Thursday 29 March 2012

Thống kê hay thống kế?


Đầu thế kỷ 20 người ta vẫn viết là thống kế:
Mãi đến gần đây thống-kế mới dựng thành một khoa-học. Nam Phong Tạp Chí số 13 (1918:20, Ph. Q)
Theo biểu thống-kế về nhân-khẩu ở Đức trong năm 1930, thì số sinh đẻ ở nước ấy sụt kém đi nhiều lắm, cứ tính theo suất-số một nghìn người thì lại kém cả nước Pháp nữa. Nam Phong Tạp Chí số 167 (1931:427)
Cũng theo sổ thống-kế của Hội Vạn-quốc, thì tiền-tệ các nước đều mất giá-trị (monnaie dépréciée) đi nữa. Nam Phong Tạp Chí số 183 (1933:399)

Hán Việt Từ Điển Giản Yếu cho biết là ngay từ thời Nam Phong Tạp Chí đã xảy ra tình trạng thống kếthường đọc thống kê” (Đào Duy Anh, 2005:869). Nhưng thi thoảng người ta mới bắt gặp thống kê trên sách vở, có vẻ như là nhà in quên bỏ dấu:
Theo như sổ thống-kê (statistique) của Hội Vạn-quốc, thì ra mấy năm nay cuộc mua bán trao đổi ở giữa các nước trong hoàn cầu sút-kém nhiều lắm: năm 1929 tổng-cộng lại được 35 ngàn 6 triệu đô-la, thế mà đến năm 1931 sụt xuống còn có 20 ngàn 9 triệu mà thôi. Nam Phong Tạp Chí số 183 (1933:398)
Kế đổi thành là một ví dụ của hiện tượng Việt hóa từ Hán Việt. Từ này (tức kế Hán Việt đã Việt hóa) có nghĩa là kể ra, biên ra: kê đơn hàng, kê đơn thuốc. (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:262), không phải là xa lạ gì với lời ăn tiếng nói nhưng lại không dễ dàng được chấp nhận trong một tổ hợp có tính trang trọng, bác học. 
Các nhà soạn từ điển trong một thời gian dài chỉ công nhận một dạng là thống kế (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:575, Đào Duy Anh, 1950:1684). Đến Đào Văn Tập (1950:696) thì thống kê là mục từ chính với mở ngoặc bên cạnh là kế. Thanh Nghị (1958:1334) dứt khoát gạt thống kế ra ngoài từ điển. Lê Văn Đức (1970b:1591) lại chấp nhận cả thống kếthống kê: thống kế vẫn là mục từ chính thức có định nghĩa, nhưng kèm ghi chú “thường gọi là thống kê”. Bây giờ thì chẳng ai viết hay nói thống kế nữa, chỉ dùng thống kê trong mọi trường hợp (Hoàng Phê, 2006: 953).

Wednesday 28 March 2012

Từ Hán Việt chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong vốn từ tiếng Việt?


Câu hỏi nhảm, nên chỉ có thể trả lời nhảm thôi: Ai đếm được, ta xin gọi là thầy.
Vấn đề đặt ra trên đây có liên quan đến vài vấn đề con nan giải:
1)      Từ là gì? Anh hùng là một từ hay hai từ? Chủngtrong Hợp Chủng Quốc có phải là chủng của chủng tộc không, hay phải đếm chung nó với chúng của quần chúng, chúng mày, chúng nó?  Nếu công nhận tiếng Việt có từ ghép thì thống kếthống kê sẽ được gom chung vào một từ vị hay sẽ được tính như hai đơn vị riêng biệt? Nói tóm lại là tùy quan niệm của người nghiên cứu, kết quả đếm được sẽ rất khác nhau, dẫn đến những phân số khác nhau.
2)      Từ Hán Việt là gì? Có người hiểu đơn giản là “từ Việt gốc Hán”. Có người hiểu hẹp hơn là “từ Việt gốc Hán trên cơ sở Đường âm”. Trong nhiều trường hợp, xác định gốc Hán cho một từ Việt không phải chuyện dễ; khẳng định đó là âm Hán thượng cổ, trung cổ, hậu Hán Việt... càng phức tạp hơn.
3)      Tiếng Việt là tiếng Việt nào? Người ta thường hiểu ngầm là tiếng Việt hiện đại, không phải tiếng Việt của Nguyễn Trãi hay Quang Trung. Nhưng tiếng Việt hiện đại bắt đầu từ năm nào? Gia Định Báo hay Nông Cổ Mín Đàm có được xem là thuộc về giai đoạn hiện đại không? Tiếng Việt của bọn phản động có được tính đếm không? Nếu chỉ tính xuất bản phẩm dưới một chế độ chính trị nhất định, trong một quãng thời gian nhất định thì có gom tất cả các thể loại không hay chỉ giới hạn ở một phong cách nào đó (thơ, truyện ngắn, truyện dài, luận án...)?
4)      Vốn từ là gì? Chỉ là tập hợp tất cả các đơn vị từ vựng nhận diện được trên văn bản thực (giả sử vấn đề con số 1 đã được giải quyết) hay kể luôn cả những đơn vị có khả năng xuất hiện nhưng ta chưa gặp? Không có cái bộ phận tiềm tàng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có cái gọi là “từ mới”, nhưng làm thế nào đo đếm hay ước lượng cái phần chìm của tảng băng?
5)      Ta có sống đủ lâu để nhìn thấy cách giải quyết các vấn đề con đã nêu không?

