Tên Đại Việt gian lãnh chúa khu tự tri Phát Diệm
Anselmô Tađéo Lê Hữu Từ
-
- Quang Toản & Nguyễn Hoài
- (N.x.b Khoa học 1965)
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Lê Hữu Từ được Hồ Chủ tịch mời ra làm cố vấn Chính phủ. Trong suốt thời gian đảm nhận chức cố vấn, mọi hoạt động của Lê Hữu Từ không những không đem lại lợi ích nhỏ nhặt nào cho nhân dân, cho Tổ quốc, trái lại còn phá hoại sự nghiệp cách mạng, phá hoại công cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta. Lê Hữu Từ lợi dụng địa vị giám mục và chức cố vấn Chính phủ, đi kinh lý các nơi, tuyên truyền xuyên tạc mọi chính sách đứng đắn của Chính phủ. Một mặt Từ ngăn cấm giáo dân gia nhập các đoàn thể cứu nước (1), mặt khác y tổ chức các hội đoàn để tập hợp những lực lượng phản động. Ngòai mặt Từ tuyên bố : “Công giáo cứu quốc đứng trong mặt trận Việt Minh”, nhưng thực chất thì như báo Đời Sống, cơ quan ngôn luận chính thức của địa phận Phát Diệm, đã thú nhận: “Mấy tiếng ‘đứng trong Mặt trận Việt Minh’ chỉ là một mánh khóe che đậy một mưu toan thầm kín. Có đứng trong mặt trận Việt Minh mới có quyền lập tự vệ võ trang, mới có quyền tổ chức những hoạt động cứu quốc” (2). Những hoạt động cứu quốc của Từ và đồng bọn thực ra đều là những hoạt động phản quốc .
Ngay từ đầu năm 1946, công việc đầu tiên của Từ là sắm sử vũ khí. Từ đã triệu tập hội nghị linh mục toàn địa phận, vạch ra đường lối, chính sách chống Việt Minh, bắt các xứ phải góp tiền mua sắm vũ khí. Linh mục Chu và già Thiện được Từ giao phụ trách công việc này. Từ rất quan tầm đến mọi việc. Từ giao cho linh mục Hàm chuyển 15 vạn đồng cho Vũ Hồng Khanh để mua súng đạn; giao cho bọn Trung , Tròn và già Thoại 23 vạn đồng đi mua sắm ở Móng Cái, cử Trần Hữu Phan liên lạc với giặc Pháp ở Hà Nội; ủy quyền cho bọn Thiện, Điện viết giấy cầm 300 mẫu ruộng của Nhà chung Phát Diệm cho Nhà chung Hải Phòng để lấy tiền mua súng; viết thư xin tiền Khâm mạng Đrapiê...
Kết quả bọn già Thiện đã mua được bảy thuyền vũ khí của Pháp và được tàu Pháp hộ tống đưa về Cồn Thoi.
Để có nhiều vũ khí hơn nữa, Từ cho lập công binh xưởng ngay trong Nhà chung Phát Diệm và cử Hoàng Quỳnh đi các xứ thuộc Nam Định, Thanh Hóa vận dộng giáo dân góp tiền. Từ còn ra lệnh cho bọn vệ sĩ tìm cách cướp giật vũ khí của bộ đội và cán bộ khi họ qua Kim Sơn (Ninh Bình).
Cùng với việc sắm sửa vũ khí, Từ tập hợp và tổ chức các lực lượng phản động.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Từ ra thông tri cho các xứ phải chuyển “Công giáo cứu quốc” thành “Tự vệ cứu quốc”. Những trung đội biệt lập, tổ chức từ trước, nay mở rộng thành các trung đội “vệ sĩ” (1946), “cựu chiến binh” (1947), các đoàn “dũng sĩ” (1948) ... Khi đã có vũ khí, có lực lượng, y chia địa phận Phát Diệm ra làm ba khu quân sự. Chỉ huy khu Phát Diệm là linh mục Hoàng Quỳnh, khu Phúc Nhạc là linh mục Hiệp và Cai Khoan, Cao Thăng; khu Gia Khánh, Gia Viễn, Nho Quan do linh mục Nguyễn Gia Đệ phụ trách. Các khu chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện quân sự, tình báo cho tự vệ và thanh niên Thiên Chúa giáo. “Tổng bộ Công giáo” phụ trách chung cả ba khu.
