Thursday 18 October 2012

Giấu giếm hay dấu diếm?



Có hai từ dấu. Một có nghĩa là yêu (ví dụ: yêu dấu). Từ kia có nghĩa là vết (ví dụ: dấu vết).

Giấugiấu giếm đều có nghĩa là cất kín, giữ kín, không cho ai biết (Bonet, 1999:223 ; Huình Tịnh Của Paulus, 1896a:375, Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:219).


Dấu và dấu diếm   cái dấu, đồ để làm dấu (Huình Tịnh Của Paulus, 1896a: 233).

Thế nào là trịch thượng văn hóa?



Cao Việt Dũng dùng thuật ngữ trịch thượng văn hóa để dịch từ ethnocentrisme của tiếng Pháp (http://vnn.vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2005/12/526939/). Đỗ Thuận Khiêm dịch là chủ nghĩa dĩ tộc vi trung (http://lichsuphatgiao.wordpress.com/2011/06/22/tri%E1%BA%BFt-ly-ngo%E1%BA%A1i-giao-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-d%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-vatican/): ethnocentrisme culturelchủ nghĩa dĩ tộc vi trung trên trên mặt văn hóa. Từ ethnocentrisme nguyên thủy được dùng để chê bai những người mang đầu óc thực dân coi châu Âu như trung tâm văn hóa nhân loại. Về sau người ta có những từ ngữ chính xác hơn như eurocentrisme (dĩ Âu vi trung), sinocentrisme (dĩ Hoa vi trung)... vì cái thói dòm văn hóa khác qua lăng kính của văn hóa tộc người mình không phải là tội của riêng giống dân nào. Ông bà ta ngày xưa chê Tây mày tao chi tớ với cả cha mẹ, ấy là một biểu hiện của thói trịch thượng văn hóa. Tây chê tiếng Việt nghèo nàn (thiếu từ ngữ trừu tượng, chỉ có những từ ngữ cụ thể), thiếu chính xác (không có thì động từ, không có giống cái, giống đực) thì đó cũng là trịch thượng văn hóa.
Cũng như nhiều nết xấu khác của nhân loại, thói trịch thượng văn hóa sống dai dẳng cùng với xã hội loài người. Sự tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa không giúp người ta hiểu thêm về nhau bao nhiêu nhưng lại tạo ra triệu triệu con người tha hóa, vong bản. Có những người Việt quay ra chê dân mình nói năng, viết lách sao không giống tiếng Anh:
Người Việt cười Tây, Tây có nhột không? Tây cười chê ta, bất tất ta phải đeo cái mặc cảm tư ti mà ngượng ngùng, quýnh quáng làm gì? Nhưng trước hết, người Việt có quyền chê một danh thiếp Tây không có chức vụ, không có danh hiệu nào không? Không, tại vì khi cần nói chuyện bằng tiếng Tây, người Việt không cần phải gọi người Tây bằng chức vụ hay danh hiệu. Tùy mối quan hệ thân sơ mà ở Pháp mình có thể gọi người kia là vous hay tu. Nói tiếng Anh càng dễ: từ tổng thống xuống phó thường dân đều là you hết. Nhưng ở Việt Nam, các thông tin về chức vụ, danh hiệu là hữu quan vì chúng giúp cho người Việt giao tiếp với nhau một cách hiệu quả. Không có danh thiếp, không đọc bìa sách, không đọc tên ký dưới bài báo, người Việt vẫn phải tìm kiếm hoặc trình bày thông tin về chức vụ, danh hiệu bằng cách này hay cách khác để tiện việc xưng hô.
Không thể căn cứ vào việc người Việt phô bày và tìm kiếm thông tin về danh xưng ở mọi nơi, mọi lúc mà bảo là người Việt háo danh và chỉ người Việt háo danh. Mỗi giống dân, mỗi nền văn hóa có cách khoe danh của mình. Không ký giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn T ngay trên bài viết nhưng ở một chỗ khác gần đấy lại bảo tôi dạy học và nghiên cứu ở viện G, đại học NSW, ấy cũng là khoe danh giáo sư, tiến sĩ, nhưng theo cách của Tây. Bảo rằng chỉ có người Việt háo danh vì khoe danh không giống ai (hiểu: không giống cách của Tây), ấy chính là trịch thượng văn hóa.

Đầy ắp hay đầy ấp?


