Monday 1 December 2014

ĐỀ CƯƠNG CÁCH MẠNG MIỀN NAM (Lê Duẩn)



Đề cương cách mạng miền Nam
Ngày 15/8/2011. Cập nhật lúc 14h 46'
Tháng Tám 1956
Bản đề cương gồm 5 phần:
I- Ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay.
II- Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam.
III- Yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
IV- Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam.
V- Bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam.
Kết luận.

Trong hai năm đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, nhân dân miền Nam đã tỏ rõ lòng thiết tha yêu nước và ý chí kiên cường của người Việt Nam. Đồng thời, hai năm qua cũng làm cho đồng bào ta ở miền Nam thấy rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và tội phản dân hại nước của Ngô Đình Diệm.
Cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào ngày 20 tháng Bảy 1956 để thống nhất nước nhà như Hiệp nghị Giơnevơ năm 195411 về Việt Nam quy định đã không được thực hiện.
Nguyên nhân là do đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại việc thi hành hiệp nghị, hòng chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của Mỹ để gây lại chiến tranh và cướp đoạt toàn bộ giang sơn Tổ quốc ta.
Nhân dân Việt Nam đã kháng chiến anh dũng suốt 9 năm, đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà, nhất định không để cho đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai kéo dài tình trạng chia cắt đất nước, duy trì chế độ thực dân, phong kiến tàn bạo ở miền Nam và gây lại chiến tranh xâm lược hòng xóa bỏ thành quả cách mạng mà nhân dân cả nước đã giành được.
I
BA NHIỆM VỤ CHÍNH CỦA CẢ NƯỚC HIỆN NAY
Để đối phó với âm mưu của Mỹ - Diệm, thúc đẩy cuộc đấu tranh nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, Trung ương Đảng đã nêu ra ba nhiệm vụ chính làm đường lối chung cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ba nhiệm vụ đó là:
1. Củng cố thật vững chắc miền Bắc.
2. Đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
3. Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên thế giới.
Vì sao phải củng cố thật vững chắc miền Bắc?
Trước hết cần nhận rõ miền Bắc được giải phóng khỏi ách đế quốc phong kiến, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, đó là thành quả chung của cuộc kháng chiến do nhân dân từ Bắc chí Nam tiến hành. Đó là cơ sở của sự nghiệp cách mạng trong cả nước, đồng thời là cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Củng cố vững chắc miền Bắc về mọi mặt là tạo chỗ dựa để đưa cách mạng cả nước tiến lên, đồng thời làm hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam.
Vì sao phải đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam?
Vì chừng nào còn ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai thì đồng bào ta ở miền Nam còn bị áp bức, bóc lột nặng nề, sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước còn bị phá hoại nghiêm trọng, hơn nữa chẳng những miền Nam bị kẻ thù giày xéo mà cả nước có nguy cơ bị chúng xâm chiếm. Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác.
Vì sao phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên thế giới?
Vì sự nghiệp giữ gìn hòa bình, hoàn thành độc lập, dân chủ, thực hiện thống nhất nước nhà của nhân dân ta hiện nay là một bộ phận của phong trào nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó là một sự nghiệp chính nghĩa, hợp với pháp lý được một hiệp nghị quốc tế như Hiệp nghị Giơnevơ về Việt Nam công nhận. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm chống lại sự nghiệp hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta là hành động phi pháp bị nhân dân thế giới lên án. Nắm lấy chính nghĩa và cơ sở pháp lý đó, ta nhất định tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, làm cho địch thêm cô lập và suy yếu, tạo cho ta có thêm sức mạnh và điều kiện thuận lợi để thắng địch và hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên đây là ba nhiệm vụ trong đường lối cách mạng của cả nước ta hiện nay. Ba nhiệm vụ ấy không tách rời nhau mà liên quan mật thiết với nhau. Có thực hiện được ba nhiệm vụ ấy thì nhân dân ta mới hoàn thành được sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Toàn thể đảng bộ và đồng bào ta ở miền Nam cần nhận rõ đường lối chung của cách mạng cả nước. Đồng thời để làm tròn nhiệm vụ giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng tiến lên, thì đảng bộ và đồng bào miền Nam còn phải nắm vững đường lối cách mạng miền Nam nữa.
II
MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA
CÁCH MẠNG MIỀN NAM
Phong trào cách mạng miền Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng cả nước. Đẩy mạnh cách mạng miền Nam là thực hiện một trong ba nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước. Cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam và công cuộc cách mạng ở miền Bắc cùng nhằm mục đích chung là giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.
Nhân dân miền Nam hiện nay không những chỉ sống trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, bị chiến tranh đe dọa, mà hằng ngày đang bị Mỹ - Diệm áp bức, bóc lột, khủng bố, trả thù. Thợ thuyền đói khổ và nạn thất nghiệp ngày càng tăng. Dân cày bị cướp đất, bị tô cao, thuế nặng. Công thương nghiệp bị phá sản, v.v.. Những cảnh vây lùng, bắt lính, chém giết, tù đày lan tràn khắp nông thôn, thành thị. Các quyền tự do, dân chủ đều bị bóp nghẹt.
Tình hình đó nhất định sẽ đẩy nhân dân ta ở miền Nam đứng lên đập tan chế độ độc tài, phát xít của Mỹ - Diệm để tự cứu mình.
Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân.
Như vậy, trong khi cùng đồng bào miền Bắc thực hiện mục đích chung là hòa bình thống nhất Tổ quốc, hoàn thành độc lập, dân chủ nhân dân trong cả nước, nhân dân ta ở miền Nam còn theo đuổi mục tiêu riêng là đấu tranh để tự giải phóng khỏi ách thực dân phong kiến.
Hai mục tiêu nói trên gắn chặt với nhau. Phong trào cách mạng của cả nước đấu tranh chống Mỹ - Diệm nhằm thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc tạo thuận lợi rất lớn cho nhân dân miền Nam đứng lên đấu tranh chống ách độc tài phát xít của Mỹ - Diệm. Ngược lại, chính trong quá trình đấu tranh chống Mỹ - Diệm để tự giải phóng, nhân dân miền Nam góp phần rất tích cực vào sự nghiệp hòa bình, thống nhất nước nhà.
 Để làm tròn nhiệm vụ lịch sử đó, cần nhận rõ đối tượng của cách mạng miền Nam và bản chất của chính quyền độc tài phát xít Ngô Đình Diệm.
Chính quyền miền Nam hiện nay không chỉ là chính quyền do bọn thực dân cũ và phong kiến bị bại trận để lại, mà còn là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới, của tên đế quốc đầu sỏ rất hiếu chiến đang có mưu đồ xâm lược nước ta là đế quốc Mỹ. Mặc dù đã thất bại liên tiếp ở nhiều nơi và hiện đang bị suy yếu, cô lập trước sức đấu tranh của các lực lượng cách mạng trên thế giới, đặc biệt là trước sự lớn mạnh vượt bậc của phe xã hội chủ nghĩa và việc Liên Xô sản xuất thành công vũ khí nguyên tử để bảo vệ hòa bình, bọn tài phiệt và các giới hiếu chiến Mỹ vẫn theo đuổi chính sách chiến tranh hòng thoát khỏi khủng hoảng và thực hiện giấc mộng làm bá chủ toàn cầu.
Bè lũ Ngô Đình Diệm là thế lực phản động nhất đại biểu cho giai cấp phong kiến đã từng bị đánh đổ cùng với bọn phát xít, thực dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, nay ôm chân đế quốc Mỹ hòng khôi phục lại địa vị thống trị của chúng. Đây là bọn phong kiến suy tàn đang giãy chết nhưng mang nặng đầu óc phục thù giai cấp, nên rất hung hăng, độc ác.
Chế độ độc tài phát xít ở miền Nam là sản phẩm của sự câu kết giữa đế quốc Mỹ, kẻ đang lăm le gây ra một cuộc chiến tranh mới chống nhân dân ta, với tập đoàn Ngô Đình Diệm, kẻ đang cố sống cố chết phản kích lại các lực lượng cách mạng nhằm mục đích trả thù và áp bức, bóc lột nhân dân.
Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm là kẻ thù nguy hiểm của cách mạng nước ta. Chế độ cai trị của chúng hết sức tàn bạo nhưng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Nhân dân ta có sức mạnh, có chính nghĩa, nhất định sẽ vùng lên đập tan chế độ phản dân hại nước đó.
III
YÊU CẦU VÀ KHẨU HIỆU CỦA CUỘC ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG MIỀN NAM
1. Hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ là nguyện vọng của nhân dân ta
Sau gần 90 năm đấu tranh chống ách nô lệ thực dân, nhất là sau 9 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, nhân dân ta ở miền Nam cùng với đồng bào cả nước đã giành được thắng lợi vĩ đại. Tại hội nghị quốc tế ở Giơnevơ, các cường quốc và một số nước có liên quan đã long trọng tuyên bố thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam quy định, sau khi tập kết quân đội để đình chỉ chiến sự, hai miền Bắc, Nam sẽ hiệp thương để tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà.
Như vậy, thông qua tổng tuyển cử tự do, nhân dân Việt Nam có điều kiện thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc, xây dựng nền độc lập và dân chủ nhân dân trong cả nước. Nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại sự nghiệp thiêng liêng đó, đi ngược lại nguyện vọng thiết tha của nhân dân miền Nam và của cả dân tộc Việt Nam.
Mâu thuẫn ấy giữa nhân dân Việt Nam với chế độ Mỹ - Diệm nhất định không thể tồn tại lâu dài được.
Nhân dân ta ở miền Nam nhất định phải đứng lên đấu tranh đập tan âm mưu của Mỹ - Diệm gây chiến tranh và kéo dài tình trạng chia cắt đất nước để thực hiện nguyện vọng của mình. Hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ là yêu cầu cơ bản, bức thiết của nhân dân ta. Đó là thành quả của biết bao hy sinh, biết bao xương máu trong 9 năm kháng chiến và là lẽ sống còn của dân tộc ta ngày nay.
2. Tự do, dân chủ là yêu cầu bức thiết để bảo đảm tính mệnh, tài sản, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ở miền Nam
Nhân dân miền Nam hiện nay đang sống dưới sự thống trị phát xít của Mỹ - Diệm. Chúng trơ tráo đưa ra những trò hề lừa bịp như trưng cầu ý dân, bầu cử quốc hội, lập hiến pháp, cải cách điền địa, hoặc nêu lên những khẩu hiệu trống rỗng: "tôn trọng nhân phẩm", "tự do dân chủ", "cải thiện đời sống". Nhưng kỳ thật, dưới ách cai trị và pháp luật của chúng, nhân dân miền Nam hằng ngày phải sống dưới những bàn tay đẫm máu. Đồn bốt đóng khắp nơi; lưới mật thám bủa dăng mọi ngả. Quân lính luôn luôn ruồng bố, bắn giết, coi tính mạng con người như cỏ rác. Bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới là công cụ thi hành chính sách quân phiệt, độc tài, phát xít của Mỹ và gia đình Ngô Đình Diệm.
Quân đội, cảnh sát, quốc hội, bộ máy hành pháp, cơ quan ngôn luận đều do người của họ Ngô, thân thuộc hoặc tay sai nắm giữ.
Chúng độc quyền cả chính trị, quân sự, kinh tế.
Chúng muốn toàn thể nhân dân phải cúi đầu trước quyền uy của gia đình họ Ngô và đế quốc Mỹ.
Nhưng, nhân dân miền Nam, phần lớn đã cầm súng chiến đấu suốt 9 năm kháng chiến gian khổ để cởi bỏ xiềng xích của đế quốc phong kiến, có thể nào chịu cúi đầu khuất phục dưới ách độc tài phát xít ghê tởm ấy của Mỹ - Diệm?
Không, nhất định không thể như vậy được.
Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại chính quyền Mỹ - Diệm, đòi các quyền tự do, dân chủ, đòi bảo đảm tính mệnh, tài sản, đời sống vật chất và tinh thần của mình là điều tất nhiên phải xảy ra, không gì ngăn cản nổi.
Hơn nữa, hiện nay phong trào đấu tranh vì độc lập, dân chủ đang dâng lên mạnh mẽ trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Đó là một sự kiện lịch sử nổi bật gắn liền với thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào dân chủ, hòa bình trong các nước tư bản đế quốc.
Tình hình ấy càng thúc đẩy các tầng lớp nhân dân ta ở miền Nam quyết tâm vùng lên chống lại chính sách độc tài, phát xít của Mỹ - Diệm.
Mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền Mỹ - Diệm nhất định không thể tồn tại lâu dài. Nhân dân miền Nam nhất định tìm mọi cách vùng lên để bảo vệ quyền sống của mình.
3. Công ăn việc làm, tiền lương đủ sống cho thợ thuyền; giảm tô, giảm thuế, không được cướp lại ruộng đất của dân cày; bảo vệ và mở mang công thương nghiệp dân tộc; hạ giá sinh hoạt, cải thiện đời sống; đó là đòi hỏi bức thiết của các tầng lớp nhân dân ở miền Nam
Việc Mỹ đẩy mạnh viện trợ quân sự, tăng cường binh bị, chuẩn bị chiến tranh và chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách kinh tế tài chính lệ thuộc vào Mỹ làm cho tình hình kinh tế, đời sống ở miền Nam ngày càng khó khăn. Hàng của phe Mỹ tràn vào, hàng trong nước không sao cạnh tranh nổi. Công thương nghiệp dân tộc bị đình đốn, nhiều nhà kinh doanh phá sản. Thuế má ngập đầu; nông sản bị ứ đọng không xuất cảng được. Lạm phát và đầu cơ làm cho đồng tiền mất giá và giá cả tăng nhanh. Đời sống đắt đỏ, cảnh bần cùng đói khổ diễn ra khắp nơi.
Ở thôn quê, bọn địa chủ ngoan cố dựa vào ngụy quyền tìm đủ mọi cách giành lại ruộng đất, đòi lại nợ cũ, ức hiếp dân cày đủ mặt.
Ở thành thị, những tiếng kêu cứu của thợ thuyền về nạn thất nghiệp và đồng lương chết đói đã vang lên. Các tầng lớp lao động đang nung nấu lòng uất hận.
Cuộc sống điêu đứng của nhân dân do Mỹ - Diệm gây ra nhất định không thể kéo dài.
Hơn nữa, đời sống của nhân dân lao động miền Bắc từng bước được cải thiện, thợ thuyền được bảo đảm việc làm, dân cày có ruộng, công thương nghiệp dân tộc đang trên đà phát triển. Điều đó càng kích thích mạnh lòng yêu nước và làm tăng niềm uất hận của nhân dân lao động miền Nam.
Vị trí trung lập và nền kinh tế của các nước láng giềng như Lào, Campuchia ngày càng khả quan làm cho các tầng lớp nhân dân miền Nam thấy rõ tác hại của chính sách gây chiến và tình trạng lệ thuộc vào Mỹ của chính quyền họ Ngô, và càng quyết tâm đấu tranh chống Mỹ - Diệm.
Nguyện vọng tha thiết của dân cày là: không được lấy lại ruộng đất cách mạng đã chia; tá điền phải được nguyên canh; điền chủ không được tăng  tô, tăng tức.
Nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân lao động là: hạ giá sinh hoạt, bỏ đảm phụ quốc phòng 4% và các thứ thuế vô lý khác; giảm thuế đánh vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân; chống đầu cơ, lạm phát.
Nguyện vọng của các nhà công thương là: bảo vệ và giúp đỡ các ngành công thương nghiệp dân tộc phát triển để góp phần xây dựng nền kinh tế thống nhất của quốc gia và thiết lập quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước.
Chính sách kinh tế tài chính của Mỹ - Diệm không những đi ngược lại quyền lợi của người lao động, mà còn chống đối gay gắt nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Mâu thuẫn ấy nhất định không thể tồn tại được.
Thợ thuyền và nhân dân lao động thành thị nhất định không thể ngồi yên để chịu cảnh đói khổ, lầm than.
Dân cày nhất định không để cho kẻ thù cướp lại những quyền lợi mà cách mạng đã mang lại cho họ.
Các nhà tư sản cũng nhất định đấu tranh đòi quyền kinh doanh, sinh sống của họ.
Cuộc xung đột gay gắt giữa các tầng lớp nhân dân với chính quyền Mỹ - Diệm là không tránh khỏi.
Đường lối của cách mạng miền Nam phải nhằm đáp ứng ba yêu cầu bức thiết nói trên, giải quyết ba mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân miền Nam với đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm.
Hòa bình thống nhất đất nước,
Thi hành tự do, dân chủ,
Cải thiện đời sống của người lao động.
Đó là ba khẩu hiệu đấu tranh của toàn thể nhân dân miền Nam.
Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ba khẩu hiệu ấy trong các tầng lớp nhân dân là công tác hằng ngày của mỗi người cách mạng.
Tùy hoàn cảnh cụ thể từng lúc, từng nơi, kịp thời và kiên quyết lãnh đạo quần chúng đấu tranh, bảo vệ quyền lợi, tính mạng và tài sản của mình, đòi tự do, dân chủ, đòi hòa bình, thống nhất nước nhà là công tác thường xuyên để giữ vững và phát triển phong trào, giành thắng lợi từng bước cho cách mạng.
Ba khẩu hiệu ấy là yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, nhưng không phải mọi người đều giác ngộ sâu sắc về các yêu cầu đó và có đầy đủ quyết tâm đấu tranh để thực hiện nguyện vọng của mình. Nếu thiếu một sự tuyên truyền, giáo dục sâu rộng và bền bỉ, nếu không biết phát động tư tưởng làm cho quần chúng tự nguyện đứng lên đấu tranh, thì những khẩu hiệu ấy không thể tạo thành sức mạnh để đập tan chế độ độc tài, phát xít Mỹ - Diệm.
IV
HÌNH THỨC ĐẤU TRANH VÀ KHẢ NĂNG
PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO
