Phát súng trên cao nguyên nhằm vào Ngô Đình Diệm – Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn của người chiến sĩ cách mạng vào ngày 22/2/1957 đã đi qua hơn năm thập kỷ, nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi. Người chiến sĩ đó là người tử tù không số, nhân chứng lịch sử của những ngày cả miền Nam sục sôi phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang diệt ác để bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, đòi kẻ thù nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Genève- Mười Thương.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt lúc 13 tuổi
Mười Thương tên thật là Phan Văn Điền, quê ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc- Nghệ An. Ông sinh ngày 18/8/1935 trong những năm tháng phong trào cách mạng đang sục sôi ở Nghệ An. Cha ông hy sinh trong đợt binh biến Đô Lương tháng 1/1941 khi ông vừa 6 tuổi. Năm 1945, ông bị lính Nhật bắt đưa vào miền Nam và bỏ lại ở Bà Rịa -Vũng Tàu. Ông đã tìm đến ở thuê cho một gia đình khá giả trong vùng. Được một năm, ông đã trốn đi theo kháng chiến khi vừa 10 tuổi.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông còn có nhiều tên gọi khác nhau như Đinh Dũng, Phạm Công Phú, Hà Minh Trí, Triệu Thiên Thương.
|
Phan Văn Điền và bà Nhã Nam (vợ) ra thăm Đại tướng Võ Nghuyên Giáp năm 1995 |
Tháng 8/1948, lúc đang là nhân viên Ban quân báo tỉnh Bà Rịa, thấy ông còn nhỏ nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát và rất gan dạ nên 3 đồng chí gồm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh Hứa Văn Yến, Trưởng ban quân báo tỉnh Nguyễn Văn Bản, Trưởng ty Công an tỉnh Bà Rịa -Ba Thiên họp chung, giao nhiệm vụ đặc biệt cho ông là vào đồn Cao Đài ở ngã ba Bờ Đập (nằm giữa 3 xã Long Tân, Long Mỹ và Phước Hải, thuộc huyện Đất Đỏ và Long Điền của tỉnh Bà Rịa). Đây là vùng căn cứ kháng chiến của ta.
Phan Văn Điền được giao nhiệm vụ làm liên lạc đặc biệt giữa lãnh đạo kháng chiến tỉnh với thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn (Trưởng đồn Bờ Đập) - người đã chấp nhận sẽ kéo hết Đại đội quân Cao Đài của đồn ra với kháng chiến để đánh Tây.
Nhiệm vụ thứ hai của ông là điều tra quân báo đồn Bờ Đập và các đồn đóng bao quanh vùng căn cứ kháng chiến, như đồn Phước Hả, đồn Nước Ngọt và đồn Ngã ba Lò Vôi để phục vụ cho việc tấn công tiêu diệt chúng sau khi quân Cao Đài đồn Bờ Đập kéo ra theo kháng chiến.
Nhận nhiệm vụ vào đồn được 2 tháng, với trí thông minh của mình, Phan Văn Điền đã hoàn thành việc điều tra quân báo và vẽ xong sơ đồ bố trí của các đồn. Thời gian này tên đồn phó đã bắt đầu nghi ngờ, hắn đã mật báo cho đệ nhị phòng Pháp tỉnh Bà Rịa. Pháp báo cho bộ tham mưu quân đội Cao Đài ở Tây Ninh.