Hàng ngày, qua phòng thông tin và tờ tuần báo Tiếng Kiêu (3), Lê Hữu Từ xúi giục giáo dân giết hại cán bộ, chống lại chính quyền và chia rẽ lương giáo. Từ xảo quyệt tự thảo ra “mật lệnh cấm đạo” và nói là của Tổng bộ Việt Minh do Từ lấy được, để ly gián giáo dân với chính phủ ta. Từ cho tự vệ bao vây, phá phách huyện bộ Việt Minh Kim Sơn và chém giết cán bộ ở đó (1947). Từ còn là kẻ chỉ đạo vụ phiến động Phúc Nhạc cuối năm 1947. Chính Từ đã đồng ý để cho bọn côn đồphục kích giết hại đoàn đại biểu của Chính phủ ta về hội đàm với Từ tại Phúc Nhạc (4). Trước những hoạt động phản cách mạng và chống phá kháng chiến của Lê Hữu Từ, người dân bên đạo phần nào đã thấy bộ mặt giả dối, phản dân hại nước của y, Những lời đồn đại : “Cha Từ mồm thì theo cụ Hồ mà bụng thì theo Tây” hay : “Đức Cha hai lòng”, mỗi ngày một nhiều và lan rộng trong nhân dân.
Sau vụ phiến động Phúc Nhạc, một mặt ta kiên trì giải thích chính sách đòan kết lương giáo, một mặt trừng trị những tên đầu sỏ phản động. Lê Hữu Từ và đồng bọn thấy rõ điều đó, nên chúng hoạt động theo một hướng mới: bí mật, cẩn thận, thủ đoạn tinh vi hơn trước. Từ chú trọng nhiều hơn vào các phần tử bất mãn với ta, y luôn luôn đưa ra vấn đề “cộng sản vô thần” để dọa con chiên ngoan đạo. Tháng 10-1947, Từ được chính phủ cho phép lập khu an toàn Phát Diệm. Khu an toàn gồm đất xã Phát Diệm, từ phố chạy dài tới nghĩa địa rộng nửa cây số, dài hai cây. Từ cho rào hết mọi cổng ngõ, dựng nhiều điếm canh ngày đêm có người túc trực, tình báo hoạt động ráo riết. Dần dần khu an toàn Phát Diệm trở thành sào huyệt của bọn phản động, côn đồ tứ xứ.
Năm 1948, Từ cho linh mục Hàm và già Thiệu đi Hải Phòng xin Pháp chóng mang quân vào Phát Diệm. Đáp lại sự cầu cứu của Từ, tháng 6-1948, tên mật thám Malicô (Malico) của Pháp đã thảo kế hoạch chiếm đóng Phát Diệm và giao cho nữ gián điệp Trần Thị Mật mang đến cho Từ. Điều kiện để quân Pháp đánh Phát Diệm theo yêu cầu của Malicô là : Pháp có bao nhiêu vũ khí thì Từ phải có bấy nhiêu thanh niên, và khu Phát Diệm phải được dùng làm căn cứ quân sự để đánh ra các vùng lân cận (5).