 CÁCH MẠNG MIỀN NAM
Trên cơ sở nhận rõ đối tượng, mục đích, yêu cầu của cách mạng miền Nam, cần định ra đường lối, phương pháp đấu tranh thích hợp để phát triển lực lượng, đẩy mạnh phong trào, đưa sự nghiệp cách mạng từng bước tiến lên.
Để có đường lối, phương pháp đấu tranh đúng, chúng ta phải phân tích cụ thể, dự đoán những khả năng phát triển của tình hình thế giới và trong nước; phải đánh giá đúng tương quan lực lượng hiện nay giữa cách mạng và phản cách mạng cũng như sự biến chuyển của tương quan đó trong quá trình vận động.
Tình hình thế giới hiện nay như thế nào?
Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã lớn mạnh, bao gồm gần một nghìn triệu người từ Âu sang Á với những nước rộng lớn nhất và đông dân nhất như Liên Xô, Trung Quốc. Thế giới ngày nay không còn là một tổng thể thuần nhất dưới ách thống trị của chủ nghĩa tư bản nữa mà đã chia thành hai hệ thống đối lập song song tồn tại.
Phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa đã hơn hẳn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Bằng chứng là Liên Xô trước kia là một nước tương đối lạc hậu về kinh tế mà nay đã đứng vào hàng các nước có kinh tế phát triển bậc nhất ở châu Âu.
Với mục đích thỏa mãn nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân, kinh tế xã hội chủ nghĩa mang tính chất hòa bình, dân chủ, tiến bộ, tương trợ lẫn nhau. Tính chất hòa bình, dân chủ và tiến bộ của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phù hợp với yêu cầu tiến hóa của nhân loại. Do đó, quan hệ của hệ thống xã hội chủ nghĩa với các nước khác nhất là các nước chậm phát triển về kinh tế, ngày càng mở rộng đã tạo ra một khu vực hòa bình rộng lớn bao gồm đại đa số các nước, trong đó quan hệ với Ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện, Ai Cập, v.v. là rất quan trọng.
Trái lại, chủ nghĩa tư bản theo đuổi mục đích bóc lột nhân dân lao động trong nước, chiếm đoạt quyền lợi của các nước nhỏ yếu, làm cho các nước này lâm vào tình trạng đói nghèo, lạc hậu, phải lệ thuộc vào các nước tư bản phát triển, và bằng cách đó bảo đảm cho các nhóm tư bản tài phiệt thu được những món lợi kếch xù. Với bản chất là những tên bóc lột quốc tế hung hãn, các đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, nhất là Mỹ, đang tìm cách thôn tính các nước nhỏ yếu, gây chiến tranh thế giới mới và tranh giành quyền lợi lẫn nhau.
Tuy nhiên, ngày nay thế lực của chủ nghĩa đế quốc đã suy yếu, phạm vi ảnh hưởng của chúng đã bị thu hẹp. Chúng lại  phải đương đầu với những lực lượng chính trị bao gồm hàng nghìn triệu người đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ trên khắp thế giới. Từ khi Liên Xô, người chiến sĩ hòa bình tiêu biểu, sản xuất thành công vũ khí nguyên tử làm cho bọn đế quốc hiếu chiến mất độc quyền về loại vũ khí giết người hàng loạt này thì phong trào hòa bình trên thế giới càng phát triển mạnh hơn bao giờ hết.
Trước tình hình đó, bọn đế quốc Mỹ, Anh thấy rằng nếu chúng mạo hiểm gây ra một cuộc chiến tranh thế giới mới thì chính chúng sẽ bị tiêu diệt trước; ngược lại, phong trào hòa bình trong các nước đế quốc có điều kiện để phát triển thuận lợi. Gần đây, trong cuộc tranh cử tổng thống, Đảng Cộng hòa hiện đương cầm quyền ở Mỹ nêu khẩu hiệu "hòa bình và thịnh vượng". Mục đích của chúng là lừa bịp cử tri, song điều đó còn chứng tỏ chính nhân dân của một nước hiếu chiến nhất cũng mong muốn hòa bình.
Chúng ta có thể nhận định rằng lực lượng so sánh trên thế giới đã nghiêng hẳn về phía hòa bình và ngày nay có khả năng duy trì hòa bình lâu dài trên trái đất.
Nhưng mặt khác, chúng ta không bao giờ được quên rằng còn chủ nghĩa đế quốc thì luôn luôn còn âm mưu gây chiến tranh, còn nguy cơ chiến tranh thế giới mới.
Trên cơ sở phân tích tình hình chung trên thế giới, Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô đã đưa ra hai luận điểm quan trọng:
1. Các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới có thể giải quyết thông qua thương lượng hòa bình.
2. Cách mạng trong nhiều nước hiện nay có thể tiến lên bằng phương pháp hòa bình. (Cố nhiên, đây chỉ là một khả năng. Trong những nước mà giai cấp thống trị có một bộ máy cảnh sát mạnh và đang dùng chính sách phát xít để đàn áp phong trào cách mạng thì đảng lãnh đạo trong các nước ấy cần phải phân tích rõ tình hình cụ thể nước mình để đề ra phương pháp đấu tranh thích hợp).
Căn cứ vào những nhận định trên, chúng ta có thể kết luận rằng nếu các cuộc xung đột trên thế giới có thể giải quyết thông qua thương lượng hòa bình thì việc thống nhất nước Việt Nam ta cũng có thể thực hiện bằng được phương pháp hòa bình.
Vì hòa bình thống nhất nước nhà là lợi ích và nguyện vọng chung của  hết thảy nhân dân ta ở miền Bắc cũng như ở miền Nam; đồng bào ở hai miền không có lý do gì để gây chiến tranh với nhau, không có lý do gì để kéo dài cảnh đất nước bị chia cắt. Tình trạng này là do Mỹ - Diệm độc đoán gây ra. Cho nên vấn đề căn bản là làm thế nào đập tan âm mưu của Mỹ - Diệm kéo dài việc chia cắt đất nước và chuẩn bị chiến tranh, tạo thuận lợi để đi đến hiệp thương giữa hai miền, hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Như trên kia đã khẳng định, muốn chống Mỹ - Diệm, ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác. Vậy cách mạng  miền Nam sẽ phát triển theo đường lối, phương pháp nào?
Nếu như trên thế giới, do tương quan lực lượng đã thay đổi có lợi cho cách mạng mà có khả năng giữ gìn hòa bình lâu dài và phong trào cách mạng ở nhiều nước có khả năng phát triển một cách hòa bình, thì ở miền Nam, phong trào cách mạng cũng có thể tiến lên theo đường lối hòa bình.
Để hiểu vấn đề này một cách chính xác trước hết cần thống nhất nhận định thế nào là đấu tranh cách mạng theo đường lối hòa bình.
Đấu tranh cách mạng theo đường lối hòa bình có nghĩa là lấy lực lượng chính trị của nhân dân làm chỗ dựa căn bản chứ không phải lấy lực lượng vũ trang của nhân dân để đấu tranh với chính quyền hiện hữu nhằm đạt mục đích của cách mạng. Đấu tranh cách mạng theo đường lối hòa bình cũng khác với chủ nghĩa cải lương. Nếu như chủ nghĩa cải lương về căn bản dựa vào pháp luật, vào hiến pháp để đấu tranh thì đấu tranh cách mạng theo đường lối hòa bình coi chỗ dựa chủ yếu là bạo lực cách mạng của quần chúng. Tất nhiên có sử dụng các biện pháp đấu tranh khác, kể cả lợi dụng pháp luật và hiến pháp của địch, nhưng bạo lực của quần chúng đóng vai trò quyết định. Và một mặt khác, phải thấy sự khác nhau về mục đích mới là điều quan trọng nhất. Đấu tranh cách mạng nhằm mục đích cách mạng tức là đánh đổ ách thống trị của địch, dựng lên chế độ mới thực hiện lợi ích của nhân dân. Còn chủ nghĩa cải lương thì chỉ đòi thực hiện những cải cách nhất định mà không động đến chế độ của bọn thống trị.
Chống lại một chính quyền độc tài, phát xít như chính quyền Mỹ - Diệm thì đấu tranh theo đường lối hòa bình có khả năng đạt được mục đích cách mạng hay không?
Chúng ta phải nhận rõ rằng toàn bộ tiến trình cũng như mỗi bước phát triển của cách mạng về căn bản phải do nhân dân làm lấy; đó là một vấn đề có tính quy luật, không thể làm khác được. Cho nên đường lối, phương pháp nhất thiết phải đi đúng nguyện vọng của nhân dân thì cách mạng mới phát triển và đi đến thành công được.
Nguyện vọng tha thiết của nhân dân miền Nam là giữ gìn hòa bình, thống nhất đất nước. Phong trào cách mạng miền Nam bước đầu giữ vững được và có thể phát động lên, căn bản là nhờ đã nắm chặt ngọn cờ hòa bình hợp với lòng dân. Ngược lại, bọn Mỹ - Diệm đang dùng chế độ phát xít, dùng bạo lực phản cách mạng để tiêu diệt phong trào yêu nước là trái với lòng dân nên chúng nhất định sẽ thất bại.
Với chính sách bạo lực, độc tài, phát xít, Mỹ - Diệm có thể tạo ra một lực lượng phản cách mạng đủ sức chống lại và dập tắt được phong trào cách mạng hay không?
Nhất định không. Vì chế độ Mỹ - Diệm không có một lực lượng chính trị nào đáng kể trong nước để làm chỗ dựa. Hầu hết các tầng lớp nhân dân đều chống lại chúng. Vì vậy, chính quyền của chúng không mạnh. Nó là một chính quyền hèn yếu và hung bạo. Nó không những không được quần chúng trong nước ủng hộ mà còn bị cô lập trên trường quốc tế. Do đó nó không lay chuyển được phong trào cách mạng, và nhất định nó không tồn tại được lâu dài.
Bằng chứng là trong hai năm nay, ở khắp nông thôn miền Nam không lúc nào ngớt tiếng súng đàn áp của Mỹ - Diệm, không ngày nào những người yêu nước không bị tàn sát; nhưng tinh thần cách mạng của nhân dân vẫn vững vàng, quyết tâm của quần chúng bảo vệ cách mạng vẫn không lay chuyển.
Vậy thì tại sao phong trào cách mạng hiện nay chưa phát triển mạnh lên được?
Ở đây có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về mặt khách quan, sau một thời kỳ đấu tranh vũ trang quyết liệt và lâu dài, phong trào cách mạng hiện nay nhìn chung đang tạm thời yên lặng; đó là trạng thái tất nhiên khi chuyển từ chiến tranh sang hòa bình. Có thể coi đó là một bước dừng lại để tiến lên. Do sự đàn áp, bóc lột tàn nhẫn của Mỹ - Diệm, quần chúng nhân dân nhất định sẽ chống lại, phong trào cách mạng sẽ bùng lên. Được tôi luyện trong khói lửa của 9 năm kháng chiến, nhân dân ta ở miền Nam nhất định không bao giờ chịu khuất phục dưới ách bạo tàn của Mỹ - Diệm.
Về mặt chủ quan, một số đông cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn phong trào cách mạng chưa kịp chuyển phương thức hoạt động từ công khai sang bí mật, từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh hòa bình, chưa nắm vững phương pháp đấu tranh chính trị, chưa đi đúng đường lối, nên đã hạn chế khả năng phát triển của phong trào. Một nguyên nhân nữa làm cho phong trào đấu tranh chính trị chưa phát triển đồng đều là do một số cán bộ chưa tin rằng lực lượng chính trị của quần chúng có khả năng đánh lùi những hành động bạo lực của Mỹ - Diệm, do đó còn có thái độ lừng chừng không dám phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống địch.
Bất cứ phong trào cách mạng nào cũng có lúc lên, lúc xuống, lúc thì tiến tuần tự, lúc thì tiến bột phát. Điều quan trọng là cán bộ phải hiểu sự phát triển có tính quy luật đó để lãnh đạo cho vững, làm thế nào nuôi dưỡng được quyết tâm cách mạng của quần chúng, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia đấu tranh chống địch từ thấp đến cao. Phong trào đấu tranh chính trị trong hai năm qua ở nông thôn cũng như ở thành thị chứng tỏ rằng quần chúng có rất nhiều khả năng cách mạng và đã sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh rất phong phú chống Mỹ - Diệm. Nếu chúng ta nắm vững đường lối và vận dụng phương pháp đấu tranh một cách linh hoạt thì phong trào cách mạng còn có thể phát triển mạnh hơn nữa, Mỹ - Diệm dù tàn bạo và xảo quyệt đến đâu cũng không dập tắt được.
Có người cho rằng Mỹ - Diệm dùng bạo lực chủ yếu là để tiêu diệt những người cộng sản, tàn sát những người lãnh đạo phong trào cách mạng đến khi Đảng Cộng sản bị hao mòn, không còn lực lượng để lãnh đạo cách mạng nữa thì phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng sẽ không phát triển được và sẽ lụi dần.
Nhận định như vậy là không đúng. Những người cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng, hòa mình trong quần chúng, bảo vệ và phục vụ lợi ích quần chúng, nên được quần chúng che chở, đùm bọc, Mỹ - Diệm dù tàn ác đến đâu cũng không diệt hết được quần chúng thì làm sao chúng có thể diệt hết những người cộng sản, xóa bỏ được sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng?
Hơn 30 năm nay, đế quốc Pháp quyết tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản Việt Nam để dập tắt phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng cách mạng đã chiến thắng. Kẻ bị tiêu diệt không phải là những người cộng sản Việt Nam mà chính là bọn thực dân Pháp. Đó là một sự thật lịch sử.
Một sự thật khác là hai năm qua, Mỹ - Diệm đã dùng nhiều thủ đoạn rất dã man hòng tiêu diệt những người cộng sản ở miền Nam, nhưng những người cộng sản vẫn quyết tâm thực hiện vai trò tiên phong của mình và phong trào cách mạng vẫn giữ vững và tiến lên. Chúng ta tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân miền Nam ngày càng tăng cường ý chí và lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ, nhất định sẽ đánh lùi từng bước, tiến tới đập tan chế độ độc tài phát xít Mỹ - Diệm. Và kẻ bị tiêu diệt chắc chắn sẽ không phải là những người cộng sản mà chính là chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai.
Hòa bình là nguyện vọng chung của nhân dân thế giới cũng như của nhân dân ta. Đẩy mạnh cách mạng bằng đường lối hòa bình là phù hợp với nguyện vọng đó, đồng thời thể hiện truyền thống "lấy nhân nghĩa để thắng cường bạo" của dân tộc Việt Nam ta.
Bằng đường lối đấu tranh đó, Đảng dựa chắc vào năng lực và sức mạnh của nhân dân; Đảng tin rằng với sức chiến đấu của quần chúng, nhất định sẽ tạo ra một lực lượng chính trị mạnh để đánh bại chính sách bạo lực và âm mưu gây chiến tranh của Mỹ - Diệm.
Thực hiện đường lối đó, phương pháp đó là quá trình tập hợp quần chúng, đưa họ ra đấu tranh dưới các khẩu hiệu: "hòa bình, thống nhất đất nước", "tự do, dân chủ", "cải thiện đời sống", đòi các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa. Đó là quá trình xây dựng lực lượng chính trị từ ít đến nhiều, củng cố và phát triển phong trào đấu tranh của quần chúng từ thấp đến cao, từ những bước tuần tự đến những bước nhảy vọt để làm lay chuyển bộ máy cai trị của Mỹ - Diệm.
Chính quyền Mỹ - Diệm bị lung lay từng phần hay toàn bộ là tùy ở lực lượng so sánh giữa ta và địch, tùy ở sự phát triển cụ thể của phong trào cách mạng trong nước và tác động của cuộc đấu tranh cách mạng trên phạm vi thế giới...
Chúng ta tin và sự thật cũng cho phép chúng ta tin rằng cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân ta cuối cùng sẽ làm lay chuyển tận gốc chế độ Mỹ - Diệm, rằng ý chí hòa bình nhất định sẽ thắng âm mưu gây chiến tranh, rằng dân chủ nhất định sẽ thắng phát xít.
Có ý kiến cho rằng dưới sự cai trị phát xít và trước âm mưu gây chiến tranh của Mỹ - Diệm mà dùng lực lượng chính trị của nhân dân để đấu tranh đòi tự do, dân chủ, giữ gìn và củng cố hòa bình thì không thể nào thực hiện được.
Nhận định đó không có cơ sở. Đương nhiên không thể giành được các quyền tự do dân chủ một cách dễ dàng. Chúng ta đều biết trong lịch sử phong trào công nhân và công đoàn, thợ thuyền trong các nước tư bản chủ nghĩa đã đấu tranh gay go, gian khổ như thế nào mới tranh thủ được một số quyền tự do, dân chủ. Thí dụ để có ngày lao động Quốc tế 1 tháng Năm, giai cấp thợ thuyền trên thế giới đã đổ biết bao mồ hôi và xương máu mới giành được. Thế thì khó khăn, gian khổ, thậm chí tổn thất, hy sinh, trong đấu tranh cách mạng là một điều tất nhiên. Nhưng khó khăn, gian khổ không phải là không vượt qua được.
Bọn Mỹ - Diệm đã từng hô hào "Bắc tiến, lấp sông Bến Hải", nhưng nay chúng phải nói đến hòa bình (mặc dù là dối trá), đó là một bước lùi của chúng. Chúng đã từng tuyên bố "đạp lên oán thù mà đi" nhưng chúng cũng buộc phải nói đến tự do, dân chủ (mặc dù là dối trá). Như vậy không phải là Mỹ - Diệm không sợ lòng căm hờn và sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Muốn đánh đổ Mỹ - Diệm, phải tạo phương tiện có hiệu lực để quần chúng làm việc đó. Lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thực hiện ba yêu cầu nói trên chính là nhằm tạo ra những lực lượng cần thiết để đánh đổ Mỹ - Diệm.
Đấu tranh làm sụp đổ một chính quyền phản động là một quá trình lâu dài trải qua nhiều giai đoạn và có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo tình hình cụ thể của mỗi nước, tùy theo sự tiến triển cụ thể của cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân chống lại chính quyền ấy.
Có trường hợp do sức ép của phong trào đấu tranh của quần chúng mà bọn thống trị buộc phải cải tổ bộ máy cai trị, để một số phần tử tiến bộ, dân chủ tham gia chính quyền, do đó làm cho chính quyền của chúng thay đổi từng phần.
Cũng có thể quần chúng đấu tranh buộc bọn cầm quyền phải bầu lại quốc hội, lập ra chính phủ mới.
Cũng có thể có những cuộc nổi dậy của một bộ phận chính quyền địa phương, phối hợp với sức đấu tranh của quần chúng nhân dân để chống lại chính quyền trung ương.
Cũng có thể có cơ hội thuận lợi cho một cuộc nổi dậy quy mô lớn, như cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của ta, v.v..
