Đóng góp của lực lượng nội tuyến ở chiến trường B2 trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975
Thứ sáu, 24/04/2020 - 10:53 sáng GMTTrong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động nội tuyến là nội dung quan trọng trong công tác binh vận của Đảng, là hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng và tuyên truyền vận động, gây binh biến, khởi nghĩa, kết hợp với tiến công từ bên ngoài làm suy sụp tinh thần, tan rã về tổ chức quân đội, chính quyền VNCH từ bên trong.
Nhận thức sâu sắc vai trò của hoạt động nội tuyến, sau Hiệp định Pari (1-1973), Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo đẩy mạnh công tác binh vận, đẩy mạnh hoạt động nội tuyến trong lòng địch, với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Chiến trường B2 là chiến trường có tính chất phức tạp, có nhiều cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội VNCH, quân chủ lực và hệ thống quân địa phương VNCH được kiện toàn đầy đủ, với số lượng đông.Chiến trường B2 là chiến trường rộng lớn, bao gồm các tỉnh: Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Tuy; các tỉnh Nam Bộ bao gồm: Phước Long, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Long, Bình Dương , Biên Hòa, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Định Tường, Bến Tre, Gò Công), Châu Đốc, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh,Cần Thơ, Ba Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau, Chương Thiện và đặc khu Sài Gòn - Gia Định[1]. Tuy nhiên, sau Hiệp định Pari (1-1973), đế quốc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chính quyền và quân đội VNCH có biểu hiện hoang mang lo sợ, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt, nhiều binh sĩ đảo ngũ chạy về với cách mạng, mong muốn được hòa bình thống nhất dân tộc, chính quyền VNCH tiến hành bắt lính tràn lan, coi trọng về số lượng, đó chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cơ sở nội tuyến.
Trước những biến đổi mới về tư tưởng và tổ chức của quân đội VNCH, Trung ương Cục miền Nam nhận định, làm tan rã binh sĩ VNCH là việc làm rất quan trọng, đặc biệt là làm mục ruỗng, tan rã binh sĩ VNCH ngay từ bên trong. Từ nhận định trên, Trung ương Cục chủ trương đẩy mạnh công tác binh vận và đẩy mạnh hoạt động nội tuyến trong lòng địch. Để hoạt động nội tuyến diễn ra có hiệu quả, Trung ương Cục xác định, trước tiên phải xây dựng được hệ thống cơ sở nội tuyến rộng khắp trong các đơn vị chủ lực và địa phương quân VNCH. Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 12 (12-1973), chủ trương“Phải tích cực khẩn trương xây dựng cơ sở trong lòng địch phục vụ cho yêu cầu trước mắt và lâu dài, chú ý công tác vận động sĩ quan, nhằm những sĩ quan từ cấp úy trở xuống”[2].Đối với sĩ quan bên trên, tận dụng mọi khả năng quan hệ tình cảm, kể cả việc khai thác quan hệ làm ăn buôn bán để tranh thủ hòa hoãn trung lập từng bước và vô hiệu hóa họ. Đối với binh sĩ VNCH, nắm chắc chuyền biến tư tưởng và thái độ chính trị và lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ của chúng, đề ra nội dung truyên tryền vận động binh sĩ cho phù hợp.
Để xây dựng cơ sở nội tuyến rộng khắp và hiệu quả, tháng 8 năm 1974, Thường vụ Trung ương Cục ra Nghị quyết về công tác binh vận, đề ra một số giải pháp cấp bách xây dựng cơ sở nội tuyến như: Khai thác khả năng của tất cả các lực lượng, các tổ chức tham gia xây dựng cơ sở nội tuyến. Phát động thành phong trào của mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên có con em trong hàng ngũ địch để móc nối xây dựng cơ sở. Các cấp nỗ lực xây dựng thật nhiều cơ sở trong những đơn vị quan trọng, chú trọng những quân, binh chủng, kho tàng, cơ quan đầu não địch. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng cơ sở nội tuyến một cách toàn diện, về trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức, cách hoạt động trong lòng địch. Cấp ủy các cấp phải trực tiếp chỉ đạo hoạt động cơ sở nội tuyến, phân công đồng chí cấp ủy viên chuyên trách đi sâu.
