Saturday 27 April 2013

LÝ THUYẾT LÀN SÓNG TRONG NGHIÊN CỨU NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA THĂNG LONG - HÀ HỘI (Trịnh Cẩm Lan)


                      LÝ THUYẾT LÀN SÓNG TRONG NGHIÊN CỨU NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA THĂNG LONG - HÀ HỘI                                                                                 
                                                                                              
TS. Trịnh Cẩm Lan *

1. Lý thuyết làn sóng là gì?
            Lý thuyết làn sóng (Wave theory) hay Mô hình làn sóng (Wave model) là một lý thuyết về sự biến đổi ngôn ngữ, trong đó, những hình thức mới của một ngôn ngữ lan truyền từ một điểm trung tâm ra các vùng ngoại vi trong trạng thái sôi động ở trung tâm và yếu dần ở ngoại vi. Mô hình này thường được so sánh với hình ảnh được tạo ra khi ta ném một hòn đá xuống mặt nước.
            Lý thuyết làn sóng được xem là do các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Truyền bá luận (diffussionism) châu Âu nêu ra từ cuối thế kỷ XIX. Những người đầu tiên đề cập đến lý thuyết này là hai nhà nghiên cứu người Đức Johannes Schmidt và Hugo Schuchardt vào năm 1872 [1]. Các nhà truyền bá luận cũng như hai nhà nghiên cứu là tác giả của lý thuyết làn sóng đều chủ trương rằng, mọi sự biến đổi và cách tân ngôn ngữ (cũng như trong văn hóa) bao giờ cũng xuất phát từ một nơi rồi lan truyền ra các vùng khác và chính sự lan truyền ấy đã tạo nên một động lực của sự phát triển ngôn ngữ (hay văn hóa).
            Liên quan đến lý thuyết làn sóng là một số các khái niệm, các mô hình lý thuyết khác, không chỉ trong nghiên cứu ngôn ngữ, mà rộng hơn, cả trong và trước hết là trong nghiên cứu văn hóa. Các nhà nghiên cứu văn hóa nhân chủng học phương Tây cuối thế kỷ XIX đầu XX nhắc đến các khái niệm như sự thiên di, sự lan tỏa, sự loang ra… của văn hóa. Đó là sự truyền bá các hiện tượng văn hóa thông qua những cuộc tiếp xúc giữa các dân tộc, các bộ lạc bằng buôn bán, di dân và thậm chí… bằng xâm lược. Cũng có một số học giả gọi lý thuyết truyền bá luận trong nghiên cứu văn hóa là lý thuyết về các vùng văn hóa hay các khu vực văn hóa[2]. Tương tự như vậy, trong nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học cũng nhắc đến hàng loạt các khái niệm phát sinh trên cơ sở lý thuyết này như sự truyền bá, sự lan tỏa, sự khuyếch tán… của các yếu tố ngôn ngữ chủ yếu thông qua tiếp xúc và di dân. Một trong những hệ luận nổi tiếng của Truyền bá luận là lý thuyết Trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu văn hóa (và không loại trừ cả trong ngôn ngữ) do các nhà nhân học Xô Viết đưa ra qua công trình “Trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu văn hóa từ sau các phát kiến địa lý” vào cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Từ thực tế hình thành và phát triển của các nền văn minh lớn trên thế giới như văn minh Đông Á mà Trung Hoa là trung tâm, văn minh Nam Á mà Ấn Độ là trung tâm… các tác giả Nga Xô Viết đã phát hiện ra quy luật về sự lan truyền các yếu tố văn hóa từ trung tâm theo mô hình làn sóng, cũng như sự tác động qua lại giữa trung tâm và ngoại vi trong các khu vực văn hóa [3]. Kết quả đó đã mở ra nhiều khả năng ứng dụng để giải thích không chỉ các quy luật văn hóa mà cả các quy luật ngôn ngữ trong các nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ học hiện đại sau này. Liên quan trực tiếp đến lý thuyết làn sóng, lý thuyết trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu ngôn ngữ là một khái niệm tương ứng trong ngôn ngữ học, đó là khái niệm và lý thuyết về các khu vực ngôn ngữ, những khu vực được tạo ra do những làn sóng ngôn ngữ với trung tâm và ngoại vi của nó. Các khu vực ngôn ngữ thường được nhắc đến nhiều là khu vực ngôn ngữ Đông Á, khu vực ngôn ngữ Ấn Độ, khu vực ngôn ngữ Ban Căng…
                                  
Hình 1: Mô hình làn sóng của Johannes Schmidt, 1872
Nguồn: Asher  R. E., The Encyclopedia of Languages and Linguistics, Pergamon Press, 1994.
Từ khi ra đời năm 1872 đến nay, lý thuyết làn sóng đã có những bước phát triển mới. Từ lý thuyết ban đầu mà Johannes Schmidt và Hugo Schuchardt đưa ra theo mô hình được minh họa ở hình 1, đến năm 1973, Charler Bailey trong nghiên cứu “Những phương pháp mới để phân tích biến thể trong tiếng Anh” (New ways of Analyzing Variation in English)[4] đã đưa ra một mô hình làn sóng mới (Hình 2 và Hình 3) trên cơ sở nghiên cứu, kiểm chứng quy luật lan truyền của những làn sóng ngôn ngữ trong ngôn ngữ học xã hội hiện đại.
Hình 2: Mô hình làn sóng mới theo không gian và thời gian
của Charler Bailey, 1973
Nguồn: Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in American English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974, tr. 76.
Hình 3: Mô hình làn sóng mới theo một hướng
của Charler Bailey, 1973
Nguồn: Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in American English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974, tr. 77.
Trên đây là mô hình làn sóng mới của Charler Bailey được biểu diễn bằng sự lan tỏa trong không gian và thời gian. Yếu tố không gian được thể hiện qua những vòng sóng. Yếu tố thời gian được thể hiện quan các thời điểm khác nhau, từ thời điểm đầu tiên (Time i) đến thời điểm cuối cùng (Time vii). Theo mô hình này, các vòng sóng đều khởi phát từ một điểm rồi lan truyền đều đặn ra xung quanh (Hình 2) hoặc lan truyền theo một hướng (Hình 3) và tạo nên những khu vực ngôn ngữ (hay phương ngữ) gồm trung tâm và ngoại vi cùng có chung những đặc trưng ngôn ngữ nhất định. Về nguyên lý, đặc trưng cơ bản của khu vực trung tâm (focal areas), theo Walt W và Ralph W. Fasold, là sự thu hút, tích hợp hay hội tụ (convergence), định hình rồi lan tỏa (spreading). Do vị thế chính trị, văn hóa, xã hội… mà trung tâm bao giờ cũng có sức thu hút cao những yếu tố từ ngoại vi. Người ta gọi đó là chức năng “tụ nhân, tụ tài” của trung tâm. Sau quá trình thu hút và tích hợp vào trung tâm, các yếu tố đó sẽ được nhào nặn và định hình. Với tính năng động và sôi động của trung tâm, các sản phẩm đã được định hình lại lan tỏa, truyền bá ra ngoại vi, dần dần tạo nên sự thống nhất diện mạo của một khu vực ngôn ngữ hay phương ngữ. Trung tâm còn có một đặc trưng nữa, nó không chỉ là đầu mối giao lưu, tiếp xúc trong khu vực mà còn cả ngoài khu vực. Với đặc trưng này, trung tâm trở thành trạm trung chuyển những tiếp xúc từ các trung tâm bên ngoài vào khu vực. Còn các khu vực ngoại vi, chúng không chỉ chịu lực hút từ trung tâm mà còn tiếp nhận sự lan toả của trung tâm. Ngoại vi bao giờ cũng ít sôi động hơn trung tâm, những làn sóng ngôn ngữ ra ngoại vi thường thưa hơn, yếu hơn và có phần tĩnh lặng làm cho ngôn ngữ ở ngoại vi thường lưu giữ được những dạng thức cổ hơn so với trung tâm. Các nhà ngôn ngữ gọi đây là những khu vực di tích (relic areas)[5] hay các hóa thạch ngôn ngữ.
Mặc dù đều dựa trên một nguyên lý chung là sự lan truyền của những vòng sóng từ một điểm nào đó trong không gian rồi lan tỏa ra những khu vực lân cận (theo Schmidt) và ngoại vi (theo Bailey) nhưng những mô hình minh họa được đưa ra trước và sau một thế kỷ đã có những khác biệt đáng kể. Mô hình làn sóng của Schmidt, về bản chất, hình như vẫn chưa phản ánh được những quy luật lan truyền thực sự của “làn sóng”. Trong khi đó, mô hình làn sóng mới (new wave model) của Bailey theo cách gọi của Walt W và Ralph W. Fasold, thực sự mô hình hóa được quy luật lan truyền của sóng (hình 2). Tất nhiên, tác giả của nó cũng ý thức được rằng đó chỉ là một mô hình lý tưởng. Sự phức tạp sẽ nảy sinh khi xuất hiện một vật cản nào đó - một yếu tố tự nhiên hay xã hội[6] - làm chặn đứng sự lan truyền của sóng ở một điểm, tạo ra mô hình làn sóng lan truyền theo một hướng (hình 3). Đó là bằng chứng về bước phát triển và sự cơ động trong mô hình của Bailey mà chúng tôi muốn nhấn mạnh.
            Từ khi ra đời, lý thuyết làn sóng đã mang lại nhiều hiệu lực giải thích trong nghiên cứu sự biến đổi ngôn ngữ, một trong những tâm điểm nghiên cứu của ngôn ngữ học xã hội và phương ngữ học. Tiếp thu những quy luật lan truyền của làn sóng ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học xã hội đã vận dụng trong nghiên cứu hàng loạt các vấn đề của ngôn ngữ học hiện đại như vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ giữa các cộng đồng ngôn từ khác nhau, vấn đề song ngữ, đa ngữ… Đặc biệt, sự truyền bá và khuyếch tán ngôn ngữ trở thành một trong những chủ đề xuyên suốt trong ngôn ngữ học xã hội từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX cho đến tận bây giờ. Công trình gần đây nhất của W. Labov “Sự truyền bá và khuyếch tán” (Transmission and Diffusion) đăng trên “Language” số 83, tháng 6 năm 2007 đã tổng kết tới mấy chục công trình nghiên cứu sự lan truyền của các yếu tố ngôn ngữ ở nhiều khu vực ngôn ngữ khác nhau trên thế giới [7].
2. Lý thuyết làn sóng trong nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Thăng Long - Hà Nội
2.1. Trường hợp 1: tích hợp và lan tỏa trong tiếng Việt ở Hà Nội thời dựng nước
        Theo sử sách, vua Hùng lập quốc rồi định đô ở Bạch Hạc (Việt Trì), đỉnh chóp cao nhất của tam giác châu thổ sông Hồng, vì đó là vùng giáp ranh giữa miền núi và miền xuôi [8]. Gần hai nghìn năm sau, vua Thục dời đô xuống Cổ Loa, trung tâm kinh tế - văn hóa của đất nước đã bị hút về xuôi, đỉnh chóp thứ hai của tam giác châu thổ sông Hồng ở ngã ba sông Đuống đã được định vị. Nhiều nguồn sử liệu đã cho biết rằng tam giác châu thổ sông Hồng này chính là cái nôi của người Việt cổ. Nhưng tính chất Việt cổ nơi đây lại là kết quả của một sự hòa trộn của nhiều tộc người khác nhau trong một cộng đồng chung thống nhất. Theo Trần Quốc Vượng, đó là sự hòa trộn của “những nhân tố cư dân - ngôn ngữ - văn hóa: Môn Khme cổ, Tày Thái cổ, Mã Lai cổ và thậm chí cả Tạng Miến cổ trong sự hình thành phức hệ cư dân - ngôn ngữ - văn hóa Việt cổ” [9].
Trên cơ sở thu thập và phân tích những cứ liệu về quá trình hội tụ và phân hóa tộc người - ngôn ngữ - văn hóa dẫn đến sự hình thành những phức hợp văn hóa mới kiểu Đông Sơn và những nhóm ngôn ngữ mới kiểu nhóm Việt - Mường, nhóm Chàm, nhóm Mèo - Dao…, các nhà khảo cổ học và ngôn ngữ học cho rằng nhóm Việt - Mường là kết quả của sự hội tụ và tiếp xúc của một bộ phận cư dân Môn Khme với một bộ phận cư dân Tày Thái[10]. Kết quả nghiên cứu đó cho phép các học giả như Hà Văn Tấn, Phạm Đức Dương… đưa ra giả thiết về những con đường thiên di trong lịch sử, được xác định là vào khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Giả thiết cho rằng vào thời gian này, hàng loạt các cộng đồng tộc người mà chủ yếu những cư dân Môn Khme vùng Bắc Đông Dương (vùng Thượng Lào) - những người nói tiếng tiền Việt Mường và sống bằng nghề săn bắt hái lượm và làm nương trên các triền núi cao, do sức hấp dẫn của năng suất  lúa nước và cuộc sống ổn định dưới đồng bằng, đã di cư ào ạt xuống các vùng trũng xung quanh vịnh Hà Nội[11], thuộc tam giác châu thổ sông Hồng, cộng cư rồi hòa huyết với các cộng đồng nói tiếng Tày Thái cổ ở đây. Trong quá trình khai khẩn đồng bằng sông Hồng, cộng đồng cộng cư đó đã phát triển thành một cộng đồng mới: cộng đồng cư dân Việt Mường, những người nói tiếng Việt - Mường chung. Vì lý do đó, các nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt đã khẳng định tiếng tiền Việt Mường, tiếng nói của tổ tiên người Việt thời dựng nước - những người đã cư trú trên địa bàn xung quanh vùng vịnh Hà Nội thời đó - có cơ tầng Môn Khme và cơ chế Tày Thái.
Những dấu tích ngôn ngữ trong quá trình phát triển lịch sử của tiếng Việt phản ánh rất rõ sự hội tụ này.
Về mặt ngữ âm, tiêu biểu hơn cả là hiện tượng đơn tiết hóa do ảnh hưởng của cơ chế Tày Thái là những ngôn ngữ đơn tiết. Đó là việc mất hẳn phương thức phụ tố, cấu trúc từ chuyển từ dạng CCVC thành CVC làm nên đại đa số trường hợp âm tiết trùng với từ, trùng với hình vị. Hệ quả là tiếng Việt Mường chung có cấu trúc âm tiết kiểu CVC, nhóm phụ âm đầu bị rụng hoàn toàn, chỉ còn rải rác vài yếu tố phụ đi theo phụ âm đầu như bl, tl, ml… Dấu tích của những phụ âm này đến thời gian gần đây vẫn còn ở một số đảo ngữ thuộc khu 4 cũ, vùng phương ngữ Nghệ Tĩnh[12]. Trong quá trình phát triển của lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là giai đoạn từ tiền Việt Mường chuyển sang Việt Mường chung, vai trò của sự hội tụ và hòa trộn với các ngôn ngữ Tày Thái là quan trọng nhất. Thưc tế, tiếng Chứt ở miền Tây Quảng Bình, tiếng Poọng ở miền Tây Nghệ Tĩnh là dấu vết còn lại của tiếng tiền Việt Mường mà chủ nhân của nó là những cư dân tiền Việt Mường không di cư xuống vùng vịnh Hà Nội. Có thể quan sát sơ đồ sau đây của Hà Văn Tấn để hình dung rõ hơn về điều đó:

