Phân biệt nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nhân văn
Lời ngỏ
Bài viết “Một Luận Văn Mơ Hồ và Sai Lầm” đăng trên Văn Nghệ số 28
(2787) ra ngày 13 tháng 7 năm 2013 của Ban Lý Luận Phê Bình đánh giá
rằng luận văn thạc sỹ “Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực Hành Thơ Của Nhóm
Mở Miệng Từ Góc Nhìn Văn Hóa” của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) thiếu
tính khách quan của khoa học trong cách thức triển khai nghiên cứu cũng
như trình diễn một thứ ngôn ngữ khoa trương, không rõ ràng chặt chẽ,
không phù hợp với văn phong khoa học. Vâng, theo nhận định của tôi,
luận văn của Đỗ Thị Thoan không phải là một nghiên cứu khoa học. Nói
ra điều này không có nghĩa là tôi hưởng ứng bài viết. Trái lại, tôi không
thấy giá trị của việc phê phán một công trình nghiên cứu theo hướng nhân
văn là không khoa học. Hành động đó giống như việc phê phán một người
là hỏng vì người ấy là con gái chứ không phải là con trai, là da trắng chứ
không phải da màu. Trong bài viết này tôi không tham vọng bảo vệ luận
văn thạc sỹ ấy mà chỉ muốn chia sẻ rằng học thuật không chỉ có nghiên
cứu khoa học mà còn có nghiên cứu nhân văn. Theo tôi, dùng từ “khoa
học” để chỉ nghiên cứu học thuật nói chung đe dọa những đường hướng
mang tính nhân văn/nghệ thuật.
Giải thích các thuật ngữ rất dễ rơi vào yêu cầu giải thích bất tận bởi khi nói
về một thuật ngữ này thường sẽ cần dùng tới những thuật ngữ khác cũng
nên được giải thích. Cách giải thích của tôi chỉ là một trong nhiều khả thể.
Tôi thừa nhận mình tránh giới thiệu một số thuật ngữ mà sự hiểu biết chúng
có thể làm sáng rõ nhiều vấn đề được nói tới song việc giải thích chúng lại
vượt quá khả năng viết của tôi tại thời điểm này. Một số khái niệm được
nhắc tới trong bài là những khái niệm khó, có nhiều nghĩa và lịch sử phức
tạp- tôi chưa thể bàn luận tường tận. Hiểu biết của tôi còn hạn chế, mà
trình bày hết những điều mình biết cũng là không thể. Tôi chỉ gói ghém
câu chữ làm sao cho ra được một ý rằng trong học thuật khoa học không
phải là tất cả. Bài viết này không chỉ là sự đối đáp với Ban Lý Luận Phê
Bình của báo Văn Nghệ. Nó còn là lời trần tình với những ai đang dùng từ
“khoa học” cho tất cả các hoạt động nghiên cứu, không chỉ trong lĩnh vực
văn chương.
Tôi sẽ không dùng nhiều trích dẫn, nhưng xin bày tỏ lòng biết ơn tới tác
giả tôi gặp gỡ đầu tiên khi mới tìm hiểu về nghiên cứu học thuật, Michael
Crotty, và những triết gia sau này ảnh hưởng sâu sắc tới cách tôi hiểu về
học thuật, Michel Foucault, Jacques Rancière và Lynn Fendler.
Bài viết sẽ được đăng thành 3 kỳ. Kỳ 1 là những mô tả chung về vấn đề tôi
quan tâm. Kỳ 2 bàn về nghiên cứu khoa học. Kỳ 3 nói tới nghiên cứu nhân
văn, tính học thuật của nghiên cứu và trình bày lời kết. Người viết mong
bạn đọc kiên nhẫn, rộng lượng và chờ những trao đổi thiện chí.
Phân Biệt Nghiên Cứu Khoa Học và Nghiên Cứu Nhân Văn
1. Những Mô Tả Chung
1.1. Tính Thời Thượng và Sự Lấn Át của “Nghiên Cứu Khoa Học”
Trong dụng ngôn thông thường ở Việt Nam từ “nghiên cứu” hay đi kèm
với từ “khoa học.” Rất nhiều phòng ban, hội thảo, tác phẩm nghiên cứu
vượt ra ngoài khuôn khổ của nghiên cứu khoa học hoặc không phải là
nghiên cứu khoa học vẫn tự định danh cho mình bằng cụm từ ấy. Bìa 1
luận văn của Đỗ Thị Thoan có dòng: LUẬN VĂN THẠC SỸ: KHOA
HỌC NGỮ VĂN. Từ “khoa học” ở đây có nghĩa gì? Tôi không rõ Khoa
Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Việt Nam hay là “phương
Đông” đã sáng tạo nghĩa từ “khoa học” khác với nghĩa từ “science” của
“phương Tây” như thế nào[1]. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay,
“khoa học” đã trở thành một đơn vị ngôn ngữ được lưu chuyển rộng rãi
khắp các quốc gia và nghĩa phổ biến của nó đang bị quy định bởi văn
minh phương Tây. Bài viết này làm việc với nghĩa phổ biến của “khoa
học” trong nghiên cứu học thuật trên thế giới.