Tóm lại, có nhiều hình thức khác nhau để đánh đổ một chính quyền phản động. Nhưng mọi chính quyền thù địch với nhân dân sụp đổ đều theo một quy luật chung. Một chính quyền phản động nhất định sẽ sụp đổ khi đa số nhân dân không thể sống một cách bình thường dưới chính quyền ấy được nữa; khi mà đội tiên phong và đông đảo quần chúng cách mạng biểu thị quyết tâm vùng lên đánh đổ; khi mà bản thân bọn cầm quyền cũng không cai trị một cách bình thường được nữa. Tức là khi chính quyền của chúng bị suy yếu đến mức trở nên bất lực do sự xung đột giữa nhân dân với chúng ngày càng gay gắt; do sự khủng hoảng của chúng ngày càng nghiêm trọng, nhất là về chính trị; do mâu thuẫn trong nội bộ bọn cầm quyền ngày càng sâu sắc và do tình hình thế giới phát triển không có lợi cho chúng.
Chúng ta hãy quyết tâm thực hiện đường lối đã vạch ra; sự phát triển của phong trào cách mạng sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ và làm đúng hơn nữa.
Chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến ở nước ta đã thất bại nặng nề, song chúng còn rất hung hăng, ngoan cố. Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta tuy đã giành được thắng lợi vẻ vang, vẫn còn nhiều gay go, gian khổ, nhưng sức mạnh của dân tộc ta, của thời đại chúng ta là vô địch. Chúng ta tin chắc thắng lợi cuối cùng nhất định thuộc về nhân dân ta.
V
BÀI HỌC LỊCH SỬ VÀ NHỮNG NHIỆM VỤ
CƠ BẢN CỦA CÁCH MẠNG MIỀN NAM
Cuộc cách mạng của chúng ta, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng phản đế và phản phong, mới thành công ở một nửa nước. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là hoàn thành cuộc cách mạng đó trong cả nước. Chúng ta cần phải học và vận dụng những kinh nghiệm của quá khứ vào tình hình cụ thể hiện nay để đưa sự nghiệp cách mạng ở miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Bài học kinh nghiệm từ ngày Đảng ta ra đời đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công là bài học kinh nghiệm rất quý báu và thiết thực, soi sáng con đường chúng ta cần đi và phải đi để đạt tới mục đích cuối cùng.
Từ năm 1930 đến năm 1945, Đảng ta đã phát động một phong trào cách mạng sâu rộng, tiến hành đấu tranh chính trị lâu dài chống địch, khi âm thầm, khi sôi nổi, lúc bí mật, lúc công khai, có đấu tranh trong nghị viện của địch, trên báo chí, phối hợp với đấu tranh ngoài đường phố, trong xưởng máy và thôn quê, có đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần ở nông thôn rừng núi. Đến Tháng Tám 1945, khi xuất hiện thời cơ đẩy tới cao trào cách mạng thì những lực lượng chính trị của đại đa số quần chúng nhân dân từ Bắc đến Nam đã kịp thời vùng dậy đánh đổ phát xít Nhật và chế độ đế quốc phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám thành công không phải là một việc tình cờ; đó là kết quả tất yếu của một công trình cách mạng do toàn Đảng, toàn dân ta tổ chức và thực hiện một cách tài tình.
Bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng tiến triển theo những quy luật nhất định. Có nắm bắt đúng và vận dụng những quy luật đó một cách linh hoạt, sáng tạo, kịp thời trong quá trình phát triển của cách mạng cũng như trong giờ phút quyết định của tình thế, thì mới giành được thắng lợi.
Bài học kinh nghiệm chủ yếu của Cách mạng Tháng Tám là: Phải có thực lực bên trong, thì mới nắm được thời cơ từ bên ngoài đưa lại.
Cuộc cách mạng của chúng ta không chỉ là cách mạng giải phóng dân tộc nói chung mà còn mang tính chất một cuộc cách mạng giải phóng cho nhân dân lao động trong một nước thuộc địa nửa phong kiến nhỏ yếu. Một cuộc cách mạng như vậy, nếu không có một tình thế quốc tế thật thuận lợi thì rất khó thành công.
Thời cơ thuận lợi hiếm có đã đến với cách mạng Việt Nam khi Hồng quân Liên Xô cùng với quân Đồng minh đánh thắng chủ nghĩa phát xít, tức là khi các lực lượng xã hội chủ nghĩa và dân chủ đã hoàn toàn thắng thế, chủ nghĩa đế quốc nói chung bị sụp đổ một mảng lớn; ở Á Đông, bọn quân phiệt Nhật bị bại trận và đầu hàng không điều kiện.
Nắm vững thời cơ ấy, Đảng ta đã kịp thời phát động toàn dân đứng lên giành chính quyền trong cả nước, làm Cách mạng Tháng Tám thành công.
Thời cơ do bên ngoài tạo ra rất là quan trọng, nhưng nếu trong nước không có lực lượng cách mạng hoặc thực lực còn yếu thì thời cơ dù quý báu cũng sẽ qua đi và không đem lại kết quả nào cho cách mạng.
Chúng ta há chẳng thấy rằng một số nước thuộc địa cũ ở Đông Nam Á mặc dù cũng có thời cơ thuận lợi tương tự như nước ta mà vẫn không làm cách mạng thành công đó sao? Cho nên điều căn bản là phải có thực lực cách mạng bên trong đủ mạnh thì mới tranh thủ kịp thời và sử dụng có hiệu quả cơ hội thuận lợi do bên ngoài tạo ra. Đó là một bài học cực kỳ quan trọng.
Hiện nay, một số đồng chí chúng ta ở miền Nam, trong lúc đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm đã phạm lỗi lầm là chỉ trông chờ diễn biến của tình hình quốc tế sẽ đưa tới những biện pháp hữu hiệu nào đó, mà không thấy rõ con đường phát triển của cách mạng trong nước, không bền bỉ đi sâu vào việc xây dựng thực lực cách mạng, do đó đã làm cho phong trào lâm vào tình trạng bị động, không phát triển lên được. Chúng ta cần rút kết luận từ bài học lịch sử nói trên.
Thực lực cách mạng trong nước là gì và làm thế nào để tạo ra thực lực cách mạng?
Trước hết, phải có một đảng cách mạng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, đứng vững trên lập trường giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thì cách mạng mới thành công.
Sau khi phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp và độc chiếm Đông Dương, một số đảng phái gọi là "quốc gia" dựa vào thế lực của Nhật đã lần lượt mọc ra. Dưới cái vỏ độc lập giả hiệu do Nhật ban cho, chúng lớn tiếng hô hào "độc lập, tự do", "vì dân, vì nước", phất cờ gióng trống khắp thành thị thôn quê, cơ hồ như nhân dân cả nước đều răm rắp nghe theo chúng hết.
Nhưng khi phát xít Nhật bị đánh bại và đầu hàng, thì các đảng phái đó đều tan như bèo bọt, tất cả quần chúng nhân dân từ Bắc chí Nam đều theo ngọn cờ của Đảng ta, nhất tề đứng dậy lật đổ chính quyền đế quốc phong kiến, giành lại độc lập thật sự cho dân tộc.
Tại sao Đảng ta làm được như vậy?
Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên mà chính là kết quả của quá trình vận động cách mạng của Đảng ta trong 15 năm kể từ ngày Đảng thành lập đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, với quyết tâm sắt đá phụng sự dân tộc, bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động, với uy thế chính trị lớn lao từ khi Đảng phát động chiến tranh du kích, lập khu căn cứ Việt Bắc, Đảng ta đã làm cho quần chúng nhân dân thấy rõ Đảng là người lãnh đạo sáng suốt, người chiến sĩ trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và của nhân dân lao động.
Đó là vì Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hành động, và nhờ đứng vững trên lập trường tư tưởng đó, đã đề ra một đường lối khoa học về cách mạng giải phóng dân tộc và về mặt trận dân tộc thống nhất.
Đảng đã vạch rõ cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta là cách mạng phản đế và cách mạng phản phong, dưới khẩu hiệu "dân tộc độc lập, người cày có ruộng", coi đó là hai nhiệm vụ không tách rời nhau.
Đảng cũng vạch rõ phải xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất lấy liên minh công nông làm cơ sở, đồng thời đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội khác, kể cả giai cấp tư sản dân tộc, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà người đại biểu là Đảng Cộng sản.
Chính đường lối chính trị đúng đắn ấy của Đảng đã quyết định thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Ngày nay, để giành thắng lợi cho cách mạng miền Nam, Đảng ta nhất định phải tiếp tục thực hiện đường lối chính trị đó. Và điều quan trọng hàng đầu là phải củng cố các tổ chức đảng, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Phải xây dựng khối liên minh công nông vững chắc.
Sau thành công của cách mạng vô sản ở nước Nga năm 1917, và sau khi giai cấp tư sản Trung Quốc vứt bỏ ngọn cờ dân tộc và Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng ra lãnh đạo cách mạng để thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, thì ở Việt Nam cách mạng không đi theo con đường cũ nữa, con đường cách mạng theo quan điểm tư sản. Cách mạng giải phóng dân tộc trở thành một đòi hỏi bức thiết của nhân dân, đồng thời ý thức giác ngộ giai cấp của thợ thuyền và dân cày cũng được khơi dậy.
Những sự kiện khách quan của thời đại mới đã ảnh hưởng sâu sắc tới trào lưu dân tộc, dân chủ ở Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam Quốc dân đảng chủ  trương đánh thực dân Pháp mà không đả động tới quyền lợi giai cấp. Họ cho rằng ai nói đến quyền lợi của giai cấp trong nước là có tội với dân tộc. Thậm chí, một số lãnh tụ Quốc dân đảng còn cho rằng trước hết phải tiêu diệt những người cộng sản rồi sau mới đánh thực dân Pháp, vì những người cộng sản chủ trương chia ruộng đất cho dân cày là chia rẽ dân tộc.
Họ không nói đến giai cấp nhưng kỳ thật là họ đại biểu quyền lợi của giai cấp địa chủ và tư sản trong nước. Họ không thấy hoặc không muốn thấy chính bọn phong kiến phản quốc đã ôm chân đế quốc, làm tay sai cho đế quốc để chia rẽ và đàn áp dân tộc hòng giữ lấy quyền lợi ích kỷ của chúng. Quốc dân đảng cũng như các đảng phái tự phong là "quốc gia" đã tách rời quần chúng công nông và các tầng lớp lao động khác, cho nên họ đã bị phá sản, không cất đầu lên được nữa. Họ đều thất bại và tan rã chính vì bản chất giai cấp phản động của họ.
Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành người lãnh đạo duy nhất của cách mạng giải phóng dân tộc và 15 năm sau đó đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi là trong quá trình cách mạng, Đảng ta đã giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, đã coi trọng việc xây dựng liên minh công nông, lấy liên minh công nông làm nền tảng của mặt trận dân tộc thống nhất, nhờ đó đã xây dựng được một mặt trận chống đế quốc và phong kiến rất mạnh và rất rộng.
Từ khi ra đời, Đảng ta đã nêu cao vai trò tiên phong của giai cấp công nhân và vai trò chủ lực của dân cày; Đảng chủ trương giành độc lập cho dân tộc và giải phóng công nông, trước hết là dân cày, vì có giải phóng dân cày, bộ phận đông đảo nhất trong nhân dân, thì mới có lực lượng để đánh đuổi đế quốc, và ngược lại có đánh đuổi đế quốc thì mới giải phóng được dân cày khỏi hai tầng áp bức đế quốc và phong kiến. Nhờ có đường lối đúng đắn đó, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc từ Bắc chí Nam ùn ùn nổi dậy. Lịch sử giải phóng dân tộc từ khi nước ta bị đế quốc xâm chiếm chưa lúc nào có một phong trào quần chúng mạnh mẽ và rộng khắp như vậy.
Các cao trào cách mạng của công nông trong những năm 1930-1931 (mà tiêu biểu là cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh), trong những năm 1936-1939 và 1940-1945 là những cuộc diễn tập rất quan trọng, những cuộc động viên chính trị rộng lớn dẫn đến đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Hàng triệu người đã vùng dậy cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám là hàng triệu người, mà đa số là quần chúng công nông, đã chịu ảnh hưởng của Đảng ta, được Đảng động viên giáo dục trong 15 năm hoạt động kể từ ngày Đảng thành lập. Vậy thì đặt vấn đề liên minh công nông trong  mặt trận dân tộc là đúng, hay là không nói đến quyền lợi giai cấp như các đảng phái "quốc gia" là đúng?
Sự thật lịch sử đã chứng minh rằng nếu không có liên minh công nông thì cách mạng không có lực lượng và không thể giành thắng lợi được.
Điều ấy đã rõ ràng. Thế nhưng vẫn còn có người cho rằng nêu cao vấn đề liên minh công nông tức là đặt rõ vấn đề giai cấp thì sẽ làm tổn thương và suy yếu mặt trận dân tộc thống nhất.
Nhận định như vậy là không đúng.
Chính trong kháng chiến chống Pháp, để củng cố và phát triển mặt trận dân tộc thống nhất và đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến đấu cứu nước, Đảng ta đã đặt vấn đề chia ruộng đất cho dân cày. Điều đó đã thúc đẩy hàng chục vạn nông dân ở hậu phương hăng hái làm nghĩa vụ dân công phục vụ tiền tuyến, và cổ vũ các chiến sĩ ngoài mặt trận anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ12. Tiến hành cải cách ruộng đất trong kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu "người cày có ruộng" là thành công to lớn của Mặt trận Liên Việt.
Các đồng chí đang hoạt động ở nông thôn đều nhận thấy tác động sâu sắc, mạnh mẽ của việc chia ruộng đất cho nông dân trong kháng chiến trước đây và việc bảo vệ quyền lợi của nông dân trong vấn đề ruộng đất, vấn đề tô tức hiện nay chính là cái chìa khóa của phong trào cách mạng đồng thời là cái bùa hộ mệnh của cán bộ để chống lại Mỹ - Diệm. Ở đâu các đồng chí chúng ta quyết tâm lãnh đạo nông dân đấu tranh bảo vệ những quyền lợi mà cách mạng đã mang lại cho họ thì ở đó phong trào cách mạng giữ vững và phát triển, cán bộ được bà con nông dân tận tình nuôi dưỡng, che chở. Ngược lại, nơi nào không làm như vậy thì ở đó phong trào cách mạng giảm sút và rời rạc. Dựa vào thế lực của Mỹ - Diệm, địa chủ tìm mọi cách giành lại ruộng đất đã chia cho dân cày. Nhưng một số đồng chí chúng ta vì muốn "trung lập", "lôi kéo" địa chủ, đã không bảo vệ lợi ích của nông dân, đã xa rời hàng vạn quần chúng cơ bản của Đảng và do đó cũng không bám được vào dân để bảo vệ mình. Đó là sai lầm không thể chấp nhận được. Đảng chủ trương "trung lập những người có thể trung lập, lôi kéo những người có thể lôi kéo" là vận dụng chiến thuật mềm dẻo nhằm phục vụ đường lối cách mạng  phản đế phản phong. Một số cán bộ hiểu sai sách lược đó của Đảng đã bị địa chủ lừa bịp.
Ở nông thôn hiện nay, một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của chúng ta là đoàn kết trung bần cố nông, liên hiệp với phú nông, đánh đổ địa chủ phong kiến, tay sai của đế quốc.
Toàn bộ giai cấp địa chủ  là đối tượng mà cách mạng phải xóa bỏ. Nhưng chúng ta có phân biệt đối xử với các hạng địa chủ khác nhau; đối với địa chủ nhỏ, một số bộ phận hay từng người, thì ta có thể trung lập hoặc lôi kéo, coi đó là chiến thuật nhằm phân hóa giai cấp địa chủ.
Trong khi làm như thế chúng ta cần nhận rõ tính chất gay gắt của cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn miền Nam. Tình trạng gay gắt này không phải do chúng ta muốn có mà chính là do giai cấp địa chủ chống lại cách mạng ruộng đất tạo nên.
Tình hình đó đòi hỏi phải củng cố lập trường giai cấp trong các đảng bộ, các cấp ủy, nâng cao giác ngộ giai cấp của nông dân, nhất là bần cố trung nông, làm cho nông dân có quyết tâm vì giai cấp, vì dân tộc mà chiến đấu. Làm như vậy cũng là để củng cố mặt trận dân tộc thống nhất và phát triển phong trào cách mạng ở nông thôn.
Hiện nay, ở thành thị nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn, và ở các đồn điền cao su, hàng chục vạn công nhân và người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, bần cùng, đang đấu tranh chống sự áp bức, bóc lột của Mỹ - Diệm. Đó là một lực lượng chính trị rất quan trọng.
Đảng bộ các cấp cần tìm mọi cách tuyên truyền giác ngộ quyền lợi giai cấp cho công nhân và người lao động, dựa vào phong trào công nhân, lao động để đẩy mạnh đấu tranh chống Mỹ - Diệm và xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu làm cơ sở để mở rộng mặt trận dân tộc trong các thành thị miền Nam.
Chúng ta không sợ nói đến giai cấp sẽ làm cho mặt trận dân tộc bị tổn thương. Bởi vì công nông, lực lượng quần chúng đông đảo nhất trong nhân dân lao động, có giác ngộ quyền lợi của công nông, các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản có giác ngộ quyền lợi của họ, thì tất cả nhân dân ta mới thật sự có quyết tâm đánh đổ đế quốc, phong kiến. Và trong các giai cấp có tính chất dân tộc và dân chủ ấy, quyền lợi của công nhân và nông dân là nhất trí hơn hết với quyền lợi của dân tộc, do đó công nông hợp thành lực lượng chủ yếu của cách mạng dân tộc dân chủ, thành chỗ dựa cơ bản của mặt trận dân tộc thống nhất.
Mặt khác, có xây dựng liên minh công nông thật vững mạnh, có củng cố và nêu cao vai trò chính trị của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân thì Đảng mới củng cố và tăng cường được vị trí chính trị của mình trong mặt trận dân tộc, mới giữ vững và phát huy được vai trò lãnh đạo của mình đối với phong trào cách mạng.
