Thursday 25 October 2012

Vài nét về địa danh tỉnh Tây Ninh (Lê Trung Hoa)


Vài nét về địa danh tỉnh Tây Ninh

EmailIn
(Hình ảnh: Núi Bà Đen, Tây Ninh nhìn từ xa; nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=1556.100)
1.Nam Bộ gồm 2 thành phố và 17 tỉnh. Chúng tôi đã và đang hướng dẫn sinh viên và học viên cao học sưu tập và nghiên cứu địa danh của 11 tỉnh, thành; còn 8 tỉnh, thành chưa có điều kiện thực hiện khảo cứu, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Bài viết này mở đầu cho công việc sắp tới.
2.1.Chúng tôi chia địa danh Việt Nam làm 4 loại: địa danh chỉ địa hình thiên nhiên (tên núi, sông, rạch, biển,…), địa danh hành chính (tên thôn, xã, quận, huyện,…), địa danh vùng (tên khu, xóm, địa điểm,…) và địa danh chỉ công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều (tên cầu, đường, công viên, sân vận động,…)*.
2.2.Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua bốn loại địa danh trên.
2.2.1. Trước hết là loại địa danh chỉ địa hình.
Bà Đen là tên ngọn núi cách thị xã Tây Ninh 15km, cao 986m, một điểm du lịch nổi tiếng. Cũng gọi là núi Bà.
Có 5 giả thuyết giải thích nguồn gốc của địa danh này: 1.Nàng Đênh quyết chí đi tu ở núi; cha mẹ ép duyên; nàng trốn biệt tích; tên núi Bà Đênh nói chệch thành Bà Đen [5]. 2. Cô Lý Thị Thiên Hương yêu và định lấy một trí thức tên Lê Sĩ Triệt, nhưng bị tên công tử bắt cóc; nàng tuẫn tiết; vua phong cho nàng là Linh Sơn Thánh mẫu [8]. 3. Nàng Rê Đeng cùng chàng trai đắp núi thi; cuối cùng nàng thắng, tên nàng trở thành tên núi; 4. Nữ Oa và Tứ Tượng thi đắp núi; nếu Tứ Tượng thắng thì thành vợ chồng; cuối cùng nàng thắng; núi nàng đắp trở thanh núi Bà Đen. 5. TS. Thái Văn Chải (trao đổi riêng) bảo rằng: Có một nữ thần của người Khmer, gọi là “Mẹ Đen” (Néang Khmâu), mà hòn núi là bàn chân của bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen (người Việt gọi núi Chơn Bà Đen)[10]; hiện trên núi còn dấu chân này. Chúng tôi vừa đến đó (2009) và thấy dấu chân này khắc trên đá, lớn hơn dấu chân người một chút. Thuyết thứ 5 có lý nhất.
Cái Răng là rạch ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Cái Răng còn là tên quận của thành phố Cần Thơ; tên cầu trên một tuyến đường ở tỉnh An Giang và là tên đường nông thôn ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Có ý kiến cho rằng Cái Răng do từ Khmer Kran “cái cà ràng” mà ra [10]. Chúng tôi nhận thấy: k- thường biến thành cà (crème > cà rem) chứ không biến thành cái. Cái là “rạch” (ở Nam Bộ có độ 300 địa danh mang từ Cái ở đầu); Răng: có lẽ do Kran.
Chàm là hang ở núi Bà Đen, nơi có nhiều đồng bào Chăm vào nghỉ ngơi, ăn uống. Chàm là từ chỉ người, nướcChăm / Chămpa, vì trước đây họ từng ở nơi này.
Rỏng Tượng là tên một dòng nước ở tỉnh Tây Ninh. Cũng gọi là Láng Tượng.
Rỏng Tượng là đường khuyết sâu do voi đi lại nhiều lần tạo nên.
Trao Trảo là gò ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.
Trao Trảo có lẽ là biến âm của tên cây trao tráo, là “loại cây cao 3-4m, thân không gai, trái dẹp, không ăn được, lá giống lá quýt” [1].
 2.2.2.Tiếp theo là địa danh chỉ vùng.
Bàu Nâu là địa điểm ở huyện Gò Dầu.
Bàu Nâu là cái bàu, ở đó có cây nâu - một loại “dây leo, củ có màu đen dùng nhuộm vải” [4]. Ở tỉnh Tiền Giang cóGiồng Nâu.
Bến Đổi là địa điểm nay thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Gò Dầu. Cũng gọi Trường Đổi.
Bến Đổi là “nơi trao đổi hàng hoá giữa người Việt và người Chăm” lúc quân Pháp mới xâm chiếm vùng này [8].
Bến Kéo là địa điểm thuộc xã Long Thành, tỉnh Tây Ninh, trên qưốc lộ 22, cách tỉnh lỵ 8km. Vì trước kia đường sá khó đi nên hàng hoá từ Sài Gòn chở đến đây phải tập trung lại để thuê xe bò chở tiếp.
Bến Kéo là “bến tập trung xe để kéo hàng” [8].
Bố Heo là địa điểm ở trong núi Bà Đen.
Bố Heo có thể là khu có nhiều cây bố, có heo rừng sinh sống ở đó. Cây bố cũng gọi là cây đay, là “cây trồng thuộc loại thân cỏ, vỏ thân có thể tạo sợi dùng làm bao tải, dây buộc” [11]. Có lẽ Bố trong  Bố Lá ở Bình Phước cũng là từ này.
Gò Dầu Hạ và Gò Dầu Thượng là hai khu vực thuộc huyện Gò Dầu.
Gò Dầu Hạ là “gò cây dầu ở phía dưới” và Gò Dầu Thượng là “gò cây dầu ở phía trên”, Gò Dầu Hạ xa biên giới Việt Nam-Campuchia hơn Gò Dầu Thượng.
2.2.3. Kế đến là tên công trình xây dựng.
Dầu Tiếng là hồ nhân tạo ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, cách thị xã Tây Ninh 20km, diện tích 27.000ha, chứa 1,5 tỉ mét khối nước để phục vụ tưới tiêu cho tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Dầu Tiếng còn là tên huyện và thị trấn của tỉnh Bình Dương, được tách ra từ huyện Bến Cát từ năm 1999.
Chúng tôi chưa biết nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này.
Mộc Bài là cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia, ở huyện Gò Dầu, diện tích 21.284ha, có 180.000 lao động tại chỗ; nơi trao đổi hàng hoá giữa hai nước.
Mộc Bài gốc Hán Việt, nghĩa là “cái thẻ hay cái bảng bằng gỗ để làm dấu, chỉ ranh đất” (tablette).
Ông Năm Vinh là tên bến đò ở huyện Gò Dầu. Cũng gọi là bến đò Cầu Sắt.
Ông Năm Vinh là Trình Minh Vinh, cha của Trình Minh Thế, độc quyền quản lý, thường xuyên có hai chiếc tàu đò chạy từ Cầu Sắt đến Cẩm Giang và ngược lại [9].
Tha La là vùng đất ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Tha La còn là tên ao ở xã Tân Lý Tây, tỉnh Tiền Giang; tên xóm ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, tên chợ ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.        
Tha La gốc Khmer Sa-la, có hai nghĩa là “trường học” và “chòi ở bên đường để khách nghỉ chân”.
Trại Bí là địa điểm gần núi Bà Đen, thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên, cách thị xã Tây Ninh 22km.
            Trại Bí là nơi mà những người đi chặt củi, bứt mây rừng đem theo bí nấu canh, bỏ hột nên bí mọc khắp nơi [8].
Gò Chai là bến phà vượt sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Châu Thành.
Gò Chai là  có nhiều cây chai mọc. Chai là loại cây cho mủ đóng cục, nấu chảy để thắp, đốt.