Tôi tưởng tượng rằng tất cả các nghiên cứu ở Đại Học Sư Phạm Hà Nội và
nhiều trường đại học đầu ngành khác ở Việt Nam, ít nhất là trong các thủ
tục hành chính, đều gọi là “nghiên cứu khoa học.” Vị thế nổi bật của khoa
học trong xã hội hiện đại khiến cho “nghiên cứu khoa học” trở nên thời
thượng và lấn át. Đây không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Tại Mỹ,
người ta rất ít dùng cụm từ “scientific research” (nghiên cứu khoa học)
nhưng từ “research” (nghiên cứu) cũng thường được ngầm gắn với tính
khoa học. Tuy vậy, nghiên cứu học thuật trong các ngành xã hội không
chỉ có nghiên cứu khoa học. Nó còn có thể mang tính nhân văn/nghệ
thuật. Năm 2009, Hiệp Hội Nghiên Cứu Giáo Dục Hoa Kỳ AERA đưa ra
chuẩn báo cáo nghiên cứu hướng nhân văn cho ngành giáo dục và theo đó
thuật ngữ “nghiên cứu hướng nhân văn” (humanities oriented research)
dùng để chỉ “các loại hình nghiên cứu quen thuộc được dùng trong các
lĩnh vực như lịch sử, triết học mà rõ ràng không phù hợp với các chuẩn
khoa học xã hội cũng như các đường hướng mới nổi trong nghiên cứu giáo
dục không xác định với các ngành nhân văn truyền thống” (Xem tr. 481 tại
đây).
1.2. “Khoa Học Xã Hội” và “Nhân Văn” (Không Phải là “Khoa Học Nhân
Văn”)
Chúng ta đang ở Việt Nam chứ không phải là ở Mỹ, nhưng tôi dám chắc
giới học thuật Việt Nam đã phát triển nghiên cứu nhân văn cùng với nghiên
cứu khoa học. Chúng ta có trường “Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân
Văn”, được dịch sang tiếng Anh là “University of Social Sciences and
Humanities.” Những người coi khoa học là bao trùm tất cả các hoạt động
học thuật của con người có thể áp “khoa học” lên “nhân văn”, và dịch
“humanities” thành “khoa học nhân văn”, một cách dịch khá phổ biến,
được sử dụng trong nhiều từ điển uy tín. Cũng có thể cách dịch này đến từ
một thói quen ngôn ngữ: khi “khoa học xã hội” đi kèm với “nhân văn” và
từ “nhân văn” thường đứng sau thì người ta dễ cho rằng ngành xã hội và
ngành nhân văn cùng nền tảng khoa học và chỉ khác nhau về đối tượng
nghiên cứu. Theo tôi được biết, nếu nói tới tính khoa học thì song song
với khoa học xã hội là khoa học tự nhiên chứ không phải là nhân văn. Khi
nói tới đối tượng nghiên cứu là các hoạt động xã hội của con người thì
song song với khoa học xã hội (cách tiếp cận khoa học) là nhân văn (cách
tiếp cận nhân văn).
Nếu từ “khoa học” bao trùm tất cả các hoạt động học thuật thì hẳn là nó
không thể chỉ có tính khách quan như Ban Lý Luận Phê Bình báo Văn
Nghệ quan niệm. Dẫu ai đó có gọi nhân văn là “khoa học nhân văn” đi nữa
thì những thực hành nghiên cứu ở những ngành học thuật như nghiên cứu
văn học so với các ngành hướng khoa học xã hội như tâm lý học, ngôn
ngữ học không chỉ có những khác biệt về đối tượng mà còn về cách thức
nghiên cứu cũng như các tiền giả định mà nhà nghiên cứu nương tựa.
Những khác biệt này cần được thừa nhận chứ không phải là bị quy thành
lỗi không đúng chuẩn mực của khoa học.
Như cách nói của giới “nghiên cứu và phê bình” văn học Việt Nam thì luận
văn của Đỗ Thị Thoan thiên về phê bình, và phê bình cũng thuộc địa hạt
của nghiên cứu, nếu “nghiên cứu” được hiểu theo nghĩa rộng, chỉ những
hoạt động tìm tòi có ý thức của con người. Nếu hiểu “nghiên cứu” theo
nghĩa hẹp, quy về “khoa học”, thì vẫn còn từ “phê bình” mở ra một
không gian làm việc tại đó người viết có quyền thể hiện góc nhìn và phong
cách viết cá nhân, không hướng tới sự xác lập chân lý mà tới các giá trị
đạo đức hoặc/và thẩm mỹ.
Trên thế giới, những đường hướng học thuật nhân văn tự tách mình khỏi
nhận thức luận khoa học. Nói một cách khác, có một cách nhìn, một cách
dụng ngôn hiện nay đang có giá trị vì nó phản ánh thực tế cũng như mong
muốn của nhiều người trong giới học thuật: nghiên cứu khoa học và nghiên
cứu nhân văn là khác nhau. Theo cách nhìn và cách dụng ngôn đó, nghiên
cứu khoa học hướng tới chân lý (truth) còn nghiên cứu nhân văn hướng tới
hiệu quả giao tiếp (effect), các giá trị đạo đức (morality) hoặc/và thẩm mỹ
(aesthetics). Có thể hiểu nghiên cứu theo nhân văn là nghiên cứu không
chịu sự quy định của các chuẩn khoa học.
Các ngành học thuật xã hội thường được gọi tên dựa trên đối tượng nghiên
cứu của chúng và theo cách gọi tên như vậy hầu như không có ngành nào
nằm gọn trong cách tiếp cận khoa học hay nhân văn. Phân chia các ngành
học thuật thành ngành xã hội và ngành nhân văn chỉ là sự đơn giản hóa và
mang tính bối cảnh.