        

Hình 4: Sơ đồ quá trình chuyển biến của các ngôn ngữ Việt Mường,
Hà Văn Tấn. 1977.
Nguồn: Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 123.                       
Về mặt từ vựng, khác với các ngôn ngữ tiền Việt Mường còn bảo lưu trong tiếng Chứt, tiếng Poọng, do tiếp xúc và hội tụ với các ngôn ngữ Tày Thái, tiếng Việt Mường chung đã có một sự pha trộn đáng kể về vốn từ do một số lượng lớn các từ vựng gốc Thái du nhập vào. Tiếng Việt hiện nay còn bảo lưu rất nhiều yếu tố gốc Thái trong các kết cấu hỗn hợp kiểu:
- cá bống , lược , mặt nạ, mưa phùn…(yếu tố Tày Thái in nghiêng, cùng nghĩa nhưng làm định ngữ cho yếu tố Việt)
- chó , cỏ giả, tre pheo, áo xống, kiêng khem… …(yếu tố Tày Thái cùng nghĩa nhưng bị mất nghĩa làm cho từ mang nét nghĩa khái quát)
- trắng nõn, xanh , thơm phức… (yếu tố Tày Thái bị mất nghĩa làm cho từ sắc thái và nét nghĩa hạn định)
Hàng loạt các từ thuộc lớp từ vựng cơ bản chỉ những con vật quen thuộc trong đời sống như gà, vịt… trong tiếng Việt cũng là những từ gốc Thái.
Còn rất nhiều những cứ liệu ngôn ngữ khác mà Phạm Đức Dương đã đưa ra trong công trình của ông về vấn đề này mà chúng tôi không thể dẫn ra hết (Xin tham khảo Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, đã dẫn)
Không chỉ thế, ngoài hai yếu tố chính là Môn Khme và Tày Thái, tiếng Việt Mường còn được cho là hình thành bởi cả những yếu tố thuộc dòng Mã Lai, Tạng Miến… Thực tế, những dấu tích để lại về mặt địa danh mà Trần Trí Dõi sau này đã tìm ra bằng phương pháp phục nguyên nguồn gốc ngôn ngữ như sông “Cà Lồ”, làng “Cán Khê” (địa danh thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) với nguồn gốc Nam Đảo[13] là một trong những cứ liệu ngôn ngữ xác đáng chứng minh cho sự hội tụ trên đây từ trong lịch sử. Những số đếm đơn giản như một, hai, cho đến mười, rồi trăm, ngàn… lại có cội nguồn Nam Á[14] được mượn vào tiếng Việt từ thời kỳ đầu và tồn tại đến tận ngày nay. Sự tiếp nhận từ khu vực bên ngoài đó, qua một trạm trung chuyển là Hà Nội cổ, rồi trở thành những làn sóng ngôn ngữ lan tỏa ra khắp xung quanh và các vùng phụ cận. Kết quả, chẳng ai còn nhớ chính xác là từ khi nào những đơn vị từ vựng đó đã trở thành phương tiện giao tiếp chung của tất cả người Việt.
2.2. Trường hợp 2: tích hợp và lan tỏa sự tiếp xúc Việt Hán
 Lịch sử cho thấy, vào khoảng đầu Công nguyên, người Việt ở đất Giao Chỉ, đặc biệt là ở vùng Long Biên - Hà Nội, đã bắt đầu tiếp xúc với tiếng Hán do việc các quan thái thú bắt đầu mở trường dạy chữ Hán ở Long Biên. Khi Trung Hoa loạn lạc, rất nhiều người thuộc tầng lớp quan lại Trung Hoa đã chạy sang đất Giao Chỉ sinh sống và họ cư trú chủ yếu ở vùng Long Biên - Hà Nội. Đây là một bộ phận cư dân quan trọng góp phần thúc đẩy sự tiếp xúc ngôn ngữ và văn hóa Việt - Hán và tạo nên diện mạo lịch sử của tiếng Việt giai đoạn này. Có thể nêu một cách khái quát diện mạo đó như sau:
- Sự tiếp xúc với tiếng Hán ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển nội bộ của tiếng Việt. Những từ gốc Hán được tiếng Việt vay mượn vào thời kỳ này được giới Việt ngữ học gọi là các từ Hán - Việt cổ. Thời kỳ này, tiếng Việt Mường chung, qua tiếp xúc, đã mượn một số từ Hán lẻ tẻ vào để làm phong phú thêm cho cách diễn đạt của mình. Những từ được mượn thời đó là những từ Hán Cổ và được đọc mô phỏng theo âm Hán cổ, không giống với cách đọc Hán Việt của thời kỳ sau (từ đời Đường trở đi). Đối chiếu một số từ được mượn thời kỳ này và đọc theo âm Hán cổ với chính nó được mượn vào thời kỳ sau và đọc theo âm Hán Việt có thể thấy điều đó:
Hán cổHán ViệtHán cổHán Việt
bụaphụChémtrảm
buồmphàmChéntrản
buồnphiềnĐũatrợ
buồngphòngmạngmệnh
Trong quá trình này, Long Biên - Hà Nội là địa bàn diễn ra mạnh mẽ nhất rồi mới lan tỏa ra các vùng phụ cận. Việc ăn cơm bằng đũa, bằng thìa, bằng bát (ảnh hưởng của văn hóa Hán) được thấy ở vùng xung quanh Long Biên thời gian này đưa đến sự vay mượn các từ như đũa, thìa, bát… trong khi cư dân các vùng núi phía Bắc - mặc dù gần Trung Hoa hơn - vẫn ăn bốc (bằng tay), đựng thức ăn bằng lá và hầu như chưa biết đến các từ chỉ các sự vật nói trên. Và, trong khi người Việt ở vùng Long Biên đã đi lại bằng thuyền buồm trên sông Nhị Hà (sông Hồng) thì ở những vùng khác, người ta vẫn chỉ di chuyển bằng bè, một phương tiện di chuyển phổ biến của các cư dân vùng đồng bằng, sông nước phía nam. Như vậy, theo nguyên lý của làn sóng ngôn ngữ, các sản phẩm ngôn ngữ bao giờ cũng định hình ở vùng xuôi và các trung tâm đô thị cổ, nơi thuận lợi cho giao lưu, tiếp xúc và hội tụ cư dân, rồi mới lan tỏa ra các vùng phụ cận và những miền khác xa xôi hơn. Kết quả là, những sản phẩm ngôn ngữ nói trên, sau một thời gian, đã lan tỏa ra khắp cả nước, trở thành phương tiện dùng chung của tất cả những ai sử dụng tiếng Việt.
- Sự xuất hiện 3 tuyến điệu do ảnh hưởng mạnh của tiếng Hán cũng là một điểm nhấn trong lịch sử phát triển của tiếng Việt. Theo Haudricourt, sự xuất hiện 3 tuyến điệu này xảy ra trong khoảng từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ VI [15]. Vào thời kỳ sau, do sự nhích lại gần cơ chế ngữ âm Việt của các từ mượn gốc Hán mà ba tuyến điệu của thời kỳ trước đã được nhân đôi thành sáu thanh điệu như ngày nay. Quá trình thanh điệu hóa tiếng cũng diễn ra một cách hoàn hảo nhất ở Hà Nội. Thật vậy, hệ thống thanh điệu 6 thanh rõ rệt của vùng Hà Nội được cho là đã xác lập hoàn chỉnh từ cuối giai đoạn Việt Mường chung và tồn tại đến tận bây giờ là cứ liệu ngôn ngữ xác thực chứng minh rằng những cư dân Hà Nội thời bấy giờ đã đi trọn vẹn quá trình thanh điệu hóa trong khi các vùng lân cận như Cổ Nhuế, Sơn Tây (không phân biệt được thanh ngang và thanh huyền), và xa hơn một chút như Thanh Hóa (không phân biệt được thanh ngã và thanh hỏi), rồi xa nữa đến Nghệ Tĩnh (không phân biệt được thanh ngã và thanh nặng, thanh nặng và thanh huyền)… đã không thực hiện được triệt để quá trình này.
           - Sự hình thành cách đọc Hán Việt cũng là một trường hợp nổi bật của sự hội tụ và lan tỏa trong tiếng xúc ngôn ngữ Việt - Hán. Qua vài thế kỷ tiếp xúc và vay mượn từ Hán Việt, tiếng Hán, ban đầu được đọc bằng âm Hán, đã dần dần được người Việt chuyển sang đọc bằng âm Việt dẫn đến sự hình thành cách đọc Hán Việt như chúng ta vẫn biết ngày nay. Trong quá trình này, những bộ phận cư dân nói tiếng Việt cổ và tiếng Việt trung cổ sống ở vùng đô thị Thăng Long - Hà Nội là những bộ phận chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, đặc biệt là văn ngôn Hán mạnh mẽ nhất. Vì điều này mà các học giả nghiên cứu lịch sử tiếng Việt đều có xu hướng cho rằng địa bàn Thăng Long - Hà Nội là nơi tạo ra một cách đọc Hán Việt chính xác nhất. Thật vậy, trải suốt mấy thế kỷ, các văn sĩ, trí thức ở mọi miền đất nước khi sáng tác thơ văn, biên soạn thư tịch... bao giờ cũng dùng cách đọc Hán Việt của vùng Hà Nội và coi đó như một chuẩn mực. Cách đọc Hán Việt được hình thành ở Hà Nội, theo sự phát triển và khuyếch tán của tiếng Việt, đã trở thành những làn sóng lan ra những vùng ngoại vi, và xa hơn, ra tất cả vùng khác trong cả nước. Giờ đây, có thể nói, tất cả những ai sử dụng tiếng Việt trên lãnh thổ Việt Nam đều dùng cách đọc này đối với tất cả các từ Hán Việt mà cho đến hiện tại đã trở thành một bộ phận cơ hữu trong kho từ vựng tiếng Việt, chịu sự tác động của tất cả các quy luật ngôn ngữ trong tiếng Việt.
            Thay lời kết
            Giới nghiên cứu lịch sử Hà Nội vẫn cho rằng, dưới cặp mắt của các nhà địa lý, Hà Nội là vùng đất mà các con sông đều dồn nước về để rồi lại từ đó tỏa mãi ra biển khơi, các mạch núi cũng hướng về Hà Nội. Điều đó làm cho vùng đất này quy tụ được các mạch máu giao thông thủy và bộ, rồi cũng từ đó tỏa rộng ra khắp bốn phương. Lợi thế trời phú cho Hà Nội về điều kiện tự nhiên trở thành cơ sở đầu tiên tạo cho Hà Nội dần dần có được vị thế như bây giờ. Vị thế đó được thể hiện trên mọi phương diện, và chắc chắn không loại trừ cả văn hóa và ngôn ngữ. Vị thế đó ngày nay đang trở thành một trọng trách. Hà Nội, với trọng trách là trung tâm của cả nước, vừa hội tụ, tích hợp, vừa lan tỏa, truyền bá những giá trị Việt Nam. Và như vậy, lý thuyết làn sóng vẫn sẽ là một cơ sở để nhìn nhận, lý giải các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa của Thủ đô thời hiện đại. Hơn thế nữa, nó còn có thể giúp chúng ta nhìn xa hơn quy luật lan truyền của văn hóa, giúp chúng ta gạn đục khơi trong những dòng chảy văn hóa, để khi nó vào Hà Nội, nó sẽ trở thành những làn sóng tốt lành, mang theo những giá trị văn hóa lan tỏa đi khắp các vùng trên lãnh thổ Việt Nam.

                       CHÚ THÍCH
*    ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội
[1] Asher  R. E., The Encyclopedia of Languages and Linguistics, Pergamon Press, 1994.
[2] Belik A.A., Văn hóa học - những lý thuyết nhân học văn hóa, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2000.[3] Dẫn theo Ngô Đức Thịnh, Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu không gian văn hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Khu vực học: cơ sở lý thuyết, thực tiến và phương pháp nghiên cứu”, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tokyo, 2006.[4] Dẫn theo Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in American English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974.[5] Walt W, Ralph W. Fasold, The study of Social Dialects in American English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts, 1974.[6] Một rặng núi hiểm trở, một con sông sâu… có thể trở thành vật cản tự nhiên, một cuộc chính biến, một làn sóng di dân, … có thể trở thành một vật cản xã hội của những vòng sóng.
[7]  Labov W, Transmission and Diffusion, Language 83, June 2007.[8] Theo sử sách, các bậc Vương gia của quốc gia cổ đại nào cũng có xu hướng đóng đô ở vùng đất giáp ranh, nơi có nhiều đầu mối giao thông xuôi ngược và vì đồng bằng khi đó vẫn còn hoang vu hay vẫn là rừng rậm, đầm lầy…  [9] Trần Quốc Vượng (chủ biên), “Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam”, NXB KHXH, Hà Nội, 1996.[10] Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 85.[11] Vùng đất Hà Nội hình thành gắn liền với sự hình thành vùng châu thổ Bắc Bộ. Theo các nhà địa chất học, sự hình thành châu thổ là cả một quá trình lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, ban đầu là vịnh biển, rồi trở thành vùng trũng đầm lầy rồi mới trở thành đồng bằng châu thổ. Vào khoảng gần 2000 năm trước Công nguyên, vùng đất Hà Nội bây giờ còn là một vịnh biển, chuẩn bị chuyển thành một khu vực đầm lầy.[12] Cho đến hiện tại, chúng tôi vẫn quan sát thấy một số nhân chứng (hiện đang còn sống) của hiện tượng này, khi phát âm các âm tiết có phụ âm đầu /l/ vẫn bắt đầu bằng động tác bật hơi do ảnh hưởng của tiền phụ âm /m/ chưa triệt tiêu hoàn toàn (Cách phát âm của ông Nguyễn Ngọc Thành, cán bộ trường Đại học KHXH&NV, một người quê Nghệ Tĩnh).[13] Trần Trí Dõi, Về một vài địa danh, tên riêng gốc Nam Đảo trong vùng Hà Nội xưa, Hà Nội - những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa 990 năm Thăng Long, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.[14] Phan Ngọc và Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á, Hà Nội, 1983, tr. 138.
[15] Haudrricourt, V ngun gc các thanh ca tiếng Vit, Ngôn ng, s 1, 1991, tr. 19-22.


                                           
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Asher  R. E. (1994), The Encyclopedia of Languages and Linguistics, Pergamon Press.
2.Belik A.A. (2000), Văn hóa học - những lý thuyết nhân học văn hóa, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
3.Trần Trí Dõi (2001), Về một vài địa danh, tên riêng gốc Nam Đảo trong vùng Hà Nội xưa, Hà Nội - những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa 990 năm Thăng Long, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4.Phạm Văn Hảo (2000), Thử xem xét các phương ngữ Việt theo lý thuyết “làn sóng ngôn ngữ”, Ngữ học trẻ 99, Nhà xuất bản Nghệ An, Nghệ An.
5.Haudrricourt, Về nguồn gốc các thanh của tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1, 1991, tr. 19-22.
6.Labov W (2007), Transmission and Diffusion, Language 83, June.
7.Trịnh Cẩm Lan (2007), Sự biến đổi ngôn từ của các cộng đồng chuyển cư đến Thủ đô, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
8.Phan Ngọc và Phạm Đức Dương (1983), Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Viện Đông Nam Á, Hà Nội.
9.Ralph W. Fasold, Walt W (1974), The study of Social Dialects in American English, Newbury House Publishers & Rowley, Massachusetts.
10.Trudgill. P (1974), Sociolinguistics - An introduction to language and Society, New Edition, Penguin Books, England.
11.Ngô Đức Thịnh (2006), Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên cứu không gian văn hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Khu vực học: cơ sở lý thuyết, thực tiến và phương pháp nghiên cứu”, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tokyo.
12.Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1996), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

  (*) Nguồn:  Kỉ yếu Hội thảo khoa học” Những vấn đề ngôn ngữ học: Ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiếng Hà Nội với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam”, Hà Nội 12/2007.