Gò Kén là địa điểm ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành.
Gò Kén là  đất rộng có mọc nhiều cây kén, một loại cây có lá xanh, trái chín như trái hồng đào [8].
2.2.4.Sau cùng là địa danh hành chính.
Địa danh Tây Ninh hiện nay vừa là tên tỉnh vừa là tên thị xã.
Tỉnh Tây Ninh hiện nay có diện tích 4.029,6km2, dân số 1.066.402 người (2009), gồm thị xã Tây Ninh và 8 huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Hoà Thành, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng với 8 thị trấn, 5 phường và 82 xã.
Thị xã Tây Ninh gồm 5 phường: 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh và 5 xã: Bình Minh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Tân Bình, Thạnh Tân.
Ở mùa thu năm 1836, Tây Ninh là một phủ của tỉnh Gia Định, gồm hai huyện với 7 tổng và 56 xã thôn. Năm 1878, Tây Ninh là một hạt của khu vực Sài Gòn, gồm 2 huyện Tân Ninh và Trảng Bàng. Đến năm ngày 1-1-1900, Tây Ninh trở thành một tỉnh của Nam Bộ [3].
Tỉnh Tây Ninh được thành lập lại ngày 22-10-1956 (tỉnh lỵ Tây Ninh). Ngày 3-1-1957, tỉnh Tây Ninh có 3 quận (Châu Thành Tây Ninh, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng). Quận Châu Thành Tây Ninh gồm 6 tổng; quận Gò Dầu Hạ gồm 3 tổng và quận Trảng Bàng chỉ có 1 tổng (Hàm Ninh Hạ).
Trong Mê-kông ký sự, người ta thấy ở Trung Quốc hiện giờ cũng có địa danh Tây Ninh.
Tây Ninh gốc Hán Việt, nghĩa là “an ninh ở phía tây”.
Bến Cầu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 233,3km2, dân số 59.000 người (2006), gồm thị trấn Bến Cầu và 8 xã: An Thạnh, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Phước, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận. Tên huyện ra đời năm 1961.
Bến Cầu là “bến nằm cạnh cái cầu”. Chúng tôi chưa biết vị trí bến và cây cầu cụ thể nào ở đây.
Châu Thành là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 571,3km2, dân số 119.200 người (2006), gồm thị trấn Châu Thành và 14 xã: An Bình, An Cơ, Biên Giới, Đồng Khởi, Hảo Đước, Hoà Hội, Hoà Thạnh, Long Vĩnh, Ninh Điền, Phước Vinh, Thái Bình, Thanh Điền, Thành Long, Trí Bình. Tên huyện ra đời năm 1942.
Châu Thành đồng nghĩa với thành phố. Huyện nào bao quanh thị xã hoặc thành phố thì gọi là huyện Châu Thành. Ở Nam Bộ hiện có tất cả 11 huyện mang tên Châu Thành.
Dương Minh Châu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 606,5km2, dân số 99.500 người (2006), gồm thị trấn Dương Minh Châu và 10 xã: Bàu Năng, Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là, Lộc Ninh, Phan, Phước Minh, Phước Ninh, Suối Đá, Truông Mít.
Dương Minh Châu (1912-1947) quê tại làng Linh Thạnh, tỉnh Tây Ninh, là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội khoá 1, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1998.
Gò Dầu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 250,5km2, dân số 135.300 người (2006), gồm thị trấn Gò Dầu và 8 xã: Bàu Đồn, Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Đông, Phước Thạnh, Phước Trạch, Thanh Phước, Thạnh Đức.
Gò Dầu gốc thuần Việt, vốn có nghĩa là “gò có nhiều cây dầu”.
Trảng Bàng là quận từ ngày 3-1-1957, gồm quận lỵ Gia Lộc và 7 xã: An Hoà, An Tịnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, Phước Chỉ.
Hiện nay, Trảng Bàng là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 337,8 km2, dân số 139.400 người (2006), gồm thị trấn Trảng Bàng và 10 xã: 7 xã cũ và 3 xã mới: Bình Thạnh, Hưng Thuận, Phước Lưu.
Trảng Bàng được dùng làm địa danh hành chính năm 1878. Trảng là khoảng đất rộng giữa rừng hoặc giữa hai khu rừng. Còn Bàng có lẽ là cỏ bàng. Vậy Trảng Bàng vốn có nghĩa là cái trảng có nhiều cỏ bàng. Còn theo Trương Vĩnh Ký, trước kia người Khmer gọi vùng đất này là Srôk Oknha Păn (xứ Ông quan Păn).
Tiếp theo, chúng tôi thử giải mã một số tên xã gốc thuần Việt.
Bàu Đồn là xã của huyện Gò Dầu.
Bàu Đồn là “cái bàu ở gần một đồn lính”. Chưa biết cụ thể đồn này tên gì.
Bàu Năng là xã của huyện Dương Minh Châu.
            Bàu Năng có lẽ có dạng gốc là Bàu Năn, tức “bàu cỏ năn”, bị viết sai chính tả.
Bến Củi là xã của huyện Dương Minh Châu.
Bến Củi là “bến chứa nhiều củi”.
Cầu Khởi là xã của huyện Dương Minh Châu.
Cầu Khởi có dạng gốc là Cầu Khỉ, chỉ chiếc cầu nhỏ và không vững chắc.
Chà Là là xã của huyện Dương Minh Châu.
Chà Là có lẽ là tên cây mọc nhiều ở vùng này.
Mỏ Công là xã của huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi chưa biết nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này.
Suối Dây là xã của huyện Tân Châu.
Suối Dây có lẽ là “con suối chảy qua vùng rừng có nhiều dây leo”.
Suối Đá là xã ở huyện Dương Minh Châu.
Suối Đá vì dưới lòng và hai bên suối có nhiều đá lớn nhỏ.
Suối Ngô là xã của huyện Tân Châu.
Suối Ngô có lẽ là “suối chảy qua vùng trồng nhiều bắp”.
Truông Mít là xã của huyện Dương Minh Châu.
Truông Mít là “vùng đất hoang, rậm, có nhiều cây mít”.
Sau đây chúng tôi thử giải mã một số tên xã gốc Hán Việt.
Cẩm Giang là xã của huyện Gò Dầu, có nghĩa là “sông gấm”.
Long Chữ là xã của huyện Bến Cầu.Long Chữ có lẽ có dạng gốc là Long Chử, từ tổ Hán Việt, nghĩa là “bãi lớn/thịnh vượng”. Do người ta không biết nghĩa của từ Chử và rất quen với từ Chữ nên viết sai.
Hảo Đước là xã của huyện Châu Thành. Hảo Đước có âm gốc là Hảo Đức, có nghĩa là “đạo đức và tốt đẹp”. Có lẽ do kiêng húy Nguyễn Huỳnh Đức hoặc Trịnh Hoài Đức, là những quan lớn ở thế kỷ 19 nên phải nói chệch.
Tân Bình là xã của thị xã Tây Ninh và huyện Tân Biên, có nghĩa là “yên bình ở nơi đất mới”.
Tân Phong là xã của huyện Tân Biên, có nghĩa là “gió mới”.
Thanh Điền là xã của huyện Châu Thành, có nghĩa là “ruộng xanh”.
Trường Hòa là xã của huyện Hòa Thành, nghĩa là “hòa thuận lâu dài”.
3.Trên đây chỉ là bước đầu khảo sát vài chục địa danh ở tỉnh Tây Ninh. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ hơn, đầy đủ hơn địa danh ở vùng đất này. Hi vọng ngày ấy không xa.                                        