Ắp nghĩa là đầy quá (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:13). Ấp nghĩa là phủ cho nóng (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:16). Như vậy phải viết đầy ắp, ôm ấp.

Wednesday 17 October 2012

Về hai tiếng ĐỒNG BÓNG (KTNN 115, ngày 01-8-1993)

ĐỘC GIẢ: Tại sao lại gọi là “đồng bóng”? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” mà ra hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?
AN CHI trả lời: Đào Duy Anh đã giảng từ đồng trong đồng bóng như sau: “Người đệ tử của thần tiên trong Đạo giáo tự xưng là đồng tử của thần tiên nên người ta thường gọi là ông đồng” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.136). Đây chỉ là một lối giảng có tính chất suy diễn chủ quan vì đồng là một từ cổ có nghĩa là cái kiếng, cái gương. Thật vậy, A. de Rhodes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng. Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính” (Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb Khoa học xã hội, 1991). Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ đã sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữ ngồi đồng chiếu kính mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị.
Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương. Cũng chính A. de Rhodes đã giúp cho chúng ta khẳng định điều này. Ông đã ghi: “Soi gương: Nhìn trong gương. Soi đồng. Cùng một nghĩa; cũng là phù phép mà người Lương dân ngây thơ nghĩ rằng mình có thể nhờ tấm gương để biết sự dữ nào bởi đâu sinh ra cho mình, nghĩa là bởi ma quỷ dối trá bằng những hình ảnh khác nhau trong tấm gương”. “Những hình ảnh khác nhau trong tấm gương” chính là những cái bóng.
Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu ở trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồnglên đồngđồng cô bóng cậu, v.v... là nghĩa phái sinh.

TÂN không chỉ cay (Năng Lượng Mới, só 4 (24-3-2011)