Có những ngành thiên về khoa học như kinh tế học, tâm lý học, ngôn ngữ
học, v.v., nhưng cũng có những ngành rộng mở hơn. Người ta có thể tiếp
cận triết học, lịch sử, văn học, giáo dục, nhân chủng học theo hướng khoa
học hay theo hướng nhân văn. Triết học phân tích (analytic philosophy)
thiên về khoa học logic[2] còn triết học lục địa (continental philosophy)
mang tính nhân văn nhiều hơn. Ngôn ngữ của các triết gia thuộc trường
phái triết học lục địa như Nietzsche, Foucault hay Rancière là thứ ngôn ngữ
giàu chất thơ. Viết sử dựa trên các cứ liệu khách quan, thông qua các quy
trình khách quan và hướng tới các chân lý khách quan chỉ là một trong
những đường lối của sử học. Hayden White, một sử gia người Mỹ, đã trở
nên tiếng tăm với quan niệm viết sử giống như viết văn. Theo ông tác phẩm
sử học có thể phân chia thành các thể loại giống như các tác phẩm văn
học nghệ thuật.
Tại mỗi thời điểm-không gian học thuật cụ thể có thể có một đường hướng
nghiên cứu nổi trội hơn. Nghiên cứu văn học, cùng với triết học và sử học,
từ xưa tới nay vẫn được xếp vào nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật vì
chúng rộng mở với các đường hướng nhân văn/nghệ thuật.[3] Tuy nhiên ở
Mỹ, hiện tại phương pháp luận khoa học lấn át hơn trong tất cả các ngành
học thuật xã hội- trừ nghiên cứu văn học. Nếu coi văn học là một đối
tượng nghiên cứu quy định sự hình thành và phát triển của ngành nghiên
cứu văn học thì ngành nghiên cứu này rõ tính đa ngành (multidisciplinarity)
và liên ngành (interdisciplinarity). Lý thuyết và thực hành của nó giao với lý
thuyết và thực hành của các ngành học thuật khác như triết học, sử học, xã
hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học v.v. Theo phân loại thông thường, xã
hội học, tâm lý học và ngôn ngữ học là các ngành khoa học trong khi đó
triết học và sử học nằm trong nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật. Dựa trên
cách thức nghiên cứu văn học ứng xử với đối tượng nghiên cứu của mình,
người ta có thể xếp các tác phẩm nghiên cứu văn học vào các ngành đã
kể, nhưng thao tác này nhiều khi không cần thiết và không thực hiện được.
Theo thực tế học thuật ở Việt Nam, các khoa ngữ văn thường có hai mảng
ngôn ngữ và văn học. Mảng ngôn ngữ học mang tính khoa học còn mảng
nghiên cứu và phê bình văn học (theo nghĩa phân biệt với ngôn ngữ học)
không được đặc trưng bởi tính khoa học mà đón nhận nhiều đường hướng
khác nhau. Văn phong của nhiều nhà nghiên cứu và phê bình văn học
thành công là thứ văn phong có sức quyến rũ riêng biệt chứ không phải là
thứ ngôn ngữ sản xuất hàng loạt theo các khung khổ.
Ngay trong những lĩnh vực mà phương pháp luận khoa học hiện chiếm ưu
thế các tổ chức học thuật và cá nhân các học giả vẫn không ngừng nỗ lực
tạo không gian cho những đường hướng nhân văn/nghệ thuật. Việc xuất
bản bộ chuẩn nghiên cứu định hướng nhân văn năm 2009 của Hiệp Hội
Nghiên Cứu Giáo Dục Hoa Kỳ AERA là một ví dụ. Cuối năm 2010, đầu
năm 2011, Hiệp Hội Nghiên Cứu Nhân Chủng Học Hoa Kỳ AAA đã loại
bỏ từ “khoa học” trong nhiều đoạn văn bản về tầm nhìn của tổ chức và
khẳng định sức mạnh của nhân chủng học nằm ở sự liên lạc giữa các ngành
khoa học và nhân văn (xem tại đây và đây). Không có những động thái
tương tự trong ngành nghiên cứu và phê bình văn học ở các nước phát
triển có lẽ bởi khoa học chưa từng lấn át ngành này.
(Còn tiếp)
[1] Theo trao đổi với những người bạn hiểu biết về từ nguyên học, “khoa
học” vốn là từ mượn tiếng Nhật (có thể xem bài viết về từ Hán Việt gốc
Nhật của Trần Đình Sử tại đây). Người Nhật dịch “science” thành
“kagaku” (khoa học), người Trung Quốc mượn lại của người Nhật, rồi
người Việt đọc tân thư đầu thế kỷ 20. Từ “khoa học” cũng từng được
phong kiến Trung Quốc dùng với nghĩa “học vấn thi cử.” Trong bài viết
này, tôi xin không bàn về lịch sử phát triển của học thuật Á Đông.
[2] Tùy thuộc vào góc nhìn mà nhánh triết học nghiên cứu logic có được
coi là khoa học hay không. Có quan điểm cho rằng triết học không phải là
khoa học vì khoa học phải là nghiên cứu thực nghiệm (empirical studies)
dựa trên các dữ liệu thực nghiệm (empirical data) nhưng bài viết này không
khung khổ khái niệm “khoa học” theo quan điểm đó. Khái niệm “dữ liệu
thực nghiệm” hiện nay có nhiều nghĩa khác nhau, cần đến một công trình
triết học riêng biệt để bàn về nó, nên ở phần trình bày về nghiên cứu khoa
học tiếp theo tôi cũng không chọn cách nói về khoa học mà phải xử lý
khái niệm này.