                                               
CHÚ THÍCH
*Trong một cuốn sách của Liên Xô trước đây viết về địa danh mà chúng tôi đã đọc và rất tiếc đã quên tên, có nêu một thí dụ để phân biệt địa danh và không phải địa danh như sau: Một nhà máy có tên Công Nhân, tên đó không phải là địa danh. Nhưng trạm xe buýt trước nhà máy ấy có tên trạm là Công Nhân thì tên này là địa danh. Sách không giải thích gì thêm. Chúng tôi suy ra: Trạm xe buýt chỉ có mặt bằng, tức không gian hai chiều nên tên trạm là địa danh; còn nhà máy có không gian ba chiều (chiều thứ ba là vách tường) nên tên nhà máy không phải địa danh. Và chúng tôi gọi các đối tượng có không gian ba chiều như đình, chùa, tháp, cơ quan, trường học,… là hiệu danh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.
2.Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam, HN, Nxb Thống kê, 2008.11
3.Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, Nxb tp.HCM, 1994.
4.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.
5.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
6.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, 2009, bản đánh máy.
7.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.
8.Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2001.
9.Nguyễn Văn Nữa (cb), Địa chí Tây Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xb, 2006.
10.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.
11.Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, HN, Nxb KHXH, 2007.
VÀI NÉT VỀ ĐỊA DANH TỈNH TÂY NINH
Địa danh tỉnh Tây Ninh chưa được nghiên cứu nhiều. Bài viết này là bước đầu tím hiểu. Địa danh Việt Nam được tác giả chia làm 4 loại: địa danh chỉ địa hình, địa danh chỉ vùng, địa danh chỉ công trình xây dựng và địa danh hành chính. Ở mỗi loại, tác giả chỉ giải mã một số tiêu biểu.

SOME NOTES ON THE TOPONYMS IN TAY NINH PROVINCE
The toponyms in Tay Ninh have not been studied a lot. This paper is our initial research. The toponyms in Vietnam are divided into four categories: toponyms indicating topology, toponyms showing regions, toponyms introducing building works and administrative toponyms. In each category, the author decodes only some typical ones.
  PGS. TS. Lê Trung Hoa
Nguồn: Khoa Văn Học và Ngôn Ngữ - Đại Học Khoa Học Xã Hội Thành Phố Hồ Chí Minh

Tuesday 23 October 2012

Về chữ liền trong liền anh liền chị _ An Chi (Đã đăng trên Đương Thời số 12-2009).