Nếu vị trí và uy thế chính trị ở trong tay giai cấp tư sản hay các tầng lớp đại biểu lợi ích của giai cấp tư sản, thì sự lãnh đạo của Đảng sẽ bị tổn thương và sự nghiệp cách mạng có thể bị nguy hại.
Hiện nay, ở miền Nam, Mỹ - Diệm đang tìm mọi cách tiêu diệt Đảng ta, đập tan uy thế chính trị của Đảng hòng dẹp yên phong trào cách mạng.
Để đối phó lại, Đảng ta càng phải đặc biệt chú ý xây dựng liên minh công nông, giữ vững và nêu cao uy thế chính trị của hai giai cấp: công nhân và nông dân. Vì Đảng ta là đảng của công nhân và nhân dân lao động, sự tồn tại của Đảng không thể ra ngoài phong trào chính trị của công nông.
Mặt khác, có xây dựng liên minh công nông vững mạnh thì mới củng cố và phát triển được mặt trận dân tộc thống nhất, mới lôi cuốn được các tầng lớp trên tham gia các hoạt động của mặt trận một cách có ý thức. Kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ 1930-1931, 1936-1939, 1940-1945 đã chứng tỏ điều ấy.
Tóm lại, chúng ta phải ra sức xây dựng liên minh công nông vì:
- Công, nông là lực lượng căn bản của cách mạng.
- Vị trí, uy thế của công, nông có củng cố thì vị trí, uy thế chính trị của Đảng mới vững.
- Có xây dựng, củng cố liên minh công nông thì mới củng cố, phát triển được mặt trận dân tộc chống đế quốc phong kiến.
Xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất.
Đảng ta lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc từ năm 1930, nhưng đến cuối năm 1939 Đảng ta mới đề ra cương lĩnh mặt trận dân tộc và đến năm 1941 mặt trận mới có hình thức tổ chức rõ ràng.
Kiểm điểm lại chúng ta nhận thấy rằng trong phong trào 1930-1931 chính sách mặt trận nặng về giai cấp hơn là dân tộc; trong thời kỳ 1936-1939, mặt trận mang màu sắc dân chủ chung1*nhiều hơn là dân tộc; cuối năm 1939 khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, chính sách mặt trận do Đảng đề ra mới có nội dung giai cấp, nội dung dân tộc, dân chủ tương đối đầy đủ và đến năm 1941 về tổ chức, mặt trận mới mang hình thức dân tộc rõ ràng; đó là Mặt trận Việt Minh.
Xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc tức là bố trí lực lượng các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các thành phần trong dân tộc để đánh bại kẻ thù của cách mạng.
Kẻ thù của nhân dân ta là chủ nghĩa đế quốc và giai cấp địa chủ, phong kiến.
Mặt trận dân tộc tập hợp mọi lực lượng yêu nước và dân chủ để chống lại kẻ thù chung ấy. Nhưng về chiến thuật để tập trung mũi nhọn chống đế quốc, ta chủ trương phân hóa giai cấp địa chủ phong kiến, ta nêu khẩu hiệu "đánh đổ đế quốc và tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian phản quốc" nghĩa là ta chĩa mũi nhọn đấu tranh vào những địa chủ cấu kết với đế quốc, lấy ruộng đất của chúng để chia cho dân cày. Còn đối với địa chủ nhỏ không trực tiếp làm tay sai cho đế quốc thì ruộng đất được xử lý bằng những biện pháp khác nhẹ nhàng hơn.
Mặt trận dân tộc có nhiệm vụ đoàn kết toàn dân đánh đổ đế quốc phong kiến, thực hiện tự do, dân chủ, bảo đảm đời sống của quần chúng lao động, chia ruộng đất cho dân cày, mở mang công thương nghiệp, tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước, thiết lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ, xây dựng quân đội quốc gia và nhân dân dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân, thông qua chính đảng của nó là Đảng Cộng sản.
Mặt trận của ta đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết nhưng có tính chất giai cấp rõ ràng. Một mặt trận như vậy đáp ứng đúng đòi hỏi khách quan của tình hình nước ta, động viên được tất cả các lực lượng yêu nước dân chủ và tiến bộ, tạo thành sức mạnh to lớn đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công.
Xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta hiện nay để đánh thắng quân thù.
Để làm tốt nhiệm vụ đó, chúng ta cần học tập những kinh nghiệm về xây dựng mặt trận từ khi có Đảng.
Trong phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh những năm 1930-1931, chúng ta đã phạm sai lầm tả khuynh2*, do đó làm cho phong trào xa lìa một số bạn đồng minh và trở nên cô độc, dễ bị tan rã trước sự phản kích của quân thù. Cũng có lúc chúng ta quá nặng về tranh thủ những nhân sĩ yêu nước, đoàn kết với các giai cấp bên trên, nên đã phạm sai lầm hữu khuynh trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân nhằm bồi dưỡng lực lượng kháng chiến như Trung ương Đảng đã nhận định.
Hiện nay, nước ta ở một tình thế đặc biệt: một nửa nước đã được giải phóng và một nửa nước còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Việc xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc chống đế quốc và phong kiến có những thuận lợi to lớn nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, phức tạp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như cương lĩnh của Mặt trận đã vạch rõ, về nội dung cũng như về hình thức rất thích hợp với tình hình hiện nay của đất nước, sẽ thúc đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam để hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.
Để xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất, chúng ta cần thực hiện mấy công tác quan trọng sau đây:
Một là xây dựng khối liên minh công nông chặt chẽ, vững mạnh như trên đã nói.
Hai là khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp tiểu tư sản, học sinh, sinh viên, trí thức, lôi cuốn họ tham gia phong trào dân tộc, dân chủ.
Kinh nghiệm vận động cách mạng qua nhiều thời kỳ ở nước ta cho thấy học sinh, sinh viên, trí thức đóng một vai trò rất quan trọng, rất tích cực trong đội quân cách mạng quần chúng và trong các cuộc đấu tranh chính trị.
Nhưng ở miền Nam hiện nay, trừ một số ít thấy được con đường đấu tranh vì sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, phần đông học sinh, sinh viên, trí thức còn đứng ở ngã ba đường, chưa tìm ra phương hướng hành động, chưa hăng hái đứng lên bảo vệ lợi ích của mình và cùng với toàn dân đấu tranh vì sự sống còn của dân tộc.
Cho nên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đấu tranh tư tưởng trong đông đảo học sinh, sinh viên, trí thức, vạch trần những luận điệu bịp bợm, dối trá của Mỹ - Diệm về cái gọi là "thế giới tự do", khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước của học sinh, sinh viên, trí thức, làm cho họ thấy rõ bước đường tiến triển và tương lai tất thắng của cách mạng, thấy rõ chỗ đứng trong mặt trận dân tộc để phát huy tác dụng ngòi pháo của mình trong cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, vì một nền văn hóa thật sự dân tộc và tiến bộ, chống lại văn hóa lai căng, phản động và đồi trụy do Mỹ - Diệm gieo rắc.
- Ba là bồi dưỡng, nâng cao ý thức chính trị và phát triển phong trào đấu tranh của các tầng lớp công thương nghiệp dân tộc.
Ở miền Nam, giai cấp tư sản dân tộc, tuy số lượng không lớn, nhưng có một vị trí quan trọng, nhất là kinh tế. Nhưng hiện nay, công thương nghiệp và các ngành tiểu công nghiệp ở miền Nam bị bọn tư bản lũng đoạn Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm chèn ép, không phát triển được. Các tầng lớp tư sản công thương, tiểu chủ ngày càng tỏ rõ sự công phẫn đối với Mỹ - Diệm.
Chúng ta cần làm cho các tầng lớp đó nhận rõ sự cần thiết phải tích cực đứng lên đấu tranh và tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân chống Mỹ - Diệm. Cần động viên, tổ chức họ cùng với các tầng lớp nhân dân khác đấu tranh đòi bảo vệ và mở mang công thương nghiệp dân tộc, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, đòi thực hiện một chính quyền có tính chất dân tộc, dân chủ ở miền Nam để cùng với chính quyền nhân dân ở miền Bắc đấu tranh lập quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà. Đó là con đường cần thiết để các tầng lớp công thương bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời là con đường quang vinh nhất để họ làm tròn nhiệm vụ người dân yêu nước.
Ngoài ra, chúng ta cần tranh thủ những nhân vật có tên tuổi, những nhân sĩ yêu nước và dân chủ vào mặt trận nhằm phân hóa hàng ngũ kẻ thù, tăng thêm lực lượng cách mạng, đồng thời lấy đó để động viên, cổ vũ quần chúng.
Bốn là tăng cường đoàn kết với các tôn giáo: đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Cao đài, đạo Hòa hảo.
Trong công tác mặt trận chúng ta đã thu được những thành tựu đáng kể về việc vận động tín đồ các tôn giáo tham gia kháng chiến, kiến quốc, nhưng đồng thời cũng phạm một số khuyết điểm. Chúng ta cần tổng kết kinh nghiệm vận động đối với từng tôn giáo, để làm tốt hơn nữa công tác mặt trận, thắt chặt đoàn kết với các tôn giáo, đoàn kết cả ở bên dưới và bên trên, lấy việc đoàn kết ở bên dưới làm căn bản, nhằm lôi cuốn các tín đồ tham gia ngày càng mạnh vào cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm.
Năm là đi sâu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách đoàn kết các dân tộc anh em trong mặt trận dân tộc thống nhất.
Các dân tộc thiểu số ở đồng bằng cũng như miền núi đã có những đóng góp rất lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây và phong trào chống Mỹ - Diệm hiện nay. Vùng đồng bào các dân tộc miền núi, nhất là Tây Nguyên, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Chúng ta cần có những tổ chức chuyên trách công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, kiên trì giáo dục nhằm nâng cao trình độ chính trị và văn hóa, đồng thời hết sức chăm lo đào tạo cán bộ, coi đó là khâu quyết định để đẩy mạnh phong trào cách mạng trong các vùng dân tộc.
- Sáu là phát huy năng lực to lớn của thanh niên và phụ nữ.
Phải khắc phục tư tưởng coi nhẹ vai trò của thanh niên, nhất là coi nhẹ vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Sử dụng các hình thức tổ chức thích hợp, chú ý các hình thức công khai hợp pháp để tập hợp đông đảo thanh niên, phụ nữ đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giới mình và góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng công, nông, nhất là của công nhân và các tầng lớp lao động ở thành thị.
Khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch để làm suy yếu và cô lập chúng, tăng thêm lực lượng của cách mạng.
Trong cuộc chiến đấu giữa hai thế lực đối địch, ai mạnh thì được, ai yếu thì thua. Đó là quy luật, cho nên, muốn đánh thắng quân thù, phải thu hút, tập hợp mọi năng lực cách mạng vào mặt trận dân tộc, thực hiện đúng phương châm "thêm bạn, bớt thù", làm cho ta ngày càng mạnh, địch ngày càng yếu.
Vì vậy, đi đôi với việc tăng cường thực lực của cách mạng, phải biết khai thác những mâu thuẫn nội bộ của địch để phân hóa hàng ngũ chúng làm cho chúng suy yếu và cô lập.
Nội bộ địch không bao giờ có sự đoàn kết thống nhất. Quan hệ giữa Mỹ với tập đoàn Ngô Đình Diệm là quan hệ giữa thầy với tớ, giữa bảo hộ và lệ thuộc. Mối quan hệ không bình đẳng ấy làm cho một số nhân viên ngụy quyền cấp dưới, những phần tử thuộc tầng lớp tiểu tư sản, trí thức hoặc gắn bó ít nhiều với nhân dân lao động, có mâu thuẫn với Mỹ - Diệm, nhất là khi phong trào cách mạng dân tộc dân chủ ngày càng phát triển mạnh.
Trước tình trạng độc tài gia đình trị của tập đoàn Ngô Đình Diệm do Mỹ nâng đỡ và chi phối, và trước tình trạng khủng hoảng không tránh khỏi về chính trị, kinh tế, tài chính của chính quyền Diệm, trong nội bộ bọn cầm quyền cũng như giữa bọn cầm quyền và những thế lực đứng ngoài, nhất định sẽ nảy sinh những sự tranh chấp giữa các phe nhóm khác nhau, hoặc giữa cá nhân này với cá nhân khác.
Ta phải tìm mọi cách khoét sâu, khai thác những mâu thuẫn ấy để phân hóa hàng ngũ địch, tranh thủ những phần tử có khả năng tiến bộ, có ít nhiều cảm tình với cách mạng để gây lực lượng của ta ngay trong lòng địch hoặc tranh thủ một bộ phận nhất định trong hệ thống chính quyền, trong các tổ chức quân sự, chính trị của địch, nhằm làm suy yếu và cô lập bọn tay sai đầu sỏ, ngoan cố.
Kinh nghiệm của cách mạng nước ta cho thấy mâu thuẫn và sự tan rã trong hàng ngũ địch là một điều kiện hết sức quan trọng cho thành công của cách mạng.
Trong tình hình hiện nay, ta có điều kiện thuận lợi để khai thác các mâu thuẫn trong nội bộ địch ngay ở các làng xã, các trại lính, các công sở của bọn ngụy quyền, các tổ chức, đảng phái chính trị do Mỹ - Diệm lập ra. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà ta cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt để tạo thêm lợi thế cho phong trào cách mạng.
KẾT LUẬN
Để đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam, chúng ta cần phải nắm vững và làm đúng đường lối chính trị đã được vạch ra, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử của cách mạng Việt Nam và thực hiện tốt mấy nhiệm vụ cơ bản sau đây:
1. Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, phát huy uy thế chính trị của Đảng trong quảng đại quần chúng.
2. Xây dựng khối liên minh công nông sâu rộng và vững chắc.
3. Tích cực phổ biến Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân. Xây dựng, củng cố, phát triển mạnh mẽ mặt trận dân tộc thống nhất khắp thành thị, nông thôn miền Nam.
4. Khai thác mâu thuẫn trong nội bộ địch để làm yếu và cô lập địch, gây thêm lực lượng cho ta.
Tất cả đảng viên chúng ta cần phải có một nhận thức tối thiểu về những cơ sở lý luận của cách mạng miền Nam hiện nay.
Cơ sở lý luận trên đây xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước, từ những bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam, đồng thời dựa vào phương châm cơ bản của ta trong việc xây dựng thực lực cách mạng là: "Dựa chắc vào lực lượng tích cực, tranh thủ các lực lượng trung gian, phân hóa và cô lập kẻ thù".
Kinh nghiệm vận động cách mạng của Đảng ta từ năm 1930 đến năm 1945 cho thấy rằng: trong khi quân giải phóng của ta còn ít ỏi và hoạt động chủ yếu ở khu căn cứ Việt Bắc, thì quần chúng nhân dân trong cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Mặt trận Việt Minh13, đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn tay sai thân Nhật. Quần chúng nhân dân ấy là lực lượng chính trị mà Đảng ta đã động viên, tập hợp, nuôi dưỡng trong một quá trình cách mạng lâu dài từ những cuộc đấu tranh đòi tăng từng xu lương cho thợ, giành từng hột thóc cho nông dân, đến những cuộc đấu tranh đòi các quyền dân chủ như, xuất bản một tờ báo, đưa người vào viện dân biểu, vào hội đồng quản hạt, v.v.. Qua những thắng lợi từng bước có khi rất nhỏ nhặt ấy, Đảng ta đã súc tích lực lượng từ ít đến nhiều và khi có thời cơ thuận lợi, đã kịp thời phát động quần chúng, tổ chức thành đội quân chính trị hàng triệu người để áp đảo quân thù. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chính là kết quả của một quá trình đấu tranh và súc tích lực lượng từ thấp đến cao như thế.
Ngày nay ở miền Nam, chúng ta tiến hành đấu tranh cách mạng trong những điều kiện mới đồng thời có những khó khăn mới. Nhưng chúng ta có thuận lợi rất cơ bản: lực lượng cách mạng ở miền Bắc hùng hậu và vững chắc; đồng bào miền Nam anh dũng, giàu lòng yêu nước, đã được tôi luyện trong chiến đấu gian khổ; tình hình thế giới đang phát triển có lợi cho ta; kẻ thù tuy hung hãn nhưng ngày càng suy yếu và cô lập; ta có cơ sở pháp lý vững chắc dựa trên Hiệp nghị Giơnevơ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, với đường lối và phương pháp cách mạng đã được vạch ra, nhân dân ta sẽ có điều kiện khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, tạo nên lực lượng to lớn để đánh thắng quân thù.
Chúng ta nhất định thắng vì con đường chúng ta đi đáp ứng đúng những yêu cầu cơ bản của nhân dân ta, dân tộc ta, đồng thời phù hợp với trào lưu của thời đại, với sự tiến hóa tất yếu của loài người.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể đảng bộ và đồng bào miền Nam chúng ta, một lòng đoàn kết, quyết tâm chiến đấu bền bỉ và anh dũng nhất định sẽ làm tròn nhiệm vụ trước lịch sử dân tộc, cùng với đồng bào miền Bắc, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, đem lại quang vinh cho Tổ quốc yêu quý của chúng ta.
Lê Duẩn: Tuyển tập, tập I (1950 - 1975),
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 75 - 122.
_______________
1*. Ý nói đòi một số quyền tự do dân chủ, chống phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh. 
2*. Chỉ thị thanh Đảng của Xứ uỷ Trung Kỳ ghi: Thanh trừ trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ. Văn kiện Đảng, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1978, t. 1, tr. 287.