Bạn đọc : Đầu năm Tân Mão, trong bài “Đâu là Việt, đâu là Hoa?”, đăng trên trang mạng Tủ Sách Báo Phương Đông ngày 20-2-2011, tác giả Hà Văn Thuỳ đã viết về chữ Tân: Tân ở đây là cay đắng, tân toan, nhọc nhằn. Điều này dự báo năm nay sẽ chẳng ngọt ngào!” Vậy, năm nay ta sẽ được chia ngọt sẻ bùi hay phải ngậm đắng nuốt cay, thưa ông An Chi? Và có đúng tân là cay đắng hay không?(Huỳnh Hồng Gấm).
An Chi : Ông Hà Văn Thuỳ phát biểu câu mà bạn đã dẫn lại để bài bác ý kiến của GS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng chữ tân trong Tân Mão có nghĩa là mới. Ông Thùy khẳng định rằng, ở đây, tân là “cay đắng, tân toan, nhọc nhằn”. Quả nhiên Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh giảng tân là: “Vị thứ bảy trong 10 thiên-can – Cay  –  Khổ-sở – Buồn rầu.” Còn Hán-Việt tự-điển của Thiều-Chửu giảng  là: “1. Can tân, can thứ tám trong mười can. 2. Mùi cay. 3. Cay đắng nhọc nhằn. 4. Thương xót, như bi tân, tân toan.” Toàn bộ lời giảng của ông Thuỳ đều có trong từ điển Thiều-Chửu nên nó không thể không đúng được. Tiếc rằng đây chỉ là từ điển cỡ nhỏ nên không thể đầy đủ “để giải mã những vấn đề lớn lao của văn hóa” (chữ của ông Thuỳ) và chính vì không đầy đủ nên nó đã không giúp được cho ông Thuỳ biết thêm rằng chính cái chữ tân 辛 của ông còn có nghĩa là … “mới”!
Vâng, tân 辛 còn có nghĩa là “mới” nữa. Vương Lực cổ Hán ngữ tự điển (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 2002) đã cho chữ này 5 nghĩa, mà nghĩa 5 là  “ Thông tân «新». Dữ cựu «舊» tương đối ”, nghĩa là “dùng như chữ «tân» là mới; đối nghĩa với chữ «cựu» là cũ”. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993), tập đại thành cả cái kho chữ Hán đồ sộ, còn giảng rằng “tân «辛» là tân «新»”, nghĩa là đã trực tiếp giảng chữ «tân» của ông Thuỳ bằng chữ «tân» là “mới” nữa.
Ấy là ta còn chưa nói đến chuyện, ngoài hai nghĩa “cay” và “mới”, chữ tân 辛 còn có một nghĩa đặc biệt nữa là “tội lỗi” – đây mới thực sự là nghĩa gốc của nó –, mà hai quyển từ điển trên đây không hề nói đến.
Hóa ra GS Nguyễn Thừa Hỷ đã không bị chữ «tân» của ông Thuỳ đánh lừa còn chính ông thì đã bị chơi khăm nên chỉ thấy ở nó có cái nghĩa “cay đắng”! Hóa ra, chính GS Nguyễn Thừa Hỷ mới là người hiểu đúng theo truyền thống cái ý nghĩa của can Tân trong thập can, đã được giảng cách đây hàng ngàn năm cùng với chín can khác, trong sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán, như tác giả Phạm Thị Hảo đã ghi lại:
“ Về hàm nghĩa của các tên gọi can, chi, sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán giải thích: “Giáplà vỏ, muôn vật sơ sinh, phải phá vỡ vỏ mà ra. Ất là uốn mềm, vạn vật sinh ra, mềm mãi quanh co mà lớn dần lên. Bính là sáng, vạn vật được mặt trời chiếu sáng, ấm nóng mà phát triển. Đinh là mạnh mẽ, vạn vật ngày càng lớn lên mạnh mẽ. Mậu là rậm rạp, cây cỏ ngày càng tốt tươi. Kỷ là ghi nhớ, vạn vật định hình có thể ghi nhớ hình dạng. Canh là thay đổi, vạn vật vừa phát triển vừa đổi thay liên tục. Tânlà cay, lại giống với Tân là mới, vạn vật luôn thay cũ đổi mới. Nhâm là hoài thai, vạn vật lớn lên rồi mang cái nhân mới trong mình. Quý là tiêu đi, vạn vật phát triển cực độ ắt phải tiêu đi thay mới.” (“Năm Mão – Tết con mèo của Việt Nam và Tết con thỏ của Trung Quốc”, Hồn Việt số 43, tr. 33).
Rõ ràng là tự nghìn xưa, người ta đã hiểu như thế. Ở đây, người ta dùng tên (âm) của một vật hoặc khái niệm để chỉ vật hoặc khái niệm khác cùng tên (âm). Đây là một biện pháp tu từ trên cơ sở của hiện tượng đồng âm, tiếng Hán gọi là song quan 双關, tiếng Pháp là calembour, lối chơi chữ mà Cao Xuân Hạo đã cho một thí dụ dí dỏm: “Il n’y a plus de faucons là-haut: on n’y trouvera plus que de vrais cons.” (“Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng”, Ngôn ngữ, số 2-1985, tr. 28). Nghĩa của câu này là: “Không còn con chim cắt nào trên đó: người ta chỉ có thể thấy ở đó những thằng ngu thật mà thôi.” Nhưng hiểu như thế này thì  ngớ ngẩn, vì ở đây, người ta đã chơi calembour: faucons (chim cắt) phải được hiểu là faux cons (những thằng ngu giả) thì mới đối với vrais cons (những thằng ngu thật) được. Và cả câu sẽ là: “Không còn thằng ngu giả nào trên đó: người ta chỉ có thể thấy ở đó những thằng ngu thật mà thôi.” Đó là calembour, tức song quan, kiểu như “tân cay” được hiểu thành “tân mới” vậy.
Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là có lẽ ông Hà Văn Thuỳ không ngờ rằng ở đây, tân 辛 chỉ là một chữ giả tá nên cứ cố gán cho nó cái nghĩa “cay đắng, nhọc nhằn”. Giả tá, nói nôm na là chữ mượn. Khi người ta cần ghi lại tên của can Tân, thì người ta thấy đã có sẵn chữ tân 辛 , mà nghĩa gốc là “tội” nên mới mượn tự dạng của từ có nghĩa là “tội” này, tức chữ 辛, để ghi âm tên của nó, với tư cách là can thứ tám của thập can. Nếu biết được điều này thì ông Thuỳ sẽ dễ dàng thấy rằng cả “cay” lẫn “mới” đều không trực tiếp dính dáng gì đến nội hàm của khái niệm TÂN với tư cách là can thứ tám của thập can.
Cuối cùng, xin thưa thật với bạn rằng chúng tôi không dám đoán xem năm nay ta sẽ được chia ngọt sẻ bùi hay phải ngậm đắng nuốt cay vì chúng tôi không muốn làm … thầy bói. Còn nếu nói về ước nguyện, và chỉ về ước nguyện mà thôi, thì dù chữ tân 辛 có nghĩa là cay đắng, cay đắng đến cực độ đi nữa, chúng tôi vẫn cứ mạn phép cầu mong cho dân ta được ấm no, hạnh phúc, nước ta được yên bình, ổn định trong cả năm con … “meo meo” này.
Và cũng xin nhân tiện tặng bạn và bạn đọc đôi câu đối cây nhà lá vườn sau đây:
Chung thân ôn bão dân tâm thoả;
Đương chức thanh liêm quốc vận hưng.
終身温飽民心妥;
當職清廉國運興.
(Suốt đời no ấm, lòng dân thoả;
Đương chức thanh liêm, vận nước hưng).

