Monday 1 September 2014

Hồi ức của một người thư ký (Đống Ngạc - Thanh Niên)


Thứ tư, 04 Tháng tư 2007, 23:19 GMT+7
  • Cỡ chữ

Hồi ức của một người thư ký


Hoi uc cua mot nguoi thu ky
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc điếu văn truy điệu tại lễ tang Bác Hồ - Ảnh: Tư liệu
Tháng 6.1997, trên chuyến xe từ Tuy Hòa về Nha Trang, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa khi đó là Phan Thông cho tôi biết: Ông già phúc hậu ngồi ngay trước tôi là cựu thư ký của Tổng bí thư Lê Duẩn.
Tên ông là Đống Ngạc, sinh ngày 2.4.1925, quê Tam Kỳ, Quảng Nam. Tham gia cách mạng năm 1945 tại Huế, ông đã chiến đấu tại chiến trường Khánh Hòa trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau làm công tác thanh niên rồi Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc khu V. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, từng đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (khóa II). Trong cuộc trò chuyện với tôi, ở ông luôn toát lên vẻ điềm tĩnh, cách diễn tả mạch lạc, khúc chiết và khiêm tốn...
* Xin ông cho biết, ông đã đến làm việc với Tổng bí thư Lê Duẩn vào lúc nào?
- Ông Đống Ngạc: Tháng 2.1962, tôi đang công tác tại Trung ương Đoàn thì được Ban Tổ chức Trung ương Đảng gọi giao nhiệm vụ mới: Hoặc chuyển sang công tác ngoại giao hoặc làm thư ký cho anh Ba Duẩn. Nghĩ mình không đủ khả năng làm hai việc này, hơn nữa lại có thời theo dõi phong trào thanh niên nông thôn, tôi đề đạt nguyện vọng xin chuyển sang công tác nông nghiệp. Nhưng đại diện Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho biết không có con đường thứ 3. Cuối cùng tôi về Văn phòng Trung ương Đảng, giúp việc cho anh Ba.
Hoi uc cua mot nguoi thu ky
Ông Đống Ngạc (phải) và tác giả
* Thưa ông, hẳn ở người thư ký của Tổng bí thư phải có những khả năng đặc biệt?
- Ông Đống Ngạc: Không, tôi không có khả năng gì đặc biệt. Có lẽ tôi được chọn vào công việc này là do đã qua công tác văn phòng, có biết chút ít việc tổng hợp tình hình, ghi chép, biên tập.
* Làm thư ký cho Tổng bí thư không đơn giản, thưa ông?
- Ông Đống Ngạc: Dĩ nhiên là không đơn giản. Thời chống Mỹ, cả nước tiến hành hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền. Nhiệm vụ đó rất mới mẻ, nặng nề. Giúp việc Tổng bí thư có nhiều thư ký như các anh Trần Quỳnh, Đậu Ngọc Xuân và một số đồng chí nữa... Công việc rất nhiều và khẩn trương. Nên lúc nào chúng tôi cũng làm việc không kể ngày nghỉ. Làm thư ký là phải luôn luôn sẵn sàng, phải phục vụ vô điều kiện.
* Thưa ông, có khi nào thư ký đề đạt ý kiến với Tổng bí thư về những vấn đề "quốc gia đại sự"?
- Ông Đống Ngạc: Mọi đường đi, nước bước của cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ đều xuất phát từ những bộ óc thiên tài Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, từ trí tuệ tập thể của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là người giúp việc, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ thể hiện ý tưởng của anh Ba dưới dạng văn bản. Viết là công việc chiếm nhiều thời giờ và công sức nhất. Trừ các diễn văn, báo cáo, các tác phẩm ra đời nhân các dịp lễ lớn, phải được biên tập một cách hoàn chỉnh, còn các bài nói khác của anh Ba, thường chúng tôi chuẩn bị theo kiểu gạch đầu dòng, nêu lên những ý chính. Sau khi anh Ba nói, chúng tôi mới biên tập lại. Để thể hiện chính xác ý tưởng của anh Ba, thư ký phải nắm được quan điểm của anh trong mỗi vấn đề...
* Thưa ông, điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch, từng làm xúc động hàng triệu trái tim đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn năm châu. Vậy thư ký của Tổng bí thư có góp phần chấp bút áng văn bất hủ ấy?
- Ông Đống Ngạc: Tôi có tham gia chấp bút. Song điếu văn được viết và hoàn chỉnh theo sự chỉ dẫn của anh Ba và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý kiến sửa chữa. Đó là sản phẩm trí tuệ của tập thể. Tôi nghĩ không nên nói về phần đóng góp của cá nhân.
* Điếu văn truy điệu Bác Hồ là một áng văn mang dấu ấn lịch sử. Việc ông tham gia chấp bút là một sự thật lịch sử, thiết nghĩ để cho mọi người biết về điều đó có gì là không nên, thưa ông?