Thursday 20 November 2014

Tại sao nhà chùa lại gọi công an là đồng chí?

Trích báo Công An Nhân Dân Online
22:45:00 03/11/2013
Đại biểu Quốc hội - Thượng tọa Thích Thanh Quyết:
Vật chất tuy còn những khó khăn, nhưng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo


- Báo cáo cũng đã điểm một số vụ án tham nhũng lớn đang được điều tra, làm rõ, trong đó một số vụ tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, từng làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Đại biểu đánh giá như thế nào về việc điều tra, khám phá các vụ án tham nhũng đó?
Những vụ án như vậy chỉ lực lượng Công an mới khám phá được. Vụ án tham nhũng càng lớn, tính chất tinh vi, phức tạp càng cao, lại được “bao bọc” bởi nhiều yếu tố. Các đồng chí khám phá được bởi có chuyên môn nghiệp vụ, có nhân lực được đào tạo, tôi luyện tốt, có kinh nghiệm đấu tranh, khám phá án và có phẩm chất cao. Cho nên khi tung vào làm những vụ án đó, các đồng chí đã khám phá rất nhanh, phát hiện nhanh nhạy, điều tra, làm rõ được hành vi phạm pháp của từng đối tượng. Đó là thành quả rất lớn của ngành Công an.



Công an không gọi nhà chùa là đồng chí. Nhà chùa sao có thể gọi công an là đồng chí?

Trừ phi nhà báo nhét chữ vào mồm nhà sư, không ai đi tu rồi lại còn đồng chí.

Tại sao nhà chùa phải sống phúc âm?


Người Thiên Chúa Giáo coi lời Chúa dạy là Phúc Âm (tiếng Anh là Good News). Con dân Chúa sống Phúc Âm là sống (và hành động) theo lời Chúa, như công dân sống (và hành động) theo pháp luật. Nhà chùa cần sống (và hành động) theo lời Phật dạy, sống phúc âm làm gì? Nhưng có vẻ như các ông sư bây giờ không phân biệt được khẩu hiệu nào dùng ở chỗ nào, cho ai:

Hoà thượng Thích Giác Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cảm ơn về sự quan tâm của Đảng, Chính quyền các cấp đối với các hoạt động của Phật giáo và sẽ luôn luôn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, sống phúc âm trong lòng dân tộc.
(TTXVN, “Ban Dân vận Trung ương thăm Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế nhân Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2555”, Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, http://cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=10007&cn_id=459101, 12/5/2011.)

Hòa thượng Thích Gia Quang bày tỏ trách nhiệm đồng hành của Phật giáo đối với thế giới nhân sinh, của tăng ni và phật tử, quyết đem những lời dạy của Phật để góp phần giải quyết hữu hiệu những vấn đề thời sự của thế giới đương đại, sống phúc âm trong lòng dân tộc. 
(Kim Xoa & Vũ Tiệp, "Đại lễ Phật đản Phật lịch 2558 - Dương lịch 2014, Cao Bằng Online, http://baocaobang.vn/Thoi-su/Dai-le-Phat-dan-Phat-lich-2558-Duong-lich-2014/25643.bcb, 12/5/2014)

Thượng tọa cho biết, sống phúc âm trong lòng dân tộc, nhưng cả dân tộc nói hoặc không nói ra, người dân đều thấm thía cái giá của hòa bình ổn định.
(Hoàng Thủy, "Thủ tướng: 'Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là vừa hợp tác vừa đấu tranh'", VnExpress, 19/11/2014. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-tuong-quan-he-viet-nam-trung-quoc-la-vua-hop-tac-vua-dau-tranh-3109351.html)

Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói: “Cả nước yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Đồng bào các dân tộc, các tôn giáo cả nước nhất tâm cùng Chính phủ xây dựng cuộc sống đạo pháp dân tộc, sống phúc âm trong lòng dân tộc. Nhưng cả dân tộc, nói hoặc không nói ra đều thấu hiểu cái giá của hòa bình, ổn định. Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự kiên quyết đồng tâm là tín hiệu tốt cho vượng khí nước nhà. Nhưng cử tri muốn được nghe từ tim khẩu của Thủ tướng, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề Biển Đông và Trung Quốc một cách dễ nghe, dễ hiểu, súc tích nhưng đầy đủ nhất”.
(Đào Tuấn, "Thủ tướng nói về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Vừa hợp tác vừa đấu tranh", Lao Động, 19/11/2014, http://laodong.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-noi-ve-quan-he-viet-namtrung-quoc-vua-hop-tac-vua-dau-tranh-270064.bld)

Monday 3 November 2014

Bộ Mặt Thật Của Lê Hữu Từ (Quang Toản & Nguyễn Hoài - Đông Dương Thời Báo)



Tên Đại Việt gian lãnh chúa khu tự tri Phát  Diệm
Anselmô Tađéo Lê Hữu Từ


Quang Toản & Nguyễn Hoài
(N.x.b Khoa học 1965)

     Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Lê Hữu Từ được Hồ Chủ tịch mời ra làm cố vấn Chính phủ. Trong suốt thời gian đảm nhận chức cố vấn, mọi hoạt động của Lê Hữu Từ không những không đem lại lợi ích nhỏ nhặt nào cho nhân dân, cho Tổ quốc, trái lại còn phá hoại sự nghiệp cách mạng, phá hoại công cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Lê Hữu Từ lợi dụng địa vị giám mục và chức cố vấn Chính phủ, đi kinh lý các nơi, tuyên truyền xuyên tạc mọi chính sách đứng đắn của Chính phủ. Một mặt Từ ngăn cấm giáo dân gia nhập các đoàn thể cứu nước (1), mặt khác y tổ chức các hội đoàn để tập hợp những lực lượng phản động. Ngòai mặt Từ tuyên bố : “Công giáo cứu quốc đứng trong mặt trận Việt Minh”, nhưng thực chất thì như báo Đời Sống, cơ quan ngôn luận chính thức của địa phận Phát Diệm, đã thú nhận: “Mấy tiếng ‘đứng trong Mặt trận Việt Minh’ chỉ là một mánh khóe che đậy một mưu toan thầm kín. Có đứng trong mặt trận Việt Minh mới có quyền lập tự vệ võ trang, mới có quyền tổ chức những hoạt động cứu quốc” (2). Những hoạt động cứu quốc của Từ và đồng bọn thực ra đều là những hoạt động phản quốc . 
Ngay từ đầu năm 1946, công việc  đầu tiên của Từ là sắm sử vũ khí. Từ đã triệu tập hội nghị linh mục toàn địa phận, vạch ra đường lối, chính sách chống Việt Minh, bắt các xứ phải góp tiền mua sắm vũ khí. Linh mục Chu và già Thiện được Từ giao phụ trách công việc này. Từ rất quan tầm đến mọi việc. Từ giao cho linh mục Hàm chuyển 15 vạn đồng cho Vũ Hồng Khanh để mua súng đạn; giao cho bọn Trung , Tròn và già Thoại 23 vạn đồng đi mua sắm ở Móng Cái, cử Trần Hữu Phan liên lạc với giặc Pháp ở Hà Nội; ủy quyền cho bọn Thiện, Điện viết giấy cầm 300 mẫu ruộng của Nhà chung Phát Diệm cho Nhà chung Hải Phòng để lấy tiền mua súng; viết thư xin tiền Khâm mạng Đrapiê...
Kết quả bọn già Thiện đã mua được bảy thuyền vũ khí của Pháp và được tàu Pháp hộ tống đưa về Cồn Thoi.
Để có nhiều vũ khí hơn nữa, Từ cho lập công binh xưởng ngay trong Nhà chung Phát Diệm và cử Hoàng Quỳnh đi các xứ thuộc Nam Định, Thanh Hóa vận dộng giáo dân góp tiền. Từ còn ra lệnh cho bọn vệ sĩ tìm cách cướp giật vũ khí của bộ đội và cán bộ khi họ qua Kim Sơn (Ninh Bình).
Cùng với việc sắm sửa vũ khí, Từ tập hợp và tổ chức các lực lượng phản động.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Từ ra thông tri cho các xứ phải chuyển “Công giáo cứu quốc” thành “Tự vệ cứu quốc”. Những trung đội biệt lập, tổ chức từ trước, nay mở rộng thành các trung đội “vệ sĩ” (1946), “cựu chiến binh” (1947), các đoàn “dũng sĩ” (1948) ... Khi đã có vũ khí, có lực lượng, y chia địa phận Phát Diệm ra làm ba khu quân sự. Chỉ huy khu Phát Diệm là linh mục Hoàng Quỳnh, khu Phúc Nhạc là linh mục Hiệp và Cai Khoan, Cao Thăng; khu Gia Khánh, Gia Viễn, Nho Quan do linh mục Nguyễn Gia Đệ phụ trách. Các khu chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện quân sự, tình báo cho tự vệ và thanh niên Thiên Chúa giáo. “Tổng bộ Công giáo” phụ trách chung cả ba khu.
Hàng ngày, qua phòng thông tin và tờ tuần báo Tiếng Kiêu (3), Lê Hữu Từ xúi giục giáo dân giết hại cán bộ, chống lại chính quyền và chia rẽ lương giáo. Từ xảo quyệt tự thảo ra “mật lệnh cấm đạo” và nói là của Tổng bộ Việt Minh do Từ lấy được, để ly gián giáo dân với chính phủ ta. Từ cho tự vệ bao vây, phá phách huyện bộ Việt Minh Kim Sơn và chém giết cán bộ ở đó (1947). Từ còn là kẻ chỉ đạo vụ phiến động Phúc Nhạc cuối năm 1947. Chính Từ đã đồng ý để cho bọn côn đồphục kích giết hại đoàn đại biểu của Chính phủ ta về hội đàm với Từ tại Phúc Nhạc (4). Trước những hoạt động phản cách mạng và chống phá kháng chiến của Lê Hữu Từ, người dân bên đạo phần nào đã thấy bộ mặt giả dối, phản dân hại nước của y, Những lời đồn đại : “Cha Từ mồm thì theo cụ Hồ mà bụng thì theo Tây” hay : “Đức Cha hai lòng”, mỗi ngày một nhiều và lan rộng trong nhân dân.
Sau vụ phiến động Phúc Nhạc, một mặt ta kiên trì giải thích chính sách đòan kết lương giáo, một mặt trừng trị những tên đầu sỏ phản động. Lê Hữu Từ và đồng bọn thấy rõ điều đó, nên chúng hoạt động theo một hướng mới: bí mật, cẩn thận, thủ đoạn tinh vi hơn trước. Từ chú trọng nhiều hơn vào các phần tử bất mãn với ta, y luôn luôn đưa ra vấn đề “cộng sản vô thần” để dọa con chiên ngoan đạo. Tháng 10-1947, Từ được chính phủ cho phép lập khu an toàn Phát Diệm. Khu an toàn gồm đất xã Phát Diệm, từ phố chạy dài tới nghĩa địa rộng nửa cây số, dài hai cây. Từ cho rào hết mọi cổng ngõ, dựng nhiều điếm canh ngày đêm có người túc trực, tình báo hoạt động ráo riết. Dần dần khu an toàn Phát Diệm trở thành sào huyệt của bọn phản động, côn đồ tứ xứ.
Năm 1948, Từ cho linh mục Hàm và già Thiệu đi Hải Phòng xin Pháp chóng mang quân vào Phát Diệm. Đáp lại sự cầu cứu của Từ, tháng 6-1948, tên mật thám Malicô (Malico) của Pháp đã thảo kế hoạch chiếm đóng Phát Diệm và giao cho nữ gián điệp Trần Thị Mật mang đến cho Từ. Điều kiện để quân Pháp đánh Phát Diệm theo yêu cầu của Malicô là : Pháp có bao nhiêu vũ khí thì Từ phải có bấy nhiêu thanh niên, và khu Phát Diệm phải được dùng làm căn cứ quân sự để đánh ra các vùng lân cận (5).
Tháng 3-1948, Từ ra lệng tuyển tự vệ cho Nhà chung (Phát Diệm), bắt Bùi Chu phải chuyển vũ khí về Phát Diệm. Y cho mở liên tiếp các lớp huấn luyện tự vệ ngắn ngày tại Nhà chung, rèn 10 ngàn thanh mã tấu, tổ chức tập trân trong khu Nhà chung. Y và đồn bọn không ngớt xuyên tạc ý nghĩa lớn lao của ngày 2-9. Chung nói: “Ngày 2-9 không phải là ngày độc lập mà chỉ là ngày giành chính quyền” (!). Tháng 8-1948, trong một buổi mít tinh cổ động cho Bảo Đại, Từ nói với giáo dân: “Cha sẽ tổ chức quân đội hùng mạnh để chống cộng sản Việt Minh” và không ngớt tuyên truyền cho Bảo Đại. Để lừa đối nhân dân, một mặt Từ ra thư luân lưu số 39, ngày 17-4-1949 tuyên bố : “Tôi đã tuyên bố nhiều lần rõ rệt thái độ của tôi: tôi vẫn đứng bên cụ Hồ để chống thực dân Pháp đến cùng”  (?!!). Mặt khác, ngày 30-8-1949, Lê Hữu Từ triệu tập một cuộc họp bí mật quyết định:
1.Ủng hộ Bảo Đại
2.Vận động  giáo hữu rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Ngày 10-10-1949, Từ nhận được thư của Bảo Đại ủy nhiệm coi sóc “phần đời” hai địa phận Phát Diệm và Bùi Chu. Cùng ngày ấy, linh mục đại úy Giêglen (Géglen), theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu Pháp, bí mật tới Phát Diệm để bàn định với Từ về kế hoạch đón Pháp. Sau cuộc gặp gỡ này, Từ cho tổ chức chặt tre đóng hai hàng rào cọc bao vây lấy khu Phát Diệm: một từ Tam tổng qua Phát Diệm đến Đò Mười, một từ Sanh qua Phúc Nhạc đến Chợ Bút. Y còn cho sửa soạn nghĩa địa Lưu Phương, chặt cây, quét vôi làm hiệu cho quân nhảy dù. Đồng thời, y báo cho tu viện Châu Sơn tin Pháp sắp nhảy dù và ra lệnh cho linh mục bề trên của tu viện phải để Pháp đóng quân trong khu vực nhà dòng.
Ngày 16-10-1949, giặc pháp nhảy dù Phát Diệm và đổ bộ lên cửa biển Ba Lạt (Nam Định). Giặc đi đến đâu, bọn tay chân của Từ đứng ra dẫn đường chỉ lối đến đấy. Sau khi Pháp nhảy dù, Từ huyênh hoang tuyên bố trước giáo dân: “Tôi nghiêng bên nào bên ấy thắng”(!) [6] và “Chỉ trong một tháng, Pháp sẽ lấy xong Ninh Bình” ! (7) Nhưng trước những tai họa do giặc Pháp gây ra quá nhiều, ngày 20-10-1949, Từ vội vã ra thư luân lưu an ủi: “Tôi hết sức đau đớn trước những nguy hiểm về tinh thần và vật chất mà anh em hoặc đã phải chịu hoặc có thể chịu từ ngày bắt đầu có cuộc hành quân trong xứ sở yêu quý, việc đã xảy ra bất ngờ quá”! (8) và chối cãi quanh co : “Tôi không bao giờ có ý tưởng cầu cứu quân đội Pháp, không hề có cuộc tiếp xúc nào với Bảo Đại”! (8). Xảo quyệt hơn, để lừa bịp giáo dân Bùi Chu, Phát Diệm, ngày 13-11-1949, Từ gửi thư lên Hồ chủ tịch nói:
Chúng tôi bị mắc nghẽn trong vòng vây của địch trong gần một tháng nay mới tìm dịp gửi thư lên Cụ... Tôi đau đớn vô cùng về việc này và sau gần một tháng trời, tôi vẫn còn buồn rầu và không ngủ được” (?!) [7].
Nhưng ngày 17-10-1949, đài phát thanh A.F.P của Pháp đã loan tin xác nhận: “Quân đội Pháp đã nhảy dù xuống Phát Diệm theo lời yêu cầu của Đức Cha Lê Hữu Từ” (7).
Giặc Pháp chiếm đóng Phát Diệm - Bùi Chu, Lê Hữu Từ cố sức vận động với quan thầy Mỹ (8) và mặc cả với thực dân Pháp để lập “Khu tự trị”. Để việc chiếm đóng khu Phát Diệm – Bùi Chu được nhanh chóng, Pháp tạm thời đồng ý. Từ vội vàng tổ chức cơ quan hành chánh, công an, tự vệ.... Y dung túng cho tay chân mặc sức cướp bóc vơ vét của cải, lùng bắt cán bộ trong khu, gây nên những cuộc xung đột đổ máu giữa lương và giáo. Từ cho lập lại phòng Thông tin và ra tờ tuần báo Lượm Tin thay cho tờ Tiếng Kêu (sau đổi thành nguyệt san Đời Sống), không ngớt xuyên tạc chính sách của ta và tán tụng bọn bù nhìn bán nước. Từ nêu ra nào “Phúc tử vì đạo”, nào “Bảo vệ Chúa”, “Bảo vệ thánh đường”, để dụ dỗ thanh niên vào ngụy binh. Từ bắt các xứ vùng tự do phải tuyển thanh niên đưa về Phát Diệm. Tổng bộ Phát Diệm, khu bộ Phúc Nhạc và nhiều xứ bộ đã công khai lập bàn giấy ngụy quyền ngay trong nhà thờ, nhà xứ. Tất cả chánh tổng, lý trưởng, trương tuần, ủy ban quân sự (có nơi gọi là ban bảo an, xã ủy....) đều do các linh mục chỉ huy và đặt dưới sự kiểm sóat của giặc Pháp. Lực lượng vũ trang của Từ lúc này mang một tên chung là “tự vệ”. Những đội quân “tự vệ” này được tung ra mặt trận phối hợp cùng giặc Pháp càn quét, cướp bóc khắp nơi. Để tăng cường lực lượng quân sự, Từ tổ chức ra quân “Tự lực đòan”, Từ tự tay trao lá cờ danh dự (!) và làm lễ rửa tội, rồi đặt tên cho đoàn quân. Từ đấy trong các trận càn, người dân vùng biển khó mà phân biệt được tội ác nào là của Pháp, tội ác nào là của lính cha Từ. Lính cha Từ, lính Quốc trưởng, lính Pháp chỉ là một khối thống nhất. Ít  lâu sau, tiểu đòan “Tự lực” Bùi Chu cũng ra đời. Để đề cao mình và ca ngợi bọn đế quốc xâm lược, Lê Hữu Từ cho tay chân tung ra bài hát:
Lê Hữu Từ
Lệnh truyền vệ sĩ ra đi
Trước là giữ lấy phần hồn
Sau là phần xác chúng con được nhờ.
Ơn lòng nước Phú-lang-sa,
Lại còn Anh, Mỹ tay ba liệt cường,
Các ngài vốn có lòng thương,
Giúp cho trăm họ mọi đường hẳn hoi (9)
Tay chân ngày một nhiều, tham ô ngày một lắm, ngòai số tiền hàng tháng hai triệu đồng của chính quyền bù nhìn gửi cho, năm 1950, Từ bắt đầu nhận viện trợ Mỹ (10). Để tạ ơn quan thầy Mỹ, Từ cử người sang Mỹ học và lập ra đoàn “Phụng sự quốc gia” để tuyên truyền ca tụng Mỹ. Nhưng trái với ý muốn của Từ, dư luận trong nhân dân về những hành động của y ngày càng nhiều. Y vội vàng tuyên bố:
Tôi không thiên về Anh, về Mỹ hay nước nào cả! Tôi không thiên về Bảo Đại, cũng không thiên cụ Hồ, không thiên về ai hết! Tôi chỉ thiên về Tổ quốc Việt Nam” (11).
Đó chỉ là những lời lừa bịp quần chúng của Lê Hữu Từ. Từ “không thiên về cụ Hồ”, việc đó đã rõ ràng, đúng như vậy. Còn Từ nói “không thiên về Bảo Đại”, “không thiên về Anh, về Mỹ” thì sự thật đã ngược lại: từ lâu Lê Hữu Từ đã “thiên” về Bảo Đại và bọn đế quốc xâm lược. Trong cuộc mít tinh trọng thể tại khu Phương Đình Phát Diệm (6-9-1953), dưới khẩu hiệu” “ủng hộ Đức Quốc trưởng Bảo Đại”, Từ đã say sưa nói: “Tôi còn nhớ năm xưa thời Việt Minh tôi có gặp quốc trưởng lúc đó đang là cố vấn Vĩnh Thụy. Hai ‘đồng chí’ chúng tôi (vì khi ấy cũng là cố vấn), đi sát nhau. Tôi ghé nhỏ nói với cố vấn Vĩnh Thụy rằng: Ngài không hành động gì cả?.... Cố vấn Vĩnh Thụy chỉ lắc đầu: Tôi chán lắm. Nhưng già giệt hơn tôi lại nói: cứ làm đi tôi giúp” (12)
Từ lại đã từng tuyên bố với Bảo Đại: “Tôi hứa sẽ luôn luôn bên cạnh quốc trưởng” (13)
Từ khi giặc Pháp chiếm đóng Phát Diệm - Bùi Chu, nhiều lần Từ đã tổ chức đón tiếp sĩ quan Pháp, đại sứ Mỹ và các nhà báo Anh , Mỹ tại Nhà chung Phát Diệm. Y còn tổ chức nhiều cuộc mít tinh lớn để tuyên truyền, đề cao Mỹ và chính phủ bù nhìn, đồng thời mạt sát chính phủ ta và mọi chính sách kháng chiến của ta; y hô hào giáo dân chống lại Việt Minh cộng sản và kháng chiến.
Nhà hát lớn Phát Diệm, nhà trường Phúc Nhạc... đã biến thành những nơi giam cầm tra tấn những người yêu nước kháng chiến. Tội ác của Lê Hữu Từ và bè lũ ngày càng chồng chất. Nhân dân trong “khu tự trị” vô cùng căm phẩn. Nhiều đội du kích bí mật được thành lập và hoạt động ngay trong “khu tự trị”. Phong trào đấu tranh trong quần chúng nhân dân ngày càng sâu rộng.
Vì hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của nhân dân “khu tự trị”, vì thiếu quỹ để nuôi bọn tay sai, vì áp lực của thực dân Pháp, nên năm 1951 Lê Hữu Từ buộc phải giải tán “khu tự trị”. Y ra thư luân lưu số 59, ngày 26-12-1951, tuyên bố với giáo dân:
Ngày nay tình thế đã biến chuyển nhiều, tình trạng đặc biệt ấy (14) xét ra không cần nữa nên tôi đã thảo luận với các nhà cầm quyền để thực hành tại đây chính quyền như ở các nơi khác trong toàn quốc. Nguyên tắc đã thỏa thuận xong, chỉ còn các chi tiết thực hành”.
Nhưng Từ còn cố giữ lại 5.000 vệ sĩ để làm lực lượng riêng của y. Y còn ra lệnh: “Báo Sự Thật và số sách cấm (15), cấm ngặt không được đọc” (16).
Tháng 1-1952, Đại hội đại biểu của những người Thiên Chúa giáo yêu nước kháng chiến tòan địa phận Phát Diệm đã họp. Sua khi thông qua chương trình kế hoạch tham gia kháng chiến, Đại hội đã vạch mặt và lên án tên phản động đội lốt thầy tu Lê Hữu Từ. Được tin ấy, Lê Hữu Từ vội vã ra thư luân lưu số 80, ngày 16-3-1952, tuyên bố: “Cuộc hội nghị ấy là bất hợp pháp”. Y cho việc hội nghị lên án y là do “mưu mô bày đặt” của Việt Minh cộng sản, là “đả phá tôn giáo”, là bắt đầu thực hành “cấm đạo”, là muốn “đả phá đến tận nền tảng của giáo hội”. Y nói: “Cộng sản hoàn toàn trái nghịch với gia đình, tổ quốc và tôn giáo”. Rồi y kêu gọi linh mục, giáo dân hãy chống lại cộng sản Việt Minh và lên tiếng khuyên răn:
Các cha và anh em phải khôn ngoan dè dặt, đừng vội tin những bản tin tức, những tờ bá cáo, những bài tường thuật dù có vẻ ngây ngô thành thực đến đâu do những người ghét đạo, phản đạo trao cho, gửi cho, thông cho” (17)
Để nhấn mạnh việc các linh mục phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị do y ban ra. Y nói:
Nếu có luật nào vô ý hay mưu mô muốn cho các cha không vân lời tôi thì xin họ hãy biết rằngbao lâu tôi còn đại diện cho Vatican thì không ai có thể cấm các cha vâng lời tôi được, trừ ra là họ bắt đạo rõ ràng thì không kể” (18).
Chưa hết lo sợ trước sự đấu tranh của giáo dân và các linh mục tiến bộ, Từ lại ra thư luân lưu số 81, ngày 1-4-1952, chỉ ra 10 điều đối phó với Việt Minh.
Cuối năm 1952, ta lại tấn công Phát Diệm. Nhiều đơn vị vệ sĩ của Từ đào ngũ hoặc ra hàng. Lê Hữu Từ càng điên cuồng chống lại kháng chiến hơn trước. Y dùng thần quyền để đàn áp những người tiến bộ, thúc đẩy xúi giục những kẻ lạc hậu, nhẹ dạ đi sâu vào con đường tội lỗi. Từ bắt các nới rào làng, lập bốt; kêu gào các con chiên “đoàn kết chống lại Việt Minh” trong nhiều cuộc mít-tinh.
Ngày 1-12-1953, Từ ra thư luân lưu số 88 kêu gọi những người theo đạo Thiên Chúa phải “sống sạch tội”, phải “hoán cải tâm hồn”. Theo Lê Hữu Từ muốn sống “sạch tội” và “hoán cải” được “tâm hồn”, thì phải rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, chống lại nhân dân, phản lại Tổ quốc. Từ đề cao cái gọi là “lề luật Chúa” để khống chế giáo dân. Y nói:
Cả tâm tư ngôn ngữ và hành vi trong gia thất cũng như ngoài xã hội, trong các việc đạo cũng như việc đời phải đi sát với lề luật Chúa” (19).
Tuy vậy, lực lượng của Từ ngày càng suy yếu nhanh chónh hơn lúc nào hết, y ra sức tuyên truyền xuyên tạc và tung ra những lời vu không bỉ ổi, nhằm mê hoặc giáo dân. Y kêu than thống thiết:
Ta nhận thấy chiến tranh làm tan nát từ 13 năm nay, nhất là mấy năm gần đây và chưa biết rõ sẽ còn nguy ngập đến đâu, không khéo thì mạng sống và tài sản của chính ta, của các người thân mến ta, của dòng giống Việt Nam sắp đến ngày tiêu diệt khốn đốn hơn nữa chăng?” (20).
Trên lãnh thổ Việt Nam, tiếng bom đạn còn đang đùng đùng vang dội, để rồi tàn phá, để rồi gieo thêm tang tóc trong gia đình...!” (21).
Rồi y đổ tội và vu khống cho những người cộng sản. Y nói: lại căn cớ chiến tranh là cộng sản” (20), và :
 (22) đang hòanh hành trên đất nước ta như con sư tử chực nuốt sống ta, chực buộc cổ dân tộc ta vào dưới ách nô lệ thảm khốc, như toàn thể các dân tộc hiện đang rên dưới nanh vuốt cộng sản. Liếc mắt rộng ra thế giới, ta cũng thấy đại chiến tranh cũng chỉ chực bùng nổ  gớm ghê, cũng thấy tai nạn cộng sản đang tung hòanh, hoặc đang lan tràn khắp mọi nơi, như muốn đổi địa cầu ra địa ngục”  (20).
Nhưng rồi y lại huyênh hoang khác lác: “500 triệu cộng sản mang đầy đủ vũ khí tối tân cũng chỉ là con kiến”! (20).
Song thực ra Lê Hữu Từ chưa hết kinh hoàng trước những thắng lợi liên tiếp của ta trên khắp các mặt trận. Y đã phải than vãn (vì lời kêu gọi của y bấy lâu nay ít được giáo dân hưởng ứng):
Ăn năn, sửa mình, cầu nguyện, ấy là điều nhắc đi nhắc lại từ 8 năm nay, song tinh thần thống hối đây vẫn còn hiếm quá” (23).
Từ còn trắng trợn xuyên tạc sự thật của công cuộc cải cách ruộng đất:
Không  nói đâu xa, ngay bên mình chúng ta, ai mà không ghê tởm những thói tố khổ, những cách “đấu” dã man: trong ấy người ta vùi dập mọi nhân đạo tình nghĩa và phẩm giá con người” (24)
Y khua môi múa mép khích lệ con chiên rằng:
Giữa trong cơn nguy khốn, lúc mà bao nhiêu dân tộc đã bị xích hóa, lúc mà cộng sản vô thần ra mắt xâm lấn giang sơn của cha ông chúng ta” (25); “các con hãy sẵn sàng hiến dâng mạng sống”; “nếu ta được phúc chịu khó, chịu đổ máu ta... thì đấy là dịp cho ta chịu khó, chịu chết vì đạo” (26).
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiến triển không ngừng. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ đã đưa lại đình chiến ở Đông Dương. Hòa bình trở lại. Lê Hữu Từ đã bám theo gót giày của bọn xâm lược vào Nam. Trước khi rời khỏi miền Bắc, y còn cưỡng ép nhiều giáo dân vùng Phát Diệm, Bùi Chu, từ bỏ quê hương theo bọn phản động vào Nam.
Bằng việc cấu kết và làm tay sai cho thực dân đế quốc xâm lược, bằng những hành động chống phá cách mạng và kháng chiến, phản lại nhân dân, bộ mặt thật xấu xa ghê tởm của Lê Hữu Từ đã bị phơi trần trước quần chúng. y đã lộ rõ nguyên hình một tên phản động đội lốt Thiên Chúa giáo.
Chú thích:
[1] Lê Hữu Từ thường nói: “Mỗi khi các con muốn gia nhập các đoàn thể, các đảng phải thì phải trình cha trước đã, cha có bằng lòng lúc đó mới được vào
[2] Báo Đời Sống, số 37, ngày 22-12-1953
[3] Tiếng Kêu: khẩu hiệu của Lê Hữu Từ, khi y được phong chức giám mục (11-7-1945). Khẩu hiệu ấy có nghĩa là: “kêu to lên trước nguy cơ cộng sản”. Ngày 29-2-1947, bọn phản động Thiên Chúa giáo Phát Diệm đã quyết định lấy khẩu hiệu đó đặt tên cho tờ tuần báo đầu tiên của chúng. Tuần báo Tiếng Kiêu mỗi số phát hành từ 3 đến 5 nghìn bản. Chủ nhiệm đầu tiên của tuần báo đó là Đoàn Độc Thư và sau đó là Phạm Văn Quy. Đến tháng 11-1948, tờ tuần báo này bị chính quyền ta bắt đóng cửa vì nội dung ngày càng phản tuyên truyền và chống phá kháng chiến của nó.
[4] Lê Hữu Từ đã trả lời bọn Giáo Trị và Cai Khoan khi những tên này vào xin ý kiến giết hại bốn ông trong phái đòan kà Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Bá, Trần Lâm, Đào Gia Lựu như sau: “Làm cũng được, nhưng có làm thì làm ở nơi xa Phúc Nhạc kẻo ở đấy đã xảy ra lắm chuyện rồi”. Theo kế hoạch định trước thì tên Trần Thái đón đường về của phái đoàn (chỗ Phúc Nhạc đi Thổ Mật). Khi gặp phái đoàn thì giơ tay chào làm hiệu; Phạm Ngự sẽ ném lựu đạn và bọn cầm súng lục: Tống, Hiệp, Vơn, Hiển cũng đồng thời cho súng nhả đạn. Nhưng ông Đào Gia Lựu về lối khác, Trần Thái không biết mặt ba ông kia, khi các ông đi xa rồi chúng mới biết song cũng không dám đuổi theo vì sợ lộ. Việc mưu sát thế là không thành.
[5] Tài liệu do Ban mặt trận Thái Bình cung cấp.
[6] Tạp chí Học Tập số 1-1962, tr.73
[7] Tài liệu do ban Mặt trận Thái Bình cung cấp.
[8] Thư luân lưu số 47, ngày 20-10-1949.
[9] Báo Đời Sống số đặc biệt, số 37, 22-12-1953, cho hay là sau những cuộc tiếp xúc giữa Lê Hữu Từ và đại sứ Mỹ, đại sứ Mỹ đã khen ngợi Từ là người có “bộ óc trông rộng xét xa”.
[10] Báo cáo của linh mục Nguyễn Thế Vịnh trong Đại hội Tôn giáo toàn quốc năm 1953. (tài liệu của Ban Tôn giáo trung ương)
[11] Xem chú thích ở phần III (chưa đăng trên web)
[12] Mai Anh, Vấn đề xã hội, 1950, tr.73
[13] Báo Đời Sống, số 33, tháng 9-1953.
[14] báo Đời Sống, số 36, tháng 12-1953.
[15] Có “khu tự trị”
[16] Tất cả những sách báo tiến bộ.
[17] Thư luân lưu số 67.
[18] Thư luân lưu số 80, ngày 16-3-1952.
[19] Thư luân lưu số 76, ngày 24-2-1952
[20] Thư luân lưu số 89, ngày 18-2-1954
[21] Thư luân lưu số 89, ngày 18-2-1954
[22] Thư luân lưu số 91, ngày 26-4-1954
[23] Chỉ cộng sản
[24] Thư luân lưu số 89
[25] Thư luân lưu số 91
[26] Thư luân lưu của Lê Hữu Từ, số 67, ngày 25-6-1951

