Saturday, 4 December 2021

Đại tá Lê Hữu Đức giữ chức tư lệnh sư đoàn 23 Việt Nam Cộng Hòa từ ngày nào?

 


Trần Mai Hạnh (2016:32) bảo là trước khi tổng thống Thiệu đến Cam Ranh họp với thiếu tướng Phạm Văn Phú. Nhưng sau khi tổng thống Thiệu họp với tướng Phú, trưa ngày 14 tháng 4 năm 1975, chuẩn tướng Lê Trung Tường vẫn còn chỉ huy sư đoàn cho đến khi ông bị thương. Ngày hôm sau (15 tháng 3) đại tá Đức mới được cử xử lý thường vụ tư lệnh sư đoàn 23. Không rõ vì sao Trần Mai Hạnh làm sai lệch ngày tháng và nhân vật như vậy.


 


 

Friday, 3 December 2021

Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 đặt ở đâu?

 



Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đặt ở trại Trần Hưng Đạo, gần phi trường Tân Sơn Nhất, từ năm 1965 cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến. Thành Cộng Hòa, tức thành Ông Dèm, chưa bao giờ là địa điểm đặt Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Trần Mai Hạnh (Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Chính Trị Quốc Gia, tr.3) khéo tưởng tượng.

Wednesday, 1 December 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Chuyện bà thông Ty (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 24

 

CHUYỆN BÀ THÔNG TY.

          Chúng tôi sống rất đạm bạc, còn học tập, làm việc khá vất vả. Buổi sáng chúng tôi làm công việc gia sư, buổi chiều chúng tôi học tập với ông Quyến và buổi tối tự do, ai làm việc người nấy. Có thể nói, đây là thời gian mà chúng tôi thấy hạnh phúc nhất trong cuộc sống tuổi trẻ. Quá khứ đã qua rồi, Hiện tại không lo nghĩ gì, Tương lai thì luôn luôn tươi sáng, đầy hứa hẹn. Tuy trong thực tế, sinh hoạt vật chất thiếu thốn đủ thứ, nhưng đời sống tinh thần rất thoải mái, yêu đời.

          Bỗng nhiên một hôm, người ta báo tin cho chúng tôi là bà Thông Ty đang bị du kích Kinh tế Thư Trì tạm giữ ở một khu trại giam cuối làng Hoành Nha (làng kế Chợ Giai) cạnh một cánh đồng heo hút, đồng không mông quạnh, trời lạnh giá và mưa rả rích. Bà đang bị cái rét lạnh của thời tiết mùa Đông miền Bắc hành hạ dữ dội. Bà xưa nay yếu đuối, sức khỏe kém, và nhất là chưa quen với đời sống khổ cực bao giờ. Nếu cứ bị giam giữ ở đây, dù chỉ thêm một ngày là bà có thể lâm bệnh nặng, nguy hiểm. Bà biết Tiên và tôi đang ở đây và nhắn rằng, bằng mọi cách hãy vận động đâu đó, xin cho bà được tại ngoại và đưa xét xử sau.

          Bà là chị họ, con ông bác của tôi, chị ruột ông Tạo (trong Hội Bảo An nói ở phần trên), và là cô ruột của Tiên. Tôi mau mắn lấy giấy viết đơn, đứng tên trong đơn đề nghị xin Ủy ban Kháng chiến Hành chánh cứu xét trường hợp oan ức này của bà. Tôi khai rằng bà chỉ vô tình bị du kích hiểu lầm là đồng lõa với những người buôn giấy lậu trốn thuế, chứ từ trước đến nay bà không hề là một nhà buôn bao giờ. Bà đã vì nhẹ dạ nghe lời mời chào của một người buôn hàng từ trong thành (vùng Pháp chiếm đóng) ra vùng kháng chiến. Bà vừa mua xong, đang trên đường vận chuyển về nhà, thì bị du kích xét hỏi và nghi là hàng gian nên bắt giữ lại. Kính xin ông Chủ tịch, vì lòng nhân đạo, thể tình cứu xét cho một công dân đang bị hàm oan, bị giam giữ trong một tình trạng rất nguy hiểm. Được như vậy, chúng tôi xin muôn vàn cảm tạ ông Chủ tịch.

