Tuesday, 30 April 2013

Ngụy quân được phân loại như thế nào vào năm 1975?


Theo đề xuất của bộ Công An (dựa trên kết quả nghiên cứu của B90 – mật danh của phòng công tác miền Nam), ngày 18 tháng 4 năm 1975 Tố Hữu thay mặt ban bí thư trung ương Đảng Lao Động Việt Nam ký bản chỉ thị số 218-CT/TW về chính sách đối với tù, hàng binh trong tình hình mới. Trong bản chỉ thị này ngụy quân được phân loại như sau:
1)      Binh sĩ khởi nghĩa: là những binh sĩ có hành động chống lại địch, đi với cách mạng như: khởi nghĩa làm binh biến, làm nội ứng, phá hoại địch, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cho cuộc chiến đấu của ta.
2)      Binh sĩ giác ngộ trở về với cách mạng: (không nên gọi là hàng binh) là những binh sĩ địch chủ động bỏ hàng ngũ địch sang hàng ngũ cách mạng.
3)      Tù binh: là những binh sĩ địch bi ta bắt trong chiếu đấu hoặc sau chiến đấu.
4)      Tàn binh ra trình diện: là những binh sĩ địch bị ta đánh mà phải chạy trốn, sau đó ra trình diện với cơ quan chính quyền cách mạng.

Tù binh là sĩ quan tất cả đều phải tập trung giam giữ quản lý, giáo dục và lao động; sau này tùy sự tiến bộ của từng người sẽ  phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể. Đối với tàn binh địch ra trình diện:
Những người tích cực làm công việc của ta giao hoặc có công phát hiện những bí mật, kho tàng, tài liệu của địch, chỉ cho ta những tên đầu sỏ phản động còn lẩn trốn, giúp ta sử dụng những vũ khí kỹ thuật của địch, kêu gọi được nhiều tàn binh ra trình diện... thì được đối xử như binh sĩ giác ngộ trở về với nhân dân.
Còn thì nói chung đối xử như tù binh... Riêng đối với sĩ quan, phải giữ lại để giáo dục cải tạo nhưng tùy hoàn cảnh chính trị từng nơi mà có cách làm thích hợp để bọn còn lẩn trốn không quá sợ hãi, dám ra trình diện. Lúc đầu có thể chưa cần giam giữ ngay, tùy tình hình sẽ tập trung lại sau.

No comments:

Post a Comment