Friday 26 April 2013

Tí, Tị và Tý, Tỵ (An Chi / Huệ Thiên)


Tí, Tị và Tý, Tỵ

(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin ông An Chi cho biết tên của chi thứ nhất và chi thứ sáu trong 12 địa chi nên viết thành “Tí, Tị” hay “Tý, Tỵ”. Xin cảm ơn. Xuân Hoàng (Cần Thơ)
Học giả An Chi: Vấn đề I hay Y cho đến nay đã có nhiều ý kiến thảo luận khá sôi nổi. So với một số vấn đề khác của tiếng Việt thì đây không hẳn là chuyện “thật sự đại sự”, nhưng vì nó liên quan trực tiếp đến mọi người Việt Nam về mặt thực tiễn nên nó lại trở thành vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong giới chuyên môn. Nhiều người đã phát biểu và gần đây đáng chú ý là bài “Vấn đề phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)” của Đào Tiến Thi, trình bày tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc ngày 18-4-2010. Nhưng vì câu trả lời chỉ liên quan đên thắc mắc cụ thể của bạn về cách viết tên của chi thứ nhất và chi thứ sáu trong 12 địa chi nên chúng tôi cũng chỉ xin giới hạn phạm vi trao đổi của mình vào chủ trương “thuần Việt và Hán Việt” mà tác giả Đào Tiến Thi đã đưa ra trong câu sau đây:
“Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/ về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán Việt”.
Một số tác giả khác cũng chủ trương như trên nhưng riêng chúng tôi thì thấy sự “kỳ thị” đó không hợp lý. Lý do của chúng tôi rất đơn giản: Từ thuần Việt chỉ là những từ không phải gốc Hán mà ta không biết được từ nguyên. Huống chi, thực ra, khi một từ đã đi vào tiếng Việt, chịu áp lực từ hệ thống ngữ âm của nó, chịu sự chi phối về mặt ngữ dụng của người Việt, thì dù có thuộc gốc Hán, gốc Pháp hay gốc Phạn, v.v…, nó cũng đã là một từ của tiếng Việt. Một từ có cái âm rất “Tây” như “pô”, ngay cả khi phụ âm đầu của nó được phát với “pê phở” [p] - người bình dân thì vẫn phát âm với “bê bò” [b] - vẫn là một từ của tiếng Việt.
Người Việt chỉ dùng cái “pô” để hứng, đựng chất bài tiết chứ không dùng nó để chưng hoa (đã có lọ, bình) hoặc trồng cây cảnh (đã có chậu) như người Pháp. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, không phải là một cơ thể sinh vật. Huỳnh Kesley là một trong những tiền đạo được săn đón nhiều nhất ở V-League nhưng không hề được đưa vào tuyển quốc gia môn bóng đá. Anh ta chỉ có lợi cho câu lạc bộ trong việc quy định số lượng cầu thủ nội, cầu thủ ngoại trong một trận đấu mà thôi. Ngôn ngữ không “chơi” kiểu đó. Tuy không “xả láng” nhưng nó rất dân chủ. Đã vào tiếng Việt thì là Việt. Dĩ nhiên là trừ những trường hợp để nguyên “quốc tịch”, nghĩa là nguyên dạng chính tả của ngôn ngữ gốc, thí dụ: Chơi game, V-League, tôi xin add bạn (trên facebook), v.v... Còn từ Hán Việt của ta thì, nếu không học tiếng Việt, chẳng có anh Tàu nào biết.
Sau khi đọc bài của Đào Tiến Thi, Thành Trần Văn đã thắc mắc trong phần “Thảo luận”:
“Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/ về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: Viết i ngắn khi là từ thuần Việt; Viết y dài khi là từ Hán Việt”.
“Tôi rất tò mò về cơ sở lập luận và những chứng cớ để tác giả đi đến nhận định về “thói quen” này. Hy vọng tác giả hoặc ai đó có thể chỉ dẫn giúp”.
“Ngoài ra, đề xuất “chuẩn hóa thói quen” này sẽ dẫn đến việc phải dạy cho mọi người về phân biệt “thuần Việt và Hán Việt”. Tôi ngờ vực tính khả thi của đề xuất này”.
Thắc mắc này đã được tác giả Đào Tiến Thi giải đáp:
“Bạn đọc kĩ (sic) bài viết đi, cái “cơ sở” bạn muốn biết đã được trình bày trong bài […] Việc nhận ra Hán Việt/Thuần Việt nhìn chung chỉ liên quan đến số ít người làm công tác “chuẩn hóa”, ví dụ những người làm từ điển, còn đại đa số không cần biết”.
Thật ra, ngay cả nhà chuyên môn có khi cũng chẳng biết, mà điển hình là ngay ông Đào Tiến Thi cũng chẳng biết “kỹ” trong “kỹ tính”, “kỹ càng” cũng là một từ Hán Việt nên mới viết nó thành “kĩ” trong lời giải đáp cho độc giả Thành Trần Văn. Trong khi đó thì đa số vẫn viết nó theo thói quen với “y”, vì thực ra nó cũng chỉ là một với chữ “kỹ” [技] trong “kỹ thuật” và “tạp kỹ” mà chính ông đã nêu làm thí dụ. Nếu ông bảo rằng, nó đã được Việt hóa cao độ vì có thể hành chức một cách hoàn toàn tự do trong lời nói thì chẳng lẽ những “bản”, “bảng”, “điện”, “phấn”, “sương”, “tuyết”, v.v..., chẳng đạt được “độ cao” Việt hóa như nó nhưng vẫn là những từ Hán Việt chính tông?
Thành ra, trước mắt, chúng tôi chủ trương theo thói quen - có lẽ cũng là của số đông - mà viết tên của chi thứ nhất và chi thứ sáu trong 12 địa chi thành TÝ và TỴ để phân biệt với TÍ trong “tí hon”, “tí tách”, v.v... và TỊ trong “ghen tị”, “tị nạn”, v.v… (mà chữ TỊ [避ð] này thực ra cũng là Hán Việt, có nghĩa gốc là xa lánh). Nghĩa là chúng tôi không tán thành chuyện hễ cứ là Hán Việt thì viết với Y.
A.C

Thursday 25 April 2013

Về hai từ kinh điển và tiêu chí (Vũ Cao Phan)


Chữ và nghĩa
 Hiện nay, các từ ngữ gốc ngoại nói chung và các từ ngữ Hán - Việt nói riêng được sử dụng khá phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh những trường hợp nói  đúng, viết đúng cũng còn không ít các trường hợp người nói, người viết đã sử dụng các từ vay mượn này một cách không cần thiết, thậm chí nói sai, viết sai…Dưới đây, chúng tôi xin đăng một bài viết của TS. Vũ Cao Phan về tình trạng lạm dụng hai từ kinh điển và tiêu chí trên một số tờ báo…Rất mong nhận được các ý kiến thảo luận, hưởng ứng của mọi người.

                  Về hai từ kinh điển và tiêu chí


 
                                                                                                  Vũ Cao Phan 
1. "Siêu kinh điển" là cái gì đây, thưa các bạn phóng viên thể thao. Cách nay không đến dăm năm, lần đầu tiên tôi thấy từ kinh điển xuất hiện trên tờ "Tin tức" trong một trường hợp lạ: nhà bình luận M.T. viết: "Đó sẽ là một trận đấu kinh điển" khi đề cập đến cuộc chạm trán sắp diễn ra giữa hai đội bóng danh tiếng Barcelona và Real Madrid. Và tôi đã cố theo dõi kỹ để xem "cái sự kinh điển ấy" nó diễn ra như thế nào. Không như thế nào cả vì chẳng có gì để có thể gọi là kinh điển.

         Tưởng rằng đó chỉ là trường hợp hy hữu, không ngờ rằng từ dè dặt ban đầu (thảng hoặc mới thấy xuất hiện), cuối cùng thì gần đây cụm từ "trận đấu kinh điển" đã được hầu hết các báo thể thao sử dụng để nói về cuộc đụng độ giữa các đội bóng lớn, ngay cả khi đó chỉ là những trận đấu rời rạc hoặc ẩu đả loạn xì ngầu. "Báo nghe" và "báo xem" vào cuộc chậm hơn (chắc là còn nghe ngóng) nhưng một khi họ đã khoái sử dụng rồi thì kinh điển được "xổng chuồng" thoải mái trong các chương trình phát về bóng đá, thậm chí gần đây còn luôn nghe thấy tiếng gào trên màn hình: "Các bạn hãy mau chóng dự đoán về trận đấu siêu kinh điển này để nhận được....".
            Kinh thật đấy!  Vậy kinh điển nghĩa là gì?

            
Kinh điển là một từ Hán -Việt. Giải nghĩa về từ này hầu như tất cả các từ điển xuất bản lâu nay tại Việt Nam (và cả Trung Quốc) đều thống nhất: 1- Tác phẩm có giá trị mẫu mực, tiêu biểu; có ảnh hưởng lớn cho một học thuyết, một chủ nghĩa, một tôn giáo. 2- Tác gia của các tác phẩm ấy (nhà kinh điển). 3- Có tính quy chuẩn, bài bản, cổ điển. Chấm hết. Vậy thì tại sao lại có cách hiểu, cách sử dụng như trên? Theo thiển ý của tôi (mà chắc đúng), nguyên do là ban đầu một vài bình luận viên bóng đá - như bạn M.T nói trên - đã dịch từ classic (tiếng Anh - hoặc classique, classico... của các ngôn ngữ Ấn- Âu khác) sang tiếng Việt theo nghĩa “kinh điển” (chỉ không hiểu sao trước kia họ đã không dịch như vậy), rồi dần dà nó được "ăn theo". Thực ra, classic (classique, classico...) trong các ngôn ngữ ấy còn có nghĩa là lớn, là hay, là có chất lượng cao... (từ kinh điểntrong tiếng Việt không có nghĩa này). Do đó, "a classic game of football" phải được dịch là "một trận bóng hay"hoặc" một trận đấu lớn" thì mới đúng nghĩa. Gọi là "trận đấu kinh điển" nghe có vẻ sang, có vẻ "chữ nghĩa" nhưng thực là đã làm hỏng tiếng Việt. 
Điều đáng nói nữa là người ta còn thả bút đi xa hơn, đến mức chẳng thể hiểu họ cho phép từ kinh điển còn mang nghĩa gì nữa. Xin dẫn ra ba trường hợp gần, từ ba tờ báo khác nhau: "Như vậy, Barca đã kết thúc tháng kinh điển (?) với những kết quả đáng thất vọng" ("Khăn trắng cho Rijkard", H.NH, trang 21, "Thể thao & Văn hoá" số 31, 13/ 3/ 2007); "Đội tuyển Pháp đã trả nợ Italia bằng chiến thắng 3-1 nhưng họ vẫn cứ tiếc nuối... nếu Zidan không nhận thẻ đỏ rời sân sau cú húc đầu kinh điển (?)" (chắc tác giả này cho rằng kinh điển gần nghĩa với kinh khủng?) ("Les Bleus- bất ngờ xứng đáng" -H.N, trang 20, báo "Bóng đá" số 301, 29/12/2006); "Bình Định sau chiến thắng kinh điển trước Bình Dương đang rất phấn khích" ("Cuộc chiến của những người hàng xóm" -T.V, trang 7, "Tin tức" số 2130, 25/ 3/2006). Thật hết biết!