Bộ tham mưa quân đội Cao Đài ở Tây Ninh lập tức ra lệnh bắt cả thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn và Phan Văn Điền về Tòa Thánh Cao đài Tây Ninh. Sau hơn một tháng bị đánh đập, tra hỏi hết sức đau đớn nhưng cậu bé 14 tuổi vẫn kiên quyết khai như vỏ bọc ngụy trang từ đầu là “Trẻ mồ côi ở đợ chăn trâu ở ngoài đồng, gần đồn. Ông Chẩn dẫn quân tuần tra thấy bắt đem vào đồn. Biết tôi mồ côi nên giữ lại trong đồn để làm tạp dịch phục vụ bưng trà nước, giặt quần áo cho ông”.
|
Anh hùng LLVTND Phan Văn Điền, nguời mặc áo đen, cùng với ông Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương -người bạn tù của ông. |
Thiếu úy Chẩn thì cãi lại bọn điều tra: “Tên đồn phó tham ô bị Chẩn kỷ luật, thù oán Chẩn nên bịa chuyện báo lén cho Tây, báo lại cho quân đội Cao Đài, chớ gia đình tôi là đạo dòng (cha, mẹ đều lễ sanh). Anh ruột là trung tá Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây, làm sao lại đi theo Việt Minh được”.
Một điều may mắn không chỉ cho ông Chẩn mà còn cả cho ông Điền, đó là Phạm Ngọc Trấn, Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Tây lại là thầy dạy học trước kia của Trịnh Minh Thế (Tư lệnh quân đội Cao Đài miền Đông). Vì mối quan hệ đó và nể tình đồng nghiệp, Trịnh Minh Thế đã ra lệnh thả cả Chẩn và Phan Văn Điền. Từ đó, Phan Văn Điền mặc nhiên được ở trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài. Hàng ngày ông nắm được rất nhiều tin tức qua mối quan hệ tiếp xúc giữa Phạm Ngọc Trấn với nhiều sĩ quan và chức sắc cao cấp của Cao Đài.
Ở trong một gia đình sĩ quan cao cấp Cao Đài với một vỏ bọc rất tốt, nhưng Phan Văn Điền luôn đáu đáu trong lòng là làm sao để liên lạc được với cách mạng bên ngoài. Đến năm 1949, Phan Văn Điền bắt liên lạc được với Công an huyện Châu Thành -Tây Ninh qua một gia đình cơ sở công an ở thị xã Tây Ninh.
Thấy vị trí của ông đang ở rất tốt, nên lãnh đạo Công an huyện động viên Phan Văn Điền tiếp tục làm tốt vai trò em nuôi trong gia đình Phạm Ngọc Trấn, để thu thập thông tin về tình hình nội bộ Cao Đài và các mối quan hệ giữa Cao Đài với Pháp và ngụy quyền.
|
Anh hùng LLVTND Phan văn Điền -hàng đầu, bìa phải gặp mặt các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày |
Giữa năm 1953, ông bị đệ nhị Phòng Cao Đài nghi ngờ theo dõi. Biết bị lộ, Công an huyện Châu Thành quyết định rút ông ra căn cứ. Năm 1954, Hiệp định Genève ký kết, tiễn đồng đội ra miền Bắc, ông được chọn ở lại trong ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh để tiếp tục bám địa bàn hoạt động.
Những năm sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, trả thù những người kháng chiến. Chúng đánh phá hành loạt tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng, bắn giết, bắt bớ tù đày hàng loạt cán bộ, đảng viên và gia đình có con em đi tập kết ra Bắc. Đàn áp các tôn giáo, đảng phái đối lập, gây ra vô vàn đau thương, tang tóc cho nhân dân miền Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng.
Trước tình hình đó, đảng viên và quần chúng khắp nơi sục sôi căm thù Mỹ, Diệm; yêu cầu Đảng cho phép vũ trang diệt ác để bảo vệ tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng và bảo vệ phong trào đòi đấu tranh của nhân dân đòi địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève.
Từ thực tiễn bức xúc đó, Xứ ủy Nam Bộ đã đề ra “Đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam”. Chủ trương đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang diệt ác để bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng của quần chúng, từng bước đưa phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển lên cao trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
**
Trong chặng đường hoạt động cách mạng hơn nửa thế kỷ, từ năm 1946 cho đến lúc nghỉ hưu năm 1998, ông Phan Văn Điền đã trải qua nhiều công việc khác nhau, phải chịu không biết bao nhiêu gian khổ, tù đày, thương tật.