[3] Nhân văn khác với nghệ thuật như thế nào? Có nhiều đáp án khác nhau
và không loại trừ nhau vì chúng phản ánh những góc nhìn khác nhau. Đáp
án A: không phân biệt. Các trường đại học của Mỹ thường dùng từ “nghệ
thuật” (arts) để nói về nhân văn (humanities). Nhiều trường đại học tổng
hợp có hai trường thành viên là College of Social Science (Đại Học Khoa
Học Xã Hội) và College of Art (Đại Học Nghệ Thuật), với các khoa như
triết học, lịch sử, văn học và nghệ thuật. Đáp án B: có sự phân biệt dựa
trên phương tiện làm việc- nhân văn làm việc với ngôn từ còn nghệ thuật
làm việc với các phương tiện vật chất khác. Đáp án C: có sự phân biệt dựa
trên tính sáng tác-trình diễn hay học thuật. Các ngành nghệ thuật thiên về
sáng tác-trình diễn còn các ngành nhân văn thiên về học thuật. Cách phân
biệt này cũng chỉ là tương đối vì tính sáng tác-trình diễn và tính học thuật
không tách biệt nhau- hoặc chỉ tách biệt nhau theo nhận thức luận khoa
học. Trong bài viết này tôi chọn từ “nhân văn” (mà không làm việc với từ
“nghệ thuật”) và nói tới nghiên cứu học thuật theo truyền thống đang dựa
trên ngôn từ và chưa được coi như là các sáng tác nghệ thuật nhưng đang
chứng kiến nhiều nỗ lực cởi bỏ những hạn chế này.
**
Nhã Thuyên và Những Tiếng Nói Ngầm (2)
January 8, 2013 · by Strawberry
Đọc văn phê bình của Nhã Thuyên, tôi thường không đủ kiên nhẫn để xem
từng con chữ và xâu thành những chuỗi ý tưởng mạch lạc. Tôi bắt lấy cái
không khí được gợi ra từ thứ kiến trúc không định hình của những bài viết,
để cảm thấy mình đang thở như thế nào trước sóng ngôn từ. Trong cái
không gian có đôi chút kỳ lạ ấy, thi thoảng tôi nhặt được một vài vật dụng
quý giá − những con chữ và ý tưởng có thể nhập tâm…
Tập tiểu luận này, tuy vẫn là những bài viết dài, không đề mục nhỏ, gồm
những câu phức và ý tứ khó đoán trước, đã đi theo lối khác. Khi dấn thân
vào những hiện tượng văn chương và những tiếng thơ nhỏ lẻ có thân phận
“ngoài lề”, tác giả hướng tới sự sáng rõ và cái chung. “Những Tiếng Nói
Ngầm” nỗ lực cho một không gian công, gửi đi những lời mời tham dự. Nó
là một hoạt động nhân văn tiềm ẩn vụng dại và tổn thương hơn là những
tác phẩm hoàn thiện cứng và sáng như kim cương.
Khi đón lấy những bài viết, tôi thấy mình được nhận, phải trăn trở, và vui.
Tổng kết một mảng rộng thơ ca trong cả một giai đoạn lịch sử của đất
nước (Hậu Đổi Mới), Nhã Thuyên gọi được ra những tác giả, tác phẩm, sự
kiện và hiện tượng thú vị. Đó là sự tri ân các nhà thơ không hoặc ít được
các diễn đàn chính thống công nhận − những “hiện diện vắng mặt”. Đó là
sự trao tặng rất nhiều quan sát và ưu tư về văn học Việt Nam đương đại mà
một độc giả như tôi không sẵn có nhưng sẵn lòng muốn nhận. Đó là sự
khơi gợi nghĩ suy và khởi xướng sẻ chia. Khi mô tả, khi kể chuyện, khi
diễn giải − xuyên suốt là sự tra vấn không ngừng vào những vấn đề từ mối
quan hệ giữa nhà thơ và thể chế. Nhà thơ với giấc mơ tự do tiết lộ đời sống
xã hội đầy áp chế như thế nào? Sự chống lại và phủ định thể chế khi nào
là/không là định kiến hẹp hòi biến thơ ca thành một thứ công cụ tuyên
truyền ngược, hoặc thành một món hàng bán cho khách nước ngoài như
một thứ đặc sản địa phương? Giá trị của những trường hợp thơ ca phản
kháng nổi bật thực sự nằm ở đâu? Những câu hỏi như thế được đặt ra
trong sự nhạy cảm với bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị đang có nhiều
biến động. Điều đáng quý là tác giả không tra vấn từ một khung khổ quyền
lực đã thiết lập. Con người ấy dũng cảm đẩy mình tới những ranh giới:
“Tôi đang ở giữa cái bên lề và trung tâm, ở giữa hiện tại và quá khứ, ở giữa
những đứt gãy và kết nối, giữa những phân lập và sự nhập nhằng, giữa sự
sáng tỏ và rối loạn, giữa sự đi lên và thoái hóa, tôi đang đứng chênh vênh
để nhìn ra bên ngoài và nhìn vào bên trong, vừa như kẻ ngoại cuộc vừa
như người trong cuộc, nhưng là lựa chọn không đứng về phía sự trấn áp.”
(Nhã Thuyên – lời ngỏ).