           
2."Tiêu chí" ơi, sao em "hoành tráng" vậy? So với từ kinh điển, từ tiêu chí còn có một số phận đáng báo động hơn. Nó cũng được dùng nhiều nhất bởi các phóng viên thể thao (với nghĩa sai lạc). Nhà báo khá nổi tiếng trong các bài bình luận bóng đá N.N liên tục dùng sai từ này. Bây giờ thì từ tiêu chí trở thành đa nghĩa trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá-xã hội, chính trị.... thậm chí ngay cả các "danh nhân" và một số vị lãnh đạo cũng thường dùng, và dùng sai (xem các phát biểu được phát trong chương trình thời sự của VTV1 buổi 19h, các ngày 29 tháng 10 năm 2005, ngày 8 tháng 2 năm 2007 và ngày 24 tháng 3 năm 2007. Ở những phát biểu này, các vị còn dùng sai cả từ nội hàm nữa). Tôi thống kê một cách ngẫu nhiên thì thấy từ tiêu chí  ít nhất cũng có dăm bảy chục trường hợp báo chí dùng sai. Dẫn ra đây một vài ví dụ để xem từ này đã được hiểu với những nghĩa như thế nào:

          
 a. Không rõ hoặc vô nghĩa (khoảng 10%): "Điện Biên Phủ là một tiêu chí quan trọng (?) đối với thế giới thứ ba" (tiêu đề một bài ở trang 6, "Tin tức" số 1519, 26/3/2004); "Tiêu chí cao nhất để đánh giá trình độ khoa học và kỹ thuật của một nước là giải Nobel" ("Một góc nhìn phản biện" (GS. TSKH N.X.H, trang 4, báo Lao động số 250, 10/9/2006); " Tiêu chí để chọn dựa trên 4 tiêu chuẩn mà bắt buộc một sinh viên phải đạt được     (Nguyễn Kiều Liên: người Việt Nam duy nhất..." (Đ.T, trang Hà Nội, báo Lao động số 352, 18/12/2003); "Đâu là tiêu chí chuẩn... các tiêu chí chủ trương(?) không vượt quá điện trường 41V/m..." ( "Cơn ác mộng trạm ăng ten tiếp phát" (H.H, "Khoa học và Công nghệ" số 41, 9/10/ 2003); "Chúng tôi thống nhất một tiêu chí rằng chuyện khi đó, ai làm người ấy phải chịu trách nhiệm" ("Khi nào phải dạy, lúc nào cần dỗ"- T.H, trang 5, báo Lao động số 120, 3/ 5/ 2006); "Vậy tiêu chí hội viên (?) của đằng ấy thế nào? Khi mà càng đọc sách càng trở nên đơn độc" ("Cuộc trò chuyện giữa nhà văn và bạn đọc"- L.T.L.H, trang 42, "Thể thao & Văn hoá" số 34, 29 / 4/ 2005); "Tiêu chí của cuộc thi này sẽ hoàn toàn mới lạ về hình thức, hướng đến việc tuyển chọn, tìm kiếm sự vượt trội về trí tuệ, phẩm chất, nhân cách, hiểu biết bên cạnh nét đẹp hình thể" ( "Sắp có hoa hậu tài năng Việt" - T.P, trang 37 , "Thể thao & Văn hoá" số 27, 3/ 3/ 2007).                                                  
           b. Với nghĩa mục tiêu, mục đích (30%): "Ba điểm là mục tiêu của Real nhưng cũng là tiêu chí hướng đến của Betis" ("Real tiếp tục kém?" P.Q trang 11, "Thể thao" số 255, 29/ 10/ 2005); "ở Liverpool chúng tôi có nhiều tiền đạo giỏi... Tiêu chí của chúng tôi là sử dụng tất cả cho mọi đấu trường" ( "Baros sẽ đầu quân cho Everton? " - H.N, "Sài Gòn giải phóng, Thể thao", trang 7 số 181, 3/ 8/ 2005); "Những nghiên cứu làm người ta bật cười nhưng sau đó buộc phải suy nghĩ đã luôn là tiêu chí của các giải Ig Nobel" ("Cười và suy nghĩ" trang 15, "Tuổi trẻ" số 1233, 8/ 10/ 2005); "Bộ Giáo dục chủ trương triển khai hình thức GDTX theo hai tiêu chí: học lấy văn bằng và học để nâng cao dân trí" ("Học từ xa...", N.D.A, trang 3, "Tin tức" số 296, 3/ 1/ 2000). (Các vị lãnh đạo mà tôi đề cập đến ở trên cùng dùng tiêu chí với nghĩa này).

          
c. Với nghĩa yêu cầu, điều kiện (20%): "Ông Thắng... biến nó thành đội bóng sạch với tiêu chí không sạch thì thà dẹp đi còn hơn" ("Nếu bầu Đức dẹp bóng đá"- N.N, trang 5, "Lao động" số 13, 14/ 1 / 2006 - Nói thêm là tác giả N.N. này còn rất thường dùng tiêu chí với nghĩa là "tiêu chuẩn"); "ăn mặc gọn gàng, phù hợp với hoàn cảnh là tiêu chí cao nhất về thời trang" (bài "Quyến rũ tuổi 40" -T.M, trang 3, "Tin tức" số 1511, 17/ 3/ 2004); "Tiêu chí tổ chức chú trọng phần hội hơn là nghị" ("Hội nghị những người viết văn trẻ"- H.D, trang 15, "Thanh niên" số 126, 6/ 5/ 2006); "Gỗ vẫn chiếm tỷ lệ áp đo với tiêu chí không dùng đinh mà áp dụng kỹ thuật ghép mộng" ("Không lặng Pattaya" -N.T, trang 2, Hành tinh xanh, "Tin tức" số 1978, 22/ 9/ 2005).

         
 d. Với nghĩa tiêu chuẩn (35%):  "Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,4% theo tiêu chí cũ và theo tiêu chí mới là 4,48%" ("Đà Lạt với cơ hội mới"- V.P, trang 4, "Sài Gòn giải phóng", 21/ 9/ 2005); "Theo đó, thông điệp an toàn là tiêu chí số 1 được VNA gửi tới khách hàng" ("Sẽ đình bay những máy bay..." - T.H, trang 3, "Tin tức" số 2397, 6/ 2/2007); "Chúng tôi cho rằng nếu Hội đồng sợ nhiều NSND, NSUT quá thì nên siết chặt các tiêu chí lại" ("Ngạc nhiên và không ít thất vọng" -T.A, trang 5, "Lao động" số 193, 15/ 7/ 2006); "Nhìn chung cả ba tiêu chí về nước sạch của nhà máy chưa đạt yêu cầu" ("Thành phố Thái Bình báo động..."- P.H.Đ, trang 3, "Tin tức" số 2034, 26/ 11/ 2005); "Diễn đàn cũng thông qua điều chỉnh các tiêu chí đối với chủ tịch ARF để nâng cao tính hiệu quả của chức vụ này" (" Bế mạc diễn đàn.." - T.H, trang 4, "Hà Nội mới Tin chiều" số 265, 30/ 7/ 2005).
          
(Trên đây chúng tôi mới chỉ trích dẫn một phần nhỏ, và hầu như chưa dẫn ra sự chẳng hề kém cạnh ở khu vực "báo xem", "báo nghe" - ngay cả đối với các phóng viên khá quen biết trong chương trình Thời sự ).
            
Xin nói ngay, điều đáng tiếc là ở tất cả các trích dẫn trên, tác giả đều dùng không đúng nghĩa của từ tiêu chí. Tiêu chí luôn được định nghĩa là: "Tính chất, dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, xem xét, hoặc phân loại một vật, sự vật". Đây là cách dùng đúng: "Chỉ số này được đánh giá qua năm tiêu chí: Thu nhập, chất lượng sống, tăng trưởng kinh tế đất nước, việc làm và thành quả của thị trường chứng khoán" ("1", trang1, "Tuổi trẻ" số 150, 8/ 5/2005). Rất tiếc cách dùng đúng này chỉ chiếm 5% trong các thống kê của chúng tôi. “Tiêu chí” chẳng có liên quan gì đến các từ "mục tiêu", "mục đích" cả nhưng có họ hàng gần với từ "tiêu chuẩn" nên nếu không chú ý dễ nhầm lẫn trong sử dụng. Chúng tôi xin nêu một thí dụ để thấy sự khác biệt: Một cơ quan tuyển nữ nhân viên dựa trên năm tiêu chí: hình thức bên ngoài, chiều cao, cân nặng, tuổi, trình độ học vấn. Từ năm tiêu chí ấy, tiêu chuẩn mà họ muốn đạt được là: xinh xắn nhẹ nhàng, cao từ 1m60 đến 1m65, nặng dưới 50 kg, tuổi từ 22 đến 25, đã tốt nghiệp đại học.
        Có tình trạng thật đáng lo ngại hiện nay là việc dùng sai nghĩa từ Hán - Việt rất phổ biến. Ngoài hai từkinh điển và tiêu chí đã nêu, còn một loạt các từ khác: nội hàm, hội chứng, cứu cánh, hành pháp, ma trận, bn thể, biện minh, động thái, phồn thực, phản biện v.v.. cũng chịu số phận tương tự. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại vấn đề này một cách khái quát hơn, trong một dịp gần./.