Tuesday 16 October 2012

VỀ CUỐN SÁCH PHÉP DÒNG CHỊ EM MẾN CÂU RÚT ĐỨC CHÚA GIÊ SU - Nguyễn Hồng Dương & Võ Phương Lan



NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
VÕ PHƯƠNG LAN
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Đầu năm 2005 chúng tôi được Giáo sư Trần Văn Toàn, Đại học Lill - Cộng hòa Pháp, cung cấp cho cuốn sách: Phép dòng chị em mến câu rút Đức Chúa Giêsu. Trước khi đi vào mô tả tài liệu, xin được bắt đầu về lịch sử vắn tắt dòng Mến Thánh giá hay là dòng Chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu.
Dòng Mến Thánh giá là dòng tu lập ở Việt Nam sau hội Thầy giảng (được xem là dòng tu). Số liệu đến năm 2000 ở Việt Nam có 23 hội dòng với 4.012 chị em khấn trọn và khấn tạm.
Người sáng lập dòng là Giám mục Lambert (Lâm Bích) de la Motte. Piere Lambert de la Motte (1624-1679) sinh tại Lisieux, Pháp ngày 16/1/1624, được bổ nhiệm giám mục hiệu tòa Berythe 29/7/1658 giám mục Tông tòa Đàng Trong 9/9/1659, được tấn phong giám mục tại nguyện đường Dòng Thăm viếng ở Paris 11/6/1660; lên tàu từ Marseille 27/11/1660 đi nhận nhiệm sở Đàng Trong; vì tình hình khó khăn, nên giám mục thường ở Ayuthia, kinh đô Xiêm (Thái Lan); đến Đàng Ngoài 1 lần (1669) tới Đàng Trong 2 lần (1671, 1675) mỗi lần giám mục chỉ có thể ở lại 4-5 tháng rồi phải về Ayuthia; qua đời tại Auythia ngày 15/6/1679(1).
Dòng được thành lập tại làng Kiên Lao giáo phận Bùi Chu và Bái Vàng giáo phận Hà Nội năm 1670. Năm 1671 tại nhà An Chi (Đàng Trong) một cơ sở khác của dòng Mến Thánh giá được thành lập.
Trước khi có tên gọi chung - dòng Mến Thánh giá - Theo Linh mục Đỗ Quang Chính, dòng có những tên gọi khác nhau.
Tên bằng tiếng nước ngoài:
Congrégation des Amteurs de la Croix de Jésus - Christ: Năm 1664 Công nghị Ayuthia quyết định lập một Hội tông đồ mang tên Congrégation des Amteurs de la Croix de Jésus - Christ. Từ ngữ amteurs được dịch bởi nguyên ngữ Latinh amatores, có nghĩa là những người yêu thích cái gì, bị hấp dẫn bởi vật gì. Đức cha Lambert mượn trong sách Gương Chúa Giêsu, quyển II, chương XI và XII, trong đó chú giải lời của Chúa: “Ai muốn theo tôi. Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”. Nhưng sau đó Hội tông đồ Amateurs de la Croix không được Tòa thánh chấp thuận; vì vậy coi như không có “dòng nhất” Amateurs de la Croix, nhưng mà từ đó lại có “dòng nhì” tức ngành nữ, sau này mang tên Amantes de la Croix (Những người nữ Mến Thập giá).
Năm 1670, Đức cha Lambert thiết lập dòng Mến Thánh giá ở Đàng Ngoài. Phần mở đầu bản luật tiên khởi theo bản Pháp văn (gồm 14 điều), dòng mang tên Congrégation des Amateus de la Croix de Jésus - Christ (dòng những người yêu thích Thập giá Đức Giêsu Kitô) với khẩu hiệu Amants de la Croix du fils de Dieu (Những người Mến Thập giá con Đức Chúa Trời).
Trong thực tế, kể từ khi Đức cha Lambert lập dòng Mến Thánh giá ở Đàng Ngoài, thì các tài liệu lịch sử bằng Pháp văn, đều viết là Amateur de la Croix không còn dùng từ Amateurs, cũng không cần viết rõ là de Jésus - Christ, hay du Fils de Dieu.
Công đồng Đông Dương năm 1934 tại Hà Nội, từ khoản 104-110, khi nói về việc cải tổ các Nhà Phước Mến Thánh giá thành dòng Mến Thánh giá với đời sống cộng đoàn, có ba lời khấn công khai, thì công đồng gọi là Dòng này trong tiếng Latinh là Amatriccesrucis, hoàn toàn đồng nghĩa với Mến Thánh giá trong tiếng Việt, và với Amates de la Croix trong tiếng Pháp.
