Wednesday 16 April 2014

Sài Gòn ăn uống (Vương Hồng Sển - Văn Hóa Nghệ An)



SÀI GÒN ĂN UỐNG

  •   VƯƠNG HỒNG SỂN
  • Thứ sáu, 11 Tháng 11 2011 15:22
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Nay có ít câu về tô phở. Khi tôi từ Sóc Trăng năm 1947 chạy lên nầy. Tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài Gòn nầy những năm tao loạn 1945-1946. Và khi tôi có được mụn con trai, lối những năm chung quanh 1950, vợ chồng tôi và con ngồi xe xích lô máy từ chợ Bà Chiểu xuống Sài Gòn nếm ba tô phở đường Turc. Rồi đưa nhau đi xem xi nê, rồi trở về nhà cũng bằng xích lô mà vẫn chưa xài hết 100 bạc (100$00).


Năm 1950, tôi làm công nhựt nơi viện bảo tàng trong vườn Bách Thảo, lãnh lương công nhựt 2,745$ mỗi tháng, thế mà đủ chi dụng. Thêm có dư mua sắm đồ cổ ngoạn theo sở thích. Tô phở đường Turc, anh Ba Bò bán mỗi tô 10$, gọi thêm chén thịt 5$ là ê hề. Thịt cục nào cục nấy lớn bằng một tô thịt vụn ngày nay. Đã thơm ngon thêm thật nới tiền, ngày nay còn nhớ và cũng nhớ luôn anh Ba Bò bán thịt rẻ vì là thịt của Chùa. Chùa này không phải chùa Phật mà vốn là thịt của Sở Thủy Binh Pháp. Người ta “chọt” và để nới giá cho anh Ba! Cùng lúc ấy, từ 1950 cho đến trào ông Diệm, khi quán cóc trước cửa thảo cầm viên chưa bị trục xuất để chỉnh trang vường bách thảo và đô thành. Lúc ấy nơi trước cửa vường mé bên Ba Son có một quán nhỏ bán café, người chủ quán vì tai nạn chiến tranh bị cắt mất một giò. Nên có biệt danh là “quán thằng Cụt”. Cụt ta đi nạng chống và mỗi lần xê dịch vẫn nhảy cò thọt còn mau lẹ hơn chim nắc nước. Và Cụt sở trường pha café rất đậm rất ngon, café buổi sáng hơi nghi ngút giá chỉ có một đồng rưỡi (1$50) một tách không sữa. Và ngày nay tôi thèm và tiếc nhứt, viết đến đây, đổ bọt oáp đầy họng. Tôi thèm nhứt là ổ bánh mì có nhét fromage, giá năm đồng (5$00) mỗi ổ, dài cỡ một gang tay, bánh mập như ổ 20 bạc hiện thời (1983), cắt hai ra, Cụt nhét fromage gruyère tràn tới ngoài, thêm hai cọng hành lá xanh tươi. Buổi ấy tôi còn răng, bánh giòn, fromage thơm thủm thủm (xin đừng chê hôi mà tôi cho miếng sandwich au fromage của Cụt sở thú). Ngày nay bánh giá đáng 50$ (25.000 cũ) không bì mà vẫn kiếm đố nơi nào có?

Bánh ngon, răng còn, cắn miếng nào là nuốt ọt miếng nấy, ngày nay nhớ lại, fromange, bánh mì, thịt bò phở đường Turc, đều do sở nhà binh Tây cung cấp theo điệu của Chùa, thảo nào phở và fromage sanwich vừa ngon vừa rẻ. Ngày nào, bây giờ, còn phở để thưởng thức xin đừng tiếc tiền và đừng chê mắc, còn nếm phở được là còn sức khỏe, hơn một ngày nào đây, các quán phở dẹp lần, ngầu pín lù (phở dậu bò nấu nhừ) và phở tái giá. Một tôi phở tái, vừa ngon vừa bổ, viên thuốc có sâm nhung không đổi và hoan hô phở Turc, phở chị Mai đường La Grandière cũ. Sau này hoan hô phở 79, phở Hòa ngang nhà thương thuốc chó, phở Tàu Bay, phở Huỳnh, phở Quỳnh ngã tư Phú Nhuận và gần đây hơn hết, 15$ một tô “ăn được lắm” là phở của vợ chồng anh quán đường Lê Quang Định, chợ Bà Chiểu của tôi.

Phở Hòa, ngang nhà thương Pastuer có đến hai quán, Hòa lớn ngon hơn Hòa nhỏ. Hòa lớn có món vú bò, ngầu pín ngon đáo để. Lúc ấy chỉ có 15 đồng bạc cũ (ba đồng ngày nay) mỗi tô, ngon không hơn phở hai quán nơi ngã tư Phú Nhuận. Quỳnh có trước Huỳnh và mấy cô con gái đứng dọn ăn, mỹ miều như mấy cành lay đơn (glayeul) tư Đà Lạt di cư về đây. Phở Huỳnh có hương vị nửa pha Tây vì nước lèo là nước xúp, nửa pha Tàu vì để hương liệu thơm tho.

Lại nhắc đến tô hủ tíu của chú Ba Tàu. Hỏi chú chệc Tiều (Triều Châu), chú sửa cục thuốc xỉa qua bên môi và cắt nghĩa: Củi viết ra Hán tự là quế, tíu muốn dịch là tiểu hay thiểu (nhỏ) đều nghe không thông, nhưng không dám đảm bảo là chắc và củi tíu là bánh bột cọng nhỏ, nếu theo điệu Tiều. Gia vị, tôm tươi, chả cá, gan heo, bao tử luộc ram lại gọi là phá lấu. Chút ít thịt gà, thì gọi củi tíu cá gà hoặc vài miếng thịt heo thì gọi củi tíu thịt. Nhưng đó là củi tíu Tiều, sau đó ta chế lại và gọi củi tíu Nam Vang hoặc củi tíu Mỹ Tho tùy nơi bày chế và nay có thêm món mì Quảng (không nên lầm với tô mì Quảng Đông vì đây là mì bình dân do dân “ngũ Quảng” của ta nhập cảng vào Sài Gòn cũng gần đây thôi) và đã nhắc thì phải nói luôn, củi tíu Tiều khi do tay bếp Quảng Đông nấu, thì đã thay hương vị và đổi luôn danh từ để gọi hủ tiếu – cắt giải nghĩa rồi. Và tô hủ tíu Quảng Đôn chỉ thay thế chả cá bằng miếng bánh chiên tép tươi. Và hủ tíu theo ông bạn quá cô Lê Ngọc Trụ là hủ mộc phấn thổ, hủ tíu, người Quảng Đông cũng gọi phảnh và danh từ nầy khi lọt về tay đồng bào Bắc Việt, ngầu dục phảnh (ngưu nhục phấn), tao không thèm gọi như chúng mi nữa và biến ra ngưu nhục phở, kêu tắt là phở lại càng thêm gọn. Từ cái mùi Ba Tàu hủ tíu: ba xu xưa, một tô nhỏ, sáu xu (0$60) một tô trộng trộng, vừa có ít sợi mì vàng, ít sợi bún phảnh (bột mục nát), bước một bước qua ranh Bắc Việt phở đã mất mùi chệc và vẫn thơm ngon béo bổ hơn hủ tíu Tàu nhiều. Phở nấu và ăn với nước cốt thịt bò, vitamin giàu hơn nhứt là cách đây mấy tháng, khi phở Huỳnh Phú Nhuận còn mở cửa, trời sáng lạnh lạnh, tô phở bay nghi ngút, tay cầm đũa, vít miếng thịt mềm nhừ hay miếng mỡ gầu vừa ngon vừa dai, gion gion giòn giòn, chấm một chút tương cay, mắt liếc tay ngọc bưng tô cho bàn bên cạnh, tưởng đâu mình đã theo Lưu Nguyễn lạc lối thiên thai. Với mười bảy đồng hay hai chục đồng mà nếm tô phở Huỳnh buổi ấy hơn Lưu Nguyễn bội phần vì hai chàng lạc lối cảnh ăn đào thiếu bổ!

Thử hỏi tại sao các người bỏ chạy, qua Tây gặp nếu một khi kia có chiến tranh, sẽ bị dồn trú trại tập trung (camp de concentration), bị phát thẻ cấp phát từ giọt (carte de ravitaillement, au compte-goutte) bằng như qua Mỹ hai nơi khác, làm sao có phở ngon bì phở nơi quê nhà. Nhiều khi thanh đạm mà thú vị hơn nếm cao lương mỹ vị mà nhớ nhà nhớ quê hương xứ sở. Hạnh phúc là đâu? Chẳng qua tùy nơi lòng mình, xây dựng cõi xa, sao bằng “an phận tùy duyên”, người ta sao thì mình vậy, cũng có ngày ráo tạnh, tôi chỉ sợ và trách quán mì phở thiếu vệ sinh, tôi sợ bịnh lây nhưng vẫn không sợ “trời mưa” vì mưa thét cũng có khi dứt hột, nắng thét cũng có luc dịu mát và nói thêm nữa là thừa.

# Người nào, năm nay 1985, khi đi đường Võ Di Nguy trước khi quẹo qua đường ở bên hông nha Ngân khố ngày xưa. Chưa tới bốn năm căn gì đó, gọi ti thuế vụ của cái chế độ tiêu tùng ông Thiệu. Nơi bên phố tay trái, có một căn lụp xụp, chủ của nó đã dông mất từ lâu, nhưng cảnh nhà không đổi, vẫn cũ xì cũ xọp. Ban đêm đóng vài miếng ván ọp ẹp, lối ra vào tối gài bằng mảnh cửa thông xám đen vì lâu năm. Nay người chủ mới lại ở vẫn để y không đổi, người khách qua đường tôi nói trên đây nào biết căn nhà bề ngoài coi xập xệ này lại là nơi khách phong lưu trước đây chiều chiều hay sáng sáng vẫn tấp nập nơi đây và giành nhau từng tô cháo vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ tiền. Tôi muốn nói tô cháo cá Chợ Cũ, danh bất hư truyền, từ ngày tôi lên học (1919) cho đến ngày dẹp tiệm (1975) đã cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ, trót trăm năm chứ không phải chơi. Vì trước khi tôi lên đây ăn học thì quán kia đã có, vẫn y một chỗ, vẫn không thay đổi mặt tiền bề ngoài và món cháo, hương vị vẫn không đổi và vẫn cung phụng cho khách kén ăn trải trăm năm danh tiếng.

Tôi đã biết chủ của cái quán ấy từ một ông già Quảng Đông, ốm cao nhưng lưng thẳng như chữ I. Đứng nấu từng to cháo cho mọi người, qua thằng chệc con chủ tiệm vẫn đứng bán làm đầu bếp nấu cháo như cha. Vẫn áo thun trắng thật sạch, cụt tay, vẫn ốm và cao như ông già Quảng lỏng khỏng không khác. Kế tiếp đến thằng Tàu, cháu nội ông già “cháo cá” cũng vẫn y như một. Áo thun, ốm và lưng ngay chò bất khuất, xuống đến thằng chắt nội, ba mươi cái xuân, một cây lưng thẳng, một tay cầm muỗng cán dài, một tay cầm tô hứng cháo nóng sôi sục sục, không một giọt rớt rơi. Khách nào muốn ăn sang, nó đập cái phụt, bỏ vào tô một hột gà tươi đỏ rói. Tiếp đến thằng chít nội thừa kế, vẫn áo thun, vẫn ốm thon thỏn. Kế đến tháng 4 năm 1975, nồi cháo không ai chụm lửa, gia quyến anh Ba Tàu bán cháo đã rút lui về xứ bỏ lại đây bao nhiêu khách đô thành đã mất một món ăn không thay thế và tô cháo còn chăng là trong bài tưởng niệm vô duyên này.

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào, mới chôn điếu trước lại đào điếu sau”

Muốn hát điếu trước, điếu sau hay hát điếu xuống điếu lên, điếu xuống chi cũng mặc. Và đó là câu hát xưa ngoài nớ, nay có thể nhạy lại rằng:“Nhớ ai như nhớ tô cháo cá năm nào, sáu xe (0$60) một chén, ngọt ngào, ăn thêm”. Ăn thêm, muốn ăn thêm thì hãy hô to: “thiếm xực”, tức đã nói hai tiếng Quảng Đông ấy. Khi nghe hai tiếng “thiếm xực” thì bỗng chốc có tô khác bưng lại, hơi lên nghi ngút, ăn chẳng thấy nó, mà no làm sao được vì lỏng bỏng toàn nước ngọt cá thịt, xương heo và thịt tôm hùm làm bổ. Nói rằng cháo Quảng, mà mò không thấy một hột gạo. Họ nấu toàn bằng tấm mẳn, nói đó là tấm cũng chưa được đúng. Cháo Quảng rõ là hồ sệt sệt, người mới mạnh dùng không trúng thực, người mệt mỏi ăn vào nhẹ bụng mau tiêu. Tô cháo cá Chợ Cũ quả là một tô thuốc tráng thần, mất tô cháo là mất đi một món ăn ngon bổ khỏe chưa có món rẻ tiền nào thay thế.