Nhiều lần thoát khỏi hiểm nghèo khi cái chết chỉ còn trong gang tấc, song điều làm ông nhớ nhất vẫn là những kỷ niệm về nhiệm vụ diệt Ngô Đình Diệm, Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn.
Những năm 50, Mỹ và Ngô Đình Diệm tăng cường các hoạt động khủng bố. Trước thực tiễn bức xúc đó, tháng 9/1955, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo Ban địch tình Tỉnh uỷ tổ chức đội vũ trang diệt ác. Phan Văn Điền làm đội trưởng và xác định Ngô Đình Diệm là tên ác ôn nhất cần phải diệt.
Ngày 20/10/1956, tại căn cứ ở Ấp Rổng Tượng-Gò Dầu-Tây Ninh, Phan Văn Điền được đồng chí Lâm Kiểm Xếp (Năm Xếp), Trưởng ban địch tình Tỉnh ủy Tây Ninh, giao nhiệm vụ tổ chức diệt Ngô Đình Diệm vào dịp Diệm lên toà Thánh Tây Ninh (10/1956) để ký kết Thoả ước Bính Thân với Cao Đài Tây Ninh. Do thời gian quá gấp rút, lại chưa nắm được kế hoạch cụ thể chuyến đi của Diệm, nên phương án diệt Diệm lần này không thành.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm Anh hùng LLVT Phan Văn Điền |
Nắm được thông lệ đã 2 năm (1954, 1955) cứ vào 12h đêm 24/12, Diệm đều đến Nhà thờ Đức Bà dự lễ mừng “Thiên chúa giáng sinh”. Hơn nữa, trong số cán bộ của Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh có anh Lê Văn Cửu đã được cài vào làm phiên dịch trong cơ quan Viện trợ Mỹ, đã tạo được mối quan hệ với nhiều quan chức cao cấp nguỵ quyền, đều là người theo đạo Thiên Chúa giáo. Anh đuợc những tên này thường mời đi dự lễ Noel, nhằm bắc cầu làm thân với cố vấn Mỹ.
Tháng 12/1956, Phan Văn Điền đề xuất với cấp trên kế hoạch diệt Ngô Đình Diệm tại Nhà thờ Đức Bà vào đêm Noel, 24/12/1956.
Đêm Noel năm 1956, Lê Văn Cửu và Phan Văn Điền mỗi người một súng ngắn đã có mặt tại nhà thờ Đức Bà cùng với một số “quan chức” bạn của Cửu. Ông đã vào được bên trong nhà thờ và quỳ cách hàng ghế dành cho gia đình Diệm –Nhu 9 hàng (12m).
Bên ngoài, 2 chiến sĩ Phan Văn Phát và Nguyễn Văn Tám đứng ở 2 nơi có bình biến điện quanh nhà thờ, đợi súng nổ sẽ cúp điện và ném lựu đạn khói vào bên ngoài tạo hoảng loạn và bóng tối để 4 người thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Tất cả đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu.
Đồng hồ điểm 24h, Tổng Giám mục rung chuông bắt đầu buổi lễ vẫn không thấy Diệm xuất hiện, kế hoạch không thành. Hôm sau qua báo chí mới biết Ngô Đình Diệm đã đến dự lễ cầu nguyện cùng với giáo dân tại “Khu trù mật Đức Huệ – Long An”. Phan Văn Điền tức anh ách.
Phát súng trên cao nguyên
Sau 2 lần diệt Diệm không thành, Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo tiếp tục theo dõi nắm tình hình di chuyển, hoạt động của Diệm. Tháng 2/1957, cơ sở của Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh ở Bộ Thông tin nguỵ quyền do Phan Văn Điền phụ trách cho biết: “Hội chợ kinh tế cao nguyên dự kiến khai mạc vào 22/2/1957, Diệm –Nhu sẽ lên cắt băng khánh thành và đọc diễn văn khai mạc”.
