Friday, 28 March 2014

Mấy mươi năm thầm lặng một anh hùng (Ngô Thanh Hằng - Văn Nghệ Công An)


Mấy mươi năm thầm lặng một anh hùng
7:44, 02/08/2005

Ông Phan Văn Điện.
Ngày 22/2/1957, tại lễ khai mạc Hội chợ kinh tế cao nguyên ở Buôn Ma Thuột, Ngô Đình Diệm chưa kịp ngồi yên chỗ trên khán đài để khai cuộc, thì một viên đạn đã nhắm vào ông ta. Người bắn viên đạn đó là một chiến sĩ công an: ông Phan Văn Điện.

Tôi biết ông Điện (tức Hà Minh Trí, Phạm Công Phú, Triệu Thiên Thương - thường gọi là Mười Thương) trước khi ông có mặt trong cuộc giao lưu “Gương công an sáng trong lòng dân” tại Hà Nội tháng 5/2005. Vóc dáng hiền lành của ông không gợi liên tưởng nào tới những chiến tích anh hùng. Ấn tượng về ông chỉ là sự chậm rãi đến cẩn trọng, nối chiếc chân giả bằng những miếng vải đệm cho đỡ đau khi bước, trước khi nói chuyện với tôi.
Sau này, tôi mới biết, chiếc chân giả của ông đã được An ninh miền Nam đề nghị Bộ Công an làm từ miền Bắc gửi vào, khi ông trúng bom trên đường công tác năm 1967. Vậy mà… trong cuộc đời cách mạng, Mười Thương đã hai lần được giao nhiệm vụ đặc biệt và cả hai lần đều bị giặc bắt giam, tra tấn dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng.
Năm 1948, mới 13 tuổi, ông đã là nhân viên Ban Quân báo Bà Rịa. Trong lần làm liên lạc đặc biệt, ông đã bị sa vào tay giặc. Mưu trí và dũng cảm, ông đã thoát hiểm và được bố trí làm “em nuôi” trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài, để thu thập tin tức về các mối quan hệ giữa Cao Đài với Pháp và ngụy quyền. Vỏ bọc này đã giúp ích cho ông rất nhiều về sau, không chỉ đưa ông ra khỏi nhà tù Mỹ - ngụy mà còn được đồng chí Nguyễn Tài (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) đánh giá là “Bộ từ điển về địch tình tôn giáo, đảng phái phản động ở miền Nam”.
Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 1955, Mười Thương cùng một số đồng chí bố trí kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm tại nhà thờ Đức Bà, nhưng đêm đó, Diệm không đến. Không từ bỏ mục tiêu, tháng 2/1957, Đội trưởng Đội diệt ác Mười Thương lại được đồng chí Năm Xếp, Trưởng ban Địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh giao nhiệm vụ lập kế hoạch tiêu diệt Ngô Đình Diệm khi hắn lên Buôn Ma Thuột khai mạc Hội chợ kinh tế cao nguyên. Ai cũng hiểu, việc hy sinh hoặc bị bắt khi nổ súng là rất lớn và hầu như không có khả năng chạy thoát, nhưng Mười Thương đã xung phong. Và rồi, chọn vị trí cách Ngô Đình Diệm chỉ 20 mét, ông rút súng nhắm vào Tổng thống Ngụy, nhưng tiếc thay, viên đạn đi chệch.
Mười Thương bị địch bắt giữ và tra tấn rất dã man ngay tại chỗ. Nhưng dù bị giam cầm với đủ mọi đòn roi hiểm ác, tàn bạo nhất, kẻ địch vẫn bất lực. Trước sau, người tù ấy chỉ một lời khai là do tướng Mai Hữu Xuân (phụ trách An ninh quân đội ngụy) và Cao Đài liên minh trao lệnh… Lời khai này khiến Ngô Đình Nhu có mặt giám sát khi đó lập tức ra lệnh phải “tuyệt mật”.
Lời khai của Mười Thương đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính quyền ngụy; đồng thời, bảo vệ được các cơ sở cách mạng của ta. Bọn địch thất kinh trước các lời khai của ông, đến nỗi phải thành lập ngay “Hội đồng thẩm vấn của Chính phủ” để điều tra. Mười Thương bị biệt giam và phải nếm đủ mọi ngón đòn tra tấn của kẻ thù: liên tục nhiều ngày liền ông bị đánh bằng dùi cui, tầm vông, đổ nước trộn ớt bột, xà bông cho chết ngộp, bị ghim đinh vào các đầu ngón tay và bắt đứng dưới 2 bóng đèn 500W nóng cháy da mặt… hòng làm lung lay tinh thần mà khai ra đồng đội. Bọn địch liên tục thay nhau hàng tiếng, mỗi ca 5 tên, hành hạ ông cả thể xác lẫn tinh thần suốt ngày đêm...
Cùng bị giam với ông còn có các đồng chí Phạm Văn Thịnh (tức Nguyễn Đức Thuận - người đã viết cuốn hồi ký nổi tiếng “Bất khuất”), Hoàng Duy Khương (Xứ ủy Nam Bộ), Hoàng Tam Kỳ (Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Định), Lê Minh Quới (thư ký của đồng chí Lê Duẩn), Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Một…
Có những lúc bị tra tấn dã man đến mức, cái chết đã lởn vởn trong đầu ông, nhưng tấm gương kiên trung của những con người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trong cuộc tranh đấu với kẻ thù. Không khuất phục được Mười Thương, kẻ thù đã kết án tử hình rồi đày ông ra Côn Đảo cùng 41 đồng chí khác. Giữa lao tù, ông tiếp tục móc nối với đồng đội để đấu tranh với địch, duy trì phong trào cách mạng.
Năm 1965, sau khi Diệm bị lật đổ, đồng chí Trần Quốc Hương, phụ trách tình báo Trung ương hướng dẫn ông cách làm đơn đề nghị nhóm đảo chính trả tự do với lý do là người của Cao Đài diệt Diệm; đồng thời vận động báo chí Sài Gòn viết bài đòi trả tự do cho ông. Tháng ba năm đó, Mười Thương đã được ra tù và đưa ra căn cứ kháng chiến.
Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã đánh giá cao đóng góp của Mười Thương: viên đạn trên cao nguyên đã gây hoang mang cho bọn Diệm - Nhu, những lời khai của ông còn góp phần ly gián kẻ thù, đồng thời bảo vệ vững chắc màng lưới cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Sau đó, ông được bố trí công tác tại Ban An ninh khu Sài Gòn - Gia Định do các đồng chí Cao Đăng Chiếm và Nguyễn Tài phụ trách.
Tiếp tục công việc còn dang dở từ gần mười năm trước, Mười Thương báo cáo chi tiết lý lịch, tình hình nợ máu của các tên ác ôn đầu sỏ và đề xuất tiêu diệt tên Nguyễn Chữ (Giám đốc Nha Công an Trung phần đã tiếp tay cho Diệm trả thù những người cách mạng và gây ra vụ thảm sát Duy Xuyên, Chợ Được, Hương Điền (Khu V) và tên Nguyễn Văn Thành (cựu Trung tướng quân đội Cao Đài, phần tử chống phá cách mạng). Sau đó, hai tên này đều bị lực lượng biệt động tiêu diệt.
Cho đến khi đất nước thống nhất, với nhiệm vụ nghiên cứu công tác địch tình ở Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Mười Thương đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc theo dõi diễn biến phân hóa xu hướng chính trị các tôn giáo, đảng phái để đề xuất đối sách thích hợp, phục vụ kháng chiến. Với cương vị là Thường vụ Thường trực Đảng ủy Công an tỉnh Tây Ninh, Phó ban Nội chính, Phó ban Dân vận, rồi Trưởng ban Tôn giáo Tây Ninh, ông đã có cơ hội cống hiến cho đất nước những hiểu biết về tôn giáo, mà ông đã tích lũy suốt mấy mươi năm thành kinh nghiệm quý báu, để ổn định tình hình chung, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên quê hương.
Ngay khi ra tù (năm 1965), Mười Thương đã được một nữ phóng viên Báo Quân giải phóng “thương”. Và rồi, năm 1967, đám cưới của hai người đã được tổ chức giản dị giữa căn cứ, với sự chứng kiến của những đồng chí, đồng đội. Hai năm sau, vợ ông được chuyển sang ngành công an, hoạt động tại tờ báo An ninh miền Nam. Đất nước thống nhất, bà tiếp tục công tác tại Công an Tây Ninh, với cấp bậc Thượng tá, Trưởng phòng Công tác chính trị, phụ trách tờ tin nội bộ. Họ có 5 người con đều đã trưởng thành.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến sĩ công an, năm 1998, Mười Thương được nghỉ hưu. Ông cùng người vợ thảo hiền trở về với cuộc sống bình dị ở mảnh đất Tây Ninh mà ông đã trọn đời cống hiến. Với giọng dễ thương, bà dịu dàng kể: “Cuộc sống của chúng tôi cũng tạm ổn. Ngày ngày, ngoài chăm sóc cháu nội, chúng tôi còn cùng nhau lên rẫy, chăm sóc rừng cây và nuôi vài con heo làm vui tuổi già”.
Bà tuyệt đối không phàn nàn về những vất vả đã và đang phải trải qua, dù rằng ông là thương binh 2/4, lại thêm hậu quả từ những trận tra tấn của kẻ thù trong những năm tù đầy nên sức khỏe rất yếu. Mỗi khi trái nắng trở trời, bệnh tật lại hành hạ ông. Khi ấy, bàn tay bà, tình yêu thương của bà lại nâng đỡ ông, cùng ông vượt qua đau đớn, như ngày xưa, bao đồng chí của ông đã tiếp cho ông nghị lực và niềm tin, để bước qua cái chết, trở về một cách vẻ vang!
Hơn 30 năm sau ngày toàn thắng, người cán bộ trinh sát an ninh vũ trang vẫn sống khiêm nhường như thế. Khi viết những dòng cuối này, chúng tôi đã nhận được tin vui: Đảng và Nhà nước đang làm thủ tục để phong danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho người chiến sĩ công an Phan Văn Điện

  Ngô Thanh Hằng

Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm (Nguyễn Thế Lực - VOV)