                                                                                                                   
V.C.P


                  * Bài đã đăng trên báo Văn nghệ.
                     Văn bản này do tác giả trực tiếp gửi cho ngonnguhoc.org 

CHUYỆN TIẾNG VIỆT: ĐỪNG VỘI VÀNG (Trao đổi với tác giả Hoàng Hồng Minh) (Đào Tiến Thi)


                               CHUYỆN TIẾNG VIỆT:  ĐỪNG VỘI VÀNG
ThS. Đào Tiến Thi
(NXB Giáo dục Việt Nam)
Trong bài Chuyện viết tiếng Việt của tác giả Hoàng Hồng Minh (HHM) trên tạp chí Tia sáng ngày 16-08-2011[i], ngoài việc đặt ra vấn đề nên đưa thêm mấy chữ cái (ký tự) F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt hay không (điều mà dư luận có ồn lên khoảng tháng nay), tác giả còn bàn thêm hai vấn đề của tiếng Việt: viết tên riêng nước ngoài và viết các từ ghép, từ láy (HHM gọi chung là “từ kép”) trong tiếng Việt.
Tôi xin được trao đổi một số ý kiến với tác giả. Vì không rõ tác giả là ông hay , tuổi tác thế nào nên xin được tạm gọi là bạn, mong tác giả thông cảm.
1. Vấn đề thêm các chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt
HHM đưa ra một số dẫn chứng về sự có mặt của các chữ cái F, J, W, Z trong văn bản tiếng Việt, ví dụ nóilợn F1; từ A đến Z. Không ai phủ nhận điều đó. Tôi có thể bổ sung thêm hiện tượng trên một cách phong phú hơn nhiều, đó là việc dùng các ký tự F, J, W, Z (và nhiều ký tự khác nữa) để ghi các công thức toán, vật lý, hóa học,… để ghi các đơn vị đo lường, như tính công là J (June), tính công suất là W (Watt),…Và nhất là để ghi tên riêng (gồm địa danh và nhân danh) nước ngoài và các thuật ngữ khoa học có nguồn gốc nước ngoài. Các ký tự đó đã được dùng từ lâu, ngày nay lại càng dùng nhiều hơn. Tuy nhiên việc các ký tự trên có mặt trong văn bản tiếng Việt không có nghĩa là nó đã thuộc về hệ chữ cái tiếng Việt. Dễ nhận thấy điều này khi ngoài những ký tự trên ta còn dùng cả các ký tự khác như  abFegpljm,… để làm các ký hiệu ghi các công thức khoa học, kỹ thuật. Không ai dám nói những ký tự ấy cũng thuộc về chữ cái tiếng Việt. Còn như trường hợp viết tắttrung ương thành TW là viết sai; viết sai nhưng nhiều khi người ta bắt trước nhau mà thành thói quen ở một số người.
Hệ thống chữ cái của chữ Quốc ngữ (QN) là hệ thống chữ cái ghi âm. Nhìn chung mỗi âm tương đương với một chữ cái. (Một số trường hợp không tương đương, như c, k, q cùng ghi âm “cờ”; d, gi cùng ghi âm “dờ” có lý do về nghĩa và về văn hóa). Đưa thêm một chữ cái vào một hệ thống đã có thì nó phải mang chức năng ghi một âm nào đó. Nhưng hệ thống chữ cái của tiếng Việt đã đủ rồi, bây giờ thêm vào hệ thống ấy nó sẽ hoặc là không ăn nhập gì, hoặc là phá vỡ hệ thống. Ví dụ, đã có tổ hợp “ph” để ghi âm “phờ” thì chữ cái “f” sẽ ghi âm gì? Đã có chữ cái “d” và “gi” để ghi âm “dờ” thì chữ cái “z” sẽ ghi âm gì? Còn nếu để thay thế một số chữ cái cũ thì lại hoàn toàn là chuyện khác.
2. Vấn đề viết tên riêng nước ngoài
HHM viết: “Sau những thói quen ban đầu cố gắng mòn mỏi để Hán Việt hóa bằng được các tên riêng trên thế giới cho bùi tai mình, chúng ta đã vượt được dần ra khỏi cái thói quen cố hữu lấy mình làm trung tâm này”(chúng tôi nhấn mạnh).
 Nếu bạn HHM biết rằng trước khi người Pháp vào Việt Nam, người Việt Nam biết đến thế giới Phương Tây chủ yếu qua sách báo Trung Quốc (hay có tiếp xúc trực tiếp thì cũng phải dùng văn tự Hán để ghi lại) thì chắc không kết luận như trên. Trước khi chữ QN được sử dụng rộng rãi, chúng ta sử dụng chữ Hán, mà dùng chữ Hán thì phải đọc theo âm Hán Việt. Ví dụ, Alexandre de Rhodes thì đọc là A Lịch Sơn Đắc LộPigneau de Behaine đọc là Bá Đa Lộc. Đầu thế kỷ XX, trong phong trào vận động duy tân, các chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều chí sỹ khác đều tiếp cận với tư tưởng dân chủ tư sản Âu Mỹ thông qua sách báo của phong trào duy tân ở Trung Quốc, cho nên ngay cả khi dùng chữ QN, các tên riêng Ấn Âu vẫn thường được đọc theo âm Hán Việt: Lư Thoa (Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Kha Luân Bố (Christopher Columbus). Một số nhỏ trong cách đọc đó tồn tại đến nay: Anh, Pháp, Mỹ (Hoa Kỳ), Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Thụy Sỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Dù bây giờ hầu hết các tên riêng còn lại đều đã đọc theo phiên âm trực tiếp (hoặc như nguyên ngữ) nhưng với các tên riêng trên đã rất quen thuộc nên cũng không cần phải thay đổi. Ai đã biết một chút Anh ngữ thì không khó đồng nhất các tên nước nói trên vớiEngland, France, America, Poland,… Một vài trường hợp phiên âm lại là do sự đề nghị của chính phủ (không chắc là của tất cả người dân) nước ấy, như Úc ® Ô-xtrây-li-a (Australia), Ý ® I-ta-li-a (Italy, Italiana)[ii]. Tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể, cách đọc Hán Việt vẫn được dùng: bia Úc, Hội Doanh nhân Việt kiều Úc. Những trường hợp thay bằng phiên âm trực tiếp có cái lý của nó, nhưng những trường hợp vẫn giữ cách đọc Hán Việt cũng có cái lý của nó. Quy luật hàng đầu chi phối ngôn ngữ là tính quy ước (võ đoán). Một khi hình thành thói quen sử dụng của đa số có nghĩa là cộng đồng đã nhất trí như vậy.  
Về các tên riêng Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên), HHM có cách giải thích thật kỳ quặc khi viết:
“Từ bao giờ chúng ta tự cho mình có nghĩa vụ phải chuyển âm Hán Việt các tên riêng Trung Hoa hay Triều Tiên”.
Hay: “Nơi đâu “thân thiện” thì người ta gắng Hán Việt hóa, bằng không thì thôi. Hồng Kông xưa là nhượng địa của Anh nên thôi, không cần gọi là “Hương Cảng”. Các tên riêng ở Đại Hàn cũng khỏi bị cố gắng được Hán Việt hóa nhiều vì “không thân lắm”. Tên riêng của Nhật Bản thì miễn phải Hán Việt hóa (…) Phải học tránh sự thiên vị trong nhận thức”.
Trường hợp các nước Đông Á, ngoài nguyên nhân đã nói trên, còn do lịch sử quan hệ lâu đời của Việt Nam đối với họ. Trung Quốc có nhiều quan hệ nhất do đó hầu như tất cả các tên riêng đều đọc theo âm Hán Việt (sẽ nói rõ hơn ở phần sau). Triều Tiên ít quan hệ hơn cả nên số tên riêng đọc theo âm Hán Việt cũng ít. Còn Nhật Bản thì không phải “miễn phải Hán Việt Hóa” như bạn HHM tưởng đâu. Không ít tên người, tên đất Nhật Bản đọc bằng âm Hán Việt. Lý do là đầu thế kỷ XX, Nhật Bản là tấm gương của Á châu đã giương cao ngọn cờ tự lập tự cường, chơi “ngang ngửa” với Tây Phương. Cụ Phan Bội Châu tìm hiểu nước Nhật qua sách báo Trung Quốc, và rồi chính cụ cùng một số đồng chí của mình đã đưa khoảng 200 thanh niên Việt Nam sang Nhật du học. Do đó chúng ta biết đến một loạt tên người, tên đất Nhật Bản đọc theo âm Hán Việt như Phúc Trạch Dụ Cát(Fukuzawa), Minh Trị (Meiji), Đại Ôi hay Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu), Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), Đông Kinh (Tokyo), Hoành Tân (Yokohama),…
Về tên riêng Trung Quốc, có lẽ chỉ trừ trường hợp Hồng Kông[iii] (Hong Kong) còn thì từ xưa đã đọc theo âm Hán Việt. Nếu bây giờ chuyển cách đọc, xáo trộn hàng ngàn tên người, tên đất là chuyện không đơn giản. Ví dụ:Khổng Tử ® Kongzi , Gia Cát Lượng ® Zhuge Liang, Lý Bạch ® Li Bai, Lỗ Tấn ® Lu xun, Bắc Kinh ® Beijing, Quảng Châu ® Guang Zhou. Các tên người, tên đất Trung Quốc không những có mặt trong các tác phẩm của Trung Quốc đã quen thuộc ở Việt Nam mà trong chính văn chương Việt Nam cũng dùng không ít, như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm,… chẳng hạn.