Phan Văn Điền đã báo cáo cấp trên xin thực hiện kế hoạch diệt Ngô Đình Diệm. Cấp trên lo lắng vì “quá xa xôi và không phải là địa bàn của ta, cơ sở không có, địa bàn không rành”. Nhưng Phan Văn điền vẫn quyết tâm vì ở đó có Trung đoàn 60 ngụy quân đóng giữ. Gốc đơn vị này là lực lượng Cao Đài liên minh của Trịnh Minh Thế kéo ra theo Diệm, sau khi Trịnh Minh Thế bị diệm –Nhu sát hại.
|
Anh hùng LLVTND Phan văn Điền -hàng đầu, bìa phải gặp mặt các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày |
Trung đoàn này do Nguyễn Công Trứ làm Trung đoàn trưởng, có vợ ở Thanh Phước, Gò Dầu- Tây Ninh. Trong Trung đoàn còn có 2 trung sĩ tên Theo và Đức quê ở Cẩm Giang –Gò Dầu, Tây Ninh. Khi còn là thiếu sinh quân Cao Đài, ông đã từng tiếp cận, chơi thân. Trong Nha Công dân vụ và Nha thông tin Nam Việt đều có người của ta do ông trực tiếp cài vào đầu năm 1955.
Với những lợi thế này, cấp trên đã quyết định cho ông đi Ban Mê Thuột nghiên cứu lập kế hoạch diệt Diệm. Sau 2 lần lên Ban Mê Thuột gặp cơ sở và những người quen cũ trong Trung đoàn 60 và nắm bắt tình hình, Phan Văn Điền đã hoàn thành sơ đồ vị trí các đồn bót, giao cho cô Nhung - cơ sở của ta trong Nha Công dân vụ - chuẩn bị nhà trọ, huy hiệu, thư mời để vào dự hội chợ và tìm mọi cách để tham gia đoàn văn nghệ phục vụ hội chợ.
Về Tây Ninh, Phan Văn Điền xây dựng kế hoạch hành động trình lãnh đạo. Sau khi thống nhất kế hoạch diệt Ngô Đình Diệm, đồng chí Năm Xếp, Trưởng Ban địch tình và đồng chí Tư Mừng, Bí thư Chi bộ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phan Văn Điền cùng một khẩu súng tiểu liên MAT.49 (loại mi bá rút của Mỹ) và một hộp đạn.
Ông phải trèo xuống giếng sâu bắn thử đạn cho khỏi bị lộ. 10 viên nổ giòn cả 10. Súng được tháo bá sắt ra để khi vào hội chợ cột dây dù vào cho dễ đeo, địch khó phát hiện. Theo kế hoạch, súng được đeo sát nách bên phải, lên cơ bẩm sẵn, khi bắn chỉ cần lòn tay vào đẩy băng đạn vào ổ đạn, nâng súng lên nhắm mục tiếu bóp cò.
Mục tiêu từ ngực trên trở lên đầu, vì từ ngực xuống bàng quang, Diệm có mang áo giáp chống đạn. Sau nhiều lần tập dượt phuơng án thuần thục, các đồng chí lãnh đạo động viên, ông cũng xác định rõ tư tưởng: đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm, nếu không hy sinh thì cũng bị bắt, nhưng Phan Văn Điền không hề chùn bước.
17h chiều 21/2/1957, Phan Văn Điền với giấy căn cước mang tên Hà Minh Trí cùng Nguyễn Thị Vân (cán bộ giao liên), người được giao nhiệm vụ mang vũ khí giấu vào vali, khởi hành trên chuyến xe khách Sài Gòn – Ban Mê Thuột. 6h sáng 22/2 đến nơi, 2 người vào nhà trọ.