      Liền anh và liền chị là những lối nói mang tính biệt ngữ trong sinh hoạt  dân ca Quan họ, dùng để chỉ hoặc gọi từng thành viên nam hoặc nữ của một bọn Quan họ. Tuy tài liệu tham khảo về Quan họ không đến nỗi quá nghèo nàn nhưng thật khó mà tìm được một lời giải thích về từ nguyên của chữ liềntrong các cấu trúc trên. Ở đây, chúng tôi xin phân tích chữ này về các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, và ngữ pháp để thử tìm về nguồn gốc của nó.
        Về ngữ pháp thì, cứ theo cách sử dụng phổ biến và quen thuộc, cũng như theo cảm thức tự nhiên của người Việt, ta có thể khẳng định rằng liền anhliền chị là những ngữ danh từ, nghĩa là những cấu trúc do danh từ làm trung tâm. Trong liền anh và liền chị thì liền là trung tâm. Vậy liền là danh từ. Nhưng không một quyển từ điển tiếng Việt quen thuộc nào có ghi nhận danh từ liền. Thuộc loại đáng tin nhất và cũng là loại mới nhất như Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) cũng chỉ ghi nhận chữ liền với tính cách là tính từ, phụ từ (phó từ) và kết từ (liên từ) mà thôi. Lý do là , đối với tiếng Việt toàn dân hiện đại, thì liền là một từ cổ, nghĩa là một từ đã “chết” (nên nhiều người thậm chí còn không biết rằng nó có tồn tại). Nó chỉ còn “sống” ở một vài địa phương mà ngay ở những địa phương này thì nó cũng chỉ còn được sử dụng trong một phạm vi hẹp.
      Về ngữ âm thì liền là âm Hán Việt xưa của chữ  (trong nhiều trường hợp còn có thể chuyển dụng với chữ ),mà âm Hán Việt hiện đại là liên. Nói một cách khác, liên là một biến thể ngữ âm hậu kỳ củaliền. Với những tiếng Hán Việt có phụ âm đầu l- (hoặc cả d-, m-, n-, nh-, ng(h)-, v-) thì việc biến thể có thanh điệu 2 (dấu huyền) xưa hơn biến thể có thanh điệu 1 (không dấu) là hiện tượng phổ biến:
 (trong lụa là) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là la, có nghĩa là lụa;
– làn (trong làn sóng) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là lan, có nghĩa là sóng;
     – lầu (trong lầu đài) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là lâu (trong lâu đài);
       – liềm (trong búa liềm) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là liêm, có nghĩa là liềm; v.v..
      Cứ như trên, thì không có gì lạ nếu liền là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại làliên. Nhưng, trong tiếng Việt, nó còn có một biến thể ngữ âm nữa là liễn, như đã cho trong Hán-Việt từ- điển (Đào Duy Anh), Hán-Việt tân từ-điển (Nguyễn Quốc Hùng), Đại Nam quấc âm tự vị (Huỳnh-Tịnh Paulus Của), v.v..
      Bây giờ xin nói sang mặt ngữ nghĩa. Vì liền ở đây chỉ có thể là danh từ, như đã phân tích về mặt ngữ pháp, nên các nghĩa “ở kề ngay nhau, sát ngay nhau, không cách” hoặc “ngay lập tức” đã cho trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học không thể áp dụng cho nó vì đó là nghĩa của tính từ hoặc phụ từ. Vậy liền/liên/liễn là gì? Ở Nghệ-Tĩnh, liền có nghĩa là xếp, tệp, xấp,v.v.. Liền trù là xấp trầu. Chữ này và nghĩa này đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh (Nxb Nghệ An,1998) và Từ điển tiếng địa phương Nghệ-Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999). Còn liễn, điệp thức của nó ở trong Nam, thì được dịch là fasciculus (tập, tệp) trong Dictionarium Anamitico-Latinum của J.L. Taberd (Serampore,1838), với những thí dụ như: – liễn bát : scutellarum fasciculus (chồng chén bát), – liễn trầu : fasciculus betel (xấp trầu). Còn trong Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel, nó được dịch là paquet, liasse (bó, xấp, tệp, v.v.), cũng với những thí dụ như trên. Và dĩ nhiên là ta còn có thể tìm thấy danh từ liễn này với cái nghĩa đang xét trong một số quyển từ điển khác nữa, như Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine,  Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, v.v.. Riêng điệp thức liên thì có thể được xem là một đơn vị từ vựng của tiếng Việt toàn dân nhưng nó chỉ được sử dụng trong một phạm vi thực sự hạn hẹp với cái nghĩa là (một) cặp, (một) đôi, dùng để chỉ hai câu thơ đi liền nhau. Chẳng hạn trong một bài bát cú Đường luật thì liên 1-2 là hai câu đề, liên 3-4 là hai câu thực, liên 5-6 là hai câu luận và liên 7-8 là hai câu kết.
      Tất cả những nghĩa trên đây của liềnliễn và liên đều bắt nguồn từ nghĩa gốc của chữ liên  trong tiếng Hán. Và vì lời giảng bằng tiếng Hán khó giúp ta phân biệt về mặt từ loại (trong trường hợp này thì phải là danh từ) nên ở đây chúng tôi xin dẫn Dictionnaire classique de la langue chinoise cũa F.S.Couvreur để bạn đọc có thể kiểm chứng dễ dàng hơn về mặt đó. Tại chữ , Couvreur đối dịch là : “ continu (thể liên tục), suite non interrompue ( chuỗi, dãy, loạt, v.v., không đứt đoạn), liaison (sự liên kết, mối liên kết), connexion (sự kết nối), alliance (quan hệ thông gia), association (hội, đoàn, nhóm liên kết, sự kết hội), association de dix personnes, de cing familles ou de deux cents familles (hội mười người, năm gia đình hoặc hai trăm gia đình) – distique (hai câu thơ liền nhau)”. Với nghĩa “chuỗi, dãy, loạt, v.v., không đứt đoạn”, ta đã thấy được cái nghĩa của liền trong liền trù (xếp trầu) của Nghệ-Tĩnh và của liễn trong liễn trầuliễn bát của tiếng địa phương Miền Nam và của liên với cái nghĩa đặc dụng đã nói. Còn với nghĩa “hội, hội đoàn, sự kết hội”, ta sẽ thấy được cái nghĩa của liền trong liền chịliền anh của Quan họ Kinh Bắc. Cái nghĩa này liên quan đến cách tổ chức của các nhóm Quan họ, gọi là bọn Quan họ, mà tác giả Bùi Trọng Hiền cho ta biết như sau:
       “Người Quan Họ chỉ hát đối đáp theo từng nhóm xã hội nhất định – gọi là bọn Quan Họ. Trong đó, chỉ có bọn Quan Họ kết nghĩa mới hát đối đáp với nhau. Nếu không cùng bọn kết nghĩa, các liền anh , liền chị chỉ có thể hát cùng nhau trong các cuộc thi lấy giải ở hội làng ngày xuân. Ðể hình thành nên nhóm, các chàng trai (hoặc cô gái) cùng làng xã phải trải qua một quá trình học hát dưới sự dìu dắt của các thế hệ đi trước. Khi đã có một vốn liếng bài bản nhất định, họ mới tự kết hợp lại thành từng nhóm liền anh hay liền chị, mỗi nhóm trung bình năm hay sáu người.” (Nhân Dân, 15-12-2007).
   Những nhóm năm, sáu liền anh hay liền chị tự kết hợp lại với nhau sau khi đã “thành nghề” đó, tức những bọn Quan họ, theo chúng tôi, chính là những liền, theo nghĩa “hội”, “đoàn” trong từ điển của Couvreur. Liền anh là cách mà bọn Quan họ nữ dùng để gọi bọn Quan họ nam; liền chị  là cách mà bọn Quan họ nam dùng để gọi bọn Quan họ nữ. Còn liền em là cách mà bọn Quan họ nam (hoặc nữ) dùng theo lối khiêm tốn để chỉ liền của mình khi đối thoại vói bọn Quan họ nữ (hoặc nam). Như vậy thì, lúc khởi thuỷ, các ngữ danh từ liền anhliền chị không dùng để gọi hoặc để chỉ cá nhân từng thành viên nam hay nữ của một bọn Quan họ như hiện nay, mà dùng để chỉ chính từng bọn Quan họ nam hay nữ. Rồi về lâu, về dài, do danh từ liền dần dần mất nghĩa – sự mất nghĩa là một hiện tượng thông thường trong ngữ nghĩa học – nên người ta mới dùng các ngữ danh từ liền anhliền chị để chỉ từng thành viên của bọn Quan họ nam hay nữ; còn liền em mới trở thành lối khiêm xưng mà từng thành viên của một bọn nam lẫn bọn nữ đều dùng để tự chỉ cá nhân mình, như hiện nay. Với lối nói chệch nghĩa này, liềntrở thành một hình vi phụ thuộc, luôn luôn đi chung với danh từ anh (chịem) đứng liền ngay sau nó, để chỉ một hàm nghĩa về thứ bậc.
      Ta có thể yên tâm khẳng định những điều trên đây một cách chắc chắn, nhất là khi so sánh liền vớiđàn, một yếu tố đồng nghĩa với nó. Liền vốn là một từ, nay đã trở thành một hình vị phụ thuộc, đồng nghĩa với đàn trong hai công dụng đặc biệt (một là trong đàn ôngđàn , hai là trong đàn anh và đàn chị) của hình vị này, như sẽ phân tích dưới đây. Đàn là một hình vị tách ra từ danh từ đàn trong đàn bòđàn chimđàn gàđàn vịtđàn conđàn thằng ngọng (đứng xem chuông),v.v., với hai công dụng đặc biệt:
–  đặc dụng với ông để chỉ hàm nghĩa về giới tính: đàn ôngđàn bà (công dụng 1);
– đặc dụng với anhchịem để chỉ hàm nghĩa về thứ bậc: đàn anhđàn chị, đàn em (công dụng 2).
Hai công dụng đặc biệt trên đây của hình vị đàn làm ta nhớ đến hai công dụng y hệt của hình vị liềntrong: liền ôngliền bà (công dụng1) và liền anhliền chị, liền em (công dụng 2).
Với công dụng 1, liền có xuất hiện theo kiểu cà rỡn trên một vài trang web nhưng thực ra đây vốn là một hình vị từng được dùng một cách nghiêm túc theo hàm nghĩa này: liền ôngliền bà có nghĩa là “đàn ông”, “đàn bà”. Hiện nay, công dụng này vẫn còn tồn tại với tư cách là một hiện tượng mang tính địa phương. Trao đổi riêng với chúng tôi, ông Nguyễn Như Phong, phó Tổng biên tập chuyên đề An ninh Thế giới, có cho biết ở vùng Chùa Hương quê ông (nay thuộc Hà Nội), người ta vẫn nói liền ôngliền bàchứ không mấy khi nói “đàn ông”, “đàn bà”. Và dĩ nhiên là trong lời bài đồng dao của trò chơi “Thả đỉa ba ba” thì liền ôngliền bà cũng thế chỗ cho “đàn ông”, “đàn bà”:
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt liền 
Phải tội liền ông
Cơm trắng như bông (…)
Hiện tượng ngôn ngữ trên đây ở vùng Chùa Hương rõ ràng là một bằng chứng sống cho mối quan hệ đồng nghĩa giữa liền và đàn. Ngoài ra, ta còn có những bằng chứng khác nữa, vừa liên quan đến hiện tượng phương ngữ, vừa liên quan đến hiện tượng ngữ âm lịch sử, với “Bảng từ vựng Bình Trị Thiên” của Võ Xuân Trang. Theo tài liệu này, ta biết rằng, với nghĩa đang xét thì hai hình vị liền và đàn còn đồng nghĩa với các hình vị đìnhlìnhnìnhnền của phương ngữ Bình Trị Thiên (Xin x. Võ Xuân Trang,Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.257). Trong các hình vị này thì riêngnền là hình vị mà cá nhân chúng tôi từng được nghe một số người cao niên sử dụng, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc: nền ôngnền bà. Một sự khảo sát kỹ lưỡng về phụ âm đầu và về vần có thể sẽ dẫn dắt ta đến nguồn gốc chung của một vài yếu tố trong các hình vị: đànđìnhliềnlìnhnềnnình. Xin phân tích, chẳng hạn, mối quan hệ liền nền.Trước nhất, về vần thì ta có nhiều dẫn chứng cho mối quan hệ -iên -ên:
–      biên (= bờ, cạnh) bên trong bên cạnh, bên thềm,v.v.;
–      điện trong cung điện ~ đền trong đền đài;
–      hiện (=con hến) ~ hến trong “NgaoỐcHến”;
–      phiên (= hàng rào) ~ phên trong phên giậu;
–      quyến trong quyến rũ ~ quến trong rù quến; v.v..
Về phụ âm đầu thì trước nhất ta đã có bằng chứng về sự lẫn lộn giữa l- và n- ở nhiều cá nhân và địa phương, đặc biệt là tại miền Bắc. Còn nếu hạn chế trong phạm vi những điệp thức gốc Hán thì ta có:
–      lạm (= bị lửa táp; làm cho cháy sém) ~ nám trong nám da;
–      loại trong chủng loại ~ nòi trong giống nòi;
–      loan (=ngọn núi nhỏ mà nhọn) non trong núi non;
–      lỗ (= lắm lời, nói nhiều) ~ nỏ trong nỏ mồm;
–      lũng (= gò đất cao) ~ nổng trong gò nổng;
–      noãn (= trứng) đúng theo phiên thiết phải là loãn; v.v..
Sự phân tích về quan hệ từ nguyên giữa liền và nền cũng như về mối quan hệ đồng nghĩa giữa liền đàn cho phép ta đi đến kết luận về quan hệ ngữ dụng giữa ba hình vị: đàn của tiếng Việt toàn dân, liềnở vùng Chùa Hương (và một vài địa phương khác) và nền của phương ngữ Bình Trị Thiên. Với mối quan hệ này thì ta có thể tin rằng nguồn gốc và nghĩa của hình vị liền mà chúng tôi đã nêu là điều có cơ sở vững chắc.
Cuối cùng, xin nói thêm một chút về công dụng 2: Với nghĩa gốc của nó mà chúng tôi đã đoán định (dùng để chỉ chính từng bọn Quan họ nam hay nữ), thì liền anhliền chịliền em tương ứng với đàn anhđàn chịđàn em theo công dụng 2 của hình vị đàn (chỉ thứ bậc). Sự khác nhau chỉ là ở chỗ ba danh ngữ trước còn dùng để tự xưng (trong sinh hoạt Quan họ) mà ba danh ngữ sau thì không.