Một tô “bột gạo nát nấu thật nhừ”, thả vào một mớ đu đủ ngâm nước cam thảo, gừng xắt vụn, ít lá hành, ít bụi tiêu cà, dĩa cá tươi để riêng, đặt trên bàn chờ khách tự tay cho cá vào tô, muốn ăn tái hay thật chín tùy sở thích, giá một cắc bạc thời đó (0$10). Khách nào muốn ăn thêm cá, gọi một dĩa tính bốn xu (0$04), kẻ nào muốn ăn sang, gọi một tô cá trộn gỏi riêng, giá mười xu (0$10). Muốn dằn bụng thật no, kêu thêm bánh “dầu cha quảy”, mỗi cái bánh một xu (0$01), vị chi xài chưa tới một cắc ngoài, mà vừa xong một bữa vĩ vào, vừa nhẹ nhàng thơ thới, lại thêm bổ khỏe. Thật là giang san không đổi! Viết đến đây, nhớ câu:

“Giang san tận thuộc hoàng trào Tống, mãi thủ Hoa sơn lão đạo manh”

Không biết nhớ đúng hay chăng nguyên văn của ông Trần Đoàn, chỉ nhớ đó là tích vua Tống sang đòi thuế. Trần Đoàn xưng là lão đạo manh, trả lời hòn Hoa Sơn năm trước vua Khuông Dẫn đánh cờ thua đã ký bán núi cho ông dứt khoát lâu rồi! Sướng vậy thay thời thái bình, phong lưu vừa tay cầm với, tính từ xu từ cắc!
Nhưng quên nói, quán xịch xạc, lôi thôi, nền lót gạch Tàu đỏ bụi giày đóng từng lớp dày ít năng chà rửa, nhưng vẫn thật sạch, không xả rác, bàn ghế bằng cây thông thao lao đã mòn cạch vì lâu năm. Quán tuy xấu bề ngoài nhưng khách toàn là lựa chọn, hoa khôi công tử không kén mặt, miễn ngon là được. Một hôm, tôi đưa ông Đoàn Quân Tấn cùng với phu nhơn là chị Nguyễn Thanh Long đến quán thưởng thức món cháo cá. Ông là cử nhân Pháp Sorbonne, chuyên về văn phạm và có tiếng là khó tánh. Bà thì bằng cấp đầy mình, giỏi Pháp văn, nói tiếng Anh như lặt rau, kể về tánh khó và kỹ, không thua chồng, sức bực bánh mì mua cho chó ăn mà bà vẫn lấy bài chải chải tro bụi rồi mới dâng cho cẩu xực, hai ông bà vào quán, dùng xong bữa đưa nhau ra đường, ông phê bình: “Chớ đi quán biết dọn dẹp trang trí, gạch bông trắng trẻo, bàn ghế tân thời thì hay biết mấy!” Chị Long đi giữa, tôi cung kính nói vói: “Thưa bộ trưởng, nếu như vậy thì đã hết xính xái Ba Tàu!” (Viết 19 – 10 – 1983)

# Cùng một loại với cháo này, trong Chợ Lớn, đường Thủy binh cũ, đêm khuya hay sáng tinh sương mới bán là gánh “bạc của chúc” của mấy xẩm già gánh bán, cháo sơ sài, mỗi chén hai xu (0$02), vài ba “bạch quả” thả lỏng lẻo trong chén cháo trắng “bột hồ”, không thêm thắt, không mời mọc, khách đứng húp hay ngồi xề bên lề xẩm ta không cần biết. Cháo thanh đạm nêm chút muối vào măn mẳn, cắn bạch quả bùi bùi. Bao nhiêu mệt nhọc canh bài, buổi trác táng với mấy con phì phà chảy (tỳ bà ca nhi) đều tiêu tan, muốn bồi bổ thêm thì đường Nguyễn Trãi, đường Đồng Khánh qua khỏi ngã tư đại lộ Tổng Đốc Phương có quán bán cháo Quảng Đông nấu với lòng heo. Đây là cháo thập cẩm có đủ bao tử gan, dồi trường và phèo, bao nhiêu ấy chưa đủ tẩm bổ khách làng chơi đàn đúm. Lại còn thêm một hột gà tươi để lấy sức phung phí từ đêm hôm. Rõ là cháo Tàu, cháo Ngô tưởng dịch chữ của Pháp “C’est le chaos” (hỗn độn, hỗn mang). Nếu dịch đó là nồi cháo ngô cũng nên thông qua và cho là được được.

Người Tàu cũng như chúng ta đây, rất khác người Tây phương ở chỗ ăn và uống. Người phương Tây, Âu Mỹ quá văn minh tân tiến, đến hóa ra mấy món ăn chỉ lo ăn vào được mấy calorie (năng lượng), sợ ăn quá nhiều sẽ chết về “ăn” (nhẹ là trúng thực, nặng là dư đường, dư mỡ), tránh cho lắm, chung quy lại chết nhiều hơn chúng ta “ăn cố xác”, miễn sướng miệng cái đã và “chết no hơn sống thèm”. Người Tây, ăn cơm tối rồi thì tập đi bộ cho mau tiêu để bụng trống dễ ngủ, trái lại ta vẫn tối tối kiếm thêm, chêm thêm một món gì dằn bụng ngủ mới ngon. Bụng trống khó dỗ giấc ngủ cho êm thấm. Ăn đếm từng đơn vị, tính đủ calorie, lớp sợ thức ăn cứng làm hư răng, lớp e thức ăn chậm tiêu làm đau dạ dày. Đề phòng cẩn thận quá, ăn không biết ngon, thua xa đứa học trò như chúng tôi. Lúc nhỏ lượm hột điệp khô, cắn nghiến cả mấy giờ mới bể, hột sen khô cũng vậy. Và khi cắn bể thì một mùi nhẹ nhẹ thơm thơm, một chất cứng cứng giòn giòn đủ là phần thưởng đứa trẻ không tiền mua quà mua bánh.

Lớn lên, ăn phở thì đòi mỡ gầu, ăn thịt bò kho thì lựa miếng có gân thật giòn, và giòn nhứt là ngầy pín (ngưu bím, bím hay bì bi là đuôi thằng chệc ngày xưa). Nói cho có văn hoa đỡ xấu té ra sự thật là tranh giành nhau “ăn cặc bò”, lại hãnh diện khoe: “Chỉ có tao mới được vậy, ông Diệm hay ông gì gì nữa đâu dễ gì có c. để xơi!” Câu phá đề hơi dài, tóm lại tôi không nói kể về thức ăn, nhứt là món điểm tâm buổi sáng, tôi không nói chuyện xa vời những nơi tôi chưa bước tới và chỉ nói chuyện gần đây. Vùng đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cũ, khách ăn nhậu, không thiếu chỗ để lót lòng trước khi vô sở.

# Kể về mì, có ba thứ
a) Mì chánh danh là món ăn Quảng Đông
b) Mì sọa (ta gọi mì sợi, nhỏ như sợi chỉ nên cũng gọi “mì chỉ” là mì nấu theo Phước Kiến
c) Mì Tiều, tức mì nấu theo Triều Châu là của dân chệc cải chệc trồng rau.
Sau ta chế ra “mì Quảng” nấu theo điệu ngũ Quảng. Và xin chớ lầm với mì Quảng của cháu con Mã Viện. Năm xưa, tôi có nếm mì Đài Bắc, dở ẹt. Vì Đài Bắc xưa kia là thuộc địa của Nhựt Bổn. Lối 1945, Nhựt dẫn qua đây gọi bọn Nhựt lô canh là chính bọn dân Đài Loan này. Cha ông là Phước Kiến lai nhiều đời, mì cũng lai căn luôn, cọng mì là mì Quảng nhưng nấu dọn theo dân cù lao, gia vị theo đường, bắt chước quan thầy Phù Tang, nên tôi phê hai chữ “ẹt ẹ” (Marco Polo đem mì về xứ hóa ra nước Ý biết ăn spaghetti)
Chợ Lớn góc ngã tư Tổng Đốc Phương trên đường Nguyễn Trãi những tiệm nước nơi đây làm bánh và thức ăn rất khéo, “há cảo” (chả cá vò viên), bánh xếp nước, thịt bò vò viên và nhứt là “xíu mại” (thiểu mãi), thịt bằm nát vò viên bao một lớp bột mì, nhưng có nhiều thứ, thứ thịt nhão ăn mau ngán và ngon tuyệt là “xíu mại” khô, nhét vào ổ bánh mì ăn khoái khẩu hơn ăn sandwich. Và xíu mại khô chỉ có vài chỗ ngon hơn chỗ khác, nhưng nay nhắc lại làm gì vì đã tiêu tùng, tiệm dẹp chủ tha phương đào tỵ còn đâu nữa mà kiếm mà ăn?

Chúng ta chỉ giành được món phở ngon và lấn hủ tíu văn ra ngoài lề “món ăn sáng”, chớ những món kia, như “thịt vò viên” vẫn còn phải tìm thằng Tiều, thằng Hẹ (Hẹ là người Tàu dân hakas – khách gia) bọn này cũng gọi Hải Nam, chuyên nấu bếp cho Tây và trong ngôn ngữ, nhĩ ngã (mày, tao) họ nói “hòa lù”, nên cũng gọi thằng Lù)
Ngày nay, “bánh bao Cả Cần” đã chạy sang Mỹ sang Paris cũng gọi đây là “mèo khen mèo dài đuôi”. Cũng gọi bánh bao bà Năm Sa Đéc, hại tới ngày nay còn nhiều thiếu nữ đến xin thọ giáo họ nghề bánh bao. Kỳ thật, bột bao nhờ tay chệc nhồi, còn nhân (nhưn, nhân, ruột bánh) vẫn là nhưn pâté, mình lấy của Tây. Gia vị ngày nay thêm nửa hột vịt để tăng giá từ 2$ nay leo thang mười hai, mười tám và còn leo nữa nữa. Nhưng giá thì leo cắt cổ mà kể về thơm ngon làm sao bằng cái bánh hai đồng xu (0$02) năm trước. Và trước đây Chợ Cũ Sài Gòn cũng như các quán ở Chợ Lớn, quán nào cũng “dễ ăn”. Gò Vấp đâu đâu cũng gần như một thứ: bánh bao bình dân một đồng xu (0$01) một cái, bánh có thêm một miếng lạp xưởng hoặc miếng gan heo là tiền xu (0$02), thêm có bánh nhưn đậu xanh, bánh nhưn đậu đen ngon hơn đậu xanh, bánh nhưn thịt…

# Trưa trưa có tục ra ngồi tiệm nước gọi “đi quảnh xủi” là đi ăn bánh uống trà Tàu giấc trưa, ăn khuya gọi “xíu vệ” (thiểu vị, tức ăn thêm nên cũng dịch thiêm vị). Khách sành ăn phải phân biệt, tỷ dụ trong Chợ Lớn những năm trước giải phóng có:
- Cao lầu Thoại Quỳnh Lâm, chỗ Đèn Năm ngọn là tiêm ăn nếu theo Quảng Đông
- Tiên lầu Đại La Thiên, trong một hẻm đường Thủy Binh là tiệm nấu theo Triều Châu
- Tửu lầu Ái Huê, đường Nguyễn Trãi, tôi quên nay không chắc Quảng Đông hay Phước Kiến
- Cao lầu Ngọc Lan Định, tên đặt rất sang và rất nên thơ của bọn mại bản triệu phú bán lúa gốc người Phước Kiến, cách nấu rất cầu kỳ sang trọng, nữa ngon như Quảng, nữa dùng nhiều hải vị (vì là dân xứ cá) nên nhiều món lạ: bào ngư, hào, hến và hoa thảo…
Trường trai, ăn lại có quán “Phật Hữu Duyên” đường Thủy Binh, dọn lên mâm khách chưa từng vẫn lầm với thức mặn. Lấy nấm đông cô thế thịt heo và mì quán này vị thơm ngon. Lỗ Trí Tâm tái sanh cũng lầm tưởng lạc lối còn ăn quán Thủy Hử nhân thịt người, thịt thú.

Không phải đợi đến quán sang đắt giá mới có thức ngon, khi ngon mấy gánh dạo bán “hủ tíu cá gà”, một cắc (0$10) một tô ăn vẫn thích thú. Và còn nhớ lúc nhỏ, ít xu, một tô thịt bò kho hai xu (0$02) ăn ngon đáo để, có một ổ bánh mì Tây bốn xu (0$04) là khỏi trở về trường ăn cơm với hột vịt dầm nước nắm năm này qua năm kia của lão chánh giám thị (surveil lant général) nên Nicolai lãnh nấu cơm cho chúng tôi ở trường Chasseloup ngót những năm 1919 – 1922. Và nói gì khi chỉ còn hai xu (0$02) mà đang thời kiến cắn bụng cầm hai xu lo le chờ chị bán cà ri vịt đang lúc vui, đưa chị hai xu mua hai bánh mì, một khúc dài bằng một gang tay, liếc liếc mơn trớn xin chị vui tình, chị nháy mắt ưng lòng và để cho mình nhúng trọn khúc bánh và nồi ca ri đang sôi, chị bán dễ dãi nhúng được lâu lâu. Khi lấy bánh ra, nước ngọt và cay cari thấm vào, vừa thèo lưỡi không cho một giọt nào rớt xuống đất, vừa cắn nhín nhúc, ăn mau sợ hết thật là ngon thấu trời xanh. Ngày nay chị bán cari đã ra người thiên cổ, cầu xin chị đầu thai đừng trở lại đây, chị đã mất mà mùi cari chị nấu còn phản phất trước mũi. Tôi từng ăn muối nhiều hơn cơm, sống đến hôm nay là 82 tuổi trên đầu mà chưa có cari hay bữa cơm nào ngon hơn hai xu bánh nhúng cari độ ấy (viết ngày 20-10-1983)

Nãy giờ tôi kể nhưng còn thiếu nhiều, các món ăn theo điệu Tàu còn ở Sài Gòn nơi các nhà hàng quán cơm Tây: Quảng Hạp ở Chợ Mới đường Espagne, Yên Yên đọc “Yên Vân”, nguyên hán tự là “An An”, Hiêu Hiêu kém hơn hai quán đã kể. Và trong Chợ Lớn đường Thủy Binh, ngay chỗ ga xe điện, quán này nay còn tồn tại hiệu “Ôn Lộc Viên” (An Lạc Viên) những quán này sáng nào vẫn có bán món ăn dư lại đêm rồi gọi là “đồ lâm vố” nhại tiếng Pháp rabiot là tiếng nhà binh. Lâm vố bán lẻ từ một cắc (0$10), hai cắc vẫn một đĩa đầy thêm có khúc bánh mì cũ dư lại của khách ăn không hết và nếu mua đến nửa đồng (gọi là cà-rô-bi – roupie) thì bốn người ăn no nê mà còn dư và toàn là thực phẩm mình đây vẫn thèm. Ragu bò, lòng bò nấu kiểu gọi “tripe a la mode Caen”) (nấu theo xứ Caen), gà rôti, bít tết dư lại và khách thích ăn lâm vố không ai khác hơn là phu kéo xe, hùn vốn bỏ ra một bữa nhậu ngon lành say túy lúy vì rượu trắng một các sáu (0$16) một lít, chia ra bốn người, mỗi người uống một xị chớ không chơi! Tôi mãi ham nói mà quên món quốc túy là món bò bún sẽ kể nơi sau.

Bò bún, bún bò, bún bung
# Ngày nay, người trong này khỏi cần đi đâu xa vẫn có thức ngon kề miệng: phở như phở Hà Nội gần gần hiệu giày bata. Người bán là một mụ Bắc, mụ thường ngồi trước nồi bung nên tôi chưa rõ mụ bao cao, duy nhớ câu:
Một người bước ra thoát trong lờn lợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao


Lấy câu Kiều mà ví thì cũng tội cho mụ và vẫn chưa đúng hình thức của mụ. Tiếng rằng bún bung nhưng bung đâu không thấy, chỉ thấy một cái nồi nhôm to tổ nái, kêu một tô thấy bưng lại quả một tô, dĩa bún để riêng, trong tô có vài miếng thịt heo còn dính với xương cho khách gặm. Năm ba miếng chuối non còn để vỏ cắt khúc, năm ba miếng xắt sẵn dai dai mềm mềm. Chết tôi rồi, vì không nói được đây là cọng bạc hà hay cọng khoai môn (?). Học giả cái con khỉ gì, biết ăn mà không biết đã ăn cái thứ gì. Nhưng thôi, để đó nhờ người khác sau này sẽ dạy, một tô như vậy luôn và bún, chầu xưa là 10đ (1982), nay có lẽ gần hai chục hay sẽ hơn. Khi thả bún vào và lùa vào miệng nghe sồn sột, nước cốt thật ngon và vừa khẩu vừa miệng. Tôi khoái mụ này (chữ khoái tôi dùng với nghĩa trong sạch, ai hiểu lầm thì tội cho tôi) – khoái mụ ở chỗ, tuy tôi ít năng đến quán, nhưng vì mớ tóc trắng, mỗi lần mụ thấy tôi, mụ đảo cái vá vào bung bằng aluminium. Lựa cho tôi toàn thịt thật mềm có chút gân non, tuy đã hết răng nhưng thật là khoái khẩu. Mấy lần sau, đầu tháng 5 – 6 (1983), lần chót tôi đến đó. Xin nhớ đây là đường Thủ Khoa Huân, không phải mụ bán bún bung và món này chỉ bán ngày thứ 2 và thứ 5 trong tuần nhựt (ngày thường bán thịt nướng). Bán bún bung bữa ấy là một cô nhỏ mỹ miều, cháu hay người trong thân không cần tọc mạch. Duy biết mụ “to lớn đẫy đà” (chưa đến tuổi về hưu đâu) mụ hưu một bữa xả hơi nhưng vắng mụ riêng tôi đã thấy tô bún kém ngon đi nhiều.