          Cũng xin nói thêm, ông Chủ tịch này là Giang Đức Tuệ, một chủ tịch huyện sáng giá, nhiều năng lực, tính tình phóng khoáng và cò tâm hồn nghệ sĩ. Ông từng là nhà thơ, nhà văn và còn là một nhà hùng biện trong các hội nghị nữa. Ông rất được các đồng sự của ông kính nể. Ông đã cho tôi vào tận nơi Ủy ban, và đã tiếp tôi như một người trưởng thành chứ không phải là một học sinh đang học cấp II. Ông đã niềm nở và ân cần hứa với tôi là sẽ cứu xét ngay, và bảo tôi cứ việc yên tâm ra về chờ kết quả. Hôm đó là chiều thứ Sáu, qua ngày thứ Bảy, và sáng Chủ nhật hôm sau, thì bà Ty đã được trả tự do. Bà đến nhà ông Kiểm Lư, chỗ chúng tôi đang ở, vui mừng báo tin và ngỏ ý muốn khao thưởng chúng tôi một chầu phở. Thời đó, còn đang kháng chiến,  ăn phở có thể được coi là hơi xa xỉ. Chúng tôi dẫn bà đến tiệm phở duy nhất ở Chợ Giai. Hôm đó, ông Quyến về Nguyệt Lãng (cũng là một làng gần Chợ Giai) thăm gia đình bên vợ. Giá và Toại về Tam Tỉnh thăm nhà Chỉ còn lại có Tiên, Quất và tôi. Mỗi người chúng tôi được bà khao một tô phở. Gọi là phở, chứ thực ra chỉ là nước canh thịt heo có bánh phở. Cũng đủ những gia vị, chanh giấm, hạt tiêu, ớt và các thứ lặt vặt khác. Thực là một thứ phở « vô duyên », không gây được hương vị của thứ phở « chính cống ». Nhưng với chúng tôi hồi đó, thời kháng chiến ở miền quê, thì cũng vẫn đạt yêu cầu và thấy thú vị lắm rồi ! Ăn xong, bà đòi nhà hàng bán cho nửa gói COTAB (một loại thuốc lá xịn thời đó) để tặng chúng tôi mang về hút chơi. Nửa gói thuốc lá có 10 điếu, chia đều cho ba chúng tôi thì còn lẻ một. Chúng tôi đã giải quyết điếu thuốc lẻ này ngay trên đường trở về nhà. Bà Ty lại trở về Tam Tỉnh. Chúng tôi rất vui vì đã làm được một việc có ý nghĩa.

          Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt đã hết năm học và đến ngày bãi trường. Chúng tôi đã ở Chợ Giai được hai năm và hoàn tất xong chương trình cấp II. Tiên về quê để lấy vợ. Tôi sang Hà nam để tiếp tục học cấp III. Quất vẫn ở lại Chợ Giai để làm gia sư.  Giá và Toại cũng ở lại Chợ Giai với Quất và ông Quyến cho vui.

          Trong số những bạn học thân cùng lớp, ngoài đám Tam Tỉnh chúng tôi, còn có hai người nữa là Lương Quý Mại và Bùi Xuân Lộc. Cả hai đều là dân Thư Trì. Anh Lương Quý Mại là học sinh giỏi và chăm chỉ nhất của lớp Đệ Tứ hồi đó. Gần như là ngoài việc học ra, anh không còn biết đến việc gì khác. Anh được gia đình gửi đến trọ học ở Chợ Giai, cốt để thụ giáo ông Quyến. Sau này, khi vào miền Nam, tình cờ tôi lại là đồng nghiệp và đồng sự với em ruột của anh là Lương văn Liên ở trường St Thomas, Nhà Thờ Ba Chuông, bây giờ gọi là Trường cấp 3 Phú Nhuận. Tôi và anh Liên thường trao đổi chuyện trò với nhau và được biết, sau khi ở Chợ Giai về, anh Mại đã bị bạo bệnh và mất sau đó ít lâu.

          Người thứ hai là anh Bùi Xuân Lộc, anh này vốn quê ở làng Kiến Xá, Thư Trì, Thái Bình, nhưng lại sinh trưởng ở thành phố Namđịnh, vì là cháu ngoại của nhà thơ Tú Xương. Anh đã học đến năm thứ tư trường Thành Chung (thời Pháp), tương đương với lớp 9 bây giờ. Nửa chừng, anh phải rời Namđịnh, tản cư về quê nhà bên Thái Bình. Cũng như chúng tôi, từ quê nhà ở Tam Tỉnh đến Chợ Giai. Anh cũng đến ở Chợ Giai, và là cán bộ phụ trách Thiếu nhi huyện Thư trì, và đi học lại lớp Đệ Tứ cùng chúng tôi ở Trung học Văn hóa Thư Trì. Vì vẫn phải công tác, nên anh không có đủ thì giờ để học tất cả các môn, mà xin phép chỉ dự lớp trong các môn mới  mà trước đây anh chưa được học như Anh văn hay Việt văn. Anh có khả năng đàn ngọt,  hát hay và nhất là cách đối nhân xử thế rất khôn ngoan, không làm mất lòng ai bao giờ. Những người đã từng gặp anh đều rất mến anh và đều hết lời khen ngợi. Tôi còn nhớ, chính ông Quyến đã nói với tôi như thế này : « Chú nên học tập cách xử thế của Lộc Tôi thấy Lộc rất tư cách và khôn ngoan, sau này chắc chắn là sẽ thành công ». Tuy nhiên, lúc đó đã là cuối năm học, mãn khóa lớp Đệ Tứ, tôi sang bên Hà Nam để thăm thú trường cấp III mà Liên khu III sắp mở vào đầu năm học mới ở đây. Rồi tôi đi học ở Hà Nam, vì thế tôi chẳng có dịp nào để gặp lại Lộc.