Monday 22 October 2012

Dân dã hay dân giả?



Từ dân dã chỉ những sự quê mùa, thô sơ, chất phác (Nguyễn Kim Thản, 2005:445).

Dân giảhạng dân không chức phận của nhà nước ban cho (Lê Văn Đức, 1970a:357). Từ này cũ rồi, xem phim Tàu may ra còn nghe được chứ từ điển hiện nay không ghi nhận nữa. Và nói gì thì nói dân dã dân giả là hai từ khác nhau.


 Có người chê  trình độ tiếng Việt của các phóng viên bây giờ nghèo nàn quá (Thuật ngữ dễ hiểu hơn và dân giả hơn có lẽ là “knock-out” (nốc-ao, quật ngã), hay một cách khoa học hơn là “homologous recombination” (tái hợp tương đồng). Công nghệ nốc-ao có mục đích là “quật ngả” một gien hiện hành và thay thế nó bằng một gien mới để đánh giá xem gien bị quật ngả có thật sự ảnh hưởng đến bệnh tật.nhưng sự thật là không có ai viết dân dã thành dân giả mà được tuyển làm phóng viên. Những người trong cùng một bài viết sai 4, 5 lần dấu hỏi ngã, chắc chắn không được tuyển làm phóng viên, càng không thể mơ tới việc trở thành người nhặt sạn cho kẻ khác.

Sunday 21 October 2012

Địa danh Việt Nam có thành tố "Bà" (Lê Trung Hoa)

Địa danh Việt Nam có thành tố "Bà"