Một người bạn – một người đọc sách Lâm Vũ Thao từng viết trên blog cá
nhân khi đọc tập thơ Rìa vực của Nhã Thuyên rằng anh chưa thấy ai (có
thể trong số những người viết (nữ) bây giờ ) nghĩ nhiều về việc viết như
Nhã Thuyên. Lần này vẫn thế, và Nhã Thuyên đã trực diện với những câu
chuyện vĩ mô của văn học Việt Nam đương đại. Chính tập tiểu luận của
bạn ấy cũng là một câu chuyện nhỏ trong đó. Tôi hình dung ở một nước
Âu Mỹ “phát triển”, những bài viết như thế này sẽ có tác giả là một vị giáo
sư tên tuổi trong nhà trường chính thống, đăng trên một tạp chí chuyên
ngành uy tín và được tính điểm vào chỉ số phát triển nghiên cứu của giáo
sư đó, nhà trường đó và quốc gia đó. Vị giáo sư ấy, đã trải qua nhiều thử
thách về bằng cấp và trình độ chuyên môn, có thể đưa ra những câu trả lời
rõ ràng và phong phú hơn dựa trên một nền tảng thâm sâu về lịch sử tư
tưởng nhân loại. Đó có thể là một kịch bản mà người ta mong ước cho phê
bình văn học ở Việt Nam. Tôi không phản đối mong ước đó, nhưng tôi
thấy mình xúc động với câu chuyện diễn ra ở đây. Một tác giả trẻ tuổi và
độc lập viết ra những tiểu luận phê bình với những suy tư sâu sắc và quyết
liệt tìm được không gian sẻ chia trên một diễn đàn ngoài lề. Những khát
khao vẫn tìm được nơi để gửi gắm. Có sự bình đẳng giữa những phẩm
chất tốt đẹp và khả năng giao tiếp của con người. Một điều nữa, tôi thấy
vui khi đọc “Những Tiếng Nói Ngầm” còn vì đã gặp được những bài thơ
thật hay.
Tác giả tập tiểu luận từng tự hỏi: “Giữa những thất vọng, phải chăng sự bất
an, hỗn loạn và dường như thiếu khuynh hướng của thơ Việt Nam hôm nay
có thể lại là một mảnh đất sống động giàu tiềm năng?” (Nhã Thuyên − lời
ngỏ). Với tôi, trong đời sống tinh thần của con người, niềm hi vọng về đời
sống tinh thần của con người không nhất thiết phải nảy nở thành một cái
cây rồi đơm hoa kết trái mới có giá trị. Niềm hi vọng chính là một thứ quả
ngọt ngào.
(Phần viết này được đăng trên Da Màu)
**
Phân biệt nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nhân văn (Kỳ 3)
August 14, 2013 · by Strawberry
Mời các bạn đọc Kỳ 1 và Kỳ 2.
3. Sơ Lược về Nghiên Cứu Nhân Văn
Từ “khoa học” đã gắn với tính “khách quan”- dùng nó để chỉ tất cả các
hoạt động học thuật cản trở các đường hướng nghiên cứu đề cao cảm
quan trí tuệ của cá nhân, hướng tới các giá trị đạo đức và thẩm mỹ hơn là
sự xác lập chân lý. Tôi đang nói về một vấn đề đáng quan tâm chứ không
đưa ra các chuẩn mực về sự đúng sai khi sử dụng từ ngữ. Tuy nhiên phân
biệt khoa học và nhân văn không phải là đề xuất của riêng tôi mà là một
vấn đề trong lịch sử phát triển các ngành học thuật xã hội. Ở một số cộng
đồng sự phân biệt này là quá rõ, ai cũng hiểu nên ít khi nói tới. Ở những
cộng đồng khác, người ta không quan tâm nhiều đến những đường hướng
khác với cách thức mình đang thực hiện. Và tại một số không gian, sự
phân biệt này đang là vấn đề để trao đổi.
Có nhiều cách nghĩ về khoa học khác nhau, nên cũng có những cách nghĩ
về nhân văn khác nhau. Tựu trung, nhân văn dùng để chỉ những đường
hướng nghiên cứu không theo nhận thức luận và phương pháp luận khoa
học (mà phần 2 của bài viết này đã bàn tới). Phần viết nhỏ này cố gắng mô
tả các đặc điểm của nghiên cứu nhân văn, song việc làm đó chỉ để hình
dung về các cách tiếp cận khác với khoa học hơn là xác lập ra một
(những) hình mẫu về nghiên cứu nhân văn.
Nghiên cứu hướng nhân văn không mang tính công thức, người nghiên cứu
làm việc với sự nhạy cảm trí tuệ của mình trước vấn đề nghiên cứu và
hướng tới hiệu quả giao tiếp, giá trị đạo đức và thẩm mỹ. Nếu như khoa
học đề cao lý tính thì nhân văn không cho rằng lý tính và cảm tính tách rời
nhau hoặc cần phải tách rời nhau.
Khi học thạc sỹ, tôi từng nghe luận án tiến sỹ có thể là một bài thơ.
Chương trình tiến sỹ tôi đang theo học có một môn gọi là Poetic Inquiry
(nghiên cứu mang tính thơ) được thiết kế bởi một nhà thơ. Khóa học này
không loại trừ phương pháp khoa học khi làm việc với thơ nhưng cũng mở
ra một khả thể: kết quả nghiên cứu học thuật là một bài thơ. Đó có lẽ là
một trong những nỗ lực đề cao tính thi ca của ngôn ngữ. Nghiên cứu nhân
văn một cách truyền thống không đi xa như vậy, nhưng nó vẫn được đặc
trưng bởi tính viết văn: quá trình nghiên cứu không tách rời với quá trình
biểu đạt và nội dung nghiên cứu không tách rời với ngôn ngữ chở nó.