Chuyện về người ám sát hụt Ngô Đình Diệm


Phát súng trên cao nguyên nhằm vào Ngô Đình Diệm – Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn của người chiến sĩ cách mạng vào ngày 22/2/1957 đã đi qua hơn năm thập kỷ, nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi. Người chiến sĩ đó là người tử tù không số, nhân chứng lịch sử của những ngày cả miền Nam sục sôi phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang diệt ác để bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, đòi kẻ thù nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Genève- Mười Thương.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt lúc 13 tuổi
Mười Thương tên thật là Phan Văn Điền, quê ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc- Nghệ An. Ông sinh ngày 18/8/1935 trong những năm tháng phong trào cách mạng đang sục sôi ở Nghệ An. Cha ông hy sinh trong đợt binh biến Đô Lương tháng 1/1941 khi ông vừa 6 tuổi. Năm 1945, ông bị lính Nhật bắt đưa vào miền Nam và bỏ lại ở Bà Rịa -Vũng Tàu. Ông đã tìm đến ở thuê cho một gia đình khá giả trong vùng. Được một năm, ông đã trốn đi theo kháng chiến khi vừa 10 tuổi.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông còn có nhiều tên gọi khác nhau như Đinh Dũng, Phạm Công Phú, Hà Minh Trí, Triệu Thiên Thương.
Phan Văn Điền và bà Nhã Nam (vợ) ra thăm Đại tướng Võ Nghuyên Giáp năm 1995
Tháng 8/1948, lúc đang là nhân viên Ban quân báo tỉnh Bà Rịa, thấy ông còn nhỏ nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát và rất gan dạ nên 3 đồng chí gồm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Hứa Văn Yến, Trưởng ban quân báo tỉnh Nguyễn Văn Bản, Trưởng ty Công an tỉnh Bà Rịa -Ba Thiên họp chung, giao nhiệm vụ đặc biệt cho ông là vào đồn Cao Đài ở ngã ba Bờ Đập (nằm giữa 3 xã Long Tân, Long Mỹ và Phước Hải, thuộc huyện Đất Đỏ và Long Điền của tỉnh Bà Rịa). Đây  là vùng căn cứ kháng chiến của ta.

Phan Văn Điền được giao nhiệm vụ làm liên lạc đặc biệt giữa lãnh đạo kháng chiến tỉnh với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn (Trưởng đồn Bờ Đập) - người đã chấp nhận sẽ kéo hết Đại đội quân Cao Đài của đồn ra với kháng chiến để đánh Tây.
Nhiệm vụ thứ hai của ông là điều tra quân báo đồn Bờ Đập và các đồn đóng bao quanh vùng căn cứ kháng chiến, như đồn Phước Hả, đồn Nước Ngọt và đồn Ngã ba Lò Vôi để phục vụ cho việc tấn công tiêu diệt chúng sau khi quân Cao Đài đồn Bờ Đập kéo ra theo kháng chiến.
Nhận nhiệm vụ vào đồn được 2 tháng, với trí thông minh của mình, Phan Văn Điền đã hoàn thành việc điều tra quân báo và vẽ xong sơ đồ bố trí của các đồn. Thời gian này tên đồn phó đã bắt đầu nghi ngờ, hắn đã mật báo cho đệ nhị phòng Pháp tỉnh Bà Rịa. Pháp báo cho bộ tham mưu quân đội Cao Đài ở Tây Ninh.
Bộ tham mưa quân đội Cao Đài ở Tây Ninh lập tức ra lệnh bắt cả thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn và Phan Văn Điền về Tòa Thánh Cao đài Tây Ninh. Sau hơn một tháng bị đánh đập, tra hỏi hết sức đau đớn nhưng cậu bé 14 tuổi vẫn kiên quyết khai như vỏ bọc ngụy trang từ đầu là “Trẻ mồ côi ở đợ chăn trâu ở ngoài đồng, gần đồn. Ông Chẩn dẫn quân tuần tra thấy bắt đem vào đồn. Biết tôi mồ côi nên giữ lại trong đồn để làm tạp dịch phục vụ bưng trà nước, giặt quần áo cho ông”.
Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền, nguời mặc áo đen, cùng với ông Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương -người bạn tù của ông.
Thiếu úy Chẩn thì cãi lại bọn điều tra: “Tên đồn phó tham ô bị Chẩn kỷ luật, thù oán Chẩn nên bịa chuyện báo lén cho Tây, báo lại cho quân đội Cao Đài, chớ gia đình tôi là đạo dòng (cha, mẹ đều lễ sanh). Anh ruột là trung tá Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây, làm sao lại đi theo Việt Minh được”.
Một điều may mắn không chỉ cho ông Chẩn mà còn cả cho ông Điền, đó là Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây lại là thầy dạy học trước kia của Trịnh Minh Thế (Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Đông). Vì mối quan hệ đó và nể tình đồng nghiệp, Trịnh Minh Thế đã ra lệnh thả cả Chẩn và Phan Văn Điền. Từ đó, Phan Văn Điền mặc nhiên được ở trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài. Hàng ngày ông nắm được rất nhiều tin tức qua mối quan hệ tiếp xúc giữa Phạm Ngọc Trấn với nhiều sĩ quan và chức sắc cao cấp của Cao Đài.
Ở trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài với một vỏ bọc rất tốt, nhưng Phan Văn Điền luôn đáu đáu trong lòng là làm sao để liên lạc được với cách mạng bên ngoài. Đến năm 1949, Phan Văn Điền bắt liên lạc được với Công an huyện Châu Thành -Tây Ninh qua một gia đình cơ sở công an ở thị xã Tây Ninh.
Thấy vị trí của ông đang ở rất tốt, nên lãnh đạo Công an huyện động viên Phan Văn Điền tiếp tục làm tốt vai trò em nuôi trong gia đình Phạm Ngọc Trấn, để thu thập thông tin về tình hình nội bộ Cao Đài và các mối quan hệ giữa Cao Đài với Pháp và ngụy quyền.
Anh hùng LLVTND Phan văn Điền -hàng đầu, bìa phải gặp mặt các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
Giữa năm 1953, ông bị đệ nhị Phòng Cao Đài nghi ngờ theo dõi. Biết bị lộ, Công an huyện Châu Thành quyết định rút ông ra căn cứ. Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết, tiễn đồng đội ra miền Bắc, ông được chọn ở lại trong ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh để tiếp tục bám địa bàn hoạt động.
Những năm sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, trả thù những người kháng chiến. Chúng đánh phá hành loạt tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng, bắn giết, bắt bớ tù đày hàng loạt cán bộ, đảng viên và gia đình có con em đi tập kết ra Bắc. Đàn áp các tôn giáo, đảng phái đối lập, gây ra vô vàn đau thương, tang tóc cho nhân dân miền Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng.
Trước tình hình đó, đảng viên và quần chúng khắp nơi sục sôi căm thù Mỹ, Diệm; yêu cầu Đảng cho phép vũ trang diệt ác để bảo vệ tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng và bảo vệ phong trào đòi đấu tranh của nhân dân đòi địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève.
Từ thực tiễn bức xúc đó, Xứ ủy Nam Bộ đã đề ra “Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam”. Chủ trương đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang diệt ác để bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng của quần chúng, từng bước đưa phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển lên cao trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

 
**
Trong chặng đường hoạt động cách mạng hơn nửa thế kỷ, từ năm 1946 cho đến lúc nghỉ hưu năm 1998, ông Phan Văn Điền đã trải qua nhiều công việc khác nhau, phải chịu không biết bao nhiêu gian khổ, tù đày, thương tật.

