thon sử dụng thơ ca nói lên ý đó:
Bác Hồ Chí Minh ơi
Bác là Phi-tun ngọc quý
Trái đất này chẳng có ai sánh kịp
Đời Bác như ngọn đuốc vĩ đại
Soi đường cho bà con thức tỉnh nơi nơi…
Năm 1969, ngày đau thương vô hạn của toàn thể loài người, Bác Hồ mất ngày 3/9. Không cam tâm làm nô lệ cho phong kiến, đế quốc, nửa thế kỷ Bác dắt dìu từng giây, từng phút, nhân dân Lào-Việt đoàn kết bên nhau, kề vai sát cánh sướng khổ vui chung, kiên quyết đánh đuổi Pháp, Mỹ dành độc lập—tự do, gắng xây dựng giang sơn giàu đẹp. Thế mà, sự thật, ngày 3 tháng 9 năm 1969, Bác đã đi xa, giờ phút đau thương vô hạn vụt trở thành thiêng liêng, hóa thành con người bất tử. Giữa lúc nhân dân Việt Nam phải chịu nỗi đau thương không có gì sánh nổi, nhân dân Lào hòa quyện mình, chia sẻ nỗi đau chung. Nhà thơ Xôm-xi-đê-xa viết:
Ôi, năm 69 này
Mãi mãi là những ngày đau thương nhất
Những ngày vô hạn đau thương
Vì phải vĩnh biệt người
Ngày mồng 3 tháng 9
Trời đất bỗng tối sầm
Mặt trăng, mặt trời u ám
Mưa rơi tầm tã ngày đêm
9 giờ 47 phút
Giờ khắc thiêng liêng
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Viên ngọc quý của bản mường
Đã vĩnh biệt đi xa
Đã về nơi vĩnh viễn
Có trái tim nào không đập mạnh hôm nay.
Song, dù muốn hay không, không ai có thể cưỡng lại quy luật được. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng đau thương, nhớ Bác, tỏ lòng biết ơn Bác là phải trấn tĩnh lại, biến đâu thương thành hành động Cách mạng, mỗi người hãy mang hết sức mình cho Tổ quốc, sống vì Đảng, chết vì dân, để sớm thực hiện lý tưởng cao đẹp của Bác, độc lập-tự do và chủ nghĩa xã hội: Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Khi viết bài thơ này, Xôm-xi-đê-xa đi từ việc Vĩnh biệt đau thương đến Về nơi vĩnh viễn của Bác đến Thiêng liêng, thơ có kết cấu chặt chẽ như thế mà thật rung động lòng người quả không dễ có:
Người để lại một lời di chúc
Còn quý hơn mọi châu báu ngọc ngà
Lời di chúc tương lai chỉ hướng
Gương sáng soi năm châu bốn bể
Rọi chiếu khắp nhân gian
Soi sáng mãi không bao giờ tắt
Tuy đã đi rồi
Lời di chúc do chính tay Người viết
Nét bút của Người
Còn đó cho ta…
Văn học hiện đại Cách mạng Lào viết về Bác có sự đóng góp của nhiều thế hệ tác giả. Có người đi suốt hai cuộc kháng chiến như Xôm-xi-đê-xa và có người bắt đầu xuất hiện trong cao trà chống Mỹ. Đặc biệt, ở phần dầu tác phẩm Một vài kinh nghiệm chính và một số vấn đề về phương hướng mới của Cách mạng Lào (1979), đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn (Tổng Bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào) đã viết: Do tìm được chân lý vĩ đại từ Cách mạng tháng Mười: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường Cách mạng vô sản. Đồng chí Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế đã truyền bá vào Đông Dương chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, gắn phong trào Cách mạng Đông Dương với phong trào Cách mạng thế giới.
Tình hữu nghị Việt-Lào mãi xanh tươi, đời đời bền vững, chắc chắn đề tài Việt Nam-Hồ Chí Minh trong văn học Lào sẽ còn nhiều tác phẩm hay hơn nữa. Nhân dân Việt Nam trân trọng cảm ơn, giữ gìn và thưởng thức văn học Lào như chính nền văn học của mình.
Việt Nam—Hồ Chí Minh đã trở thành danh từ quen thuộc trên toàn cầu. Hà Nội—thủ đô nghìn năm văn hiến và Viêng Chăn—kinh thành khởi sắc đang cùng nhau vươn tới trở thành hai trung tâm văn hóa làng giềng, có quan hệ ngày càng gắn bó.

Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 3 tháng 9 năm 1969

Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam 
09:32 | 10/03/2006
Gửi các cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. 
Các đồng chí và đồng bào thân mến, 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam vô cùng đau đớn báo tin để các đồng chí, các chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài biết: 
đồng chí Hồ Chí Minh 
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, 
Sau một thời gian bị bệnh và sau một cơn đau tim rất nặng, đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội, thọ 79 tuổi. 
Đồng chí Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng ta và Nhà nước ta, người sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, lãnh tụ vĩ đại vô cùng kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân ta, của toàn thể dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Người mất đi là một tổn thất rất lớn đối với Đảng ta và dân tộc ta. 
Là một nhà yêu nước vĩ đại, một người học trò trung thành của Các Mác và V.I. Lênin, đồng chí Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần triệt để chống chủ nghĩa đế quốc, đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc và giải phóng loài người, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người thể hiện sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam với tư tưởng cách mạng triệt để của thời đại chúng ta, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. 
Cuộc đời của Người là một tấm gương chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần đoàn kết chiến đấu, của đạo đức giản dị, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Tên tuổi của Người gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ta ra đời đến nay và tượng trưng cho thời đại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 
Hồ Chủ tịch vĩnh biệt chúng ta. Nhưng Người đã bồi dưỡng cho cách mạng Việt Nam những nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi hoàn toàn. Sự nghiệp và đạo đức cách mạng của Người sống mãi với toàn Đảng, toàn dân ta, sống mãi cùng non sông, đất nước ta. 
Trước cái tang chung vô cùng đau đớn này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi cán bộ và đảng viên toàn Đảng, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài, triệu người như một
hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm tiến lên, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch, thực hiện thắng lợi lý tưởng và hoài bão của Người; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ; ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người. 
Hồ Chủ tịch dạy chúng ta "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"... "Nước ta là một, dân tộc ta là một"... "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi". Khi còn sống, ngày đêm Người tưởng nhớ đến đồng bào miền Nam ruột thịt, chăm lo sự nghiệp thống nhất nước nhà. Chúng ta phải kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc. 
Hồ Chủ tịch dạy chúng ta: "Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mà đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa". Chúng ta hãy ra sức đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, không ngừng chăm lo cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, tăng cường lực lượng của miền Bắc về mọi mặt, bảo vệ miền Bắc và làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. 