Trích tài liệu: “Những hoạt động của bọn phản động đội lốt TCG”
NDVN, ngày 1/3/09.

Friday 31 October 2014

Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ (7-9-1948) (Hồ Chí Minh - Đảng Cộng Sản)

Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ (7-9-1948) 
Hồ Chí Minh toàn tập
Tập 5 (1947 - 1949)
01:26 | 06/05/2003
Kính gửi cụ Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm, Cố vấn Chính phủ, Thưa cụ, Tôi nhớ cụ lắm. Từ ngày lễ Nôen, tôi có gửi điện chúc cụ, đến nay mới viết thư. Xin cụ nguyên lượng. Phái đoàn Chính phủ (gồm có Cha Trực, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, v.v.), đến miền đó chắc đã đến thǎm cụ, như tôi đã dặn. Đây tôi nói qua tình hình cuộc tấn công Việt Bắc để cụ yên tâm. Lần này địch dùng những đội tinh nhuệ nhất trong hải lục không quân, như đội Beaufré, lữ đoàn Marocain thứ 5. Số lính hơn 10.000. Địch dùng cách chớp nhoáng. Từ ngày 7-10 chúng ào ạt nhảy dù xuống chợ Mới, Bắc Cạn, Cao Bằng, Đại Từ, Đình Cả và những nơi khác. Bộ binh và quân cơ giới thì từ Lạng Sơn đánh thẳng lên Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng quành xuống gây hấn. Thuỷ quân thì ngược sông Lô qua Đoan Hùng, Tuyên Quang lên thẳng Chiêm Hoá. Hai đạo thuỷ và lục quân đó thành hai gọng kìm khổng lồ, bao vây ta và thắt chặt dần dần. Còn những đội nhảy dù thì ở giữa để quét ta. Trong cuộc tấn công này địch chẳng những dùng chiến thuật "Sét đánh ngang tai" mà chúng còn dùng đủ mưu công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý 1 . Nhiều lần chúng không đi đường cái hoặc đường tắt mà chỉ xuyên qua rừng rậm núi cao. Với sự chuẩn bị kỹ càng, binh lực to tát, tấn công ào ạt và chiến thuật lôi đình đó, chúng chắc rằng phen này sẽ quét sạch cơ quan của ta và tiêu diệt bộ đội ta. Chúng định rằng sẽ đem thắng lợi quân sự để giúp cho việc thi hành âm mưu chính trị của chúng. Nhưng trong những trận Thất Khê, Đoan Hùng, Tuyên Quang, Sông Gâm, Phú Lương... lực lượng địch bị ta tiêu diệt khá nhiều, âm mưu chúng bị ta phá hỏng. Kết quả là địch mất gần 5.000 chết và bị thương, trong đó có một số quan nǎm, quan tư và nhiều hạ sĩ quan, 6 chiếc phi cơ, 14 chiếc tàu và ca nô, một số lớn xe hơi. Và để lại trong tay ta rất nhiều đạn dược và quân dụng phẩm. Kết quả là kế hoạch bước thứ nhất của địch hoàn toàn thất bại. Mà sau cuộc tấn công đó, ta được nhiều kinh nghiệm thêm, được nhiều khí giới thêm và lực lượng ta vững chắc thêm, lòng dân ta tin tưởng thêm. Đó là nhờ Đức Chúa phù hộ nước ta mà phạt bọn thực dân hung ác. Hai là nhờ tướng sĩ ta dũng cảm, đồng bào ta hǎng hái. Nhiều nơi, các cụ già và các phụ nữ cũng tham gia du kích. Sau nữa là nhờ ta đã đoán trước mưu mô của địch để đề phòng sẵn. Vẫn biết địch sẽ tấn công nhiều lần nhiều nơi nữa, ta còn phải kinh qua nhiều bước gay go nữa, nhưng với sự phù hộ của Đức Chúa, với sự cương quyết của dân và quân ta, với sự giúp đỡ của những bậc lão thành như cụ, thì sớm hoặc muộn ta cũng thắng lợi. Xin chúc cụ luôn luôn mạnh khoẻ và xin cụ nhận lời chào.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 7 tháng 9 nǎm 1948
HỒ CHÍ MINH
Bản đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Tuesday 28 October 2014

Hai quyển từ điển có hại và hiện tượng Nguyễn Lân (Nguyễn Hữu Năng - Talawas)

7.5.2005
Nguyễn Hữu Năng
 
Đọc bài “Hai quyển từ điển rất có hại cho Tiếng Việt” của tác giả Lê Mạnh Chiến (LMC) trên báo điện tử talawas từ ngày 18/3/2005 đến ngày 30/3/2005, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì hai quyển từ điển ấy đều do Nhà giáo nhân dân Gs Nguyễn Lân, một học giả hàng đầu trong lĩnh vực Tiếng Việt, biên soạn. Vì vậy chúng tôi phải đối chiếu bài báo với cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn hành năm 2002, đúng như ông LMC đã chỉ rõ.

Cuốn từ điển này đã được ấn hành bốn lần trở lên:

  • Năm 1989, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh xuất bản lần đầu tiên
  • Năm 1999, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tái bản
  • Năm 2002, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa in lại
  • Năm 2003, Nhà xuất bản Văn học in lại.

và có thể còn được in một số lần khác nữa ở các nhà xuất bản khác. Sau khi đối chiếu cẩn thận, chúng tôi cảm thấy Từ điển từ và ngữ Hán Việt của ông Nguyễn Lân quả thật đã mắc quá nhiều sai lầm đúng như ông LMC đã vạch ra. Phải thừa nhận rằng ông LMC đã tốn nhiều công phu, lý giải chặt chẽ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với bài viết của mình. Chúng tôi khâm phục sự táo bạo của ông, vì đã phải vượt qua đoạn đường nhiều bất trắc với những rào cản kiên cố, cao ngất, để rung một hồi chuông báo động đối với công chúng.

Một quyển từ điển không dày mà nếu chỉ có trên dưới một chục từ sai lầm thì đã nên xét lại, huống hồ đó là hai trăm từ bị giảng sai nghiêm trọng như ông LMC đã chỉ ra, con số này là quá lớn. Mọi người Việt có trình độ học vấn bình thường trong thế kỷ 21 này đều không thể chấp nhận một quyển từ điển về tiếng Việt mà lắm sai lầm đến thế. Chúng tôi rất khó hình dung nổi tại sao lại xảy ra hiện tượng kỳ lạ đến như vậy ở đất nước ta? Một đất nước mà không ít người vẫn thường tự hào về nền văn hóa lâu đời giàu truyền thống, về sự chỉ đạo sáng suốt, về sự quan tâm hết sức của các ngành, các cấp, lại trong bối cảnh có tới hơn ba mươi năm thống nhất và ổn định để xây dựng và phát triển. Vậy, điều phi lý kia bắt nguồn từ đâu? Có lẽ việc này còn phải để các chuyên gia mổ xẻ. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn nêu thêm vài ý kiến về các quyển từ điển của Nguyễn Lân và một số việc liên quan đến chúng.