- Ông Đống Ngạc (suy nghĩ hồi lâu): Viết điếu văn là việc quan trọng nhất trong các khâu chuẩn bị lễ tang Bác Hồ. Công việc đó đã được giao cho các cơ quan khác đảm trách. Tối 6.9.1969, khoảng 21 giờ 30, vừa đi họp Bộ Chính trị về nhà riêng, anh Ba cho gọi anh Đậu Ngọc Xuân và tôi lên phòng làm việc của anh. Đưa cho chúng tôi bản Di chúc của Bác Hồ và hai điếu văn dự thảo, anh bảo: "Hai bản này không được Bộ Chính trị thông qua. Hai chú giúp tôi chuẩn bị một điếu văn khác. Ngoài việc tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, công ơn trời biển của Bác, điếu văn cần nêu bật những tư tưởng lớn của Người để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thấu suốt và tiếp tục phấn đấu biến thành hiện thực.
Bác nêu cao chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc vì giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Bác gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dìu dắt đồng bào ta phấn đấu vì dân giàu nước mạnh, vì ấm no hạnh phúc của mọi người.
Bác dày công xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi toàn dân thực hiện, coi đó là bí quyết thắng lợi của cách mạng nước ta.
Bác kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cách mạng, cổ vũ nhân dân ta làm tròn nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế.
Bác là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để mọi người học tập, noi theo.
Lời lẽ cần phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng. Các chú cố gắng làm xong trong đêm nay được thì tốt, vì ngày tổ chức truy điệu đã được ấn định, thời gian không còn nhiều".
Nhận nhiệm vụ anh Ba giao, chúng tôi rất lo vì công việc thật sự nặng nề, vượt quá sức mình. Song chúng tôi tự nhủ phải hết sức cố gắng để không phụ lòng tin cậy của anh Ba.
Anh Xuân và tôi xem kỹ Di chúc của Bác và hai bản thảo anh Ba vừa đưa, cùng nhau vạch một dàn bài và trao đổi về cách viết, nhằm làm sao diễn đạt được tốt nhất những điều anh Ba chỉ dẫn. Anh Xuân đề nghị tìm đọc mấy bài điếu văn nổi tiếng để tham khảo. Đó là điếu văn của F.Ăng-ghen đọc trước mộ Các Mác, điếu văn Xtalin đọc trong lễ truy điệu Lê-nin, điếu văn của Bác Hồ trong lễ tang cụ Hồ Tùng Mậu.
Dàn bài đã vạch, nội dung tư tưởng anh Ba chỉ ra đã rõ, song quá 12 giờ đêm, chúng tôi vẫn ngồi cắn bút, chưa viết được đoạn nào. Khoảng 1 giờ sáng, chẳng may anh Xuân bị cảm. Anh đã thức mấy đêm liền, nên mệt quá gục xuống bàn. Tôi bảo anh cứ nằm nghỉ, tôi sẽ cố viết, khi nào xong, sẽ gọi anh dậy để cùng nhau sửa sang, hoàn tất. Tôi tiếp tục công việc đến gần sáng thì tạm xong bản thảo. Xem lại, thấy còn một số chỗ viết chưa tốt, diễn đạt chưa sâu sắc ý của anh Ba, nhưng tôi chưa vội sửa. Tôi đẩy cửa bước ra sân. Vừa lúc đó, ở tầng một, anh Ba cũng đẩy cửa sổ phòng ngủ hỏi vọng xuống: "Chú Ngạc đó hả, xong chưa chú?". Tôi vội đáp: "Dạ xong rồi". Anh hỏi tiếp: "Chú thấy có được không?". Tôi đánh bạo trả lời: "Dạ, đã cố gắng thể hiện những ý anh chỉ dẫn, hy vọng là được ạ".
Anh Ba bảo tôi đem bản thảo lên đọc cho anh nghe. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng ngày 7.9.1969. Nghe xong anh bảo: "Về cơ bản thế này là được. Song cần suy nghĩ thêm về sự cân đối giữa các đoạn nói về tư tưởng của Bác, về nội dung năm lời thề; cần rà soát các câu trích lời Bác cho thật chính xác; có một số từ ngữ chưa chuẩn, cần cân nhắc thêm. Cuối cùng phải kết thúc điếu văn bằng một trong những khẩu hiệu mà Ban Tuyên huấn Trung ương đã trình với Bộ Chính trị". Dừng lại giây lát, anh nói tiếp: "Nhưng thôi, chú thức suốt đêm, chắc là mệt lắm, hãy cứ để thế cho đánh máy, rồi đề nghị Văn phòng Trung ương mời các anh trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp để cho ý kiến, sau đó sẽ sửa chữa một thể".