Hồ Chủ tịch dạy chúng ta: trong khi hoàn thành nhiệm vụ dân tộc, phải đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Chúng ta hãy cùng với nhân dân các nước anh em ra sức tăng cường và củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa, tiếp tục kiên quyết ủng hộ phong trào cách mạng ở các nước, tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. 
Hồ Chủ tịch thường xuyên phấn đấu để tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng và trong nhân dân ta. Trung thành với người thầy vĩ đại của mình và giữ vững truyền thống quý báu của Đảng, những người cộng sản Việt Nam chúng ta phải hết sức giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Tin tưởng ở đường lối đúng đắn của Đảng, ở sức mạnh của quần chúng và ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng, toàn dân ta hãy đoàn kết chung quanh Đảng, toàn Đảng hãy siết chặt hàng ngũ chung quanh Ban Chấp hành Trung ương, phấn đấu đến cùng vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. 
Các cán bộ và đảng viên hãy phát huy vai trò tiên phong và gương mẫu của mình, ra sức công tác, học tập và rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chính trị và năng lực chuyên môn, giữ gìn sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, để kế tục xứng đáng nhất sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch. 
Các đoàn viên thanh niên lao động hãy hăng hái công tác và học tập, ra sức phấn đấu để trở thành những chiến sĩ cộng sản chân chính, xứng đáng là những người thuộc thế hệ do Bác Hồ bồi dưỡng, dũng cảm kế tục sự nghiệp của Đảng và của Bác, quyết tâm thực hiện lý tưởng cao đẹp của Bác. 
Toàn dân và toàn quân ta hãy làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, ra sức thi đua yêu nước, giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là cách thiết thực nhất để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Người. 
Các đồng chí và đồng bào thân mến, 
Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã và đang giành được những thắng lợi to lớn. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hãy phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh dưới lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch!
 

Ngày 3 tháng 9 năm 1969 
Báo Nhân dân,
ngày 5-9-1969

Monday, 2 September 2013

“... Không được rời dù chỉ một khắc” (Nguyễn Hòa - Quân Đội Nhân Dân)


Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc hết lòng chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh
“... Không được rời dù chỉ một khắc”
QĐND - Thứ Sáu, 28/08/2009, 21:35 (GMT+7)
Từ năm 1960 tới năm 1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giảm sút. Mặc dù được Đảng, Chính phủ cùng đội ngũ các thầy thuốc, bác sĩ giỏi nhất nước ta chăm sóc, nhưng do đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh, y tế nhiều mặt còn hạn chế, Bác đã có một số lần sang Trung Quốc chữa bệnh. Trong những năm tháng Bác chữa bệnh tại Trung Quốc cũng như khi các tổ y tế của Trung Quốc sang Việt Nam phối hợp với các bác sĩ Việt Nam chữa bệnh cho Bác, tinh thần trách nhiệm của các bác sĩ, y tá Trung Quốc luôn tuân theo chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai “Chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh, không được rời dù chỉ một khắc” đã để lại ký ức đẹp về tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ điều dưỡng tại Tùng Hóa (Quảng Đông-Trung Quốc). Ảnh tư liệu
Năm 2008, nhân dịp sinh nhật Bác, Đoàn đại biểu Trung Quốc gồm 50 cán bộ ngoại giao, bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ, các học giả... những người đã từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi chữa bệnh ở Trung Quốc và những người trong các tổ y tế đặc biệt tới Việt Nam để chữa bệnh cho Bác những ngày cuối cùng đã có chuyến giao lưu “Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ”. Những câu chuyện cũ, những kỉ niệm về Bác được các thành viên trong đoàn kể lại. Mỗi người, trên cương vị công tác của mình đã có những khoảnh khắc đặc biệt với Bác, cho dù đó là một kỉ niệm, là một câu chuyện giản dị nhất. Ông Nguyễn Huy Hoan, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, người có nhiều năm sưu tầm và nghiên cứu về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành viên đi cùng đoàn chứng kiến những câu chuyện xúc động trên đã ghi và kể lại cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân về một số kỉ niệm trong quá trình Bác sang Trung Quốc chữa bệnh cũng như khi các đoàn bác sĩ Trung Quốc sang Việt Nam chữa bệnh cho Bác.
Từ năm 1960, sức khỏe của Bác đã có dấu hiệu yếu đi, bệnh tật tăng thêm. Mỗi lần Người ốm đau, ngoài các bác sĩ ưu tú của Việt Nam còn có sự tham gia chữa trị của các bác sĩ Trung Quốc. Đầu năm 1960, do bị cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ho nhiều và đau lưng. Các bác sĩ Việt Nam đã khám và chữa bệnh cho Người, đồng thời Đảng ta đã đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một số bác sĩ sang Hà Nội để phối hợp chăm sóc sức khỏe cho Bác. Nhận lời của Đảng ta, bác sĩ Tôn Chấn Hoàn đã đến Hà Nội, đây là đợt đầu tiên phía Trung Quốc cử bác sĩ sang Việt Nam chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 9-1963, Bác sắp xếp kế hoạch tới vùng suối nóng Tùng Hóa (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) để chữa bệnh. Sau khi khám và hội chẩn, các bác sĩ Trung Quốc đã kết luận, Người bị viêm dây thần kinh ngoại biên. Điều trị trong một tháng, kết quả khá tốt. Đến tháng 10-1963, Bác trở về nước. Đây là lần đầu tiên Bác đi chữa bệnh dài ngày bên Trung Quốc.
Tháng 5-1964, Bác đi nghỉ ở Côn Minh. Tuy nhiên, các bác sĩ Trung Quốc thấy không phù hợp đã mời Bác đến nghỉ ở suối nước nóng Tùng Hoá. Tại đây các bác sĩ kiểm tra và cho kết quả, tuần hoàn não của Bác không tốt.
Năm 1965, do tuần hoàn não không tốt nên thị lực mắt trái của Bác bị giảm sút nghiêm trọng. Nhận lời đề nghị của Đảng ta, trung tuần tháng 9-1965, Trung Quốc cử giáo sư bác sĩ Trương Hiểu Lâu, chuyên gia nhãn khoa đầu ngành của bệnh viện Đồng Nhân - Bắc Kinh, dẫn đầu một tổ y tế đến Hà Nội để kiểm tra sức khỏe và điều trị cho Bác. Cuối tháng 9-1965, giáo sư Trương Hiểu Lâu tháp tùng Bác đi Quảng Châu chữa bệnh. Sau một tháng rưỡi điều trị, kết quả tốt. Đầu tháng 11-1965, Bác về nước.