Nhiều lần thoát khỏi hiểm nghèo khi cái chết chỉ còn trong gang tấc, song điều làm ông nhớ nhất vẫn là những kỷ niệm về nhiệm vụ diệt Ngô Đình Diệm, Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn.
Những năm 50, Mỹ và Ngô Đình Diệm tăng cường các hoạt động khủng bố. Trước thực tiễn bức xúc đó, tháng 9/1955, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo Ban địch tình Tỉnh uỷ tổ chức đội vũ trang diệt ác. Phan Văn Điền làm đội trưởng và xác định Ngô Đình Diệm là tên ác ôn nhất cần phải diệt.
Ngày 20/10/1956, tại căn cứ ở Ấp Rổng Tượng-Gò Dầu-Tây Ninh, Phan Văn Điền được đồng chí Lâm Kiểm Xếp (Năm Xếp), Trưởng ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh, giao nhiệm vụ tổ chức diệt Ngô Đình Diệm vào dịp Diệm lên toà Thánh Tây Ninh (10/1956) để ký kết Thoả ước Bính Thân với Cao Đài Tây Ninh. Do thời gian quá gấp rút, lại chưa nắm được kế hoạch cụ thể chuyến đi của Diệm, nên phương án diệt Diệm lần này không thành.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm Anh hùng LLVT Phan Văn Điền
Nắm được thông lệ đã 2 năm (1954, 1955) cứ vào 12h đêm 24/12, Diệm đều đến Nhà thờ Đức Bà dự lễ mừng “Thiên chúa giáng sinh”. Hơn nữa, trong số cán bộ của Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh có anh Lê Văn Cửu đã được cài vào làm phiên dịch trong cơ quan Viện trợ Mỹ, đã tạo được mối quan hệ với nhiều quan chức cao cấp nguỵ quyền, đều là người theo đạo Thiên Chúa giáo. Anh đuợc những tên này thường mời đi dự lễ Noel, nhằm bắc cầu làm thân với cố vấn Mỹ.
Tháng 12/1956, Phan Văn Điền đề xuất với cấp trên kế hoạch diệt Ngô Đình Diệm tại Nhà thờ Đức Bà vào đêm Noel, 24/12/1956.
Đêm Noel năm 1956, Lê Văn Cửu và Phan Văn Điền mỗi người một súng ngắn đã có mặt tại nhà thờ Đức Bà cùng với một số “quan chức” bạn của Cửu. Ông đã vào được bên trong nhà thờ và quỳ cách hàng ghế dành cho gia đình Diệm –Nhu 9 hàng (12m).
Bên ngoài, 2 chiến sĩ Phan Văn Phát và Nguyễn Văn Tám đứng ở 2 nơi có bình biến điện quanh nhà thờ, đợi súng nổ sẽ cúp điện và ném lựu đạn khói vào bên ngoài tạo hoảng loạn và bóng tối để 4 người thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tất cả đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu.
Đồng hồ điểm 24h, Tổng Giám mục rung chuông bắt đầu buổi lễ vẫn không thấy Diệm xuất hiện, kế hoạch không thành. Hôm sau qua báo chí mới biết Ngô Đình Diệm đã đến dự lễ cầu nguyện cùng với giáo dân tại “Khu trù mật Đức Huệ – Long An”. Phan Văn Điền tức anh ách.
Phát súng trên cao nguyên
Sau 2 lần diệt Diệm không thành, Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo tiếp tục theo dõi nắm tình hình di chuyển, hoạt động của Diệm. Tháng 2/1957, cơ sở của Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh ở Bộ Thông tin nguỵ quyền do Phan Văn Điền phụ trách cho biết: “Hội chợ kinh tế cao nguyên dự kiến khai mạc vào 22/2/1957, Diệm –Nhu sẽ lên cắt băng khánh thành và đọc diễn văn khai mạc”.
Phan Văn Điền đã báo cáo cấp trên xin thực hiện kế hoạch diệt Ngô Đình Diệm. Cấp trên lo lắng vì  “quá xa xôi và không phải là địa bàn của ta, cơ sở không có, địa bàn không rành”. Nhưng Phan Văn điền vẫn quyết tâm vì ở đó có Trung đoàn 60 ngụy quân đóng giữ. Gốc đơn vị này là lực lượng Cao Đài liên minh của Trịnh Minh Thế kéo ra theo Diệm, sau khi Trịnh Minh Thế bị diệm –Nhu sát hại.
Anh hùng LLVTND Phan văn Điền -hàng đầu, bìa phải gặp mặt các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
Trung đoàn này do Nguyễn Công Trứ làm Trung đoàn trưởng, có vợ ở Thanh Phước, Gò Dầu- Tây Ninh. Trong Trung đoàn còn có 2 trung sĩ tên Theo và Đức quê ở Cẩm Giang –Gò Dầu, Tây Ninh. Khi còn là thiếu sinh quân Cao Đài, ông đã từng tiếp cận, chơi thân. Trong Nha Công dân vụ và Nha thông tin Nam Việt đều có người của ta do ông trực tiếp cài vào đầu năm 1955.
Với những lợi thế này, cấp trên đã quyết định cho ông đi Ban Mê Thuột nghiên cứu lập kế hoạch diệt Diệm. Sau 2 lần lên Ban Mê Thuột gặp cơ sở và những người quen cũ trong Trung đoàn 60 và nắm bắt tình hình, Phan Văn Điền đã hoàn thành sơ đồ vị trí các đồn bót, giao cho cô Nhung - cơ sở của ta trong Nha Công dân vụ - chuẩn bị nhà trọ, huy hiệu, thư mời để vào dự hội chợ và tìm mọi cách để tham gia đoàn văn nghệ phục vụ hội chợ.
Về Tây Ninh, Phan Văn Điền xây dựng kế hoạch hành động trình lãnh đạo. Sau khi thống nhất kế hoạch diệt Ngô Đình Diệm, đồng chí Năm Xếp, Trưởng Ban địch tình và đồng chí Tư Mừng, Bí thư Chi bộ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phan Văn Điền cùng một khẩu súng tiểu liên MAT.49 (loại mi bá rút của Mỹ) và một hộp đạn.
Ông phải trèo xuống giếng sâu bắn thử đạn cho khỏi bị lộ. 10 viên nổ giòn cả 10. Súng được tháo bá sắt ra để khi vào hội chợ cột dây dù vào cho dễ đeo, địch khó phát hiện. Theo kế hoạch, súng được đeo sát nách bên phải, lên cơ bẩm sẵn, khi bắn chỉ cần lòn tay vào đẩy băng đạn vào ổ đạn, nâng súng lên nhắm mục tiếu bóp cò.
Mục tiêu từ ngực trên trở lên đầu, vì từ ngực xuống bàng quang, Diệm có mang áo giáp chống đạn. Sau nhiều lần tập dượt phuơng án thuần thục, các đồng chí lãnh đạo động viên, ông cũng xác định rõ tư tưởng: đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm, nếu không hy sinh thì cũng bị bắt, nhưng Phan Văn Điền không hề chùn bước.
17h chiều 21/2/1957, Phan Văn Điền với giấy căn cước mang tên Hà Minh Trí cùng Nguyễn Thị Vân (cán bộ giao liên), người được giao nhiệm vụ mang vũ khí giấu vào vali, khởi hành trên chuyến xe khách Sài Gòn – Ban Mê Thuột. 6h sáng 22/2 đến nơi, 2 người vào nhà trọ.
Hà Minh Trí khẩn trương kiểm tra súng, đóng băng đạn nạp sẵn 22 viên vào ổ đạn, lên cơ bẩm, khoá chốt an toàn, gấp băng đạn xuôi theo súng và đeo vào sát nách. Nguyễn Thị Vân chần chừ muốn ở lại để biết kết quả về báo cho lãnh đạo, nhưng Hà Minh Trí lo an nguy cho đồng đội nên cương quyết:. “Nhiệm vụ cô đã hoàn thành, cô hãy trở về Tây Ninh, kết quả như thế nào thì ngày mai báo chí đưa tin tất cả đều biết”. Cô Vân lên xe trở về Tây Ninh. Hà Minh Trí áo sơ mi trắng thắt cà vạt, quần gabardin xanh mặc áo blouson rảo bước đến hội chợ kinh tế cao nguyên.
Cửa chính và cửa phụ vào trung tâm hội chợ dày đặc các lực lượng an ninh, cảnh sát của địch. Ông nghĩ nếu không lọt được những đôi mắt cú vọ, chúng phát hiện ra vũ khí thì không còn cơ hội giết Diệm. Thời gian khai mạc hội chợ đã đến gần, loa phóng thanh đã phát “Máy bay Tổng thống đã bay trên bầu trời Buôn Mê Thuột”. Ông lại càng nóng ruột và đã mưu trí đánh lừa các toán quân cảnh và an ninh quân đội, lọt vào khu trung tâm của hội chợ qua chỗ hàng rào hở phía sau trung tâm, giáp với Trung đoàn 60.
Tiếp cận sát mục tiêu giữa hàng ngàn đôi mắt soi mói dày đặc của bọn cảnh sát, tình báo, an ninh quân đội, bảo an, quân cảnh vòng trong vòng ngoài, Hà Minh Trí đứng bên cạnh một tên thượng sĩ an ninh quân đội Việt Nam cộng hòa to cao, 2 mắt đảo liên tục.
Giờ “G” đã điểm, đúng 8h, tên sĩ quan hành lễ hô: “nghiêm! nhìn cờ –chào!”. Tất cả đều nhìn lên cờ thì cũng là lúc Hà Minh Trí nâng súng lên từ phía sau ngực trái của Diệm bóp cò. Kẹt đạn, súng chỉ nổ một viên, tên Đỗ Quang Công –Bộ trưởng Bộ Canh nông vừa nhích qua sau lưng Diệm đã hứng đạn thay Diệm. Quân nhạc im bặt, cả lễ đài nhốn nháo, hoảng loạn, bọn cận vệ cõng Diệm tháo chạy. Hà Minh Trí bị địch bắt.
Đánh địch bằng đòn ly gián
Điều vẫn làm cho ông nuối tiếc, day dứt đến bây giờ là Diệm không chết. Ông nói: “Nếu như tên Bộ trưởng Bộ Canh nông không háo danh, muốn xích đứng gần vào Tổng thống Ngô đình Diệm để được báo chí chụp hình thì viên đạn đi thẳng vào tim của Diệm”.
Mặc dù vậy, Hà Minh Trí vẫn thành công trong việc thực hiện phương án 2 nếu bị địch bắt, mà trước lúc lên đường đồng chí Năm Xếp còn nhấn mạnh “Nội bộ địch càng mâu thuẫn cắn xé nhau thì càng có lợi cho cách mạng. Nếu không bị hy sinh mà bị bắt, chú phải vận dụng vốn hiểu biết về Cao Đài và sự đánh giá của Đảng về mâu thuẫn Pháp – Mỹ và mâu thuẫn giữa tay sai của chúng để thực hiện việc khai ly gián nội bộ chúng”.
Chính nhận thức sâu sắc vấn đề, kết hợp với trí thông minh, nhạy bén, cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Mười Hương (Trần Quốc Hương), người chiến sĩ tình báo tài ba mà Hà Minh Trí- bị kết án tử hình bí mật vẫn được sớm ra tù để tiếp tục hoạt động.

**

Sau khi bị bắt, chúng đưa ông vào đánh đập, điều tra ngay tại Buôn Mê Thuột. Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến và viên sĩ quan biệt bộ Phủ Tổng thống (Phạm Ngọc Thảo –tình báo của ta) cũng theo vào điều tra.
Chúng hỏi “Ai tổ chức anh ám sát Tổng thống?”. Với kế hoạch đánh địch bằng đòn li gián, Hà Minh Trí trả lời “Thiếu tướng Mai Hữu Xuân và Cao Đài liên minh ở Tây Ninh”. Thiếu tướng Mai Hữu Xuân lúc này đang là Giám đốc Nha an ninh quân đội ngụy. Ngô Đình Nhu đã ra lệnh “tất cả những người có mặt ở đây, phải tuyệt đối giữ bí mật tin này”.
Để kiểm tra xem Hà Minh Trí có đúng là Cao Đài hay không, chúng đã đưa Tạ Thành Long –trung tá Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy ở Sài Gòn lên hỏi cung Hà Minh Trí. Vì ông này trước đây vốn là thầy giáo dạy đạo đức học đường ở Tòa Thánh Tây Ninh, Hà Minh Trí đã nhận ra ông đã dạy mình lúc còn đi học lớp 2 (năm 1950).
Tạ Thành Long hỏi “Mày khai Cao Đài, vậy mày có học trường đạo Lê Văn Trung hay đạo đức học đường không? Ban giám đốc các trường đó là ai?” Hà Minh Trí đã trả lời vanh vách. Nghe xong, ông Long không còn hỏi gì nữa đứng dậy đi ra.