Thực hiện chủ trương trên, tại Tây Nam Bộ hết năm 1974 ta xây dựng được 2000 cơ sở nội tuyến, kể cả trong các cơ quan đầu não của địch ở Cần Thơ, tại Sài Gòn - Gia Định đã mở thêm và củng cố trên 300 lõm chính trị, nắm các lực lượng PVDS, dân vệ, cảnh sát, tại tỉnh Bến Tre xây dựng cơ sở nội tuyến trên 400 đồn bốt, cuối năm 1974 có 979 cơ sở nội tuyến trong toàn tỉnh [3]. Đến nửa đầu tháng 4 năm 1975, cơ sở nội tuyến được xây dựng ở hầu hết các đơn vị chủ và địa phương quân đội VNCH, các đội công tác nội tuyến đã phát triển, liên lạc được với các cơ sở trong Bộ Tổng Tham mưu, các sư đoàn chủ lực, trung tâm huấn luyện Quang Trung, sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan Bộ Tư lệnh Hải Quân, Hải quân công xưởng, Ty cảnh sát Gia Định. Kết quả trên là cơ sở quan trọng để Trung ương Cục chỉ đạo cơ sở nội tuyến tiến công địch thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao.
Cùng với việc xây dựng cơ sở nội tuyến, Trung ương Cục chỉ đạo các cơ sở nội tuyến kết hợp với tiến công quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh pháp lý của Hiệp định tiến công địch mạnh mẽ với nhiều hình thức. Ngày 20 tháng 4 năm 1973, Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo các cấp phải xây dựng kế hoạch công tác nội tuyến. Kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở nội tuyến với tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng nhân dân ở cơ sở để tiến hành binh biến, khởi nghĩa trong các đồn bốt địch. Khoét sâu vào mâu thuẫn và phân hóa cao độ trong hàng ngũ quân VNCH, làm suy yếu tinh thần, tư tưởng, tổ chức quân đội VNCH. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng hành động theo nhiều phương án để khi cần hiệu triệu binh lính, sĩ quan VNCH đứng lên hành động theo yêu cầu binh biến, phản chiến, khởi nghĩa ly khai to lớn và toàn diện trong quân đội VNCH. Thực hiện sự chỉ đạo trên, trong 7 tháng đầu năm 1973 phong trào phản chiến ở Trung Nam Bộ có 144 cuộc, tại sư đoàn 7 có cả hai tên thiếu tá chỉ huy tiểu đoàn tham gia. ỞTây Nam Bộ có 118 cuộc, cơ sở nội tuyến liên tục khởi nghĩa diệt 75 đồn bốt, vận động binh sĩ bỏ ngũ lẻ tẻ và tập thể [4]. Tại Sài Gòn-Gia Định đêm 02 rạng 3 tháng 12 năm 1973 nội tuyến kết hợp với đặc công phá nổ hoàn toàn 35 triệu Galong xăng Shell[5].
Trước yêu cầu mới của cuộc chiến tranh, tháng 3 năm 1974, Ban Binh vận Trung ương Cục triển khai Đề án công tác binh vận, yêu cầu cơ sở nội tuyến trong bất cứ tình hình nào cũng phải tìm cách đánh địch, những lúc lắng dịu tạm thời lại càng nhân cơ hội ấy mà hành động kiên quyết và táo bạo hơn. Cơ sở nội tuyến phải nắm chắc thời cơ khi ta đánh mạnh, khi phong trào quần chúng lên cao, nội bộ địch cắn xé nhau để tiến công giành thắng lợi lớn. Đến cuối năm 1974 và đầu năm 1975 công tác nội tuyến ở nhiều nơi giành được kết quả tốt. Ban Binh vận Tây Nam Bộ cùng với Ban Binh vận Vĩnh Long, Trà Vinh sử dụng 60 cơ sở nội tuyến đánh chất nổ các cơ quan đầu não địch, kho tàng bến bãi, diệt ác, gỡ 40 đồn, diệt 1300 tên, thu 1000 súng. Tại Tây Nam Bộ cơ sở nội tuyến đánh 483 trận và tổ chức 3 cuộc binh biến, diệt 205 đồn bốt, thu 1975 súng. Tháng 10 năm 1974, đội P729 của Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo cơ sở nội tuyến tại sân bay Trà Nóc nổ mìn tan xác 2 máy bay Skyraider.