Từ tháng 11-1966, do tuổi cao, bệnh của Bác có chiều hướng ngày càng xấu. Từ tháng 1-1967 đến tháng 4-1968, Bác đến Trung Quốc chữa bệnh 3 lần. Ngày 14-4-1967, Bác kiểm tra sức khỏe và điều dưỡng ở Tùng Hóa (Quảng Đông, Trung Quốc). Sau hai tháng chữa bệnh và điều dưỡng, đến tháng 6-1967 Bác trở về Hà Nội. Từ 10-9-1967 đến 23-12-1967, Bác tiếp tục đi Bắc Kinh để chữa bệnh. Đợt chữa bệnh này kéo dài hơn 2 tháng. Thời gian này ở Trung Quốc đang xảy ra biến động lớn với cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, cho nên các đồng chí trong Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không bố trí Bác nghỉ và điều dưỡng trong nội thành Bắc Kinh, mà bố trí Bác nghỉ tại khu nghỉ dưỡng của Trung ương ở ngoại thành Bắc Kinh, cách Bắc Kinh 70km. Sau hơn hai tháng điều trị và chữa bệnh ở Bắc Kinh, ngày 23-12-1967, Bác về Hà Nội nghe Bộ Chính trị trình báo cáo một số tình hình quan trọng của chiến dịch Mậu Thân. Ngày 31-12-1967, Bác đọc vào máy ghi âm lời chúc tết Mậu Thân năm 1968. Người thu âm bài chúc tết của Bác là anh Tăng Bá Thư, cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một tuần sau, sáng mùng một tháng Giêng năm 1968, Bác tiếp tục bay trở lại Bắc Kinh. Đúng kế hoạch Bác sẽ đi thẳng đến Bắc Kinh, nhưng do thời tiết xấu, máy bay chở Bác phải dừng lại ở Quảng Châu, ngày 2-1-1968 rời Quảng Châu đi Bắc Kinh. Đợt này Bác ở lại Bắc Kinh điều trị rồi chuyển tới Quảng Châu, tổng thời gian cả đợt kéo dài từ hơn 3 tháng (2-1-1968 đến 21-4- 1968). Trong đợt chữa bệnh này, nhiều bác sĩ giỏi như Tôn Chấn Hoàn, Dương Khắc Cần, Quách Trung Hòa, những người đã từng chữa bệnh cho rất nhiều nguyên thủ của các quốc gia đã trực tiếp khám sức khỏe cho Bác. Ngày 21-4 Bác về nước, hôm đó 8 giờ 45 phút sáng, máy bay chở Bác rời Bắc Kinh, 11 giờ 55 phút máy bay chở Bác về đến Quảng Châu. Bác về đến Quảng Châu thì nghỉ tạm tại Quân khu Quảng Châu (Trung Quốc) mấy tiếng. 17 giờ, máy bay từ Quảng Châu bắt đầu xuất phát và 18 giờ 15 phút về đến sân bay Bạch Mai, Hà Nội.
Sau đợt điều trị này, theo kế hoạch Bác về nước vài tuần rồi quay trở lại tiếp tục điều trị. Đến cuối tháng 4-1968, Bác viết cho Thủ tướng Chu Ân Lai và bà Đặng Dĩnh Siêu (Phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai) một bức thư, bằng chữ Hán, nội dung thông báo tình hình sức khỏe đã khá lên, một thời gian nữa sẽ quay trở lại. Trong thư Bác thông qua đồng chí Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu hỏi thăm các đồng chí Lưu Thiếu Kì, Chu Đức… gửi lời cảm ơn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (hiện bản nháp bút tích bức thư này vẫn còn tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Trong cuộc gặp gỡ tại tỉnh Nghệ An năm 2008, những người đã từng chữa bệnh, phục vụ Bác khi Bác đi chữa bệnh tại Trung Quốc đã kể lại những câu chuyện rất đời thường và giản dị về Bác. Ông Văn Trang, là một trong 3 đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Nam từ cuối năm 1948, đã có hơn 10 năm làm việc tại Việt Nam, làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và có nhiều dịp ở bên Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Khi Bác đọc chữ Trung Quốc, những chữ khó hiểu, từ khoa học quá khó, Bác vẫn phải hỏi ông. Ví dụ khi Bác đọc Nhân dân nhật báo, có ba chữ mà âm Hán - Việt là “di đảo tố”, đấy là chất hóa học, rất khó hiểu, ngay như người Trung Quốc cũng rất khó hiểu. Khi Bác đọc tới 3 chữ đó, Bác viết ở mép tờ báo, “Thân gửi chú VT, nhờ chú giải thích 3 chữ này cho B” (B là Bác). Lúc đó, đồng chí Văn Trang lại phải viết lại cho Bác mấy chữ: “Riêng chữ này, cho phép cháu trả lời là cháu chưa biết, vì nó là danh từ khoa học, để cháu đi tham khảo”. Sau đó trong thư gửi Bác, Văn Trang có trả lời Bác, đó là chất In-su-lin, một chất quan trọng trong quá trình chuyển hóa nội tiết, rất cần cho bệnh nhân tiểu đường.
Ông Trương Đức Duy, nguyên thư ký của nhóm bác sĩ Trung Quốc chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm công tác phục vụ bên Bác Hồ, từ 1967 đến 1969 và sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam (1989 -1993) kể lại: Thời điểm đó, tại Trung Quốc đang là thời kì “cánh mạng văn hóa”, để bảo đảm an toàn, Bác phải hạn chế đi lại. Tâm trạng Bác lúc đó buồn lắm, Bác cảm thấy như thiếu thốn một điều gì rất ghê gớm. Lúc đó Bác hỏi tôi: “Đồng chí Trương Đức Duy này, cổng trước thì kín rồi, cổng sau có gì không”.
Đồng chí Trương Đức Duy trả lời: “Thưa Bác, cổng sau cháu cũng chưa đi, không biết có gì không?”.
Nghe đồng chí Trương Đức Duy trả lời xong, Bác nói: “Chiều nay tôi với chú và mấy anh em ta cùng đi luôn xem thế nào”.
Lúc đó đồng chí Trương Đức Duy rất khó xử, Bác là khách của Trung ương Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Lệnh của Trung ương là phải giữ an toàn tuyệt đối cho Bác. Thế nhưng Bác lại là người mà ông vô cùng ngưỡng mộ. Chẳng biết làm thế nào, cuối cùng ông cũng chiều theo ý Bác.
Khi Bác và ông Trương Đức Duy ra cổng phía sau ngôi nhà, thấy cỏ cây um tùm rậm rạp, Bác nói: “Ta cứ đi chú à”.
Sau khi đi hết một quãng cây cối um tùm rậm rạp, trước mắt Bác và đồng chí Trương Đức Duy mở ra một cánh đồng rất đẹp, không xa là một ngôi làng của người bản địa. Trước cảnh đẹp nên thơ như vậy, Bác liền đọc hai câu thơ:
“Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
(Dịch nghĩa: Nơi sơn cùng thủy tận này tưởng rằng không còn đường nữa. Trong khung cảnh bị cây liễu che phủ, tối mờ mờ có điểm một vài bông hoa, bỗng phía trước xuất hiện một thôn nhỏ).