Các tác phẩm học thuật nhân văn mang tính thi ca thường có hình thức là
“văn xuôi”, nhưng là thứ văn xuôi giàu chất thơ. Nhiều nhà phê bình đã
dùng từ “poetry” (thi ca) để nói về tác phẩm của Nietzsche, Foucault,
Derrida và Rancière. Các thuật ngữ của Foucault có những ý nghĩa khác
nhau trong từng bối cảnh sử dụng chứ không nhất quán như cách người ta
vẫn hình dung về sử dụng thuật ngữ trong học thuật. Cuốn GLAS của
Derrida cho thấy sự chơi đùa với các yếu tố thị giác của con chữ và trang
giấy- nó là một tác phẩm typography. Nhiều tác phẩm học thuật theo
hướng nhân văn không hề thực hiện thao tác trích dẫn và không trình bày
lịch sử vấn đề. Cuốn Hướng Tới Một Triết Học về Nhiếp Ảnh của Flusser
có dòng ghi: “Cuốn sách này nỗ lực làm tăng mối nghi ngờ đó và để giữ
phẩm chất giả thiết, tránh trích dẫn từ các công trình trước về cùng chủ
đề. Cũng vì lý do tương tự, không có danh mục tham khảo” (xem tr. 7, tại
đây). Các tác phẩm nhân văn kể chuyện cá nhân và đưa ra kiến giải cá
nhân dựa trên một số khái niệm học thuật nhiều không kể xiết. Bạn đọc có
thể tìm thấy một loạt các bài báo học thuật như vậy ở số kỉ niệm 50 năm
thành lập của một trong những tạp chí hàng đầu ngành triết học trong giáo
dục Studies in Philosophy and Education (có thể đọc ở đây một ví dụ).
Nghiên cứu nhân văn khác với thơ, truyện, hay các tiểu luận không mang
tính học thuật ở chỗ nào? Không phải ở tính khoa học mà là ở tính học
thuật.
4. Tính Học Thuật của Nghiên Cứu
Tôi hiểu học thuật như một môi trường tại đó con người học tập một cách
chuyên tâm và chuyên nghiệp. Một người học chuyên nghiệp có trách
nhiệm hệ thống hóa, kiểm chứng và phủ định những chân lý, giá trị đã xác
lập cũng như khám phá, sáng tạo những chân lý, giá trị mới. Không phải cứ
là học giả mới làm được những điều này, nhưng với học giả thì đó là trách
nhiệm. Tính học thuật không phải là một tập hợp các tính từ chỉ đặc điểm.
Học thuật là một lĩnh vực quá rộng lớn, nên việc quy cho nó một số tính
chất sẽ làm cho không gian học thuật bị bó hẹp. Một tác phẩm thành công
về mặt học thuật nghĩa là nó đạt được sự công nhận của chuyên gia trong
ngành hay một hội đồng/cộng đồng học thuật cụ thể. Điều này đúng với cả
nghiên cứu khoa học lẫn nghiên cứu nhân văn. Tuy nhiên, khi đánh giá một
công trình khoa học, các hội đồng/cộng đồng khoa học dựa trên tính khoa
học- là một tập hợp các đặc điểm đã xác lập. Phương pháp luận khoa học
thường là yếu tố được quan tâm trước tiên. Về nguyên tắc phương pháp
luận khoa học là những hình mẫu đã xác lập và người ta dễ thống nhất về
nó, nhưng trên thực tế thành viên của một hội đồng khoa học vẫn có thể
bất đồng ý kiến. Nghiên cứu nhân văn được đặc trưng bởi tính viết văn và
dựa trên cảm quan trí tuệ cá nhân. Từng hội đồng/cộng đồng học thuật sẽ
có cách làm việc riêng. Một hội đồng/cộng đồng này có thể đưa ra những
phép tắc rất chặt chẽ và cứng nhắc; một hội đồng/cộng đồng khác có thể
khuyến khích tự do biểu đạt và phá cách. Trong cùng một hội đồng/cộng
đồng tiếp nhận nghiên cứu nhân văn cũng có những ý kiến trái chiều. Giáo
sư hướng dẫn của tôi nói rằng tôi có thể sáng tác một bài haiku ba dòng và
bài thơ đó có thể được chấp nhận là một luận án tiến sỹ nếu như mọi người
trong hội đồng học thuật chấp nhận như vậy. Với diễn đạt ấy, cô đã nhấn
mạnh rằng ý kiến của một hội đồng học thuật ở Khoa được tôn trọng gần
như tuyệt đối. Tôi không nghĩ những giáo sư trong hội đồng học thuật của
tôi sẽ chấp nhận một bài haiku như một luận án tiến sỹ. Họ có những thói
quen khó thay đổi, và bản thân tôi cũng có tham vọng khác cho tác phẩm
của mình. Không có sức ép gì về mặt quy chế thì không có nghĩa là người
ta sẽ hành xử một cách dễ dãi. Môi trường học thuật hiện tại của tôi tôn
trọng sự làm việc với nhau giữa những con người có phẩm giá và trình độ
hơn là những quy chuẩn buộc phải theo.