Hà Minh Trí khẩn trương kiểm tra súng, đóng băng đạn nạp sẵn 22 viên vào ổ đạn, lên cơ bẩm, khoá chốt an toàn, gấp băng đạn xuôi theo súng và đeo vào sát nách. Nguyễn Thị Vân chần chừ muốn ở lại để biết kết quả về báo cho lãnh đạo, nhưng Hà Minh Trí lo an nguy cho đồng đội nên cương quyết:. “Nhiệm vụ cô đã hoàn thành, cô hãy trở về Tây Ninh, kết quả như thế nào thì ngày mai báo chí đưa tin tất cả đều biết”. Cô Vân lên xe trở về Tây Ninh. Hà Minh Trí áo sơ mi trắng thắt cà vạt, quần gabardin xanh mặc áo blouson rảo bước đến hội chợ kinh tế cao nguyên.
Cửa chính và cửa phụ vào trung tâm hội chợ dày đặc các lực lượng an ninh, cảnh sát của địch. Ông nghĩ nếu không lọt được những đôi mắt cú vọ, chúng phát hiện ra vũ khí thì không còn cơ hội giết Diệm. Thời gian khai mạc hội chợ đã đến gần, loa phóng thanh đã phát “Máy bay Tổng thống đã bay trên bầu trời Buôn Mê Thuột”. Ông lại càng nóng ruột và đã mưu trí đánh lừa các toán quân cảnh và an ninh quân đội, lọt vào khu trung tâm của hội chợ qua chỗ hàng rào hở phía sau trung tâm, giáp với Trung đoàn 60.
Tiếp cận sát mục tiêu giữa hàng ngàn đôi mắt soi mói dày đặc của bọn cảnh sát, tình báo, an ninh quân đội, bảo an, quân cảnh vòng trong vòng ngoài, Hà Minh Trí đứng bên cạnh một tên thượng sĩ an ninh quân đội Việt Nam cộng hòa to cao, 2 mắt đảo liên tục.
Giờ “G” đã điểm, đúng 8h, tên sĩ quan hành lễ hô: “nghiêm! nhìn cờ –chào!”. Tất cả đều nhìn lên cờ thì cũng là lúc Hà Minh Trí nâng súng lên từ phía sau ngực trái của Diệm bóp cò. Kẹt đạn, súng chỉ nổ một viên, tên Đỗ Quang Công –Bộ trưởng Bộ Canh nông vừa nhích qua sau lưng Diệm đã hứng đạn thay Diệm. Quân nhạc im bặt, cả lễ đài nhốn nháo, hoảng loạn, bọn cận vệ cõng Diệm tháo chạy. Hà Minh Trí bị địch bắt.
Đánh địch bằng đòn ly gián
Điều vẫn làm cho ông nuối tiếc, day dứt đến bây giờ là Diệm không chết. Ông nói: “Nếu như tên Bộ trưởng Bộ Canh nông không háo danh, muốn xích đứng gần vào Tổng thống Ngô đình Diệm để được báo chí chụp hình thì viên đạn đi thẳng vào tim của Diệm”.
Mặc dù vậy, Hà Minh Trí vẫn thành công trong việc thực hiện phương án 2 nếu bị địch bắt, mà trước lúc lên đường đồng chí Năm Xếp còn nhấn mạnh “Nội bộ địch càng mâu thuẫn cắn xé nhau thì càng có lợi cho cách mạng. Nếu không bị hy sinh mà bị bắt, chú phải vận dụng vốn hiểu biết về Cao Đài và sự đánh giá của Đảng về mâu thuẫn Pháp – Mỹ và mâu thuẫn giữa tay sai của chúng để thực hiện việc khai ly gián nội bộ chúng”.
Chính nhận thức sâu sắc vấn đề, kết hợp với trí thông minh, nhạy bén, cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Mười Hương (Trần Quốc Hương), người chiến sĩ tình báo tài ba mà Hà Minh Trí- bị kết án tử hình bí mật vẫn được sớm ra tù để tiếp tục hoạt động.