Ông Duy không giấu được xúc động nói: Vậy đó, Bác ốm như vậy, nhưng trong lòng Bác luôn muốn gần dân, nhớ dân. Tư tưởng này của Bác theo nhận xét của nhiều nguyên thủ quốc gia, là điều vô cùng đặc biệt, chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong những kỉ niệm đẹp trong những lần Bác đi chữa bệnh tại Trung Quốc đó là vào tháng 5-1964. Khi đó sức khỏe Bác khá tốt, khuôn mặt hồng hào, sắc thái tươi tỉnh. Đúng ngày sinh nhật Bác, ngày 19-5-1964, đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác báo cáo về Bộ Chính trị rằng, đợt này Bác đang hồng hào, đầy đặn, khuôn mặt Bác rất đẹp, Bộ Chính trị đã xin phép Bác chụp một kiểu ảnh. Sau khi nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại nguyện vọng của Bộ Chính trị, Bác vui vẻ đồng ý. Người chụp ảnh cho Bác lúc đó là Lục Văn Tuấn, người Trung Quốc, là phóng viên của Quảng Đông họa báo. Kiểu đầu tiên sau khi chụp xong anh Lục Văn Tuấn thấy tóc Bác có mấy sợi xõa xuống, anh nói chưa được, đồng chí Vũ Kỳ ra vuốt tóc lại giúp Bác, sau đó đồng chí Tuấn chụp liền mấy kiểu, cuối cùng chọn được kiểu đẹp nhất, đó là chân dung Bác được dùng phổ biến hiện nay.
Mùa xuân năm 1969, bệnh tình của Bác Hồ diễn biến xấu, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã cử các đồng chí bác sĩ giỏi như Trương Hiếu, Tôn Chấn Hoàn, Hoàng Vấn cùng đồng chí Trương Đức Duy (phiên dịch) để lập thành một tổ cứu chữa đi chuyên cơ sang Hà Nội. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai hết sức quan tâm và lo lắng cho sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, để gửi các thuốc quý cho Bác trị bệnh là cả một công trình gian nan. Lúc bấy giờ trong hoàn cảnh giặc Mỹ đã leo thang đánh phá ra miền Bắc, thuốc men rất thiếu thốn, đặc biệt là các loại thuốc quý. Nhiều loại thuốc phải chuyển từ Trung Quốc sang.
Những loại thuốc ấy lấy từ đâu và gửi sang Việt Nam cho Bác bằng cách nào đều được đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị cụ thể. Các chuyến hàng đặc biệt này đều được tạo điều kiện thuân lợi và nhanh chóng nhất. Trong bài viết “Tùng bách mãi xanh tươi, tình nghĩa sáng muôn đời” của ông Hồng Tả Quân, cán bộ công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, người nhiều lần trực tiếp phiên dịch các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai kể lại: Trong suốt quá trình chữa bệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi bệnh tình của Bác tương đối ổn định, việc gửi thuốc khá thong thả. Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị có thể giao thuốc cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh chuyển về. Đồng chí Ngô Minh Loan, Đại sứ nước ta tại Trung Quốc lúc bấy giờ cho biết, Thủ tướng Chu Ân Lai vẫn thường xuyên hỏi thăm về việc gửi thuốc cho Bác.
Trong thời gian chữa bệnh và điều dưỡng ở Tùng Hóa (Trung Quốc), các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thăm Bác. Ảnh tư liệu.
Khi bệnh tình của Bác nặng hơn, yêu cầu thuốc gấp hơn, cách làm như trước đây giao cho Đại sứ quán chuyển không đáp ứng kịp với tình hình. Làm thế nào bây giờ? Câu hỏi được đặt ra và người nghĩ ra sáng kiến lại là Thủ tướng Chu Ân Lai. Ông chỉ thị giao thuốc cho các tổ lái máy bay của đường bay quốc tế Bắc Kinh - Hà Nội. Mỗi chuyến bay sẽ kèm theo những “thùng hàng đặc biệt”. “Thùng hàng đặc biệt” này được chuyển tới Đại sứ quán Trung Quốc tại ViệtNam. Khi đó mỗi tuần có hai chuyến bay Bắc Kinh – Hà Nội. Nhờ cách làm này mà việc vận chuyển các loại thuốc quý cho Bác vẫn bảo đảm thông suốt.
Mỗi lần chúng ta đề nghị gửi thêm thầy thuốc, thì chỉ trong vòng 24 giờ, những nhân viên y tế, những bác sĩ, giáo sư giỏi nhất Trung Quốc đã có mặt ở Hà Nội.
Trước nghĩa cử này, nhiều lãnh đạo cao cấp của nước ta rất cảm kích. Khi đó, đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công theo dõi việc chữa bệnh cho Bác, cũng đã từng nhận xét: “Lần thứ nhất chúng tôi yêu cầu vào trưa hôm nay, thì ngày hôm sau các đồng chí đã đến rồi; lần thứ hai chúng tôi vừa nêu vấn đề tăng thêm bác sĩ thì các thấy thuốc Trung Quốc đã bước lên máy bay rồi…”.
Các ông Triệu Khánh Cúc và Châu Thuật Hoa, những người trực tiếp phụ trách việc cấp thuốc ngày đó nhớ lại ba đặc điểm đặc biệt của công việc này “Một là, thời gian rất khẩn trương. Mỗi lần bác sĩ riêng của Thủ tướng Chu Ân Lai gọi điện đến, mấy tiếng đồng hồ sau các loại thuốc đã phải đầy đủ. Có lúc gặp những thứ thuốc khan hiếm, tất cả các nhân viên trong phòng thuốc phải đi lấy ở các bệnh viện. Có lúc để kịp gửi thuốc sang Hà Nội, anh chị em phải làm ca đêm hoặc đi làm sớm hơn. Nhiều khi thông báo cần thuốc tới vào lúc nửa đêm, mặc dầu anh chị em đã thức suốt đêm để huy động thuốc nhưng vẫn chưa đủ, chuẩn bị không kịp, ai nấy lòng dạ rối bời. May có sự phối hợp tốt của ngành hàng không, phòng điều độ bay quyết định lùi giờ bay để kịp gửi thuốc. Máy bay cứ chờ cho đến khi bác sĩ riêng của Thủ tướng là Trương Tả Lương đến giao thuốc cho cơ trưởng mới cất cánh. Hai là, lượng thuốc nhiều và dùng nhiều loại. Có lần dùng tới 120 viên Đông y Thạch hồ dạ quang hoàn, có đợt phải dùng tới 20-30 loại thuốc, trong đó có những loại rất khan hiếm, trong nước không có, Bắc Kinh đã phải đặt mua từ nước ngoài bảo đảm đúng yêu cầu của bác sỹ. Ba là, yêu cầu cao về chất lượng thuốc. Có những thứ thuốc trước khi gửi đi phải kiểm tra lại chất lượng. Để có kết quả nhanh chóng, có lúc nhân viên xét nghiệm bỏ qua giai đoạn thử trên động vật, đã thử ngay trực tiếp lên chính cơ thể mình để bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trước khi gửi sang Hà Nội”.