Bài viết này của tôi có thể tương đương với một bài thơ chia sẻ nỗi đau về
một “trạng huống nhân sinh”: Tôi muốn nhân văn, không muốn khoa học,
xin đừng dùng khoa học đánh đập nhau! Song tôi không nghĩ một bài thơ
sẽ có giá trị giao tiếp với những người quan tâm tới việc sử dụng thuật ngữ
“khoa học.” Tôi đã tìm đến – tạo ra một bài viết dày đặc thuật ngữ. Khi
hướng tới một đối tượng cụ thể, tôi tự thấy mình cần dựa trên hệ thống
thuật ngữ của các học giả và các sự kiện trong một số ngành học thuật.
Chính là tôi đã lựa chọn tính học thuật cho bài viết của mình. Tính học
thuật đặt trong bối cảnh nghiên cứu nhân văn khác nhau theo từng hoàn
cảnh giao tiếp. Ở lớp học về triết của giáo sư hướng dẫn mình tôi đã nộp
những bài thơ như bài tập cuối khóa; còn ở một lớp học khác, cũng về
triết, do một giáo sư khác phụ trách, tôi đã nộp một tiểu luận với lối diễn
đạt quy củ, rõ nghĩa.
Như cách tôi hình dung về tính học thuật của một nghiên cứu nhân văn thì
luận văn thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan thành công về mặt học thuật ở chỗ nó
được một hội đồng học thuật gồm các giáo sư, tiến sỹ có uy tín trong
ngành đánh giá với số điểm tối đa. Việc Ban Lý Luận Phê Bình báo Văn
Nghệ mang một luận văn thạc sỹ ra một cộng đồng người không biết đến
luận văn mà phân tích và đánh giá tính “khoa học” của nó với một thái độ
khinh miệt thiết nghĩ là một việc làm gây tổn thương cho môi trường học
thuật. Ban Lý Luận Phê Bình báo Văn Nghệ giải thích rằng có một bài viết
như thế để đề phòng trường hợp người ta nhắc tới luận văn như một
“huyền thoại”, giống như cách Đỗ Thị Thoan đã “hoang tưởng hiếu đại”
về nhóm Mở Miệng, coi nhóm Mở Miệng như một “huyền thoại.” Ban Lý
Luận Phê Bình cho rằng từ “huyền thoại” mà Đỗ Thị Thoan dùng để nói
về Mở Miệng có một ý nghĩa ngợi ca. Điều này một lần nữa cho thấy
người viết bài báo đó không ở trong cộng đồng học thuật phù hợp để đánh
giá luận văn, bởi từ “huyền thoại” theo nghĩa học thuật của nó có thể
không có nghĩa tán dương sự tốt đẹp, cao cả hay tính “thần thánh”.
“Huyền thoại” có thể chỉ là một câu chuyện đã trở thành một đơn vị ngôn
ngữ, nghĩa là nó được lưu truyền và được gán cho một số ý nghĩa văn hóa
nhất định. Ban Lý Luận Phê Bình nhận định rằng Đỗ Thị Thoan không giải
thích rõ nghĩa một số thuật ngữ, song yêu cầu giải nghĩa luôn có thể là bất
tận và nhà nghiên cứu cần lựa chọn giải nghĩa một số ít trong những thuật
ngữ mình sử dụng. Những thành viên của một hội đồng học thuật được giả
định là đủ kiến thức nền tảng để hiểu hầu hết các thuật ngữ trong tác phẩm.
Bài báo “Một Luận Văn Mơ Hồ và Sai Lầm” chỉ là một ví dụ. Trong khi
tôi trân trọng những bài viết bàn về cách ứng xử với một hội đồng học
thuật thì tôi hoang mang, thậm chí là bàng hoàng, trước các phát biểu về
đường hướng nghiên cứu của luận văn, ngay cả từ phía những người bảo
vệ nó. Với tôi, cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu và hệ thống thuật ngữ mà
luận văn “Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực Hành Thơ Của Nhóm Mở Miệng
Từ Góc Nhìn Văn Hóa” sử dụng thực sự đòi hỏi những ai muốn đánh giá
nó một cách học thuật phải có kiến thức chuyên ngành hẹp. Chỉ xét riêng
cái tên của luận văn thôi đã thấy nó chứa những từ ngữ tưởng như là bình
thường nhưng thực ra là những thuật ngữ rất khó, như “lề”, “thực hành
thơ”, “góc nhìn văn hóa.” Những người không hiểu các từ ngữ này như
những thuật ngữ mà họ không biết đã quát lên những nhận xét mà tôi cho
rằng hết sức khiếm nhã và xin phép không trích ra ở đây. Những hiểu lầm
đáng tiếc xảy ra khiến tôi không thể không nghĩ về sự bất cẩn hay những
khó khăn trong việc đọc hiểu và phát biểu về một tác phẩm học thuật. Rất
tiếc là không một ai trong hội đồng chấm luận văn lên tiếng với công
chúng.
Vấn đề đặt ra là người “bên ngoài” có thể can thiệp như thế nào vào một
tác phẩm học thuật? Lê Tuấn Huy viết: “Cần nói thêm, Luận văn Thạc sỹ
của Đỗ Thị Thoan không phải là văn học mà là nghiên cứu khoa học về
văn học (dẫu là văn học bên lề), nên không phải là đối tượng cho những
người phê bình theo kiểu đọc văn, đọc thơ rồi khen chê về văn phong,
hình tượng, giá trị tư tưởng của tác phẩm” (ghi chú ii).