Ngay cả các tên riêng Trung Quốc hiện đại nếu bây giờ đọc theo phiên âm La tinh cũng là cả một vấn đề phải cân nhắc kĩ. Vì nó vừa khó khăn (cách đọc phiên âm La tinh với tiếng Trung khác nhiều cách đọc trong các ngôn ngữ Ấn Âu), vừa trái với ngữ cảm thông thường. Đặng Tiểu Bình đọc là Dèng Xiǎopíng (Tung Xéo Pình), Hồ Cẩm Đào đọc là Hú Jǐntāo (Khú Chỉn Thao), vừa khó vừa buồn cười nữa. Chúng tôi đi Trung Quốc vẫn gọi các hướng dẫn viên người Trung Quốc theo âm Hán Việt, ví dụ: Tăng Quốc Vân (Zeng Quo Yun), Đặng Chiêu Thanh (Deng Zhao Qing), Tăng Tiêu Quang (Geng Yao Quang) và thấy như thế là ổn nhiều đường. Nếu cố gọi họ bằng âm Trung Quốc mà không chính xác có thể mang lại điều bất nhã, còn gọi theo âm Hán Việt thì đã có quy tắc, họ cũng nắm rất rõ. Nó khác hẳn trường hợp với người Phương Tây, ta phải cố gắng phát âm đúng như tên của họ.
Nói như vậy để thấy vấn đề ở đây chẳng phải do “thói quen cố hữu lấy mình làm trung tâm”, chẳng hề do “cố gắng mòn mỏi để Hán Việt hóa bằng được”, cũng chẳng phải do “thiên vị” hay “thân thiện” với Trung Quốc hay khối Đông Á hơn, mà thực ra nó là truyền thống văn hóa, là ngữ cảm của người bản ngữ, nghĩa là vấn đề của văn hóa – ngôn ngữ, chứ không liên quan gì đến “ý thức hệ” cả. Truyền thống ở đây đã đóng vai trò tích cực, giữ lại những gì phù hợp, chống “hiện đại hóa” một cách máy móc.
3. Vấn đề viết “từ kép”
Theo HHM, các “từ kép” như sinh vật, phải viết liền lại là sinhvật, và từ đấy cho đến hết bài, tác giả làm gương viết liền tất cả các “từ kép”:
hệthống, nốikết, thaotác, tinhthần họcsinhhiểubiết,chủquan,tiếptục, kiểmtra, nghingờ, nướcngoài, đánhvật, vôđịnh, táchrời, chínhxác, câuchữ, khuyếnkhích, thẩmđịnh, tốcđộ, đọchiểu, tốnkém, lưutrữ, giấytờ, vănbản, điệntử, khókhăn, tấtcả, nguyêndo, xưakia, chúngta, xâydựng, quốcngữ, tưởngnhớ, cônglao, đềxuất, giảipháp, hãnhữu, trườnghợp, gạchngang, hyvọng, quyếttâm, ýtưởng, tuyệtvời, tiếnlên, thốngnhất.
Riêng các từ như từ kép, chữ kép thì khi viết liền, khi viết rời; từ bộ nhớ không thấy viết liền, nhưng theo tôi, đó là những từ có cấu tạo “chặt” hơn nhiều so với từ đọchiểu, nướcngoài, tiến lên mà HHM viết liền.
Khái niệm “từ kép” của HHM không được định nghĩa nên có thể hiểu đó là từ ghép theo thuật ngữ ngành ngôn ngữ học, và cả từ láy, vì bạn viết liền cả từ khókhăn.
Hãy thử phân tích “tác hại” của lối viết rời mà bạn HHM chỉ ra:
1. Thứ nhất, bạn HHM cho rằng viết rời “làm tăng tính mất chính xác của câu chữ”, “khuyến khích tính chủ quan thẩm định”, “làm giảm tốc độ đọc hiểu”. HHM lấy ví dụ:
“Khi bạn đọc câu “Học sinh vật cô Na”, bạn phải cố làm một thao tác tinh thần để nối học sinh thành “họcsinh”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn nghi ngờ được, nhưng chắc không phải thế.
Tiếp đến bạn phải cố làm một thao tác tinh thần khác để nối “sinh vật” thành “sinhvật”, rồi kiểm tra xem có được hay không theo hiểu biết chủ quan của bạn. Bạn thấy được, và bạn tiếp tục kiểm tra câu này, và bạn tự bảo được, chắc là thế”.
(Nhấn mạnh trong nguyên văn)
Hỡi bạn HHM, nếu quả thực người Việt Nam đọc chữ Quốc ngữ theo kiểu mỗi “từ kép” lại phải làm “thao tác tinh thần” như trên thì mỗi cuộc đọc người Việt Nam là một cuộc đấu vật chứ không phải là đọc nữa. Đọc vất vả thế thì chắc thiên hạ đọc được 10 trang, ta chưa chắc nổi một trang, và người Việt Nam chắc chắn phải ngu hơn các dân tộc khác nhiều lần!
Xin nói thêm, những trường hợp như câu Học sinh vật cô Na, người ta gọi là “câu mơ hồ”, vì ngắt ở những chỗ khác nhau sẽ tạo nên nghĩa khác nhau. Loại câu này có số lượng rất ít và trong ngôn ngữ của nước nào cũng có, chứ đâu chỉ có ở tiếng Việt.
Và xin hỏi bạn HHM, việc viết liền các “từ kép” trong đoạn văn của bạn nói trên liệu có chính xác hơn được tí nào so với viết rời không? Có chỗ nào do viết rời mà trở nên mơ hồ nghĩa như câu Học sinh vật cô Na không?
2. Thứ hai, bạn HHM nêu một số hệ lụy khác như “làm tốn kém lưu trữ trên giấy tờ, văn bản hoặc trên các bộ nhớ điện tử”, “làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt”.
Về việc “tốn kém” giấy, có thể, nhưng không đáng kể. Chỉ cần quan sát các sách luyện dịch Anh – Việt, Pháp – Việt, ta thấy độ dài các bài ở phần tiếng Việt so với tiếng Anh, Pháp là tương đương nhau (chia cột hay đặt trang song song cũng vẫn thấy như vậy, nếu có ép chữ hay giãn chữ cũng là không đáng kể)[iv]. Vả lại theo phương án viết liền để tiết kiệm giấy của bạn HHM thì cứ 2 “từ ghép” mới thu lại được một khoảng trống, mà số lượng “từ kép”, cũng chỉ chiếm một phần trong kho từ vựng (vì ngoài nó còn các từ đơn và các cụm từ), do đó chẳng bớt được bao nhiêu. Có lẽ 100 trang chưa chắc đã tiết kiệm nổi 1 trang. Còn lưu trong bộ nhớ điện tử thì tiếng Việt có nặng hơn vì có thêm dấu phụ, nhưng với bộ nhớ điện tử, phần nặng hơn đó cũng chả có nghĩa lý gì. Với những máy tính thế hệ cũ nhất, dung lượng chỉ vài GB cũng chẳng bao giờ bị đầy vì các tệp văn bản, huống chi các máy tính phổ biến đang dùng hiện giờ đều trên trăm GB.
Về việc “làm khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt” thì thử hỏi chữ QN (cũng như tiếng Việt nói chung), để trước hết cho người Việt dùng hay là để cho người nước ngoài mà bạn lại lo vấn đề như vậy? Tiếng Anh được loài người khắp hành tinh học, thế mà người Anh chẳng bao giờ làm gì cho nó dễ đi để các dân tộc khác nhờ; trái lại, tất cả các dân tộc học tiếng Anh đều phải “quy phục” tiếng Anh, từ cách phát âm xa lạ cho đến mọi các quy tắc ngữ pháp rắc rối của nó.
Trở lại về cách viết liền từ. Không phải đến bây giờ mới có bạn HHM đưa ra phương án đó. Nhưng phương án đó không bao giờ thành hiện thực bởi những lý do sau:
Thứ nhất, nó trái với bản chất của tiếng Việt. Tiếng Việt là một thứ tiếng đơn âm. Đơn vị phát âm là âm tiết (tiếng). Ví dụ tiếng hiểu (trùng với từ hiểu), nếu phân tích ra thì có 4 âm tố[v]: (chưa kể thanh điệu):
h- i - ê - u
nhưng chỉ phát âm 1 lần. Ranh giới giữa các âm tố h- i - ê - u không thể nào nhận thấy, dù người thính tai đến đâu. Cách đọc “hờ-i-ê-u-iêu-hỏi-hiểu” chỉ dành cho trẻ em bắt đầu học chữ và giai đoạn đó qua đi rất nhanh, sau đó không bao giờ lặp lại nữa.
Trong khi đó, các tiếng châu Âu là tiếng đa âm, đơn vị phát âm là âm tố. Ví dụ từ understand (hiểu) trong tiếng Anh, ta phải phát âm đầy đủ, kể cả cả âm /d/ở cuối:
Ùndəstænd
Và việc đọc nối các âm tố lại là cần thiết, kể cả khi nó là hai từ khác nhau, như Thank you chẳng hạn.
Thứ hai, ranh giới từ trong tiếng Việt không rõ ràng. Trong nhiều trường hợp, hai yếu tố có quan hệ nghĩa ở một mức độ nào đó không đủ chặt để tạo thành một từ nhưng cũng không đủ lỏng để coi là hai từ, tức là tình trạng “lưỡng khả”: nhà xuất bản là 1 hay 2 từ? trường dạy nghề là 1, 2 hay 3 từ? Nếu coi nhà hàng là một từ thìnhà văn hóa, nhà chung cư có là một từ không? Các trường hợp đồng cỏ, sân kho, trại chăn nuôi, đường thủy, đường mòn, đường độc đạo, đường chiến lược,.. lại càng khó.
Thứ ba, nếu viết liền, việc đọc cũng trở nên khó khăn: không biết ngắt ở chỗ nào, nếu từ ấy chưa quen thuộc với một người (nhất là với trẻ em mới học và người nước ngoài học tiếng Việt): hệthống có thể đọc thành hệt hốngđọchiểu thành đọ chiểu, pháthành thành phá thành, phátâm thành phá tâm. Bạn HHM nhắc đến học giả Hoàng Xuân Hãn đã khởi đầu cho cách viết liền, vậy cần hiểu vấn đề này như thế nào?