Để bảo đảm cho trận đánh lớn, trận đánh cuối cùng giành thắng lợi, hoạt động nội tuyến trên chiến trường B2 được chỉ đạo liên tục với những nội dung, hình thức khác nhau. Ngày 4 tháng 11 năm 1974, Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo các cấp khẩn trương tổ chức cơ sở nội tuyến trong lòng địch hành động, tạo thành một lực lượng cách mạng nổi dậy từ bên trong, liên hiệp với tiến công và nổi dậy bên ngoài. Cơ sở nội tuyến chiến lược hành động đúng thời cơ, đúng thời điểm, gây tác động quân sự, chính trị lớn trong quân đội và chính quyền VNCH, góp phần tạo nên chuyển biến tình hình mạnh mẽ. Ngày 14 tháng 01 năm 1975, Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo các Khu ủy, Quân ủy Miền, yêu cầu cơ sở nội tuyến các cấp, chỗ nào làm binh biến, khởi nghĩa ly khai được thì tiến hành ngay, vừa làm suy yếu tan rã lực lượng của địch vừa xây dựng, phát triển cơ sở của ta trong hàng ngũ địch. Để đáp ứng yêu cầu Tổng tiến công và nổi dậy làm tan rã binh sĩ VNCH, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 29 tháng 3 năm 1975 diễn ra Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 15, Trung ương Cục chủ trương tổ chức và lãnh đạo phong trào quần chúng rộng mạnh tiến công binh vận và thực hiện “binh biến khởi nghĩa trong quân đội Việt Nam Cộng hòa thật kiên quyết, liên tục, táo bạo” [6] trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với nhịp độ tiến công quân sự để đẩy nhanh sự tan rã lớn của quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Với chủ trương và sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Cục và Ban Binh vận Trung ương Cục trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, các địa phương, ban ngành nhanh chóng tổ chức cơ sở nội tuyến tiến công địch với nhiều hình thức phong phú. Thành ủy Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo kết hợp nổi dậy của quần chúng với hoạt động nội tuyến, hình thành công, nông, binh liên hiệp nổi dậy, toàn bộ cơ sở nội tuyến phải hành động theo kế hoạch, ở đâu phối hợp được là phối hợp và hành động ngay. Ở Bình Thuận, thị xã Phan Thiết quần chúng nhân dân nổi dậy kết hợp với cơ sở nội tuyến và lực lượng bên ngoài giải phóng thị xã. Cơ sở nội tuyến trong 3 mũi góp phần làm tan rã 8 tiểu đoàn, 18 đại đội biệt động, 136 trung đội bảo an, dân vệ và toàn bộ hệ thống kìm kẹp, vận động 14.000 binh sĩ ra đầu hàng nộp vũ khí[7]. Nhằm thúc đẩy thời cơ chiến lược, làm tan rã lớn binh sĩ VNCH, Ban Binh vận Trung ương Cục phối hợp với lực lượng quân sự, chỉ đạo cơ sở nội tuyến chiến lược Nguyễn Thành Trung trong phi đoàn 540, sư đoàn 3 không quân VNCH, sáng 8 tháng 4 năm 1975, lái máy bay F5E xuất kích từ sân bay Biên Hòa bay đến ném bom dinh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, sau đó bắn phá kho xăng Nhà Bè. Hành động Nguyễn Thành Trung lấy máy bay của địch ném bom dinh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu làm cho bộ máy chính quyền đầu não và binh sĩ VNCH hoang mang dao động. Sáng 28 tháng 4 năm 1975, Ban Binh vận Trung ương Cục chỉ đạo cơ sở nội tuyến thiếu tá Lê Quang Ninh tiểu đoàn trưởng thuộc trung đoàn 50, sư đoàn 25 VNCH đưa cả tiểu đoàn 270 người về với cách mạng. Cơ sở nội tuyến chiến lược Nguyễn Hữu Hạnh, chiều 29 tháng 4 năm 1975, với danh nghĩa phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, ra lệnh cho quân đội VNCH án binh bất động ở nguyên vị trí. Sáng 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Hữu Hạnh vận động đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đầu hàng nhanh chóng vào lúc 9 giờ 30 phút. Cơ sở Triệu Quốc Mạnh, giám đốc cảnh sát Sài Gòn – Gia Định lệnh cho cảnh sát không được nổ súng, giải tán 16.000 cảnh sát. Tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh biệt khu Thủ Đô đầu hàng và nộp nguyên vẹn căn cứ, biệt khu, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho cách mạng. Cơ sở nội tuyến Nguyễn Văn Huấn chỉ huy phó trung tâm huấn luyện Quang Trung lệnh cho các trại không được nổ súng, làm tan rã 20.000 khóa sinh, binh lính, sĩ quan ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chi bộ nội tuyến viễn thông bưu điện do đồng chí Tư Chí ủy viên Ban Binh vận Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo, đã bảo vệ an toàn những nơi trọng yếu như đài Viba, đài điện báo và các xưởng quan trọng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cơ sở nội tuyến trong Bộ Chỉ huy biệt động quân, vận động tan rã 2 chiến đoàn, giữ căn cứ giao cho cách mạng. Cơ sở nội tuyến ở các nơi đều hướng dẫn binh sĩ VNCH tan rã hoặc đầu hàng, giúp bộ đội ta tiếp quản nhanh chóng[8].