Tôi nghĩ ai cũng có thể có cảm nhận riêng của mình về bất cứ một điều gì,
nhưng cũng cần dành thời gian tương xứng cho nó và giữ cho mình đức
khiêm tốn. Tôi không có ý rằng cần phải có một hội đồng học thuật có
chuyên môn hẹp mới có thể nhìn ra giá trị của một tác phẩm học thuật.
Tính học thuật cũng không phải là tất cả giá trị của một tác phẩm học
thuật. Song tính học thuật của một luận văn thạc sỹ thực sự là tính phụ
thuộc vào một hội đồng học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu hẹp. Một luận
văn thạc sỹ như của Đỗ Thị Thoan được viết ra cho chính bản thân tác
giả, hội đồng đánh giá nó (được thành lập trước hay sau thì vẫn cần lựa
chọn các thành viên phù hợp) và một số nhỏ những người cùng mối quan
tâm. Nó không phải là một tác phẩm tuyên truyền cho đại chúng.
Tôi không cho rằng chỉ có những cộng đồng nhỏ hẹp có chuyên môn mới
được bàn luận về một tác phẩm học thuật, song khi nó trở thành đối tượng
được bàn tới trong những cộng đồng lớn hơn thì các tương tác xung quanh
một tác phẩm học thuật có thể mang những ý nghĩa khác. Một tác phẩm
dù ít người biết rõ như thế nào mà vẫn bàn luận sôi nổi thì thực chất nó
đang là một công cụ cho những “trò chơi quyền lực”. Cụm từ trong ngoặc
kép này không sẵn nghĩa xấu. Tôi không suy đoán về động cơ của những
người khác, nhưng xin thừa nhận với tôi cách người ta đối xử với luận văn
ấy là cái cớ để tôi nêu ra vấn đề phân biệt nghiên cứu khoa học và nghiên
cứu nhân văn, tính học thuật của một nghiên cứu. Đó là cách mà tôi, như
một người nằm ngoài hội đồng đánh giá luận văn, tham gia vào diễn ngôn.
Cá nhân tôi đang ở trong một hoàn cảnh học thuật phải quan tâm tới những
vấn đề đó.
5. Lời Kết
Giống như nghiên cứu khoa học, nghiên cứu nhân văn có những tác phẩm
dở tệ bên cạnh những tác phẩm xuất sắc. Điều tôi muốn nói là trong giới
học thuật có ít nhất hai cách làm việc khác nhau: nhận thức luận khoa học
với sự xác lập các tiêu chí khách quan để đánh giá tác phẩm và nhận thức
luận nhân văn với sự trao niềm tin vào con người. Tôi không trao đổi để
tìm ra cách làm việc nào là tốt hơn.
Nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nhân văn có thể là những thứ đối chọi
nhau. Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng có thể không tách biệt. Tôi
không ủng hộ việc phân chia các ranh giới rõ ràng, nhưng tôi phân biệt hai
cách làm việc với hi vọng cơi nới thêm không gian học thuật, trước hết là
cho bản thân mình. Với tôi, nhìn nghiên cứu học thuật bằng lăng kính của
khoa học sẽ loại trừ nhiều tác phẩm nhân văn khỏi phạm vi học thuật trong
khi đó lăng kính của nhân văn lại có thể nhìn khoa học như một bài thơ.
Tôi biết một người bạn làm khoa học tự nhiên với công việc hàng ngày là
đếm vi khuẩn ecoli, và bạn ấy coi công việc của mình là nghệ thuật- nghĩa
là bạn ấy gắn nó với những niềm vui, với các giá trị đạo đức và thẩm mỹ
bên cạnh việc xác lập một chân lý nào đó về loài vi khuẩn.
Tôi cũng xin nhắc lại hay nói thêm về một số điều tôi không làm. Lựa chọn
của tôi là không trích dẫn những nội dung trong bài viết theo quy chuẩn
nào. Tôi không giả định rằng những điều mình viết là chân lý. Tôi không
cho rằng mình đang tranh đấu cho “lẽ phải” để hướng tới một xã hội, một
nền học thuật tốt đẹp hơn (theo đường hướng phê phán quy phạm). Tôi
cũng không cố tình trình bày các thông số mang tính khoa học xã hội về
bản thân như tuổi tác, trình độ văn hóa và chuyên ngành học thuật. Bài viết
để lộ ra những thông tin cá nhân nhưng chúng gắn liền với những nội dung
tôi muốn sẻ chia chứ không phải là những thông tin đưa vào để người đọc,
theo tư duy khoa học xã hội, dự đoán tính uy tín hay giá trị của bài viết.
Giả dụ có một hội đồng học thuật nào đó đánh giá bài viết này là vô giá trị,
cá nhân bạn có tin điều đó? Bạn đọc chính là người trong “cộng đồng học
thuật” mà tôi hướng tới, tuy tôi không thể chọn người đọc nhưng người
đọc chọn tôi.
Bài viết của tôi nhắc tới luận văn thạc sỹ “Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực
Hành Thơ Của Nhóm Mở Miệng Từ Góc Nhìn Văn Hóa”. Tôi không phân
tích và đánh giá nó kĩ càng bởi tôi vẫn muốn công việc ấy được để dành
cho những người trong hội đồng chấm luận văn. Phần lớn chúng ta cũng
không tiếp cận được toàn văn tác phẩm, nhưng tôi là người có cái duyên
được gặp gỡ cả tác phẩm và tác giả nên cũng xin được bày tỏ sự trân
trọng dành cho tác phẩm này.