Sau đợt điều trị đầu tiên, sức khỏe của Bác có biểu hiện tốt. Tổ cứu chữa Trung Quốc được trở về Trung Quốc nghỉ ngơi. Bác được các bác sĩ căn dặn: Tổ chức làm việc ít, một tuần chỉ một lần.
Tháng 8-1969 Bác bị mệt nặng. Trước tình hình sức khỏe của Bác ngày càng xấu, đoàn thầy thuốc Trung Quốc đã trở lại Việt Nam, phối hợp với các bác sĩ Việt Nam tiếp tục chữa bệnh cho Bác. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Vương Ấu Bình và các đồng chí ở Đại sứ quán Trung Quốc rất lo lắng, vì vậy đã sắp xếp trực điện thoại ngoại tuyến về Bắc Kinh, trực 24/24 giờ để thông báo và xin chỉ thị chữa bệnh cho Bác. Ngày 24-8-1969, 8 giờ, Đại sứ Vương Ấu Bình gặp đồng chí Lê Văn Lương, thông báo diễn biến sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 25-8-1969, 8 giờ Trung Quốc đưa máy bay chuyên cơ chở tổ cứu chữa thứ hai tới, trong đó có nhiều bác sĩ giỏi của Trung Quốc như Lí Băng Kì, Vương Phúc Thành, Nhạc Mĩ Trung. 11 giờ đồng chí Lê Văn Lương chuyển cho đồng chí Đại sứ Vương Ấu Bình bức điện báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chu Ân Lai, thông báo các bác sĩ Trung Quốc đã tới Việt Nam để Chủ tịch Mao Trạch Đông và các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc yên tâm. Ngày 26-8-1969, Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện tới Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo đã nhận được điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc mong Chủ tịch Hồ Chí Minh chóng khỏi bệnh. Trung Quốc cử tổ bác sĩ thứ ba tới Hà Nội trong ngày 26-8 để tăng cường các bác sĩ giỏi, tập trung cứu chữa cho Bác.
Ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc khu di tích Phủ Chủ tịch. Ảnh: Hoa Huyền
Khi biết bệnh tình của Bác đang theo chiều hướng xấu, ngày 31-8-1969, Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp tục phái giáo sư nổi tiếng Ngô Giai Bình sang Hà Nội để nắm tình hình rồi quay trở lại ngay Bắc Kinh để báo cáo tình hình. Ngay ngày hôm sau, ngày 1-9-1969, giáo sư Ngô Giai Bình quay trở lại báo cáo. Thủ tướng Chu Ân Lai đã biết, tình hình thực sự rất nghiêm trọng. Ngay lập tức Thủ tướng cho triệu tập một cuộc họp kéo dài 5 tiếng với các cơ quan hữu quan, sau đó tiếp tục phái giáo sư Ngô Giai Bình và một nhóm các bác sĩ giỏi của Trung Quốc quay trở lại Hà Nội. Sáng sớm ngày 2-9-1969, đoàn lên đường, tuy nhiên máy bay đi được nửa đường thì nhận tin báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần. Máy bay đưa đoàn các bác sĩ Trung Quốc quay trở lại Bắc Kinh. Vậy là phương án cứu chữa mà Thủ tướng Chu Ân Lai vạch ra và đích thân chỉ đạo đã không thể thực hiện.
Ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, lúc đó là chiến sĩ cận vệ tại Phủ Chủ tịch kể lại: “Khi Bác mất, tất cả những bác sĩ, y tá Trung Quốc trong kíp trực hôm đó đã khóc rất nhiều, thật khó diễn tả tình cảm của mọi người lúc đó. Tôi chỉ cảm nhận được một điều là họ coi Bác thật sự như người thân của mình vậy”.
Ông Hoàn là cận vệ canh gác khu nhà ở và khu làm việc của Bác, đã tận mắt chứng kiến sự tận tụy của các bác sĩ Trung Quốc, chứng kiến tinh thần làm việc của các bác sĩ Trung Quốc vô cùng trân trọng, đúng như bức điện mà Đại sứ Vương Ấu Bình đã đọc cho các bác sĩ nghe lệnh của Trung ương Đảng và đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai căn dặn: “Chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh, không được rời dù chỉ một khắc”.
Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm trọng bệnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc nhân dân Trung Quốc đã cử sang Việt Nam các giáo sư, bác sĩ, y tá giỏi của Trung Quốc để chăm sóc và chữa trị bệnh cho Người. Đảng, Nhà nước Việt Nam ghi nhớ công lao của Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc, trong đó có các bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ. Xét công lao của Đoàn các bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ, quyền Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký tặng thưởng Huân chương Lao động cho các đồng chí trong đoàn y tế Trung Quốc, cảm ơn sự tận tụy hết lòng của các đồng chí đã chăm lo sức khỏe cho Bác Hồ. Trong đó có 9 Huân chương Lao động hạng nhất cho các đồng chí: Trương Hiếu, Đào Thọ Kì, Lí Ban Kì, Hoàng Uyển, Vương Thúc Hàm, Tôn Chấn Hoàn, Nhạc Mĩ Trung, Hồ Húc Đông, Trương Đức Duy. 6 Huân chương Lao động hạng nhì cho các đồng chí: Cao Nhật Tân, Lưu Chiếm Khoa, Khổng Phàm Anh, Lương Hoán Trân, Vương Tinh Minh, Viên Khang Anh.
NGUYỄN HÒA

Ba lần Bác cười trước lúc đi xa (Vương Tinh Minh - Quân Đội Nhân Dân)

Ba lần Bác cười trước lúc đi xa

QĐND - Thứ Hai, 25/01/2010, 20:33 (GMT+7)
“...Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã rời xa chúng ta, nhưng hình ảnh ba lần nhìn thấy nụ cười hiền hậu của Người mãi khắc sâu trong tôi. Sự nhẹ nhàng thanh thoát, những ngôn ngữ, cử chỉ thân thiết của Người, tôi luôn mang theo suốt cuộc đời...”.
Là y tá trưởng của Bệnh viện Bắc Kinh, từ những năm 60 của thế kỉ trước, tôi làm công tác chăm sóc sức khỏe bên cạnh Thủ tướng Chu Ân Lai. Tiếp nhận chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, tôi được phân công vào đội ngũ chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Ngày 24-8-1969, trời Bắc Kinh oi nồng, không một chút gió. Đêm xuống, tôi giội ào một cái cho mát, chuẩn bị lên giường đi ngủ. Đột nhiên nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi vội dậy mở cửa. Thì ra là người của bệnh viện tới, nói rằng: “Có việc khẩn, lập tức lên đường”.
Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người cùng Đoàn đại biểu Việt Nam thăm Trung Quốc năm 1955. Ảnh tư liệu.
Khi chúng tôi tới Đại lễ đường nhân dân, Thủ tướng Chu Ân Lai đang nói chuyện với các bác sĩ trong tổ công tác. Lúc này tôi mới rõ, chuyến đi của tôi là tới Việt Nam chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đoàn có giáo sư Lí Băng Kì, chuyên gia Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai dặn dò yêu cầu chăm sóc chu đáo sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng nhắc nhở mọi người quan tâm tới sức khỏe của các giáo sư cao tuổi trong đoàn. Sau khi tiếp kiến Thủ tướng Chu Ân Lai, tôi lên xe tới thẳng sân bay, chuyên cơ IL-18 đã chuẩn bị sẵn và rời Bắc Kinh đi Hà Nội ngay trong đêm.
Bác cười và nói: “Xin hoan nghênh, cảm ơn!”
Rạng sáng ngày 25-8 chúng tôi tới Hà Nội. Dưới ánh đèn mờ, vẫn có thể nhìn thấy cảnh tàn phá của bom Mỹ. Máy bay trực thăng của Việt Nam đưa chúng tôi tới Phủ Chủ tịch.
Ngày thứ hai ở Hà Nội, tức ngày 26-8, tổ y tế thứ ba của Trung Quốc cũng tới Hà Nội. Các thành viên trong tổ chữa trị đến từ các bệnh viện lớn của Bắc Kinh, Quảng Châu, trong đó có một số chuyên gia Trung y nổi tiếng Trung Quốc: Nhạc Mỹ Trung, Tôn Chấn Hoàn, Trương Hiếu, Lí Băng Kì, Cao Nhật Tân.
Căn phòng nơi Bác nằm trị bệnh rất đơn sơ. Diện tích không quá 20 mét vuông, trang bị cũng giản dị. Khuôn mặt Bác xương gầy. Bác đang nằm trên giường bệnh. Đây là lần đầu tiên tôi được đứng gần Bác, tâm lí không khỏi căng thẳng. Tổ trưởng tổ chữa trị Trương Hiếu chỉ vào tôi và giới thiệu với Bác: "Cô ấy là y tá trưởng Bệnh viện Bắc Kinh, tên là Vương Tinh Minh". Bác nhìn và nhẹ nhàng nắm tay tôi. Bác mỉm cười nói: "Xin hoan nghênh, cảm ơn!". Bác nhìn tôi, ánh mắt hiền từ, tôi vô cùng cảm động, hai hàng lệ đã trào mi chẳng biết tự khi nào.
Bác cười thay lời cảm tạ các y tá, bác sĩ
Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc hết sức quan tâm tới sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đích thân Thủ tướng lựa chọn những nhân viên ưu tú nhất, thậm chí từng thùng thuốc gửi cho Bác và ân cần hỏi han, kiểm tra, dặn đi dặn lại không được sơ sảy.
Bác Hồ và đồng chí Chu Đức tại Trung Quốc cuối tháng 1-1950. Ảnh tư liệu.
Tình hình sức khỏe của Bác ngày càng xấu. Ngày 31-8-1969, Thủ tướng Chu Ân Lai nhận tin, sức khỏe của Bác đã rất xấu. Chuyên gia nổi tiếng Ngô Giai Bình được phái đến Việt Nam, nắm tình hình cụ thể sức khỏe của Bác, lập tức về trong ngày để báo cáo với Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhận chỉ thị của Thủ tướng Chu Ân Lai, chuyên gia Ngô Giai Bình cùng những người trong tổ cứu chữa ra đi với tinh thần cao nhất, quyết tâm chuyển "nguy" thành "an". Sau khi đã phái tổ y tế thứ ba tới Hà Nội, tiếp tục tổ y tế thứ tư được phái tới Hà Nội (tổ thứ tư tới nơi thì Bác đã ra đi).
Lúc này bệnh tình của Bác ngày càng nặng. Ăn ít, uống ít, cơ thể càng thêm gầy. Các chuyên gia, bác sĩ sau quá trình nghiên cứu thận trọng, tỉ mỉ đã quyết định truyền tĩnh mạch để khống chế nhiễm trùng, bổ sung dinh dưỡng và nước. Nhưng vấn đề đặt ra là cơ thể của Bác rất nhạy cảm với tiêm, vì vậy khó thực hiện. Chúng tôi đã đặt ra một phương án thực thi để phân tán sự tập trung chú ý của Bác. Khi nhận được sự đồng ý của Bác, cũng như sự cho phép của các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành truyền tĩnh mạch. Hôm đó, nhiều đồng chí lãnh đạo của Việt Nam như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã có mặt. Việc đưa mũi kim truyền vào tĩnh mạch được tiến hành thuận lợi. Bác mỉm cười thay lời cảm tạ các y tá, bác sĩ.
Bác mỉm cười sau khúc hát của tôi
Ngày 31-8-1969, bệnh tình của Bác đột nhiên tăng lên. Hôn mê không tỉnh. Các chuyên gia bình tĩnh, kịp thời đưa ra biện pháp cấp cứu phù hợp. Bác sĩ Hồ Húc Đông xuyên kim vào tim Bác để bơm thuốc trợ lực tim. Thành công rồi! Chủ tịch Hồ Chí Minh từ từ tỉnh lại, Bác mở mắt ra, nhìn khắp một lượt các y, bác sĩ trong phòng. Mọi người cảm động không nói nên lời. Tổ trưởng Trương Hiếu lại gần bên Bác, khẽ gọi: "Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Người thấy trong mình hiện giờ thế nào? Còn chỗ nào chưa thấy thoải mái?". Bác khẽ lắc đầu, một lúc sau Bác ra hiệu muốn ăn một chút.
Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người.
Sáng ngày 2-9-1969, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập. Người đã vĩnh viễn đi xa. Chúng tôi không cầm được nỗi buồn, nước mắt tuôn trào. Đứng bên giường bệnh của Người, vô cùng buồn thương… và từ biệt Người. Ngày 9-9-1969, toàn bộ tổ chữa trị đã cùng lãnh đạo và nhân dân Việt Nam tham gia lễ truy điệu được cử hành tại Hội trường Ba Đình. Hai ngày sau chúng tôi rời Hà Nội về nước. Để ghi nhận công lao của các bác sĩ, y tá trong các tổ y tế đã tham gia chữa trị cho Bác Hồ, Chính phủ Việt Nam đã tặng nhiều huân chương cao quý cho thành viên trong tổ y tế.
* Vương Tinh Minh, y tá trưởng Bệnh viện Bắc Kinh, thành viên Tổ bác sĩ Trung Quốc sang Việt Nam chữa bệnh cho Bác Hồ, tháng 8-1969.