Tháng 3-1948, Từ ra lệng tuyển tự vệ cho Nhà chung (Phát Diệm), bắt Bùi Chu phải chuyển vũ khí về Phát Diệm. Y cho mở liên tiếp các lớp huấn luyện tự vệ ngắn ngày tại Nhà chung, rèn 10 ngàn thanh mã tấu, tổ chức tập trân trong khu Nhà chung. Y và đồn bọn không ngớt xuyên tạc ý nghĩa lớn lao của ngày 2-9. Chung nói: “Ngày 2-9 không phải là ngày độc lập mà chỉ là ngày giành chính quyền” (!). Tháng 8-1948, trong một buổi mít tinh cổ động cho Bảo Đại, Từ nói với giáo dân: “Cha sẽ tổ chức quân đội hùng mạnh để chống cộng sản Việt Minh” và không ngớt tuyên truyền cho Bảo Đại. Để lừa đối nhân dân, một mặt Từ ra thư luân lưu số 39, ngày 17-4-1949 tuyên bố : “Tôi đã tuyên bố nhiều lần rõ rệt thái độ của tôi: tôi vẫn đứng bên cụ Hồ để chống thực dân Pháp đến cùng” (?!!). Mặt khác, ngày 30-8-1949, Lê Hữu Từ triệu tập một cuộc họp bí mật quyết định:
1.Ủng hộ Bảo Đại
2.Vận động giáo hữu rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Ngày 10-10-1949, Từ nhận được thư của Bảo Đại ủy nhiệm coi sóc “phần đời” hai địa phận Phát Diệm và Bùi Chu. Cùng ngày ấy, linh mục đại úy Giêglen (Géglen), theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu Pháp, bí mật tới Phát Diệm để bàn định với Từ về kế hoạch đón Pháp. Sau cuộc gặp gỡ này, Từ cho tổ chức chặt tre đóng hai hàng rào cọc bao vây lấy khu Phát Diệm: một từ Tam tổng qua Phát Diệm đến Đò Mười, một từ Sanh qua Phúc Nhạc đến Chợ Bút. Y còn cho sửa soạn nghĩa địa Lưu Phương, chặt cây, quét vôi làm hiệu cho quân nhảy dù. Đồng thời, y báo cho tu viện Châu Sơn tin Pháp sắp nhảy dù và ra lệnh cho linh mục bề trên của tu viện phải để Pháp đóng quân trong khu vực nhà dòng.
Ngày 16-10-1949, giặc pháp nhảy dù Phát Diệm và đổ bộ lên cửa biển Ba Lạt (Nam Định). Giặc đi đến đâu, bọn tay chân của Từ đứng ra dẫn đường chỉ lối đến đấy. Sau khi Pháp nhảy dù, Từ huyênh hoang tuyên bố trước giáo dân: “Tôi nghiêng bên nào bên ấy thắng”(!) [6] và “Chỉ trong một tháng, Pháp sẽ lấy xong Ninh Bình” ! (7) Nhưng trước những tai họa do giặc Pháp gây ra quá nhiều, ngày 20-10-1949, Từ vội vã ra thư luân lưu an ủi: “Tôi hết sức đau đớn trước những nguy hiểm về tinh thần và vật chất mà anh em hoặc đã phải chịu hoặc có thể chịu từ ngày bắt đầu có cuộc hành quân trong xứ sở yêu quý, việc đã xảy ra bất ngờ quá”! (8) và chối cãi quanh co : “Tôi không bao giờ có ý tưởng cầu cứu quân đội Pháp, không hề có cuộc tiếp xúc nào với Bảo Đại”! (8). Xảo quyệt hơn, để lừa bịp giáo dân Bùi Chu, Phát Diệm, ngày 13-11-1949, Từ gửi thư lên Hồ chủ tịch nói:
“Chúng tôi bị mắc nghẽn trong vòng vây của địch trong gần một tháng nay mới tìm dịp gửi thư lên Cụ... Tôi đau đớn vô cùng về việc này và sau gần một tháng trời, tôi vẫn còn buồn rầu và không ngủ được” (?!) [7].
Nhưng ngày 17-10-1949, đài phát thanh A.F.P của Pháp đã loan tin xác nhận: “Quân đội Pháp đã nhảy dù xuống Phát Diệm theo lời yêu cầu của Đức Cha Lê Hữu Từ” (7).