Hôm sau, chúng đưa tướng Mai Hữu Xuân vào điều tra Hà Minh Trí. Mai Hữu Xuân hỏi “Mày khai Cao Đài, vậy mày biết người này không?” Vừa hỏi, hắn vừa móc trong túi ra một tấm ảnh 4x6.

Hà Minh Trí nhìn tấm ảnh trả lời “Đây là thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tư lệnh quân đội quốc gia liên minh, em rể của cố trung tướng Trịnh Minh Thế. Ông Mạnh lấy chị Trịnh Thị Nhan, em gái của cố Trung tướng, nhà ở Cẩm Giang”. Mai Hữu Xuân bỏ tấm ảnh vào túi và đứng dậy đi luôn.
Nhà của Anh hùng LLVT Phan văn Điền (Mười Thương)
Sau đó chúng còng tay, bịt mắt đưa Hà Minh Trí ra sân bay về Sài Gòn. Chúng đưa ông đến trụ sở đặc biệt của mật vụ Phủ Tổng thống ngụy để tra tấn hỏi cung. Cho đến năm 1958, chúng đưa Hà Minh Trí về Trại giam Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. Hà Minh Trí được giam ở phòng số 10, phòng đặc biệt luôn có 3 tên lính đứng gác. 
Mặc dù bị đánh đập, tra tấn suốt ngày đêm với những chiêu độc ác hết sức dã man, đầu óc của Hà Minh Trí luôn căng ra để trả lời những câu hỏi cung của địch nhằm làm li gián kẻ thù, có lợi cho cách mạng. Dù bị đòn roi, tra tấn chết đi sống lại nhưng ông vẫn hát. Hà Minh Trí không phải hát cho mình, mà hát để động viên những bạn tù ở phòng khác bị đưa đi điều tra, tra tấn trở về phòng.
Tiếng hát của Hà Minh Trí đã cũng cố thêm tinh thần và ý chí cách mạng của những chiến sĩ khác như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư và những nữ sinh trường Gia Long bị bắt trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Tiếng hát đầy ý chí và tình thương nên mọi người gọi Hà Minh Trí bằng tên Thương. Ở phòng giam số 10 nên gọi là Mười Thương. Và từ đó đến nay, cái tên Mười Thương đã trở thành tên thường gọi thân mật.
Tháng 8/1962, chúng đưa ra tòa án xét xử kín Mười Thương, do tên đại tá Khoa- Chánh án Tòa án quân sự đặc biệt trực tiếp xét xử. Chúng hỏi “Tại sao anh giết Tổng thống?”. Mười Thương trả lời “Ngô Đình Diệm là kẻ ác nhất miền Nam. Kéo về Tây Ninh bao vây định bắt trung tướng Trịnh Minh Thế và đàn áp Cao đài. Ngô Đình Diệm càn quét dân chúng miền Nam. Tôi giết một con mèo độc để cứu vạn con chuột”. Mười Thương bị tuyên án tử hình.
Tháng 10/1963, chúng quyết định đày Mười Thương đi Côn Đảo cùng 41 đồng chí khác bị chúng tuyên án tử hình theo luật 10/59. Trước khi đi, ông có bài thơ khắc trên chiếc can nhựa tặng cho người bạn tử tù Võ Duy Quang tại khám Chí Hòa: “Đêm lui, nắng đã ửng rồi/Cành sai trái ngọt, rộng trời cờ sao/Vườn xuân đỏ rực hoa đào/Chim hồng tung cánh bay vào bình minh”.
Anh hùng LLVT Phan Văn Điền vừa vượt qua cơn bạo bệnh
Ý chí, tinh thần đấu tranh bất khuất của người cộng sản trẻ tuổi không chỉ làm cho giặc nao núng, mà còn rung động trái tim của cô nữ sinh Gia Long- người bạn tù trong phong trào đấu tranh của sinh viên. Mối tình đẹp như trong huyền thoại giữa Mười Thương và Nguyễn Kim Hưng (Nhã Nam), người vợ thuỷ chung của ông, đến tận bây giờ đã làm biết bao nhiêu người xúc động.
Năm 1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính, nhiều người ở Côn Đảo được thả ra. Đầu năm 1964, sau vụ Nguyễn Khánh làm đảo chính, ông được giải về đất liền nhưng vẫn đưa tiếp vào trại giam. Tại đây, Hà Minh Trí được gặp Trần Quốc Hương (Mười Hương), Nguyễn Đình Quảng (Minh Vân) từ trại giam 9 hầm Huế đưa vào.
Mười Hương đã chỉ đạo Hà Minh Trí một số nhiệm vụ và cơ sở bắt liên lạc sau khi ra tù. Cuộc đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh tháng 2/1965, Phan Khắc Sửu, người bị Diệm bắt giam trong vụ đảo chính năm 1960 ở chung dãy trại B của Trung tâm thẩm vấn, đã nhận Hà Minh Trí là đồng đạo được lên làm quốc trưởng. Cũng chính vì vậy, ngày 10/3/1965, Mười Thương được trả tự do.
Ra tù, Mười Thương tiếp tục hoạt động trong Ban An ninh khu Sài Gòn –Gia Định, Ban An ninh Trung ương cục miền Nam, Ban An ninh tỉnh Tây Ninh, Văn phòng Bộ Nội vụ ở phía Nam. Năm 1976 về công tác lại ở Công an Tây Ninh, nơi mà trước đây Mười Thương công tác và nhận nhiệm vụ của Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh diệt Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Sau này vì yêu cầu công tác, Đại tá công an Phan Văn Điền (Mười Thuơng) được điều sang làm Phó Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây ninh, rồi Phó Ban dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng, nhiệt tình, xông xáo, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 2005, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, ông Phan Văn Điền (Mười Thương) được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Nay ông đã gần 80 tuổi, vừa vượt qua một cơn bạo bệnh, sức khỏe còn rất yếu nhưng đầu óc ông vẫn rất minh mẫn./.
Nguyễn Thế Lực

Người bắn Ngô Đình Diệm giờ ra sao? (Hà Huy Hoàng - Thế Giới & Việt Nam)



Thứ Sáu, 31/12/2010-4:14 PM
Người bắn Ngô Đình Diệm giờ ra sao?Kỳ 1: Tuổi thơ lưu lạc
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mười Thương (bên phải) và tác giả tại nhà riêng.
Buổi sáng trong căn nhà nhỏ yên tĩnh, xung quanh cây trái xum xuê ở thị xã Tây Ninh, ông chậm rãi kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, cuộc đời của người đã làm chấn động dư luận và báo chí phương Tây bởi vụ ám sát Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm năm 1957. Ông là Mười Thương, nguyên cán bộ Ban an ninh Trung ương cục Miền Nam, Anh hùng Lực lương Vũ trang Nhân dân.
Ông mở đầu câu chuyện khá hóm hỉnh rằng không hiểu sao ông lại lắm tên đến thế, cả ngoại lẫn nội. Từ Phan Văn Điền đến Kin Tà; Đinh Văn Phú; Đinh Dũng; Hà Minh Trí; Mười Thương…Chắc Diêm vương dưới âm phủ cũng không biết tên nào là thật nên ông mới sống đến bây giờ...Theo cụ trưởng tộc thì tên cúng cơm của ông là Phan Văn Điền, sinh năm Ất hợi (1935) tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cha là Phan Văn Đồng, mất trong cuộc binh biến ở Đô Lương năm 1940 lúc ông mới 5 tuổi, mẹ đi lấy chồng, từ đó ông ở với bà nội. Nạn đói năm 1945 tràn đến hai bà cháu phải dắt nhau ra ngoài cầu Bùng ven đường quốc lộ ăn xin, đêm về lại chui vào cái lô cốt dưới chân cầu để ngủ. Gần cầu có một đồn của quân Nhật đóng, thấy hai bà cháu dắt nhau đi ăn xin, tên Đồn trưởng thương hại, hàng ngày gọi cậu bé vào đồn cho ăn và còn cho cả phần cơm mang về cho bà. Khi chơi ở trong đồn, Điền được đám lính dạy truyền khẩu cho những từ thường dùng hàng ngày bằng tiếng Nhật, vì vậy sau này cậu mới nói được mấy câu bập bõm. Ít lâu sau quân Nhật chuyển đi, hai bà cháu lại dắt nhau thất thểu về làng. Làng ở sát biển nên buổi chiều Điền thường cùng đám bạn ra nhặt vỏ ốc về chơi, một lần đang nô đùa trên bãi biển thì Điền thấy một người đàn ông đi dạo qua, đoán là người Nhật nên Điền buông một câu chào tiếng Nhật. Đang đi ông ta bỗng sững lại nhìn vì không ngờ ở cái làng chài ven biển này lại có cậu bé biết tiếng Nhật. Hôm sau ông vào làng tìm đến túp nhà tranh lụp sụp nơi bà cháu Điền ở. Biết được hoàn cảnh của cậu bé, từ đó ông hay rủ cậu đến chơi chỗ ông ở là khu biệt thự nghỉ mát của Pháp để lại, xung quanh có lính canh gác. Thỉnh thoảng ông lại cho ngồi cùng trên ô tô ra Vinh chơi rồi còn đặt cho cậu cái tên Nhật là Kin Tà (dịch sang tiếng Việt là Kim Thái, tạm hiểu là một thứ quý giá). Như thường lệ, một hôm ông lại rủ Kin Tà đi chơi, nhưng cậu không ngờ đó là lần đi định mệnh để mãi gần 50 năm sau cậu mới có dịp quay về. Kin Tà được đưa lên đoàn xe tải chở đầy lính Nhật chạy thẳng vào Sài Gòn. Mãi sau này khi đi hoạt động cách mạng, ông Mười Thương mới biết đó là đoàn xe của đội quân Quan đông của Nhật từ Mãn Châu vào Trung Quốc, qua Việt Nam rồi sang Thái Lan. Trên đường hành quân từ Bắc vào Nam đội quân Quan Đông đã bắt theo 7 đứa trẻ cũng trạc tuổi ông. Và cũng chỉ vì mấy câu tiếng Nhật mà đời ông đã sang bước ngoặt khác.
Sau 3 ngày hành quân thì đoàn xe đến Huế, trong lúc nghỉ Điền đã chạy vào một quán ăn kể lại chuyện bị quân Nhật bắt và nhờ chủ quán viết thư báo về cho bà nội ở quê biết. Ông chủ quán thương tình đã nhận lời nhưng chắc do loạn lạc nên lá thư không về đến quê. Sau này nghe kể lại vì quá thương nhớ đứa cháu mà bà sinh ra ốm đau rồi mất vài năm sau đó.
Đến Sài Gòn, Điền và đám bạn phải đi cắt cỏ, chăn ngựa. Thấy cậu bé có cái tên Kin Tà nhanh nhẹn tháo vát, lại nói được tiếng Nhật, một viên sỹ quan đã gọi Kin Tà lên cho làm chân sai vặt hàng ngày ra phố mua thuốc lá, hoa quả. Đây cũng là dịp mà Kin Tà được tiếp xúc, va chạm làm quen với lối sống thị thành. Có lần cậu còn đi theo các anh chị thanh niên tiền phong mang cờ vàng sao đỏ diễu hành qua các phố miệng hô vang khẩu hiệu " Việt Nam độc lập muôn năm". Thời điểm này vào đầu năm 1946, cục diện chính trường trên thế giới và Đông Dương đang có nhiều biến động. Ở Sài Gòn khoảng 3 tháng thì quân Nhật lại được lệnh chuyển xuống Vũng Tàu tiếp quản một doanh trại cũ. Lúc này bọn trẻ được thả rông, ăn rồi hàng ngày lang thang ra phố chơi. Một sáng viên chỉ huy gọi 8 đứa trẻ, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất 11 tuổi đến rồi bảo rằng những ngày tới chúng phải tự lo thân. Quân Nhật ở đây có lệnh phải lên đường về nước nhận nhiệm vụ mới, bọn trẻ không thể đi theo được. Hôm sau toàn bộ sỹ quan và binh lính Nhật đội ngũ chỉnh tề hành quân xuống tàu neo đậu ở cảng, bỏ lại doanh trại cùng một số lương thực, thực phẩm, vải vóc cho đám trẻ. Biết không còn nơi bấu víu, bọn trẻ lấy những cuộn vải trong kho mang ra phố bán rẻ lấy tiền chia nhau. Giữ lại một ít lương thực thực phẩm, còn lại gọi bà con xung quanh đến lấy. Cũng từ đây 8 đứa trẻ tan tác mỗi đứa một ngả, đứa đánh giày, bán báo, đứa làm thuê cho tiệm ăn, đứa phiêu dạt lên Sài Gòn. Không ai biết những ngày tiếp theo cuộc đời chúng sẽ trôi về đâu…
Hà Huy Hoàng
  • 11 tuổi đã lưu lạc nơi đất khách quê người;
  • 13 tuổi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng và nếm mùi nhà tù đế quốc;
  • 21 tuổi trở thành chiến sỹ điệp báo mưu trí can trường;
  • 22 tuổi xung phong nhận nhiệm vụ ám sát Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm trên Cao nguyên; Vụ ám sát không thành, bị bắt tại chỗ ngày 22/2/1957;
  • Gần 10 năm sống trong hệ thống nhà tù Mỹ - Diệm, phải chịu đựng những đòn tra tấn vô cùng man rợ với các thủ đoạn nhục hình;
  • 11/1963 Ngô Đình Diệm và em là Cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết trong cuộc đảo chính quân sự; Sau đó hơn 1 năm,n gày 13/3/1965 Ông được trả tự do tại Sài Gòn.