NGUYỄN HÒA biên dịch 

Nghiên cứu bút tích di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học (Trần Trọng Đăng Đàn)



Nghiên cứu bút tích di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học
PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn Nghiên cứu song song Di chúc và bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có rất nhiều thu hoạch bổ ích về mặt nhận thức, tư tưởng cũng như về mặt văn hóa, khoa học. Trong phạm vi bài này tôi chỉ xin đề cập đến một thu hoạch mà lâu nay hình như chưa được nghiên cứu đúng mức. Đó là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng và vận dụng bảng chữ cái Việt Nam khi viết Di chúc. 
Trong Hồ Chí Minh toàn tập (1), tập 12, bút tích 4 bản thảo Di chúc được in trong 10 trang phụ bản; tiếp theo là bản in nguyên văn 4 bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 10 trang (từ trang 497 đến trang 506); tiếp theo nữa là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, gồm 4 trang (từ trang 509 đến 512).
Nghiên cứu so sánh giữa bút tích các bản thảo Di chúc do chính Hồ Chủ tịch viết tay hoặc đánh máy với các bản in nguyên văn Di chúc, cũng như nghiên cứu các bản bút tích đó trong sự so sánh với Di chúc công bố năm 1969, ta thấy có những chữ cái sau đây khác nhau:
1 - Trường hợp chữ cái z:
— d à z (zân, zo, zịp, zạ, zục, zựng, zùng, zưỡng, zự, zũng, zần, zã...)
— gi à z (zai, zữ, zàu, záo, zà, zúp, zan, zõi, zao, zành, zặc, zới, zữa, zờ, zản...)
2 - Trường hợp chữ cái f :
— ph à f (fúc, fũ, fục, fong, fòng, fóng, fải, fê, fát, fáp, fí, fổ, fấn, fần, fúng, fó, fụ, fương, fủ, fát, fe, fô...)
3 - Trường hợp dùng ng thay cho ngh:
— ngh à ng (ngĩa, ngĩ, ngiệp, ngiêm, ngị, ngề...)
4 - Trường hợp không viết thêm dấu sắc ( / ) khi chữ đã trọn nghĩa:
Trên bút tích các bản thảo của Di chúc do chính Hồ Chủ tịch đánh máy hoặc viết tay có ít nhất là 54 chữ sau đây không viết thêm dấu sắc khi chữ đã trọn nghĩa: ap, boc, bưc, băc (2 lần), biêt (2 lần), cach (14 lần), cac (26 lần), câp, cat, chuc (2 lần), chăc (3 lần), chưc, đưc, đăc, đôt (2 lần), fuc (2 lần), fat (2 lần), fap (3 lần), gop (3 lần), hêt (4 lần), it, khăp (2 lần), khac (4 lần), kêt (8 lần), khich, lơp (2 lần), mac (4 lần), măt, mat (4 lần), nươc (17 lần), nhăc, nhât (14 lần), oc, quôc (5 lần), quyêt, rât (8 lần), ret, suôt (4 lần), sưc (7 lần), sot, tăt, tôt (7 lần), tiêt, thât (2 lần), trươc (4 lần), thich, tiêp, tac (2 lần), trach, thâp, viêt, vêt, xuât, zup...
Như vậy, trong bút tích các bản thảo Di chúc tổng số dấu sắc (ù) được giảm bớt ít nhất là 168 lần.
Nghiên cứu việc không viết thêm dấu sắc (ù) khi chữ đã trọn nghĩa qua các bút tích Di chúc, nhất là ở bản bút tích do Hồ Chủ tịch tự đánh máy, ta có thể bắt gặp một số chữ như: hết, kết, nhất, tốt... vẫn có đánh dấu sắc ( ù) nhưng trong các bút tích Di chúc viết tay thì hầu như dấu sắc ( ù) đối với các chữ nói trên đều bị gạt bỏ cả. Có thể xem việc các dấu ( ù) rơi vào những chữ vừa nói ở trên chỉ là do sơ ý lúc đánh máy mà thôi.
Những sự thay thế, giản lược của Hồ Chủ tịch trong việc sử dụng, vận dụng bảng chữ cái, cho đến khi viết Di chúc, là kết quả của cả một quá trình thể nghiệm lâu dài và mang tính khoa học cao. Nói “thể nghiệm khoa học” bởi vì việc làm đó được gạn lọc và khi thấy có vấn đề gì mới thì thêm vào hoặc gạt bỏ ngay khi tác giả thấy có chỗ nào đó không hợp lý. Điều này sẽ càng được sáng tỏ khi nghiên cứu bút tích của Hồ Chủ tịch ở một phạm vi rộng hơn.
Trong Hồ Chí Minh toàn tập có tất cả 63 phụ bản, trong số đó có 10 phụ bản là bút tích của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh do chính tác giả viết hoặc tự đánh máy bằng chữ quốc ngữ. 9 trong số 10 bút tích đó có thể sử dụng để khảo sát cho vấn đề này. Đó là các bút tích trên các phụ bản:
SỐ TTTÊN BÚT TÍCHNĂM VIẾTIN TRƯỚC TRANGSỐ TẬP
1Bà trưng trắc19262252
2Bìa tác phẩm “Đường Kách Mệnh” xuất bản lần đầu tiên vào năm19272592
3Thư gửi vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc, tháng 1 năm 19471947435
4Thư của Chủ Tịch Hồ Chí Minh gửi đoàn cán bộ đi công tác ngoại giao , tháng 2-194819483855
5Thư gửi các đồng chí Liên khu Bốn, tháng 9-194919496835
6Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lớp chính đảng liên khu Năm, năm 195319532017
7Cảm tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong Sổ vàng 1955 lưu niệm tại điện Cremli, ngày 13-7-19551955238
8Thư gửi cán bộ và giáo viên bổ túc văn hóa, ngày 17 tháng 12 -195919595779
9- Di chúc nhân dịp mừng tuổi 75 viết ngày 15-5-1965- Di chúc viết lúc vừa tròn 78 tuổi
- Di chúc viết tháng 5- 1968
- Di chúc viết ngày 10-5-1969
19651968
1968
1969
495495
495
495
1212
12
12

Nghiên cứu việc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sử dụng và vận dụng bảng chữ cái Việt Nam hồi những năm 1926 - 1927 lúc viết bài Bà Trưng Trắc hay Đường cách mệnh ta thấy: nhiều lần tác giả thay “ph” thành “f” (phải --> fải, phong --> fong, pháp --> fáp, phần--> fần, phố --> fố ); thay “d” thành “z” (dân --> zân, dựng --> zựng); hoặc “gi” thành “z” (gieo --> zeo, giờ --> zờ)... và trong bút tích các bản Di chúc viết vào những năm 1965 - 1969 cách thay thế đó vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, ở các bút tích viết năm 1926, 1927, nhiều lần chữ “đ” được viết thành chữ “d” (đường --> dường, động --> dộng, đầu --> dầu, đồng --> dồng, đánh --> dánh, điều --> diều, được --> dược, đến --> dến, đảm --> dảm, đủ --> dủ, đàn --> dàn); nhiều lần chữ “c” được viết thành chữ “k” (cách --> kách, có ® kó, cai --> kai, cảnh --> kảnh, cứu --> kứu, cùng --> kùng, cửu --> kửu, cả --> kả, cờ --> kờ, cẩm --> kẩm, can --> kan, cũng --> kũng); nhiều chữ chưa đánh thêm dấu sắc (ù) cũng đã trọn nghĩa, nhưng tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn đánh thêm dấu sắc ( ù) : trắc, nước, fúc, sách, fáp, ít, mất, biết, kết; nhưng trong các bút tích của Di chúc viết vào những năm 1965 - 1969 thì các trường hợp như thế hoàn toàn không còn được áp dụng nữa.