Sino Vietnamese language là cái gì?


Tất cả các từ điển ngôn ngữ học đều không có một thuật ngữ nào như vậy.
Một người viết blog nổi tiếng là Trương Thái Du tra Google tìm thấy hơn hai trăm ngàn kết quả với  cụm “Sino Vietnamese language, nhưng kết quả này thật ra bao gồm cả những trang viết về “Sino Vietnamese language contact”, bàn về tiếp xúc ngôn ngữ (giữa) Việt (và) Hán. Số còn lại là những trang của Trương Thái Du và những trang Web sao chép lại Trương Thái Du, không kể số trang có tính cách phiếm đàm thoải mái. Không một trang Web nào có uy tín học thuật dùng thuật ngữ “Sino Vietnamese language”.
Cụm từ “Sino Vietnamese language” có lẽ là do ai đó đã dịch sai thuật ngữ “tiếng Hán Việt”. Trong tiếng Việt (Việt ngữ), tùy theo trường hợp, tiếng được hiểu theo nhiều cách khác nhau:
-Có khi tiếng được hiểu là ngôn ngữ (như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung..., ứng với language của tiếng Anh ).
-Có khi tiếng được hiểu là từ  (ứng với word trong tiếng Anh), tức đơn vị có chức năng ngữ pháp trong câu.Ví dụ: Câu “Em học toán” có đúng ba tiếng, trong đó họctoán là hai tiếng Hán Việt).
-Có khi tiếng được hiểu là âm tiết (ứng với syllable trong tiếng Anh), nếu xét về phương diện âm thanh. Ví dụ: Câu  “Em học toán” có ba từ, được phát thành ba tiếng rời nhau.
Thuật ngữ “tiếng Hán Việt” chỉ có một thuật ngữ tiếng Anh tương đương là Sino-Vietnamese word (tiếngtừ).

Tiếng Hán Việt là gì?


Tiếng Hán Việt là thuật ngữ dùng để chỉ những từ đơn âm trong Việt ngữ có nguồn gốc Hán ngữ, được đọc bằng âm Hán Việt. Cách đọc này phản ánh ngữ âm tiếng Hán đời nhà Đường được dạy ở Giao Châu từ thế kỷ thứ 8, biến đổi dần sau thế kỷ thứ 10 (kỷ nguyên độc lập tự chủ). Mùi (trong mùi thơm, mùi thối...), vị (trong vị tinh, hương vị...), (trong mì chính) đều có cùng gốc Hán là , nhưng chỉ có vị được xem là một tiếng Hán Việt, theo định nghĩa đã nêu ở trên.

Tuesday 27 March 2012

Hỏi han có phải là từ láy phụ âm đầu không?


Hỏi han là một tổ hợp đẳng lập. Han có nghĩa là hỏi (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:227). Truyện Kiều có câu:
Trước xe lơi lả han chào,
Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi.
Han chào chính là chào hỏi.

Saturday 24 March 2012

Giữ giàng có phải là từ láy phụ âm đầu không?


Giữ giàng có nghĩa là giữ gìn, coi sóc (Vương Lộc,2001:72):
Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên... (Truyện Kiều, câu 2034)
Việc binh bỏ chẳng giữ giàng... (Truyện Kiều, câu 2505)
Giàng là một từ cổ, có nghĩa là giữ (Vương Lộc, 2001:69). Bài Nhàn Ngâm trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập có câu:
Đón yêu trăm vẻ nên giàng bụng..
Như vậy giữ giàng là một tổ hợp đẳng lập.

Friday 23 March 2012

Giữ gìn có phải là từ láy phụ âm đầu không?

Không. Gìn có nghĩa là giữ (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:221). Truyện Kiều có câu:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Như vậy giữ gìn / gìn giữ đều là những tổ hợp đẳng lập.