Thứ Hai, 10/01/2011-11:38 AM
Người bắn Ngô Đình Diệm giờ ra sao? (Kỳ cuối)Một phát súng và 3.000 ngày khổ sai
Cảnh ông Hà Minh Trí bị bắt giữ sau khi ám sát Ngô Đình Diệm không thành, tháng 2/1957.
Hơn 8 năm sống trong các nhà tù như địa ngục trần gian của Mỹ - Diệm, bị kết án tử hình nhưng giữa lằn ranh của sự sống chết, ông đã nghiệm ra rằng trong cái chết vẫn có cái sống…
Ông Đinh Văn Châm là đầu bếp trên tàu viễn dương nhưng chán cảnh nay đây mai đó, đành bỏ lên bờ cùng vợ mở hàng ăn ở Vũng Tàu. Một hôm có một cậu bé đến cửa hàng rụt rè xin việc. Sau khi hỏi về gia cảnh, ông Châm nhận cậu làm con nuôi và thay cái tên Kin Tà bằng tên mới là Đinh Văn Phú.
Bước ngoặt định mệnh
Một sáng, Phú đang lúi húi lau bàn ghế thì có khách vào, ngồi một lát ông ta bảo "cháu có muốn theo chú làm cách mạng không?" Mặc dù lúc ấy chưa biết cách mạng là gì, nhưng Phú vẫn gật đầu vì đơn giản làm cách mạng sẽ không phải nghe mẹ nuôi mắng và không phải hàng ngày vật lộn với đống bát đĩa. Theo lời dặn, đêm hôm sau Phú lặng lẽ ôm bọc quần áo rồi trốn khỏi nhà bố mẹ nuôi. Đó là đầu năm 1948, khi cậu vừa tròn 13 tuổi. Điều mà Phú không ngờ tới là gia đình bố mẹ nuôi cũng chính là một cơ sở của Cách mạng.
Về Ban quân báo tỉnh Bà Rịa, Phú được đổi tên thành Đinh Dũng. Tháng 8/1948, Đinh Dũng được cử lên Tây Ninh bắt liên lạc với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn - Đồn trưởng quân đội Cao Đài. Đến nơi, Dũng cải trang là trẻ chăn trâu rồi thành thằng nhỏ giúp việc cho Đồn trưởng. Ở trong đồn, Dũng tranh thủ vẽ sơ đồ, thu thập tin tức hàng ngày báo cho Việt Minh. Được gần 2 tháng thì Dũng và đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn bất ngờ bị quân đội Cao Đài bắt tạm giam ở Tây Ninh, may nhờ có Trung tá Phạm Ngọc Chấn - Tư lệnh quân đội Cao Đài Miền Tây (anh ruột Phạm Ngọc Chẩn) can thiệp nên mới được thả. Trở về tiếp tục hoạt động đến giữa năm 1953 bị địch theo dõi gắt gao, Đinh Dũng được tổ chức rút ra cứ.
Năm 1954, Đinh Dũng không tập kết ra Bắc mà bí mật ở lại hoạt động với tư cách là tín đồ thành viên của lực lượng vũ trang Cao Đài ly khai. Trong giai đoạn này, Đảng ta chủ động đấu tranh chính trị, tránh bạo lực làm ảnh hưởng đến cuộc Tổng tuyển cử. Lợi dụng điều này, Ngô Đình Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam thẳng tay khủng bố các cơ sở Đảng, tàn sát đẫm máu những người yêu nước.
Phải diệt trừ Ngô Đình Diệm
Tháng 10/1956 đồng chí Lâm Kiểm Xếp - Trưởng Ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh giao nhiệm vụ tổ chức diệt trừ Ngô Đình Diệm khi lên Tây Ninh. Nhưng do thời gian quá gấp, lại không biết cụ thể ngày giờ nơi đi, đến của Diệm nên không thực hiện được. Một phương án táo bạo diệt trừ Ngô Đình Diệm ngay trong nhà thờ Đức bà Sài Gòn vào đêm Noel năm 1956 đã được Đinh Dũng đề xuất. Tối hôm đó quân ta đã chốt chặt các vị trí trong nhà thờ. Tuy nhiên chờ đến 12 giờ đêm vẫn không thấy anh em Diệm - Nhu xuất hiện… Và một lần nữa kế hoạch lại không thành. Sáng hôm sau báo chí Sài Gòn đưa tin Ngô Đình Diệm thay đổi lịch trình không dự Noel ở Sài Gòn mà đến dự lễ Noel với giáo dân Bắc di cư ở khu trù mật Đức Huệ, Long An.
Đầu tháng 2/1957 báo giới Sài Gòn đưa tin Ngô Đình Diệm sẽ lên cắt băng khánh thành hội chợ "Kinh tế Cao Nguyên" tại Ban Mê Thuột vào ngày 22/2/1957. Được tin này, Đinh Dũng cùng đồng đội lên ngay Ban Mê Thuột khảo sát thực địa, nắm tình hình. Một thuận lợi là Trung đoàn 60 bảo vệ Diệm vòng ngoài trong đó có rất nhiều lính Cao Đài sáp nhập vào. Chính nhờ những cơ sở này mà Đinh Dũng đã mang được súng vào tận vòng trong. Sau khi kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm đã được tổ chức thông qua, ngày 21/2/1957 Đinh Dũng đã có mặt trên Cao nguyên với tấm giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí, thương gia ở Tây Ninh cùng vợ lên dự hội chợ.
Buổi sáng 22/2/1957, lượng người đổ về hội chợ Ban Mê Thuột khá đông. Lường trước lành ít giữ nhiều, Hà Minh Trí đưa "vợ" ra xe về Sài Gòn trước nhưng người đồng đội đóng giả là vợ lại lo lắng, muốn nán lại xem diễn biến thế nào. Kiên quyết đưa "vợ" lên xe, Hà Minh Trí nói rằng khi vụ việc xảy ra toàn bộ các tuyến đường sẽ bị phong tỏa kiểm soát, rất nguy hiểm. Người phụ nữ, người đồng đội bước lên xe mắt dơm dớm nhìn Hà Minh Trí, vì chị hiểu rằng có thể sẽ không bao giờ còn được gặp anh nữa…
Đúng 9 giờ khai mạc hội chợ. Ngô Đình Diệm tiến vào lễ đài trong sự bảo vệ dày đặc của mật thám, quân cảnh. Trong bộ quần áo cải trang, Hà Minh Trí cũng đã tiến sát hàng rào bảo vệ cách Ngô Đình Diệm chưa đầy 20m. Khi tiếng hô chào cờ vang lên, Hà Minh Trí lấy khẩu MAT- 49 cưa nòng luồn qua nách tên quân cảnh cao to đứng trước nhằm Ngô Đình Diệm nhả đạn. Do bất ngờ khi nghe tiếng súng nên tất cả sững lại, tiếp tục bóp cò nhưng súng bị tắc, Hà Minh Trí chỉ kịp thấy một tên đứng cạnh Diệm gục xuống và sau đó hàng chục tên quân cảnh lao vào đè ập xuống ông.
Ám sát không thành, Hà Minh trí bị đưa ngay vào trại giam Ty cảnh sát Ban Mê Thuột thẩm vấn rồi sau đó chuyển về trại P42 Sài Gòn, rồi khám Chí Hòa. Ở đâu chúng cũng dùng đủ mọi cực hình tra tấn vô cùng man rợ làm ông chết đi sống lại nhiều lần. Do vỏ bọc khá tốt, lại hoạt động độc lập, ông chỉ một mực khai là tín đồ Cao Đài, sở dĩ ám sát Ngô Đình Diệm là vì chính phủ đàn áp Cao Đài… Không khuất phục được Hà Minh Trí, tháng 10/1963 chúng kết án tử hình và đày ông ra địa ngục Côn Đảo.
Người anh hùng bình dị
Sau khi anh em Diệm - Nhu bị giết trong cuộc đảo chính quân sự tháng 11/1963, ngày 13/3/1965, Hà Minh Trí được trả tự do với tư cách là tù nhân chính trị đối lập chống chế độ Ngô Đình Diệm. Ra tù Hà Minh Trí lấy tên là Mười Thương, được tổ chức phân công về làm việc ở Ban tổ chức đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1965 về công tác tại Ban an ninh T4 với tên mới là Nguyễn Văn Điền. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục công tác trong ngành công an, đến năm 1989 ông chuyển sang làm Phó ban Nội chính rồi Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Năm 1999, ông nghỉ hưu sống với gia đình ở Tây Ninh. Do có nhiều công lao đóng góp, năm 2005 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hà Huy Hoàng