Thực ra tiền đề của cách viết liền là cách viết dùng gạch nối đã có rải rác từ đầu thế kỷ XX, tuy nhiên nó không tạo ra được quy tắc. Ví dụ bài Mừng năm mới trên báo Nam Phong số Tết năm 1918, viết gạch nối cho các từ ghép và từ láy: Đinh-tị, Mậu-ngọ, cảnh-tượng, phúc-lộc, thời-kỳ, lăng-lắc, dằng-dặc,… Thế nhưng cũng trong bài báo này, nhiều từ ghép, từ láy lại không gạch nối: nhà nước, khai hoang, ghi chép, hưởng thụ, quý báu, mở mang, lẩn thẩn,… Có khi mâu thuẫn không thể chấp nhận, như viết tàu-thủy (gạch nối) nhưng lại viết xe hỏa(không gạch nối).
Cách viết dùng gạch nối hay viết liền của của Hoàng Xuân Hãn cũng vậy. Trong (lời) Tựa cuốn Danh từ khoa học, xuất bản năm 1942, ông dùng gạch nối cho các từ ghép và từ láy nhưng không nhất quán. Viết tự-điển, khoa-học, danh-từ, tương-đương, cựu-học, chu-đáo, hiếm-hoi, lầm-lỗi,… nhưng lại viết quyết định, nước nhà, bó buộc, bắt bẻ, xưa nay, tóm tắt, may mắn, chậm chạp,… Khi tái bản (1946), trong Nguyên tựa, ông bỏ gạch nối, thay bằng viết liền: khoahọc, danhtừ, pháthành, xuấtbản, thuậntiện, rõràng, dodự,… thế nhưng cũng không nhất quán khi viết giải thưởng, mách bảo, sửa soạn, ít nhiều,… Và rất mâu thuẫn khi viết hàmsố (viết liền), mà lại viết số thương (viết rời).
Hoàng Xuân Hãn là nhà khoa học lớn, có nhiều cống hiến, ai cũng biết thế, nhưng không phải tất cả mọi ý kiến của ông đều đúng. Hơn nữa ấn phẩm trên là một trường hợp hiếm hoi, mang tính đề xuất, thử nghiệm, sau này cũng không thấy ông nhắc lại. Nó không được cuộc sống chấp nhận vì cả tính khoa học (không phù hợp với tiếng Việt – ngôn ngữ đơn âm) và cả tính khả thi (khó xác định ranh giới từ) như đã nói trên.
Chúng tôi muốn đưa thêm ý kiến của một số nhà khoa học về quan hệ chữ  tiếng của chữ QN.
Theo học giả Cao Xuân Hạo, việc dùng chữ QN thực ra là không phù hợp với đặc thù của tiếng Việt. Với đặc thù đơn âm, tiếng Việt thích hợp với thứ chữ mang “diện mạo tổng quát” (gestalt), như chữ Hán chẳng hạn, tức mỗi chữ là một “hình ảnh”, chứ không phải mỗi chữ ghi lại cái chuỗi âm tố mà thực ra thính giác con người không thể nhận ra được. Trong khi các tiếng châu Âu, về nguyên tắc, các âm tố trong từ đều hiển hiện khi phát âm.
Tuy vậy, do nắm được cái đặc thù đơn âm ấy của tiếng Việt nên những người chế tác ra chữ Quốc ngữ đã rất sáng tạo, đó là dùng lối viết rời từng âm tiết. GS. Nguyễn Quang Hồng đã chỉ ra hai đặc điểm của chữ QN trong quan hệ với đặc điểm của tiếng Việt[vi], đó là:
– “Nếu như các văn tự Latin khác đều lấy từ làm đơn vị để viết chữ (nghĩa là trong một từ, các chữ cái được viết liền với nhau một mạch), thì ở chữ QN của người Việt Nam đơn vị của một khối chữ tách biệt trong dòng viết là từng âm tiết một, chứ không phải là chỉnh thể từ ngữ”.
– Dùng dấu phụ một cách đậm đặc (vì không liên quan đến vấn đề đang bàn, nên không trình bày ở đây)
Theo Nguyễn Quang Hồng, chữ QN đã kế thừa chữ Hán và chữ Nôm. Chữ QN “tỏ ra rất thuận tiện đối với người bản ngữ”. Và: “Viết rời âm tiết một, chữ QN cất bỏ được một gánh nặng không cần thiết cho người viết chữ vì như thế là khi viết người ta khỏi phải làm cái công việc rắc rối là phân chia lời nói thành các đơn vị từ. Bởi vì đối với tiếng Việt, ranh giới từ ngữ là câu chuyện cực kỳ phức tạp, trong khi đó thì ranh giới âm tiết lại luôn luôn là sự thực hiển nhiên trong lời nói, ai cũng có thể xác định được một cách dễ dàng”.
GS. Nguyễn Quang Hồng viết tiếp: “Viết rời âm tiết và đánh dấu phụ là thành tựu mà những người xây dựng chữ QN đã đạt tới sau một quá trình lựa chọn, sáng tạo cách viết và thâm nhập dần vào bản thân tiếng Việt. Đó quyết không phải là cái gì ấu trĩ, thô vụng, bất cập của chữ Việt Latin so với các hệ thống chữ viết Latin khác. Ngược lại, chính đã không máy móc lặp lại hoàn toàn khuôn mẫu có sẵn, chính sự thoát ly ít nhiều khỏi hình ảnh của chữ viết ghi âm các tiếng châu Âu một cách hợp lý đó (đồng thời kế thừa truyền thống viết rời từng âm tiết một của chữ Nôm  vốn dĩ thích hợp với đặc điểm loại hình của tiếng Việt), đã làm thành một trong những nguyên nhân cơ bản đảm bảo cho công cuộc cải cách chữ viết diễn ra trong quá khứ (từ chữ Nôm kiểu Hán tự chuyển sang chữ QN Latin hoá) dẫn đến thành công một cách vững chắc vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX này”.
Chúng tôi muốn nói thêm tác động ở chiều ngược lại: Theo cảm nhận của chúng tôi, với cách viết rời từng âm tiết, chúng ta đã làm biến đổi phần nào chữ viết La tinh. Vốn từ một thứ chữ hoàn toàn ghi âm, các con chữ La tinh khi dùng làm chữ QN đã trở thành một thứ chữ có tính ghi ý (xin nhắc lại, tôi dùng chữ “có tính ghi ý” chứ không phải “ghi ý”). Bởi ta thấy các hiện tượng  sau:
– Quan hệ âm – chữ viết của chữ QN không phải là quan hệ mỗi âm tố  mỗi ký tự (chữ cái) như các tiếng châu Âu, mà là quan hệ mỗi khối âm (âm tiết, tiếng) – mỗi khối chữ (một chữ), giống phần nào với nguyên tắc của chữ Hán, chữ Nôm. Số chữ do đó tương đương với số lượng âm tiết có trong ngôn ngữ. (Nó khác hẳn các tiếng châu Âu: số chữ phải tương đương với số từ vựng). Điều này rất có ý nghĩa khi học chính tả tiếng Việt: không cần chú ý nhiều vào phát âm, ta vẫn hoàn toàn có thể viết đúng chính tả nhờ vào việc nhớ “mặt chữ”, bởi vì số lượng âm tiết – chữ là có hạn, ít hơn rất nhiều số lượng từ vựng. Thực tế, đa số chúng ta viết đúng chính tả là nhờ nhớ mặt chữ.
– Số ký tự (chữ cái) trong một chữ của chữ QN so với tiếng Anh, tiếng Pháp,… là rất ngắn (dài nhất như chữ nghiêng gồm 7 ký tự, tương đương những từ có số ký tự trung bình của tiếng Anh, trong khi tiếng Anh có những từ dài tới 19 ký tự). Cho nên để đọc chữ QN, ta không qua “ráp vần” mà nhận dạng diện mạo tổng quát(gestalt) chữ đó như một hình ảnh thị giác, tức là đọc thẳng từng chữ một. Cũng có nghĩa khi đọc chữ QN, cơ bản là do nhớ mặt chữ.  
–  Còn có thể thấy tính ghi ý qua việc đọc các chữ viết tắt trong tiếng Việt, đó là đọc như khi viết đầy đủ: BS = bác sỹ,GSTS = giáo sư tiến sỹ, HTX = hợp tác xã, XHCN = xã hội chủ nghĩa (chứ không đọc bê ét, giê ét tê ét, hát tê ích-xì, ích-xì hát xê en-nờ). Tức là những chữ cái ở đây hoàn toàn để ghi ý, không liên quan gì đến phát âm nữa. Nó khác hẳn tiếng Anh, đọc từng chữ cái hoặc ráp vần các chữ cái ấy, tức là hoàn toàn theo nguyên tắc ghi âm: BBC = /bi:bi:si:/ (British Broadcasting Corporation, Tập đoàn Truyền thanh Anh), ASEAN = /æsi:æn/ (Association of Southeast Asia Nations, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á)
Tóm lại, các ý kiến trong bài viết Chuyện viết tiếng Việt của bạn HHM là quá chủ quan và quá vội vàng. Hai ý đầu tuy nhận định không đúng tình hình nhưng từ đó cũng đặt ra được vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Song ý thứ ba –  đề xuất lối viết liền từ thì quả là ấu trĩ. Bạn chưa thấy sự khác nhau cơ bản giữa tiếng Việt và các tiếng châu Âu, cho nên muốn rập khuôn theo cách viết liền từ của các ngôn ngữ châu Âu. Thế nhưng cách viết rời âm tiết trong từ của chữ QN đã là một quá trình tiếp thu có sáng tạo trên cơ sở chữ viết truyền thống và phù hợp với đặc trưng tiếng Việt. Theo tôi, việc dùng chữ cái La tinh nhưng lại ghi rời âm tiết là một sự sáng tạo tuyệt vời của những người chế tác và sử dụng nó, kể từ những người manh nha khởi xướng, như Gaspar do Amiral, Antonio Barbosa, Francesco Buzumi, Francesco de Pina, Cristoforo Borri cho đến người hoàn thiện nó – Giáo sỹ Alexandre de Rhode. Và đặc biệt là công lao của những trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX, những người đã mạnh dạn sử dụng nó, cổ vũ nhiệt tình cho nó, dùng nó thay thế cho chữ Hán (nhập ngoại) và chữ Nôm (chưa hoàn thiện). Cho đến nay, theo tôi, chữ QN đã hoàn thiện, không cần phải thêm bớt, cải tiến gì nữa.  