Giặc Pháp chiếm đóng Phát Diệm - Bùi Chu, Lê Hữu Từ cố sức vận động với quan thầy Mỹ (8) và mặc cả với thực dân Pháp để lập “Khu tự trị”. Để việc chiếm đóng khu Phát Diệm – Bùi Chu được nhanh chóng, Pháp tạm thời đồng ý. Từ vội vàng tổ chức cơ quan hành chánh, công an, tự vệ.... Y dung túng cho tay chân mặc sức cướp bóc vơ vét của cải, lùng bắt cán bộ trong khu, gây nên những cuộc xung đột đổ máu giữa lương và giáo. Từ cho lập lại phòng Thông tin và ra tờ tuần báo Lượm Tin thay cho tờ Tiếng Kêu (sau đổi thành nguyệt san Đời Sống), không ngớt xuyên tạc chính sách của ta và tán tụng bọn bù nhìn bán nước. Từ nêu ra nào “Phúc tử vì đạo”, nào “Bảo vệ Chúa”, “Bảo vệ thánh đường”, để dụ dỗ thanh niên vào ngụy binh. Từ bắt các xứ vùng tự do phải tuyển thanh niên đưa về Phát Diệm. Tổng bộ Phát Diệm, khu bộ Phúc Nhạc và nhiều xứ bộ đã công khai lập bàn giấy ngụy quyền ngay trong nhà thờ, nhà xứ. Tất cả chánh tổng, lý trưởng, trương tuần, ủy ban quân sự (có nơi gọi là ban bảo an, xã ủy....) đều do các linh mục chỉ huy và đặt dưới sự kiểm sóat của giặc Pháp. Lực lượng vũ trang của Từ lúc này mang một tên chung là “tự vệ”. Những đội quân “tự vệ” này được tung ra mặt trận phối hợp cùng giặc Pháp càn quét, cướp bóc khắp nơi. Để tăng cường lực lượng quân sự, Từ tổ chức ra quân “Tự lực đòan”, Từ tự tay trao lá cờ danh dự (!) và làm lễ rửa tội, rồi đặt tên cho đoàn quân. Từ đấy trong các trận càn, người dân vùng biển khó mà phân biệt được tội ác nào là của Pháp, tội ác nào là của lính cha Từ. Lính cha Từ, lính Quốc trưởng, lính Pháp chỉ là một khối thống nhất. Ít lâu sau, tiểu đòan “Tự lực” Bùi Chu cũng ra đời. Để đề cao mình và ca ngợi bọn đế quốc xâm lược, Lê Hữu Từ cho tay chân tung ra bài hát:
- “Lê Hữu Từ
- Lệnh truyền vệ sĩ ra đi
- Trước là giữ lấy phần hồn
- Sau là phần xác chúng con được nhờ.
- Ơn lòng nước Phú-lang-sa,
- Lại còn Anh, Mỹ tay ba liệt cường,
- Các ngài vốn có lòng thương,
- Giúp cho trăm họ mọi đường hẳn hoi” (9)
Tay chân ngày một nhiều, tham ô ngày một lắm, ngòai số tiền hàng tháng hai triệu đồng của chính quyền bù nhìn gửi cho, năm 1950, Từ bắt đầu nhận viện trợ Mỹ (10). Để tạ ơn quan thầy Mỹ, Từ cử người sang Mỹ học và lập ra đoàn “Phụng sự quốc gia” để tuyên truyền ca tụng Mỹ. Nhưng trái với ý muốn của Từ, dư luận trong nhân dân về những hành động của y ngày càng nhiều. Y vội vàng tuyên bố:
“Tôi không thiên về Anh, về Mỹ hay nước nào cả! Tôi không thiên về Bảo Đại, cũng không thiên cụ Hồ, không thiên về ai hết! Tôi chỉ thiên về Tổ quốc Việt Nam” (11).
Đó chỉ là những lời lừa bịp quần chúng của Lê Hữu Từ. Từ “không thiên về cụ Hồ”, việc đó đã rõ ràng, đúng như vậy. Còn Từ nói “không thiên về Bảo Đại”, “không thiên về Anh, về Mỹ” thì sự thật đã ngược lại: từ lâu Lê Hữu Từ đã “thiên” về Bảo Đại và bọn đế quốc xâm lược. Trong cuộc mít tinh trọng thể tại khu Phương Đình Phát Diệm (6-9-1953), dưới khẩu hiệu” “ủng hộ Đức Quốc trưởng Bảo Đại”, Từ đã say sưa nói: “Tôi còn nhớ năm xưa thời Việt Minh tôi có gặp quốc trưởng lúc đó đang là cố vấn Vĩnh Thụy. Hai ‘đồng chí’ chúng tôi (vì khi ấy cũng là cố vấn), đi sát nhau. Tôi ghé nhỏ nói với cố vấn Vĩnh Thụy rằng: Ngài không hành động gì cả?.... Cố vấn Vĩnh Thụy chỉ lắc đầu: Tôi chán lắm. Nhưng già giệt hơn tôi lại nói: cứ làm đi tôi giúp” (12)
Từ lại đã từng tuyên bố với Bảo Đại: “Tôi hứa sẽ luôn luôn bên cạnh quốc trưởng” (13)
Từ khi giặc Pháp chiếm đóng Phát Diệm - Bùi Chu, nhiều lần Từ đã tổ chức đón tiếp sĩ quan Pháp, đại sứ Mỹ và các nhà báo Anh , Mỹ tại Nhà chung Phát Diệm. Y còn tổ chức nhiều cuộc mít tinh lớn để tuyên truyền, đề cao Mỹ và chính phủ bù nhìn, đồng thời mạt sát chính phủ ta và mọi chính sách kháng chiến của ta; y hô hào giáo dân chống lại Việt Minh cộng sản và kháng chiến.