Phạm Ngọc Thảo- Oanh liệt trong thầm lặng: Bị cách mạng ám sát (Hoàng Hải Vân - Bắc Giang)

Phạm Ngọc Thảo- Oanh liệt trong thầm lặng: Bị cách mạng ám sát
Ông Thảo chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng túng không biết xử lý làm sao. Nếu liệng ra bên ngoài thì chết dân, liệng bên phải bên trái thì chết dàn thiếu nhi nhà thờ...
Phạm Ngọc Thảo lúc làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa - Ảnh: LIFE
Hành động của Phạm Ngọc Thảo tại Bến Tre như thả tù chính trị và khôn khéo lái các cuộc hành quân tảo thanh vào chỗ không người đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn lực lượng cách mạng, tạo điều kiện mở rộng cuộc Đồng khởi ở miền Nam. Nhưng đó là nhận định sau này, khi đã biết Phạm Ngọc Thảo là người của ta. Còn lúc đó, nhận định của Tỉnh ủy Bến Tre thì hoàn toàn ngược lại.
 
Ám sát ông Thảo là làm thiệt. Lựu đạn thối, có khả năng là có nội gián của địch trong công binh xưởng lúc kiểm tra lựu đạn
Chúng tôi đã gặp một trong hai người trực tiếp ném lựu đạn giết Phạm Ngọc Thảo. Đó là ông Đặng Quốc Tuấn (Sáu Tuấn), sau này là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, rồi làm Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bến Tre cho đến khi về hưu. Người kia là ông Ngô Văn Thiều đã qua đời.
Hôm đó là ngày Quốc khánh VNCH 26.10.1961, một cuộc mít tinh lớn biểu dương lực lượng được tổ chức tại Quảng trường An Hội, ngay đầu cầu Bến Tre 1 chợ Vườn Hoa bây giờ. Người giao nhiệm vụ là ông Hai Trung, Tỉnh ủy viên phụ trách Thị ủy. Nhiệm vụ ông Hai Trung giao trực tiếp cho ông Thiều, đã thoát ly, cùng 5 trái lựu đạn, 3 trái nội hóa, 2 trái MK2 của Mỹ. Ông Thiều giao nhiệm vụ lại cho ông Sáu Tuấn, lúc đó 17 tuổi, đang học đệ tam (lớp 10). Mỗi ông cầm 1 trái lựu đạn MK2, 3 trái kia để ở nhà ông Thiều. Ông Thiều đứng tại vị trí ngay trụ sở Báo Đồng Khởi bây giờ, còn ông Sáu Tuấn đứng cách 10 m. Theo hợp đồng, ông Thiều ném trước, ông Sáu Tuấn ném tiếp theo, ném xong chạy về tập kết tại nhà ông Thiều ở thị xã.
Ông Sáu Tuấn kể: “Sau khi ông Thảo đọc diễn văn, lúc đó khoảng 8 giờ 30, tới phần diễu hành. Tất cả quan khách đứng lên nhìn ra phía diễu hành. Ông Thiều liệng 1 trái, lựu đạn rơi cách ông Thảo 1,5 m, không thấy nổ, tôi liệng tiếp 1 trái cách ông Thảo 5 m rồi bỏ chạy, cũng không nổ luôn. Lúc đó bọn tôi bỏ chạy không để ý, sau giải phóng chị Nhiệm vợ ông Thảo về Bến Tre gặp chúng tôi có nói lại mới biết lúc đó ông Thảo chụp trái lựu đạn đang xì khói, lúng túng không biết xử lý làm sao. Nếu liệng ra bên ngoài thì chết dân, liệng bên phải bên trái thì chết dàn thiếu nhi nhà thờ. Đang không biết làm sao thì thấy khói dần dần mỏng ra, ổng biết lựu đạn lép, nên nắm chặt luôn. Tôi chưa biết ông Thiều bị bắt tại chỗ, nên chạy về nhà ông Thiều định lấy tiếp 3 trái còn lại. Rủi cho tôi, tại nhà ông Thiều đã có mật báo dẫn người lên ém, tôi đến bọn chúng giữ lại, chưa bắt ngay. Chúng vô nhà xét, lấy 3 trái lựu đạn và chiếc cặp da đi học tôi để ở nhà ông Thiều, vì cái cặp da có giấu cây súng trước đây tôi để trong cặp, nên tôi bị bắt, bị đánh tại chỗ. Tôi và ông Thiều bị giam riêng. Do không lường trước là bị bắt nên chưa thống nhất cách khai, vì vậy mỗi người nói một phách. 20 ngày sau, khi giam chung mới thống nhất lại”.
Sau khi bị bắt 1 tuần, ông Thảo có gặp hai ông. Lần đó, một cố vấn Mỹ thẩm vấn, ông Thảo làm phiên dịch. Hỏi: “Tại sao là học sinh mà đi ám sát tỉnh trưởng ngay tại ngày quốc khánh? Có phải cộng sản giao việc không? Ai là người giao việc?”. Trả lời: “Do chính quyền độc ác, đàn áp ức hiếp giết hại dân. Chúng tôi học tập gương của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học đứng lên đấu tranh, không liên quan gì tới cộng sản, không có ai giao việc cả”. Ông Thảo dịch như thế nào ông Sáu Tuấn không biết. Ông Thảo chỉ nói với hai ông: “Các em còn nhỏ, phải lo chuyện học hành, chính trị là chuyện của người lớn, sau này lớn lên muốn làm gì thì làm”. Lần thứ hai, ông Thảo đến hỏi thăm trước khi đưa về Chí Hòa.
Tháng 3 năm sau, Tòa án quân sự đặc biệt mở phiên tòa xử hai ông theo luật 10/59, một đại tá tên Khoa làm công tố. Do có sự vận động của phong trào yêu nước ở Sài Gòn, nên luật sư Trịnh Đình Thảo đến bào chữa cho hai ông. Tuy nhiên, hai ông tự cãi là chính. Hai ông tố cáo sự tàn bạo của chế độ và dõng dạc nói: “Tụi tôi không phải là Việt cộng, nhưng nếu như được Việt cộng tổ chức làm như vậy tụi tôi cũng tham gia”. Hai ông còn lên án phiên tòa vi phạm luật quốc tế, xử vị thành niên chưa tới 18 tuổi, đại tá Khoa rút gươm lệnh ra nói lớn: “18 tuổi là luật cộng sản, Việt Nam cộng hòa xử 13 tuổi”. Do những gì cần cãi hai ông đã tự cãi rồi, nên luật sư Trịnh Đình Thảo chỉ đề nghị khoan hồng.
Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng
Ông Đặng Quốc Tuấn
Hai ông bị kết án mỗi người 20 năm tù, đưa về Chí Hòa, sau đó đưa ra Côn Đảo, chung một chuyến với những người tù nổi tiếng Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư. Ngoài Côn Đảo, hai ông đấu tranh, chống chào cờ, được kết nạp Đảng trong tù. Năm 1965, sau khi ông Thảo bị sát hại, bỗng nhiên hai ông được đưa về Chí Hòa, lúc ấy anh em trong tù nhận định hai khả năng, hoặc là được thả hoặc tăng án lên tử hình. Lúc đó 2 ông đã chống chào cờ rồi, về Chí Hòa chúng chỉ yêu cầu hai ông chào cờ, nhưng hai ông dứt khoát không chịu, mà chống chào cờ là tự nhận là cộng sản, nên dù ông Thảo có là cộng sản đi chăng nữa thì tội của hai ông cũng không nhẹ đi được, do đó sau 20 ngày chúng đưa trở lại Côn Đảo. Ông Thiều được thả năm 1973, thoát ly lên chiến khu, sau giải phóng làm cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, qua đời năm 1984 vì bệnh. Còn ông Sáu Tuấn đến ngày giải phóng mới về.
Chúng tôi hỏi ông Sáu Tuấn: “Có phải 2 trái lựu đạn không nổ là do tổ chức bố trí để ám sát giả?”. Trả lời: “Không có chuyện đó. Ám sát ông Thảo là làm thiệt. Lựu đạn thối, có khả năng là có nội gián của địch trong công binh xưởng lúc kiểm tra lựu đạn. Sau này ta đã bắt được một ông. Làm cho lựu đạn không nổ rất đơn giản, chỉ cần nhúng sáp đèn cầy vào tim cháy chậm, khi giật lửa cháy lên khiến cho sáp chảy ra bít ngòi nổ”. Hỏi: “Tại sao Tỉnh ủy phải quyết giết ông Thảo?”. Trả lời: “Mãi sau này mới biết ông Thảo có công lớn, chứ theo nhận định của Tỉnh ủy lúc đó thì khi phong trào Đồng khởi đang lên mà ông Thảo lại thả tù, người mới bắt thì đối xử tử tế, gom vào sân vận động giải thích rồi cho về hết, làm nhụt ý chí chiến đấu của quần chúng. Đó là tên tỉnh trưởng mỵ dân rất nguy hiểm, cần phải trừ khử”.
Vì giết ông Thảo mà ông Sáu Tuấn ở tù 14 năm, 17 tuổi vào tù, ra tù 31 tuổi. Bà Phạm Thị Nhiệm thỉnh thoảng về nước đến Bến Tre thăm lại những kỷ niệm xưa, đều thăm ông Sáu Tuấn, bà nói: “Ngày xưa anh Thảo vẫn nhắc đến tụi mày”. Các con ông Thảo cũng có về. Ông Tuấn nói con ông Thảo một đứa sinh ở Bến Tre, một đứa khác vừa rồi về cưới vợ, nghe đâu ở An Giang.
 (Còn nữa)
Theo Hoàng Hải Vân/TNO