**
Sau khi bị bắt, chúng đưa ông vào đánh đập, điều tra ngay tại Buôn Mê Thuột. Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến và viên sĩ quan biệt bộ Phủ Tổng thống (Phạm Ngọc Thảo –tình báo của ta) cũng theo vào điều tra.
Chúng hỏi “Ai tổ chức anh ám sát Tổng thống?”. Với kế hoạch đánh địch bằng đòn li gián, Hà Minh Trí trả lời “Thiếu tướng Mai Hữu Xuân và Cao Đài liên minh ở Tây Ninh”. Thiếu tướng Mai Hữu Xuân lúc này đang là Giám đốc Nha an ninh quân đội ngụy. Ngô Đình Nhu đã ra lệnh “tất cả những người có mặt ở đây, phải tuyệt đối giữ bí mật tin này”.
Để kiểm tra xem Hà Minh Trí có đúng là Cao Đài hay không, chúng đã đưa Tạ Thành Long –trung tá Phủ đặc ủy Trung ương tình báo ngụy ở Sài Gòn lên hỏi cung Hà Minh Trí. Vì ông này trước đây vốn là thầy giáo dạy đạo đức học đường ở Tòa Thánh Tây Ninh, Hà Minh Trí đã nhận ra ông đã dạy mình lúc còn đi học lớp 2 (năm 1950).
Tạ Thành Long hỏi “Mày khai Cao Đài, vậy mày có học trường đạo Lê Văn Trung hay đạo đức học đường không? Ban giám đốc các trường đó là ai?” Hà Minh Trí đã trả lời vanh vách. Nghe xong, ông Long không còn hỏi gì nữa đứng dậy đi ra.
Hôm sau, chúng đưa tướng Mai Hữu Xuân vào điều tra Hà Minh Trí. Mai Hữu Xuân hỏi “Mày khai Cao Đài, vậy mày biết người này không?” Vừa hỏi, hắn vừa móc trong túi ra một tấm ảnh 4x6.
Hà Minh Trí nhìn tấm ảnh trả lời “Đây là thiếu tướng Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tư lệnh quân đội quốc gia liên minh, em rể của cố trung tướng Trịnh Minh Thế. Ông Mạnh lấy chị Trịnh Thị Nhan, em gái của cố Trung tướng, nhà ở Cẩm Giang”. Mai Hữu Xuân bỏ tấm ảnh vào túi và đứng dậy đi luôn.
|
Nhà của Anh hùng LLVT Phan văn Điền (Mười Thương) |
Sau đó chúng còng tay, bịt mắt đưa Hà Minh Trí ra sân bay về Sài Gòn. Chúng đưa ông đến trụ sở đặc biệt của mật vụ Phủ Tổng thống ngụy để tra tấn hỏi cung. Cho đến năm 1958, chúng đưa Hà Minh Trí về Trại giam Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn. Hà Minh Trí được giam ở phòng số 10, phòng đặc biệt luôn có 3 tên lính đứng gác.
Mặc dù bị đánh đập, tra tấn suốt ngày đêm với những chiêu độc ác hết sức dã man, đầu óc của Hà Minh Trí luôn căng ra để trả lời những câu hỏi cung của địch nhằm làm li gián kẻ thù, có lợi cho cách mạng. Dù bị đòn roi, tra tấn chết đi sống lại nhưng ông vẫn hát. Hà Minh Trí không phải hát cho mình, mà hát để động viên những bạn tù ở phòng khác bị đưa đi điều tra, tra tấn trở về phòng.
Tiếng hát của Hà Minh Trí đã cũng cố thêm tinh thần và ý chí cách mạng của những chiến sĩ khác như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư và những nữ sinh trường Gia Long bị bắt trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Tiếng hát đầy ý chí và tình thương nên mọi người gọi Hà Minh Trí bằng tên Thương. Ở phòng giam số 10 nên gọi là Mười Thương. Và từ đó đến nay, cái tên Mười Thương đã trở thành tên thường gọi thân mật.