Tên gọi trong tiếng Việt được tác giả thống kê theo thứ tự thời gian tư liệu.
Nhà Phúc được hiểu là nhà Phúc (Phước) Mến Thánh giá.
Các mụ thuộc về mến Curút Đức Chúa Giêsu
Nhà mụ.
Cũng có những nơi khi muốn nói lên toàn bộ danh xưng của dòng Mến Thánh giá thì gọi là mến Curút hay Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu
Chị em mến Câu rút Chúa Giêsu(2)
Trong cuốn: Dòng Mến Thánh giá những năm đầu Linh mục Đỗ Quang Chính nhắc đến cuốn Phép nhà chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu, in lần thứ hai tại Kẻ Sở, 1907, thời Đức Thầy Phước (Puginier) làm giám mục Đại diện Tông tòa Tây Đàng Ngoài (từ năm 1924 gọi là Hà Nội). Sách gồm 54 trang, chia làm XXVI đoạn, nói về tinh thần và luật phép của các chị em mến Caurút (Câu rút) Đức Chúa Giêsu.
Cuốn Phép nhà chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu mà Linh mục Đỗ Quang Chính nhắc đến ở trên phải chăng là cuốn: Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây. Bởi 2 cuốn đều có 26 đoạn. Tuy nhiên cuốn mà linh mục Đỗ Quang Chính nhắc ở trên gọi là cuốn 1 gồm 54 trang, trong khi cuốn của chúng tôi tạm gọi là cuốn 2 chỉ có 42 trang. Cuốn 1 có chữ nhà, còn cuốn 2 thay vì chữ nhà là chữ dòng. Vì không có cuốn 1 trong tay nên chúng tôi không thể so sánh.
Trở lại cuốn: Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu. Sách này dày 42 trang lưu giữ tại thư khố dòng MEP (Paris). Sách do Giáo sư Trần Văn Toàn gửi cho chúng tôi là bản phô tô nên không rõ chất liệu, khổ sách. Sách viết bằng chữ Nôm, mộc bản, in tại Phát Diệm (Ninh Bình) năm 1869. Giám mục Bảo Lộc Phước san thuật truyền tử.
Paul francois Puginier Phước (Bảo Lộc Phước - Phanchicô Phúc) MEP - Hội Thừa sai Paris (Société des É trangère de Paris) (1835 - 1892) sinh ngày 4/7/1835 tại Saint - André - de Saix, gần Tarber; 1858 rời bỏ Paris đi Đông Á, tạm ở lại Hồng Kông 18 tháng, chưa đến giáo phận Hà Nội được vì đang cấm đạo; đến Sài Gòn 1860; năm sau cha Puginier lập trường d Adran là trường Pháp đầu tiên ở Sài Gòn, sau này đổi thành là Taberd; ngày 17/12/1862, cha tới Kẻ Sở; được tấn phong Giám mục hiệu tòa Mauricastre ngày 26/1/1868 tại Hoàng Nguyên, kế vị đức cha Theurel Chiêu coi sóc giáo phận Hà Nội... qua đời tại Hà Nội 25/4/1892(3).
Trước khi đi vào phần nội dung chính, sách gồm 2 trang quảng cáo số sách in tại Phát Diệm, kèm theo đó là số tiền của mỗi đầu sách.
Sách Phép dòng chị em mến Câu rút Đức Chúa Giêsu có 2 đoạn, dày 42 trang, mỗi trang 19 dòng, mỗi dòng 15 chữ.
Sau đây chúng tôi dịch đầu đề 26 đoạn.
Đoạn thứ nhất: Vì ý nào mà lập dòng này.
Đoạn thứ hai: Ý trong dòng này là ý nào.
Đoạn thứ ba: Ai nên ai chẳng nên vào dòng này
Đoạn thứ bốn: Dạy những việc lành kẻ vào dòng phải làm
Đoạn thứ năm: Những phép chung kẻ vào dòng này phải làm mỗi ngày.
Đoạn thứ sáu: Phép chị em phải giữ ban đêm.
Đoạn thứ bảy: Những phép kẻ vào dòng này phải giữ ngày lễ cùng ngày ăn chay.
Đoạn thứ tám: Phải coi sóc kẻ liệt lào trong dòng như thế nào.
Đoạn thứ chín: Những việc lành phải làm để mà cầu cho linh hồn kẻ đã sinh thì trong dòng.