Huyền thoại Mười Thương (An Hòa & Gia Minh - Công An Thành Phố Hồ Chí Minh)

BÌNH YÊN CUỘC SỐNG  
 Huyền thoại Mười Thương
 Thứ năm, 26/04/2012 09:17 
 
Người ba lần ám sát Ngô Đình Diệm mang bí danh Mười Thương (tên thật là Phan Văn Điền) và đồng đội của ông -  những chiến sĩ biệt động, tình báo quả cảm. Đây là những thông tin lần đầu tiên được công bố.

PHÁT SÚNG TRÊN CAO NGUYÊN

Từ năm 1954 đến 1957, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Xứ ủy Nam kì thực hiện việc ngừng bắn, ai sử dụng súng sẽ bị kỉ luật. Thế nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn đàn áp, bắt bớ, bắn giết cán bộ cách mạng ở khắp nơi. Các lực lượng vũ trang của ta phải lui vào hoạt động bí mật. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam kì - chỉ đạo: “Đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để diệt địch bằng các tổ diệt ác, chứ không phải quân đội”.

Ban địch tình của Tỉnh ủy Tây Ninh ra đời trong hoàn cảnh này. Ông Lâm Kiểm Xếp (Năm Xếp) được cấp trên cử làm trưởng ban, phó ban là ông Nguyễn Thành Dương và ủy viên duy nhất chính là Mười Thương. Mười Thương được cấp trên giao cho hai khẩu súng, năm quả lựu đạn.

Trong một đêm tối trời, tại ấp Rỗng Tượng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm được vạch ra khi Diệm lên Buôn Mê Thuột dự hội chợ kinh tế cao nguyên. Nhiệm vụ cảm tử được giao cho Mười Thương (trước đó Mười Thương đã hai lần lập kế hoạch ám sát Diệm nhưng không thành, vào tháng 10 và Noel năm 1950).

“Chỉ được dùng súng bắn mục tiêu cố định”, Năm Xếp chỉ đạo.
Mãi sau này Mười Thương mới hiểu rằng cấp trên không cho ông sử dụng lựu đạn vì có thể làm chết nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo trong vai trò cố vấn của Ngô tổng thống.

Phương án của Mười Thương là hành động, hy sinh và bị bắt, chứ không thể thoát được. Hy sinh thì thôi nhưng nếu bị bắt, Mười Thương phải khai là do Dương Văn Minh - tư lệnh Biệt khu thủ đô, Nguyễn Hữu Châu - chủ nhiệm phủ tổng thống, là anh em cột chèo của Nhu (lấy Trần Lệ Thu, em ruột Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu) và Mai Văn Xuân - Giám đốc Nha an ninh quân đội... chỉ đạo ám sát. Tóm lại, phải khai là do bộ ba Mai - Dương - Nguyễn (họ của ba tướng ngụy).

Ông Mai Chí Thọ (khi đó là Phó ban địch tình Xứ ủy) dặn đi dặn lại Mười Thương là phải khai làm sao để Diệm bắt buộc “xử” một nhân vật đặc biệt nguy hiểm là Mai Văn Xuân. Trong phong trào Nam kì khởi nghĩa tại Hóc Môn, Xuân đã bắt chị Nguyễn Thị Minh Khai, xử tử tại ngã ba Giồng. Tại Sài Gòn, Xuân hai lần bắt hụt ông Mai Chí Thọ, khi đó còn là Phó bí thư thường trực Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Chính Xuân còn tổ chức vây bắt nhạc sĩ Xuân Hồng và rất khát máu đối với cộng sản. Nhiều đồng chí của ta đã phải dạt lên tận biên giới để hoạt động.

Ngày khai mạc hội chợ đến gần, Mười Thương và một nữ đồng chí là Nguyễn Thị Dân (Bảy Nhanh) bắt xe đò lên thủ phủ Tây nguyên. Bảy Nhanh có nhiệm vụ mang súng ngụy trang dọc đường và báo tin về cấp trên. Kế hoạch chuẩn bị đã xong, Mười Thương bảo Bảy Nhanh về trước vì nếu ở lại thì đồng chí này sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

Ngày 22-12-1957, Mười Thương vào hội chợ với giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí, một thương nhân Tây Ninh. Ông mặc áo sơ mi bên trong, bên ngoài mặc áo gió, che phủ khẩu tiểu liên đã được cưa báng hiệu MAT 47, có băng đạn 22 viên. Là kẻ háo danh, Đỗ Quang Công - Bộ trưởng canh nông - luôn theo sát tổng thống để được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng vào tối cùng ngày. Tới lúc chào cờ, Diệm đứng vào vị trí và người lính biệt động cảm tử áp sát mục tiêu.

Khi tên thượng sĩ an ninh quân đội to cao, đội mũ kê pi, đưa tay lên chào cờ, Mười Thương lập tức siết cò. Không ngờ đúng lúc ấy viên bộ trưởng canh nông chèn người tới bên cạnh tổng thống để được chụp ảnh nên viên đạn đi thẳng vào người hắn. Công gục xuống, Diệm ngoái đầu nhìn theo hướng súng nổ, mặt đỏ lựng. Tên thượng sĩ an ninh quân đội lập tức chụp tay Mười Thương nhưng không kịp. Di chuyển được vài mét, hơn 10 tên cảnh sát ngụy vây tròn, đè lên người Mười Thương. Vốn là dân biệt động, Mười Thương nhanh trí la lên: “Tao cho tụi bay chết bằng lựu đạn”. Cảnh sát ngụy đều nằm sấp xuống đất. Thừa cơ hội này, Mười Thương bỏ chạy nhưng bị bắt lại. Khẩu súng MAT 47 bị tịch thu.


Mười Thương bây giờ 
ĐỐI MẶT

Sau khi bị bắt tại hội chợ cao nguyên, Mười Thương bị đánh đập cả một ngày rồi bị đưa vào tiểu khu Buôn Mê Thuột để lấy cung. Trong phòng hỏi cung, đích thân Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Phạm Ngọc Thảo (cố vấn cho Diệm) tra hỏi. Lịch lãm, khôn ngoan, Phạm Ngọc Thảo phải tạo vỏ bọc của một kẻ thân Diệm - Nhu, có tội với cộng sản để thực thi nhiệm vụ. Nhằm qua mắt bọn chóp bu chính quyền và mật vụ có mặt trong phòng, Phạm Ngọc Thảo hất hàm hỏi Mười Thương:
- Ai chủ trương cho mày giết tổng thống?
- Thiếu tướng Mai Văn Xuân và Cao Đài liên minh.
- Còn ai nữa không?
- Dạ còn Dương Văn Minh và Nguyễn Hữu Châu.
- Tại sao mày giết tổng thống?
- Ngô Đình Diệm là kẻ ác nhất miền Nam, đem quân bao vây tòa thánh của chúng tôi, bắt bớ nhân dân và chiến sĩ Cao Đài; hành hạ, giết chết cố trung tướng Trịnh Minh Thế (bị Diệm mời về cộng tác rồi ám sát để trừ hậu họa - PV). Tôi giết Diệm để trả thù cho hộ pháp Phạm Công Tắc, người đứng đầu Cao Đài Tây Ninh (phải đào thoát sang Campuchia tháng 2-1956). Tôi giết Diệm để trả thù cho đạo giáo.
- Mày khai đạo Cao Đài, vậy thì mày học trường nào?
- Trường Lê Văn Trung.

Nghe đến đây, mặt Nhu biến sắc. Nhu ra lệnh tất cả sĩ quan có mặt trong phòng phải im lặng, không được tiết lộ chuyện động trời này ra ngoài. Theo lệnh Nhu, Tuyến lấy sổ ra ghi tên từng người vì hôm đó có mặt cả an ninh quân đội, phòng ngừa bọn chúng sẽ báo lại cho Xuân và Xuân sẽ trốn thoát.
Dù không hề biết Phạm Ngọc Thảo chính là người của cách mạng nhưng Mười Thương nhớ mãi ánh mắt đồng cảm, chia sẻ của ông. Linh tính cho Mười Thương biết Thảo là tình báo. Trong suốt cuộc hỏi cung, ngoài kiểu ăn to nói lớn của Thảo thì Mười Thương hiểu Thảo đang gợi mở câu chuyện để buộc tội cho nội bộ địch.

Hôm sau lên văn phòng Trưởng ty công an tại Buôn Mê Thuột, mới bước lên thềm thì Mười Thương đã thấy một tướng ngụy chờ sẵn. “Mày ngồi đó” - y hét. Nhìn lên bảng tên người vừa ra lệnh, Mười Thương mới biết đó là... Mai Văn Xuân!

Đẩy tấm hình 4x6cm về phía Mười Thương, Xuân quát:
- Mày khai là Cao Đài, vậy mày có biết hình ai đây không?
- Đó là thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh, em giáo chủ Cao Đài Trịnh Minh Thế - Mười Thương nói một hơi theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn. “Mình khai ở đạo Cao Đài, nó đưa hai sĩ quan rành về Cao Đài nhất để hỏi cung. Cũng may là mình biết, chứ không là no đòn” - Mười Thương nghĩ bụng.