[ii] Cách dùng I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a phổ biến ở thập kỷ tám mươi, chín mươi, nay có xu hướng quay trở lại dùng Ý, Úc trên các báo và và tạp chí.
[iii] Trước khi trở thành thuộc địa của Anh, Hồng Kông là một bãi đá vô danh, cho nên không có gì lạ khi nó không có trong “bản đồ trí tuệ” của người Việt Nam. Khi thuộc về Anh, Hồng Kông trở thành một trung tâm kinh tế, do đó, tên riêng này đi vào ngôn ngữ các nước theo cách gọi của người Anh là lẽ đương nhiên.
[iv] So với chữ Anh, trên một dòng, chữ Quốc ngữ có nhiều chỗ trống hơn (do viết rời từ) nhưng vì các chữ có độ dài tương đương nhau, không có chữ quá dài hoặc quá ngắn cho nên lại không mất những khoảng trống lớn khi cân dòng như trong chữ Anh. Và do đó tương quan chung lại ngang nhau.
[v] Chúng tôi dùng thuật ngữ âm tố (thể hiện là bộ phận của âm tiết) cho dễ hiểu với đa số bạn đọc, thay vì âm vị, chính xác nhưng khó hiểu hơn.
[vi] Nguyễn Quang Hồng: Đặc điểm của chữ Việt La tinh trong quan hệ với đặc điểm của tiếng Việt, TC Ngôn ngữ số 2-1992.