Friday, 26 April 2013

Tí, Tị và Tý, Tỵ (An Chi / Huệ Thiên)


Tí, Tị và Tý, Tỵ

(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin ông An Chi cho biết tên của chi thứ nhất và chi thứ sáu trong 12 địa chi nên viết thành “Tí, Tị” hay “Tý, Tỵ”. Xin cảm ơn. Xuân Hoàng (Cần Thơ)
Học giả An Chi: Vấn đề I hay Y cho đến nay đã có nhiều ý kiến thảo luận khá sôi nổi. So với một số vấn đề khác của tiếng Việt thì đây không hẳn là chuyện “thật sự đại sự”, nhưng vì nó liên quan trực tiếp đến mọi người Việt Nam về mặt thực tiễn nên nó lại trở thành vấn đề quan trọng, đặc biệt là trong giới chuyên môn. Nhiều người đã phát biểu và gần đây đáng chú ý là bài “Vấn đề phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)” của Đào Tiến Thi, trình bày tại Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc ngày 18-4-2010. Nhưng vì câu trả lời chỉ liên quan đên thắc mắc cụ thể của bạn về cách viết tên của chi thứ nhất và chi thứ sáu trong 12 địa chi nên chúng tôi cũng chỉ xin giới hạn phạm vi trao đổi của mình vào chủ trương “thuần Việt và Hán Việt” mà tác giả Đào Tiến Thi đã đưa ra trong câu sau đây:
“Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/ về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán Việt”.
Một số tác giả khác cũng chủ trương như trên nhưng riêng chúng tôi thì thấy sự “kỳ thị” đó không hợp lý. Lý do của chúng tôi rất đơn giản: Từ thuần Việt chỉ là những từ không phải gốc Hán mà ta không biết được từ nguyên. Huống chi, thực ra, khi một từ đã đi vào tiếng Việt, chịu áp lực từ hệ thống ngữ âm của nó, chịu sự chi phối về mặt ngữ dụng của người Việt, thì dù có thuộc gốc Hán, gốc Pháp hay gốc Phạn, v.v…, nó cũng đã là một từ của tiếng Việt. Một từ có cái âm rất “Tây” như “pô”, ngay cả khi phụ âm đầu của nó được phát với “pê phở” [p] - người bình dân thì vẫn phát âm với “bê bò” [b] - vẫn là một từ của tiếng Việt.
Người Việt chỉ dùng cái “pô” để hứng, đựng chất bài tiết chứ không dùng nó để chưng hoa (đã có lọ, bình) hoặc trồng cây cảnh (đã có chậu) như người Pháp. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, không phải là một cơ thể sinh vật. Huỳnh Kesley là một trong những tiền đạo được săn đón nhiều nhất ở V-League nhưng không hề được đưa vào tuyển quốc gia môn bóng đá. Anh ta chỉ có lợi cho câu lạc bộ trong việc quy định số lượng cầu thủ nội, cầu thủ ngoại trong một trận đấu mà thôi. Ngôn ngữ không “chơi” kiểu đó. Tuy không “xả láng” nhưng nó rất dân chủ. Đã vào tiếng Việt thì là Việt. Dĩ nhiên là trừ những trường hợp để nguyên “quốc tịch”, nghĩa là nguyên dạng chính tả của ngôn ngữ gốc, thí dụ: Chơi game, V-League, tôi xin add bạn (trên facebook), v.v... Còn từ Hán Việt của ta thì, nếu không học tiếng Việt, chẳng có anh Tàu nào biết.
Sau khi đọc bài của Đào Tiến Thi, Thành Trần Văn đã thắc mắc trong phần “Thảo luận”:
“Trường hợp đứng sau 6 phụ âm /h, k, l, m, s, t/ về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: Viết i ngắn khi là từ thuần Việt; Viết y dài khi là từ Hán Việt”.
“Tôi rất tò mò về cơ sở lập luận và những chứng cớ để tác giả đi đến nhận định về “thói quen” này. Hy vọng tác giả hoặc ai đó có thể chỉ dẫn giúp”.
“Ngoài ra, đề xuất “chuẩn hóa thói quen” này sẽ dẫn đến việc phải dạy cho mọi người về phân biệt “thuần Việt và Hán Việt”. Tôi ngờ vực tính khả thi của đề xuất này”.
Thắc mắc này đã được tác giả Đào Tiến Thi giải đáp:
“Bạn đọc kĩ (sic) bài viết đi, cái “cơ sở” bạn muốn biết đã được trình bày trong bài […] Việc nhận ra Hán Việt/Thuần Việt nhìn chung chỉ liên quan đến số ít người làm công tác “chuẩn hóa”, ví dụ những người làm từ điển, còn đại đa số không cần biết”.
Thật ra, ngay cả nhà chuyên môn có khi cũng chẳng biết, mà điển hình là ngay ông Đào Tiến Thi cũng chẳng biết “kỹ” trong “kỹ tính”, “kỹ càng” cũng là một từ Hán Việt nên mới viết nó thành “kĩ” trong lời giải đáp cho độc giả Thành Trần Văn. Trong khi đó thì đa số vẫn viết nó theo thói quen với “y”, vì thực ra nó cũng chỉ là một với chữ “kỹ” [技] trong “kỹ thuật” và “tạp kỹ” mà chính ông đã nêu làm thí dụ. Nếu ông bảo rằng, nó đã được Việt hóa cao độ vì có thể hành chức một cách hoàn toàn tự do trong lời nói thì chẳng lẽ những “bản”, “bảng”, “điện”, “phấn”, “sương”, “tuyết”, v.v..., chẳng đạt được “độ cao” Việt hóa như nó nhưng vẫn là những từ Hán Việt chính tông?
Thành ra, trước mắt, chúng tôi chủ trương theo thói quen - có lẽ cũng là của số đông - mà viết tên của chi thứ nhất và chi thứ sáu trong 12 địa chi thành TÝ và TỴ để phân biệt với TÍ trong “tí hon”, “tí tách”, v.v... và TỊ trong “ghen tị”, “tị nạn”, v.v… (mà chữ TỊ [避ð] này thực ra cũng là Hán Việt, có nghĩa gốc là xa lánh). Nghĩa là chúng tôi không tán thành chuyện hễ cứ là Hán Việt thì viết với Y.
A.C

No comments:

Post a Comment