12 giờ đêm hôm trước, trung tá Tạ Thành Long - phủ Đặc ủy trung ương tình báo - cũng đến hỏi cung Mười Thương. Long là thầy dạy lớp 2 cho Mười Thương (12 tuổi, Mười Thương mới đi học) ở đạo Cao Đài năm xưa. Năm 1953, Bộ Giáo dục ngụy bắt giáo viên đi lính, trong đó có Long rồi từ đó Long mất hút. “Ổng không biết tôi, nhưng tôi biết ổng. Chắc ổng không nhớ đứa học trò hồi đó giờ lại làm cách mạng” - Mười Thương tự nhủ.

Mười giờ sáng hôm sau, địch đưa Mười Thương lên máy bay về Sài Gòn. Trên máy bay, ông thấy nhiều sĩ quan gồm: Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Văn Xuân... Về đến trụ sở địch đóng gần Sở thú (nay là Thảo Cầm Viên), chúng đánh đập người chiến sĩ cách mạng với màn tra khảo gọi là “liên hoàn thẩm vấn” với bốn êkíp, mỗi êkíp có ba tên mật vụ (một ghi cung, hai tên tra tấn). Êkíp đầu tiên đấm đá túi bụi. Tiếp theo là màn đổ nước, chúng đổ nước có pha ớt bột, chất tẩy bồn cầu vào miệng tù nhân. Màn thứ ba là tra tấn bằng điện. Kết thúc bằng kiểu bắt đứng đèn. Mười Thương bị hai bóng đèn 500W chiếu thẳng vào mắt. Nếu phản ứng sẽ bị đánh nhừ tử. Khi đó, ông lấy tay sờ tóc thì phải rút lại vì quá nóng. Suốt thời gian này, địch không cho Mười Thương ăn, uống, ngủ. Không thể chết khát, Mười Thương giả vờ đi toilet để hứng nước tiểu uống nhưng cũng bị phát hiện, đá văng. Tra tấn suốt một tháng ba ngày, địch kết thúc hồ sơ. Năm 1962, ông được đưa về giam tại Tổng nha Cảnh sát.

Về phần nội bộ địch, Diệm thẳng tay trừng trị các tướng lĩnh. Dương Văn Minh, tư lệnh Biệt khu thủ đô bị điều về làm Tổng thư kí Bộ Quốc phòng, tướng cầm quân thành không quân. Nguyễn Hữu Châu - Bộ trưởng, chủ nhiệm phủ tổng thống, là anh em cột chèo của Diệm - phải trốn sang phương Tây. Mai Hữu Xuân đi làm đại sứ tại Philippines. Năm 1963, bộ ba Dô-Xu-Ki (tức Trần Văn Đôn, Mai Văn Xuân, Nguyễn Cao Kỳ) làm đảo chính, bắn chết Diệm - Nhu. Vợ Nhu là Trần Lệ Xuân dẫn bốn đứa con (hai trai, hai gái) trốn ra nước ngoài. Cách đây vài ngày, con út của Ngô Đình Nhu là Ngô Thị Lệ Quyên, 53 tuổi, chết do tai nạn giao thông. Vài năm trước, một người con gái của Nhu cũng chết vì tai nạn giao thông tại Pháp.

Tháng 8-1963, ông được đưa ra Tòa án quân sự đặc biệt của vùng 3 chiến thuật để xét xử, nếu bị án tử sẽ đưa về quê hương để thi hành, nhằm trấn áp phong trào cách mạng. Trước đó, một đồng chí của Mười Thương là Hoàng Lệ Kha đã bị địch hành quyết ở Tây Ninh. Khi bị dẫn giải ra tòa, Mười Thương không hề biết đây là phiên xét xử dành riêng cho ông.

Kết thúc phiên tòa, Mười Thương được đưa về biệt giam. Ông bị nhốt chung với các đồng chí: Võ Văn Tuấn - Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, Hoàng Tam Kỳ - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Lê Minh Quới - thư kí đồng chí Lê Duẩn... Qua đồng đội, Mười Thương mới biết Tòa án quân sự đặc biệt vừa xử ông và kết án tử hình.

Năm 1963, Diệm - Nhu bị đảo chính nhưng gia đình này vẫn còn mạnh. Chúng gọi Trần Thiện Kim - Tư lệnh QK4 - về giải vây.

CHUYỆN TÌNH NGƯỜI TỬ TÙ

Giữa thời chiến mịt mù khói thuốc của đạn pháo, bom mìn..., chuyện tình yêu của Mười Thương vẫn ngời sáng như một vẻ đẹp lãng mạn của tinh thần cách mạng kiên cường. Tình yêu của ông bắt đầu từ buồng biệt giam.

Đầu năm 1964, địch đưa Mười Thương về Trung tâm thẩm vấn của Tổng nha Cảnh sát tiếp tục tra tấn dã man nhưng chỉ nhận được sự im lặng.

Mười Thương bị giam tại phòng số 10, buồng biệt giam, Tổng nha Cảnh sát. Ông là phạm nhân số 1, bọn cai tù có 10 điều quy định với riêng ông: chìa khóa buồng giam do đích thân giám đốc Trung tâm thẩm vấn giữ, không để tử tù tự tử, cấm cai tù nói chuyện với phạm nhân; phạm nhân cần gì, giám đốc thẩm vấn trực tiếp xuống...

Cách đó không xa là buồng số 8 giam tám nữ sinh viên. Cô gái có tên là Nguyễn Kim Hưng lúc đó chỉ mới 16 tuổi, quê ở huyện Đức Hòa, Long An, bị giam chung với Phan Thị Hồng - vợ ông Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội). Bị bắt cùng đợt đó còn có Lê Quang Vịnh, Nguyễn Hồng Tư...

Cứ nghe tiếng mở cửa buồng biệt giam, Mười Thương lại thừa biết bọn cai tù đang mang các nữ đồng chí ra để tra khảo. Khi thấy những thân hình tiều tụy của các nữ sinh viên trở về phòng, ông và đồng đội lại đứng sau song sắt, ngay cạnh hành lang để cổ vũ, động viên. Với riêng Kim Hưng, đôi mắt Mười Thương sáng rực. Đã bao lần hai người chỉ kịp nhìn thấy nhau trong vài giây rồi mất hút giữa vòng vây của cai tù.

Một ngày nọ, cai ngục đưa các cô gái đi giam ở nơi khác, Mười Thương thấy thiếu vắng đi nụ cười, ánh mắt của cô gái tên Hưng. Ông biết ông đã yêu từ dạo đó.

Thời gian như thoi đưa, khi ra chiến khu, Mười Thương lại tình cờ gặp lại cô gái mà ông đã thầm thương trộm nhớ. Kim Hưng hỏi Mười Thương: “Anh ra hồi nào?”. Hai người tay bắt mặt mừng. Khi họ biết không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời này thì đám cưới của họ được tổ chức đơn sơ, giản dị... Đến bây giờ, vợ Mười Thương vẫn bẽn lẽn bên chồng: “Ngày đó nghe anh hát hay quá. Em mang theo những bài ca cách mạng do anh hát vào cả giấc mơ”.

RẠNG NGỜI HẠNH PHÚC 

Gia đình ông có năm người con, “nếp, tẻ” đầy đủ, hiện công tác tại: Hải quan TP.Hồ Chí Minh, Công an Tây Ninh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh... “Tôi không xin xỏ công việc cho các con, các con đều phải tự vận động như bao người khác” - Mười Thương nói. Thấy khách lạ, những đứa cháu ngoại của ông vòng tay lễ phép chào chúng tôi.

Vợ ông là thượng tá, nguyên Trưởng phòng công tác chính trị Công an tỉnh Tây Ninh, bí danh đi cách mạng là Triệu Nhã Nam, cựu học sinh trường Gia Long, quê ở huyện Đức Hòa, Long An. Còn Mười Thương thì công tác tại công an tỉnh đến năm 1989, dù đến tuổi về hưu nhưng Tỉnh ủy Tây Ninh vẫn giữ lại, phân công ông làm Phó ban Nội chính Tỉnh ủy rồi Trưởng ban Tôn giáo. Năm 1999, ông nghỉ hưu và sống cùng gia đình.

Cách đây bốn năm, trong một lần chở vợ đi công việc, vợ chồng ông bị tai nạn giao thông. Suốt từ ngày đó đến nay, Mười Thương phải săn sóc, mát-xa, đút cơm cho vợ mỗi ngày. “Sau khi về hưu, chú đã dẫn vợ và gia đình đi thăm thú nhiều nơi trong cả nước. Chú vẫn còn nợ thím hai chuyến đi đảo Lý Sơn và Phú Quốc vì chưa kịp đi thì thím bị tai nạn” - Mười Thương tâm sự. Tôi nhìn khóe mắt ông có gì đó cay cay. Thương cha mẹ vất vả, cô con gái của ông đã xin nghỉ việc ở Đại học Y dược TPHCM để về quê công tác, tiện chăm sóc mẹ.

Trong lần Ban tử tù miền Nam ra Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao thư kí riêng đón tiếp gia đình Mười Thương tại nhà riêng. “Hồi giờ bác Giáp chưa chụp hình chung với một gia đình nào cả” - vị thư kí nói. Tuy nhiên, khi vào phòng khách thì bác Giáp ra hiệu cho cả gia đình Mười Thương cùng chụp hình chung.

Giờ đã về hưu nhưng các cuộc họp ở tỉnh không bao giờ thiếu ông. “Sáng nay, chú mới đi họp với Tỉnh ủy về Nghị quyết Trung ương 4” - ông khoe bằng giọng hồ hởi. Trong căn nhà lồng lộng gió, Mười Thương hào hùng, rực lửa như thời ông đi cách mạng. Tuổi xế chiều, người lính biệt động năm nào vẫn khỏe mạnh, duy chỉ có một chân của ông đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Trở mùa là chân ông bị giật, phải uống thuốc của Ban bảo vệ sức khỏe.

Chúng tôi nhìn ông với ánh mắt thán phục và nguyện ước cho ông cùng gia đình được sức khỏe dồi dào để truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những ký ức không thể phai nhạt. 
 
 AN HÒA - GIA MINH