# Bún bung là thế ấy, đến bún bò xứ Huế nay cũng đã biết chạy vào đây, quán danh tiếng ở đường Gia Hội (Huế) những năm qua, nay chễm chệ dời quán về Sài Gòn. Đường Trần Quang Diệu từ một tô mười đồng bạc (bạc Thiệu), hôm gần đây tôi ăn trả hai chục đồng (tiền mới), nhưng vị kém hơn lúc còn tại Huế khá nhiều, vẫn bún to sợi, xương heo, giò heo cho khách gặm, gặm xong đã có con cẩu chực sẵn dưới bàn, vẫn có vài miếng thịt bò, để đúng danh gọi bún bò. Nước cốt thật dịu, xưa là xương heo thịt bò làm ngọt, nay là bột ngọt mà ngọt thua. Gia vị phải có ớt băm nhỏ phơi khô, nêm ớt đỏ vô càng cay sặc mới đúng là món ăn xứ Huế. Tràng rau sống để trên bàng, khách tự ý cứ lựa, để chêm vào bún cho mau đầy bụng. Nào rau thơm, rau muống xắt và chẻ nhỏ sợi đều có đủ, duy thiếu mấy lát trái vả là món rau đặc biệt đất Thần Kinh, vừa chát như trái chuối sứ, chuối hột non gọi là chuối chát, vừa giòn và ngon hơn trái chuối chát ấy rất nhiều. Không có vả chưa phải đúng là món ngon xứ Huế, nhưng miễn có xương gặm là đủ, cũng không nên kén ăn cho lắm buổi này và nếu thật người cầu kỳ kén ăn thì phải nhớ bún bung xứ Bắc, bún bò xứ Huế, đều là món ăn mùa rét lạnh. Khi nhập đất Sài Gòn mà không đem cái mát lạnh hai xứ kia vào, thì quả muốn khoe “thú vị” thì đã là “một thú”.

# Hai tiếng bún bò đã làm cho tôi đi xa đề tài và suýt lạc đề. Sở dĩ tôi viết bài này, cốt ý của tôi là để ca tụng tô “bò bún” đã thưởng thức khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Đặc biệt là “bò bún” của “ông già bò bún” người quê đất Thủ Đức, nhưng chuyên bán bò bún, bánh hỏi thịt bò nướng. Nội con đường La Grandière và Espagne luôn Taberd cũ – tức khu phố hội đồng Trạch gần chợ Mới Sài Gòn. Những năm tiền đệ nhị thế chiến lối 1920 và trước 1945. Như đã nói, ông là người Thủ Đức, mỗi sáng ông trả 0$16 – một cắc sáu tiền xe đáp chuyến xe từ Phan Thiết vào, đến ga Sài Gòn độ 9h – 10h sáng. Xe đến bên, ông rút gánh ra khỏi nhà ga và từ ấy gánh gánh trên vai ông bắt đầu rao. Tiếng lảnh lót khắm xóm đều nghe: Bò bún bánh hỏi heo, vì ông ăn trầu không ngớt, mặc dầu tiếng rất trong nhưng nguyên chữ “Ai ăn bò bún bánh hỏi hay không?” vọng từ xa, tôi đã để lọt vào tai, còn lại như trên đã viết, hay không biến thành hheeoo, nghe heo mà thật ra ông bán thịt bò.

Những năm ấy tôi còn độc thân và chính khi đã có bạn rồi, tôi vẫn ít ăn cơm nhà và trưa trưa chỉ thích làm một bụng bánh hỏi thế cơm. Vì tôi vẫn mắc nợ ông già bò bún nầy, mỗi lần nghe tiếng ông rao tôi đều rạo rực bỏ cơm chờ xơi bánh hỏi thịt bò nướng. Thưở ấy, món ăn này, bò bún bánh hỏi chưa phải duy một mình ông bán độc quyền, vì những năm 1920 đến trước 1945, trọn con đường Nguyễn An Ninh (xưa gọi đường Amiral Courbet) vẫn còn nhiều quán Ba Tàu chuyên bán thịt bò nướng ăn với bánh hỏi. Khi ăn thức ăn này thì nước chấm là nước mắm của ta. Thế mà Ba Tàu vẫn giành nghề và chuyên bán cứ mỗi tràng bánh ăn no thế cơm được, giá là hai cắc (0$20). Nhưng kể về vị , làm sao ăn qua thịt nướng do ông già Thủ Đức này được? Lúc còn nhỏ tôi ở Sóc Trăng, tôi đã từng ăn bò bún do một ông già khác họ Tăng, gánh gánh bán, lối những năm 1915 – 1919, vẫn thơm ngon, mỗi tô sáu xu (0$06), ăn một tô vẫn chưa thấm tháp nhưng tiền đâu còn nữa hầu muốn ăn thêm. Vẫn có đậu phông rang đâm nhỏ, bơm bùi. Bún Sóc Trăng to sợi hơn và theo tôi vẫn ngon hơn bún và bánh hỏi nhỏ sợi đất Sài Gòn Gia Định, nhưng Sóc Trăng bán với giá đậu xanh luộc chín, còn thịt bò vẫn xào trên soong nhỏ, vị rất khác. Và theo tôi, có thể nói kém và thua món thiẹt nước đặc biệt của ông già Thủ Đức này. Nay tôi có tuổi và nghiệm ra, món ăn này không phải của ông tự chế, có lẽ ông là người ngoài kia vào đây lập nghiệp và món thịt nướng này nay vẫ thiế gì chỗ bán thật ngon. Tỷ như thịt nướng xóm chợ Sài Gòn – gốc Bắc của bà Bụng bán bún bung là một. Lại nữa như thịt nướng đất Huế nơi chợ Âm Phủ, lại sang gánh bán dạo xóm bán sách chợ trời thành phố Bác Hồ ngày nay (1983), truy ra có lẽ cùng chung một gốc thịt nướng Việt Nam vậy.

Đi lên đất Mọi ăn mắm con gián đất, thịt con chàng hiu, bù tọt nướng để nguyên da không cần làm sạch. Trè qua đất Cambochia phải học ăn mắm bò hóc bún rau, lên xứ Lào ăn mắm Lào, rồi nào xa tê bà lai chanh xứ Xiêm, xứ Mã Lay, ca ri Chà cay xé miệng, ra gu bít tết, trứng cá Caviar của Nga, thịt xúc xích, jambon, chúng ta đều xực tự do thong thả. Duy tội nghiệp thay cho dân nước thờ đạo Hồi, phải chính con vật tự mình cắt cổ mới được nếm mới được dùng. Và còn chi cái thú phong lưu của người Việt bất cứ tiệm nào Tây, Miên, Chà, Chệc đều đánh tửu và tha hồ gắp, nhậu!
Nhưng giang hồ càng nhiều vẫn nhớ món ăn quê hương xứ sở, mắm tôm đất Bắc, mắm tép trong Nam và món rẻ tiền ăn chung thưở hai mươi cái xuân hát câu “j’ai vingt ans, et c’est le printemps” (hai mươi tuổi đầu, một mùa rực rỡ). Ông già bò bún năm xưa đâu còn, em Sáu Ngọc Anh đâu còn, tuổi hai mươi đâu còn, dư dả tiền đây thừa mứa nhưng đâu còn cái xuân hơ hớ và không nên quá tham lam hay biết nhường cho kẻ khác (viết 21 – 10 – 1983). Ông già bò bún, bán đến chiều là sạch gánh, ghé chợ Bến Thành mua thịt tươi và đón xe lửa trở về Thủ Đức tiền xe một cắc đã không còn.

Cũng đường Trần Quang Diệu nơi có quán bún bò Huế từ Gia Hội đi vào, ở mé tay phải cùng một con đường cách ngã tư Trương Minh Giảng một trạm bán xăng. Năm 1982, có một quán vừa pha cà phê thật ngon, vừa cứ mỗi chiều xế bóng là bay mùi thịt nướng nhột mũi: đó là quán bún chả Bắc của nhóm cầm bút thường tựu hội để “ủng hộ” Kim Dung, hiền nội trợ của lão làm thơ “Một vạn lần an”, có mặt quen gặp nào “Sông Trình”, nào “Chim Linh”, nào “Người kéo xe Chàng Ba”, nào “Mây mùa thu”, “Nữ sĩ”, thịt chả thật ngon, nước chấm pha thật khéo nhưng thi sĩ đều lên ruột. “Ẵm hộ” mãi không tham, quán kia đã dẹp không đợi thuế tăng, lý do quá ở quá xa, thêm chỉ bán vào chiều, bụng nào thưởng thức “bún chả”, bụng nào về nhà “thời cơm” “xực phàm”?

Cũng từ đường Trần Quang Diệu nhảy lên xe buýt vô Chợ Lớn, đường Nguyễn Trãi gần ngã tư Triệu Quang Phục có quán Tàu bán “cà ri vịt”, thưở nay ca ri là “độc quyền Ấn Độ” nhưng lão Cố Lũ (Cao Lão) Tàu nầy đã đoạt nghề, nay lão ta đã đi Tây phương tìm thánh Gandhi, vợ và con gái lão kế nghiệp, cà ri vịt ăn với bún Việt. Ba nước đề huề “Ấn – Trung – Việt”, bún lạnh, xẩm ta đặt vào tô, giội nước sôi cho bún nóng, xong rồi mới múc thịt và huyết vịt đông đặc. Vài miếng thịt, ai muốn ăn thức gì phải dặn trước, kẻ khoái lòng người thích phao câu, kẻ khác ham gặm đầu và cẳng, mỗi tô răng rắc 30đ (1983), nhưng vừa no vừa khoái khẩu, vào giấc ngọ, có thêm món ruột vịt thật giòn, giờ khác chưa có và không hiểm xẩm ta làm thế nào mà ruột vịt vừa trắng vừa giòn và không có mùi tanh, ngon thật và khó bắt chước.

Muốn nếm cà ri Ấn Độ chính cống trước giải phóng nơi đường Tôn Thất Hiệp, nơi đường Lý Tự Trong, gần rạp Long Phụng và gần đây nơi đường Trần Bình Trọng vẫn có quán người Ấn bán thức ăn của họ. Trước kia giao thông thuận tiện, họ mua được ngũ vị hạt thơm từ Ấn Độ gởi qua, gọi tắt là “bột cà ri” đem về đây, mỗi lần nấu là họ “cà ca ri” trước. Phân biệt rành rẽ, nấu với thịt dê, gà, vịt, chim rừng, cá, nấu khô hoặc nấu có nước, nấu chay không cá thịt… Mỗi mỗi đều cà hột khác khi dùng, mùi vị vẫn khác. Có thứ cà ri dê là sang trọng, cà ri nấu chim mỏ nhát nâu khô để đem ăn khi đi đường xa là ngon đặc biệt. Nhưng nay tàu thuyền máy bay không đem qua nữa và món cà ri bản xứ đã chế biến tạm, nhiều nghệ và nhiều dầu hột điều pha thêm ngũ vị hương (đinh hương, quế vụn) và thêm ớt thật nhiều, không phải là cà ri Ấn Đội là cà ri Ấn Độ nữa.

# Phở lai, nay có phở gà, bánh ăn sáng nay có nhiều danh xưng bánh cuốn Thanh Trì, bánh đúc, bánh khoái, kẹo kiếng đất Quảng, rươi, mắm tôm, gỏi, chả cá, thịt cầy, tiết canh, cháo lòng, khách trải mùi muốn chi đều có nấy, nghiệt nỗi không chính cống. Đời đã tạm bợ, ca phê không cần quán sang, ngồi chồm hổm giụm năm ba góc đường, mé chợ, lính làng đuổi càng dời chỗ khác, không biết khách có chuyện gì mà nói hoài không hết, kêu một ly nhỏ, uống cạn cà phê gọi một bình trà, ngồi uống trà hóa trắch bạch mà chuyện chưa hết… Đường Lý Tự Trọng có quán lề đường của chị Mai, cà phê thơm không chỗ nào bì, đường CMT8 có quán “Gió Bắc”, Đakao trước đây có quán của nữ thi sĩ Ngân Giang, nhưng nay đã hoàn cựu vị Hà Thành và xiết bao quán lành mạnh mọc như nấm mà cũng tan như nấm.