Những ngày cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, tại đồng bằng sông Cửu Long từ Khu ủy đến xã, ấp liên tục chỉ đạo cơ sở nội tuyến kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương làm binh biến, khởi nghĩa, hướng dẫn binh sĩ VNCH tan rã hoặc đầu hàng, giúp bộ đội ta tiếp quản nhanh chóng và giành chính quyền ở nhiều nơi. Tại trọng điểm thành phố Mỹ Tho, sáng 30 tháng 4 năm 1975, 8 thanh niên kết hợp với cơ sở nội tuyến chiếm kho súng của phòng vệ dân sự trong trường Nguyễn Đình Chiểu. Tại tỉnh Bến Tre thiếu tá Bửu cơ sở nội tuyến ra lệnh thiết quân luật, thúc ép sĩ quan còn lại đầu hàng vào 20 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, làm tan rã 20.000 binh sĩ VNCH. Tại Cần Thơ ngày 30 tháng 4 năm 1975, cơ sở nội tuyến trong trại nhập ngũ số 4 mở cửa giải phóng 4000 thanh niên bị bắt lính, mở cửa 2 trại giam giải phóng 6.000 tù chính trị. Tại Long Xuyên và Châu Đốc cơ sở nội tuyến phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân và lực lượng quân sự tại chỗ chiếm đài viễn thông, bãi pháo, sân bay, ty giáo dục, ty ngân khố, góp phần làm tan rã 2 vạn quân Hòa Hảo có ý định tử thủ đến cùng[9].
Hoạt động nội tuyến trong lòng địch trên chiến trường B2 trong giai đoạn 1973 -1975, được Trung ương Cục, Ban Binh vận Trung ương Cục và các địa phương quan tâm đề ra chủ trương, chỉ đạo và tổ chức tiến công địch kiên quyết với nhiều hình thức sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Kết quả của hoạt động nội tuyến trên chiến trường B2 thực sự to lớn, làm tan rã hàng vạn binh sĩ VNCH, thuyết phục được nhiều cán bộ cấp cao của chính quyền và quân đội VNCH đầu hàng, hợp tác, ra lệnh ngừng bắn, giải tán các đơn vị quân đội VNCH, góp phần vào hạn chế thương vong, tổn thất cho cách mạng. Hoạt động nội tuyến còn làm cho quân đội và chính quyền VNCH hoang mang về tinh thần, dệu dão về tư tưởng, tan rã nhiều đơn vị, có nơi tan rã cả Trung đoàn, Chiến đoàn quân đội VNCH. Thắng lợi của hoạt động cơ sở nội tuyến, góp phần thuận lợi cho các mũi đấu tranh quân sự, chính trị tiến công địch, giành thắng lợi cuối cùng. Hành động của Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là kết quả của quá trình vận động của cơ sở nội tuyến chiến lược có ý nghĩa to lớn cho cách mạng, được Ban Bí Thư Trung ương Đảng ghi nhận “tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh có tác động nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào những giờ chót của cuộc chiên tranh, đó là thành công của công tác binh vận chọn đúng đối tượng, tác động đúng thời điểm”[10]. Thắng lợi của hoạt động nội tuyến trên chiến trường B2, góp phần to lớn vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam.
[1] Ban Tổng kết chiến tranh B2 (1984), Dự thảo, Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ - ngụy trên chiến trường B2, Lưu hành nội bộ, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự.
[2]Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, t34, tr.507.
[3]. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tổ Biên tập công tác binh vận (2000),Tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) trên chiến trường B2 cũ. Tài liệu lưu tại Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, tr.129-131.
[4]. Ban Binh vận Trung ương Cục(1973),Số liệu công tác binh vận từ sau ký Hiệp định Pari đến tháng 7 năm 1973, Lưu Cục Dân vận, Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng, Hà Nội.
[5]Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tổ Biên tập công tác binh vận (2000),Tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) trên chiến trường B2 cũ. Tài liệu lưu tại Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Hà Nội.
[6]Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, t36, tr.503.
[7] Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (1995), Lịch sử Khu 6 (Cực Nam Trung Bộ)trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.416.
[8]Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - Tổ Biên tập công tác binh vận (2000),Tổng kết công tác binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) trên chiến trường B2 cũ. Tài liệu lưu tại Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Hà Nội, tr.141-151.
[9]Quân đội nhân dân Việt Nam (2002), Tổng kết công tác binh – địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.185.
[10]Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2012), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, 1954 -1975, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.1028.
http://www.hocvienchinhtribqp.edu.vn/index.php/bai-bao-khoa-hoc/dong-gop-cua-luc-luong-noi-tuyen-o-chien-truong-b2-trong-dai-thang-mua-xuan-nam-1975.html