EmailIn
1.Trong địa danh Việt Nam có hằng trăm tên đất mang thành tố chung Bà ở trước. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ khảo sát một số địa danh tiêu biểu cho mỗi loại. Ở mỗi địa danh, chúng tôi tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa căn cứ vào các tài liệu đã được công bố.
            2.1.Trước hết là địa danh mang từ Bà với nghĩa phổ biến nhất. Đây là từ gốc Hán Việt chỉ người phụ nữ  đã có con và đã được Việt hoá từ xa xưa nên có thể xem như là một từ thuần Việt.
2.1.1.Bà Tư là tên một cồn cát ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ban đầu mang tên cồn Trẹt. Bà Tư  là bà Võ Thị Phò, thường gọi Tư Phò, vì đầu thế kỷ 20, bà đến lập nghiệp nơi đây. Bà kiên trì bám trụ, ủng hộ kháng chiến, có chồng và hai con là liệt sĩ, được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng [18].
Bà Đồ là xóm thuộc vùng Bình Thuỷ xưa, nay thuộc xã Long Tuyền, cách thành phố Cần Thơ 5km về phía Long Xuyên. Đây là nơi các văn nhân tụ hội xướng hoạ. Bà Đồ có chồng dạy học. Chồng qua đời, bà tiếp tục dạy nên dân làng gọi là xóm Bà Đồ [7, 110].
Bà Mụ là cầu nằm trên đường Nguyễn Huệ, thuộc phường Phú Khương, thị xã Bến Tre. Vì cầu do dân góp tiền xây, giúp mộtbà mụ vườn tiện qua lại khi đi hộ sản nên mang tên trên [18].
2.1.2.Bà cũng chỉ những người đàn bà của các dân tộc anh em.
Bà Đen là núi ở phía tây tỉnh Ninh Thuận, là tên dịch địa danh gốc Chăm Chơk Juk “núi đen” – tên bà mẹ xứ sở, có vương hiệu là Po Inư Nagar [16].
 Bà Đen cũng là tên  núi gần thị xã Tây Ninh, cao 986m, cách thị xã 15km, một điểm du lịch nổi tiếng. Cũng gọi tắt là núi Bà. Có 5 giả thuyết để lý giải: 1. Nàng Đênh quyết chí đi tu ở núi; cha mẹ ép duyên; nàng trốn biệt tích; tên núi Bà Đênh nói chệch thành Bà Đen [7]. 2. Cô Lý Thị Thiên Hương yêu và định lấy một trí thức tên Lê Sĩ Triệt, nhưng bị tên công tử bắt cóc; nàng tuẫn tiết; vua phong cho nàng là Linh Sơn Thánh mẫu [3]. 3. Nàng Rê Đeng cùng chàng trai đắp núi thi; cuối cùng nàng thắng, núi nàng đắp trở thành  núi Bà Đen; 4. Nữ Oa và Tứ Tượng thi đắp núi; nếu Tứ Tượng thắng thì thành vợ chồng; cuối cùng nàng thắng; núi nàng đắp trở thành núi Bà Đen. 5. Có một nữ thần được người Khmer thờ, gọi là “Mẹ Đen” (Néang Khmau), và hòn núi là bàn chân của bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen ; hiện trên núi còn dấu chân này [20]. Chúng tôi vừa đến thăm núi và thấy dấu chân này khắc trên đá, lớn hơn dấu chân người một chút [4]. Thuyết thứ 5 có lý nhất.
Bà Tó là hóc (rạch nhỏ) ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Bà Tó có lẽ là một người Khmer. Vì ngày xưa hóc (= hói) ở giữa rừng vắng, xa xôi nên từ tổ hóc Bà Tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ [4].
2.1.3.Bà cũng dùng để chỉ một nữ thần nào đó. Hòn  ở  huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, cao 1.356m và hòn  ở giữa hai huyện Diên Khánh và Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà, cao 1.285m - còn gọi là Bích Sơn (“núi vách”) – là hai thí dụ. Bà ở đây chính làThiên Y A Na [13].
Bà Rén là tên cầu trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Bà Rén, thuộc xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, dài 250,5m. Bà Rén bắt nguồn từ Bà Rắn vì nơi đây, người ta đã đào được một tượng nữ thần có hình con rắn Naga nhiều đầu và nói chệch theo ngữ âm địa phương [19].
2.1.4.Bà kết hợp với một từ gốc Pháp đồng nghĩa dame thành bà đầmBà Đầm  con kinh nối liền Rạch Giá với thành phố Cần Thơ ra sông Hậu, dài 14km, đào năm 1894 – 1895. Cũng gọi kinh Ô Môn. Sở dĩ gọi là kinh Bà Đầm vì lúc đào kinh, các đốc công Pháp đem theo gia đình sống trên một cái nhà bè, chiều chiều một bà đầm thường ra đứng xem công nhân làm việc [12, 412].
2.2.Bên cạnh đó, một số địa danh có thành tố Bà là biến âm của âm tiết hoặc âm tố khác.
2.2.1. Trước hết là nhóm địa danh Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn.
 Bà Bèo là kinh  nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, chảy qua các huyện Cai Lậy, Tân Phước (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An), dài 25km. Vương Hồng Sển cho biết âm gốc của địa danh này là Bàu Bèo. Người Khmer cũng gọi kinh Bà Bèo là Cumnik Prêk Cak “kinh rạch bèo” [20]. Bà Hói là rạch ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Trên bản đồ thời Pháp thuộc ghi rạch này là Bàu Hói “rạch ở giữa có chỗ phình rộng”. Bà Môn là rạch ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, tp.HCM. Nguyễn Văn Trấn [14], người địa phương, cho biết âm gốc của địa  danh này là Bàu Môn, tức “cái bàu có trồng môn nước”.
Dạng gốc của ba địa danh này (Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn) đều là hai âm tiết có vần tròn môi cho nên khó phát âm. Vì vậy, chúng cần dị hoá cho dễ phát âm. Từ đó, chúng tôi nghĩ rằng dạng gốc của các địa danh Bà Hom, Bà Quẹo (tp.HCM) có thể là Bàu Hom (bàu ngâm hom tre), Bàu Quẹo (bàu nằm ở chỗ quẹo của đường Trường Chinh). Ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh có cống Quẹo, ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ ( tp. HCM) có vùng Lộ Quẹo.
2.2.2. Kế đến là các âm tiết vốn không phải Bà biến thành Bà.
Bà Băng là rạch ở xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, tp. HCM. Bà Băng là địa danh thuần Việt, có âm gốc là Bờ Băng vì tại đây có con đường bờ băng qua cánh đồng của xã nên có tên trên. Cho nên hiện nay, có người còn gọi là Bờ Băng, một số khác gọi Bà Băng [5].
    rạch ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Bà Kè vốn là Bờ Kè bị nói chệch [11].
Bà Nà là núi ở huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam, cao 1.487m. Tại đây có khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – núi Chúa, diện tích 43.327ha, là nơi du lịch, nghỉ mát và an dưỡng.