# Ra khỏi vòng Sài Gòn, không vô Chợ Lớn thì lên Thủ Đức. “Thủ Đức năm canh thức đủ”, xứ ăn chơi, quán nem: nem nướng, nem cuốn, nem bún, thêm có món “nem o” là nem đã gần hư, đã quá thời. Nay o bế lại, sửa lại bằng cách chiên mỡ trên chảo nóng, làm cho mất mùi nem hư và gọi nem chiên ăn bánh hỏi. Cháo khuya có cháo gà, cháo đầu cá hấp có chả giò, gỏi cuốn, bánh đập, bánh nghệ nhưng trước ngày giải phóng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh (đã mất 1982), có mở ra một quán chuyên bán “gà quay” theo Ma ní, ăn với xôi. Là một món kể lạ miệng phải kể luôn “lạ cảnh”, thừa dịp trăng trong gió mát thả xe một vòng tiêu khiển thưởng thức một bữa xôi gà quay. Đúng là phong lưu, nhưng sau khi dẹp quán, bác sĩ ta chưa hết phương lược sanh nhau, lăng xe (lancer) thú thưởng thức hột gà lộn trái vải. Ấm được mười hay mười một ngày, vừa úp mề, bổ không gì bằng, thêm được khoái khẩu. Minh là bạn cũ đồng song, học nghề thú y, kể rằng trên đời có bốn món là “bổ bực nhứt”:
Mộng lúa mạch lúa mì, chữ gọi “mạch nha”
Óc tươi khỉ sống
Mật ong do ong tạo chế để biến con ong thường ra con ong chúa tể (reine)
Hột gà lộn trái vải
Nhưng lấy gì có hột gà ấp kịp, nay thay thế bằng hột vịt lộn vừa to vừa béo và bổ không thua hột gà. Nhưng phải nói cho sửa, hột vịt lộn mà dấu nặng nghe ra dấu huyền thì khiếm nhã! Bốn lạc thú trên đời, thú “ăn” đứng đầu. Cho phép múa rìu chút chơi, có câu “nhứt ẩm nhứt trác, giai do tiền định” mà cũng có câu “bịnh tùng khẩu nhập, họa tùng xuất khẩu” vì ham ăn mà nuốt vi trùng vào thân, cũng như vì cố ham nói, nói mãi ắt có khi lầm vấp, cố nhiên mua chuộc họa vào mình. Ăn phải có chừng độ, nói phải có chốn dừng là nói phải có ngăn nắp. Có câu ví: “Chim khôn tránh bẫy tránh dò, người khôn ăn nói dặn dò trước sau”. Phép tiết thực, kiêng ăn (diététique) sống lâu nhờ đó (viết ngày 22 – 10 – 1983)
Chuyện cũ nhắc lại đây: trong quyển “Chuyện cười cổ nhân” mở trang đầu, thấy chuyện ông Ký Viên, một hôm ra đồng gặp ba ông lão trên bảy tám mươi còn làm việc đồng áng khỏe như trai tơ, lấy làm lạ hỏi về khoa cấp dưỡng, ba ông dạy:
Ông thứ 1: Thất nội cơ thô xú (vợ nhà thô kém)
Ông nhì: Văn phạn giảm sổ khẩu (cơm chiều bớt và miếng)
Ông ba: Dạn ngọa bất phúc thủ (đêm nằm chẳng úp đầu) – nghĩa tục. chữ rất thanh
Ký Viên tóm tắt lại: “Chỉ tai tam tẩu ngôn, sở dĩ thọ trường cửu” (ý chỉ thay lời ba ông già, chỗ do sống sau xa). Chính là lời dạy Á Đông có thua gì khoa học phương Tây và vẫn hợp với lời xưa Tiền Kiên ca rằng: “Thượng sĩ dĩ phòng, trung sĩ dị bị, phục dược bách loải, bất như độc ngọa” (kẻ thượng sĩ riêng phòng, kẻ trung sĩ riêng mền, uống thuốc trăm viên chẳng bằng nằm riêng). Muốn vui lâu ép buộc ba điều: già không nên có vợ đẹp, không nên ráng ăn quá sức vào buổi tối và không nên nằm sấp mặt, tức cữ cái kia kia. Áp dụng đủ ba phương pháp ấy, tránh khỏi đau lưng, khỏi đau dạ dày và không cỡi gió. Xấu mặt hơn hết là bún nấu theo Thổ nêm mắm đồng, trước gần đình Minh Phụng (Chợ Lớn) có bán. Ăn để nhớ quê nhà Sốc Trăng.

# Bài cháo cá Chợ Lớn là để nhắc lại về miếng ăn món uống. Nay xin bàn tiếp vài hàng. Mỗi nước có một phong tục riêng, chưa châu lưu, chưa giang hồ, xin miễn bàn. Người Trung Hoa có câu: “tao ăn muối nhiều hơn mày ăn cơm” – ý nói sống lâu hơn, nhiều hơn.
Người Pháp, người Âu, phép lịch sự của họ là ăn uống thật vén khéo, ăn không cho hở môi, không cho có tiếng nhai trong miệng. Uống rượu, uống trà đều hớp miếng nhỏ, rượu nồng thế nào cũng phải nín hơi, nuốt nhẹ, vừa thanh vừa khéo. Ăn cá giấu xương, ăn bún ăn mì (spaghetti, macaroni) đều khéo, không để bung thùa thật là khó bắt chước. Trái lại ta ăn sừng sực, nuốt nghe ừng ực và như vậy mới cho là khoái khẩu. Phải khè như rắn, càng nghe lớn tiếng không khéo lời khen kẻ nấu,… người bán đều khen. Uống ồng ộc, uống tu tu không cho là thô lỗ và kể là mạnh uống như nhà tướng.
Anh bảy Chà vì tông giáo nhà Phật, cấm rượu. Đạo Hồi uống ăn không cho rượu, cơm đụng môi rồi làm sao nốc rượu mạnh (whisky, đế bọt, mai quế lộ, vodka) mà khỏi sặc? Anh Ả Rập giữ đạo hồi là khổ tâm nhứt, muốn ăn phải tự cắt cổ, ăn vật sanh cầm, rồi làm sao vào tiệm lạ đánh chén, hạ cờ tây? Chỉ bằng làm dân Việt là sướng nhứt đời, lên lào ăn mắm gián hôi. Qua xứ Miên ăn bò hóc (pra-hoc), sang Pháp nếm thịt nửa chín sống Chateaubriant, xuống miền dưới (Java, Ấn Độ) nếm cà ri, sang Tàu qua Nhựt đều vô kỵ và vô bất cấm thật là khoái khẩu.
Người Pháp lập tiệm ăn, bếp giấu sau nhà. Chú Ba Tàu, bếp dọn trước cửa, vừa chiêu hàng, vừa khoe con cá tươi, cọng rau vui mắt, trái ớt thấy bắt thèm, tao nhã xưa, ai cho bằng cụ Tam Nguyên, thế mà thưởng hoa trà, vẫn:
“Có đếch mùi thơm, một tiếng khà” – nói chữ chơi là “Liễu vô hương khí, phát kha kha”, còn “nhắp chén khà”, “một tiếng khà”….Khà là khè, chứ gì?
Thật là thú vị thay, người dân Việt, vô cùng phóng khoáng có của làm chi thêm mệt giữ. Miễn sao có rượu và cũng không cần nhiều, vừa xem trời nửa mắt là được. Ông vua Miên đời trước, cỡ Norodom, Sisovath tức nội tổ, ngoại tổi của Miên thái tử Sihanouk. Khi thời cơm vẫn ăn bốc bằng tay và vãi bừa, hột cơm miếng cá văng tứ tung.
Một người mũi lõ năm xưa đã khôi hài: “Ở Sài Gòn khách lịch duyệt có ba lối ngồi bàn ăn, lịch sự: ăn theo Pháp để xương trên dĩa, ăn theo Tàu bày xương trên mặt bàn, ăn theo Nam, xương đã có con cẩu chực hờ thủ tiêu không thấy xác” – lời nói độc địa, giả ngộ mà cay. Ấy là họ chưa biết có nhà, cẩu không ăn xương lại còn có phận sự làm mất chất dơ mỗi lần trẻ nhỏ xổ đồ dơ từ trong dạ dạy khỏi rơi khỏi mất. Xin người Pháp ấy khoan khoe lề lối, sách Tây nói rõ, ngày xưa ông cha họ nào có khăn lau tay và khi dự tiệc vẫn lau tay trên lông đầu chó. Và có tục gặp món nào vừa miệng ông hoàng, ông hầu tước vẫn bọc trọn món ấy nào khăn thật to cho trẻ tớ mang về nhà cùng vợ con thưởng thức (viết ngày 9-11-1983)
Chuyện tôi vừa nhắc nơi trên, chùi tay vào đầu con cẩu vẫn có trong sách và bạn nào muốn sành về rượu ngon thì nên mua quyển “Les vins de Rourgogne” của hai ông Pierre Poupon et Pierre Forgect (Presse Universitaires de France). Còn muốn hiểu phép lịch sự khi ngồi vào bàn ăn thì nên tìm quyển “L’art de la table” của Pierre Andrieu (Editions Albin Michel). Đọc được hai cuốn sách nhỏ ấy mới mở tầm con mắt được nhiều. Nhưng như đã nói “đáo xứ tùy dân” và mỗi nước có phong tục riêng, không dễ gì biết đủ. Nghe nói năm xưa , một ông vua Cao Miên, khi sang Pháp ra đường mắc tiểu. Ông vạch chăn gấm, xổ bầu tâm sự vào gốc cây, khoan nói là khiếm nhã và lúc quốc trưởng Pháp đã yến, quan khách mỹ nhơn đủ mặt. Đến tuần mãn tiệc, kẻ hầu bưng cho mỗi vị tân khách một tô nước rửa tay (rince doigts). Nhờ đâu đế Miên quen tục xứ nhà bưng tô nước uống cạn. Như vậy xin hỏi các mạng phụ đài các đối xử như thế nào? Nếu đưa tay vào tô thì phạm tội khi quân, bằng uống theo vua thì biết nước ây dơ hay sạch?
Bà hoàng nước Anh, khi qua viếng Ấn Độ là thuộc địa cũ, phải tập ăn ớt và tập làm quen với món quốc gia dân tộc tính của Ấn, bằng không tập trước và từ chối không nếm món cay xé miệng ấy thì còn gì việc ngoại giao quốc sự? Làm vua là khổ chứ sướng ích gì? Muốn nói một lời nào cũng phải chờ nội các phê y chấp thuận, kẻo lậu cơ mưu quốc gia đại sự. Hèn chi lời nói xưa nay của vua chúa thường ngớ ngẩn “trễ tàu”.

# Trở lại miếng ăn như chúng ta có món mắm và rau, tức mắm kho rau sống. Bông súng nguyên sợi, rau dừa nguyên cọng, nếu xắt nhỏ thì mất ngon và phải tự tay nắm cả nùi rau, vò lại và ngắt đứt bằng tay, dồn tất cả vào tô, chan ngập nước (mắm) và lua vào mồm. Nhai nghe sồn sột, má phùng ra, nín thở, miệng mồm chàm ngoàm đến không thốt ra được lời nào và như vậy mới thật là khoái khẩu cái món ăn nhà nghèo ấy. Nếu ăn kinh kiệu, rau xắt nhỏ và miếng nhỏ… Thanh bai có thật mà quốc hồn đã mất từ lâu. Ăn bánh xéo, ăn mắm sống, tay xé mắm, tay bốc cơm nguội thì mới là thú vị. Chớ mắm sống gắp bằng đũa ngà thì không còn gì gọi là ăn mắm xé cơm nguội được nữa.
Chúng tôi có nhiều bữa cơm, tỷ như đánh chén thịt rùa xé phay, cơm rau, cá nướng trui. Theo tôi thì ăn trên nền đất, trên chiếu bằng hoặc ở trần, hoặc vận chân, đêm có trăng hay giữa trưa khi làm việc đồng áng vừa xong. Bụng đang đói và ăn bất kể quần thần thì mới hứng thú. Cũng như món ăn gọi bò giá tráo (bê thui, nướng trên đòn bắc trên lửa chụm nguyên gốc, than cây…) – tôi đã kể trong “Nửa đời hư”, như tôi đã thấy nơi Đất Sét (Sa Đéc), thịt nướng một nơi, rau sống, bánh tráng, nước chấm, rượu, mỗi mỗi đều đặt khác chỗ, khi ăn phải tự mình đi từng chỗ. Lựa rau, lấy bánh, tự tay cắt thịt rồi phải tự đến nơi có nước mắm, rượu ngon… Món nầy ăn như vậy mới thật là “thịt giá tréo” và không thể ngồi bàn một chỗ được. Theo tôi người Âu dùng muỗng nĩa, sang thì vẫn sang nhưng làm sao ngon bằng tay bốc!
Ta lại có món ăn gọi chí quách (chữ là trư cốt), tức gặm xương nấu nhừ, lấy nước ngọt nêm mì, còn lại trơ xương, bọm nhậu gặm mút, “mòm môi đánh chén” thì làm sao dùng đũa nĩa? Ngoài Huế có món “ăn cá sanh cầm” tôi chưa nếm lần nào và nay xin lấy bài thơ xưa làm chứng”
ĂN GỎI CÁ SANH CẦM THI
Giăng tay bắt đặng cá con còn
Ăn gỏi anh cầm, quá rất ngon
Chanh chua lòa với rau mơ núi
Mắm nục lộn cùng chuối chát non
Đập dã trên tay tươi roi rói
Đưa ngay vào miệng cắn giòn giòn
Mầu đã sa cơ về kiếp ấy
Tao đưa một chén rỗi linh hồn!
(Khuyết danh tác giả, theo Ca trù thể cách, văn nôm, quốc âm thi tập – Huỳnh Tịnh Của, bản nhà in Imprimerie Commereale Marcelin Rey (C.Aroin, Sài Gòn năm 1907)
Vả chăng cá còn sống nhảy soi sói, không làm vảy (Cá nhỏ quá làm gì có vảy?) cái nhớt cá biến thành chất béo, ông bà ta bất chấp vệ sinh và đã lấy rượu mạnh làm nư. Kể gì sạch dơ và thưởng thức món “hàu tươi” lại mấu rửa và khử vi trùng, vi khuẩn!
Người Pháp có món “Chim đi săn bắn được đem về, treo vừa lông lá để rủ buông xuống đến thịt rũ có giòi” (viande faisandée), tôi đọc trong sách thấy kẻ hoan nghênh, người thì chê bai phân vân bất nhứt. Đến như phổ mát (fromage) mùi vẫn nặng như mắm của ta và nghe đâu phổ mát vẫn có giòi và họ có người vẫn ăn duy tôi chưa thấy.
Trong từ ngữ Pháp có tiếng Salière là đồ đựng muối, cũng vừa có nghĩa cái khuyết sâu trên mí ngựa già (enfoncement au dessus des yeus des vieux chevaux), cũng vừa là khuyết ăn sâu trên bả vai người ốm (creux en arrière des clavieules chez les personnes maigres), lại cũng là hỏm sâu chỗ dưới ngón cái của bàn tay. Theo tôi cổ nhơn đặt tên như vậy vì ngày xưa có lẽ đó là: “Chỗ đựng muối hay tro mặn, lúc còn ăn lông ở lỗ”. Trong tuồng phim Nhựt “Rhasomen”, người phu xe vẫn đặt muối trên lưng bàn tay khi ăn vẫn ồn ào và thè lười liếm muối trên tay như vậy. Lại nữa người La Mã, người Tàu xưa, ông cha ta khi đi rừng làm củi vẫn ăn bốc, bọn vua tướng Romein vẫn ăn thịt nguyên đùi, lấy răng cắn xe thịt đưa ngay vào mồm. Chỉ từ học đòi văn minh bày đũa nĩa, mà xét ra đũa là hai ngón cái và trỏ, nĩa là bốn ngón tay (không ngón cái) chỉ ra. Người Miên, người Chà, đồng bào Thượng vẫn giữ tục ăn bốc, nay họ dùng đũa là bắt chước Tàu, Việt dùng nĩa muỗng là nhiễm phong tục Tây Phương, chớ gì (viết ngày 10-9-1983)