Đoạn thứ mười: Chị em phải năng xưng tội cùng chịu lễ.
Đoạn thứ mười một: Chị em phải siêng năng làm ăn.
Đoạn thứ mười hai: Phép chị em phải giữ về sự tắm cùng gội đầu.
Đoạn thứ mười ba: Khi chị em đi việc chi ra khỏi của nhà phải giữ phép là thế nào.
Đoạn thứ mười bốn: Chị em phải giữ miệng là thế nào.
Đoạn thứ mười lăm: Khi chị em gửi thư cho ai hay là ai gửi thư cho chị em phải giữ phép là thế nào.
Đoạn thứ mười sáu: Chị em phải ăn mặc áo chủng nào.
Đoạn thứ mười bảy: Chị em chẳng nên cầm của chi riêng.
Đoạn thứ mười tám: Phải khấn trong dòng là thế nào.
Đoạn thứ mười chín: Phép chọn bà mụ cùng chị cả và kẻ giữ việc trong nhà.
Đoạn thứ hai mươi: Chính việc bà mụ cùng chị cả là những việc nào.
Đoạn thứ hai mươi mốt: Chị giữ việc phải giữ những việc nào cùng giữ là thế nào.
Đoạn thứ hai mươi hai: Kể những sự lỗi nhẹ cùng cách phạt là như thế nào.
Đoạn thứ hai mươi ba: Kể những sự lỗi nửa nặng nửa nhẹ cùng cách phạt là thế nào.
Đoạn thứ hai mươi tư: Kể những sự lỗi nặng hơn cùng cách phạt là như thế nào.
Đoạn thứ hai mươi lăm: Kể những lỗi rất nặng hơn cùng cách phạt là như thế nào.
Đoạn thứ hai mươi sáu: Kể những sự lỗi rất nặng kẻ phạm đến phải bỏ nó đi cho khỏi nhà dòng.
Hai bảy: Sáu mươi chín điều bà thánh Têdixa (Têrêsa) khuyên bảo chị em trong dòng người đi đàng nhân đức cho lọn...
Sách phép cho nhà chị em chung.
Mến Thánh giá là dòng nữ địa phận lập cho nữ tu Việt Nam, vì vậy ngoài những điều kiện cần thiết của một dòng tu Công giáo nói chung còn có những điều kiện mang tính đặc thù dành cho nữ tu là người Việt.
Ví dụ về ăn mặc, cho đến thời điểm ban hành sách nữ tu dòng vẫn mặc quần, áo tứ thân, chít tóc, mặc yếm. Đoạn thứ mười sáu với tựa đề: Chị em phải mặc áo chủng nào, viết: Thứ nhất chị em phải nên mặc áo vải, chẳng nên mặc áo lụa, lĩnh đũi, chỉ (chức) lõi.(?)(4) cũng chẳng nên của chi tơ... Mà nhuộm thời cũng chẳng nên nhuộm đỏ, hay là mùi (mầu) lịch sự phải nhuộm mùi thâm hay là mùi lam cùng bồ nâu (?) lạt...(5) vậy. Vì càng hèn trước mặt người thế gian, thời càng trọng càng tốt trước mặt Đức Chúa Trời...
Thứ hai, bà mụ cũng phải lo liệu một năm một lần, là trước lễ Phục sinh, may cho một người một áo vắn cùng hai yếm. Quần thời may cho một người một năm một cái, và trong ba năm một cái áo dài. Song le may cái quần cùng cái áo dài thời may trước lễ Các Thánh...
Hoặc đoạn thứ sáu: Phép chị em phải giữ ban đêm, quy định: Chị em nằm ngủ thời phải nằm một người một giường. Nhà nào chật chội chẳng đủ giường thời lo việc làm sàn cùng phản cho đủ chị em nằm. Mà đêm ngày chị em mặc áo cùng yếm cho kín, dầu mà mùa sốt (nóng) cũng chẳng nên bỏ nữa.
Sách có nhiều đoạn quy định về đời sống tu trì. Xin được dẫn ra đây đoạn thứ bảy: Những phép kẻ vào dòng này phải giữ ngày lễ cùng ăn chay. Thứ nhất, hễ ngày nhất lễ lạy, sớm mai cũng đọc kinh như ngày thường. Song le đến hết kinh Tôi tin kính thời phải thêm kinh Mười sự răn, Sáu sự răn và Mười bốn mối, cùng kinh Phúc thật tám mối, đoạn đọc lần hạt như mọi ngày.
Thứ hai, những ngày nhất lễ lạy, cùng các ngày lễ lạy các thánh Y kế di gia (Hội Thánh) dạy giữ chẳng nên làm việc xác. Đọc kinh cùng ngắm, đoạn thời phải học chữ cho đến gần giờ xét mình trước cơm trưa. Đoạn thời đi ngủ một ít.