Có người cho rằng do Po Na(gar) mà ra [9]. Tác giả không giải thích tại sao mất âm tiết gar. Chúng tôi nghĩ rằng Bà Nà có lẽ đã bắt nguồn từ tên của dân tộc Ba Na, vì các lý do sau: 1.Dân tộc Ba Na có cư trú ở vùng núi tỉnh Quảng Nam [1]; 2. Bà Nà cũng gọi là Bà Na hay Ba Na [2;8]; 3. Ngôn ngữ Ba Na cũng gọi là Bà Nà [10]; 4. Hai thanh ngang và huyền có quan hệ chuyển đổi: (bao) nhiêu – nhiều, (ngày) nao – nào, (nhà) ngươi – người,…; 5. Nhiều địa danh bắt nguồn từ tên dân tộc, như: (cao nguyên) Mạ, tỉnh Gia Lai, Lào, Bulgaria, Moldova, Paris (thủ đô của Pháp),…Như vậy, Ba chuyển thành Bà là hoàn toàn hợp lý.
Bà Om là ao thuộc xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Có 4 truyền thuyết để lý giải nguồn gốc của địa danh này: 1. Bà Om là người Khmer, đứng đầu đội nữ đào ao sâu hơn đội nam. 2. Bà Om là một trong bốn nữ tì canh gác cho hoàng tử tắm trong ao nên ao mang tên bà. 3. Ao mang tên chùa Prah Âng nên bị nói chệch thành Bà Om. 4. Bên ao có loại rau mà ơm (một thứ rau thơm) nên bị nói chệch thành Bà Om [7].Thuyết thứ tư có lý nhất vì có cơ sở thực tế và ngôn ngữ Mà à Bà (hai phụ âm môi – môi M – B chuyển hoá với nhau).
Bà Rịa là thị xã của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích 90,6km2, dân số 78.800 người (2006), gồm 7 phường và 2 xã. Có hai cách lý giải: 1. Một bà tên Rịa có công với vùng này trong thế kỷ 19 nên tên bà được đặt cho địa phương. 2.Do phiên âm tên một nữ thần của người Chăm Po Riyak (thần trấn sóng) [15].Thuyết một thiếu tư liệu lịch sử nên không có cơ sở khoa học và địa danh này đã có từ  trước thế kỷ 19 (Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức khắc in khoảng năm 1820  đã nói tới). Thuyết hai có lý hơn vì có cơ sở ngữ âm và lịch sử. Từ địa danh Bà Rịa sinh ra hai địa danh Bà Biên và Bà Chợ.
Bà Biên  tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 – 1963. Bà Biên do ghép tên hai tỉnh Ba Rịa vàBiên Hòa.
Bà Chợ là tỉnh ở miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) do phía Cách mạng đặt. Ban đầu gọi là tỉnh Bà Rịa – Chợ Lớn (từ ngày 27 – 6 – 1951), sau đó đổi thành Bà Chợ. Bà Chợ  do ghép tên hai tỉnh  Rịa và Chợ Lớn [4].
2.2.3. Một số địa danh khác vốn không mang từ Bà nhưng khi Việt hoá biến thành Bà. Đó là các địa danh Bà Lý, Bà Nay.
Bà Lý  tên núi ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, một trong ba ngọn của núi Tà Pang, cao 30m. Bà Lý bắt nguồn từ tên gốc Khmer Pang Li: Pang nghĩa là “măng tre”; Li (Hán Việt) tức là “luỹ”. Pang đọc chệch thành Bàn, rồi thành Bà; Li đọc chệch thành Lý [20]. Thuyết này chưa thuyết phục lắm.
Bà Nay là núi ở ấp Việt Nam, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, cao 117m. Bà Nay gốc Khmer và Thái Pù Nạy, nghĩa là “núi lớn”, nói rút thành P’nay, người Việt đọc thành Bà Nay [20,26]. Kiên Giang không phải địa bàn người Thái sinh sống và trong tiếng Thái từ lớn là láo, chứ không phải nạy nên giả thuyết chưa thuyết phục [4].
2.2.4. Sau cùng là âm tố được âm tiết hoá. Bà Rá là núi ở huyện Phước Long, thuộc tỉnh Bình Phước, cao 726m. Năm 1963, đổi thành Phước Sơn, nhưng tên này không phổ biến. Bà Rá gốc S’tiêng Brah, nghĩa là “thần linh” [6]. B- đã được âm tiết hoá thành ; -Rah biến âm  thành *.
2.3. Người Việt đã dịch ý một số địa danh gốc Khmer và gốc Chăm thành Bà và giữ âm gốc của địa danh. Bà Kè là sông ở tỉnh Vĩnh Long. Bà Kè gốc Khmer Prêk Năk Yây Kè, nghĩa là “rạch đức bà Kè” [21].
Bà Kéc là núi ở tỉnh Đồng Nai. Tên dịch Hán Việt là Thần Mẫu phong. Bà Kéc gốc Khmer Phnom Sèk, nghĩa là “núi con kéc” [21]. Bà Ký là rạch ở tỉnh Đồng Nai. Bà Ký gốc Khmer Kompong Koki, là “bến cây sao đen”, bị nói chệch thành Bà Ký [21].
Bà Râu là xứ xưa ở tỉnh Ninh Thuận. Bà Râu gốc Chăm Po Inư Nưgar Mư Rau, nhưng chưa biết nghĩa [17].
3.Qua hơn hai mươi địa danh mang thành tố Bà ở trước, chúng ta thấy nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh này khá phức tạp, chứ không đơn giản. Vì vậy, công việc nghiên cứu này phải còn tiếp tục lâu dài và cần sự tham gia của nhiều người. Bài báo này xem như bức phác thảo đầu tiên nên chắc chắn còn nhiều ý kiến tán thành hoặc không. Chúng tôi hi vọng sẽ được đọc những ý kiến của các thức giả khác.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đặng Nghiêm Vạn, Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia tp. HCM,, 2003.
2.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
3.Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2001.
4.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản.
5.Lê Trung Hoa (cb) – Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
6.Lorraine Haupers, Ralph Haupers, Stieng – English dictionary, Thailand Group, 1991.
7.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
8.Nguyễn Như Ý (cb), Nguyễn Thanh Chương, Bùi Thiết, Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2004.
9.Nguyễn Sinh Duy, Khảo về danh xưng Bà Nà, Thế giới mới, số 544, 20 – 9 – 2005.
10.Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), HN, Nxb Giáo dục, 1995.
11.Nguyễn Thị Kim Phượng, Nghiên cứu địa danh ở tỉnh Bến Tre, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHSP, tp.HCM, 2009.
12.Nguyễn Trung Vinh, Huỳnh Thương, Nguyễn Lương Bằng (cb), Địa chí Cần Thơ, Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ xb., 2002.
13.Nguyễn Văn Khánh – Giang Nam (cb), Địa chí Khánh Hoà, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2003.
14.Nguyễn Văn Trấn, Chợ Đệm quê tôi, Nxb Văn Nghệ, tp. HCM, 1985.
15.Phan Đăng Nhật, Bàn về yếu tố sông nước trong nghi lễ Chăm, trong “Văn hoá sông nước miền Trung”, HN, Nxb KHXH, 2006, tr. 411 – 424.
16.Phan Minh Đạo, Địa danh ở tỉnh Bình Thuận, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở, 2005.
17.Sử Văn Ngọc, Yếu tố nước trong tâm thức người Chăm, Nguồn sáng dân gian, số 4 – 2006, tr. 51 – 53, 64.
18.Thạch Phương – Đoàn Tứ (cb), Địa chí Bến Tre, Nxb KHXH, 2001.
19.Thạch Phương – Nguyễn Đình An (cb), Địa chí Quảng Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản.
20.Trương Minh Đạt, Nhận thức mới về đất Hà Tiên, Tạp chí Xưa và Nay, Nxb Trẻ, 2001.
21.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. TS.Thái Văn Chải dịch phần Địa danh.
22.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.
………………………………………………………
*Tương tự: Brahman thành Bà la môn.