Lon Séoud, sanh lối năm 1880 và mất năm 1953 làm vua nước sản xuất nhiều dầu lửa nhất Arabis Saoudite từ năm 1932. Mình cao đến 2 thước lẻ 12 phân, khi được nước Anh mời qua Londres ký giao kèo về cung cấp dầu đốt cho Ăng lê. Trước khi đáp tàu thủy, sai người đầu bếp chở ra tàu 300 con cừu để đem theo dùng, viên chủ thuyền tức giận chỉ cho hỏa đầu quân những tủ lạnh trên tàu và hỏi bao nhiêu thịt cá vật thực trong ấy không đủ cho vua dùng hay sao. Nhưng viên đầu bếp Á Rập lạnh lùng đáp: “Những thứ ấy đều là thay ma thúi, vua ta nào dùng”. Viên thuyền trưởng Anh ép lòng nhịn nhục, vừa nhận xong 300 con thú kia, kế lại có thuyền chở tới 300 mỹ nữ da đen, nhờ chở đem theo giúp vua sớm tối. Viên thuyền trưởng nhịn nữa không kham, hỏi: “Nước tôi không có đủ đờn bà cho vua của anh chọn hay sao”?, nhưng phen nầy viên quan hộ tống Á Rập cũng vẫn thản nhiên trả lời: “Vua của nước tôi không quen dùng vật gì đã có xài rồi và xin chịu khó ráng chở các tân nhơn nầy lên tàu, không vậy thì vua tôi chả đi đâu cả”
Cũng vị vua Ibn Séoud ấy, nước Anh tặng một xe hơi tối tân thật đắt tiền, tưởng làm vui lòng vua té ra ông không dùng đến và vẫn bỏ ủ rũ trong gara vô dụng. Người Anh tức quá, hỏi duyên cớ thì nhà vua lạnh lùng đáp: “Vì tay lái đặt bên hữu té ra khi ta ngồi bên thì thuộc bên tả của tên lái xe, hóa ra ta nhỏ hơn nó sao?”
Rõ là nước nào vẫn có phong tục của nước ấy và một lần nữa như ông vua nầy khi dự yến hoặc khi ngự giá tha phương làm sao nếm được món ngon nước ngoài? Ngon không phải cần là trân tu mỹ vị hào soạn đắt tiền, một khi ngon, miếng cơm cháy lúc bụng đang đói vẫn ngon hơn yến sào lúc no bụng. Và lúc khát cần chỉ mỹ tửu trà thơm, một tô nước lã giữa mùa hạn hán nắng cháy da lại quí bằng mười những chén trà đài các Vũ Di, Trảm Mã!
Vì quá giàu sang, quen thói lên xe xuống ngựa, ăn quá no, ngủ quá kỹ chỉ dọn đường mau bước xuống mồ. Có câu: “Đào mã chôn mình bằng miếng ăn, tự giết mình bằng trác táng”. Người Tàu rất khác người Tây phương, người Tây phương để bụng đói ngủ ngon giấc, chú Ba Tàu mỗi khi đánh vợt hay chơi túc cầu lại dằn bụng bằng bánh áo “cái nầy qua cái khác”. Người Tây gớm nhờn nhứt là “ợ ngược, ợ xuôi” trước mặt họ nhưng tôi đã chứng kiến năm xưa cháu mấy mươi đời ông Khổng Tử, khi qua đây vẫn ợ trước mặt ông bộ trưởng giáo dục để tỏ “mình được trọng đãi yến tiệc vĩ vèo”.
Một lẽ nữa, ăn đói ăn thiếu có khi là vị thuốc giúp cho lành bịnh. Một người đau bịnh nước tiểu có đường vì bị giam cầm ăn không no bữa, ăn toàn cơm gạo lứt mà khi được tha về nhà cái bịnh sưng chưn đã để lại nơi khám giam quên lấy về. Hóa ra giam cầm, mất tự do nên cám ơn hay tức giận. Mấy anh lái tàu bay Mỹ, sa cơ bị bắt, bị cho ngồi tù nhờ ăn cơm vắt tuy ốm người mà không chết. Trái lại khi được phóng thích về xứ, hỏi ra mấy bạn đồng liêu vì tẩm bổ quá mức phần đông đã đi bán muối, chầu Diêm Vương đã nhiều (viết 11-9-1983)
Kết luận: cái câu trong “chuyện cười cổ nhân” “Ván phạn giảm sổ khẩu. Năm chữ ấy vốn là món thuốc “trường sanh”, ta chẳng nên khinh thường.


Tuesday 15 April 2014

Họ đâu cần quan tâm tới khoa học... (Trần Việt Quang & Hồ Ngọc Thắng & Nhân Dân)


Thứ ba, 15/04/2014 - 01:50 AM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Sau khi có thông tin về việc Trường đại học (ÐH) Sư phạm Hà Nội lập Hội đồng thẩm định luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, quyết định thu hồi bằng, hủy luận văn thạc sĩ của Ðỗ Thị Thoan, một số người lại tiếp tục lên tiếng bênh vực tác giả luận văn và bác bỏ kết luận của Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, họ không đưa ra được bất kỳ luận chứng nào về mặt khoa học, mà chỉ bác bỏ bằng cảm tính hoặc "chính trị hóa" vấn đề. 
Sai lầm của luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm "Mở miệng" từ góc nhìn Văn hóa của Ðỗ Thị Thoan (ÐTT) bắt đầu từ đối tượng nghiên cứu của nó là nhóm "Mở miệng", từ quan niệm của tác giả về nhóm người nhân danh tự do sáng tác, tự do ngôn luận làm ra một số sản phẩm "phản văn hóa" và nhằm vào các mục đích khác (như Bùi Chát thừa nhận là không kể hết). Sản phẩm của "Mở miệng" gồm các văn bản xuyên tạc từ ca dao đến danh ngôn, sáng tác của các danh nhân được dân tộc Việt Nam tôn kính, và những văn bản với ngôn từ thô tục, nhơ bẩn, dơ dáy, có tính chất "bôi đen" xã hội... Ðiều đó quyết không phải là cách tân hay sáng tạo nghệ thuật như ÐTT ca tụng, không tác động tới đời sống văn học, và ngay cả những người ủng hộ "Mở miệng" cũng nhận thấy các sáng tác (nếu có thể gọi là sáng tác) của nhóm này không có giá trị về phương diện thẩm mỹ. Vì phản nghệ thuật cho nên chỉ sau có mấy năm, số thành viên của "Mở miệng" không tăng lên mà lại giảm xuống, rồi tất cả mất hút trên chính internet - môi trường tồn tại của nó. Vậy tác giả luận văn và người hướng dẫn "khai quật một xác chết" để làm gì?
Dù sản phẩm của "Mở miệng" không thể là đối tượng nghiên cứu của khoa học Ngữ văn, nhưng để cấp cho nó một "căn cước", ÐTT vẫn vơ váo một số sự kiện, ý kiến rồi gắn kết với nhau để dựng lên lịch sử vấn đề, rồi xác định nghiên cứu "Mở miệng" như là một tất yếu khách quan! Coi "Mở miệng" là hiện tượng "bên lề" (!), tác giả gạt bỏ mọi ý kiến phê phán, mà vinh danh bằng cách so sánh với sản phẩm phản nghệ thuật nổi loạn ở phương Tây, như bức tranh Ðái vào chúa của Serrano. Dẫu sao Serrano còn có thể biện bạch thiếu thuyết phục rằng làm như vậy không phải với thái độ bất kính mà do phẫn nộ với nạn buôn thánh, bán chúa trong xã hội hiện đại. Còn với "Mở miệng", không gì có thể biện hộ cho ÐTT khi coi đó là sản phẩm kêu gọi "tự do ngôn luận, tự do sáng tác, tự do xuất bản". Ðấy là ngụy biện. Không chỉ tại Việt Nam, mọi xã hội lành mạnh đều không chấp nhận loại sản phẩm nhân danh thơ ca mà bản chất là phá hoại văn hóa. Ðể ca ngợi, ÐTT nhận định "Mở miệng" đòi quyền tự do cho nghệ thuật, song chị lại không đánh giá từ góc độ thẩm mỹ (mà chị coi là "cũ, lỗi thời"), tức là trốn tránh không phân định giữa đẹp và xấu, giữa hay và dở,... Thao tác này là đánh tráo, mượn "Mở miệng" để đưa ra các ý kiến sai trái, như: "Miền Bắc thường được cho là có quyền lực hơn, sống "gần" lãnh đạo, độc tài, cộng sản. Miền Nam được coi là không gian tự do hơn, với đô thị hiện đại sớm phát triển và sớm tiếp xúc với văn chương phương Tây và có khả năng đẩy cao những xu hướng hiện đại nếu Việt Nam Cộng hòa thắng lợi"!
Gần đây trên blog cá nhân, đề cập tới luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm "Mở miệng" từ góc nhìn Văn hóa ÐTT viết: "sự sai đúng của luận văn, khoa học hay không khoa học là tùy từng góc nhìn (mà có chuyện sai, đúng sao?)". Thật kinh ngạc khi một người làm khoa học lại đặt ra câu hỏi: trong khoa học "có chuyện sai, đúng sao?". Dù sai là khả năng có thể xảy ra trong nghiên cứu khoa học, thì việc xác định đúng - sai vẫn là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu giúp khoa học phát triển. Khoa học không phải là "chợ trời", muốn nghiên cứu gì thì nghiên cứu, không cần biết đúng, sai. Vả lại, nếu quan niệm "sai đúng của luận văn, khoa học hay không khoa học là tùy từng góc nhìn" có ý nghĩa, nhẽ ra tiếp cận "Mở miệng" từ góc nhìn văn hóa, luận văn sẽ phải chỉ ra xu hướng "phản văn hóa" của "Mở miệng", chứ sao lại ca ngợi, tán dương những quan niệm, những câu chữ nhơ nhớp như thế! Làm khoa học nhưng không biết hoặc cố tình không biết thế nào là khoa học, nên Chương 2, Chương 3 của luận văn được viết như bút pháp của người ngộ chữ và mê sảng lý thuyết để thỏa mãn cái "mỹ học kẻ khác" được sử dụng để vinh danh "Mở miệng"! Càng viết, càng thấy có sự nhập nhằng giữa lý thuyết với đối tượng nghiên cứu, từ đó "hóa kiếp" và tưởng tượng ra những "phẩm chất từ trên trời rơi xuống" để gán cho "Mở miệng", qua đó cấp cho "Mở miệng" ý nghĩa là sáng tạo văn hóa, sáng tạo nghệ thuật... cần ghi nhận!
Dù còn thắc mắc tại sao phải phân biệt đúng sai trong nghiên cứu khoa học, ÐTT vẫn có thể tự do nghiên cứu, kể cả nghiên cứu có sai lầm. Cũng không ai ngăn cản chị tự do công bố bài vở trên các trang mạng. Nhưng một luận văn khoa học thực hiện tại một trường đại học lại là chuyện khác, như Michel Beaud đã viết: "Dù không phải lúc nào cũng là một kiệt tác nhưng ít nhất cũng là một công trình để người nghiên cứu tự khẳng định mình, minh chứng được năng lực và chứng tỏ được khả năng thực hiện thành công một công trình nghiên cứu" (Michel Beaud, Nghệ thuật viết luận văn, NXB Tri thức, H.2013, tr.20). Nói như Michel Beaud, thì luận văn về nhóm "Mở miệng" chưa phát lộ dấu hiệu khả năng nghiên cứu. Luận văn khoa học Ngữ văn nhưng tính Ngữ văn rất thấp, lại đậm đặc quan điểm chính trị cá nhân. Nhận xét của một số thành viên của Hội đồng chấm luận văn năm 2010 công bố trên blog cá nhân ÐTT cho thấy điều này: "Năng lực báo chí rất mạnh đã chi phối từ nhãn quan đến tư liệu và các thao tác làm việc. Trong triển khai có thể thấy tính phê bình trội hơn nghiên cứu, tính chất đấu tranh xã hội mạnh hơn luận giải văn hóa, sự sắc sảo của lý trí mạnh hơn sự tinh tế của mỹ cảm. Và giọng "lý sự búa xua" đầy tính chủ quan luôn có xu hướng áp đảo" (PGS, TS CVS), "trong dịp trao đổi trực tiếp với một số học giả châu Âu gần đây, khi nói về hậu hiện đại, họ thừa nhận hậu hiện đại như một thực tế, nhưng đồng thời cũng lưu ý đó là mảnh đất cư trú của những kẻ thiên tài hoặc bất tài. Tôi nói ý này mong tác giả luận văn lưu ý tới bản chất của vấn đề" (PGS, TS NÐÐ), "Tôi vẫn cho rằng, ngôn ngữ chính là sản phẩm của văn hóa, đồng thời là chỉ báo của văn hóa. Cho nên, nó có ý nghĩa lưu giữ ký ức tinh thần của dân tộc và mang tính bảo thủ (hiểu theo nghĩa tương đối bền vững, ổn định). Tâm thức văn hóa giữ cho việc sử dụng ngôn ngữ của con người không sa vào sự văng tục văng mạng, đồng nghĩa với khiêu khích, phá phách. Cho nên, về điểm này, tôi là người không ủng hộ cho việc ca ngợi như trong luận văn đã thể hiện (tr.67). Ý thức về văn hóa như là cái phanh để giữ cho xã hội cũng như cá nhân tránh sa đà vào những lầm lạc có tính cách nhảm nhí (...). Sự tôn vinh quá mức về nhóm Mở Miệng trong vai trò "thực hành văn hóa" như trong luận văn thể hiện (tr.105) mang màu sắc cường điệu" (PGS, TS NVG),... Ðáng tiếc là dù nhận xét như thế, nhưng các thành viên nêu trên vẫn cho luận văn điểm 10!
Sau khi báo chí đăng bài phê phán nội dung và việc chấm điểm cao nhất cho luận văn này, trên internet xuất hiện ý kiến một số người bảo vệ ÐTT. Mới đây, sự kiện Trường ÐH Sư phạm Hà Nội lập Hội đồng thẩm định luận văn, quyết định thu hồi bằng, hủy luận văn thạc sĩ, thì họ không chỉ bảo vệ tác giả luận văn mà còn nhục mạ Hội đồng thẩm định. Nhân danh khoa học, nhưng các ý kiến này không đưa ra bất kỳ điều gì chứng minh việc lựa chọn đề tài, luận điểm của ÐTT trong luận văn là xác đáng về khoa học. Họ tảng lờ các văn bản rác rưởi của "Mở miệng". Họ bảo vệ ÐTT một cách rất cảm tính: vì đó là "một cô gái", là người có "phong thái rất lịch thiệp, hồn nhiên, nhiều ưu tư và đầy nhân ái với/về đời sống". Họ biện hộ "cái sai lương thiện, có khả năng thúc đẩy tư duy để hướng tới cái đúng, cái khác". Họ đánh đồng cá nhân cụ thể với nghiên cứu khoa học. Họ hàm hồ kết luận: "Tất cả những bài đánh đấm luận văn của Nhã Thuyên đều không phải phê bình văn học"! Họ làm như học vị thạc sĩ đã được công nhận sẽ là bất khả xâm phạm. Họ không cần biết nếu so sánh điểm c mục 3 Ðiều 26 Chương IV Thông tư 10/2011/TT-BGDÐT Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ: "Người phản biện phải là người am hiểu đề tài luận văn" với văn bản người phản biện đăng trên blog của ÐTT: "Phải thành thật mà thưa rằng một số vấn đề lý thuyết mà luận văn đưa ra để lấy đó làm điểm tựa cho việc triển khai hoặc tôi chưa có điều kiện để tâm đến nơi đến chốn, hoặc hoàn toàn mới mẻ so với tôi, thí dụ lý thuyết về samizdat chẳng hạn. Ðó là điều làm cản trở cho việc đọc thẩm định một luận văn đề cập tới một vấn đề phức tạp như thế này" thì chỉ riêng quy định đối với người phản biện cũng cho thấy luận văn cần phải thẩm định.
Trong luận văn, ÐTT sử dụng khái niệm samizdat (tiếng Ðức là Samisdat) để khẳng định, biện hộ "thơ rác, thơ dơ". Theo Wikipedia tiếng Ðức, Samisdat là khái niệm chỉ các ấn phẩm tự làm ra, bị cấm, nên ngoài việc đọc cho nhau nghe thì cách duy nhất là phổ biến bí mật. Với hình thức nhân bản truyền tay, Samisdat chỉ tồn tại trong thời chiến tranh lạnh, tác giả của Samisdat là một số người đi đầu phong trào chống chế độ. Theo các tài liệu khác thì khẩu hiệu của những người đã làm ra Samisdat là: "Mehr Samisdat schafft mehr Opposition" (Nhiều samisdat tạo ra nhiều chống đối); câu này được viết theo một vòng hình elip, để từ đó có thể hiểu là: nhiều chống đối tạo ra nhiều Samisdat! Ở CHLB Ðức, sản phẩm Samisdat hiện chỉ được lưu giữ ở nhà bảo tàng, kho lưu trữ, chưa bao giờ được xuất bản. Một vài người vì tò mò, hoặc vì muốn cổ vũ phong trào chống đối tại một số nước thì ra vẻ nghiên cứu để khoác cho Samisdat nhãn nghệ thuật, khoa học; còn về đại thể thì đến nay không mấy ai biết Samisdat là cái gì, người thuộc cái gọi là "thơ" trong Samisdat lại càng không. Vì Samisdat ra đời không phải vì mục đích văn học, mà chỉ là một phương tiện phục vụ hoạt động chính trị chống đối chế độ, nên khi "sứ mạng" xong rồi thì Samisdat cũng bị lãng quên.
Liên quan đến việc thẩm định luận văn của ÐTT, thật ngạc nhiên khi trên BBC tiếng Việt, ông Phạm Xuân Nguyên đưa ra ý kiến về việc ông gọi là "chính trị hóa", "phi khoa học" của "những thế lực" nào đó. Ở quốc gia nào cũng vậy, khi phát hiện một Hội đồng chấm luận văn có sai lầm nghiêm trọng thì đều phải thẩm tra lại. Ở CHLB Ðức, trường hợp tước học vị của ông Karl-Theodor zu Guttenberg, là một thí dụ. Năm 2007, luận văn phó tiến sĩ luật của ông được đánh giá rất cao, nhưng sau bốn năm lại phát hiện có sai lầm, Viện kiểm sát phải vào cuộc. Rồi năm 2013, bà Annette Schavan bị tước học vị phó tiến sĩ vì trong luận văn triết học bảo vệ năm 1980, bà đã vi phạm các quy định. Mỗi trường đại học lại đưa ra nội quy về thủ tục thi và bảo vệ luận văn thạc sĩ. Về cơ bản, quy định tước học vị thạc sĩ của các trường là tương tự như nhau. Thí dụ, Ðiều 21 quy định thủ tục thi, bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành kinh tế Trường Ðại học Tổng hợp Dortmund ghi rõ: Học vị thạc sĩ có thể bị tước nếu sau khi trao, phát hiện người làm luận văn lừa dối hoặc có sự ngộ nhận của hội đồng chấm luận văn. Hội đồng khoa có thẩm quyền quyết định việc tước học vị. Như vậy việc chấm lại luận văn là rất bình thường. Nên ông Phạm Xuân Nguyên nói rằng có thế lực đã "chính trị hóa" việc thẩm định luận văn của ÐTT mà bỏ qua việc xác định "thơ dơ, thơ rác" có xứng đáng là đối tượng nghiên cứu, ca ngợi, rồi nhân danh khoa học để biện hộ quan điểm chính trị sai trái thể hiện trong luận văn,... thì thực chất chỉ là ý đồ biến một sự việc bình thường thành một sự kiện bất bình thường, rồi đẩy vấn đề sang lĩnh vực chính trị.
Chúng ta đều biết văn học là sản phẩm do con người làm ra, là một bộ phận của văn hóa. Ðể trở thành con người có văn hóa, mỗi người phải tự giác học hỏi, trau dồi các giá trị văn hóa, trong đó có việc học hỏi, trau dồi từ các tác phẩm văn học. Chỉ cần đọc những câu "thơ" được ÐTT dẫn lại trong luận văn cũng thấy quá tục tĩu, nên lẽ ra khi chọn góc nhìn văn hóa để nghiên cứu "thơ rác, thơ dơ", ÐTT và các thầy cô đã cho điểm 10 phải khẳng định "thơ rác, thơ dơ" là sản phẩm phản văn hóa, nhưng tiếc là ngược lại, họ biến "thơ rác, thơ dơ" thành sản phẩm văn hóa để ca ngợi! Những gì xảy ra ở Liên Xô và Ðông Âu trong quá khứ, được ghi lại trong sách báo đã chỉ rõ rằng, Samisdat là một công cụ nguy hiểm đối với xã hội. Do đó, một luận văn với lời ca ngợi mấy bài văn vần thiếu văn hóa, lại chứa màu sắc chính trị chống đối như vậy, không thể coi là luận văn khoa học, càng không thể được chấp nhận trong bất kỳ trường đại học nào trên thế giới, chứ không phải chỉ ở Trường ÐH Sư phạm Hà Nội.
TRẦN VIỆT QUANG - HỒ NGỌC THẮNG