Nghỉ đoạn chị em phải họp nơi chung mà đọc kinh Đức Chúa Phiditôsangtô (Chúa Thánh thần) cùng kinh Ăn năn tội đoạn lần hạt trăm lần (bận?), rồi đọc kinh Thân mẫu phúc và kinh Cầu các thánh. Song le các ngày lễ Đức Chúa Giêsu thời phải đọc kinh Cầu Đức Chúa Giêsu. Cùng các ngày lễ Đức Bà và các ngày lễ đầu tháng thời phải đọc kinh Cầu Đức Bà. Đọc kinh cầu nào, thời phải đọc kinh than sau kinh cầu ấy. Rồi chị em ngồi lại mà nghe một chút điều phép nhà. Đoạn thời Bà mụ hay là Chị cả khuyên chị em một hai lời cho biết ý những điều đã đọc và ra sức giữ cho lọn. Rồi sẽ đọc ba kinh Thiên Chúa, ba kinh Ave và kinh Lòng cậy. Rồi lại học chữ cho đến tối. Ai muốn đọc kinh riêng, thời cũng nên. Ấy là phép thêm ngày lễ. Khi đã đọc sách phép nhà cho hết, đoạn lại đọc lại.
Thứ ba, phải kiêng thịt mọi ngày trong năm, đừng kể ba ngày sau này là lễ Phục sinh, lễ Hiện xuống, lễ Sinh nhật Đức Chúa Giêsu bằng ngày ăn chay. Thời chị em phải giữ các ngày thánh Y kê di gia (Hội Thánh) dạy cùng ngày thứ sáu... thứ bảy suốt năm. Mà những ngày ăn chay bữa trưa thời chẳng nên ăn sớm, cùng bữa tối chẳng ăn no quá... chi.
Thứ bốn, những ngày thứ sáu, cùng ngày thứ bảy suốt năm, cùng mọi ngày trong mùa ăn chay cả, đọc kinh tối và đọc... ngắm đoạn, thời phải đánh tội đủ và ba kinh Ăn năn tội cho được kính cùng nhớ sự thương khó cùng sự chết Đức Chúa Giêsu và dâng một chút của hèn làm vậy. Mà hợp một ý cùng ý mầu nhiệm Đức Chúa Giêsu chịu sự khốn... dường ấy. Cùng ước ao cho được mọi ý lành Đức Chúa Giêsu muốn cho ta có. Hoặc có ai trở sự chi... chẳng đánh tội chung cùng các chị em được thời phải trình bà mụ, cùng phải liệu buộc một dây cho lưng có gai... hay là làm việc khác bằng việc ấy thay việc đánh tội mặc ý cha cả coi sóc dạy.
Thứ năm, đến ngày lễ Lá cùng bốn ngày sau lễ ấy thời phải đánh tội một ngày hai lần, sớm mai một lần đủ ba kinh Ăn năn tội, tối một lần cùng đủ ba kinh Ăn năn tội nữa. Còn ngày thứ sáu lễ ấy là chính ngày Đức Chúa Giêsu đã sinh thì thời cũng phải đánh tội hai lần. Song le sớm mai đủ bốn kinh Ăn năn tội, tối cũng đủ bốn kinh ấy, để mà kính sự thương khó Đức Chúa Giê su đã chịu chết vì chúng tôi.
Thứ sáu, hễ là lần nào chị em đánh tội chung, đánh tội đoạn thời phải lần hạt và đọc kinh cầu Ông thánh Xu sai (Giuse)
Thứ bảy, lễ Đức Chúa Giêsu chịu hại vừa gọi là lễ Đặt tên, cùng là lễ bà Thánh Hylina (Hê lê na) tìm thấy Câu rút Đức Chúa Giêsu và lễ Đức Chúa Giêsu tỏ sáng mình ra, thời ba ngày ấy chị em phải kính thờ.
Thứ tám, các chị em vào dòng này phải lấy ông thánh Xu sai làm quan thầy trên trời, cùng phải xin Đức Chúa Trời vì công nghiệp ông thánh ấy cho các chị em hợp một ý trong dòng này, cùng cho một ngày một nhiều nhân đức hơn.
Nghiên cứu về lịch sử dòng Mến Thánh giá, về đời sống tu trì của dòng rõ ràng không thể không nghiên cứu cuốn: Phép dòng chị em Mến Câu rút Đức Chúa Giêsu.
Chú thích:
1. Đỗ Quang Chính, S.J Dòng Mến Thánh giá những năm đầu, Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr.6.
2. Sđd, tr. 6-15.
3. Sđd, tr.12-13.
4. Dấu (?) là phiên âm chưa chắc đúng.
5. Dấu... là thiếu một chữ do bản phô tô bị mờ hoặc thiếu.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.159-167)

