QĐND - Chủ nhật, 21/04/2013 | 18:21 GMT+7
V.I.Lê-nin. Ảnh tư liệu |
QĐND - Cách ngày nay 143 năm, ngày 22 tháng 4 năm 1870, V.I.Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và những người bị áp bức trên thế giới, người "khổng lồ” của thế kỷ XX - đã được sinh ra. Hoạt động lý luận và thực tiễn sôi nổi, đầy sáng tạo của V.I.Lê-nin đã để lại di sản vô cùng quý báu đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Phát triển sáng tạo và hiện thực hoá những tư tưởng cơ bản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen trong điều kiện lịch sử mới; thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; lãnh đạo và tổ chức thắng lợi cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại - cuộc cách mạng vạch thời địa - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, là những đóng góp to lớn của V.I.Lê-nin đối với giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ, tạo ra tầm vóc "khổng lồ” của Người.
Tư tưởng của V.I.Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân là một tư tưởng quan trọng trong học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn và vẫn nóng hổi tính thời sự. Cống hiến to lớn của V.I.Lê-nin trong vấn đề này là ở chỗ, Người không chỉ phát triển một cách toàn diện và có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng quân đội kiểu mới, mà còn trực tiếp lãnh đạo và tổ chức xây dựng Hồng quân công nông vững mạnh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Theo V.I.Lê-nin, sự nghiệp cách mạng “Cần có một quân đội cách mạng vì những vấn đề lịch sử vĩ đại chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực mà trong cuộc đấu tranh hiện đại thì tổ chức vũ lực có nghĩa là tổ chức quân sự”[1]. Sau Cách mạng Tháng Mười, trước sự đòi hỏi cấp thiết của tình hình, V.I.Lê-nin đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân công nông: “Để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn cho quần chúng lao động và trừ bỏ mọi khả năng phục hồi chính quyền của bọn bóc lột”[2]. Người coi quân đội cách mạng là “trụ cột của chính phủ cách mạng”, là công cụ để quần chúng nhân dân sử dụng giải quyết những cuộc xung đột vĩ đại trong lịch sử.
Trong thực tiễn, V.I.Lê-nin luôn quan tâm xây dựng Hồng quân vững mạnh, đặt biệt là về chính trị. Người vạch rõ bản chất phản động của luận điệu “quân đội đứng ngoài chính trị”, coi đó là “cái giáo lý tầm thường”, “giả nhân, giả nghĩa và dối trá”. V.I.Lê-nin khẳng định một cách dứt khoát không có quân đội trung lập về chính trị: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[3].
Để Hồng quân thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, V.I.Lê-nin yêu cầu, Hồng quân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phải “thành lập các chi bộ cộng sản trong mỗi một đơn vị quân đội”[4]. V.I.Lê-nin và Đảng Bônsêvich Nga đã thành lập các tổ chức đảng, xây dựng và thực hiện chế độ chính ủy, coi đó là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Hồng quân.
Trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận của V.I.Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, một quân đội mang đầy đủ bản chất, tính chất, đặc điểm của quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Gần 7 thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã anh dũng chiến đấu, hy sinh viết nên truyền thống tốt đẹp "Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành; khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng", làm rạng rỡ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, thật sự là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Mới đây, trong góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có người đưa ra kiến nghị: Quân đội phải đứng ngoài chính trị, “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”; quân đội “không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, đảng phái nào”; họ yêu sách từ bỏ quy định quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam v.v..
Đó là những luận điểm vô căn cứ, không đúng với thực tiễn lịch sử, phản khoa học và có dụng ý xấu về chính trị. Thực chất đó là khẩu hiệu "giả nhân giả nghĩa" của các thế lực phản động chống đối, điều mà V.I.Lê-nin đã từng vạch rõ từ đầu thế kỷ XX. Tính chất "giả nhân giả nghĩa" của những kẻ đưa ra quan điểm trên biểu hiện ở chỗ: Thứ nhất, nhằm để đánh lừa người khác, chứ bản thân chúng thừa hiểu quân đội không thể "đứng ngoài chính trị", quân đội phải mang bản chất chính trị và phải phục vụ cho ai; thứ hai, trên cơ sở đó, chúng nhằm "lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” chống lại Tổ quốc, chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những người đưa ra các quan điểm trên thông qua việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để thực hiện âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội ta, đi đến loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp, tiến tới làm biến chất, lái chính trị của quân đội ta theo chiều hướng chính trị khác, làm cho quân đội ngả theo các thế lực phản cách mạng, chống lại Đảng và chế độ.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Quân đội ta không thể đứng ngoài chính trị, đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Đúng là nhiệm vụ của quân đội là để “bảo vệ người lao động”, là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, nhưng chỉ có Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể làm tròn phận sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam, với nhân dân Việt Nam theo đúng nghĩa của nó; mới có thể làm cho sự trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ và với Tổ quốc, với nhân dân gắn bó chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời.
Chính trị của quân đội ta, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, là thực hiện chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phục vụ Đảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân, biểu hiện tập trung ở nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Không thể "giả nhân giả nghĩa" nói bừa rằng quân đội đứng ngoài chính trị, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng chính trị, đảng phái nào. Lời nhắc nhở của V.I.Lê-nin: Quân đội không thể đứng ngoài chính trị, “không thể và không nên trung lập" vẫn luôn nóng hổi tính thời sự, chúng ta phải luôn ghi lòng, tạc dạ.
PGS, TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự-Bộ Quốc phòng
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 10, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr. 376.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến Bộ, M.1978, tr. 264.
[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến Bộ, M. 1979, tr. 136.
[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, tr. 250.
No comments:
Post a Comment