Thursday 18 October 2012

Giấu giếm hay dấu diếm?



Có hai từ dấu. Một có nghĩa là yêu (ví dụ: yêu dấu). Từ kia có nghĩa là vết (ví dụ: dấu vết).

Giấugiấu giếm đều có nghĩa là cất kín, giữ kín, không cho ai biết (Bonet, 1999:223 ; Huình Tịnh Của Paulus, 1896a:375, Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:219).


Dấu và dấu diếm   cái dấu, đồ để làm dấu (Huình Tịnh Của Paulus, 1896a: 233).

Thế nào là trịch thượng văn hóa?



Cao Việt Dũng dùng thuật ngữ trịch thượng văn hóa để dịch từ ethnocentrisme của tiếng Pháp (http://vnn.vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2005/12/526939/). Đỗ Thuận Khiêm dịch là chủ nghĩa dĩ tộc vi trung (http://lichsuphatgiao.wordpress.com/2011/06/22/tri%E1%BA%BFt-ly-ngo%E1%BA%A1i-giao-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87t-nam-d%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-vatican/): ethnocentrisme culturelchủ nghĩa dĩ tộc vi trung trên trên mặt văn hóa. Từ ethnocentrisme nguyên thủy được dùng để chê bai những người mang đầu óc thực dân coi châu Âu như trung tâm văn hóa nhân loại. Về sau người ta có những từ ngữ chính xác hơn như eurocentrisme (dĩ Âu vi trung), sinocentrisme (dĩ Hoa vi trung)... vì cái thói dòm văn hóa khác qua lăng kính của văn hóa tộc người mình không phải là tội của riêng giống dân nào. Ông bà ta ngày xưa chê Tây mày tao chi tớ với cả cha mẹ, ấy là một biểu hiện của thói trịch thượng văn hóa. Tây chê tiếng Việt nghèo nàn (thiếu từ ngữ trừu tượng, chỉ có những từ ngữ cụ thể), thiếu chính xác (không có thì động từ, không có giống cái, giống đực) thì đó cũng là trịch thượng văn hóa.
Cũng như nhiều nết xấu khác của nhân loại, thói trịch thượng văn hóa sống dai dẳng cùng với xã hội loài người. Sự tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa không giúp người ta hiểu thêm về nhau bao nhiêu nhưng lại tạo ra triệu triệu con người tha hóa, vong bản. Có những người Việt quay ra chê dân mình nói năng, viết lách sao không giống tiếng Anh:
Người Việt cười Tây, Tây có nhột không? Tây cười chê ta, bất tất ta phải đeo cái mặc cảm tư ti mà ngượng ngùng, quýnh quáng làm gì? Nhưng trước hết, người Việt có quyền chê một danh thiếp Tây không có chức vụ, không có danh hiệu nào không? Không, tại vì khi cần nói chuyện bằng tiếng Tây, người Việt không cần phải gọi người Tây bằng chức vụ hay danh hiệu. Tùy mối quan hệ thân sơ mà ở Pháp mình có thể gọi người kia là vous hay tu. Nói tiếng Anh càng dễ: từ tổng thống xuống phó thường dân đều là you hết. Nhưng ở Việt Nam, các thông tin về chức vụ, danh hiệu là hữu quan vì chúng giúp cho người Việt giao tiếp với nhau một cách hiệu quả. Không có danh thiếp, không đọc bìa sách, không đọc tên ký dưới bài báo, người Việt vẫn phải tìm kiếm hoặc trình bày thông tin về chức vụ, danh hiệu bằng cách này hay cách khác để tiện việc xưng hô.
Không thể căn cứ vào việc người Việt phô bày và tìm kiếm thông tin về danh xưng ở mọi nơi, mọi lúc mà bảo là người Việt háo danh và chỉ người Việt háo danh. Mỗi giống dân, mỗi nền văn hóa có cách khoe danh của mình. Không ký giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn T ngay trên bài viết nhưng ở một chỗ khác gần đấy lại bảo tôi dạy học và nghiên cứu ở viện G, đại học NSW, ấy cũng là khoe danh giáo sư, tiến sĩ, nhưng theo cách của Tây. Bảo rằng chỉ có người Việt háo danh vì khoe danh không giống ai (hiểu: không giống cách của Tây), ấy chính là trịch thượng văn hóa.