Ai dịch tiếng Pháp cho Cà Phê Trung Nguyên vậy?



Bao cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên có in hàng chữ nhỏ xíu này:
Không có cà phê, chính trị mất vị, chỉ còn có mùi.
Vị gì? Mùi gì? May quá, nhà sản xuất lại cẩn thận chua thêm nguyên văn tiếng Pháp:
Sans café, la politique sent car elle perd son essence.
Tác giả được cho là Napoléon Bonaparte.
Google Translate dịch thành:
Nếu không có cà phê, bởi vì cô cảm thấy chính sách mất bản chất của nó.
Câu này không tệ hơn bản dịch của Trung Nguyên bao nhiêu.
Động từ sentir trong lời trích dẫn (được cho là) của Napoléon phải được hiểu là bốc mùi thum thủm, ví dụ như Cette viande, ce poisson commence à sentirThịt này, cá này nặng mùi / có mùi ươn rồi. Chứ Chính trị chỉ còn có mùi... là mùi gì?
Nghĩa của từ essence không có gì đặc biệt. Nó chỉ cái bản chất, cái tinh túy của sự vật (ở đây là của chính trị).
Politique là tất cả những gì liên quan đến chính trị: việc chính trị (chính sự), giới làm chính trị (chính giới), đường lối chính trị (chính sách)...
Người Việt trong nghề chính trị, nếu trót nghiện giọt đắng thì không có cà phê, oải lắm, chẳng còn muốn làm gì. Không có cà phê, tiếng Pháp nói là sans café. Oải lắm, làm chính trị hết nổi, nghĩ đến là sợ như sợ mùi cá ươn, người Pháp nói ngắn gọn là la politique sent. Chẳng còn muốn làm gì tức là đã mất đi (tiếng Pháp là perdre) động lực, cảm hứng (tiếng Pháp là essence), Nói tóm lại là:
Hết cà phê rồi oải lắm ai ơi,
Nghĩa lý gì đâu muôn sự ở đời...

Nói dài hơn một chút thì:

Tề gia, trị quốc bình, thiên hạ...
Không có cà phê, nặng hơn đeo đá.
Uống cả phê vào, nhẹ bằng chiếc lá!