Nhà hát lớn Phát Diệm, nhà trường Phúc Nhạc... đã biến thành những nơi giam cầm tra tấn những người yêu nước kháng chiến. Tội ác của Lê Hữu Từ và bè lũ ngày càng chồng chất. Nhân dân trong “khu tự trị” vô cùng căm phẩn. Nhiều đội du kích bí mật được thành lập và hoạt động ngay trong “khu tự trị”. Phong trào đấu tranh trong quần chúng nhân dân ngày càng sâu rộng.
Vì hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của nhân dân “khu tự trị”, vì thiếu quỹ để nuôi bọn tay sai, vì áp lực của thực dân Pháp, nên năm 1951 Lê Hữu Từ buộc phải giải tán “khu tự trị”. Y ra thư luân lưu số 59, ngày 26-12-1951, tuyên bố với giáo dân:
“Ngày nay tình thế đã biến chuyển nhiều, tình trạng đặc biệt ấy (14) xét ra không cần nữa nên tôi đã thảo luận với các nhà cầm quyền để thực hành tại đây chính quyền như ở các nơi khác trong toàn quốc. Nguyên tắc đã thỏa thuận xong, chỉ còn các chi tiết thực hành”.
Nhưng Từ còn cố giữ lại 5.000 vệ sĩ để làm lực lượng riêng của y. Y còn ra lệnh: “Báo Sự Thật và số sách cấm (15), cấm ngặt không được đọc” (16).
Tháng 1-1952, Đại hội đại biểu của những người Thiên Chúa giáo yêu nước kháng chiến tòan địa phận Phát Diệm đã họp. Sua khi thông qua chương trình kế hoạch tham gia kháng chiến, Đại hội đã vạch mặt và lên án tên phản động đội lốt thầy tu Lê Hữu Từ. Được tin ấy, Lê Hữu Từ vội vã ra thư luân lưu số 80, ngày 16-3-1952, tuyên bố: “Cuộc hội nghị ấy là bất hợp pháp”. Y cho việc hội nghị lên án y là do “mưu mô bày đặt” của Việt Minh cộng sản, là “đả phá tôn giáo”, là bắt đầu thực hành “cấm đạo”, là muốn “đả phá đến tận nền tảng của giáo hội”. Y nói: “Cộng sản hoàn toàn trái nghịch với gia đình, tổ quốc và tôn giáo”. Rồi y kêu gọi linh mục, giáo dân hãy chống lại cộng sản Việt Minh và lên tiếng khuyên răn:
“Các cha và anh em phải khôn ngoan dè dặt, đừng vội tin những bản tin tức, những tờ bá cáo, những bài tường thuật dù có vẻ ngây ngô thành thực đến đâu do những người ghét đạo, phản đạo trao cho, gửi cho, thông cho” (17)
Để nhấn mạnh việc các linh mục phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị do y ban ra. Y nói:
“Nếu có luật nào vô ý hay mưu mô muốn cho các cha không vân lời tôi thì xin họ hãy biết rằng: bao lâu tôi còn đại diện cho Vatican thì không ai có thể cấm các cha vâng lời tôi được, trừ ra là họ bắt đạo rõ ràng thì không kể” (18).
Chưa hết lo sợ trước sự đấu tranh của giáo dân và các linh mục tiến bộ, Từ lại ra thư luân lưu số 81, ngày 1-4-1952, chỉ ra 10 điều đối phó với Việt Minh.
Cuối năm 1952, ta lại tấn công Phát Diệm. Nhiều đơn vị vệ sĩ của Từ đào ngũ hoặc ra hàng. Lê Hữu Từ càng điên cuồng chống lại kháng chiến hơn trước. Y dùng thần quyền để đàn áp những người tiến bộ, thúc đẩy xúi giục những kẻ lạc hậu, nhẹ dạ đi sâu vào con đường tội lỗi. Từ bắt các nới rào làng, lập bốt; kêu gào các con chiên “đoàn kết chống lại Việt Minh” trong nhiều cuộc mít-tinh.