8 giờ sáng ngày 7.9, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp chung. Anh Xuân và tôi ngồi ở phòng ngoài, bắt đầu sửa những chỗ anh Ba đã cho ý kiến. Khoảng 11 giờ trưa, anh Tố Hữu và anh Hoàng Tùng từ phòng họp bước ra cho biết bản thảo điếu văn đã được Bộ Chính trị chấp nhận; rồi các anh kéo hai chúng tôi lên phòng họp trên gác để cùng nhau sửa chữa. Tất cả các nhận xét, gợi ý của các anh có mặt trong buổi họp đều được thu thập, đối chiếu, cân nhắc; từng ý, từng câu, từng đoạn trong bản thảo đều được xem xét, rà soát nhằm lựa chọn những lời hay, ý đẹp, những từ ngữ chuẩn xác, những cách diễn đạt trong sáng. Chúng tôi làm việc rất khẩn trương. Đến 13 giờ công việc tạm xong. Đó là lần sửa quan trọng nhất, nhưng chưa phải là lần cuối cùng. Sau khi nghe chúng tôi báo cáo kết quả sửa chữa lần thứ nhất, anh Ba đồng ý và dặn phải gửi bản sửa đó cho các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Hoàng Tùng để các anh xem lại, cho ý kiến sửa chữa thêm cho thật chặt chẽ, hoàn hảo. Đồng thời anh chỉ thị phải gửi ngay bản sửa lần đầu cho Ban Đối ngoại để dịch cho kịp ra 5 thứ tiếng nước ngoài. Khoảng 20 giờ ngày 7.9, bài điếu văn mới được hoàn thiện sau bốn lần rà soát, sửa chữa tiếp.
Sáng ngày 8.9, chúng tôi trình anh Ba bản điếu văn chính thức, báo cáo với anh những chỗ thêm, bớt so với bản sửa lần đầu. Anh cầm bài điếu xem rồi nói: "Giọng của tôi, đồng bào ngoài Bắc nghe không rõ, tôi phải tập đọc trước mới được". Rồi anh ngồi trong phòng làm việc đọc to lên. Nhưng anh không ngăn được xúc động, có nhiều đoạn anh nghẹn lời, nước mắt chảy nhòa cả kính. Thấy anh Ba khóc nghẹn ngào, chúng tôi càng thấu hiểu tình cảm sâu nặng của anh đối với Bác Hồ. Mấy anh em chúng tôi có mặt hôm đó không ai cầm được nước mắt...
Xin ông nói thêm đôi điều về lời văn của bài điếu?
- Ông Đống Ngạc: Cuộc đời vĩ đại, công đức cao dày của Bác Hồ nhiều người Việt Nam đều biết. Vì thế, anh Xuân và tôi bàn nhau viết về thân thế, sự nghiệp của Bác, không nên diễn đạt dài dòng, nhất là phải tránh sáo mòn, công thức. Lời văn phải giản dị, súc tích, trong sáng, dễ hiểu, không dùng từ ngữ to tát nhưng phải nói được ý lớn. Tôi nghĩ rằng lời văn bài điếu đã đạt được yêu cầu đó. Bài điếu đã phản ánh được phần nào bản sắc dân tộc, có nhạc, có hồn, có sức truyền cảm, toát lên tấm lòng sâu thẳm, bao la của Bác Hồ với dân, với nước, đồng thời thể hiện được tình sâu nghĩa nặng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác muôn vàn kính yêu.
* Gần 25 năm giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn, điều gì để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất?
- Ông Đống Ngạc: Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là được thấy ở anh Ba một con người rất giản dị, nhân hậu, rất gần cuộc sống đời thường; một con người có bộ óc vĩ đại, kết hợp nhuần nhuyễn tình cảm cách mạng cháy bỏng với tri thức cách mạng sâu sắc; một nhà chiến lược kiệt xuất, có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, có tư duy năng động, sáng tạo thể hiện nổi bật tinh thần độc lập tự chủ rất cao của Đảng ta. Kháng chiến chống Mỹ là một việc cực kỳ khó khăn. Có độc lập tự chủ, Đảng ta mới vượt qua được những sức ép của các bạn đồng minh, đồng thời giữ vững chính sách đoàn kết quốc tế đúng đắn, tranh thủ sự giúp đỡ nhiều nhất có thể được của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới; nhờ đó tạo ra được sức mạnh tổng hợp cần và đủ để đánh thắng. Có độc lập tự chủ, ta mới dám chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với Mỹ, đồng thời mới tìm ra cách đánh, cách thắng tên đế quốc siêu cường. Chúng ta đã biết mở đầu cuộc chiến một cách khôn khéo. Chúng ta đã điều khiển cuộc kháng chiến một cách chủ động, sáng tạo. Chúng ta đã kết thúc chiến tranh đúng thời cơ lịch sử, giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó là một thắng lợi trọn vẹn, có lợi nhất cho cách mạng nước ta và cả cho cách mạng thế giới.
Sau Bác Hồ, anh Ba là người có công lớn nhất đối với sự nghiệp hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc...
* Câu hỏi cuối cùng: Ông có ý định viết hồi ký về những năm tháng làm thư ký cho Tổng bí thư Lê Duẩn không?
- Ông Đống Ngạc: Tôi chỉ là một người bình thường như nhiều người khác, nên tôi chưa nghĩ đến điều đó.
* Xin cảm ơn ông.
X.H
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

No comments:

Post a Comment