Xem xét một số bút tích của Hồ Chủ tịch viết vào thời gian từ 1946 - 1959, chẳng hạn như : Thư gửi vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc, ta thấy: Trong bản bút tích này chữ “đ” không thay bằng chữ “d” nữa (đánh úp, Đầu tiên, đứng lên, chiến đấu, mưa đạn, đua nhau, đem, đồng bào, đang); chữ “c” cũng không thay bằng chữ “k” nữa (cùng, các, cách, của, cái, càng, cứ, con). Thế nhưng, ở đây nhiều chữ chưa đánh dấu sắc (ù) cũng đã trọn nghĩa thì Hồ Chủ tịch vẫn còn cứ đánh dấu sắc (ù) : tức, các, biết, giáp, nước. Cách thay thế “ph” bằng “f” thì trong bản bút tích này vẫn được giữ nguyên (pháp --> fáp, phong --> fong); việc thay chữ “z” cho chữ “d”, hoặc cho chữ “gi” cũng được giữ nguyên (zân, zan, ziêt, zặc, záp, zũng, zữ).
Thư gửi vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc do Hồ Chủ tịch viết tay vào những năm 1947; sang năm 1948, trong Bức thư gửi đoàn cán bộ đi công tác ngoại giao, có lẽ là do Chủ tịch tự đánh máy nên một số chữ Người đã áp dụng lúc viết Thư gửi vệ quốc đoàn, tự vệ, dân quân toàn quốc không được giữ lại như hồi năm 1947 nữa. Một số chữ “đ” vẫn được viết thành chữ “d” : đồng --> dồng, đường --> dường, đá --> dá, đem --> dem, đấu --> dấu, đỡ --> dỡ, đầy --> dầy, đủ --> dủ, đáng --> dáng; tuy nhiên trong chính văn bản này lại vẫn có những chữ như đứng thì vẫn giữ nguyên chữ đê (đ). Còn trường hợp thay chữ “c” bằng chữ “k” thì ở đây hoàn toàn không thấy nữa. Việc thay “ph” thành “f”, thay “z” cho các chữ “d”, “gi” thì có thể nói ở đây được khẳng định triệt để. Việc không đánh thêm dấu sắc ( ù) đối với các chữ đã trọn nghĩa thì thời gian này (1947) chỉ mới bắt đầu được thực hiện và có lẽ vì thế nên chưa thật triệt để: Các chữ chúc, bất thì vẫn giữ dấu sắc (ù), trong khi đó các chữ nước, zúp, các thì dấu sắc (ù) đã bị bỏ.
Trong Thư gửi các đồng chí liên khu Bốn, tháng 9 năm 1949 do Hồ Chủ tịch tự đánh máy thì trong đó tình hình sử dụng, vận dụng bảng chữ cái vẫn giống như trong bút tích Bức thư gửi đoàn cán bộ đi công tác ngoại giao, viết năm 1948. Thế nhưng đến năm 1953, trong bút tích Thư gửi lớp chính đảng liên khu Năm thì việc không đánh thêm dấu sắc ( ù) cho các chữ mà không cần dấu sắc ( ù) cũng đã trọn nghĩa cũng như việc bỏ cách thay “đ” bằng “d” đã được thực hiện triệt để.
Cho đến năm 1955, khi Hồ Chủ tịch viết Cảm tưởng trong Sổ vàng lưu niệm tại điện Cremli thì những cách vận dụng bảng chữ cái Việt Nam đã trùng khớp hoàn toàn với cách vận dụng trong các bút tích của Di chúc 1965 - 1969. Điều đó có thể thấy rõ hơn trong bút tích Bức thư của Hồ Chủ tịch gửi cán bộ và giáo viên bổ túc văn hóa ngày 17-12-1959.
Như vậy, kết quả những thể nghiệm của Hồ Chủ tịch trong cách sử dụng, vận dụng bảng chữ cái Việt Nam, cho đến cuối thập kỷ 50, có thể xem như là hoàn thành, tức là hoàn thành vào khoảng 10 năm trước khi Chủ tịch viết Di chúc.
Việc thay thế “d”, “gi” bằng “z”; “ph” bằng “f”; “ngh” bằng “ng” cũng như không đánh thêm dấu sắc ( ù) khi chữ đã trọn nghĩa, trước hết là tiết kiệm được công viết vì số chữ được giảm bớt mà nghĩa thì không đổi; lại giảm bớt được động tác nhấc bút lúc viết; thứ hai là tiết kiệm thì giờ lúc dạy đánh vần và học đánh vần. Ví dụ như chữ các: Thay vì phải phát âm: cờ-a-ca-a-cờ-ác là các-sắc-các thì chỉ cần phát âm: cờ-a-ca-a-cờ-ác là các, là đủ. Hoặc thay vì phải phát âm a-cờ-ác-cờ-ác là các-sắc-các thì chỉ cần phát âm: a-cờ-ác-cờ-ác-các là đủ. Hoặc ví dụ như chữ rất: Thay vì phải phát âm rờ-ớ-rớ-ớ-tờ-ất, là rất-sắc-rất thì chỉ cần phát âm rờ-ớ-rớ, ớ-tờ-ất, là rất là đủ; hoặc thay vì phải phát âm: ớ-tờ-ất-rờ-ất- là rất-sắc- rất thì chỉ cần phát âm: ớ-tờ-ất-rờ-ất-rất, là đủ, v.v...
Thể nghiệm để đúc kết khoa học, góp sức làm cho ngôn ngữ dân tộc được phong phú hơn, dân dễ học, dễ nhớ mà ít tốn thì giờ, tiết kiệm công sức, đó là một điểm sáng thuộc loại sáng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ điểm sáng này chúng ta có thể xem danh nhân Hồ Chí Minh không chỉ là về mặt văn hóa mà còn về mặt khoa học nữa.
(Theo Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)