Ngày 1-12-1953, Từ ra thư luân lưu số 88 kêu gọi những người theo đạo Thiên Chúa phải “sống sạch tội”, phải “hoán cải tâm hồn”. Theo Lê Hữu Từ muốn sống “sạch tội” và “hoán cải” được “tâm hồn”, thì phải rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, chống lại nhân dân, phản lại Tổ quốc. Từ đề cao cái gọi là “lề luật Chúa” để khống chế giáo dân. Y nói:
“Cả tâm tư ngôn ngữ và hành vi trong gia thất cũng như ngoài xã hội, trong các việc đạo cũng như việc đời phải đi sát với lề luật Chúa” (19).
Tuy vậy, lực lượng của Từ ngày càng suy yếu nhanh chónh hơn lúc nào hết, y ra sức tuyên truyền xuyên tạc và tung ra những lời vu không bỉ ổi, nhằm mê hoặc giáo dân. Y kêu than thống thiết:
“Ta nhận thấy chiến tranh làm tan nát từ 13 năm nay, nhất là mấy năm gần đây và chưa biết rõ sẽ còn nguy ngập đến đâu, không khéo thì mạng sống và tài sản của chính ta, của các người thân mến ta, của dòng giống Việt Nam sắp đến ngày tiêu diệt khốn đốn hơn nữa chăng?” (20).
“Trên lãnh thổ Việt Nam, tiếng bom đạn còn đang đùng đùng vang dội, để rồi tàn phá, để rồi gieo thêm tang tóc trong gia đình...!” (21).
Rồi y đổ tội và vu khống cho những người cộng sản. Y nói: lại căn cớ chiến tranh là cộng sản” (20), và :
“Nó (22) đang hòanh hành trên đất nước ta như con sư tử chực nuốt sống ta, chực buộc cổ dân tộc ta vào dưới ách nô lệ thảm khốc, như toàn thể các dân tộc hiện đang rên dưới nanh vuốt cộng sản. Liếc mắt rộng ra thế giới, ta cũng thấy đại chiến tranh cũng chỉ chực bùng nổ gớm ghê, cũng thấy tai nạn cộng sản đang tung hòanh, hoặc đang lan tràn khắp mọi nơi, như muốn đổi địa cầu ra địa ngục” (20).
Nhưng rồi y lại huyênh hoang khác lác: “500 triệu cộng sản mang đầy đủ vũ khí tối tân cũng chỉ là con kiến”! (20).
Song thực ra Lê Hữu Từ chưa hết kinh hoàng trước những thắng lợi liên tiếp của ta trên khắp các mặt trận. Y đã phải than vãn (vì lời kêu gọi của y bấy lâu nay ít được giáo dân hưởng ứng):
“Ăn năn, sửa mình, cầu nguyện, ấy là điều nhắc đi nhắc lại từ 8 năm nay, song tinh thần thống hối đây vẫn còn hiếm quá” (23).
Từ còn trắng trợn xuyên tạc sự thật của công cuộc cải cách ruộng đất:
“Không nói đâu xa, ngay bên mình chúng ta, ai mà không ghê tởm những thói tố khổ, những cách “đấu” dã man: trong ấy người ta vùi dập mọi nhân đạo tình nghĩa và phẩm giá con người” (24)
Y khua môi múa mép khích lệ con chiên rằng:
“Giữa trong cơn nguy khốn, lúc mà bao nhiêu dân tộc đã bị xích hóa, lúc mà cộng sản vô thần ra mắt xâm lấn giang sơn của cha ông chúng ta” (25); “các con hãy sẵn sàng hiến dâng mạng sống”; “nếu ta được phúc chịu khó, chịu đổ máu ta... thì đấy là dịp cho ta chịu khó, chịu chết vì đạo” (26).
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiến triển không ngừng. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ đã đưa lại đình chiến ở Đông Dương. Hòa bình trở lại. Lê Hữu Từ đã bám theo gót giày của bọn xâm lược vào Nam. Trước khi rời khỏi miền Bắc, y còn cưỡng ép nhiều giáo dân vùng Phát Diệm, Bùi Chu, từ bỏ quê hương theo bọn phản động vào Nam.