Monday 14 April 2014

Phan Thanh Giản có dâng thành cho Pháp không? (Lê Nguyễn - Hội Nhà Văn Thành Phố Hồ Chí Minh)


29.4.2011-23:45
Phan Thanh Giản (1796-1867)


LÊ NGUYỄN

NVTPHCM- “Bi kịch của Phan Thanh Giản tạm kết thúc với quyết định của vua Tự Đức: “… Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp đều bị truy đoạt chức quan, lại đục tên trong bia Tấn sĩ, ghi tội “trảm giam hậu” đời đời…”. Cho dù đến năm 1886, hai ông được vua Đồng Khánh cho khai phục nguyên hàm, nhưng quyết định của một ông vua quá lệ thuộc vào thực dân Pháp không có mấy tác dụng và đến nay, hầu như bi kịch Phan Thanh Giản vẫn còn mang tính thời sự”.

Sau khi ba tỉnh miền Đông Nam kỳ lọt vào tay quân Pháp, về mặt chiến lược, ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, Châu Đốc (một số tài liệu ghi là An Giang, trong đó có bộ Quốc triều chánh biên), Hà Tiên đương nhiên rơi vào thế cô lập hoàn toàn. Trên bộ, muốn đi đến Vĩnh Long, phải qua Gia Định và Định Tường là hai tỉnh đã thuộc chủ quyền của Pháp. Trên biển, tàu Pháp canh phòng nghiêm ngặt khiến cho việc liên lạc bằng tàu thuyền từ Huế vào miền Tây Nam kỳ cũng trở thành điều bất khả. Trong điều kiện đó, sự “dòm ngó” của thực dân Pháp đối với ba tỉnh miền Tây là điều khó tránh. Tuy nhiên, điều ấy đã không xảy ra ngay sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, mà phải chờ đến mấy năm sau mới lộ diện. Một trong những lý do chủ yếu của tình trạng này là chính quốc đang gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính, việc tiếp tục động binh sẽ đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Việc một bộ phận không nhỏ trong chính quyền trung ương ở Paris đồng tình với thỏa hiệp do Aubaret ký tạm với đại diện triều đình Huế vào năm 1864 (cho phía Việt Nam bỏ thêm tiền chuộc lại ba tỉnh miền Đông) cho thấy sự cần tiền để lấp đầy những khoảng trống tài chính của phía Pháp. Tuy nhiên, trong hàng ngũ lãnh đạo quân sự và chính trị của thực dân Pháp, có một người vẫn luôn ám ảnh với việc thuộc địa hóa toàn bộ Nam kỳ. Đó là Phó Đề đốc De La Grandière, nhậm chức Thống Đốc từ ngày 1.5.1863. Viên chức này tìm cách vạch ra một kế hoạch chiếm ba tỉnh miền Tây mà không tốn kém tiền bạc hoặc tổn thất nhân mạng để xoa dịu các cấp lãnh đạo của y tại Paris. Tháng 10.1866, y gửi đến triều đình Huế lời yêu cầu giao nốt cho Pháp 3 tỉnh miền Tây, đổi lấy việc hạ giảm khoản quân phí phải bồi hoàn theo tinh thần hòa ước 1862. Sự việc này được chính sử ghi chép như sau:” Quan Khâm sứ Thượng thơ Đại Pháp ở Gia Định là Vi-an (Paulin Vial, Giám đốc Nội vụ-LN)cùng cố đạo Dương đến kinh, lại xin đất 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đình thần nói rằng:’Hình thế 3 tỉnh ở xa cách, khó giữ lắm, chỉ vì việc quan hệ về thổ địa nhơn dân, không nên dễ dàng; xin khiến quan Thương bạc viết thơ nói tình lý cho rõ’. Ngài (tức vua Tự Đức-LN)liền khiến Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ qua sứ quán, tùy cơ đối đáp cho khéo. Khi qua đến nơi, Phan Huy Vịnh và Phạm Phú Thứ thương nói với Khâm sứ Pháp Vi-an hoài; Vi-an trả lời rằng: ’nếu bây giờ không chịu giao cho xong, e những người ứng mộ (chỉ các lực lượng kháng chiến-LN)ngày càng thêm lung, rồi gây ra việc binh cách’. Vi-an đã về Gia Định, Ngài dạy hoàng thân, đình thần hội nghị, lại hỏi các tỉnh nghị thế nào phúc về và tư cho Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển cùng quan tỉnh An Giang và Hà Tiên châm chước trù nghĩ cho kỹ lưỡng rồi phúc tấu lên…” (Quốc triều chánh biên toát yếu – Nhóm nghiên cứu Sử Địa Sài Gòn, 1972 - trang 345).
Vào thời điểm ấy, Phan Thanh Giản đã được bổ nhiệm làm Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (từ tháng 1.1866). Sau chuyến ra Huế của Paulin Vial, tháng 11.1866 Phan Thanh Giản vào Nam, đến gặp Thống Đốc De La Grandière ngày 13.11 và tới ngày 16.11, trên đường từ Sài Gòn đi Vĩnh Long, ông ghé lại Mỹ Tho (Định Tường), hội kiến với Trung tá Hải quân Ansart, chỉ huy tối cao (commandant supérieur) tỉnh Định Tường. Bản tường trình của Ansart đề ngày 18.11.1866 gửi cho De La Grandière hé lộ nhiều chi tiết thú vị trong cuộc hội kiến tay đôi giữa hai người. Mở đầu bản tường trình, Ansart viết:
Tôi hân hạnh báo cáo với Ngài về cuộc đàm thoại với Phan Thanh Giản vào ngày 16 vừa qua, khi ông ấy dừng lại Mỹ Tho, trên đường từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long.
Lúc bốn giờ chiều, tôi hướng dẫn Phan Thanh Giản vào ngôi nhà cảnh trong vườn, và ở đó, sau khi cho đoàn tùy tùng đi nghỉ, ông bắt đầu cuộc nói chuyện với sự trung gian của cha Marc, và đặt cho tôi câu hỏi sau:’Chừng nào các ông lấy ba tỉnh (miền Tây)? Tôi trả lời ông ấy rằng tôi hoàn toàn không biết gì hết, nhưng trước khi đi xa hơn, tôi phải nhắc với ông ấy rằng tôi không có tư cách chính thức nào để giải quyết những vấn đề tương tự, và rằng, nếu tôi đồng ý hướng cuộc đối thoại vào lãnh vực này, thì ông ấy phải nhìn thấy trong những lời nói của tôi sự diễn đạt những ý kiến cá nhân, không dính dáng gì đến chính phủ Pháp.
Ong ấy trả lời tôi rằng ông muốn nói chuyện với tôi trong tình thân hữu, và trong lúc tiếp tục câu chuyện, ông hỏi tôi tại sao chúng ta muốn chiếm ba tỉnh (miền Tây)…Tôi trả lời ông ấy rằng nếu chính quyền Pháp muốn làm chủ ba tỉnh (miền Tây) thì điều đó không phải chỉ để  mở rộng lãnh thổ, mà do một nhu cầu chính trị ông ấy còn hiểu rõ hơn tôi…..
” (Georges Taboulet- La geste franVaise en Indochine, Paris 1955 - trang 509-510)
Cuộc nói chuyện có lúc khá căng thẳng; Phan Thanh Giản trách cứ Pháp lạm dụng sức mạnh trong khi phía Việt Nam vẫn tuân thủ hòa ước Nhâm Tuất 1862; còn Ansart thì viện dẫn những cuộc “nổi loạn” của Trương Định, của Thiên Hộ Dương… chống lại nhà cầm quyền Pháp trên những vùng đất họ đã chiếm đóng. Và Ansart đã kết thúc bản báo cáo bằng đoạn văn sau:
Phan Thanh Giản làm cho tôi cảm thấy vinh dự khi nói rằng, nếu ngày nào đó, có một sĩ quan Pháp đến ở Huế, thì ông muốn người ấy sẽ là tôi. Tôi cảm ơn lời khen của ông và trả lời:”Aubaret”. Ong ấy cười to, và khi bữa ăn tối dọn ra, chúng tôi không nói đến chuyện đó nữa,  vị quan già vui vẻ nhấn chìm nỗi âu lo trong rượu vang, và quay về tàu của mình, chuếnh choáng trong vòng tay cha Marc….” (G.Taboulet- sđd - trang 511-512).
Sau một thời gian chờ đợi kéo dài, không nhận được sự đáp ứng của triều đình Huế mà đại diện là Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, De La Grandière quyết định ra tay trước. Ngày 15.6.1867, y ký nhật lệnh viện dẫn nhu cầu tái lập sự yên bình và sự an toàn cho thuộc địa trong lúc nhiều đơn vị nghĩa quân vẫn tiếp tục chống phá, và tuyên bố sẽ chiếm đóng ba tỉnh miền Tây; tài sản, dân cư, tôn giáo, phong tục, luật lệ… được duy trì dưới sự giám sát của chính quyền Pháp…
7:30 sáng ngày 20.6.1867, 1.800 thủy quân lục chiến Pháp được 16 thuyền chiến chở đến trước cửa thành Vĩnh Long, mai phục ở đấy. Các diễn biến tiếp theo dẫn đến kết cục là Pháp chiếm trọn những vùng đất còn lại của Nam kỳ nằm trong ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Thời gian cần thiết để hoàn tất một công việc lớn lao như thế chỉ trong 4 ngày, kết thúc vào ngày 24.6.1867.
Điều đáng nói là 5 ngày trước khi đánh chiếm Vĩnh Long, De La Grandière đã coi việc y sẽ làm là hành vi lấy đồ trong túi. Y ban hành quyết định số 90 ngày 15.6.1867 qui định việc cai trị ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên, cắt cử các viên chức Pháp đứng đầu các phủ, huyện tại những địa phương đó cùng cấp số thư ký, thông ngôn, lính tập ở mỗi nơi. Vào thời điểm này, Vĩnh Long có các phủ Định Viễn (2 huyện), Hoan Duo (Hoàn Đức ?) (2 huyện) và Lạc Hòa (2 huyện); Châu Đốc có các phủ Thụy Biên (2 huyện), Tân Thành (1 huyện) và Bãi Xàu (3 huyện); tỉnh Hà Tiên có hai huyện Kiên Giang và Long Xuyên, không có phủ (Bulletin officiel de la Cochinchine franVaise-số 6-1867- trang 441-442). Người đứng đầu phủ Hoàn Đức là De Champeaux, về sau là Đại biện lâm thời của Pháp tại Huế (1883-1884).
Một ngày sau khi thắng lợi hoàn toàn, ngày 25.6.1867, De La Grandière phổ biến một bản tuyên cáo giải thích những lý do vì sao Pháp quyết định chiếm ba tỉnh miền Tây và rêu rao là sự thôn tính trên đã diễn ra một cách hòa bình, “không tốn một giọt máu nào…” (G. Taboulet-Sđd-trang 515). Trong thâm tâm, y cho rằng mình đã làm một việc hết sức thích đáng, vừa có thêm đất, vừa không tốn xương máu hay tiền của, một điều mà các cấp lãnh đạo ở chính quốc luôn e sợ. Tuy nhiên, không may cho y, có một người đã không đồng tình với việc làm táo bạo của y, mà đó lại là cấp chỉ huy trực tiếp của y: Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Rigault de Genouilly! Chẳng những không được ngợi khen, De La  Grandière còn bị Genouilly thống trách nặng nề về “sáng kiến” xâm chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Từ Paris, Genouilly gửi cho y lá thư đề ngày 18.7.1867 với những lời lẽ như sau:
“... Sự chiếm đóng hoàn toàn những vùng đất mà ông đã thông báo cho tôi, trong mắt tôi, là một hành vi mà tôi không thể chấp thuận. Tình hình chính trị ở châu Âu buộc tôi có bổn phận phải cố tránh những vấn đề phức tạp… Tôi nóng lòng chờ đợi báo cáo của ông. Vào lúc này, một lần nữa, tôi chỉ có thể yêu cầu ông thận trọng và giữ ý, trong khi chờ đợi những chỉ thị mà tôi sẽ chuyển đến ông sau khi nắm bắt các sự việc một cách toàn diện.”(G. Taboulet-Sđd-trang 516).
Về phía Việt Nam, người ta tự hỏi: sau khi để mất ba tỉnh còn lại của Nam kỳ một cách thật dễ dàng, vua Tự Đức, triều đình Huế cùng các quan chức hữu trách đã phản ứng ra sao?