Tháng 8/1962, chúng đưa ra tòa án xét xử kín Mười Thương, do tên đại tá Khoa- Chánh án Tòa án quân sự đặc biệt trực tiếp xét xử. Chúng hỏi “Tại sao anh giết Tổng thống?”. Mười Thương trả lời “Ngô Đình Diệm là kẻ ác nhất miền Nam. Kéo về Tây Ninh bao vây định bắt trung tướng Trịnh Minh Thế và đàn áp Cao đài. Ngô Đình Diệm càn quét dân chúng miền Nam. Tôi giết một con mèo độc để cứu vạn con chuột”. Mười Thương bị tuyên án tử hình.
Tháng 10/1963, chúng quyết định đày Mười Thương đi Côn Đảo cùng 41 đồng chí khác bị chúng tuyên án tử hình theo luật 10/59. Trước khi đi, ông có bài thơ khắc trên chiếc can nhựa tặng cho người bạn tử tù Võ Duy Quang tại khám Chí Hòa: “Đêm lui, nắng đã ửng rồi/Cành sai trái ngọt, rộng trời cờ sao/Vườn xuân đỏ rực hoa đào/Chim hồng tung cánh bay vào bình minh”.
|
Anh hùng LLVT Phan Văn Điền vừa vượt qua cơn bạo bệnh |
Ý chí, tinh thần đấu tranh bất khuất của người cộng sản trẻ tuổi không chỉ làm cho giặc nao núng, mà còn rung động trái tim của cô nữ sinh Gia Long- người bạn tù trong phong trào đấu tranh của sinh viên. Mối tình đẹp như trong huyền thoại giữa Mười Thương và Nguyễn Kim Hưng (Nhã Nam), người vợ thuỷ chung của ông, đến tận bây giờ đã làm biết bao nhiêu người xúc động.
Năm 1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính, nhiều người ở Côn Đảo được thả ra. Đầu năm 1964, sau vụ Nguyễn Khánh làm đảo chính, ông được giải về đất liền nhưng vẫn đưa tiếp vào trại giam. Tại đây, Hà Minh Trí được gặp Trần Quốc Hương (Mười Hương), Nguyễn Đình Quảng (Minh Vân) từ trại giam 9 hầm Huế đưa vào.
Mười Hương đã chỉ đạo Hà Minh Trí một số nhiệm vụ và cơ sở bắt liên lạc sau khi ra tù. Cuộc đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh tháng 2/1965, Phan Khắc Sửu, người bị Diệm bắt giam trong vụ đảo chính năm 1960 ở chung dãy trại B của Trung tâm thẩm vấn, đã nhận Hà Minh Trí là đồng đạo được lên làm quốc trưởng. Cũng chính vì vậy, ngày 10/3/1965, Mười Thương được trả tự do.
Ra tù, Mười Thương tiếp tục hoạt động trong Ban An ninh khu Sài Gòn –Gia Định, Ban An ninh Trung ương cục miền Nam, Ban An ninh tỉnh Tây Ninh, Văn phòng Bộ Nội vụ ở phía Nam. Năm 1976 về công tác lại ở Công an Tây Ninh, nơi mà trước đây Mười Thương công tác và nhận nhiệm vụ của Ban địch tình Tỉnh uỷ Tây Ninh diệt Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Sau này vì yêu cầu công tác, Đại tá công an Phan Văn Điền (Mười Thuơng) được điều sang làm Phó Ban Nội chính Tỉnh uỷ Tây ninh, rồi Phó Ban dân vận Tỉnh uỷ, Trưởng Ban tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của người cách mạng, nhiệt tình, xông xáo, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 2005, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, ông Phan Văn Điền (Mười Thương) được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Nay ông đã gần 80 tuổi, vừa vượt qua một cơn bạo bệnh, sức khỏe còn rất yếu nhưng đầu óc ông vẫn rất minh mẫn./.
Nguyễn Thế Lực