Bằng việc cấu kết và làm tay sai cho thực dân đế quốc xâm lược, bằng những hành động chống phá cách mạng và kháng chiến, phản lại nhân dân, bộ mặt thật xấu xa ghê tởm của Lê Hữu Từ đã bị phơi trần trước quần chúng. y đã lộ rõ nguyên hình một tên phản động đội lốt Thiên Chúa giáo.
Chú thích:
[1] Lê Hữu Từ thường nói: “Mỗi khi các con muốn gia nhập các đoàn thể, các đảng phải thì phải trình cha trước đã, cha có bằng lòng lúc đó mới được vào”
[2] Báo Đời Sống, số 37, ngày 22-12-1953
[3] Tiếng Kêu: khẩu hiệu của Lê Hữu Từ, khi y được phong chức giám mục (11-7-1945). Khẩu hiệu ấy có nghĩa là: “kêu to lên trước nguy cơ cộng sản”. Ngày 29-2-1947, bọn phản động Thiên Chúa giáo Phát Diệm đã quyết định lấy khẩu hiệu đó đặt tên cho tờ tuần báo đầu tiên của chúng. Tuần báo Tiếng Kiêu mỗi số phát hành từ 3 đến 5 nghìn bản. Chủ nhiệm đầu tiên của tuần báo đó là Đoàn Độc Thư và sau đó là Phạm Văn Quy. Đến tháng 11-1948, tờ tuần báo này bị chính quyền ta bắt đóng cửa vì nội dung ngày càng phản tuyên truyền và chống phá kháng chiến của nó.
[4] Lê Hữu Từ đã trả lời bọn Giáo Trị và Cai Khoan khi những tên này vào xin ý kiến giết hại bốn ông trong phái đòan kà Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Bá, Trần Lâm, Đào Gia Lựu như sau: “Làm cũng được, nhưng có làm thì làm ở nơi xa Phúc Nhạc kẻo ở đấy đã xảy ra lắm chuyện rồi”. Theo kế hoạch định trước thì tên Trần Thái đón đường về của phái đoàn (chỗ Phúc Nhạc đi Thổ Mật). Khi gặp phái đoàn thì giơ tay chào làm hiệu; Phạm Ngự sẽ ném lựu đạn và bọn cầm súng lục: Tống, Hiệp, Vơn, Hiển cũng đồng thời cho súng nhả đạn. Nhưng ông Đào Gia Lựu về lối khác, Trần Thái không biết mặt ba ông kia, khi các ông đi xa rồi chúng mới biết song cũng không dám đuổi theo vì sợ lộ. Việc mưu sát thế là không thành.
[5] Tài liệu do Ban mặt trận Thái Bình cung cấp.
[6] Tạp chí Học Tập số 1-1962, tr.73
[7] Tài liệu do ban Mặt trận Thái Bình cung cấp.
[8] Thư luân lưu số 47, ngày 20-10-1949.
[9] Báo Đời Sống số đặc biệt, số 37, 22-12-1953, cho hay là sau những cuộc tiếp xúc giữa Lê Hữu Từ và đại sứ Mỹ, đại sứ Mỹ đã khen ngợi Từ là người có “bộ óc trông rộng xét xa”.
[10] Báo cáo của linh mục Nguyễn Thế Vịnh trong Đại hội Tôn giáo toàn quốc năm 1953. (tài liệu của Ban Tôn giáo trung ương)
[11] Xem chú thích ở phần III (chưa đăng trên web)
[12] Mai Anh, Vấn đề xã hội, 1950, tr.73
[13] Báo Đời Sống, số 33, tháng 9-1953.
[14] báo Đời Sống, số 36, tháng 12-1953.
[15] Có “khu tự trị”
[16] Tất cả những sách báo tiến bộ.
[17] Thư luân lưu số 67.
[18] Thư luân lưu số 80, ngày 16-3-1952.
[19] Thư luân lưu số 76, ngày 24-2-1952
[20] Thư luân lưu số 89, ngày 18-2-1954
[21] Thư luân lưu số 89, ngày 18-2-1954
[22] Thư luân lưu số 91, ngày 26-4-1954
[23] Chỉ cộng sản
[24] Thư luân lưu số 89
[25] Thư luân lưu số 91
[26] Thư luân lưu của Lê Hữu Từ, số 67, ngày 25-6-1951
Trích tài liệu: “Những hoạt động của bọn phản động đội lốt TCG”
NDVN, ngày 1/3/09.