***
Việc Pháp chiếm lấy Vĩnh Long và hai tỉnh miền Tây Nam kỳ khác hầu như không gây ra một cảm giác bất ngờ nào ở triều đình Huế, vì lẽ dễ hiểu là trước đó, khi Thống Đốc De La Grandière chính thức yêu cầu phía Việt Nam giao ba tỉnh này cho Pháp, mọi người đều biết rằng việc Pháp thực hiện dã tâm bành trướng thuộc địa chỉ còn là vấn đề thời gian. Có ngạc nhiên chăng là sự thúc thủ quá nhanh chóng của những tỉnh thành đang do quan quân Việt Nam trấn giữ. Cái chết (bằng độc dược) của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản vào ngày 4.8.1867 không xoa dịu được nỗi phẫn hận của vua quan triều Nguyễn, việc đục bỏ tên ông khỏi bia tiến sĩ là một trong những phản ứng tiêu biểu của thái độ này.Tiếp tục theo đuổi lập trường “ngăn lửa không cho cháy lan chỗ khác”, tháng 11 AL năm đó, vua Tự Đức cử  Hiệp tá Đại học sĩ Trần Tiễn Thành và Bang tá Nguyễn Văn Tường vào Gia Định. Sau nhiều ngày thương lượng, một dự thảo hiệp ước mới lại ra đời vào những ngày đầu tháng 2.1868, thay thế hoà ước 1862, công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn lãnh thổ Nam kỳ (kể cả các đảo Côn Lôn, Phú Quốc và nhiều đảo khác), đổi lại là sự xác định “hoà bình vĩnh viễn giữa hai quốc gia Việt Nam và Pháp…” (khoản 2) và giảm khoản chiến phí phải trả cho Y Pha Nho (khoản 8) (Nguyễn Thế Anh-Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ-NXB Lửa Thiêng-Sài Gòn-1970-trang 60-61). Để hợp thức hóa bản dự thảo hòa ước này, triều đình Huế sẽ cử sứ bộ sang Pháp để tiếp tục bàn thảo các chi tiết thực hiện. Việc chưa tới đâu thì vào ngày 4.4.1868, De La Grandière được triệu hồi về Pháp, nhường quyền cai trị thuộc địa Nam kỳ cho Phó Đề đốc G. Ohier, một người chủ trương vẫn tiếp tục thi hành hòa ước 1862. Đó là một trong những lý do khiến bản dự thảo hòa ước 1868 không được hợp thức hóa và rất ít tài liệu nghiên cứu về thời kỳ này đề cập đến, cơ hồ như nó chưa hề có bao giờ.
Có thể nói là hai biến cố lớn xảy ra tại Nam kỳ vào thập niên 1860 (mất ba tỉnh miền Đông rồi miền Tây) đã có những ảnh hưởng quyết định lên cuộc đời vị lão thần Phan Thanh Giản. Ông đã mượn chén độc dược kết liễu cuộc sống như cách tự xử của kẻ sĩ trước một trọng trách mà mình đã không hoàn thành nỗi. Tuy nhiên, đàng sau cái chết của Phan Thanh Giản, có không ít điều đáng để cho kẻ hậu sinh phải tự vấn khi nghĩ về những năm tháng đầu tiên của một thời kỳ mất nước kéo dài. Một số tác giả đã nghiêm khắc lên án thái độ “buông xuôi” của Kinh lược sứ họ Phan trong việc đối phó với thực dân Pháp, trên bàn hội nghị cũng như  trên mặt trận miền Tây. Trong Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim đã viết:”Tháng 6 năm Đinh Mão (1867) là năm Tự Đức thứ 20, Thiếu tướng De La Grandière hội hơn 1.000 quân ở Mỹ Tho, rồi định ngày kéo sang lấy Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ông Phan Thanh Giản biết thế không chống nỗi, bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, rồi ông uống thuốc độc mà tự tận….” (NXB Trung tâm học liệu-Bộ Giáo Dục–Sài Gòn–1971- trang 265).
”… Nộp thành trì cho khỏi sự tai hại..”, đó là cơ sở chính để nhiều người, kể cả triều đình Huế,  vin vào đó mà thống trách Phan Thanh Giản nặng nề vì đã để thành trì lọt vào tay giặc. Điều này cũng dễ hiểu, nếu ta có dịp xem lại những báo cáo hay hồi ký của một số viên chức thực dân Pháp viết về chiến thắng dễ dàng của họ tại ba tỉnh miền Tây và về cái chết của Phan Thanh Giản.
    Trong báo cáo gửi cho chính quốc về việc chiếm lấy ba tỉnh miền Tây, De La Grandière đã viết:”Các thành Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên đã mở cửa mà không kháng cự, các quan chức địa phương giao nộp sổ thuế và hồ sơ lưu trữ cho 9 sĩ quan ngạch Thanh tra các công việc bản xứ được cử đi trước để cai trị những vùng đất bị sáp nhập…” (G. Taboulet-Sđd-trang 513). Như để phụ họa, tờ báo Moniteur universel số ra ngày 9.8.1867 cũng đăng bản tin trong đó có đoạn viết:”Quân ta đã chiếm đóng các tỉnh Vĩnh Long-Sa Đéc, Châu Đốc, Hà Tiên. Các quan giữ thành đã mở cửa thành cho quân ta vào với sự tán đồng của dân chúng”. Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là bức thư  đề ngày 4.8.1867 của Trung tá Ansart, người đã chứng kiến những giây phút cuối cùng của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, gửi cho tướng Tham mưu trưởng Reboul kể lại từng chi tiết một về những gì mà ông ta cho rằng mình đã trực tiếp nghe thấy:
Chúng tôi đã chứng kiến một kết cục không tránh được trong bi kịch tự sát bằng thuốc độc của Phan Thanh Giản. Ông đã chết đêm qua và sáng nay thi hài được đưa ra ngoài thành. Lễ an táng sẽ diễn ra tại Kabon (làng sinh quán của PTG) (*) trong vài ngày tới….Ông đã tự tử với một sự kiên quyết đáng kinh ngạc. Chuẩn bị cho cơ thể chịu đựng sự tàn phá của thuốc độc qua việc nhịn ăn trong hơn 15 ngày, ông bình tĩnh xếp đặt mọi chuyện, cho mua quan tài, tang phục cho thân nhân và gia nhân, ấn định lễ tang trong từng chi tiết nhỏ nhất và dành cho con cái những lời khuyên khôn ngoan và đáng khâm phục. Ong động viên con mình ở lại với người Pháp, nhưng không nhận một công việc nào do Pháp giao….Về phần các cháu, không cần thiết phải đưa ra những lý lẽ tương tự, ông yêu cầu để cho người Pháp nuôi nấng chúng cẩn thận và mấy ngày trước khi thực hiện quyết định bi thảm của mình, ông đã bày tỏ với tôi niềm ao ước được để lại cho tôi vài ngàn quan Pháp nhằm trang trải chi phí cho chúng ở Sài Gòn….
…Khi cha Marc đến, Phan Thanh Giản không nói tới ý định tuyệt vọng của ông nữa. Sáng ngày mùng 1 tháng 8, ông chỉnh đốn một số văn kiện liên quan đến đạo Thiên Chúa. Ông nói:”nhanh lên”. Lúc 11 giờ, ông uống thuốc độc trước mặt con cái và những người thân cận. Khi người ta đến báo tin cho tôi lúc 2 giờ thì đã muộn rồi. Ông chỉ còn thì giờ ôm chầm lấy cha Marc và tôi và bắt đầu cơn hấp hối. Nhà phẫu thuật Le Coniat chế ngự thuốc độc bằng sự khôn ngoan và tận tụy, đến chiều hôm qua còn mang lại cho tôi một tia hi vọng, nhưng rồi tất cả đều bất lực, không cứu được vị lão thần uống quá nhiều á phiện, đã ngã gục do việc nhịn ăn và phiền muộn trong lòng
….” (Tạp chí France-Asie số XI-tháng 6-7.1955-trang 740).
Trong tác phẩm của mình, Taboulet có đăng cả hai bức thư của Phan Thanh Giản viết trước lúc tự tử, một gửi cho vua Tự Đức, một gửi cho quan dân các tỉnh miền Tây Nam kỳ (bản dịch ra tiếng Pháp của Pierre Daudin và Paul Branda). Bức thứ nhất được cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố dịch trên báo Tri Tân số 99 như sau:”Nay gặp thời gian bĩ, việc dữ khởi ở trong cõi, khí xấu xuất hiện ở biên thùy; việc cõi Nam kỳ một chốc đến thế này, không thể ngăn cản nỗi, nghĩa tôi đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ. Đức Hoàng thượng rộng xét xưa, biết rõ trí loạn: người thân kẻ hiền trong nước cùng khổ lo trước tính sau, đổi dây thay bánh, thế lực còn có thể làm được. Tôi tới lúc tất nghĩ, nghẹn ngào không biết nói sao, chỉ gạt nước mắt tỏ lòng quyến luyến, trông mong khôn xiết” (Kỷ niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam kỳ-NXB Trình Bầy-Sài Gòn-1967-trang 191-192). Bức thứ hai có nội dung như sau:
”…Giờ đây người Pháp đã đến, với những phương tiện chiến tranh hùng hậu, gieo rắc nỗi khổ ải cho chúng ta. Chúng ta ở thế yếu khi chống lại họ. Quan quân của chúng ta đã là những kẻ chiến bại. Mỗi trận chiến làm gia tăng nỗi khốn khổ của chúng ta…Người Pháp có những thuyền chiến khổng lồ, chở đầy binh sĩ và trang bị những khẩu đại bác rất to. Không ai có thể kháng cự lại họ. Họ xâm nhập bất cứ nơi nào họ muốn, những tường thành vững chắc nhất cũng đổ sụp trước mắt họ….Tôi đã viết thư yêu cầu tất cả quan lại và lãnh đạo quân sự bẽ gãy giáo mác và giao lại thành trì mà không cần chiến đấu.
Tuy nhiên, nếu tôi nghe theo mệnh Trời để tránh những tai họa lớn lao giáng xuống đầu trăm họ, tôi đã phản bội lại Hoàng thượng khi giao thành trì của Người (cho giặc) mà không kháng cự gì…Tôi đáng chết. Các người, quan và dân, các người có thể sống dưới sự chỉ huy của người Pháp, họ chỉ đáng sợ trong lúc chiến đấu mà thôi, nhưng cờ của họ không được tung bay trên một chiến lũy nơi Phan Thanh Giản còn sống…”(Paul Branda-Récits et nouvelles-Paris-1869-trang 171..dẫn trong La geste….của G. Taboulet, trang 519).
Những bản dịch ra tiếng Pháp của các văn kiện trên được ghi chú là căn cứ vào tài liệu lưu trữ của Quốc sử quán triều Nguyễn. Chưa thấy có một công trình nghiên cứu nào đánh giá mức độ xác thực trong việc trích dẫn và dịch chúng từ Hán văn ra tiếng Pháp. Nhưng điều có thể thấy được là những văn kiện được trích dẫn trên đã có những ảnh hưởng quan trọng lên các nhà nghiên cứu, trong đó có học giả Trần Trọng Kim. Theo quan điểm của những người yêu nước chủ trương còn nước còn tát, còn sức lực, còn chiến đấu, thì những lời lẽ nêu trên, nếu quả thực xuất phát từ cửa miệng Phan Thanh Giản, đáng để qui kết cho ông tội “chủ bại, dâng thành trì cho giặc”.
Tuy nhiên, muốn có đủ yếu tố để nhận định một cách tương đối khách quan về điều này, không thể không lý tới những tài liệu của phía Việt Nam, trong đó chính sử và hồ sơ nghị xử về việc mất ba tỉnh miền Tây có nêu rõ lời khai của những người trong cuộc do Cơ Mật viện triều đình Huế tập hợp là những văn kiện đáng được lưu ý.
Bộ Quốc triều chánh biên toát yếu đã viết như sau về sự thất thủ ba tỉnh miền Tây:
“ …Khi ấy quan Pháp soái đem tàu binh nhiều lắm, chạy đến bến Vĩnh Long, khiến người đem thơ mời Phan Thanh Giản tới nói chuyện; Thanh Giản xuống tàu bàn nói thế nào, quan Pháp soái cũng không nghe. Thanh Giản mới thương rằng:” Xin Quí soái chớ cho nhiễu hại nhơn dân, còn tiền lúa trong kho cứ để nước tôi coi ngó”. Quan Pháp soái thuận nghe. Trong giây phút Thanh Giản trở về thời binh Đại Pháp đã vào bốn phía thành rồi. Quan Pháp soái lại chia binh qua An Giang, Hà Tiên, cũng làm giống như tỉnh Vĩnh Long vậy, rồi đem các quan ba tỉnh ấy để ở tại dinh Tổng Đốc Vĩnh Long….” (Sđd-trang 347).
Ba tháng sau (9 AL.1867), vua Tự Đức ra lệnh cho “phủ Tôn nhơn và đình thần nghị công tội bọn Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản. Ngài dụ rằng:”Xứ Nam kỳ 6 tỉnh, khi đầu bởi tại Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp, Phạm Thế Hiển và Nguyễn Bá Nghi tiễu phòng không hết sức; khi giữa bởi tại Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp nghị hòa khinh bỏ, khi sau bởi tại Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản đi sứ không được việc gì; khi sau hết lại bởi Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ và Trần Hoán nhơn tuần nhác nhớm; nên đến nỗi mất 6 tỉnh ấy. Truyền lập tức nghị tội bọn ấy dâng lên, ta sẽ đoán định…” (Quốc triều chánh biên-Sđd-trang 348).