Nếu các thầy giáo và cô giáo cứ theo từ điển của Gs Nguyễn Lân rồi dạy con cháu chúng ta rằng, trong câu thơ “Gác mái, ngư ông về viễn phố” của Bà huyện Thanh Quan thì phố là chỗ bán hàng (thực ra, ở đây, phố nghĩa là cửa biển), và viễn phố là nơi ở xa (đúng ra là cửa biển xa), hoặc giảng rằng trong hai câu thơ “Sang nhà cha, tới trung đường, Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên” của Nguyễn Du, linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn (thực ra là cái bàn nhỏ tượng trưng cho chỗ nằm của người mới chết chưa hết tang, trên đó có bài vị, đặt cạnh bàn thờ), thì các thi nhân ấy phải dở khóc, dở cười và khó tha thứ cho sự dốt nát quá mức như vậy. Vậy mà các cuốn từ điển này còn được các giáo sư Lê Trí Viễn và Vũ Khiêu ca ngợi bằng những lời giới thiệu tuyệt vời: “Nó sẽ là một công cụ tra cứu rất quý không thể thiếu được với bất kỳ ai” (Lê Trí Viễn, trong lời giới thiệu ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt), “một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợi…” (Vũ Khiêu, trong lời giới thiệu ở Từ điển từ và ngữ Việt Nam). Có lẽ chẳng cần bàn gì thêm! Điều chúng tôi không thể hiểu được là tại sao những người chịu trách nhiệm về hai cuốn từ điển này, cho đến nay chưa có ý kiến gì? Cứ tiêm những thứ “rất có hại” này cho đồng bào đến bao giờ? Hay phải chờ đợi chúng cùng với các tế bào có hại khác di căn lên não thì mới cuống lên chạy chữa và đổ cho khách quan, số mệnh, “thiên tai”?

Câu chuyện về các từ điển của Nguyễn Lân cũng có thể gọi là Hiện tượng Nguyễn Lân. Hiện tượng này cho chúng ta thấy nhiều điều đáng đau lòng về thực trạng của nền văn hoá – giáo dục nước ta và cả của xã hội Việt Nam nói chung, mà nguyên nhân của nó chẳng thể đổ cho hậu quả chiến tranh hoặc nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Một giáo sư lâu năm chuyên về tiếng Việt mà có trình độ tiếng Việt như vậy, một soạn giả như vậy mà lại được xem là mẫu mực về tinh thần học tập và rèn luyện không ngừng? Ông đã bịa ra nghĩa cho hàng trăm chữ Hán mà ông không hề biết mặt chữ, rồi dựa vào hiểu biết sai lệch của mình để giảng giải cho có vẻ xuôi tai. Xưa nay chưa từng có ai dám làm như vậy. Hiện tượng Nguyễn Lân là một ví dụ cụ thể sinh động của một căn bệnh phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay: Bệnh “khiếm thị” của những người ngồi ở vị trí cao quá giá trị thật của mình. Được ngồi ở “chiếu trên” lâu ngày, họ “quên mình” luôn, không còn biết mình là ai. Họ nghiễm nhiên coi mình có quyền rao giảng cho người khác ngay cả ở lĩnh vực mà họ chẳng biết gì. Họ đưa ra nhiều ý kiến cùng những “sản phẩm trí tuệ” giả mạo mà không phải ai cũng dễ nhận ra, để lại tai hại lâu dài cho xã hội. Nhưng họ không thể che mắt được tất cả mọi người. Cuộc đời vốn có những quy luật nghiêm khắc. Kẻ tham lam thường không biết dừng đúng chỗ. Nếu ông Nguyễn Lân đừng bước vào lĩnh vực từ điển thì còn có thể giữ được đôi chút tiếng tốt. Nhưng vì quá hăng hái đến mức “quên mình”, ông đã quyết định “góp phần nhỏ bé của mình vào sự giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt và đảm bảo tính tinh xác của từ ngữ, chúng tôi đã soạn cuốn Từ điển Từ và ngữ Hán Việt này (lời nói đầu ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt do ông Nguyễn Lân viết). 

Hiện tượng Nguyễn Lân ra đời trong hoàn cảnh thích hợp với nó, trong một môi trường mà người ta thường không mấy quan tâm đến những điều cốt lõi, chỉ chuộng hình thức bề nổi của những “điển hình”, những “phong trào”. Trong mấy chục năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhân vật tai mắt không ngớt hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Viêt”, nhưng họ chỉ cố gắng làm cho ra vẻ tôn trọng di sản văn hoá của dân tộc, sau đó đâu lại vào đấy để rồi vẫn cứ lộn xộn, thậm chí thụt lùi. Báo chí đã từng nêu biết bao ví dụ về những thầy giáo, cô giáo đã giảng dạy hoặc các em học sinh đã sử dụng tiếng Việt một cách ngây ngô, ngớ ngẩn. Cứ sau mỗi kỳ thi đại học, báo chí lại trích đăng những đoạn văn lủng củng, rắc rối, thể hiện vốn từ ngữ thô thiển, nghèo nàn và quái dị của các vị tú tài mới, qua những bài thi đại học. Thực ra không mấy ai quan tâm thực sự đến việc giảng dạy và học tập và sử dụng tiếng Việt một cách có trách nhiệm. Nhiều vị quyền cao chức trọng thường hay dùng những từ ngữ có vẻ “thời thượng” như thể đua nhau tô điểm cho bản báo cáo hoặc bài nói chuyện của mình. Những từ như nổi cộm, bức xúc, vấn nạn, quan ngại, cứu cánh, bất cập, v.v. thường có mặt và được nhắc lại nhiều lần trong các bài diễn văn, các báo cáo của họ. Khó tin rằng họ đã hiểu hết ý nghĩa và cách dùng của những từ đó. Trong tình hình như vậy, ông Nguyễn Lân liền phất cao ngọn cờ “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, nhưng trí lực của ông có những hạn chế như chúng ta đã biết, còn những người có trách nhiệm thì muốn trông cậy vào ông để có thêm sản phẩm trí tuệ của thời đại. Một vài vị được xem như những cây đa cây đề trong giới chữ nghĩa trong nước thì chưa hẳn đã giỏi hơn ông Nguyễn Lân, họ lại còn quá quen thuộc với nếp làm ăn kiểu phong trào, xuôi chiều, thiếu trách nhiệm, nên cũng liều lĩnh dùng “uy tín” của mình để cổ vũ ông một cách rất hăng hái. Vì vậy, Từ điển từ và ngữ Việt Nam đã được tái bản nhiều lần và tồn tại trong hơn mười lăm năm qua. Nhân đà này, trong năm 2000 ông Nguyễn Lân lại cho ra thêm quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam lớn hơn (gấp hai lần rưỡi) quyển trên. Người ta đã phát hiện ra rằng, hơn 90% những cái sai ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt đã được chuyển sang quyển này một cách nguyên vẹn. Ngoài ra, nó còn chứa rất nhều sai lầm khác, như chúng ta đã thấy khi ông Huệ Thiên mới “đọc lướt” các vần A, B, C, tuy chưa thể vạch được hết nhưng đã phát hiện 117 sai lầm.Thật tai hại cho những người dùng nhầm sách của ông Nguyễn Lân.

Ai cũng biết nền giáo dục Việt Nam có nhiều vấn đề, nếu không sớm chấn chỉnh thì làm sao thoát khỏi thế tụt hậu như hiện nay. Khi nói về hiện trạng này, người ta bàn bạc đủ thứ nhưng không ai nói đến sự suy thoái trong việc giảng dạy và học tập tiếng Việt, chẳng ai biết mà lên án những quyển từ điển tồi tệ kia. Đối với mỗi người Việt Nam chân chính, ngôn ngữ mẹ đẻ là quý giá vô cùng, nó phải được coi là một môn học quan trọng nhất, đặc biệt là trong những năm đầu cắp sách đến trường, rồi còn phải học hỏi và trau giồi trong suốt cả cuộc đời. Vậy mà chưa có một dự án cải cách giáo dục nào nói đến việc chấn chỉnh chương trình dạy và học tiếng Việt. Mỉa mai thay, khi giới thiệu về một trường đại học nọ, Đài truyền hình Việt Nam đã trưng hình ảnh hàng chục cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, hãnh diện khoe rằng, nhà trường đã không quản ngại tốn tiền mà trang bị những sách quý (220 ngàn đồng/cuốn, đủ nuôi một sinh viên trong một tháng) để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài để học tập tốt tiếng Việt! Chỉ riêng với Từ điển từ và ngữ Hán ViệtTừ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, chúng tôi thấy còn phải cùng nhau dóng thêm một hồi chuông báo động trong lĩnh vực dạy và học Tiếng Việt.
 
Bài “Hai quyển từ điển rất có hại cho Tiếng Việt” thể hiện tinh thần cao của tác giả trước một tai họa đối với Tiếng Việt. Nó vừa vạch ra những sai lầm của ông Nguyễn Lân, vừa cung cấp cho những người đọc những tri thức bổ ích. Tác giả thường giảng giải khá tường tận và chí lý. Chẳng hạn, ở các từ như ẩn lậu, hồn hậu, hùng hồn, tác giả cung cấp những hiểu biết thực sự sâu sắc. Cũng một từ tố hồn mà ở các từ hồn hậuhùng hồn, có nghĩa tưởng như khác nhau nhưng cũng phát sinh từ cùng một nghĩa ban đầu. Hay như ở từ hạnh kiểm, quả thật, chúng tôi chưa thấy ai cắt nghĩa được từ tố kiểm một cách chí lý và chính xác như thế. Ở nhiều từ, nếu chỉ biết chữ Hán thôi thì cũng không thể giảng nghĩa cho đúng vì chúng có thể còn liên quan đến lịch sử, văn hóa của dân tộc ta hoặc liên quan đến những hiểu biết khoa học của nhiều ngành chuyên môn. Hẳn tác giả LMC còn sửa chữa và và bổ sung thêm nữa cho bài viết của mình, nhưng những gì ông đã viết ra đã thực sự có tính thuyết phục.

Trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số 58, tháng 3 năm 2005, trong bài "Hoan hô tiếng còi Lê Mạnh Chiến, độc giả B.V.C viết:

"Đọc bài “Những quyển từ điển có hại cho tiếng Việt" trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An tháng 1/2005, chúng tôi rất đồng tình và hoan nghênh tác giả đã “kiến nghĩa nhi vi”, thấy việc nghĩa mà (phải) làm, kịp thời giúp “thiên hạ” tránh được những lầm lẫn đáng tiếc khi dùng những từ bị giảng không chuẩn có trong những quyển sách được coi là công cụ để tra cứu chữ nghĩa.

Bằng những hiểu biết của mình và công phu tham khảo các tài lệu đáng tin cậy, bài viết đã chỉ ra những chỗ sai và qua đó gợi tỏ thêm nghĩa của những từ Hán Việt thường dùng nhưng dễ lẫn, mà sự nguy hiểm của sự dùng lẫn ấy chẳng khác nào dùng nhầm thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, có một số từ, không hiểu sao, lại dẫn giải không sát với cách thường dùng nên gây thêm rắc rối, khó hiểu, ví như độc đắcđộc đặc, lạc quyênlặc quyên.

  1. Độc đắc: duy chỉ một được, ví dụ: trúng số độc đắc. Còn độc đặc có lẽ ít dùng. Nếu có cũng không dính đến, không phạm đến cụm từ độc đắc nói trên. Mấy lâu nay chúng tôi cứ hiểu từ “đắc” là được.
  2. Lạc quyên: Quyên có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là đem tiền đi cúng vào việc nghĩa. Lạc quyên: vui lòng đem tiền cúng… Còn lặc quyên, ít nghe nói, cho dù, có khi sự đóng góp còn mang tính bắt buộc.

Về chữ nghĩa, chuyện hãy còn dài, thật vô bờ bến. Chẳng thế mà những cuốn từ điển hay tự điển dù lớn đến đâu cũng phải nhận trước là còn khiếm khuyết, huống chi những bài viết ngắn. Vì chữ nghĩa, những tiếng còi cảnh báo như của anh Lê Mạnh Chiến là hết sức cần thiết. Chúng tôi rất hoan hô."
 
Độc giả B.V.C đã hoàn toàn ủng hộ việc phê phán những quyển từ điển có hại của ông Nguyễn Lân, điều đó chúng tôi rất đồng tình. Nhưng, về việc giảng giải hai từ độc đắclạc quyên của ông LMC thì chúng tôi thấy không có gì là “không sát với cách thường dùng nên gây thêm rắc rối, khó hiểu” như độc giả B.V.C nói cả. Đơn giản là tác giả LMC phải đưa ra nguyên gốc của hai từ trên trong tiếng Hán (là độc đặclặc quyên) chỉ để giải thích cho được chính xác ý nghĩa của hai từ đó, bởi vì chữ Hán vốn là như thế, Tất nhiên là từ gốc thì nay đã biến âm nên không nghe nói tới mà thường chỉ dùng các từ đọc chệch đi của nó là độc đắclạc quyên mà thôi. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh hay của Nguyễn Quốc Hùng (xuất bản ở Sài Gòn năm 1975) cũng xác nhận từ lặc quyên. Hiện tượng biến âm trong tiếng Việt xảy ra khá nhiều. Trong hai ví dụ nêu trên, cách diễn giải của ông LMC đã rõ ràng, đầy đủ và đúng đắn.

Trên tạp chí talawas, số ra ngày 23/3/2005, độc giả Toàn Thắng (TT) có viết bài “Đôi lời góp ý với ông Lê Mạnh Chiến”. Ông TT góp ý kiến với ông LMC về hai từ cấm cungbộ đội và phân tích về các sắc thái sử dụng của hai từ này trong tiếng Việt hiện nay. Có lẽ vì ông TT chưa đọc kỹ bài của ông LMC nên đã góp ý không đúng chỗ. Mục đích của bài viết của ông LMC chủ yếu là tập trung lý lẽ để vạch ra những chỗ sai của ông Nguyễn Lân khi ông này giải thích sai nghĩa của các từ ngữ và các từ tố gốc Hán, có hại cho việc học hỏi tiếng Việt, chứ ông LMC không bàn đến việc diễn giải nghĩa đã biến dị khi đi từ gốc Hán sang cách dùng của người Việt hiện nay. Trong từ cấm cung, ông Nguyễn Lân đã nhầm lẫn các nghĩa của từ tố cấm (là giam hoặc chỗ vua ở) nên không xác định đúng nghĩa chính của từ cấm cung, mà lại giải thích lệch sang nghĩa đã biến đổi, rất xa nghĩa gốc. Ông LMC phê phán ở chỗ đó. Ông TT đã bàn rộng và xa mục đích này, hơn nữa khi nói “người soạn từ điển” tức là nói tới tác giả cụ thể của quyển từ điển này, tức ông Nguyễn Lân trong trường hợp rất cụ thể là Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Nếu hiểu là tất cả người soạn từ điển thì lại là chuyện khác.Vì vậy, sự góp ý của ông TT có phần lạc đề. Trong từ điển này, ông Nguyễn Lân đã giải các nghĩa của từng từ tố trong mỗi từ rồi sau mới định nghĩa cho cả từ đó. Với từ bộ đội cũng vậy, ông Nguyễn Lân đã không biết rằng theo sách báo Trung Quốc lâu nay thì trong từ bộ đội, từ tố bộ có nghĩa là đơn vị biên chế quân sự cổ đại, mà về sau được dùng để chỉ quân đội nói chung, khác với từ bộ có nghĩa là bước. Do đó bộ đội cũng là quân đội mà thôi. Tuy nhiên trong tiếng Việt hiện nay, từ bộ đội thường mang một vài sắc thái khác với từ quân đội, đúng như ông TT đã phân tích. Nhưng điều này là nằm ngoài phạm vi mà ông LMC bàn đến.

Chúng tôi cho rằng khi góp ý kiến, phê phán về vấn đề rất hệ trọng này, chúng ta cần phải rất cẩn thận, phải đọc cho kỹ, phải nghiền ngẫm thấu đáo để không cản trở bước đường đi tìm kiếm lẽ phải vốn đã vất vả và đầy chông gai này.
 
© 2005 talawas