Xem như trên, có thể thấy văn kiện quan trọng nhất về vấn đề này là bản án của đình thần nghị xử về việc để mất ba tỉnh miền Tây, trong đó nêu rõ lời khai của những người trong cuộc. Bản nghị xử miễn nghị cho các quan lại từ cấp phủ, huyện trở xuống, chỉ xét định công tội 17 người, đứng đầu là Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, Tổng Đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển, Tổng Đốc An Giang Nguyễn Hữu Cơ và Tuần Phủ Hà Tiên Trần Hoán. Tổng Đốc Vĩnh Long khai rằng:”ngày 19 tháng 5 năm ngoái, vào khoảng giờ Thìn, thấy viên quan Tây đem số lớn tàu binh đến bến tỉnh thành thả neo, kỳ thủy một viên quan ba cùng một người tên là Cố Trường (tức Legrand de la Liraye-LN) đưa đến một phong thư, trong thư nói rằng:viên quan Tây nhận thấy bọn giặc quấy rối lâu nay phần nhiều là dân của tỉnh Châu Đốc, nay y muốn rằng quý quốc nhường lại ba tỉnh để y kiểm soát, thì chúng không dám quấy rối như xưa v…v…
Thần đẳng 
(tức Trương Văn Uyển-LN) xem xong bức thư, cùng nhau thương nghị, rồi Kinh lược sứ lập tức đem các viên Niết ty Võ Doãn Thanh, theo xuống dưới tàu cùng viên chúa tàu đàm thoại; trách y đã vin vào cớ nhỏ mọn mà đã vội làm thương tổn đại nghĩav..v…Y trả lời rằng: bổn ý thế nào, đã nói ở trong bức thư. Nói đoạn y cho chiến thuyền tiến sát vào phía ngoài thành rồi cho bộ binh vào thành đóng giữ…” (Tập tâu của Viện Cơ Mật-Bản dịch của Tô Nam-tập san Sử Địa-số 7-8 năm 1967-trang 239-240). Lời khai của Lãnh Binh Vĩnh Long Huỳnh Chiêu cũng phù hợp với lời khai của Trương Văn Uyển:”….kỳ thủy có viên quan ba cùng với tên Cố Trường (cố đây là cố đạo-LN) đem thư lên mời tỉnh quan lên tàu nói chuyện, thì quan Kinh lược và An sát theo bọn chúng xuống, còn y (tức Huỳnh Chiêu-LN) thì trèo lên mặt thành để coi sự thể, chẳng ngờ chỉ trong chốc lát đã thấy bọn quan binh kia xô đẩy các viên tỉnh thần vào thành rồi chúng chiếm đóng các sở…” (Tập san Sử Địa số 7-8-Sđd-trang 243-244)
Về việc mất An Giang (tài liệu của Pháp ghi là Châu Đốc)  và sự thật về “lệnh giao nộp thành” theo nhiều tài liệu cho là của Phan Thanh Giản thì Tổng Đốc An Giang Nguyễn Hữu Cơ đã khai như sau:”….thấy tàu chiên của Tây đến chiếm tỉnh thành mà chúng chỉ mới dàn ra ở ngoài bến sông. Đốc thần (lời tự xưng của viên Tổng Đốc-LN)lập tức phái ngay hai ty Phiên Niết là Nguyễn Xuân Ý và Phạm Hữu Chính cùng xuống dưới tàu hỏi rõ duyên do, thì viên chúa tàu đưa ra một bức thông tư của quan Kinh lược, nhưng chúng chỉ cho coi ngoài phong bì, thì thấy đóng ấn tín của tỉnh Vĩnh Long, mà chúng không chịu mở ra cho coi bên trong, yêu cầu đến hai ba lần, thì chúng cho biết khi nào Tổng Đốc xuống đây thì chúng sẽ mở. Vì thế Đốc thần phải cùng Viết Ty lập tức xuống tàu, thì viên quan Tây đem bức thông tư mở ra cho coi, rồi đem lý lẽ tranh luận, chúng vẫn không nghe…” (Tập san Sử Địa-Sđd-trang 240). Tập tâu của Tuần Phủ Hà Tiên Trần Hoán cho thấy tình hình còn tệ hại hơn: trong lúc ông đi thuyền đến các địa phương để đốc suất việc dinh điền, đến địa phận tỉnh An Giang “chợt gặp chiến thuyền của Tây mời lên đàm thoại, khi lên trên tàu thì viên quan Tây đưa ra phong bì đựng tờ thông tư của quan Kinh lược, sau khi coi xong thì chúng câu lưu lại đó…” (Tập san Sử Địa-Sđd-trang 240). Tàu đưa Trần Hoán trở lại Hà tiên, Bố chánh Nguyễn Văn Học, An sát Nguyễn Duy Quang cùng Lãnh binh Nguyễn Hương  chưa hay biết gì, xuống bến tàu đón, quan Pháp tương kế tựu kế, thân mật cầm tay Tuần phủ Trần Hoán bước lên bờ, và ngay sau đó quân lính của họ chia nhau trấn giữ các cơ sở trong thành.
Trong phần cuối tập tâu về việc nghị xử, các trọng thần thuộc Cơ Mật viện và các viện, bộ gồm Nguyễn Tri Phương, Lê Sĩ, Hoàng Văn Tuyển, Trần Bình, Phạm Ý, Nguyễn Hữu Lập, Đoàn Thọ, Trần Tiễn Thành và nhiều người khác đã kết tội Phan Thanh Giản cùng các tỉnh thần khác là”… chẳng lo liệu từ trước, để lỡ thời cơ, khiến cho bọn kia thừa kẽ hở, đem binh áp đảo, đến nỗi thành trì và các kho đạn, sổ sách văn thư bị chúng cướp đi hết thảy…”. Riêng Phan Thanh Giản thì”…viên Kinh lược kia vẫn có cái lỗi không lo đến việc bọn kia dối mình; những kẻ đại thần ở nơi biên giới cũng có chuyên quyền, thì cái tội kia thực khó chối cãi…” (Tập san Sử Địa-Sđd-trang 245). Cuối cùng, bản nghị xử đã nêu trình vua Tự Đức những nhận định sau:
Nhưng còn cứu xét tới nguồn gốc, thì bọn phạm kia (chỉ Phan Thanh Giản và các tỉnh thần-LN) , đối với công tác trinh sát bí mật đâu phải dễ dàng. Hơn nữa, địa thế ba tỉnh lại rất xa xôi cách trở, tin tức khó thông. Huống chi, bọn Tây ôm ấp tấm lòng phản trắc, hiệp ước còn đầy đủ đó mà chúng trở mặt xé ngay; việc làm của chúng không ai có thể liệu tính trước được. Đối với sự thế bấy giờ, các phạm viên kia ở vào địa vị khó xử, triều đình bao phen huấn thị, thực đã xét thấu từ lâu….” (Tập san Sử Địa-Sđd-trang 246).
Có một điều có lẽ vượt ra ngoài dự kiến của vua Tự Đức và đình thần ở Huế. Đó là trong thời gian đình thần đang nghị xử việc mất ba tỉnh miền Tây thì án sát Khánh Hòa Nguyễn Thông, một quan lại, vừa là nhân sĩ nổi tiếng, dâng tờ sớ tâu trình rằng “Phan Thanh Giản xưa là người tiết liệt, nay xin ban cho tên thụy…”. Điều này được lặp lại hai lần trong tập tấu của Cơ Mật viện, nhưng các tác giả của nó không dám nêu ý kiến, chỉ “xin kính cẩn tâu trình”.
***
Bi kịch của Phan Thanh Giản tạm kết thúc với quyết định của vua Tự Đức: “…Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp đều bị truy đoạt chức quan, lại đục tên trong bia Tấn sĩ, ghi tội “trảm giam hậu” đời đời…” (Quốc triều chánh biên-Sđd-trang 356). Cho dù đến năm 1886, hai ông được vua Đồng Khánh cho khai phục nguyên hàm, nhưng quyết định của một ông vua quá lệ thuộc vào thực dân Pháp không có mấy tác dụng và đến nay, hầu như bi kịch Phan Thanh Giản vẫn còn mang tính thời sự. Để tạo điều kiện cho một nhận định chính xác và có tình, có lý về nhân vật này, xin nêu một số dữ kiện rút ra từ những sử liệu trên:
Như trên đã trình bày, sự đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ gần như trái với chủ trương lúc bấy giờ của chính phủ Pháp ở Paris mà tiêu biểu là Bộ Hải quân và thuộc địa dưới quyền Phó Đô đốc Rigault de Genouilly. Lý do khiến Paris không tán đồng sự chọn lựa của Thống Đốc De La Grandière là chính quốc đang đương đầu với nhiều khó khăn về tài chính, một cuộc “phiêu lưu” mới có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Chính sự bất đồng này đã khiến De La Grandière tìm cách tránh tối đa những thiệt hại về phía Pháp, và một trong những phương cách mà ông ta áp dụng là thủ đoạn đánh lừa các quan chức Việt Nam vào những ngày tháng 6.1867. Qua nội dung bộ Quốc triều chánh biên và nhất là tập tấu đã lược trình trên, ta không nhận thấy hành vi tự ý “dâng thành” của Phan Thanh Giản, Nguyễn Hữu Cơ và Trần Hoán. Họ bị lừa xuống tàu để thương nghị, rồi quân Pháp tương kế tựu kế, “hộ tống” họ vào thành và chiếm luôn thành. Pháp động binh thật êm thắm, đến nỗi trong ngày 20.6.1867, họ đưa tàu đến chiếm thành Vĩnh Long mà dân chúng cứ tưởng là họ điều binh đi “bình định” Cao Mên (Campuchia), nô nức kéo nhau ra xem tàu. Bức thư  (của Phan Thanh Giản) mà có tài liệu cho là nhằm ra lệnh cho các quan tỉnh nộp thành, chưa rõ nội dung ra sao. Hành động trương cờ khởi nghĩa của hai con Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm tại các vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc và cái chết anh dũng của hai người này cho phép nghi ngờ những lời “trăng trối” của cụ Phan được đề cập đến trong báo cáo của Trung tá Ansart (đã kể trên). Thậm vô lý trong báo cáo trên là việc Phan Thanh Giản định dành “vài ngàn quan Pháp” để nhờ Pháp trang trải chi phí cho cháu nội lên học tại Sài Gòn, vì lương của một Đại tá Pháp lúc bấy giờ cũng chưa đến 6.000 quan Pháp một năm thì làm sao một quan lại nổi tiếng thanh liêm như Phan Thanh Giản lại có đến vài ngàn quan?
* Một trong những thống trách nặng nề đối với Phan Thanh Giản (và Lâm Duy Thiếp) là việc ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhường đứt ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Tuy nhiên, nếu đặt mình trong hoàn cảnh đất nước sau ngày 25.2.1862, là ngày chỉ trong một sớm một chiều, toàn bộ đồn Chí Hòa kiên cố do đại thần Nguyễn Tri Phương dày công xây dựng đã hoàn toàn sụp đổ, mới hiểu được tâm trạng của sứ bộ Việt Nam khi thương thảo với Pháp. Trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6.1862, tại Sài Gòn, họ đã thương thảo trong tư thế của những  kẻ chiến bại – nếu không muốn nói là đại bại. Trong điều kiện đó, thương thuyết gần đồng nghĩa với chính thức hóa sự đầu hàng, và họ đã thực hiện chủ trương mà triều đình Huế đang mặc nhiên chấp nhận, đó là “ngăn lửa không cho cháy lan chỗ khác”.
* Cũng có lập luận so sánh việc Phan Thanh Giản để mất thành Vĩnh Long dễ dàng với việc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã anh dũng chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội vào những năm 1873 và 1882. Tuy nhiên, xét cho kỹ, cần dành phần giảm khinh cho lão thần họ Phan, vì tình hình Hà Nội vào hai thập niên 1870 và 1880 có nhiều dị biệt với tình hình ba tỉnh miền Tây năm 1867. Trong khi Hà Nội nằm trong một vùng rộng lớn còn thuộc chủ quyền Việt Nam hoàn toàn, có thể dễ dàng điều binh tiếp ứng, thì sau khi ba tỉnh miền Đông lọt vào tay Pháp, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên đã trở thành một “ốc đảo”, bị cách ly hoàn toàn với triều đình Huế, mọi nỗ lực chiến đấu cũng không tránh được hậu quả như đại đồn Chí Hòa từng được coi là vị trí chiến lược của tổ chức kháng chiến do triều đình dựng lên.
Với những dữ kiện trên, có thể nghĩ rằng Phan Thanh Giản là nạn nhân của thời đại ông đang sống, trong đó ông có phần trách nhiệm, nhưng qua việc thất thủ Nam kỳ, không thể qui hết trách nhiệm cho ông, trong một tình thế hoàn toàn bất lợi về mọi mặt,  khi thực dân Pháp ngày càng lộ rõ dã tâm xâm chiếm Việt Nam trong cuộc chạy đua tranh giành thuộc địa với đế quốc Anh ngày một rộng lớn. Bài học lịch sử này còn nhiều điều để lớp người đương đại suy ngẫm.